Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo 4 vùng lãnh thổ của Ukraine - Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk dự lễ ký hiệp ước sáp nhập vào Nga ngày 30/9/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu 30/9 ký hiệp ước sáp nhập bất hợp pháp thêm lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng trong một cuộc chiến leo thang mạnh mẽ. Tổng thống Ukraine phản pháo bằng lá đơn bất ngờ xin gia nhập liên minh quân sự NATO.
<!>
Việc ông Putin sáp nhập lãnh thổ Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ký kết điều mà ông nói là đơn gia nhập NATO “được tăng tốc” đã khiến hai nhà lãnh đạo nhanh chóng hơn trên đường đụng độ đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và phương Tây.
Ông Putin thề sẽ bảo vệ các khu vực mới được sáp nhập của Ukraine bằng “tất cả các phương tiện sẵn có”, một lời đe dọa được hỗ trợ bằng hạt nhân mà ông đưa ra tại lễ ký kết ở Điện Kremlin, nơi ông cũng giận dữ chống lại phương Tây, cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang tìm cách hủy diệt Nga.
Ông Zelenskyy sau đó đã tổ chức một buổi lễ ký kết của riêng mình tại Kyiv, công bố đoạn video quay cảnh ông đặt bút ký vào những tờ giấy mà ông nói là đơn xin gia nhập NATO chính thức.
Ông Putin đã nhiều lần nói rõ rằng bất kỳ triển vọng nào về việc Ukraine tham gia liên minh quân sự là một trong những đường ranh đỏ và coi đó là lời biện minh cho cuộc xâm lược của ông, hiện đã ở tháng thứ tám, trong cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin kêu gọi Ukraine ngồi lại đàm phán hòa bình nhưng ngay lập tức khẳng định ông sẽ không thảo luận về việc trao trả các khu vực bị chiếm đóng. Ông Zelenskyy nói rằng sẽ không có cuộc đàm phán nào với Putin.
“Chúng tôi đã sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng… với một tổng thống khác của Nga,” nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Tại lễ ký kết ở Đại sảnh đường St. George được trang trí công phu của Điện Kremlin, Putin cáo buộc phương Tây thúc đẩy các hành động thù địch như một phần của kế hoạch biến Nga thành “thuộc địa” và “đám đông nô lệ”. Việc giữ vững lập trường của ông, trong cuộc xung đột đã giết chết và làm bị thương hàng chục nghìn người, càng làm gia tăng căng thẳng ở mức chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Các nước phương Tây đáp trả bằng một loạt các cuộc lên án, trừng phạt nhiều hơn đối với Nga và viện trợ cho Ukraine. Hoa Kỳ đã công bố các chế tài đối với hơn 1.000 người và công ty có liên quan đến cuộc xâm lược của Nga, bao gồm cả thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này.
Về việc ông Putin sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Joe Biden nói: “Đừng nhầm lẫn: Những hành động này không có tính hợp pháp”.
Liên hiệp châu Âu nói 27 quốc gia thành viên của họ sẽ không bao giờ công nhận các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp mà Nga tổ chức “như một cái cớ cho sự vi phạm sâu hơn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là “nỗ lực sáp nhập lãnh thổ châu Âu bằng vũ lực lớn nhất kể từ sau Thế chiến Thứ hai”.
Ông nói, chiến tranh đang ở “thời điểm then chốt” và quyết định của ông Putin sáp nhập thêm lãnh thổ đánh dấu “sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh”. Ông Stoltenberg không cam kết về quyết định của ông Zelenskyy đưa đơn xin gia nhập NATO, nói rằng các nhà lãnh đạo liên minh “ủng hộ quyền lựa chọn con đường riêng của Ukraine, quyết định loại thỏa thuận an ninh mà nước này muốn tham gia”.
Ông Zelenskyy thề sẽ tiếp tục chiến đấu, bất chấp những lời cảnh báo của Putin rằng Kyiv không nên cố gắng lấy lại những gì đã mất.
Ông nói: “Toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng tôi sẽ được giải phóng khỏi kẻ thù này.” “Nga đã biết điều này. Nga cảm nhận được sức mạnh của chúng tôi.”
Ảnh hưởng ngay lập tức của việc cứu xét nhanh đơn xin gia nhập NATO của Ukraine không rõ ràng, vì sự chấp thuận cần có sự ủng hộ nhất trí của các thành viên. Tuy nhiên, việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine đã đưa nước này tiến gần hơn đến quỹ đạo của liên minh.
“Trên thực tế, chúng tôi đã chứng minh được khả năng tương thích với các tiêu chuẩn liên minh,” ông Zelenskyy nói, “Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau và chúng tôi bảo vệ lẫn nhau”.
Buổi lễ tại Điện Kremlin của ông Putin diễn ra ba ngày sau khi hoàn thành “cuộc trưng cầu dân ý” do Moscow tổ chức tại các khu vực bị chiếm đóng về việc gia nhập Nga mà Kyiv và phương Tây bác bỏ là hành động chiếm đất bằng súng đạn và dựa trên sự dối trá.
Trong bài phát biểu mạnh mẽ tại Điện Kremlin, ông Putin nhấn mạnh rằng Ukraine phải đối xử với các lá phiếu do Điện Kremlin quản lý “một cách tôn trọng.”
Sau lễ ký các hiệp ước gia nhập Nga, các nhà lãnh đạo do Moscow bổ nhiệm tại các khu vực bị chiếm đóng đã tập trung xung quanh ông Putin, nắm tay nhau và cùng hô vang “Nước Nga! Nga!" với các cử toạ.
Tổng thống Putin tỏ ra giận dữ khi cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh đang tìm cách tiêu diệt Nga. Ông nói rằng phương Tây đã hành động “như một kẻ ăn bám” và sử dụng sức mạnh tài chính và công nghệ của mình để “cướp toàn bộ thế giới.”
Ông miêu tả Nga đang theo đuổi sứ mệnh lịch sử là giành lại vị thế cường quốc thời hậu Xô Viết và chống lại sự thống trị của phương Tây mà ông cho là đang sụp đổ.
Ông nói: “Lịch sử đã gọi chúng tôi đến một chiến trường để chiến đấu cho dân tộc của chúng tôi, cho nước Nga lịch sử vĩ đại, cho các thế hệ tương lai.”
Moscow đã ủng hộ các khu vực Donetsk và Luhansk ly khai ở miền đông Ukraine kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 2014, vài tuần sau khi bán đảo Crimea của Ukraine được sáp nhập. Nga đã chiếm được khu vực phía nam Kherson và một phần của thành phố láng giềng Zaporizhzhia ngay sau khi Tổng thống Putin đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2.
Cả hai viện của Quốc hội Nga do Điện Kremlin kiểm soát sẽ họp vào tuần tới để chấp thuận các hiệp ước cho các khu vực gia nhập với Nga, gửi cho ông Putin để phê duyệt lần cuối.
Quá trình được dàn dựng đã chuyển sang giai đoạn ăn mừng vào tối thứ Sáu 30/9 khi hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường Đỏ cho một buổi hòa nhạc và mít tinh, với sự tham dư của ông Putin. Nhiều người vẫy cờ Nga khi các nghệ sĩ đến từ Nga và các vùng bị chiếm đóng của Ukraine biểu diễn các bài hát yêu nước. Các báo cáo truyền thông Nga cho biết nhân viên của các công ty và tổ chức nhà nước đã được yêu cầu tham dự, và học sinh được phép bỏ buổi học.
Việc Putin chiếm đất và động viên một phần quân đội là những nỗ lực nhằm tránh thêm những thất bại trên chiến trường có thể đe dọa đến sự cai trị 22 năm của ông. Bằng cách chính thức hóa thắng lợi của Nga, ông dường như hy vọng sẽ khiến Ukraine và các nước ủng hộ phương Tây lo sợ về một cuộc xung đột ngày càng leo thang trừ khi họ lùi bước - điều mà họ không có dấu hiệu sẽ làm.
Nga kiểm soát hầu hết các khu vực Luhansk và Kherson, khoảng 60% khu vực Donetsk và một phần lớn khu vực Zaporizhzhia, nơi nước này chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Nhưng Điện Kremlin đang đứng trước một tổn thất quân sự nhức nhối khác, với các báo cáo về việc Ukraine sắp bao vây thành phố Lyman ở phía đông. Việc chiếm lại nó có thể mở ra con đường cho Ukraine tiến sâu vào Luhansk, một trong những khu vực bị sáp nhập.
“Trông thành phố khá thảm hại. Người Ukraine đang làm điều gì đó, thực hiện các bước trong thế giới vật chất thực, trong khi Điện Kremlin đang xây dựng một loại thực tế ảo nào đó, không có khả năng phản ứng trong thế giới thực”, nhà viết diễn văn trước đây của Điện Kremlin, trở thành nhà phân tích, Abbas Gallyamov, nói thêm rằng “Điện Kremlin không thể cung cấp bất cứ điều gì dễ chịu cho người Nga.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét