Liên minh gồm 8 tổ chức từ trong và ngoài Việt Nam – trong đó có Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Đại Việt Quốc dân Đảng và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – đã gửi một bức thư ngỏ tới LHQ để kêu gọi tổ chức này không chấp nhận Việt Nam là thành viên trong nhiệm kỳ tới vì cho rằng quốc gia Đông Nam Á “không xứng đáng” do có hồ sơ nhân quyền tồi tệ và nhất là sau khi quyết định ủng hộ Nga, nước đang bị thế giới lên án vì cuộc xâm lược ở Ukraine.
Trước khi bỏ phiếu chống tại lần bỏ phiếu thứ 3 ở Đại hội đồng LHQ kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự ở Ukraine gần 2 tháng nay, Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết của LHQ nhằm lên án Nga vì tiến hành cuộc xâm lược được cho là “vô cớ” ở Ukraine.
“Sự ủng hộ của Việt Nam đối với Nga chỉ là chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam – một chính thể độc tài đã cai trị đất nước hơn một nửa thế kỷ,” bức thư đề ngày 15/4 của liên minh gửi tới LHQ viết. “Chính sách này hoàn toàn đi ngược lại với nguyện vọng của người dân Việt Nam.”
Trong khi chính phủ Việt Nam không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine thì nhiều người dân trong nước phẫn nộ trước hành động của Moscow và bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.
Trước khi bỏ phiếu chống hôm 7/4, người đứng đầu phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, nói tại trụ sở LHQ ở New York rằng mọi quyết định của Đại hội đồng LHQ “cần dựa trên thông tin được kiểm chứng” dù khẳng định Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
“Ba lần bầu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề Nga xâm lược Ukraine cũng như về tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam đều đưa ra những lá phiếu trắng hoặc chống lại, có ý bênh vực hành động đang rất mất nhân quyền của Nga ở Ukraine,” ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc Người bảo vệ Nhân quyền, giải thích lý do vì sao liên minh, gồm cả tổ chức của ông, gửi lá thư ngỏ tới Liên Hiệp Quốc.
“Do vậy chúng tôi thấy rằng Việt Nam không xứng đáng được bầu vào trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc niên khóa 2023-2025 bởi vì có sự vi phạm nhân quyền trầm trọng mang tính hệ thống ở Việt Nam cũng như việc nhìn nhận cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Do vậy chúng tôi kêu gọi các quốc gia trên thế giới thấy rõ được tình hình, thấy rõ được vai trò của Việt Nam cũng như có những hành động ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,” ông Ngữ nói.
Việt Nam thường bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình do sự đàn áp được cho là “có hệ thống” lên các quyền tự do của người dân. Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới mới được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong tháng này nói rằng chính phủ Việt Nam hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông cũng như hạn chế nghiêm trọng người dân tham gia chính trị, tiến hành các vụ giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiên, và đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục công dân. Một phúc trình của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) đưa ra đầu năm nay nói rằng Việt Nam tăng cường đàn áp nhân quyền khi trừng phạt có hệ thống, bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm ngoái.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân.”
Hồi đầu năm ngoái, Việt Nam tuyên bố ứng cử vị trí thành viên UNHRC cho nhiệm kỳ 2023-2025. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trong một phiên thảo luận chung hồi tháng 9 năm ngoái, kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam và nói rằng Việt Nam ứng cử vào UNHRC “với nguyện vọng đóng góp cho công việc chung.”
Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của UNHRC vào năm 2014 với nhiệm kỳ 2 năm, sau khi đạt được số phiếu bầu 184/192.
Theo ông Ngữ, người từng bị chính quyền câu lưu vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, Việt Nam lúc đó được bầu vào UNHRC dù có hồ sơ nhân quyền “vô cùng tồi tệ”.
Do đó, ông Ngữ cho biết rằng, liên minh các tổ chức phải gửi lá thư ngỏ lên LHQ để lên tiếng rõ ràng nhằm làm cho thế giới nhìn nhận rõ hơn về Việt Nam cũng như có sự thay đổi trong việc bầu cử dựa trên hồ sơ nhân quyền thay vì dựa trên địa lý.
“Quốc gia cho dù có vi phạm nhân quyền trầm trọng như Việt Nam hay Trung Quốc vẫn có cơ hội được bầu vào tổ chức này nên chúng tôi nghĩ rằng thời thế phải thay đổi,” ông Ngữ, người từng được Bộ Ngoại giao Đức và Pháp trao giải nhân quyền, nói. “Cộng đồng quốc tế phải biết rõ hơn về Việt Nam, về chế độ Cộng sản ở Việt Nam, độc tài toàn trị. Bên cạnh việc vi phạm nhân quyền (đối với) người dân trong nước thì trong thực tế họ cũng không có đóng góp nhiều cho cộng đồng quốc tế. Chúng tôi nghĩ là cộng đồng quốc tế nên có trách nhiệm hơn trong việc bầu cử bất cứ thành viên quốc gia nào vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Thư ngỏ của liên minh 8 tổ chức gửi tới LHQ cho rằng UNHRC có nguy cơ “bị lạm dụng bởi các thành viên có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét