Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Nhớ Cần Thơ! - Đoàn Xuân Thu


Năm 1970, tui tính thi vào khóa 28 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Phần số khiến xui sao đó, thằng Đoàn Văn Cấm, bạn học trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, con chủ vựa ve chai Đồng Lợi gần giếng nước trên đường Nguyễn Tri Phương, rủ tui qua Cần Thơ thi vô trường Đại học Sư Phạm ở khu Cái Răng. Khoái tiếu ngạo giang hồ, tui ngồi Vespa cho nó chở tui đi. Chó táp phải ruồi, tui đậu. Và tui mọc rễ luôn ở đó, khoảng 20 năm, cho tới ngày tui bỏ nước ra đi! “Nước trong xanh, sao lại chảy hoài? Thương người xa xứ lạc loài đến đây!”
<!>
Quê người, Melbourne, Victoria, Australia, tui ở đây còn lâu hơn nữa, vậy mà 30 năm rồi tui vẫn còn luyến nhớ Cần Thơ. Thảng hoặc nghe ai nhắc tới hai chữ Cần Thơ là tui bùi ngùi trong tấc dạ. Tui nhớ lúc VC vô, có đêm đang ngủ với vợ, với con (không biết bị ai mật báo), CA phường Hưng Lợi nửa khuya xét nhà bắt tui về đồn nhốt vì không có tên trong hộ khẩu. Độc lập tự do thời CS mẹ rượt như thế đó.

Rồi: “Cần Thơ có Bến Ninh Kiều. Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân!” Nghe mà đớn đau, chua xót. Rồi “Chiếc áo bà ba” của Trần Thiện Thanh. Hồi trong nước, ông viết lời khác. Ra được nước ngoài, ông viết lời khác. Rồi “Chiều Tây Đô” của Lam Phương. Tui nhớ thơ của ông Huỳnh Kim. “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/ Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn. Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ!” Nhậu từ hồi chiều tối. Xỉn dữ nhe cha!

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị: ‘bẹo’ là nêu ra hoặc bày ra để cho người ta ngó thấy. Như vậy bẹo là “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”; “bẹo mặt” là chường mặt ra; “bẹo hình bẹo dạng” là phô trương hình dáng, chưng diện màu sắc có ý khoe.

Hồi xưa mấy bà già cổ lỗ sĩ hay rầy con gái, chửi em như tát nước vô mặt: “Con quỷ cái nầy bẹo hình bẹo dạng cho dữ nhe! Đồ ngựa bà.”

Như vậy cây bẹo là “treo gì bán nấy”. Em thoa son dồi phấn vì em muốn bán cái nhan sắc của em. Quyền của em mà. Em làm đẹp tui càng khoái dòm! He he! Cho dù cũng có em tủi thân mình, cà nanh, ghen tị: “Trắng da vì bởi phấn dồi/ Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa!”

Mỹ Tho hồi xưa khoái trồng me. Cần Thơ lại khoái trồng xoài. Đại lộ Hòa Bình hồi xưa là đường Hàng Xoài. Trồng cây ven đường để lấy bóng mát cho lối đi bộ dọc theo đường nhưng phải đoan chắc rễ cây không làm hư mặt lộ. Không biết hồi xưa mấy ông Lục lộ Sở Trường Tiền trồng cây dương tùy hứng hồn thơ; trồng me, xoài vì vợ đang ốm nghén? Còn thời CS đốn ráo cho tụi bây khỏi tối ngày bàn vô tán ra phải trồng cây gì vừa mát, vừa đẹp, vừa thơ nghe thiệt là nhức cái đầu! Ủa tụi nó có đầu đâu mà nhức?

Tui nhớ đường Hai Bà Trưng, thời Tây là Route de Quai, Bến sông Quai de Commerce. Cách đây một thế kỷ, con đường mé sông mới đầu là xoài, sau thay bằng hàng dương, nên dân gian thường kêu Bến Hàng Dương. Từ năm 1958, Tỉnh trưởng Đỗ Văn Chước (1957- 1959) đổi tên Bến Hàng Dương thành Bến Ninh Kiều ngày 4 tháng 8 năm 1958. Bến Ninh Kiều có Chùa Ông, nhà lồng chợ Cần Thơ, từng được gọi là chợ Hàng Dương. Bến Ninh Kiều có đèn 3 ngọn, bến đò xuôi dòng sông Hậu đi Cái Côn, Trà Ôn, Kế Sách, Đại Ngãi.

Lục trên ‘Google images’, tui tìm được cột đèn 3 ngọn nằm giữa ngã ba đường Ngô Quyền và đường Hai Bà Trưng. Trên lầu, bên tay phải là bảng hiệu nhà thuốc Tây ‘Pharmacie du Mekong’. Bên tay trái là Vinh Huê, tiệm “bịch răng”. Chú Ba nầy viết sai chánh tả. Bịt là dùng kim khí để bọc, viền xung quanh. Viết trúng phải là bịt răng vàng.

Bắc Kỳ dùng chữ ‘bọc răng vàng’.

Năm 1966, Ba tui từ cư xá Bưu Điện Tân Định căn số 230/9 ở lầu hai, đáo nhậm chức Trưởng ty Bưu Điện Mỹ Tho số 31 và 33 Đại lộ Gia Long. Tui đang học Đệ tứ 5 trường Petrus Trương Vĩnh Ký ở đại lộ Cộng Hoà chuyển trường về Trung học Nguyễn Đình Chiểu trên Đại lộ Hùng Vương. Cùng lúc nhà kế là căn chót số 230/10 có cái khung cửa sắt nhỏ ngăn cách trên hành lang, ông Trần Ý về đáo nhậm Ty Bưu Điện Cần Thơ trên đường Phan Đình Phùng góc Ngô Quyền. Ông Trần Ý, người Trung, vợ Bắc, có 4 người con: Anh: Trần Minh Trí (tên ở nhà là Viên), Trần Minh Ngọc, Trần Minh Sơn và con gái út là Trần Thị Minh Chi. Minh Chi đang học Gia Long chuyển về Đoàn Thị Điểm. Mãi những năm 1970s, nghe nói Minh Chi đang học Luật Cần Thơ, vượt biển rồi được định cư bên Đức và tui bặt tin người năm cũ từ độ ấy.

Tui nhớ đèn 3 ngọn Cần Thơ mà mỗi ngọn là một bóng đèn néon dài 1 mét 2 chĩa ra 3 hướng vì là nằm giữa ngã ba. Những tối mưa thiêu thân bù mắt bay đầy coi buồn thấy mẹ.

Tui nhớ uống rượu nếp than với em học trò cũ Nguyễn Hoàng Dũng, dân Kế Sách, đang học Kỹ sư Nông nghiệp Cần Thơ đem bánh cống Cần Thơ đèn 3 ngọn. Ôi cái thời ‘mất dạy’, đói cơm, rách áo bánh cống làm gì có mặt con tôm. Bột gạo làm lớp vỏ bánh giòn. Đậu xanh nấu chín và làm nhưn. Chút thịt bằm, hành, tỏi, gia vị, dầu ăn. Trộn bột gạo với nước. Dùng một loại khuôn đặc biệt gọi là ‘cống’ bằng thiếc. Đổ bột vào khuôn, nhúng khuôn vào chảo dầu nóng, chiên cho đến khi bánh chín vàng ươm. Cắt bánh cống ra làm hai. Cuốn với cải xà lách, rau sống, chấm nước mắm chua ngọt. Trước lúc VC từ bưng biền vô cướp phá Cần Thơ, dân còn khá, bánh cống chỉ là món ăn chơi như bánh xèo. Bánh cống không phải là đồ nhậu. Sau 1975, đời đói nhăn răng, bánh cống không còn ăn chơi nữa mà ăn thiệt cho khỏi đói rã ruột.

50 năm đã trôi qua, tui nhớ bánh cống đèn 3 ngọn. Tui nhớ người cũ; tui nhớ học trò xưa. Tha hương biền biệt nhưng tui vẫn vấn vương hoài cố thổ; lòng tui bùi ngùi quá mạng Cần Thơ ơi!

Đoàn Xuân Thu
August 29th, 2024

Không có nhận xét nào: