Bà Christine Schraner-Burgener, đặc sứ Liên hiệp quốc về Myanmar.
Ba mươi tám người bị giết tại Myanmar khi quân đội trấn dẹp các cuộc biểu tình tại một vài thị trấn và thành phố vào ngày 3/3, Liên hiệp quốc cho hay. Đây là ngày bạo động nhất kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình chống quân đội đảo chánh tại Myanmar.Cảnh sát và binh sĩ nổ súng bằng đạn thật mà không cảnh báo, theo lời những người chứng kiến. Đổ máu xảy ra một ngày sau khi các nước láng giềng kêu gọi tự chế sau cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi.
<!>
Trong số người chết hôm 3/3 có bốn trẻ em, một cơ quan cứu trợ nói. Hàng trăm người biểu tình bị bắt, truyền thông địa phương loan tin.
“Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi có cuộc đảo chánh hôm 1/2. Chỉ trong hôm nay có 38 người chết. Giờ đây hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi đảo chánh bắt đầu, và nhiều người bị thương,” đặc sứ Liên hiệp quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, nói tại New York.
Một phát ngôn viên của hội đồng quân đội cầm quyền không trả lời điện thoại yêu cầu bình luận.
Bà Schraner Burgener cho biết trong cuộc điện đàm với phó tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, bà đã cảnh báo quân đội chắc chắn sẽ đối mặt với những biện pháp mạnh mẽ của một số nước và sẽ bị cô lập vì cuộc đảo chánh.
“Câu trả lời là: ‘Chúng tôi đã quen với việc chế tài và chúng tôi vẫn tồn tại’,” bà cho báo giới biết tại New York.
“Khi tôi cảnh báo là họ sẽ bị cô lập, câu trả lời là: ‘Chúng tôi phải học cách chơi với ít bạn mà thôi’.”
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ thảo luận về tình hinh Myanmar vào ngày 5/3 trong một phiên họp kín, các nhà ngoại giao cho hay.
Hôm 2/3, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không đạt được đột phá trong cuộc họp trực tuyến giữa các Ngoại trưởng về vấn đề Myanmar.
Quân đội Myanmar biện minh cho cuộc đảo chánh với cáo buộc bầu cử gian lận.
Trong cuộc bầu cử ngày 8/11 năm ngoái, đảng của bà Suu Kyi thắng áp đảo thêm nhiệm kỳ thứ hai. Ủy ban bầu cử nói cuộc bỏ phiếu đó diễn ra công bằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét