Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Hồ Đắc Huân – Người thu nhặt những mảnh vỡ lịch sử của một Quân Đội bị bức tử - Phạm Tín An Ninh


Hồ Đắc Huân
Ngày 26.10.1955, khi Tổng thống Ngô Ðình Diệm khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, cũng là ngày Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH) chính thức được thành lập với quân số khoảng 167.000 người. Đến ngày 22.5.1964, với Sắc Lệnh số 161 CP/SL, Chính Phủ Nguyễn Khánh cải danh thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Và cũng từ đây, song song với tình hình chiến tranh ngày một leo thang, Quân Lực được phát triển nhanh chóng với đầy đủ các quân, binh chủng hiện đại, để trở thành một quân đội qui mô và hùng mạnh nhất nhì Đông Nam Á. Đến năm 1972, với quân số trên một triệu người gồm đủ các quân, binh chủng:
<!>
1- Quân Chủng Lục quân:
(tác chiến)
- Về lực lượng Bộ Binh, Tổng Trừ Bị, ĐPQ&NQ:
11 sư đoàn Bô Binh, 2 sư đoàn tổng trừ bị: Nhảy Dù và Thủy Quân lục Chiến, 17 Liên Đoàn Biệt Động Quân (về sau được thành lập 2 Sư Đoàn BĐQ), 1 Liên Đoàn Biệt Cách Nhảy Dù (đã có kế hoạch biến cải thành Lữ Đoàn), chưa kể các đơn vị đặc biệt khác trực thuộc Nha Kỹ Thuật: Sở Phòng Vệ Duyên Hải, các Sở Công Tác, Sở Liên Lạc…

Mỗi Tiểu Khu có từ 6 đến 12 tiểu đoàn Điạ Phương Quân, (về sau được thành lập 1 hay 2 Liên Đoàn ĐPQ). Ở mỗi Xã, có từ 1 đến 3 trung đội Nghĩa quân.

- Về Thiết Giáp: ngoài 1 thiết đoàn cơ hữu của các sư đoàn Bộ Binh, còn có 4 lữ đoàn Kỵ Binh, gồm 21 thiết đoàn: 3 thiết đoàn Chiến Xa M-48, 18 thiết đoàn Kỵ Binh, trong đó có 13 chi đoàn Chiến Xa –M41, còn lại là các chi đoànThiết Quân Vận M-113. Tại mỗi Tiểu Khu có một chi đội Thám Thính Xa V-100.

Tổng cộng khoảng 2.000 xe tăng và thiết giáp các loại.

- Về Pháo Binh: Được thành lập đến cấp tiểu đoàn. Mội tiểu đoàn thông thường có 18 khẩu đại bác 105 ly hay 155 ly (ngoại trừ các tiểu đoàn PB Cơ Động 175 ly và PB Phòng Không.)

Mỗi sư đoàn Bộ Binh, tùy theo số trung đoàn, có từ 4 đến 5 tiểu đoàn Pháo Binh (1 tiểu đoàn PB.155 ly và còn lại là các tiểu đoàn PB.105 ly.)

Sư Đoàn Nhảy Dù có 4 tiểu đoàn PB 105 ly (Riêng TĐ.4 PB/ND mới được thành lập đầu năm 1975 nên chỉ có 2 Pháo đội (12 khẩu 105 ly).

Sư Đoàn TQLC có 3 tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly. (Tiểu Đoàn 4 dự trù thành lập vào đầu năm 1975, nhưng chỉ vừa mới có 1 pháo đội (PĐ.P) thì tình hình thay đổi nên đã sáp nhập vào tiểu đoàn khác.)

Trực thuôc các Quân Đoàn, ngoài các tiểu đoàn PB 105 và 155 ly còn các tiểu đoàn PB Cơ Động 175 ly và các tiểu đoàn Phòng Không (Có tất cả 5 tiểu đoàn PB 175 Cơ Động và 4 tiểu đoàn PB Phòng Không).Tại mỗi Tiểu Khu có từ 4 -7 trung đội PB (Tổng cộng có tất cả 176 trung đội PB diện địa)

- Ngoài ra tại mỗi sư đoàn Bộ Binh hay Nhảy Dù và TQLC đều có đầy đủ các đơn vị kỹ thuật và yểm trợ khác: tiểu đoàn Công Binh, tiểu đoàn Quân Y, tiểu đoàn Tiếp Vận v.v,

2- Quân Chủng Không Quân:

Không lực Việt Nam Cộng Hòa có 6 sư đoàn.

Không quân tác chiến gồm:

- 20 phi đoàn khu trục, với khoảng 550 phi cơ A-1H Skyraider, A-37 Dragonfly, và F-5,

- 23 phi đoàn trực thăng, với khoảng 1.000 trực thăng UH-1 Iroquois và CH-47 Chinook. Ở mỗi phi đoàn trực thăng đều có 1 hay 2 phi đội trực thăng võ trang (gunship), có nơi có cả phi đội tải thương.

- 8 phi đoàn quan sát với khoảng 200 phi cơ O-1 (L.19) U-6A (L.20), U-17 (Cessna), và O-2 Skymaster (chỉ trang bị cho hai Phi Đoàn 110 ở Đà Nẵng và PĐ.118 ở Pleiku),

Không Quân vận tải & yểm trợ:

- 1 Sư đoàn vận tải (gồm 9 phi đoàn vận tải với khoảng 150 phi cơ C–7 Caribou, C-47 Skytrain, C-119 Flying Boxcar, và C-130 Hercules),

- 1 không đoàn Tân trang Chế tạo,

- 4 phi đoàn vận tải võ trang “Hỏa Long” (attack squadron) với các phi cơ Fairchild AC-119, Lockheed AC-130.

- Ngoài ra còn có các Phi đoàn Trắc giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn Quan sát, và Biệt đoàn Đặc vụ 314.

3- Quân Chủng Hải Quân:

Gồm có:

- 5 Vùng Duyên Hải và 2 Vùng Sông Ngòi.

- Một Hạm Đội với đầy đủ các loại tàu chiến

- Các Lực lượng: Đặc nhiệm, Duyên Phòng, Duyên Đoàn (*), Liên Đoàn Tuần giang, Giang Đoàn Xung phong, Giang Đoàn Ngăn Chặn, Giang Đoàn Tuần Thám, Giang Đoàn Trục Lôi..

(*)- Tại mỗi Vùng Duyên Hải có từ 6 đến 8 Duyên Đoàn. Tất cả có 28 Duyên Đoàn.

- 1 Liên Đoàn Người Nhái

Đến tháng 4/ 1975 HQVN có số lượng tàu bè như sau:

7 tuần dương hạm WHEC, 2 khu trục hạm DER, 7 hộ tống hạm PCE, 3 trục lôi hạm MSC, 20 tuần duyên hạm PGM, 6 dương vận hạm LST, 6 hải vận hạm LSM, 3 trợ chiến hạm AGP, 6 hỏa vận hạm YOG, 8 khinh tốc đỉnh PT, 107 duyên tốc đỉnh WPB, 26 tuần duyên đỉnh, 14 giang đỉnh chỉ huy LCM, 16 giang vận hạm LCU.

4- Các Quân Trường, Trung Tâm Huấn Luyện:

Để đáp ứng với nhu cầu đào tạo, QLVNCH đã có:

- những quân trường đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan:

Trường Võ Bị QGVN (hậu thân Trường VBLQ Đà Lạt))

Trường Bộ Binh (hậu thân của Trường SQTB Thủ Đức)

TTHL Hải Quân (Nha Trang)

TTHL Không Quân (Nha Trang)

Trường Đại Học CTCT (Đà Lạt)

Trường Hạ Sĩ Quan (Nha Trang)

Trường Thiếu Sinh Quân (Vũng Tàu)

Trường Quân Y (Sài Gòn)

Trường Nữ Quân Nhân (Sài Gòn)

- các Trung Tâm Huấn Luyện đào tạo tân binh (Bộ Binh):

TTHL Quang Trung, TTHL Lam Sơn, TTHL Vạn Kiếp, TTHL Chi Lăng, TTHL Hòa Cầm, TTHL Đống Đa.

Ngoài ra, tại mỗi sư đoàn Bộ Binh đều có một Trung Tâm Huấn Luyện riêng

- và các trường chuyên nghiệp tác chiến:

Trường Pháo Binh (Dục Mỹ)

TTHL Biệt Động Quân (Dục Mỹ)

Trường Thiết Giáp (Thủ Đức –Long Thành)

TTHL Nhảy Dù (Sài Gòn)

TTHL Thủy Quân Lục Chiến (Rừng Cấm-Thủ Đức)

TTHL Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Bà Thìn (giải thể theo binh chủng cuối tháng 12/1970)

TTHL Người Nhái (Cam Ranh)

(Riêng quân chủng Hải Quân, ngoài TTHL/HQ Nha Trang, (đào tạo sĩ quan, HSQ, thủy thủ), còn có các TTHL/HQ Cam Ranh (đào tạo HSQ và thủy thủ), TTHL/HQ Sai-gòn (đào tạo các khóa sĩ quan đặc biệt, các khóa bổ túc chuyên môn hải hành) và TTHL Tuần Giang Cát Lái.)

- cùng các trường chuyên môn khác:

Trường Tuyền Tin, Trường Quân Cụ, Trường Quân Nhu, Trường Công Binh, Trường Quân Báo (Cây Mai),Trường Quân Cảnh, Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Trường Hành Chánh Tài Chánh, Trường Quân Vận (Thông Vận Binh), Trường Tiếp Vận, Trường Quản Trị Nhân Viên, TTHL Quân Khuyển, Trường Quân Nhạc, Truờng Thể Dục Quân Sự.

- Ngoài ra còn có các trường dành cho những sĩ quan cao cấp:

- Truờng Chỉ Huy Tham Mưu
- Trường Cao Đẳng Quốc Phòng




Với một quân đội hùng mạnh, được tổ chức và huấn luyện qui củ theo các quốc gia tiên tiến nhất, tất nhiên có rất nhiều những qui chế về tổ chức, điều hành, nghi lễ, huy chương, truyền thống. Đặc biệt trải qua hơn 20 năm chiến đấu với một kẻ thù hung hản, tàn ác được tích cực hổ trợ bởi cả khối Cộng Sản, đầu sỏ là Liên Sô và Trung Cộng, nên QLVNCH đã tạo nên bao nhiêu chiến tích, sản sinh nhiều tướng lãnh, nhiều cấp chỉ huy lỗi lạc cùng với những chiến sĩ anh hùng sẵn sàng hy sinh giữ nước.

Nhưng rồi, tất cả bỗng sụp đỗ, biến mất trong đớn đau tức tưởi, khi bàn cờ thế giới đổi thay, đồng minh bội phản.

Một quốc gia, một quân lực bị bất ngờ xóa sổ, hầu hết các cấp lãnh đạo, chỉ huy bị giết hay bị đài ải trong ngục tù, ngoài một số đã tuẫn tiết. Tất cả mọi cơ sở, tài liệu, giấy tờ liên quan đều bị thiêu hủy hay lọt vào tay địch quân. Một ngọn núi xanh hùng vĩ vừa bị cơn hồng thủy quái ác nhận chìm xuống biển đỏ, cho dù có làm dậy sóng, nhưng rồi dần dà cũng mất tăm, lặng lẽ. Những kẻ bội phản, vong ơn có thể quên, nhưng những người lính VNCH còn sống, dù trôi dạt nơi đâu vẫn luôn nhớ tới ngôi nhà chung, những quân trường, đơn vị cũ, nơi mình đã được đào tạo và cùng anh em đồng đội chiến đấu, sống chết với quân thù. Nhưng muốn tìm lại những dấu tích, hình ảnh của quá khứ “vàng son” ấy, lại là môt điều không dễ, và gần như không thể..

Rồi với thời gian, nhất là từ sau các đợt những cựu tù được sang Mỹ định cư theo diện HO, người ta mới dần dà đọc được nhiều bài viết về các nhân vật anh hùng, hào kiệt, các chiến tích lẫy lừng trong quân sử, có một số còn có cơ hội mặc lại bộ quân phục của binh chủng mình. Tuy nhiên việc muốn tìm hiểu đầy đủ, chính xác về việc hình thành, nhiệm vụ của các cơ cấu trong quân lực, các quân trường, quân binh chủng, lai lịch thành tích của các vị tướng lãnh, đặc biệt các loại lễ nghi quân cách, các loại quân phục, phù hiệu, huy chương, tưởng lục vv. vẫn còn rất hạn chế.
Mãi đến đầu năm 2011, Cộng đồng người Việt tỵ nạn rất đỗi vui mừng khi thấy xuất hiện cuốn “Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” với tên ba tác giả: Trần Ngọc Thống (Đại Tá), Hồ Đắc Huân (Thiếu Tá) và Lê Đình Thụy (Trung Úy), mặc dù theo ghi chú, ông Lê Đình Thụy đã mất trước đó 3 năm (2008).


Phải công nhận đây là một tập tài liệu đầy đủ và chính xác nhất về QLVNCH tại hải ngoại (sau 1975). Từ việc hình thành quốc gia VNVCH đến việc thành lập, trưởng thành của QLVNVCH, từng các Quân, Binh Chủng, các Quân, Sư Đoàn, các đơn vị Tổng Trừ Bị, các Quân Trường, với đầy đủ “mầu cờ sắc áo”, hình ảnh tất cả các loại quân phục, quân kỳ, hiệu kỳ, lệnh kỳ, phù hiệu, huy hiệu, cấp bậc, huy chương.

Tất cả các cấp tướng lãnh, dù còn sống hay đã chết, đều có đầy đủ hình ảnh, tiểu sử, binh nghiệp rất chi tiết. Có cả danh sách các vị tuẫn tiết, bị tù, bị chết trong tù (và kể cả kẻ phản nghịch như Tướng Nguyễn Hữu Hạnh.)

Ba tác giả này, môt vị đã ra đi quá sớm, một vị thì tuổi quá cao nên đã bỏ bút rồi cũng ra đi sau đó, giờ chỉ còn duy nhất lão niên Hồ Đắc Huân. Tuy tuổi cũng đã trên 86, nhưng nhờ sức khỏe và trí nhớ trời cho, đặc biệt là tâm huyết dành cho đất nước và quân đội mà ông đã phục vụ trọn 20 năm binh nghiệp để được vinh dự nhận lãnh Đệ Ngũ Đẵng BQHC cao quí, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân vẫn luôn miệt mài truy tìm, tham khảo từ các vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp, tìm đến các thư viện, đi khắp nơi tiếp xúc những vị từng lãnh đạo các phòng, cục chuyên môn hoặc từng chỉ huy trên các chiến trường, để gom góp tài liệu, dữ kiện và liên tục cho ra đời những tác phẩm “quân sử” giá trị khác.

Mới đây, tác giả Hồ Đắc Huân vừa giới thiệu tập biên khảo “Hồn Trong Sách Cũ”. Trong đó ông có đề cập tới một số tài liệu quí giá mà ông đã sưu tập được:

- Khoảng 50 Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa

- “Niên Lịch Công Đàn 1960-1961

- “Thành Tích Sáu Năm Hoạt Động Của Nền Đệ Nhất VNCH 1954-1960” (do Bộ Thông Tin ấn hành)

- “Quân Sử 4” (do Phòng 5 Bộ TTM ấn hành năm 1972)

- “Lược Ký Tham Mưu” (do Trường Đại Học Quân Sự ấn hành)

- “Huấn Lệnh Điều Hành Căn Bản Về Cấp Hiệu, Quân Phục, Quân Kỳ, Hiệu Kỳ, Lệnh Kỳ và Phù Hiệu” (do Phòng 5 Bộ TTM ấn hành.

- “Kỷ Yếu Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu” do Phòng Tổng Quản Trị biên soạn năm 1972.

- “ Niên Giam Sĩ Quan 1971-1972” do Phòng Tổng Quản Trị Bộ TTM biên soạn.

- “Huy Chương Tưởng Thưởng Trong QLVNCH” (do Bộ TTM biên soạn)

- “Chuyên Nghiệp Quân Sự Của Sĩ Quan Quân Chủng Lục Quân” (do Phòng Tổng Quản Trị Bộ TTM ấn hành năm 1972)

- “Cuộc Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng – Mậu Thân 1968” (do Khối Quân Sử Phòng 5 Bộ TTM ấn hành)

- “Thành Tích Hoạt Động Của Nội Các Chiến Tranh 1966” (do Bộ Thông Tin Chiêu Hồi tổng hợp tài liệu từ Phủ Chủ Tịch UBHPTƯ và các Tổng, Bộ biên soạn)
- và một số tài liệu khác…


Thiếu Tá Hồ Đắc Huân tốt nghiệp Khóa 2 Sĩ Quan Đặc Biệt (Đồng Đế) Nha Trang, thời Đại Tá Đỗ Cao Trí đang làm Chỉ huy trưởng, cùng khóa với Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và nhiều cấp chỉ huy khác trong các binh chủng Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, mà đến hôm nay ông vẫn còn gắn bó. Trước đây, ông đã xuất bản cuốn bút ký “Tôi Đi Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang” để nói về quân trường này, về Khóa 2, với những thành công của các đồng môn cùng những kỷ niệm đẹp. Sau khi tốt nghiệp, ông được chọn phục vụ tại một số quân trường, nên qua kinh nghiệm giảng huấn nhiều bộ môn, ông tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về tổ chức quân đội, vũ khí, chiến thuật, chiến lược. Ông cũng kể lại rất chi tiết về cây cầu Đà Rằng (tại Phú Yên). Đây là cây cầu dài nhất miền Nam (dài 1.101m, rộng 7,5m) gồm 58 nhịp, lần đầu tiên do Công Binh VNCH (Tiểu Đoàn 201 thuộc Liên Đoàn 20 CBCĐ) thực hiện, được đích thân TT Nguyễn Văn Thiệu cắt băng khánh thành ngày 13.2.1971.

 

 (Cầu Đà Rằng trong ngày khánh thành)

Nhưng trên hết, ông là một người luôn vui vẻ, khiêm tốn, và lúc nào cũng đầy nghị lực, nhiệt tình, đặc biệt luôn thiết tha đi tìm ghép những mảnh vỡ của một Quân Lực, tuy không còn tồn tại trên thế gian, nhưng vẫn bất diệt trong lòng ông, trong lòng những người lính VNCH.

Những nỗ lực và tâm huyết ấy, dù trong âm thầm nhưng rất xứng đáng để được chúng ta cám ơn và trân trọng.

Phạm Tín An Ninh
(mùa dịch Covid 19- tháng 11/2021)

Không có nhận xét nào: