Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

CUỘC HÀNH TRÌNH - HUY VĂN


Tôi không hề nghĩ sẽ có ngày mình trở thành một người lính tác chiến, nói chi đến việc khoác áo hoa rừng và đội chiếc Mũ Nâu. Tôi học trễ một năm vì bị ở lại lớp. Đó là hậu quả tất yếu của việc lạng xe, cua đào và vui chơi gần như xả láng khi được ba má mua cho một chiếc xe gắn máy. Lúc đó là thời của "đợt sóng mới" và của lối sống buông thả kiểu "hippie" ở hậu bán thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến khi tôi bắt đầu chăm lo học hành thì đã quá muộn! Lệnh đôn quân theo luật Tổng Động Viên năm 1972 đã xóa hết tất cả những ước mơ trong đời. Buồn, lo là những điều tất yếu phải có, khi từ trong tháp ngà đại học bước ra, để dấn thân ngay vào cuộc chiến đang đến hồi gay cấn nhứt. 
<!>
Một trong những niềm an ủi trong tôi lúc bấy giờ, là có tới gần 10 ngàn "nạn nhân kiêm chứng nhân thời cuộc" cũng bị thả vào chông gai, hiểm nghèo của đời quân ngũ.
Thanh niên Việt Nam thì lúc nào cũng "sinh bất phùng thời" bởi đất nước có khi nào ngớt can qua? Đến thời của Việt Nam Cộng Hòa thì đất nước cũng phải từng ngày lây lất vươn lên trong vô vàn gian khó. Lây lất?! Đúng vậy! Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt chính thức trở thành hai quốc gia vào năm 1954, cho nên rõ ràng là miền Nam đã vừa chiến đấu chống ngoại xâm - tức Cộng Sản Bắc Việt - vừa kiến thiết quốc gia suốt từ khi lập quốc cho tới lúc... chào thua định mệnh!
Hành trình dấn thân của tôi, có thể nói, đã bắt đầu từ Tết Mậu Thân, khi Cộng Sản Việt Nam trắng trợn vi phạm thỏa ước hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán năm đó để thực hiện ý đồ mà chúng gọi là Tổng Công Kích (của Quân đội) và Tổng Nổi Dậy (của Nhân Dân).
Suốt từ cuối tháng 1-1968 đến cuối tháng 6-1968, chiến cuộc lan tràn tới hầu hết các đô thị và thành phố trên toàn lãnh thổ của miền Nam Việt Nam, nổi bật nhứt là những trận đánh ngay trong Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cuộc phản công tái chiếm cố đô Huế của Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ.
Với tinh thần Sắp Sẵn, cộng thêm lời hứa "phục vụ cho đất nước và giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào", tôi và các bạn kha sinh của Kha Đoàn Chương Dương (Đạo Bình Than) đã tham gia giúp đỡ di tản đồng bào tị nạn chiến cuộc và tải thương cho các đơn vị tham chiến tại Chợ Lớn và Gia Định khi chiến tranh về tới Đô Thành Sài Gòn.
Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện không chỉ riêng của Đạo Bình Than chúng tôi, mà cũng là hành động chung của các đơn vị Hướng Đạo trong thủ đô Sài Gòn (Đạo Phiên Ngung, Đạo Đông Thành, Đạo Diên Hồng...v/v...) và đã được sự đồng ý ngấm ngầm, nếu không muốn nói là làm ngơ của Hội Hướng Đạo Việt Nam lúc bấy giờ. Tinh thần hướng đạo đó là hành trang lên đường, cũng là nghị lực dấn thân, giúp tôi vững lòng bước vào đời quân ngũ.
Thay vì trốn điểm danh, tôi đã không ngần ngại vác túi quân trang lên máy bay ra Nha Trang để thụ huấn tại quân trường Đồng Đế. Trong khi đó, đã có một số bạn - nhứt là những ai còn muốn hít thở không khí thị thành của Sài Gòn - lén ở lại trong Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ để chờ khóa học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức.

"Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu!..." Lời của bài hát hào hùng được bạn nào đó đổi lại là "Quân trường đổ mồ hôi..." để diễn tả sự nhọc nhằn của những ngày đầu đời khoác áo treillis. Tuy vậy, mồ hôi vẫn chưa phải là yếu tố quyết định cho sự thay đổi toàn diện của một người vừa mới rời mái ấm của gia đình và học đường.
Thời gian - mà trong quân trường gọi là 8 tuần huấn nhục - mới là thước đo của sự chịu đựng và chấp nhận hoàn cảnh bằng mọi giá của một tân khóa sinh. Tôi thầm cảm ơn hai người bạn thân đã thuyết phục tôi gia nhập Hướng Đạo ngay khi Sài Gòn còn vang rền tiếng súng đạn hồi năm Mậu Thân.
Không có cái chất "Khai Phá" của Kha sinh, không có tí máu phiêu lưu, mạo hiểm - mà tôi thụ hưởng từ người cha - có lẽ tôi đã chọn Thủ Đức để được gần gia đình và có thể đã trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan cả ngày lo phụ trách kiểm thực, hay làm một công việc lè phè nào đó trong thời gian thụ huấn không chừng.
Nhưng tôi đã có mặt tại Đồng Đế để có cơ hội ngắm biển Nha Trang và để "đi cho biết đó biết đây" với người ta. Quân trường nào cũng đều có những hình phạt đủ loại, đủ kiểu - với những lý do "trời ơi đất hỡi" tưởng đâu là để dằn vặt, hay thậm chí đày đọa những thanh niên vốn chỉ quen với lối sống an lành trước đó - kỳ thật là để trang bị cho người trung đội trưởng tương lai một sức mạnh tinh thần lẫn thể chất để lãnh đạo, chỉ huy và vượt thắng gian lao, nguy hiểm.
Con người có đặc điểm là mau chóng thích ứng với hoàn cảnh, huống chi ngoài niềm tin vào tôn giáo, tôi còn có chút hành trang vào đời góp nhặt từ sinh hoạt Hướng Đạo và huấn dụ của võ sư Sáng Tổ, cùng những điều tâm niệm của môn phái Vovinam: "... tự thắng, khiêm cung, độ lượng... Rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh. Sống giản dị, trung thực và cao thượng.... Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động..."
Ngần ấy giá trị tinh thần đã giúp tôi gạt buồn lo, quên khó nhọc, để chấp nhận định mệnh, hiểu theo nghĩa đối diện với hiện thực cam go và tương lai hiểm nghèo của đời Lính. Thích ứng với hoàn cảnh cũng có nghĩa là dấn thân trong tinh thần phó thác và tìm ủi an trong câu nói của Voltaire: "Tôi vẫn đi dù không biết mình đang đi về đâu" (*).
Nói cách khác - theo phong thái của dân kaki - là "Kệ mẹ nó! Tới đâu hay tới đó!" Chính vì vậy, tôi đã làm mọi người ngạc nhiên khi "... hào sảng thảy đời lên chiếu bạc, chọn phong sương và tìm thú tang bồng, Cọp chưa ''liếm'' đã vung tay tự giác, ký tên vào danh sách Lính đồ bông..."

Ai nấy đều bất ngờ! Từ vị đại úy cán bộ cho đến cả đại đội khóa sinh. Không ai nghĩ là tôi tình nguyện về binh chủng Biệt Động Quân vì dáng vóc vốn khiêm nhường của tôi không phù hợp chút nào với chức vụ trung đội trưởng tác chiến. Chưa nói tới cặp mắt kiếng tuy không đủ dày để được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, nhưng cũng đủ làm cho tôi có lúc bị quáng gà khi trời sụp tối.

Khi đến phiên tôi lên chọn đơn vị thì các Tiểu Khu và Sư Đoàn Bộ Binh thuộc Quân Khu III và Quân Khu IV đều đã có người điền tên mình vào. Tuy vậy, vẫn còn một chỗ trống tại Sư Đoàn 21 BB ở Bạc Liêu - Tỉnh Ba Xuyên (Quân Đoàn IV & Quân Khu IV). Trong khi đó, toàn thể các Sư Đoàn BB và Tiểu Khu ở Quân Khu I và Quân Khu II (không kể Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận vì không có trong danh sách) thì chưa ai chọn. Chỉ sau một thoáng suy nghĩ, tôi ghi tên mình vào khung của Biệt Động Quân, nằm ở phía dưới cùng của tấm bảng liệt kê đơn vị.

Cái "duyên" của tôi với Biệt Động Quân bắt đầu bằng hình ảnh của vài đàn anh trong khu phố. Trông họ thật hào hùng với bộ đồ bông và chiếc Mũ Nâu trên đầu mỗi khi về phép thăm gia đình. Hình ảnh đó càng đậm nét hơn khi tôi chứng kiến cảnh Biệt Động Quân đẩy lùi cuộc tấn công của Việt Cộng trong Chợ Lớn hồi Tết Mậu Thân.

Kế đến, một anh bạn thân và cũng là Kha Sinh trong Hướng Đạo Bình Than cũng bất ngờ trở thành trung đội trưởng Viễn Thám trong Đại Đội Trinh Sát của LĐ5 BĐQ. Anh này là người đã kể về sinh hoạt quân ngũ cho tôi nghe và kết luận đó là "một cuộc cắm trại hay picnic có mang vũ khí mà thôi!"

Tuy nhiên, khi chúng tôi vừa mãn khóa tại Đồng Đế, câu nói dí dỏm của vị Đại Úy Biệt Động Quân vào tuyển mộ ("... Biệt Động Quân không cần người đẹp trai hay to con, không màng thước tấc. Cận thị cũng không sao! Chúng tôi chỉ cần người can đảm và chịu đánh đấm ngoài mặt trận..."), mới là lý do chính đã thúc đẩy tôi ghi tên vào binh chủng Mũ Nâu sau khi mang lon chuẩn úy được đúng... một ngày!

Ngày hôm sau nữa là tôi có mặt tại nhà ở Sài gòn. Má tôi và các em đều sững sờ khi thấy trên cánh tay áo bên trái của bộ treillis là huy hiệu đầu Cọp màu đen, thay vì phù hiệu "thanh kiếm bạc trên mặt trời rực sáng" của Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (tức quân trường Đồng Đế).

Má tôi cứ luôn miệng:
"Sao lại chọn Biệt Động Quân vậy con...?! Dễ chết quá đi!..."
Còn ba tôi thì trầm ngâm không nói gì. Nhưng vài hôm sau, ông đưa tôi một bộ đồ bông và đôi giày saut, kèm theo câu nói:
"...Thôi! Ráng lên nghe! Nhớ cẩn thận..."
Không nói ra, nhưng chắc chắn ba biết tôi đã thừa hưởng đặc tính di truyền của ông. Đó là thích phiêu lưu và ưa mạo hiểm.
"Nó cận thị như vậy thì làm sao thấy đường để đánh giặc!?" là câu má tôi buột miệng than thở với ba, khi tôi từ giã gia đình để ra học khóa 57 Rừng Núi Sình Lầy tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở huấn khu Dục Mỹ.
Nhờ còn "phông", tích lũy từ trong quân trường Đồng Đế, nên tôi cũng vượt qua 42 ngày, mà nhiều người gọi là "địa ngục" của khóa học một cách không mấy khó khăn. Hai tuần sau khi rời Dục Mỹ, tôi và các bạn đồng khóa chính thức dấn thân vào lửa đạn.

Cuộc hành quân đầu đời là theo các đơn vị Biệt Động Quân tấn công lên núi Dài trong vùng Thất Sơn (thuộc tỉnh Châu Đốc) vào đầu tháng 10/1973 và tiếp theo đó là những ngày thực tập trung đội trưởng tại Pleimerong (Pleiku) vào đầu tháng 11 năm đó.

Núi Dài và Pleimerong chỉ là giai đoạn "thực tập" để làm quen với chiến trường. Sau đó, các "chuẩn úy sữa" mới bắt thăm chọn Quân Khu để phục vụ. Vì Biệt Động Quân không còn hiện diện ở miền tây (Quân Khu IV) và tại Quân Khu III (bao gồm các tỉnh gần Thủ Đô Sài Gòn) thì thặng dư quân số, nên tôi và 35 bạn khác tình nguyện ra phục vụ tại Quân Đoàn I và Quân Khu I (gồm 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi).

Sau khi chúng tôi trình diện vào tháng 12/1973, tôi được Bộ Chỉ Huy BĐQ/ QĐI và QKI đưa về Liên Đoàn 12 BĐQ để chỉ huy trung đội tại Tiểu Đoàn 37 BĐQ, lúc đó đang hành quân trong vùng Phong Thử thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ một bạch diện thư sinh, tôi vào lính bằng một niềm tin phó thác và "trái tim hướng đạo". Chỉ khi nhập cuộc, tôi mới thấm thía hơn về những hy sinh vô bờ của những người cầm súng nơi tuyến đầu.

Trước khi trở thành một quân nhân, tôi chỉ là một thanh niên đứng bên lề cuộc chiến mặc dù có lúc đã cận kề với máu, lửa và thương vong khi chiến tranh về tới thị thành. Quan điểm mình là "nạn nhân" (của lệnh đôn quân) kiêm "chứng nhân" (của thời cuộc và chiến tranh) đã làm tôi cảm thấy xấu hổ khi nhận ra rằng từ bấy lâu nay, tôi yên lành sinh hoạt ở hậu phương là nhờ sự hy sinh về mọi mặt của những người lính trận.

Do đó, tôi không màng những ánh mắt - dù không hẳn là coi thường hay dè bỉu - có vẻ như dò xét của thuộc cấp, khi tôi nhận bàn giao trung đội từ một Trung Sĩ I vốn là Chiến Sĩ Xuất Sắc trong trận tái chiếm Sa Huỳnh của Tiểu Đoàn 37 BĐQ, tháng giêng 1973.

Không dễ dàng gì chiếm được niềm tin của những thuộc cấp dạn dày sương gió hơn mình, huống chi ngoại hình của tôi lại là một đề tài để anh em trong trung đội bàn tán và... cợt đùa! Ngay ngày đầu tiên, anh chàng tà lọt đã cười cười:
"...Tụi nó thắc mắc không biết Chuẩn úy có thấy đường để đánh đấm hay không?..."
Vài hôm sau thì tay hiệu thính viên cũng "phán" một câu xanh dờn:
"Tụi nó không thằng nào sợ ông cả!"
Sợ!? Cần quái gì phải sợ?! Hay ho gì phải mang bộ mặt "ngầu hầm" hoặc dùng lon lá để áp đảo tinh thần thuộc cấp bằng lệnh lạc chỉ huy?! Cái cảm giác gọi là "sợ" đó luôn đi kèm với sự xa cách, trong khi đó định chế căn bản của một đơn vị tác chiến là cấp trung đội, lại cần chất "Chi Binh" và tình "Huynh Đệ" keo sơn hơn bất cứ một yếu tố tình cảm hay tâm lý nào khác. Tôi chỉ cần họ thương mến hơn là sợ sệt, vì lỡ ăn đạn trong lúc chiến đấu thì còn mong có ai đó kéo mình về.
Không cần ai nói, tôi cũng biết cái dáng dấp thư sinh với cặp mắt kiếng nhìn có vẻ như một thầy giáo của mình không làm cho anh chàng ba gai, bặm trợn nào nể phục cả! Nhưng dù sao thì họ cũng phải nhận lệnh của tôi, trung đội trưởng của 17 người lính, đa số bất cần đời khi về nơi an toàn và liều mạng khi hàng ngang xung phong dưới làn mưa đạn. Bất cứ người lính tác chiến nào, dù ngang tàng cách mấy, bướng bỉnh cách mấy, cũng nhận rồi thi hành lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp.
Ở cấp trung đội, người ra lệnh trực tiếp cho lính là tiểu đội trưởng. Họ can đảm và gan lì thì lính nể nang. Họ nề nếp nhưng chịu chơi thì lính gắn bó với họ trong tình cảm lẫn khuôn phép. Nhưng quan trọng và cần thiết nhứt, để giúp cho một người chưa có kinh nghiệm chiến trường như tôi lúc bấy giờ, phải là một trung đội phó dạn dày kinh nghiệm chiến đấu.
Tôi may mắn có được những trung đội phó đầu đời đều là Chiến Sĩ Xuất Sắc. Họ là thầy, là bạn, là đồng đội và cũng là chiếc gạch nối giữa lính và người trung đội trưởng. Tôi lần hồi hoàn thành trách nhiệm của mình và trở nên vững vàng hơn trong việc chiến đấu và lãnh đạo - chỉ huy, phần lớn là nhờ mấy ông Phó này.

Một người để lại cánh tay trái nơi chiến trường, một người trở thành Thường Vụ đại đội, người thứ ba qua làm Phó cho một trung đội trưởng khác. Cả ba người đều là chủ nợ của tôi, một món nợ nghĩa tình không có gì cân xứng để đền đáp.

Nhưng vẫn còn một món nợ khác mà cả đời trả không bao giờ vơi! Đó là nợ máu xương của những thuộc cấp đã hy sinh. Họ hy sinh cho tôi được sống còn. Họ giúp tôi làm tròn bổn phận và trách nhiệm được giao phó. Họ nhận lệnh trực tiếp từ tiểu đội trưởng nhưng cũng là lệnh của chính tôi qua trung gian là người trung đội phó.

Không có những khinh binh đó thì các cấp chỉ huy không có huy chương, không có đặc cách, không là gì cả! Họ trở nên trở nên tàn phế hoặc hy sinh khi còn rất trẻ. Có người còn chưa kịp biết yêu. Đa số còn không có khái niệm rõ rệt về hận thù hay chánh nghĩa. Họ rất hồn nhiên trong cung cách sống, giản dị và mộc mạc trong suy nghĩ về vai trò của người lính trong cuộc chiến.

Trong số những bài học được hướng dẫn lúc đang thụ huấn trong quân trường, thì họ quan tâm nhứt là những gì liên quan tới súng đạn, kỹ thuật tác chiến và... mưu sinh, thoát hiểm. Những phần còn lại, đa số nói về những đề tài liên quan tới dân vận, địch vận, tâm lý chiến... thì họ trả lại cho Huấn luyện viên hoặc giao trách nhiệm có tính cách "cao siêu" đó cho sĩ quan các cấp ngoài đơn vị.

Họ chỉ biết nhận lệnh rồi xung phong vào mục tiêu, hay thận trọng dò dẫm từng bước dẫn đường cho đơn vị lúc xâm nhập vào vùng đất địch. Họ hãnh diện vì màu cờ, hiên ngang cho sắc áo. Mặc dù có lúc họ rất ba gai, phá phách, thậm chí kiêu binh cũng có.
Nhưng đó chỉ là hiện tượng! Trong bản chất của một quân nhân, họ đều là những người lính khép mình vào kỷ luật của Quân Đội. Họ, dù là tình nguyện hay thi hành quân dịch, đều cùng chung một mục đích chống Cộng Sản xâm lược. Nói một cách đơn giản và bình dân hơn, là họ đi... đánh giặc!

Buồn thay! Do sự sắp xếp của ván cờ thời cuộc, giặc trở thành chủ nhân mới của phần đất tự do ở miền Nam. Người Lính không cam tâm nhưng đành buông súng rồi tức tưởi tan hàng, chấp nhận làm kẻ bại trận. Đến lúc này, tôi mới thấm thía câu "nạn nhân kiêm chứng nhân của thời cuộc".

Quả thật Quân và Dân miền Nam đều là nạn nhân của một sự phản bội trắng trợn, do "bàn tay lông lá" trực tiếp đạo diễn, đồng thời mọi người cũng là chứng nhân của một cuộc đổi đời đầy máu và nước mắt. Nước mất thì nhà tan! Kẻ thắng trận vênh váo huênh hoang. Người thua cuộc ngậm hờn qua ải. Họ chiến đấu chỉ để tự vệ, còn những kẻ xâm lăng thì đầy "hận thù trong dòng máu". Người Lính Việt Nam Cộng Hòa bị ngược đãi về mọi mặt. Kể cả người đã chết cũng không được yên thân.

Sau hơn 40 năm, sự thù hận vẫn còn vì bạo quyền cộng sản luôn luôn tìm cách áp bức, ngăn chặn và phá hoại bất cứ hành động nào có tính cách nhắc nhở hay vinh danh chánh thể của miền Nam qua hình ảnh của lá cờ Vàng và người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ngay sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản cho đến tận ngày nay, hàng triệu người rời bỏ quê hương bằng mọi cách. Chiến tranh không còn, nhưng người Lính chỉ buông súng, bỏ cuộc chứ chưa giải ngũ, nên cuộc chiến đấu chống phỉ quyền tại hải ngoại vẫn còn tiếp diễn qua một hình thức khác, đa dạng hơn và mang tính chất "hiện đại" hơn bởi lẽ "... Mặt trận ngày nay không thép súng. Giáo gươm đâu phải chỉ trên tay?!..."

Cuộc hành trình dấn thân lại tiếp tục trên đất lạ quê người và từ trên... bàn phím! Cánh thiên di lần lượt gom đàn để tạo nên một khí thế mới tại hải ngoại. Nhưng khí thế ban đầu tưởng chừng như có thể dời sơn, lấp biển đó đã dần dà mất đi cường độ. Nạn "sứ quân", bè phái, cũng như sự thiếu tổ chức là những nguyên nhân chính của sự rạn nứt trong cộng đồng hải ngoại.

Không có lãnh tụ chân chính, đủ uy tín và đức độ, để tập hợp lực lượng đấu tranh thành một khối đồng nhứt. Ngoài ra, đã có không ít những gương mặt nổi bật trên chính trường và trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã âm thầm mang nỗi đau vong quốc xuống tuyền đài. Sự im lặng của họ là một hành động quả cảm của kẻ sĩ lúc tàn cuộc khi chấp nhận lời chỉ trích, thậm chí không màng đến sự phỉ báng của những kẻ cuồng ngạo lợi dụng lúc giậu đổ nên bìm leo.

Họ, những bậc trưởng thượng và các cấp lãnh đạo, đã không hề lên tiếng trước công luận để đổ thừa cho bất cứ ai khác đã làm mất nước, mặc dù trên thực tế, ai cũng biết là Việt Nam Cộng Hòa đã bị bạn "đồng minh" bán đứng cho khối Cộng Sản quốc tế.

Sự hưng phấn của ngày nào đã lụi tàn đến mức không ngờ. Con đường tranh đấu còn dài, cuộc hành trình còn lắm chông gai, nhưng người bỏ cuộc thì mỗi ngày một nhiều. Vì đâu nên nỗi? Câu trả lời nằm trong tận cùng sâu thẳm của từng người, nhưng có thể nói nguyên do chính là... thời gian! Thời gian tuy là liều thuốc bổ trong nhiều trường hợp, nhưng đồng thời cũng là độc dược hiểu theo nghĩa lực tàn, ý tận.

Đau lòng hơn hết là họ đã phải sống chung với chính những kẻ đã từng đối đầu ngoài chiến trận hoặc trên bàn cờ chính trị thuở xưa. Chưa kể con cháu của họ cũng của địch đã và đang sinh hoạt trong cùng một mái trường, thậm chí sống chung dưới một mái nhà.

Hải ngoại đã vậy, nội địa càng "thê thảm" hơn! Bởi vì những "tay súng oai hùng" thuở xưa lâu nay đã phải ẩn nhẫn cầm hơi để chờ một ngày mai tươi sáng. Câu hỏi là chờ đến bao giờ, khi chính họ cũng chỉ là thiểu số nhỏ bé trong hơn 90 triệu "cừu non" đã và đang bị đám sói hung hãn của Bắc Bộ phủ tha hồ làm tình, làm tội?

Tuổi hạc đã cao. Cuộc hành trình còn "thăm thẳm chiều trôi" mà lực đã bất tòng tâm. Thì cũng đành phải hy vọng vào một ngày mai quang phục mặc dù vẫn chưa thấy chút ánh sáng nào le lói ở cuối đường hầm!

HUY VĂN (HUỲNH VĂN CỦA)
(*) I don’t know where I am going, but I am on my way.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét