Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

LỄ VU LAN MẸ TÔI XUỐNG TÓC Nguyễn Thị Thêm

               (hình minh hoạ)
Không biết sao cứ mỗi mùa Vu Lan về là tôi lại rưng rưng. Tôi nhớ má tôi, nhớ vô cùng. Trái tim tôi rung lên những nhịp đập mãnh liệt và nước mắt muốn trào ra. Má tôi sinh toàn con trai và tôi là đứa con gái rượu của ba tôi. Gần nhà tôi có bác Tư Hiếu. Bác trai làm việc văn phòng trong đồn điền cao su. Bác gái ở nhà, căn nhà cũng gần nhà tôi. Hai vợ chồng bác Tư Hiếu giàu có nhưng không con. Bác gái coi tôi như con gái cưng. Khi tôi còn nhỏ bác hay đem tôi về nhà để chăm sóc và chiều chuộng hết lòng. Bác cưng tôi lắm nên tôi thích ở nhà bác Tư hơn ở nhà mình. Bánh kẹo bác có nhiều, muốn ăn bác cho ăn thoải mái. 
<!>
Thức ăn nhà giàu đầy đủ và thật ngon. Tôi được bác sắm sửa nhiều bộ đồ đẹp. Bác cho tôi mặc đồ con gái, những bộ đầm đẹp màu sắc rực rỡ. Tôi như cô công chúa nhỏ xinh xắn trong nhà.

Nhà bác Tư rộng và đẹp, nhất là cái võng thật to được giăng ở dưới nhà sau gần bếp. Gió ngoài cửa lùa vào mát rượi. Tôi thích nằm võng để ngủ trưa. Đầu võng bác Tư Gái nằm trên ghế xích đu kế đong đưa cho tôi ngon giấc.

Những bài hát ru con bác Tư đưa tôi vào giấc mộng lành, in sâu vào trí nhớ con nít của tôi. Giọng hát ngọt ngào và dịu dàng làm sao.
- Ầu ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo ờ...ờ.....Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Ầu ơ...ơ...Khó đi mẹ dắt con đi.

Con đi trường học ờ....Ầu ơ! Con đi trường học ờ ...Mẹ đi ...trường đời.

Ở nhà má tôi nói tôi lớn có em rồi nên buổi trưa lên bộ ván mà nằm ngủ, má bận tay bận chân lắm. Má còn phải lo cho em, cho heo ca, cơm nước cho ba... Bác Tư chỉ nấu cơm trưa và cơm chiều với hai người ăn nên thời gian rảnh rất nhiều. Thỉnh thoảng bác còn đan áo đẹp cho tôi nữa nên ru tôi ngủ là niềm vui của người phụ nữ khao khát được làm mẹ.

Tôi cứ nghĩ mình xinh đẹp như con búp bê mắt nhắm, mắt mở mà bác đã mua cho tôi khi hai bác đi nghỉ mát Đà Lạt. Tôi ôm con búp bê và ngủ say sưa trong tiếng ru ngọt mềm ấy. Những bài hát ru bác Tư lập lại nhiều lần với âm điệu thật hay đi vào trí não non nớt của tôi. Tôi thuộc nó và ao ước hôm nào tôi sẽ hát lớn cho ba tôi nghe, cho má tôi nghe để biết con gái cưng của ba tôi giỏi như thế nào.

Và ngày đó đã đến, nhưng tôi không ngờ đó là ngày tai biến cho gia đình tôi nhất là cho má tôi.

Hôm ấy buổi trưa ba tôi về nhà ăn cơm như mọi ngày. Sau bữa cơm ba tôi thường ngủ một giấc ngắn để buổi chiều đi làm việc trở lại.

Hôm ấy Bác Tư Gái không ở nhà nên tôi không qua nhà bác. Tôi lấy một cái khăn tắm lớn, túm hai đầu lại và cột vào hai chân ghế để cách xa nhau để làm thành cái võng nhỏ. Tôi đặt con búp bê vào và bắt chước bác Tư Gái hát ru cho búp bê ngủ.

Tôi ngồi ở đầu võng và hát thật to cốt để ba tôi nghe và khen tôi giỏi.
- Ầu ơ!...Mấy đời bánh đúc có xương ờ...
Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ ờ ờ ...Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ ờ ...mà thương con chồng.

- Ầu ơ...Mồ côi cha ăn cơm với cá.
Ầu ơ! Mồ côi mẹ ờ.. Ầu ơ!...Mồ côi mẹ lót lá mà nằm ờ....

- Ầu Ơ..Mẹ gà con vịt chít chiu
Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ Ầu ơ... Mấy đời mẹ ghẻ nâng niu ờ...con chồng..

Ba tôi dừng đũa nhìn má tôi lom lom. Má đang chuẩn bị bình trà và dĩa trái cây ở bàn bên cho ba tôi ăn tráng miệng sau bữa cơm.

Tôi lấy hơi và hát lớn thêm một bài chí mạng mà tôi không biết nghĩa là gì
- Ầu ơ! Trèo lên cây khế chảng ba ờ...
Ầu ơ! Thấy ờ... mẹ ghẻ ờ...Ầu ơ! Thấy ờ... mẹ ghẻ ờ... có chà có chôm.

Ba tôi lấy tay hất mạnh một cái, cả mâm cơm rơi xuống đất. Tôi hoảng hồn khóc ré lên vì sợ. Ba tôi hùng hổ bước về phía má tôi:
- Dạy con như vậy hả? Dạy như vậy hay sao?

Má tôi mặt xanh dờn vì sợ. Ba tôi bản tính trầm tĩnh, ít khi nào ông lớn tiếng hay la to. Ông luôn dùng cái uy của bản thân để dạy con, ông không bao giờ dùng vũ lực hay nạt nộ. Lần đầu tôi thấy ông giận tóe lửa. Con gái cưng hát cho ba nghe mà ba giận dữ, lần đầu tôi mới thấy ba tôi đáng sợ như vậy. Má tôi ấp úng nói không ra tiếng
- Tui không có dạy. Tui không bao giờ dạy như vậy.
- Không dạy sao nó biết hát. Nói cho tui nghe coi

Má tôi lúc này đã khóc, bà ngồi ngồi đất chịu đựng cố nén cơn hờn tủi.

Tôi sợ quá chạy ra sau hè không muốn thấy má tôi khóc và ba tôi giận dữ. Một lúc sau tôi vô nhà thấy ba vẫn còn đứng mặt hầm hầm nhìn má tôi với đôi mắt giận dữ. Thức ăn vẫn còn la liệt dưới đất, má tôi khóc thật nhiều và tôi thấy má tôi cầm cái kéo
- Tui nói mình không tin, tui thề là tui không không dạy gì hết. Tui thề nè. Và má tôi sổ đầu tóc ra. Mái tóc dài buông xuống phủ hai vai. Má nắm mớ tóc đó cắt mạnh đầy tủi hờn. Ba tôi đứng lặng không nói được gì. Ông không ngờ má tôi quyết liệt như vậy.

Má nói với ba
- Tui đã nói tui không dạy con bậy bạ. Tui cắt tóc để thề. Mình muốn biết thì hỏi nó. Hỏi xem ai dạy nó.

Ba tôi ngoắc tôi lại gần. Tôi sợ quá không dám tới. Ba dữ quá mà, ba hất hết mâm cơm xuống đất. Tôi khóc rống lên đầy uất ức.

Má tôi biết tôi sợ nhưng nếu lại gần tôi ba tôi sẽ nghi bà tới để dạy tôi nói tránh tội. Má không lại gần mà chỉ hỏi tôi
- Ai dạy con hát ru em như vậy? Có phải má không?

Tôi lắc đầu và vẫn khóc trong ấm ức.

Ba tôi bước lại gần và nắm tay tôi hỏi:
- Nói cho ba nghe, ai dạy con hát?

Tôi vừa khóc tấm tức vừa trả lời:
- Không có ai dạy hết. Bác Tư Hiếu hát con bắt chước bác.

Ba tôi vẫn không nguôi giận, Ông nhìn má tôi lườm lườm.
- Không dạy nhưng chuyện nhà đi rêu rao hàng xóm.
- Tui không rêu rao, tui làm việc cả ngày có đi đâu mà rêu rao.
-Không rêu rao sao người ta châm chọc?

Ba tôi giận dữ bỏ đi làm. Mâm cơm tan tành dưới đất. Bình trà, thức ăn tráng miệng nằm chơ vơ trên bàn cạnh cái ghế dựa ngủ trưa của ba tôi. Tôi còn nhỏ quá tôi không hiểu gì hết, tôi không hiểu hát hay như vậy sao ba không khen con gái, ba giận dữ. Sao má phải cắt tóc để thề thốt. Tôi ôm lấy má, tôi thương má tôi quá. Tôi đã làm gì sai. Có phải tại tôi không?

Má tôi vừa khóc vừa dọn dẹp những thức ăn chén bể và tóc vung vẩy khắp nhà. Nước mắt đã làm mặt má tôi thiểu não chưa từng có. Tôi ghét, tôi giận ba tôi.

Mấy tuần sau rằm tháng bảy má dẫn tôi đi chùa. Sư cô đã niệm Phật và cạo đầu cho má tôi. Má ăn chay lạy Phật nguyên tháng bảy và từ đó má tôi kiệm lời. Má nhìn ba tôi khác hơn ngày trước. Vẫn lo lắng, chăm sóc đúng bổn phận người vợ nhưng ít nói với ba hơn. Đôi mắt đượm buồn và chịu đựng làm sao. Má chăm sóc tôi nhiều hơn và mỗi buổi trưa không cho tôi qua nhà bác Tư Hiếu để ngủ. Má dặn tôi mấy bài hát của bác Tư đừng bao giờ hát nữa, ba sẽ không vui.

Sau này lớn hơn một chút tôi đã nghe các chị nuôi nói lại là lúc đó có một người con gái làm công nhân cạo mủ bỏ gia đình theo ba tôi. Ba tôi đã kiếm nhà cho cô ta ở và coi như vợ lẻ. Bà Bảy (em ruột của bà nội) đã tới tận nhà và cảnh cáo cô ta nhưng vẫn không dứt ra được. Má tôi biết nhưng không đánh ghen hay làm khó ba tôi, bà cam chịu như một việc hiển nhiên. Đàn ông năm thê bảy thiếp. Ba tôi có quyền làm như vậy và bà chỉ cần làm tròn bổn phận của mình. Những bà con ruột thịt, hàng xóm láng giềng nóng ruột và thương má tôi nhưng không biết làm sao. Các bài hát ru con của Bác Tư Hiếu cũng gián tiếp gửi đến ba tôi một thông điệp không mấy đẹp về sự chung thủy của đàn ông. Một hình thức chống đối ngầm dè xiểm của những người bàng quang về thực trạng mẹ ghẻ con chồng nếu một mai má tôi chết sớm.

Dường như từ ngày kinh hoàng đó, cái ngày mà mái tóc dài của má tôi đã thành cái đầu trọc lóc, má tôi đã giác ngộ và hiểu được lẽ vô thường. Bà chấp nhận số phận nhưng bà lại nghĩ ra một điều khác quan trọng hơn. Bà nghĩ đến tương lai và ngày mai cho cuộc đời bà và cho các con. "Đàn ông khi đã thay lòng sẽ quên tất cả tình nghĩa và thay đổi bất cứ lúc nào" Biết đâu một ngày nào đó ngôi nhà này sẽ có một người phụ nữ khác làm chủ. Má tôi sẽ bước ra với hai bàn tay trắng, sự cô độc và tủi nhục. Xã hội luôn chấp nhận những điều bất công đó một cách tự nhiên. Cái luân lý đạo đức Khổng Mạnh bất công ở tít bên Tàu đã ăn sâu vào nền văn hóa VN. Bắt buộc đàn bà phải trung trinh tuyệt đối với chồng, nhưng đàn ông có quyền có nhiều vợ, đánh đập vợ và bỏ vợ. Cho nên dù có bị bạc đãi thế nào, người đàn bà cũng phải nép mình trong cái luân lý, đạo đức đã được truyền dạy từ thời con gái.

Má tôi hiểu điều đó cho nên bà phải tìm một nơi nương thân cho cuộc đời bà. Phải tự mình đứng dậy để tự lập. "Bà đi khai hoang lập đất"

Má tôi rủ các người cậu họ phá rừng lập rẫy. Bà mướn người phóng nọc làm ranh và khai hoang lập đất. Mỗi sáng má tôi dậy sớm chuẩn bị cơm nước cho cả nhà rồi bà đi rẫy. Những ngày tôi không đi học tôi theo má lên rừng, em tôi chạy theo sau. Thỉnh thoảng má gánh em tôi ở một đầu gánh, đầu bên kia là cơm nước đem đi cho mấy mẹ con ăn trong ngày. Đến nơi, má đưa hai chị em tôi vào nghỉ ở một bụi tre gai mà cái tàng nó de ra như một mái nhà. Má trải tấm nylon cho hai chị em tôi ngồi xuống đó chơi. Má gom chà tre để đốt.

Tôi nhớ như in hình ảnh má tôi với cái áo bà ba, cái quần đen bạc màu, khăn rằn đội đầu theo kiểu miền nam, nón lá che khuất khuôn mặt rám nắng. Chà tre gai gom lại từng đống lớn, má lấy tre khô làm bổi từng đoạn , một cây tre khá dài được quấn mủ dây cao su khô ở một đầu, má đem đốt lên để làm mồi lửa đốt bổi. Từng nhóm lửa nhỏ cháy lên yếu ớt rồi lan mạnh ra bùng lên sáng rực một góc. Tiếng tre tươi bị đốt nổ lớn và văng ra ngoài. Má đứng vừa quạt mồ hôi vừa hô tô GIÓ... GIÓ...GIÓ LÊN.

Ngày qua ngày má tôi phơi nắng, dầm mưa trên mảnh đất vừa khai phá. Tiền bạc vòng vàng dành dụm má bỏ vào nơi này. Khi ba tôi biết thì miếng đất đã phát hoang gần xong. Những đống tre gai để đốt nằm rải rác đó đây chứ không từng từng lớp lớp như trước. Ba tôi hỏi tại sao bà lập rẫy. Má tôi nói:
- Sống có nhà, chết có mồ. Mình đã có một mái nhà riêng tư, một gia đình riêng tư bên ngoài. Tui phải tạo dựng nơi tui và con nương náu sau này. Mình giúp được thì giúp, còn không thì hãy cho tui làm theo ý mình.

Ba tôi nhìn má tôi kinh ngạc. Người đàn bà yếu đuối và coi ông như điểm tựa cuộc đời mình giờ tách ra khỏi ông để tìm một lối đi riêng. Ông biết má tôi hiền lương phúc hậu. Vết thương ông tạo cho má tôi quá lớn và trong thâm tâm ông chợt hối hận.

Từ đó sau giờ làm việc ba tôi đạp xe xuống rẫy để phụ má tôi dọn dẹp và chuẩn bị tới mùa mưa phóng nọc trồng cây. Ba tôi làm một cái chòi nhỏ để gia đình che mưa đụt nắng. Hai chị em tôi không còn ngồi núp dưới bóng mát của bụi mua già hay bụi tre gai. Chúng tôi có một cái chõng tre để nằm và những bữa cơm nóng má nấu tại chỗ với đọt nhãn lồng luộc hay cá kho má đặt lợp dưới suối. Những cây lù đù, nhãn lồng cho chị em tôi hái ăn thật ngon. Còn một khoảng rừng thưa phía trước đất không màu mỡ má chưa dọn hết, chị em tôi vào đó tha thẩn hái trái sim, bứt dây xuân sâm về cho má đâm ra làm nước uống. Chúng tôi đã có một tuổi thơ thật nhiều niềm vui và sống với thiên nhiên cây cỏ.

Mỗi sáng má đi rẫy một đầu gióng là con, đầu bên kia là thức ăn và vật dụng. Khi chiều về một đầu là con, một đầu là củi. Rồi theo thời gian hai đầu là những bầu, bí, rau trái trong vườn. Đất mới khai hoang nên rất phì nhiêu, trồng cây gì lên cũng đều cho kết quả ngoài dự liệu. Bầu bí bò đầy đất, rau xanh tươi ăn hoài không hết. Tôi nhớ có lần đào một củ khoai mỡ. Đất thịt bã hèm nên củ nó cứ thế mà phát triển luồn trong đất. Một củ khoai mà đào thật rộng mới lấy hết phần củ. Và cuối cùng cũng phải cắt ra mới có thể đem về nhà. Trái thơm thật to ngọt lịm ngon ơi là ngon.

Ba tôi dành nguyên một liếp vườn để trồng cau "Cho má con ăn trầu" Hai trụ trầu vàng trồng sau nhà cũng "Để dành má con ăn" Người đàn ông trong ba tôi không nói nhiều mà sâu sắc nghĩa tình.

Chôm chôm, sầu riêng, bưởi cam, mít tố nữ, dâu miền dưới, xoài thanh ca, xoài cát, mãng cầu, cà phê ...tất cả đều có mặt trên mảnh vườn này. Ba tôi cho phóng nọc trồng cây ngay hàng thẳng lối như cao su. Ông cho đào mương dẫn nước từ suối vào trong vườn để cây đủ nước phát triển. Đó không phải chỉ công trình của má tôi mà là sức lực, tài sản của ba má tôi đổ vào đó để chúng tôi có một nơi để về đoàn tụ như má tôi đã từng mong ước. Đó là căn nhà từ đường mà ba má tôi đã bỏ nhiều tâm huyết xây dựng. Là mái ấm yêu thương của ba dòng con tụ tập về mỗi khi Tết đến hay cúng giỗ ông bà.

Má tôi, một người phụ nữ đã gánh vác cả giang sơn nhà chồng và gánh cả một nỗi thương đau rạn nứt bởi những người đàn bà khác. Ngày tôi hát những câu ru con chết người đó má tôi đã cắt tóc, cạo đầu như dứt bỏ những thường tình mà một người phụ nữ phải có, để vượt lên thành một người phụ nữ tuyệt vời cao thượng nhất.

Cô gái theo ba tôi ngày tôi còn bé đã có đến 5 đứa con với ba tôi. Năm đứa con chồng mà mỗi khi chúng bệnh đau thường được ba tôi đem về giao cho má tôi chăm sóc. "Má lớn biết nuôi con" Má lớn nuôi con chồng bằng bàn tay mát rượi với trái tim bao la của một người mẹ.

Ba tôi không phải một người đàn ông bội bạc. Ông là một người chồng, người cha uy nghiêm với tất cả thành viên trong gia đình. Ngôi nhà má tôi từng ở cũng như ngôi nhà mà ông xây dựng sau này trên mảnh đất khai hoang của má tôi, không một người vợ nhỏ nào được bước vào ở dù chỉ một ngày. Các con riêng của ba tôi một lòng tôn kính má lớn. Má lớn che chở cả ba dòng con chồng. Nhà má lớn là nơi các em tôi và chúng tôi về tụ họp mỗi lẫn giỗ quảy. Chúng tôi cũng không sợ và cũng không bao giờ bị mẹ ghẻ hành hạ hay bạc đãi vì các dì đều mất trước má tôi. Chính tay má tôi đã dựng vợ gả chồng cho cả 11 đứa con.

Má tôi là một người đàn bà thời xưa, thời của đàn ông có quyền nhiều vợ. Phụ nữ phải chấp nhận sự thiệt thòi đó một cách tự nhiên. Xã hội phong kiến đã dạy cho người phụ nữ phải phục tùng chồng một cách tuyệt đối. Má tôi sau cái ngày cạo tóc má không còn nghĩ đến ba tôi có ai bên ngoài nữa. Bởi vì bà biết có chống đối hay ghen tuông cũng không thay đổi được gì, chỉ làm gia đình tan vỡ, người ngoài cười chê. Bao dung và yêu thương là tôn chỉ của má tôi nên tấm lòng đó đã được ba tôi trân trọng và yêu thương.

Má tôi cắt đoạn lìa mái tóc dài và cạo đầu do tôi còn bé ngây ngơ dại dột. Mãi sau này về già tóc má tôi bạc trắng và thưa thớt tội nghiệp. Má phải dùng thêm một đầu tóc mượn mới có thể búi nó chắc chắn. Một ngày má kêu tôi cạo đầu cho má. Má nói cái đầu nó nhức và khó chịu, con cạo đi cho phiền não không còn. Và thế tôi là người thường xuyên cạo đầu má tôi, bà nội tôi và sau này mẹ chồng tôi.

Có phải tóc còn trên đầu là phiền não vẫn còn không? Phiền não từ tâm mà ra, dứt bỏ mọi sân si trong lòng tự nhiên đầu sẽ nhẹ nhàng, tâm không vướng mắc. Má tôi ít học, không đọc nhiều kinh sách, nhưng bà đã biết xuống tóc sám hối những vướng mắc nghiệp duyên và mở lòng ra chấp nhận những việc mình không muốn nhưng không thể cản trở.

Má thường khuyên tôi: Hãy tha thứ và rộng lượng con sẽ nhẹ nhàng trong đầu. Con càng chấp lòng con càng nặng nề khó dứt. Khi nào con buồn khổ hãy niệm Phật. Mình không làm sai hai bên vai vác sẽ chứng cho mình. Những câu đơn giản nhưng thực hành được cũng rất khó khăn phải là người có tấm lòng nhân hậu.

Năm nay mùa Vu Lan đã về, cuối tuần này tôi sẽ đi chùa dự lễ. Tôi sẽ quỳ trước chánh điện mà tâm thành tưởng niệm công đức của cha mẹ. Nguyện cầu hai đấng sinh thành được vãng sanh nhiều phước báo và an lạc.

Đóa hoa hồng trắng cài lên áo
Tay chắp nguyện cầu mẹ trên cao
Mẹ già khuất núi từ lâu lắm.
Mỗi độ Vu Lan lại nghẹn ngào

Lại nhớ má ngồi ăn trầu ngoáy
Khay trầu có để những múi cau
Trầu xanh quẹt một đường vôi trắng.
Trắng xanh má ngoáy đỏ một màu

Vườn cau ba trồng cau trĩu trái
Nọc trầu vun quén lá vàng ong
Trầu cau sính lễ ba trồng lại
Mà sao nghèn nghẹn nghĩa vợ chồng.

Vu Lan báo hiếu con bất hiếu
Bỏ má một mình lấy chồng xa
Bến vắng xứ người đò ngược nước
Làm sao về lại để thăm nhà.

Má ơi! con gái ngồi nhớ má
Nhớ dáng má gầy, nhớ vườn cau
Cau nặng một quầy sai những trái
Má gánh bầy con lắm dãi dầu.

Con gái giờ đây cũng thành bà
Cuộc đời chìm nổi bởi phong ba
Làm vợ con đây tròn tình nghĩa
Đã noi gương má sống thuận hòa.

Nguyễn thị Thêm
Share Lại Người Lính Già TQLC

Không có nhận xét nào: