Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

NHỮNG LỜI CUỐI (LAST WORDS - Vương Đằng


Xin cho phép Vương Đằng xưng thầy và gọi em với độc giả trẻ trong lứa tuổi con, cháu, cựu học sinh hay sinh viên của Vương Đằng.
Nầy các em của thầy,
Về phương diện tiền bạc và vật chất, dù suốt đời thầy sống trong cảnh nghèo, đôi khi chỉ có khoảng thời gian ngắn sống kha khá, nhưng thầy chủ quan cho rằng mình là người sống sung sướng trong trần gian với những lạc thú phức tạp, không thuận tiện trình bày ở đây đến đổi một trong bốn người rể của thầy đã than, khi so cuộc sống của anh ta với đời sống của thầy: “Có ai sướng bằng ba!”
<!>
Năm bạn học Petrus Ký thân hay khá thân với thầy, trong đó có 3 người nổi tiếng trong và ngoài nước, đã về bên kia thế giới dù họ thuộc loại tỷ, tỷ phú hay giàu. Bởi thế, e rằng bây giờ thầy đang mắc 4 bịnh (2 bịnh gây khó khăn cho thầy gần như mỗi đêm) nên thầy có thể nối gót 5 bạn học vừa kể; do đó, thầy soạn “Lời cuối …” để hy vọng nó sẽ đóng góp tương lai (thật nhỏ nhoi!!!) để các em giàu hơn thầy và sướng hơn thầy.

I. SỐNG LƯƠNG THIỆN:

Ai muốn sống phát triển về tâm thần, điều đầu tiên thầy khuyên em nên nghĩ đến và thực hành một đời sống lương thiện, có nghĩa là em không làm một điều ác, dù rất nhỏ (chẳng hạn, hái lén trái cây bên nhà hàng xóm), hại đến người khác.

Nói chung, hầu hết người đời đều phạm tội, dù bây giờ họ là đại lão hòa thương, đức hồng y, v.v. (Xin tra cứu www.google.com để biết chi tiết!); nhưng trong thực tế ai cũng cố che dấu tội lỗi của mình, ngoại trừ tín đồ tôn giáo cho phép xưng tội như đạo Thiên Chúa. Thầy không như thế và dám xưng tội bây giờ đây: Trong khoảng từ 7 tuổi đến 32 tuổi, thầy cũng đã 3 lần mắc tội: “chọt” hộp bánh tí teo ở quán Tàu ngoài chợ Thị Nghè, ăn cắp bóp người nước Pháp chỉ có 200 đồng Việt Nam, và lén dấu đồ công ty (dù chỉ đáng giá 10 Mỹ kim) cho mình dùng ở New York khi đi làm lần đầu tiên ở Hoa Kỳ; ngoài ra, trong lớp trung học, thầy cũng đã “quây bùa, đánh phép,” chép bài toán của bạn cho mình để nộp cũng là điều hỗ thẹn nho nhỏ.

Trong hơn 40 năm nay, mướn người soạn luận án, mua bằng, đạo văn cũng là sự thật rất thiếu lương thiện mà các em đã nghe, biết hay chưa thấy nhan nhản khắp nơi, kể cả quảng cáo nhận cung cấp bằng cấp, giấy tờ giả.

Điều quan trọng là chính chúng ta: a. biết phục thiện là thật sự cảm thấy mình có tội và tự nguyện sẽ không vi phạm nữa; kế đến b. cố gắng làm những gì hữu ích để chuộc tội hay làm nhiều hơn những điều sai đã mắc phải.

Tật ăn cắp là một thói quen của rất nhiều người Việt Nam dù họ giàu có, có chức vụ ở Thụy Điển, Anh quốc ,v.v.; truy cập www.google.com sẽ cho chúng ta mọi chi tiết.

Từ 2010 cho tận đến bây giờ người Việt Nam vẫn còn vang danh khắp thế giới với tật ăn cắp trong cửa hàng được bêu xấu qua các bích chương và bài báo ở các nước Nam Hàn, Nhựt Bản, Thái Lan, v.v..

Hoang phí của người khác cũng là tật xấu nổi tiếng của người Việt, nhứt là khi ra nước ngoài:

Biết bao nhiêu khẩu nghiệp bất chính do lưỡi và miệng gây ra là những tội mà đa số chúng ta không nghĩ rằng chúng ảnh hưởng gì đến đời sống lương thiện của con người: Nói xấu người tốt, nói lường gạt, nói ganh tị, nói quyến rũ chuyện tội lỗi, v.v., là những điều chúng ta cần phải tránh hay hạn chế tối đa.

Người ta thường nói: “Buôn bán là nghề thất đức!” bởi vì trên thực tế, những người làm nghề thương mãi, nhứt là ở ngoài chợ, càng chân thật thì càng bán ế hay thu được lợi tức quá thấp. Chính thầy, trong 6 tháng cuối năm 1991, tạm tránh thất nghiệp nghề dạy học, phải đi bán xe hơi để nuôi vợ con mới được bảo lảnh Mỹ; và vì không quen nói dối hay tán tỉnh, đưa khách hàng lên tận mây xanh nên mỗi chiếc xe thầy bán được chỉ kiếm được từ 50 đến 150 Mỹ kim là cùng trong khi đồng nghiệp người nước ngoài kiếm tối thiểu 100 đến 500 (có người giỏi nói dối đã kiếm 3000 Mỹ kim khi bán được một chiếc xe).

Nói theo tâm lý học, nói không đúng sự thật của bác sĩ để trấn an bịnh nhân cũng có thể thông cảm; nhưng nếu bác sĩ nói láo nhiều quá thì phải xét lại đạo đức và chuyên môn của bác sĩ đó.

Làm nghề dạy học, lắm khi giáo chức phải ứng dụng kỹ thuật phát ngôn để chinh phục học sinh hay sinh viên nên chúng ta có thể bỏ qua, miễn là giáo chức đó không có ý sử dụng cho lợi ích cá nhân của mình. Nói xạo mua vui trong tiệc tùngcó thể được bỏ qua. Ai coi sống lương thiện là quan trọng cho đời mình thì đừng nên học, theo nghề làm luật sư, quan tòa, nghị viên, nghị sĩ, nhân viên hình luật, v.v..

Các em của thầy,

Đề cập đến sống lương thiện chúng ta có thể viết cả cuốn sách; không thể được trong bài nghiên cứu ngắn ngủi nầy, thầy xin tóm tắt sau đây: SỐNG LƯƠNG THIỆN LÀ BIẾT PHÂN BIỆT PHẢI VÀ TRÁI; CÁI GÌ PHẢI THÌ LÀM, CÁI GÌ TRÁI DÙ NHỎ NHẶT CŨNG PHẢI TỪ CHỐI; CÓ NGHĨA LÀ NHỨT ĐỊNH HAY CỐ GẮNG TỐI ĐA KHÔNG LÀM GÌ CÓ LỢI CHO MÌNH MÀ HẠI CHO NGƯỜI KHÁC.

Thêm nữa, sống lương thiện là KHÔNG TRỢ GIÚP BĂNG ĐẢNG LÀM HẠI NGƯỜI SỐNG LƯƠNG THIỆN.

Tuy nhiên, trên thực tế đa số người chọn sống lương thiện thường nghèo bởi vì trong xã hội mới, gần như những kẻ xấu tham lam, lừa đảo, bán lương tâm vả danh dự mới có cơ hội khá giả, giàu có (“sù nợ” không ăn lời cũng là một tội phổ biến ở Việt Nam!) trong khi người nghèo có niềm hãnh diện sâu xa về đạo đức, cách sống của mình và tin tưởng sau khi chết hồn mình sẽ được thăng lên một cõi cao siêu như Niết Bàn hay Thiên Đàng.

Vậy, thầy buộc lòng đề nghị chính em quyết định:

a. Cương quyết chọn đời sống lương thiện dù tương lai vật chất như thế nào. Em nên ghi nhớ rằng: Qua lịch sữ có biết bao nhiêu danh nhân khắp thế giới trải qua đời sống lương thiện như Thomas Edison, Marie Curie, Pasteur, Alexandre Dumas, Alexander Graham Bell, v.v.. Tốt hơn nếu em kém học vấn hay bất tài thì phải chấp nhận sống nghèo với niềm vui tự hãnh diện về mình.

b. Chọn theo bầy gian ác, không cướp của giết người trực tiếp để kiếm thật nhiều tiền (như băng đảng ma túy, kẻ dụ dỗ khách hàng đầu tư để được lợi tức thật cao rồi trốn mất, hạng cho vay nặng lãi, v.v..), rồi khi đã trở thành tỷ phú thì em bắt đầu làm việc từ thiện để đền bù lại tội lỗi của mình.

Đây là một giải pháp không nên chọn; tuy nhiên sau khi cố gắng bằng nhiều cách mà em vẫn không thể sống lương thiện đơn giản thì em đành chọn nó còn hơn sống không định hướng hay lý tưởng rất dễ biến thành người bị bịnh tâm thần và đôi khi cũng có thể thành kẻ ác độc, cướp của, giết người ngoài dự định của mình.

II. SỐNG TỪ THIỆN NẾU CÓ THỂ:

Giúp bà con, bạn bè, láng giềng hay kẻ quen biết không phải là làm

việc từ thiện bởi vì đã có sợi dây liên lạc giữa đôi bên từ trước. Cứu giúp, san sẻ cho một hay nhiều người mà mình không hề biết trước thì mới được là coi làm việc từ thiện.

Không ai buộc chúng ta phải sống từ thiện, nhưng tại sao thế giới chúng ta có hàng trăm triệu người hiến cả đời mình để giúp kẻ khác như các bà sơ đạo Thiên Chúa, các tu sĩ hay sư cô chân chính Phật giáo (hay tôn giáo khác) ở các quốc gia Á Châu và Đông Nam Á? Tại sao ở Sài Gòn và đôi tỉnh miền Nam có hàng trăm tình nguyện viên giúp một hai ngày làm không lảnh tiền công ở các quán cơm 2 đồng, nhứt là trong năm 2021-2022 người từ thiện và tình nguyện viện nuôi ăn kẻ đói vì dịch COVID-19. Thầy xin trả lời: Bởi vì quý vị làm việc từ thiện kể trên vô cùng hạnh phúc trong tâm mà người thường như chúng ta khó thể cảm thấy được.

Trong các niên khóa giữa 1967-1972, khi còn dạy ở trường trung học Phú Hòa (thuộc tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ), thầy in câu tâm niệm của mình ở trang chót tập in roneo dạy làm câu Pháp văn với hy vọng truyền bá tinh thần phục vụ từ thiện đến các em học sinh:

“Đường nào cũng dẫn đến đáy huyệt. Chỉ lối sống cho người đưa ta vào vườn bất tử.”

Cuối tháng 4, 1975, thầy rời Sài Gòn qua Hoa Kỳ. Mãi đến 2007, trở về khu vực trường cũ để họp mặt với các cựu học sinh, thầy vô cùng xúc động khi thấy câu của mình kể trên được một nữ cựu học sinh tàn tật chân trái (tên ĐÀO THỊ NGỌC TIỆP) đem trình bày, chụp sao lớn và đóng bìa cứng phân phát cho các bạn đồng lớp!

III. QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE:

1. Tập thể dục, chơi thể thao, học võ, hay v.v.: Có nghĩa là em quan tâm đến sức khỏe của mình theo lời khuyên của hầu hết các bác sĩ. Chính thầy đã không tin nguyên tắc nầy nên đã phải nghỉ dạy Anh văn sớm vào năm 2009 (trong khi lương được trả rất cao ở trường Đại Học Quốc Tế--the International University--ở Thủ Đức, TP. HCM, 25 Mỹ kim cho 1 tiết 50 phút; mỗi tuần dạy 2 ngày 8 tiết thầy được trả 400 USD) vì không nghe lời bác sĩ khuyên nên tập đi bộ khi mới 60 mà nói: “Đi bộ là thể dục của người già hay người bịnh, tôi còn đánh quần vợt thì cần gì phải tập như thế!). Thế là, cuối niên khóa 2008-2009 thầy phải nghỉ dạy vì mắt cá chân trái và đầu gối chân mặt sưng vù; và từ đó đến nay không còn đi dạy học được nữa vì dạy môn Anh văn thầy phải di chuyển gần như khắp lớp học và tốn nhiều tiền mua thuốc Đông y thoa, uống mãi đến bây giờ (năm 2022) và hai chân càng ngày càng yếu, không thể đi bộ hơn 30 thước, không thể đạp xe mini con nít chạy hơn 500 thước.

Từ tháng 11, 2014 đến nay, tạm trú ở Việt Nam, thầy là người Việt gốc Mỹ, tốt nghiệp nhiều bằng cắp cả hai quốc gia, mà phải ở nhà mướn, không xe, không vợ, tài khoản trong nhà băng bên Hoa Kỳ không bao giờ hơn 3 ngàn Mỹ kim. Hiện tại, thầy nghèo về tiền bạc hơn tất cả bạn học và bà con khốn khó Việt Nam giữa 1975-1995.. Không nghe lời bác sĩ, không tập đi bộ ở tuổi 60 đã làm thầy sống nghèo và hai chân quá yếu đến bây giờ các em ơi!

2. Phòng bịnh qua thực phẩm: Đa số người Việt Nam, nhứt là ở Việt Nam, không quan tâm việc phòng bịnh qua thực phẩm: Họ ăn uống ngon là được, còn chuyện bịnh hoạn sẽ tính sau.

Từ 2011, tiến sĩ Peter Navarro bắt đầu xuất bản cuốn Death by China(Chết bởi Trung Cộng)thông tin và cảnh cáo thực phẩm độc hại do Trung Cộng chế tạo và bán khắp thế giới và thêm nhiều tác giả khác, như Elizabeth Scott, Sara L. Latta, cũng đã xuất bản nhiều sách về độc chất trong thực phẩm của người Trung Cộng; nhưng đối với đa số người Việt thà ăn no còn hơn nhịn thèm, kết quả là người Việt ở Việt Nam tốn nhiều tiền và thời gian để chữa trị những bịnh do độc chất thực phẩm gây ra, và rồi cũng có nhiều người chết vì bịnh gan, bịnh tiểu đường, bịnh đường ruột, bịnh phổi, v.v.., trong số đó có suôi gia của thầy, 2 bạn thân, học trò đại gia, cháu bên vợ, vợ sống chung, v.v.).

Nếu em tin lời thầy hãy đọc đính kèm “140 CÂU ĐẠI Ý VỀ PHÒNG BỊNH”. Nhớ và ứng dụng được càng nhiều càng tốt em nhé!

3. Chữa trị khi bị bịnh: Rất nhiều người Việt thích làm thầy thuốc, bày vẻ cách trị bịnh cho bịnh nhân dù chỉ nghe lóm. Chính thầy, nghe lời bà con suôi gia, cũng đã mất cả triệu đồng và trọn một ngày để lên Bình Long tìm võ cây hồng quân trị bịnh tiền liệt tuyến để rồi về nấu nước uống và mửa cả ngày hôm sau.

Vậy tốt nhứt, chúng ta nên thăm dò, nghiên cứu và đi bác sĩ hay bịnh viện Tây phương hay Đông phương (nếu có nhiều bằng chứng chữa trị hiệu quả). HÃY ĐIỀU TRA, ĐỪNG TIN NHIỀU VÀO NHỮNG QUẢNG CÁO VÀ ĐỒN ĐẠI CỦA CÁC CÔNG TY ĐÔNG Y Ở VIỆT NAM.

Ở Việt Nam, nhứt là ở miền Nam, thầy thuốc không bằng cấp trở thành nổi danh, hốt bạc một vài tháng, một năm rồi biến mất. Ngay ở Sài Gòn Nhỏ bên Ca-Li cũng có dăm bác sĩ Việt Nam không đủ bằng được thị thực, ngay cả có bằng chính thức như các bác sĩ Mỹ khác, lường gạt bịnh nhân hay tự chế thuốc (không có bằng dược sĩ) bị báo chí viết bài tố cáo nhưng chẳng mấy ai nghe. Vậy mà thầy cũng đã dẫn vợ đến một bác sĩ VN thuộc loai nầy.. Ở Việt Nam, thầy cũng đã tốn 4 triệu đồng để trị bịnh tiền liệt tuyến và 3 triệu để trị bịnh jona thần kinh không kết quả tốt; bịnh tiền liệt tuyến vẫn hành hạ thầy mỗi đêm (và có thể chết vì bịnh nầy!) và bịnh jona thần kinh giãm nhiều nhờ con gái của thầy làm bác sĩ cho thuốc uống cả năm nay.

IV. BIẾT ƠN:

Văn minh vật chất càng lên cao thì lòng biết ơn càng đi xuống. Hãy coi những hài kịch tâm lý xã hội (đa số do Chí Tài, Hồng Đào, Quang Minh) ở www.youtube.com để thấm thía hoàn cảnh cha mẹ bị con cho cô đơn và ông bà càng ngày càng xa các cháu, nhứt là khi các cháu không thể đọc hay nói tiếng Việt. Đó là ở Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam, hoàn cảnh ít hơn nhưng chúng ta vẫn nên thông tin và báo động.

Thầy có 2 con gái và 1 con trai với 6 cháu ở bên Hoa Kỳ và 2 con với 4 cháu ở Việt Nam, nhưng tình thế đưa đẫy trong 4 năm nay thầy sống một mình với hai chân quá yếu thỉnh thoảng gây nênthương tích nặng trên đầu, lưng, xương tay và chân; thầy sống hôm nay mà chết sáng mai không biết chừng, tới đâu hay đó.

Khi dưới 21 tuổi, trong khi còn tập tự kỷ ám thị để tiếp thu các tính tốt, thầy luôn tâm niệm câu: “Thi ân bất cầu báo” (= Làm ơn không cần báo đáp). Nhưng khi tuổi càng cao mà bị người ta (có người đã là đại gia) bỏ lơ mình sống nghèo và bịnh dù trước kia mình đã tận tình cứu nhà của nhà bị tịch thâu, giúp vốn của họ có lại sau đám cháy, giúp con gái họ học xong trung học và đại học. Có những kẻ xấu hơn, còn thiếu nợ thầy từ 20 triệu đến 50 triệu thì luôn luôn không trả lời điện thoại hay nhắn tin trả nợ từ từ cho thầy. Thầy buồn, nhưng biết làm sao bây giờ nên đành lờ đi để mặc đấng thiêng liêng (Trời, Phật, Chúa, Alah, Brama, v.v.) cứu xét.

Nầy các em! Đó là người dưng đã phụ ơn người mà chúng ta vẫn buồn, thì con cháu không biết nhớ ơn ông bà, cha mẹ thì càng đáng trách hơn.

Trong bất cứ xã hội nào, trên khắp thế giới, lòng biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ luôn được đề cao, bởi vì không có ông bà thì không có cha mẹ và không có cha mẹ thì không có ta.

Ngoại trừ 1-5% cha mẹ thất đức, nuôi con nhưng lợi dụng con hay bán con kiếm sống cho mình, cha mẹ và ông bà là những người mà các em đáng quan tâm nhứt ngoài vợ, chồng hay con.

Hãy TỰ QUAN SÁT, TÌM HIỂU ĐỂ GIÚP ÔNG BÀ CHA MẸ, CHỨ ĐỪNG ĐỢI HỌ XIN MỚI GIÚP vì có những bậc ông bà cha mẹ có lòng tự ái hay tự trọng RẤT NGẠI NGÙNG XIN CON CHÁU GIÚP ĐỠ.

Trong trường hợp ông bà cha mẹ chết sớm vì bịnh thì các em cũng nên suy nghĩ, cứu xét hoàn cảnh rằng mình đã tận tình giúp ông bà cha mẹ chưa, chứ ĐỪNG ĐỔ THỪA SỐ MỆNH, chẳng hạn, CHƯA CHẮC CA SĨ PHI NHUNG PHẢI CHẾT NẾU NGAY TỪ ĐẦU MỚI BỊNH, NGƯỜI QUẢN LÝ ĐƯA PHI NHUNG THẲNG VÀO BỊNH VIỆN CHỢ RẨY HAY VIỆT PHÁP (thay vì bịnh viện Quận địa phương) vì bấy giờ Phi Nhung mới bịnh, còn nhiều sức chống chỏi, đủ khả năng tài chính để trả tiền; tiết kiệm hay keo kiệt, suy tính KHÔNG ĐÚNG CHỖ ĐÃ GIẾT PHI NHUNG CHỨ KHÔNG PHẢI TẠI SỐ PHI NHUNG PHẢI CHẾT.

Ngoài ra, các em nên nhớ ơn (bằng tâm tư hơn vật chất) quý thầy cô đã tận tình dạy dỗ các em ở bậc tiểu, trung và đại học. Thêm nữa, dù là nghề nghiệp của họ, văn nghệ sĩ cổ nhạc Việt Nam trước 1975 cũng nên được mang ơn vì họ đã đem niềm vui và bao tiếng cười cho chúng ta, v.v.. Cũn đừng quên công trình của các tác giả, họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia quốc tế, v.v..

*

Nầy các em! Bài viết đã dài, thầy phải ngưng ở đây dù còn nhiều điều muốn để lại cho các em để đóng góp vào cuộc đời hạnh phúc của các em như siêng năng, kiên nhẫn, thận trọng, giữ chữ tín, v.v.. Nếu bây giờ đọc không hiểu hết, hãy để dành thư nầy mà đọc lại 5-10 sau sẽ hiểu hơn.

GIÀU, NGHÈO, SƯỚNG, KHỔ hầu hết là do CHÍNH CÁC EM TẠO NÊN. ĐỪNG TIN NHIỀU VÀO NHỮNG LỜI HỨA HẸN VÀ NHỮNG LỜI CUỐI CỦA THẦY.

Chân thành,

Vương Đằng

08/2022

Không có nhận xét nào: