Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

NGUYỄN QUÝ AN, NGƯỜI BẠN TÙ. - Nguyễn Duy Anh


Mang cái túi xách tay, chỉ chứa đủ một bộ quần áo cũ, chiếc mùng nhà binh, khăn mặt, bàn chải răng và mấy gói mì con cua, tôi lội bộ từ nơi tạm trú, cư xá Trung Dũng, trại gia binh của ban Quân Nhạc và đơn vị phòng vệ Đô thành, gần cuối đường Hồng Thập Tự phía cầu Thị Nghè, đến trường Nguyễn Bá Tòng. Cánh cổng trường chỉ hé mở, một tên bộ đội đứng gác. Vào bên trong cũng hai hàng vệ binh, súng cầm tay, mũi súng gắn lưỡi lê chỉa xuống đất. Tôi hơi giật mình, bước đến trước mấy chiếc bàn xếp dọc dài giữa sân, bốn người mặc quân phục xanh lá cây, chừng là sĩ quan cổ áo mang những ngôi sao vàng nền đỏ thẩm, những chiếc nón cối cũng màu xanh, đội sụp xuống che khuất cả chân mày, chỉ thấy những con mắt sòng sọc nhìn lên, ngó xuống. 
<!>
Họ ngồi thu giấy tờ. Người ngồi cuối ghi chép xong, y hất đầu như ra lệnh cho tôi đi vào theo lối có toán vệ binh đứng gác cách nhau một tầm tay giữa hai người. Tôi bước lên lầu hai theo chỉ dẫn. Tên bộ đội đứng đầu hành lang chỉ tôi vào một phòng học, bàn ghế đã được xếp chồng về một góc.

Hôm nay thứ Sáu, 13 tháng 6- 1975, còn những ba ngày nữa mới hết hạn “đi trình diện”, nhưng Phường Khóm đã đến tận nhà để nhắc nhở, thúc giục từ chiều hôm qua. Họ nói các anh không nên chậm trễ, không ai “đảm bảo” an ninh cho các anh, vì “nhân dân” đang căm thù các anh lắm, đi trình diện sớm để được “nhà nước cách mạng” bảo vệ!

Không biết họ “sắp đặt” nhân sự từ lúc nào mà chỉ mới hơn một tháng đã có ngay những kẻ thừa hành khá “chuẩn mực” cả trong ngôn ngữ mới, lạ?

Thôi thì đi “học tập” một tháng cho xong, để được cấp giấy tờ trở về quê, không còn con đường nào khác. Nhưng khi bước đi giữa hai hàng vệ binh lầm lì, đằng đằng sát khí, tôi cảm thấy có điều gì bất ổn. Tôi hối tiếc đã không nán trễ thêm môt ngày để dò xét tình thế. Tôi tiếc đã không nghe lời người bạn rủ trốn về miền Tây; vào đến đây thì mọi việc đã an bài! Tôi lại nhẩm tính cái vận hạn mười năm “Liêm, Tham, Kình Đà, Không, Khiếp…” của mình mà buông xuôi, thúc thủ mặc cho định mệnh!

Đã có mấy người vào trước đang ngồi tựa vách tường, im lặng, quay nhìn chào tôi, người mới tới, bằng ánh mắt. Cứ ít phút lại có thêm một người bước vào, nét mặt người nào trông cũng hốc hác, thất thần, thiếu ngủ. Khi sĩ số trong phòng đã hơn một tiểu đội, bắt đầu có nhiều tiếng thì thầm, hỏi nhau tin tức từ những nơi khác. Tin đồn về những đơn vị còn chiến đấu, không chịu buông súng. Mấy vị tướng, nhiều chiến sĩ, những quan chức đã tự sát, tậpthể, cá nhân hay cả gia đình. Có người kể lại vụ một sĩ quan Thiết giáp đã bắn vào đầu vợ và mấy đứa con rồi quay súng vào đầu mình tự sát ở cư xá Chí Hòa. Về sau nầy có người cho biết đó là anh Lê Văn Hồng, người bạn của tôi, cùng khóa 66A SVSQKH. Hồng không may bị loại phần khảo hạch quân sự nên đã vuột mất hoài bão “lướt gió tung mây”, từ ngày anh chuyển qua Bộ binh, tôi chưa một lần gặp lại anh, một người đẹp trai, hiền lành vui tính, anh có một giọng ca khá truyền cảm. Không ngờ một người như anh lại có hành động can trường như thế.

Cứ năm, mười phút lại có thêm người mới vào phòng. Phòng chỉ chứa trên hai chục mạng. Người cuối cùng vừa bước vào mặc bộ bà ba đen, mang hai cánh tay giả, mà bàn tay là là cái móc sắt trắng. Có người lên tiếng tuy nhỏ, nhưng ai cũng nghe, vẻ ái ngại:
-Thương Phế Binh đã đến lượt đâu mà anh vào đây sớm làm gì?

Anh cười, hồn nhiên:
-Phường khóm họ bảo đi thì mình cứ đi, chứ có biết gì đâu? Mấy ông “cách mạng” thì chưa nghe thấy nói gì, mà mấy ông “Ba mươi” ghê quá!

Anh nói tiếng Bắc, trông anh có vẻ điềm tĩnh. Mọi người đều cố nói chuyện với nhau thật khẽ. Những câu chuyện trao đổi rì rầm giữa các nhóm hai, ba người đứng hoặc ngồi trong căn phòng chật hẹp. Trong ánh mắt, nụ cười, mỗi người đều có những mối lo âu riêng về những ngày sắp tới. Chẳng ai buồn hỏi tên tuổi mà chỉ hỏi thăm nhau về binh chủng, đơn vị và ở đâu, làm gì trong những ngày cuối cùng. Trong phòng nầy có tới năm mạng Không quân: Một phi công F5 đã giải ngũ, về sau nầy mới biết tên anh là Lưu Tùng Cương, người mất hai cánh tay là Nguyễn Quý An, Phi đoàn 219 Lôi Hổ, Bùi Văn Thời, Phi đoàn quan sát. Anh Hảo sĩ quan không phi hành và tôi...

Không có nhận xét nào: