Tôi tuyệt vọng nhìn một cách vô hồn vào đường ray, trong khoảnh khắc đó toàn thân tôi rung lên hòa lẫn với tiếng gầm rú của đoàn tàu đang lao đến. Từ trong sâu thẳm tâm trí một giọng nói vang lên: “Mình chỉ cần tiến thêm một bước nữa thôi. Nỗi đau và tuyệt vọng này sẽ biến mất mãi mãi.”
<!>
Có thể bạn chưa từng có suy nghĩ này giống tôi, nhưng đây lại là một trong vô số lần tôi muốn kết liễu đời mình. Tại sao tôi lại muốn kết thúc cuộc đời mình đến như thế? Và cuối cùng con đường nào giúp tôi vượt qua nỗi đau và tuyệt vọng để tìm thấy niềm hạnh phúc như ngày hôm nay?
Cuộc sống là một gánh nặng, không phải một món quà
Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở miền nam Trung Quốc, mặc dù cuộc sống rất vất vả nhưng cuối cùng tôi vẫn có cơ hội học tập và giảng dạy tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ thông tin Nam Kinh trong mười năm. Sau đó, tôi chuyển đến Canada cùng với gia đình vào năm 1999 và tiếp tục học lên tiến sĩ tại Đại học Alberta. Hiện giờ, tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc ở Edmonton, nhưng trước khi có được hạnh phúc đó, tôi đã phải trải qua một con đường đầy đau khổ và chông gai.
Từ nhỏ, tôi đã bắt đầu sống trong những ngày tháng khó khăn và đau khổ. Tôi là đứa bé ốm yếu và luôn bệnh tật. Bố mẹ tôi không đủ điều kiện để chăm sóc nên đã gửi tôi đến ở với ông bà tại một vùng nông thôn nghèo ở Trung Quốc. Lúc 5 tuổi, tôi gần như suýt chết vì bệnh bạch hầu do thiếu thuốc men.
Khi bắt đầu đi học, tôi trở về sống cùng với cha mẹ. Vì sống xa nhà từ nhỏ nên tôi cảm thấy xa lạ và khó hòa hợp trong chính gia đình của mình. Cảm giác này còn mạnh mẽ hơn với cha tôi – một người cha cục cằn và bạo lực, nghiện rượu và thuốc lá. Cha tôi thường xuyên đánh đập và chửi mắng tôi, nhiều đến nỗi nó đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Mẹ tôi là người phụ nữ tốt bụng nhưng nhút nhát, bà cũng phải chịu đựng sự thống khổ không chỉ từ cha tôi mà còn bị những người hàng xóm của chúng tôi bắt nạt. Sau khi kết hôn, mẹ tôi bỏ nghề giáo viên ở quê nhà tại quận Yiyang để theo cha tôi đến thành phố Linxiang sinh sống. Vì thế, mẹ tôi không được đăng ký hộ khẩu tại thành phố mới này. Điều này khiến mẹ tôi bị suy sụp, bởi vì theo quy định của chính quyền Trung Quốc, trẻ em phải đăng ký nhập học dưới sự bảo lãnh của người mẹ thì mới được đến trường. Mẹ tôi không được đăng ký hộ khẩu, điều đó có nghĩa là chúng tôi không được đi học. Tuy nhiên, cũng có một điều khoản khác trong luật: Nếu người mẹ qua đời, thì các con có thể được đăng ký đi học dưới sự bảo lãnh của người cha.
Mẹ đã chọn tự vẫn để chị em tôi được đến trường
Hệ thống quan liêu là một chứng bệnh của chính quyền Trung Quốc, nó đã ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc đời tôi. Mẹ tôi đã lo lắng rất nhiều về việc con mình không được đến trường. Vì vậy để những đứa trẻ được đi học, bà đã chọn cách kết liễu cuộc đời mình và để lại bốn đứa con cho cha, lúc đó đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi, 3, 8 và lớn nhất là tôi 13 tuổi. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ phải treo cổ tự tử trên một chùm đèn, trong khi đó những đứa em nhỏ của tôi thì gào khóc dưới chân mẹ. Cái chết của mẹ đã để lại nỗi ám ảnh sâu sắc và sự đau đớn hằn sâu trong trái tim tôi.
Sau khi mẹ qua đời, là con cả trong gia đình, tôi phải gánh vác hầu hết công việc của một người cha, người mẹ. Chăm sóc ba em nhỏ và cả cha tôi. Để hỗ trợ gia đình, tôi đã kiếm thêm thu nhập bằng cách nuôi lợn để bán. Mọi người trong thị trấn nhỏ nơi tôi ở đều biết hoàn cảnh của gia đình tôi. Dần dần, đến tuổi trưởng thành, hoàn cảnh đã hun đúc tôi trở nên một người có tính cách mạnh mẽ và bảo thủ. Tôi đã sống khép mình, cố gắng xa lánh mọi người để không phải chứng kiến sự thương hại, thiếu tôn trọng hay sự thờ ơ mà tôi nhìn thấy trong mắt họ.
Oán hận và cách giải quyết cực đoan
Khi tôi trưởng thành hơn, tôi bắt đầu phản kháng lại sự bạo lực của cha bằng cách im lặng. Tôi nhớ vào một đêm hè, tôi trở về nhà muộn hơn bình thường sau khi đi chơi với vài người bạn. Khi về đến nhà, tôi ngạc nhiên vì cổng nhà đã bị khóa. Cho dù tôi cầu xin thế nào, cha tôi cũng không mở cửa cho tôi. Tôi biết ông sẽ trừng phạt tôi nặng hơn nếu tôi quay trở lại nhà bạn để ngủ qua đêm. Vì vậy, tôi mượn một cuốn tiểu thuyết và bắt đầu đọc nó trong ánh đèn đường lờ mờ. Sáng hôm sau, cha tôi đã đánh tôi tàn nhẫn bằng thắt lưng da. Máu chảy xuống chân tôi, tôi đã không nói một lời nào cho dù nỗi đau và nỗi buồn có lớn đến đâu. Đó chính là lần đầu tiên tôi nghĩ đến cái chết. Tôi muốn theo mẹ, và ghen tị với việc mẹ đã thoát khỏi cuộc sống khủng khiếp này.
Mặc dù đau khổ vậy, tôi vẫn học tập siêng năng và đạt kết quả cao. Tôi là học sinh giỏi duy nhất trong trường năm đó khi tôi bước vào tuổi 16. Tôi được nhận vào một trường đại học ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Thời gian đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có nhiều bạn bè mới và suy nghĩ của tôi có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên khi màn đêm buông xuống, tinh thần tôi tiếp tục bị tra tấn bởi cái chết bi thương của mẹ.
Mặc dù tôi còn trẻ nhưng tôi bắt đầu bị viêm khớp mãn tính. Tôi thường bị tỉnh giấc giữa đêm do những cơn đau của khớp biến dạng. Tôi bị rơi vào trầm cảm và tuyệt vọng do những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Cuộc đời bế tắc chồng chất khổ đau
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được việc làm tại một trường đại học, lập gia đình và có một đứa con. Tuy nhiên gánh nặng cuộc sống vẫn đè nặng lên vai vì tôi phải hỗ trợ học phí cho các em và bệnh tật của tôi cũng ngày càng trầm trọng. Tôi hầu như không thể tự mình nằm xuống hoặc ngồi dậy mà không có sự giúp đỡ của người khác. Bệnh viện không thể tìm ra nguyên nhân của căn bệnh và các bác sĩ gọi nó là một loại ung thư nhưng không phải là ung thư ác tính. Tôi đã tìm đến rất nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau từ y học phương Tây cho đến y học Trung Quốc và cả luyện tập khí công. Bệnh tật liên miên làm tôi rất gầy, còn da mặt của tôi lúc nào cũng vàng ệch như nghệ do phải uống đủ các loại thuốc. Mặc dù vậy, tình trạng sức khỏe của tôi vẫn không được cải thiện nhiều. Lúc đó, tôi mới chỉ ở độ tuổi 20 mà trông tôi như một bà cô già ốm yếu.
Do phải sống trong cơn đau triền miên của bệnh viêm khớp cùng với các bệnh lạ, tôi thường nằm trên giường, chịu đựng đau đớn và mong sớm được chết để giải thoát bản thân. Trong khi đó, chồng và con trai tôi phải chăm sóc tôi cả ngày lẫn đêm. Trong nỗi tuyệt vọng, tôi đã cố gắng tự tử nhiều lần, bằng cách nhảy xuống sông hoặc nằm trên đường ray xe lửa. Một lần, một người nông dân tốt bụng đã ngăn tôi lại khi tôi cố nhảy xuống nước. Những lần khác, tôi đã không còn đủ can đảm để tự tử nữa, đó chính là khi tôi nghĩ về cậu con trai của mình và cuộc sống mà con tôi sẽ phải đương đầu nếu tôi bỏ rơi con. Tôi cảm nhận sâu sắc sự đau đớn tột cùng đối với những đứa trẻ khi có cha mẹ tự tử, và tôi không thể làm điều đó với con trai tôi.
Tìm thấy sự giải thoát
Một ngày trong dịp Tết Nguyên đán năm 1996 là một ngày tôi sẽ không bao giờ quên, và đó cũng là sự khởi đầu mới cho cuộc đời thứ hai của tôi. Ngày hôm đó tôi nhận được một cuốn sách, có tên là “Chuyển Pháp Luân” từ một đồng nghiệp. Cuốn sách viết về các nguyên lý của một môn tập thiền định, được gọi là Pháp Luân Công. Ngay lập tức, tôi bị thu hút bởi cuốn sách, trong đó viết về một môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc với mục đích nâng cao tâm tính và sức khỏe. Tôi đã đọc xong toàn bộ cuốn sách chỉ trong một ngày, những ý nghĩa sâu sắc chân chính được viết trong sách đã đánh thức điều gì đó thiêng liêng trong tâm trí đã nguội lạnh đầy oán thù của tôi. Tâm tôi chấn động và mừng rỡ, đây chính là con đường cứu sinh duy nhất, giải thoát mọi khổ đau trồng chất bao năm tháng từ ấu thơ của tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi có được cảm giác lạc quan và hy vọng.
Thực hành tu luyện không phải là một thuật ngữ xa lạ đối với tôi, vì nó có nguồn gốc sâu xa trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo. Khi còn nhỏ, tôi ở cùng với ông bà và tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện thần thoại về tín ngưỡng và siêu nhiên. Tôi luôn tò mò về những điều này và bây giờ tôi đã có cơ hội để khám phá một thế giới mới. Con đường đó giúp tôi buông bỏ được những hồi ức đau đớn, bất hạnh và tìm về cõi an lạc tịnh độ.
Đắm mình trong hạnh phúc bình yên
Tôi đã đi gặp người đồng nghiệp kia và nhờ anh ấy dạy tôi các bài công pháp của Pháp Luân Công. Trong lần tập đầu tiên, tôi đã có thể cảm nhận được năng lượng bao quanh bàn tay tôi và phía dưới dạ dày của tôi ấm dần lên. Kể từ đó, tôi đọc sách và luyện công mỗi ngày.
Tôi nghe nói rằng tình trạng sức khoẻ của nhiều người đã được cải thiện đáng kể và nhiều bệnh tật đã khỏi hẳn sau khi tập luyện Pháp Luân Công. Thân thể tôi là một ổ bệnh kinh niên, tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ trở nên khoẻ mạnh hoàn toàn vì tôi đã từng thất bại với nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Không nghĩ nhiều tôi chăm chỉ thực hành các bài công pháp đều đặn. Một ngày tôi phát hiện ra các bệnh của tôi đã biến mất tự lúc nào.
Cảm giác lạnh người của tôi được thay thế bằng một cảm giác ấm áp. Thân thể tôi tràn đầy sức sống, tôi yêu mến cuộc đời và thân thể của mình. Tôi thấy tiếc vì đã không thể biết đến Pháp Luân Công sớm hơn. Cuốn sách giống như một sự kết nối bản nguyên của sinh mệnh tôi với các nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” của Pháp Luân Đại Pháp, nó đã đưa tôi trở lại với cội nguồn của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tìm lại những giá trị mà đã bị xã hội Trung Quốc ngày nay đánh mất.
Đã 20 năm trôi qua, cuộc sống của tôi bây giờ tràn đầy hạnh phúc. Bởi tôi đã trở thành một người khác, khỏe mạnh, lạc quan và yêu đời. Tâm tính tôi cũng thay đổi trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. Trước khi tu luyện, tính khí của tôi rất tồi tệ vì những đau đớn do bệnh tật gây ra và những thống khổ tinh thần mà tôi phải chịu đựng từ lúc được sinh ra trên cõi đời này. Tôi không thể sống hòa hợp với mọi người, mà còn luôn gây ra mâu thuẫn và xung đột. Nhưng hiện giờ, tôi trở nên trầm tĩnh, hòa ái và luôn nghĩ cho người khác trước. Đây chính là con đường đã giúp tôi tìm thấy cảm giác bình yên đầu tiên trong cuộc đời mình!
Edmonton, CanadaChar ChenTel: 1-587-487-1649
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét