Năm 2005, Luân Hoán thực hiện tuyển tập Luân Hoán, Một Đời Thơ để kỷ niệm bốn mươi năm từ thời thập niên 60 với các thi phẩm đã ấn hành: Về Trời (1964), Trôi Sông (1966). Sau khi nhập ngũ khóa 24 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, phục vụ tại Quảng Ngãi, ấn hành tập thơ Chết Trong Lòng Người (1967) và Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu (1969) viết về đời sống, tình cảm người lính bộ binh.<!>
Trong tuyển tập nầy gốm các bài viết của thân hữu: Võ Kỳ Điền, Ái Cầm, Du Tử Lê, Đàm Trung Pháp, Đức Phổ, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Lộc, Hồ Đình Nghiêm, Khắc Minh, Lâm Chương, Lê Hân, Lê Vĩnh Thọ, Lương Thư Trung, Lưu Nguyễn, Mạc Phương Đình, Nguyễn Chí Thiệp, Nguyễn Đông Giang, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Nam An, Nguyễn Quốc Tường, Nguyễn Sao Mai, Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Nhật Nam, Phan Ni Tấn, Phan Xuân Sinh, Phan Thị Trọng Tuyến, Song Vinh, Song Thao, Thái Tú Hạp, Thảo Nguyên, Thu Thuyền, Trang Châu, Trần Gia Phụng, Trần Huiền Ân, Trần Trung Đạo, Trần Văn Hùng, Trần Yên Hòa, Triểu Hoa Đại, Trương Đức Thủy, Vĩnh Điện, Vũ Đình Trường, Vương Ngọc Long… và tôi với bài viết Nhìn Lại 40 Năm Luân Hoán.
Trước đó cũng có tuyển tập với các cây bút viết về Luân Hoán cùng những bài viết được phổ biến trên hệ thống truyền thông. Sự góp mặt, chia sẻ của thân hữu với sáng tác của anh (ngoài thi ca) hơn nửa thế kỷ cũng quá nhiều, không cón gì để viết thêm… Trên trang web Vuông Chiếu của Luân Hoán hình thành từ năm 1999 đến nay đã hai thập niên, trong đó có mục Gối Súng Tìm Thơ, đăng tải các bài thơ của thân hữu trong thời binh lửa, tôi thích và chọn tựa đề nầy để viết về anh.
Luân Hoán với tôi, đồng hương, cùng những ngày trong quân trường Bộ Binh Thủ Đức khi khóa tôi được gởi sang học quân sự giai đoạn I ở Trường BB Thủ Đức cùng với khóa 24. Lúc đó Khối Chiến Tranh Chính Trị thành lập Ban Biên Tập liên khóa 23 & 24 Sinh Viên Sĩ Quan cho nguyệt san Thủ Đức nên được gặp nhau.
Tháng 5-1967, chúng tôi chia tay, Luân Hoán tiếp tục ở quân trường vào giai đoạn II, sau đó phục vụ đơn vị tác chiến ở Sư Đoàn 2 BB. Gần hai năm sau, tôi nhận được tin buồn của Phan Nhự Thức, Luân Hoán mất một bàn chân rồi!... Chiến trường ở Quảng Ngãi lúc đó rất khốc liệt, không còn gì ngoài lời an ủi “thôi đành, để còn sống với vợ con”. Trong cuộc hành quân vì đạp phải quả mình “ba râu” chôn sát dòng sông, mất đi bàn chân trái tại Thi Phổ ngày 11/2/ 1969.
Năm 1987, gặp Phan Nhự Thức ở Sài Gòn, nhắc lại bạn bè, Phan Nhự Thức nói hồi Luân Hoán bị mất bàn chân trái, tội nghiệp nó quá, nào ngờ trong cái rủi có cái may, nếu nó không giải ngũ trở về đới sông dân sự ở ngân hàng thì cuộc đời nó cũng bị lao tù, khốn đốn như tụi mình! Đời là vô thường, không thể nào biết.
Luân Hoán, tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10 tháng 01 năm 1941, cuối năm Canh Thìn ở phố cổ Hội An, Quảng Nam. Quê nội ở Liêm Lạc, Hòa Đa, Hòa Vang, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng mười cây số về hướng Nam. Quê ngoại ở La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng ba mươi cây số về hướng Nam.. Thân phụ anh là ông Lê Hoán, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Luân nên anh ghép tên song thân thành bút hiệu Luân Hoán. Ngoài ra, anh còn có các bút hiệu: Lê Quyên Châu, Châu Thị Ngọc Lê, Đoàn Thị Bích Hà, Châu Hải Châu, Lý Phước Ninh, Lê Bảo Hoàng, Cự Hải...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như nhiều gia đình khác, năm 1947, gia đình anh di tản lên miền rừng núi Tiên Hội, Tiên Phước, Quảng Nam. Năm 1951, gia đình anh chuyển về Hòa Vang và năm 1953 dời về Đà Nẵng. Sau đó, thân phụ anh là viên chức ở Ngân Khố. (Trong thi phẩm Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ có ba bài thơ của anh ghi lại địa danh: Hội An, 1945 - Tiên Phước, 1949 và Hòa Đa, 1953). Cụ Lê Hoán rất sính thơ văn nên từ nhỏ Luân Hoán được hấp thụ máu thi phú của thân phụ để tấp tễnh làm thơ.
Trong hồi ký của Luân Hoán đã đề cập đến cội nguồn và tuổi thơ: Liêm Lạc, Làng Quê Nội - Tiên Phước, Một Nhánh Ấu Thơ Tôi và Hội An, Nơi Chôn Cuống Rún Thơ. Trích những đoạn LH viết về thời điểm đó:
“Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, về hướng Nam, khoảng mười một cây số, tính theo đường trải nhựa, cộng với đường đất, quê nội tôi là một làng quê xinh xắn, bốn mùa ấm áp tiếng chim. Làng được mang tên Liêm Lạc, ý chừng muốn khoe khoang cái bản tính liêm khiết lẫn lạc quan của người dân trong làng…
Tôi đã có ba năm ở đây, ở trong ngôi nhà ngói lớn nhất làng này, kể từ năm 1951. Năm tôi theo phụ thân lén lút hồi cư…
Trước nhất tôi có thêm một người mẹ. Đó là người vợ cả của ba tôi. Tôi gọi bà bằng mẹ vì đã gọi người sinh ra mình là má. Mẹ tôi, người dong dỏng cao, khỏe mạnh, nhan sắc trung bình. Bà có quí danh là Ông Thị Thấp, sinh năm 1896, người làng Phong Lệ. Phong Lệ là quê hương của một danh tướng dưới triều Tự Đức. Phong Lệ nằm bên trong con đường sắt quốc gia, cạnh quốc lộ 1, nơi tôi có một đôi lần ghé qua…
Chắc chắn mẹ tôi có bà con gần xa gì đó với cụ Ông Ích Khiêm, ông tướng uy dũng nhưng không kém tài văn học, như lịch sử đã ghi chép. Tuy là dân quê nhưng mẹ tôi không trực tiếp làm nông. Bà thay chồng cai quản một số ruộng đất, cho tá điền làm ăn chia hoa màu. Trong thời gian chúng tôi đi tản cư, bà sống cùng với hai cháu nội…
Ông nội tôi là một nhà nho, đã già. Ông ở một mình trong ngôi nhà ngói cổ kính… Ông tôi chẳng mấy khi đi dạo ra sân. Thỉnh thoảng lắm tôi mới bắt gặp ông mở cánh cửa, nghiêng đầu nhìn bên ngoài giây lát, rồi lặng lẽ khép cửa. Tôi có cảm tưởng ông đang tự giam mình. Ngôi nhà của ông là một cõi huyền bí, luôn tạo cho tôi những cảm giác bất an…
Ông nội tôi, tục danh Lê Hữu Huy, có hai vợ. Bà nội tôi tên Trần Thị Dưỡng, xuất thân từ làng Mân Quang. Ngôi làng nằm bên kia sông Cái. Con sông mà ngày hồi cư tôi đã có dịp sang đò. Bà nội tôi sau khi sinh hạ ba tôi được hai ngày thì không may, qua đời. Người em gái của bà, Trần Thị Thừa, đã thay chị nuôi ba tôi và tiếp tục cùng ông tôi sinh thêm mười ba người con nữa...
Trong ba năm giữa đất trời quê nội, mẹ tôi đã thương yêu và lo lắng cho tôi như người con chính bà sinh ra…
… Năm 1946, năm tôi lên năm. Chẳng thể là một tình cờ, ba tôi cõng tôi đến đây. Cuộc chiến Việt Pháp là gốc rễ cho một nhánh ấu thơ tôi bén lên vuông đất rừng Tiên Phước…
Tiên Phước thời bấy giờ, hay đúng hơn khu vực chúng tôi ở vào thời ấy, dưới mắt tôi, không quá hai mươi nóc gia…
Những ngày sau cùng bỏ Hội An, tôi đã được sắm cho cặp táp, vở, bút chì, và cũng đã có một vài buổi đến một trường mẫu giáo, nhưng chưa học được quá mấy chữ a, b, c...
Trường học chính thức đầu đời của tôi là một đình làng trên vùng đất núi rừng Tiên Hội này… Lớp học không có bàn cũng không có ghế. Với sĩ số chín, mười đứa cao, thấp không đều. Chúng tôi đều nằm sấp, hoặc ngồi sắp bằng để học, tùy theo từng lúc tập đọc hoặc tập viết, đúng hơn là tập đồ lại những chữ đã được thầy viết sẵn. Chúng tôi không học i, tờ như các lớp bình dân học vụ sau này, mà vẫn bắt đầu bằng a, ă, ớ, e, ê, i...
Người thầy đầu đời chính thức của tôi là thầy Y. Danh xưng này chính xác trăm phần trăm, không phải vì sợ trùng lặp sự thật ở ngoài đời mà tôi viết tắt hoặc thay đổi. Tên gọi thân thương này đúng là tên tôi đã từng được gọi một thời. Tôi chỉ không rõ phải viết bằng y dài hay i ngắn, vì ngày đó hình như tôi không có dịp viết tên thầy một lần nào…
Gia đình ba mẹ chúng tôi chính thức tái lập nghiệp giữa núi rừng, nơi dung dưỡng nhiều loại thú qúi lẫn dữ tợn như rắn rít, cọp beo...
Khởi nghiệp của ba mẹ chúng tôi là một ngôi nhà tranh khang trang trên một ngọn đồi. Ngôi nhà này ba má tôi đã mua lại của một người đàn bà, ở tuổi ba mươi… Chị Bé cũng đã tìm được tình yêu, Sau khi bán nhà cho ba mẹ chúng tôi, chị Bé theo chồng lên tuốt Trà My…
Theo với sự chuyển dịch của thời gian. Tôi đã theo học tại một trường tiểu học ở Tiên Hội. Tiên Hội chẳng cách Tiên Châu bao xa. Nhưng cùng với vài quyển vở đóng bằng giấy ‘tự túc’ vàng xỉn. Tôi còn mang theo một nắm cơm gói trong lá chuối. Rất kén ăn. Tùy tạng, khẩu vị không thích ứng được nhiều loại cá, mắn, nên tôi thường dùng cơn lạt nếu không có một cục đường đen, hoặc một trái chuối ăn kèm…
Tôi đã bỏ Tiên Phước mà đi như vậy đó. Và đi , đi mỗi ngày một xa, đi miết không một lần trở lại. Căn nhà của mẹ tôi sau đó là nhà lao Tiên Hội. Tội danh của bà được thành lập bởi mặt trận Việt Minh: buôn lậu, có chồng Việt Gian, đào tẩu về vùng địch. Cho đến một ngày của năm 1954, ba mẹ tôi đã trở về được với nhau. Bài đường thi của một ông phán ngày nào, ném vào lòng một chiếc nón của một cô bán cơm tháng, chừng như vẫn còn ngọt ngào âm vận…
Nhưng không lâu, mẹ tôi lại vội vã trở về với đất Đà Nẵng, vào năm bà lên 54 tuổi… Ba tôi cũng đã về với đất Đà Nẵng, năm 84 tuổi.
… Hội An, Hội An, với tôi là một tên gọi đằm thắm, thân quen như tên một người yêu chung tình… Tôi có cái may mắn được chào cuộc sống trong lòng phố cổ nhỏ bé này. Lại càng được may mắn, chỉ có duyên hít thở liên tiếp cái không khí của cõi Hội An trong vòng năm năm đầu đời. Năm năm, một chiều dài quá ngắn nhưng đã vừa đủ để một não óc non nớt, một trái tim trong suốt, chụp bắt, lưu giữ đến trọn đời những hình ảnh ngọc ngà nhất…
Trong vòng hơn 4 năm, kể từ ngày được ra đời, tôi đã sống với Hội An trong những tháng năm ấm đẹp…
Trong khoảng thời gian hai mươi năm kể từ 1955 đến 1975 tôi chỉ có được hai đêm để chuẩn bị vào làm học sinh trường trung học Trần Qúy Cáp. Một đêm thức trắng tán dóc với Thái Tú Hạp ở một góc sân chùa Ông. Một đêm uống nước mía với Nga Đại Lộc. Một đêm ăn cao lầu với Quyên Thanh Bình. Một đêm lau nước mắt cho Lý Phước Ninh. Vỏn vẹn chỉ có thế. Những lần khác chỉ sáng đi chiều về, nhưng đều đều ba bốn tuần một bận…”.
Với những địa danh và nơi chốn nầy, Luân Hoán đã sang tác nhiều bài thơ với kỷ niệm ngày xưa. Có thể gọi Luân Hoán là nhà thơ của quê hương vì từ ngày đi học, trong quân ngũ và ở hải ngoại, hình bóng quê nhà thấp thoáng trong thơ.
Những năm đầu của thập niên 50, năm học Đệ Ngũ ở trường trung học Phan Chu Trinh, anh có thơ được đăng tải trên Tuổi Xanh, Gió Mới rồi dần dà đến các tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ngàn Khơi, Kỷ Nguyên Mới, Mai, Bách Khoa, Văn Học...
Vào giữa thập niên 50 và 60, những nhà thơ trẻ đất Quảng xuất hiện trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn như Luân Hoán, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Chu Tân (gốc Huế), Triều Hoa Đại (gốc Bắc) Nguyễn Thị Liên Phượng (Nguyễn Nho Sa Mạc), Phương Tấn, Hoàng Quy, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Vương Thanh (gốc Bắc), Huy Giang... bên cạnh những khuôn mặt hiện diện ở Sài Gòn như Hoàng Trúc Ly, Tạ Ký, Bùi Giáng... Sau đó, xuất hiện thêm các khuôn mặt trẻ tạo thành phong trào thi ca trong giới trẻ cùng với các nhóm Sông Thu, Đất Hàn...
Mê thơ và cứ nhởn nhơ với đời nên đường học vấn không đi đến chốn, theo ước vọng của song thân như lời anh tự nhân. Cuối năm 1966 anh bước vào ‘Ngưỡng Cửa Quân Đội’ Khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường, anh đổi về làm Trung Đội Trưởng, Trung Đội II, Đại Đội II, Tiểu Đoàn I, Trung Đoàn 4, Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi. Ở đó, anh có dịp sinh hoạt văn nghệ với Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh, Phạm Trung Việt, Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa, Nghiêu Đề, Minh Đường, Trần Thuật Ngữ, Phan Nhự Thức... qua các tạp chí Trước Mặt, Tập Hợp.
Cũng như Trần Hoài Thư, hai que sậy văn nghệ, ra trường đã lao ngay vào đơn vị tác chiến. Và, tháng ngày quân ngũ kết thúc với bàn chân trái của anh vào cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu, 1969. Anh đã kể lại hình ảnh đau thương nầy:
“Cuộc hành quân bước qua ngày thứ 5, chúng tôi có lệnh trở về Núi Dẹp. Khi ngang một chòm mộ mồ côi, con đất Thi Phổ của Quảng Ngãi bỗng toét miệng cười, trải tôi nằm ngửa trên một thảm cỏ rất xanh. Có lẽ 4 giờ chiều, trời đất mênh mang yên lặng. Tôi nhịn đau chống tay ngồi tháo giầy, cái áo giáp đè nặng trên lưng. Ba ngón chân sát cánh ngón cái bị dập nát. Với vết thương này, nếu ở Quân Y Viện, có lẽ tôi chỉ bị mất đi nửa bàn chân. Tiếc thay vì có chút xíu cấp bậc, người đồng minh sốt sắng đưa tôi về bệnh viện dã chiến Hoa Kỳ, trên ngọn núi Đức Phổ. Và sau đó, theo công thức ấn định, tôi bị cắt bỏ nửa phần chân dưới trong cơn mê. Kỹ thuật cưa cắt từ một phần xương thịt lành lặn, qủa đã sớm giúp vết thương liền miệng an toàn. Nằm với thương binh Mỹ từ 24 tháng chạp đến mùng Ba Tết, tôi được đưa về Quân Y Viện Quảng Ngãi. Bạn văn tìm đến đủ mặt Vương Thanh, Phan Nhự Thức... khóc như trẻ thơ. Qua một đêm tôi được về Tổng Y Viện Duy Tân. Trong tay, ngoài cặp nạng, còn có cái khăn tay của Khắc Minh buộc sẵn. Gần một tháng sau, tôi nhắn tin buồn cho gia đình. Vợ tôi đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh cháu đầu lòng, Lê Ngọc Hòa Bình...”
Cuộc tình của anh giống như cuộc tình của nhà thơ Hữu Loan với cô học trò Lê Đỗ Thị Ninh, năm Hữu Loan 33 tuổi và cô học trò mới tròn 16. Người tình, người bạn đời Trần Thị Lý gắn bó với Luân Hoán trong những thập niên qua cho biết: “...Tôi đến với ảnh chẳng qua vì hồi đó tôi còn trẻ quá mà ảnh thì có cái mã được trai lắm. Ảnh đến nhà ba mẹ tôi thuê phòng ở trọ, rồi kèm tôi học, ngon trớn kèm luôn, quỉ thật”. Chị nhỏ hơn anh tròn một con giáp nên phải man khai giấy khai sinh thêm hai tuổi cho khỏi vị thành niên mới hợp lệ để làm hôn thú.
Thi phẩm Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (cùng với bạn văn) ấn hành năm 1970 với những bài thơ buồn rất tuyệt. Những bài thơ nầy hơi bi quan nhưng đã nói lên thân phận người trai trong cuộc chiến đẫm máu.
Giải ngũ, anh về làm việc ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín Đà Nẵng. Tưởng cũng nên biết, trước khi vào quân đội, Luân Hoán làm việc tại Tòa Thị Chính, thời bác sĩ Mẫn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại úy Tích, văn phòng Xây Dựng Nông Thôn. Sau tháng 4-1975, trong thời điểm nầy anh cho biết:
“Tôi chỉ phải tập trung cải tạo tại trại Ngô Văn Sở cũ. Và đến đợt thực thi chính sách đổi tiền một cách rầm rộ, đều khắp, tôi cũng như hầu hết viên chức cũ của ngành ngân hàng, đều được móc ra để trở về việc chuyên môn. Tôi trở lại bộ phận kế toán. Trước khi nhận việc, tôi bị gọi trình diện thủ trưởng. Lão cán bộ này, có lẽ chấp hành đúng chính sách, cho tôi xem lời phân loại trên phíếu lý lịch cá nhân của tôi: ‘Thành phần cặn bã của chế độ cũ’. Dĩ nhiên tôi không hề buồn và xấu hổ bởi sự đánh giá trên. Nhưng tinh thần bị bao vây và khủng bố tinh tế như vậy, tôi phải biết lo sợ, đề phòng và quyết tâm trốn ra nước ngoài. Sự thiếu hụt chân đi, chân chạy của tôi là một trở ngại quá lớn trong kế hoạch vượt biên. Nhưng tôi cũng đã tổ chức, tham dự hai lần. Cả hai đều thất bại trước khi bị phát hiện.
Lần đầu, trong lúc cả nhà đang đợi đến giờ ra đi, bất ngờ cách cửa nhà tôi độ 40m xảy ra một án mạng. Đường Hùng Vương, mặt tiền của nhà tôi bị phong tỏa. Lần thứ hai, ông gìa vợ tôi trù trừ tạm giử lại một chiếc xe đò chạy Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chúng tôi trà trộn cùng hành khách đến điểm hẹn thứ nhất, bất ngờ xe hỏng máy giữa đường, sửa mãi không được. Bỏ cuộc. Cũng may vào năm 1979 tôi nhận được giấy bảo lãnh đoàn tụ của em trai tôi (Lê Hân) từ Canada. Có giấy, nhưng vẫn sợ và ngại, nên mãi đến năm 1981, bắt được mối lo lót, tôi mới lập thủ tục và ra đi vào năm 1985”. Ngày 02 tháng 2 năm 1985, anh định cư tại thành phố Montréal, Québec, Canada. Gia cảnh: vợ và bốn con, hai trai, hai gái”.
Dòng Thơ
Trả lời Đào Huy Đán (Hồ Trường An) trong cuộc phỏng vấn, Luân Hoán cho biết hành trình đến với thi ca:
“Tôi học làm thơ vào năm 11 tuổi, qua sự chỉ dẫn của cha tôi. Những bài luận văn vần ngây ngô thời đó đã giúp tôi sớm làm quen với vần điệu. Nhưng gần đến ba năm sau, khi đọc qua nhiều báo Tuổi Xanh tôi mới thực sự yêu thích thơ. Khởi đầu thơ tôi gởi đăng ở tuần báo học sinh Tuổi Xanh, rồi đến Gió Mới, tạp chí Mai, nguyệt san Thời Nay. Những năm sau, bài được gởi đăng nhiều ở: Ngàn Khơi, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Kỷ Nguyên Mới vv… Lúc này tôi ký nhiều bút hiệu, trong đó có tên Châu Thị Ngọc Lê được dùng nhiều nhất. Về sau tôi chỉ gởi bài đến Bách Khoa và Văn Học, một vài bài ở Văn… Ngoài các tờ báo ở Sài Gòn kể trên, tôi còn có thơ đăng ở các tạp chí, tập san khác: Nhận Thức (Huế), Trước Mặt, Tập Họp (Quảng Ngãi) vv…”.
Trong những thập niên qua, nhà thơ Luân Hoán đã ấn hành nhiều thi phẩm, riêng anh và chung với bằng hữu. Trang web của anh, sân chơi của bằng hữu, được thực hiện đã lâu và rất công phu nên được phổ biến khắp nơi.
Những thi phẩm đã xuất bản theo dòng thời gian:
Thập niên 60: Về Trời, Trôi Sông, Chết Trong Lòng Người, Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu.
Thập niên 70: Rượu Hồng Đã Rót, Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (cùng với nhiều bạn văn), Thơ Tình (cùng với Khắc Minh), Lục Bát Ca (cùng với Lê Vĩnh Thọ, Vĩnh Diện phổ nhạc), Ca Dao Tình Yêu (cùng Khắc Minh), Hòa Bình Ơi, Hãy Đến (cùng Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ), Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu (nxb Thơ, Quảng Ngãi, tái bản năm 1995)
Thập niên 80 ở hải ngoại: Hơi Thở Việt Nam (Sông Thu, Hoa Kỳ), Đưa Nhau Về Đến Đâu (Sông Thu, Hoa Kỳ), Ngơ Ngác Cõi Người (Nhân Văn, Hoa Kỳ).
Khi định cư tại Canada, Luân Hoán tiếp tục sáng tác và đã ấn hành.
Thập niên 90: Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ… (Kinh Đô, Hoa Kỳ), Mời Em Lên Ngựa (Sông Thu, Hoa Kỳ), Nuôi Thơm Chùm Kỷ niệm Xanh (Canada), Cỏ Hoa Gối Đầu (Sóng Văn, Hoa Kỳ).
Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ (Canada, 2003)
Ổ Tình Lận Lưng (Canada 2007)
Em Từ Lục Bát Bước Ra (Canada 2008)
Năm 2013: Thơ Thơm Từ Gốc Rễ Tranh (Canada 2013)
Năm 2016: Khói Cuối Nguồn Hương (Canada 2016)…
Ngoài ra có hồi ký: Dựa Hơi Bạn Bè 1 & 2 (Nhân Ảnh 2006, 2007), Quá Khứ Trước Mặt.
Dưới bút hiệu Lê Bảo Hoàng đã thực hiện Tác Giả Việt Nam (Nhân Ảnh 2006, tái bản 2008).
Với bút hiệu Hà Khánh Quân qua các bài viết cảm nhận về thơ, đã ấn hành tác phẩm Theo Gót Thơ (Nhân Ảnh 2010)
Tác phẩm Văn Học Hiện Đại - Thi Ca & Thi Nhân của Cao Thế Dung (Sài Gòn, 1969) đã đề cập đến Luân Hoán.
Tiếp nối nguồn cảm hứng trong thi ca từ trước năm 1975 đến nay, có hai nhà thơ hiện nay (2018) vẫn sáng tác đều đặn, hình như thường nhật, dễ dàng như “món điểm tâm” là Hà Huyền Chi và Luân Hoán.
Đỗ Quý Toàn gặp Luân Hoán định cư tại Canada, nơi xứ lạnh, tâm tình của nhà thơ đến trước trao gởi đến người bạn mới:
“... Nếu kiếp sau trời cho tôi làm thi sĩ, tôi muốn được làm thơ tình như Luân Hoán. Sáng làm thơ. Trưa làm thơ. Tối trước khi đi ngủ cũng hãy làm thơ đã. Làm thơ khi thức dậy, để lót dạ. Làm thơ khi đứng đợi xe, để qua thì giờ...
... Thơ Luân Hoán mang lại cho tình yêu học trò nhiều điều mới lắm. Vì những bài thơ tình của Luân Hoán thật hơn, cụ thể hơn, lẩm cẩm ngu ngơ hơn tất cả những thi sĩ nổi tiếng trên. Nghĩa là học trò hơn. Thật sự học trò không khoác vô tình học trò một bộ áo của ngôn ngữ diễm lệ hay thêu dệt những tình tứ kiêu kỳ. Ngôn ngữ của Luân Hoán thật giản dị. Hình ảnh là hình ảnh bình thường của đời sống hàng ngày”.
Qua các thi phẩm đã được ấn hành, Luân Hoán là nhà thơ của tình yêu, tình bạn, cảm xúc, cuộc sống và quê hương qua nhận định của văn hữu.
“Gia tài quê hương của chúng ta đã bị xâu xé gần hết, chúng ta chỉ còn lại một di sản quý báu: tình tự con người… Thơ anh là những âm thanh tình tự thiết tha và tất cả giá trị của anh là ở điều đó. Vì thế đôi khi anh bất chấp những xảo thuật của ngôn ngữ để làm tăng vẻ đẹp hình thức; anh chỉ quan tâm tới một điều: nói tiếng nói của con người, tìm thấy nhau trong nhịp điệu của sự sống đầy yêu mến thiết tha…” (Lời Bạt của Dương Kiền trong tập thơ đầu tiên Về Trời).
“Chưa bao giờ tôi thấy một người thơ nào lại âu yếm cùng thi ca đến như thế... Nói đến thơ, người ta sẽ nói đến cái gì tốt đẹp, tuyệt vời, vượt xa cõi ô trọc thường tình. Với Luân Hoán, trái lại, thi ca gần kề với quả đất, cõi trần gian” (Trần Hoài Thư).
“Thơ Luân Hoán gần gụi với đời sống. Đề tài không cao xa, nó đứng gần thực tại một với tay. Tất cả có mặt trong dòng sống chất nghèo đói, thiếu thốn, bất công dãy đầy, nhưng tràn đầy mơ ước. Trong tiếng than van vẫn ẩn chứa cao ngạo. Trong cam chịu vẫn cố ý vượt lên...” (Nguyễn Mạnh Trinh).
“Luân Hoán lúc nào cũng tha thiết, cuồng nhiệt như tuổi vừa biết yêu. Có thể nói dưới mắt của Luân Hoán, cuộc đời là một bài thơ bất tận. Thơ trải dài theo từng chặng đường đất nước, mang nỗi ray rức thương nhớ khôn nguôi qua cuộc bể dâu của vận nước nổi trôi, âm vang như tiếng thở dài trong đêm vắng của một kiếp người lầm than lưu lạc bên trời lận đận...” (Lưu Nguyễn).
“Ngôn ngữ thơ anh cực kỳ đơn giàn mà tinh khôi tân kỳ. Tài xử dụng ngôn ngữ cùa anh lạ lắm: anh làm thơ khơi khơi như nói chuyện, đôi lúc như hí lộng. Chúng ta không bắt gặp sự gọt dũa, trau chuốt trong thơ anh. Y vậy, mà ngôn ngữ anh đẹp lạ lùng, nó chứa cả nguồn sinh lực vô biên, hồn nhiên tuyệt vời. Qua ngôn ngữ thơ đó, chúng ta bắt gặp một sự nhạy cảm rất thơ, một tâm hồn phóng khoáng kỳ diệu” (Hồ Trường An).
“Với ông, tôi cảm nhận thơ như bóng với hình. Thơ là hơi thở, là nguồn sống. Thơ là người tình thủy chung nhất, trong mọi hoàn cảnh cay nghiệt của cuộc đời. Thơ vẫn luôn hiện diện khắp nơi chốn đi về của ông… Ông như con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” (Nguyễn Thu Hà).
Gối Súng Tìm Thơ
Cuối năm 1969, bước ngoặt của cuộc sống Lê ngọc Châu khi bước chân vào “Ngưỡng Cửa Quâ Đội:
Đêm Xuống Tóc“mái tóc bồng bềnh đẹp nhất đà nẵngđẹp nhất miền trungđẹp nhất Việt namrụng xuốngrụng xuốngtừng tảng từng tảngtrong tích tắc…”Thế rồi Ngày Ra Trường:“Hàng cây, con đường làm thinhGió không lên tiếng tiễn mình buồn chưa?”
Lên đường đáo nhậm đơn vị tác chiến, làm trung đội trưởng, nhà thơ chia sẻ:
“Cả đời chưa trói con gàĐá đít con chó, vậy mà… cầm quân”
Rồi từ đó bước chân người lính trên chiến trận trải qua bao lần giao tranh, Luân Hoán đã vào sinh ra tử cùng đồng đội, khi dừng chân làm thơ gởi người bạn đời:
“Em biết không?anh đang ngồi trên quốc lộ số 1tại một nơi được gọi là cống Ông Liếuthuộc Thi Phổ, Mộ Đức, Quảng Ngãianh đang nghĩ về emvề những người thương mếnvà không dằn được nhớ nhung”.
Và nào ngờ, chính nơi đó, anh “gởi” lại bàn chân trái. Những bài thơ trong thời chiến, cuộc đời quân ngũ, qua các thi phẩm của Luân Hoán, có bài mang tư tưởng yếm thế, có bài nói lên tình chiến hữu trong cơn binh lửa.
Luân Hoán chia sẻ: “Thơ viết trong giai đoạn cầm súng, xin gọi nôm na là thơ lính, của tôi khá nhiều, khó có thể nêu lên số lượng chính xác. Sự ra đời của chúng, dĩ nhiên ăn khớp với hơi thở của thời nhức nhối chiến tranh. Một phần thơ đã được trình diện trong những trang giấy mang tên Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu…
Giữa cao điểm chiến trận của thập niên 70, cho trình diện Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu, tôi không nhiều thì ít đã bị đánh giá là phản chiến, dù đang thường trực hành quân. Thơ lính của tôi lúc bấy giờ không được chấp nhận thở trên Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Tuyến... Chúng chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên Văn Học, Thái Độ... Ngao Du Cùng Vũ Khí chắc dễ chấp nhận hơn, nhưng hồi đó tôi ngại ngần nằm trong hàng ngũ “anh tiền tuyến” của các “em gái hậu phương”, nên gần như không phổ biến…
Số lượng thơ lính của tôi lớn cũng dễ hiểu. Vì cùng sống với đồng đội, súng đạn, các thứ phụ tùng chiến tranh, tôi còn sống thường trực với thơ. Thời gian làm lính là giai đoạn tôi dư giả thì giờ nhất. Những chuẩn bị, lo sợ trước và sau mỗi cuộc hành quân, khó lấp đầy khoảng trống khá rộng trong đời lính chỉ chuyên nghề hành quân…
Trước nhất, thơ lính của tôi khá linh tinh, tùy hứng lẫn tùy nghi. Một lần điểm danh trung đội, thấy thành phần của binh sĩ có đủ tình nguyện, thi hành đúng bổn phận, bị bắt lính... là có thơ ngay…
Viết về bản thân, viết về đồng đội, viết về những người đối đầu, tuy trôi trên dòng xúc cảm, nhưng tôi luôn cố gắng không để lòng xa rời sự chân thật. Mỗi dòng thơ với tôi là một tấm gương soi. Đọc chúng, tôi phải thấy lại tôi, thấy lại sự việc không hư cấu, mới rung đùi, huýt sáo, gật gù.
Là một người làm thơ cầm súng, đứng cạnh thần chết thường trực, tôi cũng sớm biết quân bình sinh hoạt hằng ngày. Hạn chế rất nhiều những vớ vẩn lãng mạn. Mỗi lần tham chiến, đương nhiên phải nghiêm chỉnh khi họp hành quân, để hiểu đại khái về mục tiêu, khoanh chúng lên bản đồ. Nghe tình hình khả năng của địch. Nắm rõ những đơn vị bạn tham chiến, yểm trợ. Trước giờ xuất phát, kiểm soát quân số, lương thực, cấp số đạn, hệ thống truyền tin. Có lo sợ gì không lúc này? Thật tình, sau vài trận đụng độ đầu, không thấy gì đáng lo sợ nữa. Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì ở đây là: rách-áo (bị thương), đi-phép-dài-hạn (tử trận), đơn giản chỉ có thế. Thời gian di chuyển, dù ngồi GMC hay lội bộ, đều có thể làm thơ, dĩ nhiên không dùng viết. Trong mọi cuộc điều động quân, gần như đều có một khoảng trống thời gian nhỏ dừng lại, đủ để chép vội những gì đang đựng trong đầu. Mươi phút trước và trong giờ xung trận, thơ tuyệt nhiên không đến phá đám những suy tính, đo lường, tiên đoán, quyết định lẫn phản xạ. Thơ rất dễ trở lại khi mặt trận hoàn toàn yên tĩnh, giữa những đám khói vô tư…
Trong mọi mặt trận, lội núi là điểm đến, tôi thích nhất. Vóc dáng, không gian rừng núi, vốn có ấn tượng tốt đẹp với thời ấu thơ, nên tôi không ngần ngại vay mượn chữ nghĩa để trải lòng khá nhiều, nào là Trèo Núi Ngang, Trấn Núi Phú Sơn, Qua Đèo Bình Đê, Chạm Súng Ở Rừng Lăng, Dừng Quân Sườn Núi Tròn, Đứng Trước Núi, Đêm 30 Trên Đồi Lâm Lộc, Lên Rừng, Chiều Trên Sườn Đồi, Thơ Trên Vách Núi Phú Sơn, Lên Núi Nghĩ Linh Tinh... Còn, còn nhiều nữa. Tất cả đều ấm áp hình ảnh, nồng nàn tình cảm…
Với tôi, mỗi cuộc hành quân, ngoài việc thanh toán xong mục tiêu theo nhiệm vụ chung, còn mở ra cho riêng mình những điểm thưởng ngoạn mới, đầy hấp dẫn. Không có những chuyến ngao du sinh tử này, tôi hoàn toàn không có cơ hội để biết những Ba Gia, Ba Tơ, Trà Bồng, Núi Tròn, Núi Ngang, Núi Dẹp, Phước Sơn, Núi Vàng, Rừng Ná, Eo Gió, Suối Nun, suối Cà Đú, Sông Re, Sông Ring...
Quảng Ngãi là địa bàn của đại gia đình bộ binh mang tên Sư Đoàn 2 bình định, trấn giữ... Những nơi này ít nhiều tôi cũng đã từng lội qua, dừng lại. Có hoặc không những xúc cảm, tôi đều ký gởi chút ít trong luống chữ…
Bị và được đổ máu vài ba lần cho con đất xứ đường phổi, tôi được bồi hoàn một số thơ lụn vụn, chưa đạt trình độ thơ con cóc, nhưng thơ con rệp thì chắc với tới. Và chỉ chừng đó cũng đã là một phần thưởng lớn. Ngoài một số huy chương đổi máu để sờ mó, với tôi, Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu, Ngao Du Cùng Vũ Khí là những (không phải là hai) tấm huy chương tôi quí nhất. Những tấm huy chương này, do sông núi ủy thác cho tôi hình thành, để truy tặng chính mình và đồng đội. Những quân nhân thuộc mọi binh chủng có thể dự phần, nếu không kỳ thị.
Thơ lính của tôi gần như một loại nhật ký bằng văn vần. Có điệu có vần không hẳn đã là thơ. Chất nghệ thuật may ra được một nửa. Xin cứ tạm gọi là thơ. Đời lính Bộ Binh theo tôi, không có nhiều cực khổ, chỉ có vất vả, nên tôi rất ít khi cố tình than thở. Tôi chăm chú vẽ lại cảnh sắc, hoạt cảnh mình mục kích. Những hình ảnh này hiện diện ngay trong đơn vị, hoặc nằm ngoài quần chúng, được bắt gặp khi hành quân. Cảnh đáng thương vì chiến tranh vô số kể. Phải thú thật, nhiều cảnh xốn lòng nhất, như nhìn các em bé nghèo khổ đứng lặng trước ngôi nhà của mình bị cháy, như các bàn thờ thật giả ảm đạm trong hầu hết những túp lá cư ngụ, cảnh thây phơi bên mâm cơm, xác treo trên rào dây kẽm gai... tôi đã viết không tới, nếu không muốn xác nhận là tệ. Tôi nghiệm ra, với riêng mình, khi buồn quá làm thơ khó hay.
Hình dạng, bản chất tôi không thể tiêu biểu cho người lính Bộ Binh. Bởi đồng đội tôi rất hiền hòa nhân hậu, thực tế hơn. Bộ Binh vốn được gọi là Nữ Hoàng Chiến Trường. Đồng đội tôi khi tham chiến thì gan dạ, tận tình, tích cực, nhưng ngay khi mặt trận ngưng tiếng súng, họ cư xử với những người thua trận rất nhân ái. Không có chuyện xẻo tai, lấy mật... như thường bị địch quân xuyên tạc… Binh sĩ Bộ Binh, đơn vị chúng tôi, cũng không cưỡng hiếp, dù quan hệ tình dục cùng dân nữ ở vùng xôi đậu đôi khi xảy ra. Nhưng những tế nhị bên lề này vốn luôn được đồng thuận, tự nguyện…”.
Trong thi phẩm Ngao Du Cùng Vũ Khí có 163 bài thơ đã sáng tác trong thời chiến nhưng tác giả không ấn hành cho mãi tới năm 2016.
“cuộc đời - được gọi cuộc chơicuộc chiến - một đoạn cuộc đời phù dulúc nào cũng biết ngao ducoi sinh tử nhẹ nhàng như nhau…… cuộc đời - cuộc chiến - cuộc chơicái trò bắn giết có hơi bất thườngnguyện giữ lạc quan yêu thươngmang cây súng ngắn kiên cường ngao du”.
Bài thơ Ngao Du Cùng Vũ Khí cũng là tựa đề tập thơ, với Luân Hoán thì khi làm lính trận sống chết cận kề, coi như số mạng, tác giả cũng tự nhận “nhát gan” nhưng trên trận mạc, bom đạn đâu có chừa ai, than vãn cùng bằng thừa, phó mặc cho số phận, coi như cuộc chơi.
Quan niệm đó được thể hiện trong bài Hành Quân”
“hành quân có dữ có lànhgặp dữ bỏ mạng gặp lành lên lonmột nhành dương liễu con conđổi cái tính mạng còn son cũng buồn…… mục tiêu không có bất ngờngoại trừ quân địch dật dờ vuốt râuhành quân giản dị vậy thôitôi xem như cuộc dạo chơi thường ngày”
Và “sống lâu sinh lão làng” đụng trận riết cũng quen nên gan lì như ở Mặt Trận Phước Sơn:
“hành quân liên kết vùng Quảng Tíngặp bạn thân hồi Phan Châu Trinhhắn chi đoàn trưởng, ngồi thiết giápta hành nghề lội của bộ binh…… ta với núi rừng từng là bạntừ thời Tiên Phước cho tạm cưham chơi thường ngủ trên mặt đánắng có mây che, gió hát rulội núi chưa bao giờ ta sợhình như ngực mọc sẵn niềm tinlá bùa hộ mệnh thơm trầm ngảihoa lá mưa mây trộn tiếng chim”
Bài thơ Đa Tình Lính Trận với lối ví von của người lính trận lãng tử:
“lên rừng mai phục địch quânvề phố rình rập ngóng chừng gót hoaem đi thân ngọc vóc ngànón trắng áo bạch bao la gió hiền…… địch trên rừng là con mồiem của thành phố như trời cao xangắm rồi lưu luyến bỏ quakhông thể nhả đạn tinh ma hồ đồlên rừng phục, ngó trời caothấy em dưới phố nhảy vô mây ngồichồm lên toan níu ông trờinhớ ra quân địch đang ngồi chung quanh”
Trong bài Mục Tiêu, tác giả ghi rõ từng địa danh Quảng Ngãi thuộc địa bàn hoạt động của Sư Đoàn 2 BB, xảy ra chiến trận:
“tình báo đưa tin nhiều bóng địchqua đèo Eo Gió đến Minh Longchính qui, du kích, cùng hộ lýhướng mũi dùi nghiêng về phía đôngNghĩa Hành nằm giữa năm con đấtĐức Phổ, Ba Tơ phía bắc, namMinh Long, Tư Nghĩa cùng Mộ Đứcnắm lấy tay nhau miệt tây, đôngđịch đổ dồn về nhiều vị trímuốn chơi một thế đánh gọng kiềmchiến lược quân ta vừa cố thủvừa dùng chiến thuật bẻ răng điên…… ta máu lạnh ư? không đúng vậylàm sao ghìm lại những ngón tayđã vẽ đương nhiên là phải đếnsẽ phải làm chi những điểm này?đại bác mấy ly gọi xin dộiphi cơ yểm trợ mấy mươi tràngbao nhiêu rocket, đạn tác xạngười, cây, nhà, ruộng... bình địa đàngsẽ chiếm mục tiêu từ tảng sángsẽ vào trót lọt giữa đêm khuya…… ta nuôi tổ quốc trong hơi thởgắng giữ cho đời có yêu thương”
Trên chặng đường hành quân với bao chướng ngại vật, đầy gian khổ qua hình ảnh Lội Ruộng:
“nhúng botte de saut vào mặt nướcrùng mình ngực nhói nỗi bâng khuângbùn đất mỉm cười hay chớm khócai dẫm vào ta tận đáy lòngmùa lạnh đang về mưa tầm tãnước đầy mặt ruộng trống quanh nămcỏ dại tự do còn èo uộtnhớ lúa hay sao yếu nảy mầmta thả thêm vào một chân nữavà rồi bì bõm bước chân đinước chẳng chảy theo nhưng loang tỏanhững gợn vòng vo thở thầm thì..… đồng không mông quạnh làm bia ngắmnấm mộ cha ông hiện nhạt nhòakhẩu súng đeo hông trì nặng bướcta đi hồ dễ biết đi đâudù khoanh nhiều điểm cần thanh toánchẳng có điểm nào không bể dâu!”
Có lúc phải Trèo Núi Ngang, ngoài hành trang của người lính tác chiến còn có cây bút để làm thơ:
“khi đổ xuống núi Ngangta làm trung đội trưởngcổ đeo cái địa bàntúi áo dắt bút mở…… tìm thơ hay tìm giặctảng đá chạm mũi chân”
Vào thời điểm đó, chiến trường ở Quảng Ngãi sôi động, khi đơn vị về hậu phương Giữ Cầu Sông Vệ cũng bị du kích quấy phá:
Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Trần Yên Hòa, gặp tại nhà Thành Tôn nhân dịp LH thăm nam Cali
Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Trần Yên Hòa, gặp tại nhà Thành Tôn nhân dịp LH thăm nam Cali
“tiểu đoàn về Núi Dẹpdưỡng quân nửa tháng trờichia nhau đi kích gácvòng đai quanh cụm đồimột tuần trụ Quán Látmột tuần đi trấn cầucầu trùng tên thị trấncòn đông người, khá vui..… hai đầu cầu lính gáctrong lô cốt ta nằmmơ thấy giọt sương rụngngấm vào thân tiếng ngâncó đêm nghe loa gọiđích tên ta, dụ hànggớm mấy ông du kíchtình báo khá rõ rànglính bực, chơi mấy quả79 nổ dồn tan”
Với tâm hồn lãng mạn, ngay cả doanh trại đơn vị cũng xem là nơi làm thơ như trong Tiền Phương Tiểu Đoàn 1/4:
“tiền phương, hai tiếng, nghe oaithật ra chỉ có một vài nóc tônkhông phên, trơ những cột chônnền xi mâng vặn bù lon chỉnh tềnhớ em kín cả bốn mùa…… tiền phương của cả tiểu đoànđôi lần tôi ngỡ là bàn viết tôi”.
Thơ Luân Hoán trong thời chiến hầu hết là lợi tự tình, cảm nghĩ trung thực của người lính chiến với nỗi buồn, nỗi khổ, niềm đau trong cảnh tương tàn của cuộc chiến do đối phương gây nên. Với bản chất nhà thơ “cả đời chưa trói con gà” khi dấn thân trong đơn vị tác chiến, tự vệ phải chiến đấu, Với thơ, như người tình, hơi thở nên cho rằng tư tưởng yếm thế hơi quá đáng trong thời điểm đó.
Trong hồi ký của anh khi viết về hình ảnh quân trường: “Là cựu sinh viên sĩ quan, đã biết đổ máu cho chính nghĩa, cho tự do, chúng tôi không dấu những tự hào của mình. Chúng tôi vẫn là những người chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ tình người, bảo vệ nhân phẩm”. Những dòng chữ đó thể hiện tấm lòng của anh như bao chiến hữu đã một thời bên nhau.
“Không anh hùng, cũng hiên ngangLàm người lính trận Việt Nam Cộng Hòa”
Sau biến cố tang thương, sau cuộc đổi đời, Luân Hoán với sự hồi sinh cùng thi ca, Luân Hoán vẫn tự hào “Làm người lính trận Việt Nam Cộng Hòa”, với tôi hình ảnh quá đẹp cho dù bị “thất trận” để sống cuộc đời lưu vong!
Cùng niềm đau mất nước của người lính, Luân Hoán chia sẻ với Lâm Hảo Dũng:
“… chiến tranh giúp chúng tacùng đi với khói lửavết thương liền ngoài daưu tư thêm giàu từng bữa… tiếc thay chợt tan hàngkhông trốn cũng đành chạymười thắng chỉ một thuanghẹn ngào thơ máu chảy!”
Miền Nam VN bị “bức tử” bởi sự “tháo chạy, phản bội” của đồng minh làm chúng ta nghẹn ngào và Luân Hoán thay chúng ta để viết lên dòng thơ đó.
Vương Trùng Dương
(NT1 Trần Ngọc Dưỡng, ĐH/CTCT/ĐL)
(Tác giả gởi)
(NT1 Trần Ngọc Dưỡng, ĐH/CTCT/ĐL)
(Tác giả gởi)
Copy từ BanVanNghe,com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét