Nhà văn Nguyễn Viện
Ở Phía Đông Âm Phủ là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Viện vừa được Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành.Tác phẩm gồm 2 truyện: Và, Hắn đã đến và Ở phía đông âm phủ. Cả hai tiểu thuyết ngắn này đều cùng một chủ đề chính trị và con người, một chủ đề được xem là nhạy cảm trong hoàn cảnh Việt Nam đương đại. Đây cũng là chủ đề quen thuộc của nhà văn Nguyễn Viện được thể hiện dưới dạng truyện-kịch, một thể loại “rất hiếm trong văn học Việt Nam”.Đọc Ở Phía Đông Âm Phủ ta lạc vào một không gian xa lạ, với những nhân vật lịch sử sống lại, cử chỉ nói năng vừa giống vừa khác với đời thường. Truyện có sức hấp dẫn kỳ lạ với người ưa tìm tòi, khám phá. NGUYỄN
<!>
Nhà thơ NGU YÊN nhận xét
Nếu nhìn bằng tầm quan sát của luận lý văn học Tây Phương, truyện “Ở Phía Đông Âm Phủ” mang một hình thức phá thể. Không sử dụng một số quy luật về cấu trúc, không gian, và thời gian như luật Kim tự tháp Freytag, học thuật BADS, phương pháp LOCK, kỹ thuật xây dựng 5 giai đoạn, vân vân. Những quy luật này đã trải qua nhiều năm tháng, nhiều thành tựu trong lịch sử văn học, được hướng dẫn trong các chương trình sáng tác văn chương ở đại học. Tiến một bước nữa, tác giả cũng bỏ qua những quy tắc xây dựng tâm trạng căng thẳng, đưa lên đỉnh cao để trả lời câu hỏi kịch tính chủ yếu của truyện, giải quyết điều chủ lực mà tác giả muốn nói và người đọc muốn được thỏa mãn. Có vẻ như tác giả muốn thử thách một con đường khác, nguy hiểm, nhiều khả năng thất bại, nhiều khả năng bị người đọc dừng lại giữa chừng, nhưng nếu tiếp tục phát triển và thành công, sẽ mang đến một lề lối thủ thuật khác về sáng tác truyện. Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm. Chính điểm này đã hấp dẫn người đọc. NGU YÊN
Nhà văn NGUYỄN ĐỨC TÙNG cho biết cảm nghĩ khi đọc OPĐAP
Truyện này gồm có 10,845 chữ, nằm trong khung truyện ngắn từ 3,000 đến 30,000 từ. Tuy không rõ ràng nhưng có thể miễn cưỡng phân chia, phần mở đầu rất ngắn, 286 chữ và phần kết thúc cũng rất ngắn, 264 chữ. Tất cả chữ nghĩa còn lại nằm trong phần xây dựng chính của truyện. Hầu hết bằng lời đối thoại và lời kể chuyện. Đối thoại giữa các âm hồn chia ra nhiều nhóm. Phần đối thoại chính do ông Minh và ông Diệm đảm nhiệm. Lời kể xuất hiện như những móc nối giữa các cuộc đối thoại. Ngoài ra, lời kể còn mang đến những thông tin tài liệu lịch sử và những hư tưởng để làm nền hoặc giải thích dẫn đưa các sự kiện. Lời kể còn thể hiện như những tóm tắt để tăng tốc câu chuyện vì đối thoại thường làm tốc độ kéo dài chậm lại.
Vị trí âm phủ chỉ là cái phong màn cho kịch bản nên không được mô tả chi tiết, thậm chí, sự mô tả nhân vật cũng quanh quẩn về hành vi, cử động lúc đối thoại. Trong khi kỹ thuật mô tả không gian, địa thế, bối cảnh, nhân vật được Tây phương xem trọng và cổ xúy trong nghệ thuật sáng tác. Chữ ‘Âm phủ’ mà tác giả sử dụng làm địa hình chỉ là… «nơi không bao giờ có mưa và thời tiết chỉ là khí sắc của ngọn lửa trên gương mặt thời gian, linh hồn con người trong suốt nhưng ký ức của nó là một ngọn lửa không bao giờ tắt tự thiêu đốt và tồn tại bởi chính sự thiêu đốt ấy”.
Về thời gian, truyện không có tương lai, đã chết rồi, còn tương lai gì? Chỉ có hiện tại rất ít, toàn truyện dựng trên thời gian và bối cảnh quá khứ. Việc này khiến câu chuyện bị giới hạn. Kể lại quá khứ là kể lại những gì mà đa số độc giả đều biết ít nhiều, dù có phần hư cấu thay đổi nhưng vẫn không thoát hết sự kiện lịch sử. Mất đi một phần thú vị bất ngờ của diễn tiến, và sáng tạo trong cốt truyện. Để thay thế vào chọn lựa này, tác giả tập trung vào đối thoại, một trong số kỹ thuật tạo truyện mạnh mẽ nhất. Vì vậy, người đọc phải tìm đến những quan điểm độc đáo, những chi tiết bất ngờ trong lời thoại của các nhân vật. Và dĩ nhiên không thể thiếu, hãy quan sát ngôn ngữ không âm thanh qua cử chỉ và hành vi của mỗi âm hồn.
Về hình thức, tại sao tôi nói “miễn cưỡng phân chia”, vì dưới tầm nhìn từ phong cách Chekhov, truyện ngắn không cần mở đầu, không cần kết thúc, chỉ là một thân bài. Truyện “Ở Phía Đông Âm Phủ” gần như nằm trong dạng này. Dù sao, Nguyễn Viện đã can đảm đầu tư một đường riêng lối hẹp trong bình nguyên mênh mông của truyện kể.
Đi sâu vào nội dung, có lẽ tác giả áp dụng tinh thần chủ nghĩa Tối Giản (Minimalism), cắt bỏ hầu hết những gì được đánh giá là cần thiết (như nhà thơ Ezra Pound đã nói: chỉ cần những điểm sáng), chỉ tập trung vào đối thoại và lời nói của các nhân vật đã được Nguyễn Viện cân nhắc, hư cấu để đưa ra những ý tưởng sắc bén, những chi tiết bất ngờ. Hiệu quả của lời nói, hình ảnh và màu sắc trong chữ nghĩa, chính là nguồn sáng đẩy lui sự âm u ở âm phủ và trong câu chuyện. NĐT
Nhà thơ NGUYỄN THỊ THANH BÌNH cũng nhận định
Ở đây tôi chỉ xin được làm công việc mở một cánh cửa he hé, khi bước vào thế giới văn chương Nguyễn Viện. Nơi lấp lánh, lộng lẫy chất độc sáng khác biệt, giỏi đùa cợt giữa biên giới thực-ảo của thứ không gian tiểu thuyết, và ở đó đối thoại cũng chừng như của những rợn ngợp ý tưởng, trong niềm tin chính bản thân tác giả muốn truyền đạt tới người đọc.
Vâng, khi trái đất đang nóng dần lên, tôi có cảm tưởng hai truyện kịch này của Nguyễn Viện cũng như muốn nổ tung cùng thần trí sáng tạo tuyệt vời của anh.
Cũng cùng một khí quyển chính trị, và cùng một phong cách tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử, nhưng Ở phía đông âm phủ lấy bối cảnh của Việt Nam, và ‘Và hắn đã đến’ mượn bối cảnh quốc tế.
Chúng ta sẽ được dịp gom chung một cuốn sách để đời độc đáo trong tay, dù chỉ vỏn vẹn 169 trang, nhưng có thể nói là đã vắt kiệt hết những suy tưởng ưu tư chất chứa về con người, lẫn những thông hiểu kiến thức thời sự, văn hóa… Đông Tây của một nhà văn đích thực say đắm, cao cả, tận tụy đến miết cuối đời.
Phải công nhận đây là cuốn sách hay lạ kỳ mà tôi được đọc từ bấy lâu nay. Lạ kỳ và của hiếm như chưa từng có một tác giả văn học Việt Nam đã viết trước đó và chắc cả mai hậu. Bởi có lẽ, không một nhà văn nào có thể nhại theo được bút pháp của Nguyễn Viện. Xây dựng cấu trúc một cuốn tiểu thuyết hiện đại thì có thể có khá nhiều người làm được. Nhưng bắt chước cho giống Nguyễn Viện thì không.
Nguyễn Viện thuộc bản quyền bản sắc của Nguyễn Viện đã đành. Văn xuôi của Nguyễn Viện là của riêng một cõi Nguyễn Viện; kể cả ý đồ đánh đổ các yếu tố dựng xây nhân vật và cốt truyện. Nói cách khác, truyện của Nguyễn Viện là truyện không có cốt truyện, và nhân vật cũng không có sự hỗ tương từ đầu truyện đến cuối truyện.
Hẳn nhiên chúng ta cũng không có ý định xếp Nguyễn Viện vào ê-kíp của những tác giả hậu hiện đại, vì chính tác giả nhiều khi cũng không rõ “nguyên tắc” của hậu hiện đại là gì.
Thì chính Nguyễn Viện, khi bàn về nghệ thuật viết văn cũng đã phát biểu: “Một nghệ sĩ đích thực chỉ sáng tạo từ những đòi hỏi của chính mình, không vì nhu cầu hiện đại, hậu hiện đại hay một thứ gì khác.”
Công tâm mà nói, văn của Nguyễn Viện tập hợp được nhiều giọng điệu. Khi thì giễu nhại châm biếm, khi thì thơ mộng như thơ.
Đặc biệt ở 2 truyện kịch này, nổi trội nhất là phần đối thoại giữa những cuộc gặp “giả tưởng” của những chân dung nổi bật thời đại.
Đối thoại được mở ra rất thông minh và có thể làm chao đảo người đọc bằng những cú hích bất ngờ, khi tác giả bám sát vào hiện thực của những sự kiện lịch sử để thực hiện những cuộc trò chuyện, phỏng vấn dưới âm ty hay cả trong một không gian tòa sảnh có máy điều hòa thở đều của trần gian. NTTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét