Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Bản Sắc của Phong Trào Chính Trị sắp tới sẽ là Dân Chủ - Andrés Velasco


Trong những năm gần đây, giới trẻ ở các nền dân chủ thịnh vượng đã lo lắng cho các ưu điểm của nền dân chủ và chủ nghĩa tự do. Nhưng sự lên án rộng rãi ở khắp nơi về cuộc chiến Ukraine của Vladimir Putin đã làm nổi bật sự xuất hiện của một trào lưu chính trị có bản sắc cao quý dựa trên các giá trị chung là tự do, nhân phẩm và tôn trọng nhân quyền.
<!>

LONDON – Hai mươi năm trước, khi đang xếp hàng tại một quán cà phê ở Harvard, tôi tình cờ nghe các sinh viên nói chuyện với nhau, “Điều này về mặt đạo đức có nghĩa là một cuộc tàn sát!” Điều đó có thể là gì, tôi tự hỏi. Cuộc diệt chủng ở Rwandan? Cánh đồng chết chóc ở Campuchia? Quân đội Nam Mỹ thủ tiêu đối thủ bằng cách ném họ xuống biển từ trực thăng? Sau cùng thì câu trả lời là: Ăn thịt, về mặt đạo đức, cũng đồng nghĩa với sự sát hại, và các viên chức của Harvard đã phạm tội vì không cung cấp đầy đủ các lựa chọn cho các món ăn chay và thuần chay (vegan).

Tôi hồi tưởng lại lúc xem video về những quả đạn pháo kích của Nga rơi xuống các khu chung cư, trường học và khu hộ sinh ở Ukraine. Việc cố tình san bằng các thành phố của Tổng thống Vladimir Putin trong nỗ lực phá vỡ cuộc kháng chiến anh dũng của Ukraine chắc chắn là một tội phạm chiến tranh, mặc dù chưa ở quy mô diệt chủng. Tôi muốn nghĩ rằng những sinh viên đại học mà tôi đã nghe được vào thời đó, và những sinh viên ngày nay, sẽ nhận ra sự cách biệt về đạo đức giữa những hành động ghê tởm của Putin và những lỗi nhỏ nhặt của việc thưởng thức chiếc bánh mì kẹp thịt với khoai tây chiên.
Image PS

Trong những năm gần đây, nhiều công dân trẻ của các nền dân chủ giàu có đã lo sợ cho các ưu điểm của nền dân chủ và chủ nghĩa tự do. Thay vì tranh đấu để sinh tồn, họ đã tranh luận về các đại danh từ dùng để xưng hô. Thay vì lo sợ rằng những điều gì họ nói trên xe buýt có thể khiến những kẻ có vũ trang lôi họ ra khỏi giường ngủ vào lúc nửa đêm, họ lo lắng rằng những điều họ nói không được chính xác trong lớp học có thể khiến cho họ bị đả kích trên mạng xã hội.

Nhưng giờ đây những hành động tàn bạo của Putin đột nhiên dường như đã giúp đánh giá đúng mức về mọi quan điểm. Đúng là nhiều nước phương Tây đã có một quá khứ thực dân và một hiện tại phân biệt chủng tộc. Và đúng là sự bất bình đẳng về mức lợi tức ngày càng gia tăng ở một số quốc gia đã làm mất đi ý nghĩa của tầng lớp trung lưu và sự phản bội lời hứa về một cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Nhưng mặc dù các nền dân chủ thường không được hoàn hảo, họ không ra lệnh khủng bố người dân của mình, hoặc sử dụng thiết giáp xa để khuất phục nền dân chủ của các nước láng giềng.

Hơn nữa, đời sống của các nền dân chủ tự do – ngày nay không chỉ hiện hữu ở khối Tây Phương cũ mà còn ở Đông Âu và Nam Mỹ, cũng như các vùng ở Phi Châu và Á Châu – ít khắc nghiệt, tàn bạo và ngắn ngủi hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa tự do luôn là một “cuộc phiêu lưu đạo đức”, theo ngôn ngữ đáng yêu của Adam Gopnik, bởi vì chủ nghĩa này nhằm mục đích – và thường thì thành công – làm cho thế giới “bớt tàn nhẫn hơn” bằng cách “mở rộng hơn quyền được tiếp cận các thú tiêu khiển và khả năng vươn lên của con người.

Đối với những người trong chúng ta, những người trưởng thành dưới chế độ độc tài, những tên côn đồ có thể lôi kéo bạn ra khỏi giường ngủ vào lúc nửa đêm, những sự thật này dường như luôn là điều hiển nhiên một cách phi lý. Sự thật này của Putin là một nhắc nhở đau đớn cho điều đó – đối với bất kỳ ai cần phải được nhắc nhở – hiện đang tái định hình nền chính trị toàn cầu.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là nhân vật độc đoán duy nhất theo chủ nghĩa dân túy hổ thẹn về những mối quan hệ của ông với Putin. Người ta có thể tìm thấy các chính trị gia bị bêu xấu từ Ankara cho đến Zagreb. Khi nhà lãnh đạo phe cực hữu của Pháp Marine Le Pen chuẩn bị tranh cử vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp với nỗ lực đánh bại Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron vào ngày 10 tháng 4, các thành viên trong chiến dịch tranh cử của bà hẳn đã phải vất vả tìm kiếm – và hiện đang cố gắng giải thích – cho mỗi một lời khen ngợi quá đáng vào lúc gần đây mà lãnh tụ của họ đã từng nói đến nhân vật quyền lực của Điện Cẩm Linh.
Image – internet

Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Cộng có thể mơ tưởng rằng tình trạng bế tắc giữa Nga và Tây Phương có thể làm suy yếu cho cả hai, Trung Cộng cũng có thể là kẻ thua cuộc trong cuộc xung đột Ukraine. Việc các nhà lãnh đạo Trung Cộng từ chối lên án Putin khiến cho họ dường như, ngày càng trở nên ít được tin cậy hơn. Thậm chí các nhà hoạch định chính sách của Trung Cộng cũng đang lo ngại về sức hấp dẫn của quốc gia họ như là một mô hình phát triển đang bị lu mờ dần. Một số nhà lãnh đạo ở Phi Châu và Á Châu đã có những ấn tượng mạnh mẽ về sự thịnh vượng ngày càng gia tăng và một guồng máy chính quyền có năng lực của Trung Cộng, có lẽ đang có ý định quay sang một hướng khác khi Chủ tịch Tập Cận Bình đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở trong nước. Nhưng liệu họ có thực sự muốn được chụp ảnh bên cạnh họ Tập khi biết ông ta có thể xâm lăng Đài Loan và biến mình thành một Putin khác?

Khối NATO từng được Macron mô tả vào năm 2019 là bộ “não chết”, bỗng nhiên tràn đầy sinh lực và rất có thể thu nạp thêm các thành viên mới. Liên minh Âu Châu, hiếm khi thành công trong việc theo đuổi một chính sách đối ngoại thống nhất, giờ đây đã có một tiếng nói duy nhất và rõ rệt dưới sự hướng dẫn của một Liên minh “đèn giao thông” mới của nước Đức. Và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cuối cùng đã hành động giống như một nhà lãnh đạo toàn cầu do những kinh nghiệm của cả đời ông về chính sách ngoại giao. Sau sự thảm bại ở Afghanistan, điều không rõ là liệu các nền dân chủ thịnh vượng có còn lại bất kỳ những tiêu chuẩn đạo đức nào nữa hay không. Các hành động của họ kể từ khi những chiếc thiết giáp của Nga rầm rộ tiến vào Ukraine chứng minh rằng họ vẫn còn.

Nhưng có một tiến trình khác tinh tế hơn đang xảy ra. Trong thập niên vừa qua, những kẻ chuyên quyền trên thế giới – và những nhà lãnh đạo của các nền dân chủ phi tự do được dán nhãn hiệu đạo đức – đã tích lũy quyền lực bằng cách trục lợi những vấn đề của bản sắc chính trị. Người bản xứ chống lại người nhập cư, nhóm đa số văn hóa chống lại nhóm thiểu số chủng tộc hoặc tôn giáo, hoặc khối dân thường chống lại tầng lớp ưu tú – các mục đích chia rẽ đều đáng ghê tởm nếu nó bị lũng đoạn vì lợi ích chính trị.

Ngày nay, những kẻ chuyên quyền sẽ sắp phải đối đầu với một loại chính trị bản sắc khác. Bắt đầu với Ukraine, một nước từng bị phân hoá giữa miền đông nói tiếng Nga và miền tây nói tiếng Ukraine, nhưng giờ đây ngày càng đoàn kết chống lại cuộc xâm lăng của Putin. Chỉ những người có trái tim cực kỳ sắt đá mới có thể không xúc động trước cảnh những phụ nữ Ukraine mắng mỏ những người lính Nga mặc áo giáp, hoặc những người Ukraine đã về hưu, lưng hơi gù đang học diễn hành và sử dụng vũ khí. Cho đến nay tinh thần chiến đấu cao độ đã khiến cho quân đội phòng thủ đã cầm chân một lực lượng lớn hơn của Nga được cung cấp bởi một hỏa lực mạnh hơn nhiều.

Một bản sắc chung cũng đang xuất hiện giữa những công dân của các nền dân chủ khác. Nhiều gia đình người Đức, Hung gia Lợi và Ba Lan mà cho đến tháng trước đã phàn nàn về dân nhập cư, hiện đang thu dọn phòng ngủ trống để tiếp nhận những người di tản Ukraine. Người Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ngăn cách về lịch sử, nhưng họ là thành viên của cùng một liên minh chống lại cuộc xâm lăng man rợ. Ở Châu Mỹ Latinh, các nhà lãnh đạo cánh tả dù không hoàn toàn hâm mộ chính sách ngoại giao của Mỹ – tân Tổng thống Chile Gabriel Boric là một ví dụ – đã thẳng thừng lên án cuộc chiến của Putin.

Một nền chính trị bản sắc chia rẽ máu và đất giờ đây sẽ bị thách thức bởi một luồng chính trị bản sắc cao quý – và ngày càng tăng trên toàn cầu – dựa vào các giá trị tự do về nhân phẩm, tự do và tôn trọng nhân quyền. Vào năm 2019, Putin tuyên bố rằng “ý tưởng tự do” đã “không còn hữu ích cho mục đích của nó” và “trở nên vô dụng” vì nó “đi ngược lại lợi ích của đại đa số dân chúng”. Bằng cách xâm lăng Ukraine, ông ta đã bắt đầu chứng minh điều đối nghịch này.

Andrés Velasco, cựu ứng cử viên tổng thống kiêm bộ trưởng tài chính Chile, là Trưởng khoa Chính sách Công tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về kinh tế học quốc tế và phát triển, đồng thời là giảng viên của các trường Đại học Harvard, Columbia và New York.

Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Không có nhận xét nào: