Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

CHUYỆN KỂ TỪ SÀI GÒN - NGUYỄN NGỌC HÀ

Chuyen ke tu Sai Gon anh 1

Bánh mì Sài Gòn đặc biệt rồi. Tôi từng có một bài riêng nói về bánh mì Sài Gòn, có thể mua dễ dàng tại những xe bán ngoài đường. Ở đây tôi muốn kể hai tiệm bánh mì đã đi vào ký ức của tôi với bao bạn bè và ước mơ tôi đã không thành .Ngày trước học sinh thường đi bộ đến trường. Hàng ngày, tôi đi từ nhà quẹo phải là đường Trần Hưng Đạo rồi cứ thế đến trường. Hoặc quẹo trái là Nguyễn Trãi cũng đến trường. Lúc về cũng thế. Một ngày, chúng tôi ngạc nhiên trên đường Trần Hưng Đạo có tiệm bánh mì gà Nguyễn Ngọ. Bánh mì Sài Gòn thường là thịt, chả… hoặc bì, thịt nướng. Bánh mì gà rất lạ.
<!>

Chúng tôi rụt rè bước vào và được bà chủ giới thiệu ổ bánh mì khá lạ. Thay vì ổ bánh mì nhỏ dài bình thường, ổ bánh mì này ngắn và bầu tròn ở bụng. Bà chủ xẻ bánh ra, trét xốt rồi rắc thịt gà lên. Đặc biệt thêm nữa là giá rất mắc, đến 10 đồng trong khi ổ bánh mì thường chỉ 2 đồng.

Giờ học môn Công dân, cô giáo dạy không nên vừa đi vừa ăn ngoài đường. Tan học, chúng tôi làm ngược lại khi ghé Nguyễn Ngọ, mỗi đứa một ổ bánh mì gà vừa đi vừa ăn.

Về nhà, tôi vẫn có thể ăn cơm trưa được vì đoạn đường về nhà khá xa, giữa trưa nắng gắt. Buổi sáng đông người, chúng tôi không thể đứng chờ mua một ổ bánh mì khi cổng trường chẳng chờ chúng tôi.

Một lần, nhỏ Hoàng mổ ruột thừa. Chúng tôi vào thăm, quà là ổ bánh mì gà Nguyễn Ngọ. Suy bụng ta ra bụng bạn, chúng tôi nghĩ bạn sẽ rất vui với ổ bánh mì của chúng tôi. Bạn vui thật. Cầm ổ bánh mì định cắn, ông bác sĩ xuất hiện la om lên. Mẹ nhỏ bước vào cầm lại ổ bánh đưa cho chúng tôi:

– Hoàng mới mổ, không ăn đồ cứng được. Các cháu ăn đi.

Hoàng thành thật:

– Tụi bây lát nữa ra sân ngồi ăn. Đừng ăn trước mắt tao… tao thèm.

Chúng tôi chơi với Hoàng tới trưa. Trước khi về nhà, cả bọn ngồi bệt xuống sân bệnh viện chuyền nhau cắn hết ổ bánh mì, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ.

Những ngày cận tết và giáng sinh, bọn học trò thường rủ nhau ra Nhà thờ Đức Bà mua thiệp tặng nhau. Không phải mua trong nhà thờ mà là những quầy di động treo thiệp bán khu vực bên ngoài nhà thờ.

Lựa thiệp, cãi nhau xem thiệp nào đẹp phải đến lúc đói bụng. Chúng tôi băng qua bưu điện, đến tiệm bánh mì Hương Lan. Có đứa đủ tiền mua cho mình 1 ổ giá 5 đồng. Không đủ tiền thì 2-3 đứa hùn lại mua một ổ. Không tiền thì các bạn cho ăn ké. Tuổi nhỏ vui làm sao!

Năm nào chúng tôi cũng đi mua thiệp và chừa tiền ăn bánh mì Hương Lan. Bỗng Vĩnh giao hẹn:

– Sau này ra trường, mỗi mùa tết, noel bọn mình hãy ra đây mua thiệp, ăn bánh mì Hương Lan và biết đâu sẽ may mắn gặp lại nhau.

Cả bọn vỗ tay đồng ý. Rồi tôi chuyển nhà về quận 3, không còn được học chung cùng các bạn nữa. Năm học 12, cơ quan IBM của chị tôi ưu tiên tuyển người nhà của nhân viên nhưng phải qua một kỳ thi. Bài thi hướng dẫn làm bài bằng tiếng Pháp.

Trong khi chờ người ta phát hết đề, tôi đọc, hiểu và làm gần hết. Lúc cô giáo dịch và hướng dẫn làm bài bằng tiếng Việt thì tôi đã xong bài! Giờ mọi người làm bài, tôi kỹ lưỡng xem lại, dò từng chữ một.

Xong buổi thi, tôi thật vui vì cơ quan của chị tôi gần Nhà thờ Đức Bà, như vậy gần tiệm bánh mì Hương Lan. Tôi đi bộ đến bưu điện, dĩ nhiên mua 1 ổ bánh mì Hương Lan, ngồi ngay trên bậc tam cấp bưu điện chén ngon lành.

Tôi tự nhủ nếu trúng tuyển trong kỳ thi này, tôi sẽ hàng ngày ăn bánh mì Hương Lan trước khi vào làm. Nhớ chuyện chị tôi kể ngày Chủ nhật chị làm phụ trội, ai cũng mang cơm ăn, chỉ có chị ghé Hương Lan mua ổ bánh mì 5 đồng.

Bánh mì Hương Lan chỉ là bánh mì thịt chả, nhưng chả, paté rất ngon, vị vô cùng đặc biệt. Không ngờ vào chỗ làm, chị tôi phải chia cho chị Liên nửa ổ vì chị ấy “chẳng có gì để ăn”.

Vừa ăn vừa suy nghĩ. Con đường trước mắt tôi thật đẹp! Sau ngày giải phóng, tôi vẫn tiếp tục học đại học. Cơ quan IBM của chị tôi bị giải thể, chị tôi thất nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, đường vào đời của tôi là lên rừng xuống biển, đầy gian nan và nước mắt. Chứ không thanh thản làm việc ngay trung tâm Sài Gòn, hàng ngày mua bánh mì Hương Lan ăn.

Tiệm Hương Lan bị đập bỏ. Bánh mì Nguyễn Ngọ cũng không còn. Mỗi lần vào bưu điện, ngang qua nơi từng là tiệm bánh mì Hương Lan, tôi luôn nhớ lời Vĩnh.

Tôi mong có ngày gặp lại các bạn nơi chốn cũ dù không còn bánh mì Hương Lan và cả những quầy bán thiệp di động như ngày xưa nữa.

Chiếc máy may Sinco của má

Máy may Sinco không rẻ. Ngày xưa trong xóm tôi hình như chỉ có má tôi sở hữu món hàng thời thượng đó.

Từ lúc bắt đầu nhận ra cuộc sống quanh mình, tôi biết má tôi rất tự hào về chiếc máy may Sinco của bà. Theo bà kể, ba tôi mua chiếc máy may đó vào đợt đầu hãng này vào Việt Nam.

Còn nhỏ, tôi vẫn biết tiếng của Sinco khi thi thoảng sau một ngày đi chơi cùng ba mẹ trên đường về nhà lúc trời tối. Xe chạy vòng bùng binh chợ Bến Thành để vào đường Trần Hưng Đạo, tôi thấy trên nóc tòa nhà lớn có hình chiếc máy may Sinco bằng đèn sáng choang đang chạy với cái móc chỉ lên xuống thật sinh động rực rỡ.

Máy may Sinco không rẻ. Ngày xưa trong xóm tôi hình như chỉ có má tôi sở hữu món hàng thời thượng đó. Theo lời má kể, vú đỡ đầu của tôi viết thư xin ba tôi cái máy may Sinco, ba tôi không cho. Thế là bà tuyệt giao luôn với gia đình tôi…

Mỗi sáng má dùng máy may vá mạng quần áo rách hay sứt đường chỉ của chúng tôi. Thỉnh thoảng má đi chợ Nancy mua vải, hoặc người quen đến bán vải, má tự cắt may cho chúng tôi những bộ áo đầm mặc đi lễ, những bộ đồ bộ mát mẻ mặc trong nhà.

Tôi nhớ mỗi buổi chiều nơi hàng ba trò chuyện cùng hàng xóm, hễ thấy người đi lễ mặc áo đầm kiểu là lạ, đẹp mắt là ngày hôm sau má ra chợ mua vải về may cho chị em tôi liền.

Không có may vá, má đặt đầu máy may vào trong thùng chân máy, xếp lại thành chiếc bàn rồi bọc mặt bàn máy may bằng tấm vải dầy in chữ Sinco. Và bàn máy may thành chiếc bàn học của tôi.

Hai bên chiếc bàn là hai hộc kéo ra kéo vào để má đựng suốt chỉ, các cuộn chỉ. Là hộc chị tôi đi làm về tiện tay đặt chiếc ví tiền của chị vào. Là nơi cháu tôi cất đồ cắt móng tay…

Sau khi ba tôi mất, má tôi ít có dịp dùng đến chiếc máy may. Phần vì buồn, phần vì tiền bạc không còn dồi dào khi má tôi vừa lo chị em tôi, vừa gánh cả đám cháu ngoại con của chị Hai đang ở tuổi ăn tuổi lớn…

Sau 1975, chị Tư tôi thất nghiệp. Má phải bán chiếc máy may yêu quý của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống. Má dự định bán chiếc Sinco 50 đồng (thời giá lúc đó), mua lại chiếc máy may Singer 30 đồng.

Thế nhưng sau khi xài hết 20 đồng, gia đình ăn lấn sang 30 đồng để mua chiếc máy may Singer cũ. Để rồi chiếc máy may bay vuột khỏi tay má tôi. Tôi biết má rất buồn nhưng bà cố nuốt nước mắt vào trong… Nhất là một lần nhỏ cháu cắt móng tay rồi quay ra sau kêu lên:

– Ý quên, con tưởng còn cái máy may nên định bỏ đồ cắt móng tay vào hộc.

Sau này với thu nhập khiêm tốn của một kỹ sư lỡ vận, một nhà giáo nghèo, tôi cố mua cho má chiếc máy may Singer cũ của người hàng xóm giá 45 ngàn (thời giá thập niên 90 thế kỷ 20).

Chiếc máy Singer kiểu rất cũ, không có thanh treo suốt đánh chỉ. Mỗi lần hết chỉ dưới, má phải lấy chiếc đũa xỏ vào suốt, quấn chỉ mồi rồi đưa suốt vào bánh xe chính, đạp máy để đánh chỉ vào suốt…

Xã hội phát triển, ít ai còn mặc quần áo tự may khi quần áo may sẵn giá rẻ ê hề ngoài chợ. Má dùng máy may vá mạng quần áo cho tôi và các cháu. Đôi mắt má càng yếu đi.

Máy Singer cổ lại không có chiếc đèn nhỏ, có chụp dồn ánh sáng xuống chân vịt của máy để má nhìn rõ từng đường may mũi chỉ, nên dù anh rể thứ Tư của tôi có gắn chiếc đèn trên tường sát máy may, má cũng khó nhìn thấy đường may.

Để rồi một ngày, má xếp gọn chiếc máy may vào góc phòng. Một ngày nữa chị dâu tôi ở rẫy về xin chiếc máy may, tôi vui vẻ cho chị mang về quê. Từ đó, muốn may quần áo, tôi mang đến cô thợ hàng xóm. Quần áo có sút đường chỉ, tôi tự may tay hoặc nhờ người thợ vá quần áo trong xóm giúp dùm.

Giờ đây má không còn nhớ nhiều về quá khứ, cả cái máy may Sinco thuở nào. Nhưng tôi luôn nhớ đôi mắt má như thất thần khi nhìn người ta khiêng chiếc máy may đi. Và tiếng thở dài của má nén vào trong mỗi khi lấy từng đồng tiền dành mua chiếc Singer cũ như dự định để mua thức ăn cho con cháu.

Để rồi dự tính đó như bọt xà phòng. Và mấy chục năm sau, má chẳng còn sức để vui niềm vui may cho con cháu những bộ áo đơn sơ đầy tình yêu thương nữa.

Nguồn: Zing news 

Không có nhận xét nào: