Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Đynh Trầm Ca với cây đàn thương nhớ - Trần Yên Hòa (NV)

Nhà thơ, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca. (Minh họa: Kim Duẩn/Tiền Phong)
ANAHEIM, California (NV) – Trước năm 1975, tôi đọc thơ Đynh Trầm Ca đăng trên nhiều báo văn nghệ ở Sài Gòn, nên tôi chỉ biết Đynh Trầm Ca trong vai một người làm thơ. Đến khi nghe bản nhạc “Ru Con Tình Cũ” của anh, được phổ biến rộng rãi khắp trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội… tôi mới biết anh có thêm “tài năng” về sáng tác nhạc, tức là một nhạc sĩ. Đynh Trầm Ca sinh năm 1943 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ anh thuộc dòng dõi họ Đinh. Anh dùng họ mẹ làm chữ đầu trong bút hiệu, sau khi đổi chữ “i” thành chữ “y.” Đynh Trầm Ca thuộc dòng họ khá hiếm. Anh mang họ Mạc. Tên thật của anh là Phụ. Gọi cả họ lẫn tên, gọn nhẹ hai âm Mạc Phụ.
<!>
Thị trấn Vĩnh Điện, phía Nam thành phố Đà Nẵng, đi dọc con đường 100, từ Đại Lộc xuống Hội An, Vĩnh Điện là điểm dừng chân giữa đường, đó là một thị trấn hiền hòa, tĩnh lặng như phần nhiều các thị trấn ở miền trung. Đynh Trầm Ca sinh ra ở đây.

Trong hai lãnh vực thơ và sáng tác nhạc, Đynh Trầm Ca đều xuất sắc cả, nhưng có lẽ, trước tiên, Đynh Trầm Ca xuất thân là một người làm thơ, nên tôi sẽ nói về một Đynh Trầm Ca, nhà thơ.
Năm 1969, Đynh Trầm Ca từng cho phát hành tập thơ “Mắt Đêm” dưới hình thức in ronéo. Tập “Mắt Đêm” của Đynh Trầm Ca từng được một nhà nghiên cứu giới thiệu là “một trong năm tập thơ tiêu biểu của năm (1969).”

Tôi gặp Đynh Trầm Ca trong một đêm, ở quán bún bò của Phan Nhự Thức (chủ trương tạp chí Trước Mặt tại Quảng Ngãi) trên đường Phạm Văn Hai, Tân Bình, Sài Gòn. Phan Như Thức lúc đi tù về mở quán bún bò ở đây, và rủ anh em văn nghệ tới ăn ủng hộ. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên mỗi tối Thứ Năm hằng tuần, để sinh hoạt văn nghệ bỏ túi.

Bạn bè thân hữu với Phan Nhự Thức có Hà Nguyên Thạch, Phan Lạc Giang Đông, Phổ Đức, Trần Thế Phong, Huy Tưởng… Một hôm, nghe tin từ Phan Nhự Thức nói rằng, đêm nay sẽ có Hoàng Lộc từ Quảng Nam vào Sài Gòn để chuẩn bị đi Mỹ, lại có thêm Đynh Trầm Ca từ Long Xuyên về tham dự (lúc này Đynh Trầm Ca trôi dạt theo quê vợ về Long Xuyên) nên tôi rất vui, rất háo hức mong đợi gặp được hai người thi sĩ mà tôi rất yêu mến.

Đêm đó, khi Đynh Trầm Ca đến quán, anh như mang tất cả gió, cát, và nét phiêu lãng của anh, đến với bạn bè. Áo quần bạc màu, tóc tai dài thậm thượt. Nét phong sương chứa đựng trên toàn thân thể anh. Đêm đó, anh đọc thơ và hát. Giọng hát anh thật hay, thật đam mê. Anh hát những bản nhạc phổ từ thơ Hoàng Lộc, như bài “Tới Ngày Em Quên,” “Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn”…
Tôi “kết” Đynh Trầm Ca từ đêm hôm đó, nên sau này, sau nhiều lần cà phê với nhau, tôi và anh trở nên thân tình.

Một thời gian sau khi tôi đi Mỹ, khoảng hai, ba, hay bốn năm gì đó, tôi nghe bạn bè nói lại, cuối cùng, Đynh Trầm Ca không trụ nổi tại Sài Gòn nữa, lại thêm mẹ anh bị bệnh nặng ở Vĩnh Điện, cần có anh bên cạnh, nên Đynh Trầm Ca đành quy cố hương.
Anh dắt díu gia đình về lại Vĩnh Điện, sống trong căn nhà cũ cùng người mẹ già và bệnh hoạn cho đến khi bà mất. Sau ngày mẹ mất, Đynh Trầm Ca không thể bỏ nơi này mà đi, nên đành trụ lại luôn ở đây.


Nhạc phẩm “Ru Con Tình Cũ” xuất bản năm 1972 của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca. (Hình: Tài liệu)
Việc từ Cần Thơ về lại Quảng Nam của Đynh Trầm Ca đã khiến cho nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy thương cảm và xúc động. Nguyễn Hữu Thụy đã viết tặng anh bài thơ “Như Một Nỗi Buồn” có những đoạn sau:

“Buộc phải lên tàu – hề! qui cố hương
Riêng ta biết ước mơ Người vẫn chảy
Có những điều mắt thường không dễ thấy
Cảm thông nhau như một nỗi buồn

Xa chạy cao bay tìm nẻo sinh tồn
Vẫn không thoát khỏi vòng trần nghiệt ngã
Và lòng Mẹ ơn sâu biển cả
Hằng đợi con về dỗ giấc ru xưa

Sải cánh tay đàn phổ khúc gió mưa
Hát giữa cơn đau xé tình ly biệt
Bỏ xứ mà đi tưởng đành đoạn tuyệt
Hoa tím lục bình sông nước tự thân

Ba mươi năm đổi đời di dân
Nơi nào đến cũng đường cùng đất dữ
Nay về lại quê xưa chốn cũ
Bạc áo giang hồ – xếp mộng văn chương

Câu thơ tiễn Người xuống ngựa buông cương
Kết thúc giữa ngày sinh ly tử biệt
Nói sao hết những điều không cần thiết
Nhớ đến nhau thầm lặng một nỗi buồn.”
***
Bài thơ “Phương Nam Khúc Ca Trôi Giạt Của Khóm Lục Bình” của Đynh Trầm Ca đã gói được một góc hồn của anh, khi anh đang “trôi” qua Cần Thơ, Long Xuyên vào Tháng Hai, 1989:

“Đi
như là trôi
ta lần về phương nam
phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
ta gặp thêm những cụm lục bình
trôi

Trôi
trôi
và trôi…
ta dần xa bến cũ
mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
dù ta chỉ nở được
hoa tím nhạt
Đi
như là trôi…

Phương nam phương nam.”

Theo Đynh Trầm Ca tâm sự, lúc anh chỉ là một cậu học trò chân đất, ở thị trấn Vĩnh Điện, Quảng Nam, trong tuổi mới lớn tràn đầy yêu thương, anh yêu thương một cô nữ sinh ở trường trung học Tiểu La, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam.
Cô gái đó là cô học trò tên Hồ Thị Thu, nữ sinh của trường này. Nhưng đây chỉ là mối tình thời học trò của anh, chỉ là mối tình đơn phương. Sau đó anh bỏ quê, bỏ trường mà đi mang theo nỗi thương nhớ đến người con gái tên Thu kia… Nên Đynh Trầm Ca có bài thơ “Cây Đàn Thương Nhớ:”

“buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ
ai như em đứng ngó cuối hành lang
ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp
có lẽ nào mình còn đó sao, Thu?

buổi ta vác cây đàn xa trường cũ
em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng xoan
nên ta đi mà hồn thì quay lại
níu vai cầu hát gửi khúc chia tan

buổi ta vác cây đàn vào gió cát
hồn không theo nên thân xác liêu xiêu
ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt
nghe quê người mưa rớt hột cô liêu

ta gục xuống những đường gai đá nhọn
máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu
ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ
chợt ngậm ngùi: ngày vui đã qua mau!

ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ
cỏ còn xanh – đời xanh chẳng quay về
chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ
nên ta thề: xin làm một kiếp ve!

để hát mãi về em thời đi học
cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài
(nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc
đời không vui cho ta nhận riêng ai)

buổi ta vác cây đàn về quê cũ
qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ
hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm
bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)

ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
ta nâng đàn thương nhớ phả lên cung.”


Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca. (Hình: Trương Điện Thắng/Quảng Nam)

Thời gian trôi qua, cô gái anh yêu đi lấy chồng. Ngày anh trở về thăm quê và gặp lại nàng thì nàng đã có con, chồng là sĩ quan quân đội VNCH, nên đi hành quân xa. Nhìn nàng ngồi ru con, Đynh Trầm Ca chạnh lòng, anh liền sáng tác bản nhạc “Ru Con Tình Cũ:”

“Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như câu tình buồn
Xin một đời hối tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau

Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người oán trách gì không

Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh…”

Đó là lời một thiếu phụ ngồi ru con mà thương nhớ đến người tình cũ, và thấy ăn năn ân hận là đã rời xa người yêu.

Bản nhạc này đã được phát sóng nhiều lần qua các đài phát thanh Quân Đội, Sài Gòn trước năm 1975.
Sau này Đynh Trầm Ca còn có nhạc phẩm “Sông Quê” cũng được các ca sĩ trong nước và hải ngoại trình diễn, khá thành công.

Sau thời gian Đynh Trầm Ca trở về chốn cũ, thị trấn Vĩnh Điện, anh mở quán cà phê lấy tên là Thạch Trúc Viên để có phương tiện làm ăn, sinh sống. Ở đây, anh em văn nghệ Quảng Nam từ xa về thăm Đà Nẵng, Hội An, cũng thường tụ tập đến quán này, để đọc thơ, giới thiệu sách, và nghe Đynh Trầm Ca ôm đàn hát.
Nay thì Đynh Trầm Ca đã vào lại sinh sống ở Sài Gòn, vì các con đã lớn, cần môi trường học hành, sinh hoạt…

(Trần Yên Hòa) [qd]
(từ: nguoi-viet.com)

Không có nhận xét nào: