VÔ TỘI - Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan. Các quan lớn làm ngơ, báo Đảng làm ngơ. Giết oan một người, hay vài ngàn người có gì đáng nói, tại một xứ mạng người rẻ hơn bèo. Bèo còn bán được làm thức ăn cho heo. Josehp K., trong ‘’Le Procès’’ (Der Prozess) của Franz Kafka, một buổi sáng bị bắt, bị tống giam, không ai biết về tội gì. K. nói tôi vô tội, bọn tra tấn hỏi lại : ‘’vô tội về chuyện gì ?’’ (Non coupable de quoi ?). Ai cũng có một cái tội gì đó.
Sau những cuộc điều tra cẩu thả, tra tấn dã man, những phiên toà lố bịch, luật sư bất lực, quan toà phường chèo, K. bị lôi ra một bãi vắng, bị xử tử bằng một con dao thái thịt, ‘’ như một con chó, làm như cái nhục sẽ đeo đuổi anh ta mãi mãi’’.
Đó là công lý ở những xứ độc tài: giết oan chưa đủ, còn phải nhục mạ nạn nhân. Vừa tàn nhẫn, vừa độc ác. Hành hạ người khác để biểu dương quyền lực, và tìm cái thú trong cái độc ác, man rợ.
Voltaire viết, trong Zagig, từ 1747: khi thiếu bằng chứng, khi còn hoài nghi ‘’thà thả lầm một người có tội còn hơn kết án một người vô tội’’ (Il vaut mieux hasarder de sauver un coupable que de condamner un innocent).
Những chế độ độc tài nghĩ ngược lại: thà giết lầm một triệu người còn hơn thả lầm một người có tội.
Ngày nay, chỉ còn 19 hay 20 nước, trong đó có VN, vẫn thi hành án tử hình. Nhiều nước vẫn còn án tử hình, nhưng ít khi áp dụng.
Tại những nước văn minh hơn, người ta bỏ án tử hình, vì, thứ nhất: trong nhiều vụ, án thi hành xong, người ta khám phá ra tử tù bị hành quyết oan, dù các phiên toà rất nghiêm chỉnh, bằng cớ trước mắt rất hiển nhiên, công luận rất thoả mãn. Thứ hai, ở những nước có án tử hình, các tội ác không thuyên giảm; án tử hình không có hiệu quả gì trong việc ngăn ngừa tội ác
THÁNH RẮC MUỐI
’’Vô tội về chuyện gì’?’. Đó có lẽ cũng là câu hỏi của công an với anh chủ tiệm phở Bùi Tuấn Lâm.
Lâm bị kết án 5 năm, 6 tháng tù, 4 năm quản chế về tội bắt chước ông thánh rắc muối Thổ Nhĩ Kỳ của một tiệm ở London, nơi ông trùm công an Tô Lâm tới thưởng thức món thịt bò dành cho tỷ phú tư bản.
Ở những xứ dân chủ, người dân có quyền làm bất cứ chuyện gì luật pháp không cấm; ở những xứ độc tài người dân chỉ có quyền làm những gì luật pháp cho phép.
Ở VN, không có đạo luật nào cho phép dân được bắt chước thánh rắc muối. Đi tù là phải, không có gì oan ức. Bởi vì có nhiều người đi tù vì làm những chuyện được hiến pháp, luật lệ VN cho phép.
Nhưng tại sao 5 năm tù, không phải 3, 4 hay 10, 30 năm?. Có thể vì ông toà thích số 5, như nhiều người coi số 9 là số hên, đánh cá ngựa, mua xổ số, đều lựa số 9.
TIỂU TỬ.
Một người bạn gởi cho coi một bài viết về nhà văn Tiểu Tử của Giáo sư Nguyễn Văn Lục, và thêm: « có nhiều câu giống y như những câu trong bài viết của Từ Thức mấy năm trước’’.
Bài viết của giáo sư NVL, tựa ‘’Tiểu Tử, người tiếp lửa, giữ hồn của miền Nam’’vừa đang trên OVCOnline.Net (2023), được nhiều websites đăng lại. Bài của tôi, tựa là ‘’Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài’’, ghi lại bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách Tiểu Tử ở Paris 8 năm trước ( 03/01/2015), đăng trên rất nhiều báo online thời đó, còn lưu lại trên blog cá nhân, tuthuc-paris-blog.com.
Anh bạn tô mầu vàng những câu anh cho là giống nhau. Thí dụ:
TỪ THỨC (2015):
‘’Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Nhàn, con Huê, con Lúa, thằng Rớt thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Cháo lòng…’’
GÍAO SƯ NVL (2023):
‘’Tên tuổi nhân vật cũng đặc sệt tính miền Nam. Không có những văn hoa như Lan, Cúc (…) kiểu miền Bắc. Hoặc những tên như Diễm, Công Tằng Tôn Nữ (…) kiểu miền Trung. Tiểu Tử không có những tên cao sang ‘’với không tới’’, mà bình dân như Con Lúa, con Nhàn, con Huê, thằng Rớt (…), thầy Năm Chén, bà Năm cháo lòng.’’
TỪ THỨC (TT):
Dưới ngòi bút của tác giả người Bắc, người Trung, gọi đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn; ở Tiểu tử, nó chỉ là sự thân ái
Gíao sư NGUYỄN VĂN LỤC (NVL):
Bình dị mà gần gũi thân thương (…). Nó khác hẳn tiếng chửi tục của miền Bắc thô tục…
TT : Tiểu Tử học ở Marseille, hiện sống ở ngoại ô Paris, nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào
NVL: Tôi cũng không hề thấy ông bị một chút nào về văn hoá Pháp mà lẽ thường ông chịu ảnh hưởng
TT: Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không làm văn. Ông kể chuyện, không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách, ông viết với tấm lòng.
NVL: Ông vẫn giữ được cá tính miền Nam: bình dân, giản dị, thực thà, dí dỏm. Ông vẫn giữ lối viết chân chất (…), không màu mè, không kiểu cách , không uốn éo văn hoa, làm dáng (…) nhưng chính lối viết chân chất ấy quyến rũ người đọc. Chính chỗ bình dị làm nên vóc dáng văn học.
TT: Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường xẩy ra mỗi ngày (sau 75)
NVL: ‘’Ông không cần hư cấu, không cần bóp méo sự thật, chỉ cần cúi xuống nhặt nhãnh những mảnh vụn cuộc đời, ghi lại như một nhân chứng những cuộc đổi đời…’’
Người bạn hỏi : anh nghĩ gì về chuyện này ?
Tôi không biết nghĩ gì.
Bởi vì chính mình cũng có lúc vô tình viết lại một câu đã đọc ở đâu đó.
Không biết nghĩ gì, thôi thì coi đó là một sự trùng hợp tình cờ, như xẩy ra rất thường trên sách báo. Vả lại, bài tôi viết cũng chẳng hay ho gì, chỉ là nội dung một buổi nói chuyện thân mật, về một nhà văn quen. Một người bạn có nhã ý ghi âm, tôi sửa lại đôi chút cho hợp với văn viết.
Dầu sao, cũng vui vì thấy có tác giả nghĩ như mình, coi Tiểu Tử là một nhà văn đáng quý. Giáo sư NVL viết : Tiểu Tử là ‘’người giữ lửa, giữ hồn của miền Nam’’, khi tôi viết, cách đây 8 năm: Tiểu Tử gợi lại cả một xã hội VN trước 75, từ phong hoá đến ngôn ngữ. ‘’Độc giả trân trọng với truyện ngắn Tiểu Tử , có lẽ bởi vì đó là một tài liệu quý . Một cuốn phim sống động về một xã hội tử tế đang phá sản, đặc biệt là phá sản về luân lý, về tình người. Ông là nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử VN’’ (1)
Paris tháng 8, 2023
TỪ THỨC
(1)TIỂU TỬ. NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT, NHỮNG TIẾNG THỞ DÀI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét