BácThinh có tám người con, sáu gái và hai trai nhỏ sau cùng. Hai chị lớn là Hiển và Ngàn cách nhau một tuổi, chị Ngàn bằng tuổi tôi, cả ba chúng tôi thi Tú tài cùng một năm. Nhà có tất cả 11 người kể cả tôi, chia nhau ba phòng ngủ nhỏ ở cuối nhà. Bố tôi ở lại Saigòn thêm hai ngày nữa, thì trở ra Đà Nẵng, tôi chính thức là sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố trọ học.
Ngày đầu tiên của cuộc đời sinh viên, tôi cùng hai chị tìm nơi ghi tên học luyện thi Nha Dược, còn muốn vào trườngY, phải có chứng chỉ SPCN của đại học Khoa học, sau đó mới được dự kỳ thi tuyển vào Y khoa. Ba chị em chúng tôi đều được gia đình khuyến khích học Y, thậm chí bà con xa gần cũng ước mơ như thế, ước mơ đó lớn và thật đến nỗi dường như mọi người đều tin rằng nay mai, chúng tôi sẽ là những bác sỹ làm nở mày nở mặt dòng họ. Chúng tôi đã hoang mang, có lúc hoảng sợ khi nghĩ đến khả năng mong manh của mình, cho nên cả ba cố gắng học luyện thi Nha, Dược, để phòng hờ lỡ sau này không vào được Y, thì cũng học được một trong hai nghề … dính líu tới Y, chứ không thể … xôi hỏng bỏng không được. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao và từ hồi nào chúng tôi tự mang trách nhiệm hoàn thành ước mơ của đại gia đình như thế.
Ba chị em học ngày học đêm, thấm thoát đã đến ngày thi, bác Thinh gái nấu một nồi xôi đậu đỏ cho chúng tôi ăn sáng, và truyền là: “Thế nào các chị cũng đậu!”
Nơi thi là giảng đường của trường Dược và Văn khoa trên đường Cường Để. Thi xong chúng tôi gặp nhau, hy vọng tràn trề, ai cũng phởn phơ, vì bài thi khá dễ. Đến ngày coi bảng, tên ba chị em bị lạc mất hút vào vũ trụ. Chao ôi, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy hụt hẫng, cứ như bị hụt chân rớt xuống sông vậy. Chúng tôi buồn nẫu, không nói câu nào, bò về nhà, Bác tôi đứng đón ở cổng hỏi to: “Sao? Vào được trường nào, đậu có cao không?” Chúng tôi lầm lũi dắt xe vào sân. Bác tôi biết ngay tình hình thực tế, bèn chuyển qua giảng moral: “Học với hành, suốt tối, tao chỉ thấy chúng mày nói chuyện, cười cợt, chứ học hành gì! Tối nào cũng gọi con Hoa sang, rồi hát hò, không rớt sao được!”
Trời ơi, chúng tôi học sói cả đầu, mờ cả mắt, mụn đua nhau nổi đầy trên mặt, chỉ thỉnh thoảng cuối tuần, chị Hoa (con bác Ba) mới sang chơi. Thế mà cũng bị mắng, thật là oan Thị Kính! Nhưng quan trọng là Bác tôi mắng to quá, cứ sang ảng, chúng tôi không biết chui vào đâu mà trốn. Số là sát cạnh nhà, có một anh chàng trạc tuổi chúng tôi, một hôm mấy chị em đang nói chuyện và rúc rích cười, thì nghe “bên kia” hỏi nhỏ: “Cho cười hùn với được không?”. Thế là từ đó chúng tôi không dám nói to, không dám cười to. Chị Ngàn cho biết “tay này” học Võ trường Toản, hình như ban B, hay “góp chuyện” vô duyên lắm. Bây giờ Bác mắng ào ào thế này thì chết rồi, “bên kia” chắc chắn nghe hết!
Đúng y như vậy, khi ba chị em vào phòng ngủ, cũng là phòng học, “bên kia” hỏi qua: “Bộ rớt rồi hả? thôi đừng buồn". Rồi có tiếng đàn guitar, một giọng hát trầm ấm cất lên nho nhỏ: “Sầu mà chi em, lúc non sông cần trai hùng, buồn mà chi em, mai anh về trong nắng êm…” Chúng tôi lặng lẽ nghe, tiếng hát chấm dứt, “bên kia” hỏi: “Muốn nghe tiếp bài gì?”; “Bài gì cũng được, bộ cũng rớt hả?”; “Rớt, nhưng sẽ vô Luật, có gì năm sau vô lính.”, “Đi lính gì?”, “Lính gì thì cũng ra chiến trường! ... Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ, ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá, vài giọt mưa sa hôn mềm trên má, tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa… Anh sẽ ra đi về miền cát trắng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng, Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng…“Thôi, đừng hát nữa, buồn lắm!”, “Ừ!”
Đêm hôm ấy, chúng tôi không ngủ được, vì buồn, tương lai trở nên khó khăn hơn, những dự tính tìm nghề lót đường đã mất, bây giờ chỉ còn một chọn lựa là phải học SPCN và phải thi đậu vào Y khoa. Chúng tôi cũng nghĩ đến những ngành học khác như Sư phạm, Luật, Văn khoa, nhưng vì đã quá chú trọng đến Y, Nha, Dược nên không còn tâm trí đâu mà tìm hiểu thêm và xem kỹ lại khả năng đích thực của mình.
Giữa khuya, “bên kia” thì thào: “Ngủ chưa?”, “Sắp!”, “Nói chuyện được không?”, “Không” , “Sao vậy?”, “Sắp ngủ”, “Thì nói tới khi nào ngủ”, “Muốn nói gì?”,“Rớt rồi, tính học ngành gì?”,“SPCN, rồi vô Y”,“Hăng quá há? Sao không học sư phạm, văn khoa cho nhẹ nhàng… Sao im vậy… ngủ rồi hả? Không muốn nói chuyện hả? … Thôi, ngủ đi, con gái không cần phải lo nhiều!”
“Bên kia” bắt đầu đàn và hát thật nhỏ: “Gửi tới em! gửi tới em! gửi tới em! một hạt mưa lẻ loi, một hạt mưa trong đêm tối, mưa bay dài... Gửi tới em! gửi tới em! gửi tới em! hơi thở này nồng nàn, ta yêu nhau đắm say… Em có nghe xào xạc? tiếng lá bay xào xạc, tiếng gió đêm buồn lang thang trên muôn vàn đỉnh cây, hạnh phúc nào không tả tơi không đắng cay?
Giọng hát đơn sơ, thê thiết khiến nước mắt tôi tràn ướt gối. “Ngủ chưa?”. “Sao chọn toàn bài buồn vậy?”. “Dưới tỉnh mới lên hả?”. “Đà Nẵng”. “A! miền Trung!.. nơi có nhiều biến động… Tên gì vậy?…nói cho biết để dễ gọi”. “Đã biết tên hai chị chưa?”. “A, như vậy là vai em hả?... chưa biết tên hai chị, có nghe gọi thôi”. Tôi nghe giọng “bên kia” có chút cười, chút diễu, nên im thin thít. “Bên kia” im lặng một lúc, rồi nói nhỏ: “Ngủ đi, mai gặp”
Chị Ngàn bấm tay tôi, nói thật nhỏ: “Bọn con trai rớt thì tội, vì phải đi lính, tay này chắc đang buồn và lo nên hôm nay hơi dai dẳng, thôi ngủ, mai dậy sớm, còn cả chậu quần áo phải thanh toán!”
Thoáng chốc, tôi nghe tiếng thở đều đều của hai chị. Tôi vẫn khó ngủ vì còn lạ chỗ, hôm nay lại thêm chuyện thi rớt, nên trằn trọc suốt đêm. Tôi nhớ Bố Mẹ và các em, nhớ các bạn, tự nhiên tôi mong tin của các bạn trai cùng lớp ở trường Phan chu Trinh Đà Nẵng. Ba năm đệ nhị cấp, nam nữ học chung, nhưng tôi ít nói chuyện với các bạn trai, và cũng không quan tâm đến việc nếu thi rớt, các bạn sẽ phải đi lính. Tôi ở Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là địa đầu giới tuyến, thuộc vùng I chiến thuật, gần sát Huế, nơi bị thiệt hại nhiều nhất trong trận tổng công kích của Việt Cộng năm Mậu Thân 68. Chiến tranh ở đây được nhìn thấy rõ hơn so với tại Saigòn, vậy mà tôi không hề nghĩ đến một ngày nào đó, các bạn trai cùng lớp sẽ là những người lính.
Tôi cố nghe tiếng động bên kia tường, nhưng đêm khuya thật yên ắng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng thạch sùng tặc lưỡi trên trần nhà. Tôi nghĩ đến câu chuyện lúc nãy, chưa bao giờ tôi nói chuyện với một người con trai “bạo mồm, bạo miệng” và “ông cụ non” như hắn. Tôi cũng chưa hề nghe các bạn gái kể những sự tích làm quen kiểu … liều mạng như hắn. Tôi lo sợ vẩn vơ vì hắn nói: mai gặp! Hắn sẽ gặp mình? bằng cách nào, ở đâu, để làm gì?
Sáng hôm sau, tôi không dám ra khỏi nhà, vì sợ gặp hắn. Suốt ngày không dám nói to, cuời to sợ hắn nghe. Thời gian từ khi rớt thi tuyển đến lúc nhập học đại học Khoa Học, sao mà lâu lắc! Mỗi ngày chị em chúng tôi chia nhau làm việc nhà, đi chợ, nấu cơm, quét nhà, giặt giũ, vừa làm vừa đùa giỡn, nhưng tôi vẫn bồn chồn.
Nhà chật lại đông người, nên chỉ một cái hắt hơi, dù được kềm giữ, âm thanh cũng cứ như được cộng hưởng vang lên chát chúa. Tôi không muốn “bên kia” biết sinh hoạt thường ngày của mình để…bấm giờ hò hẹn.
Ở nhà hai hôm, tôi đã cuồng chân, phải ra ngoài, phải sống bình thường, tôi tự trách: tại sao phải sợ hắn chứ? Hắn hẹn gặp, mình không muốn thì thôi, có gì phải sợ? Hắn hỏi, mình không trả lời, thì đã sao? Tại sao hắn có quyền “hẹn”, mình lại không có quyền “từ chối”?
Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn cẩn thận, chọn giờ buổi trưa để đi, tôi nghĩ đây là khoảng thời gian mọi người, trong đó có hắn, nếu có công việc, thì đã đi từ sớm. Tôi mở cổng và đi bộ nhanh ra ngõ, may sao một chiếc xe lam vừa ngừng đón khách, tôi lên ngay, xe trực chỉ hướng chợ ôngTạ, lúc đó, tôi mới quyết định đến thăm gia đình chú tôi.
Cuộc thăm viếng không định trước nên chỉ có thím tôi ở nhà, chúng tôi nói đủ mọi chuyện. Bình thường chuyện vãn kiểu này tôi dư sức kéo được vài tiếng. Nhưng lần này, tâm tư tôi xốn xang bấn loạn, vừa đến, tôi đã muốn về, nhưng rồi lại tự trấn tĩnh: về làm gì, nhỡ hắn đợi ngay ngoài ngõ thì phiền. Tôi có cảm giác lúc thì muốn tránh hắn, lúc thì lại muốn gặp. Tôi đã sửa soạn kỹ, nếu vô tình gặp hắn, tôi sẽ đứng lại, nhìn vào mắt hắn và nói chuyện tỉnh bơ, hoặc nếu… sợ quá, thì nói cám ơn, rồi đi thẳng vào nhà, chẳng có gì phải lo cả!
Thế nhưng buổi chiều trở về, chiếc xe lam vừa ngừng trước ngõ, tôi bước xuống, xém dẫm lên vạt áo dài, hấp tấp đi nhanh vào ngõ và gọi cổng thật khẽ, tim tôi tự dưng đập vội, như sắp bị lọan nhịp.Thời gian chờ mở cổng, chỉ khoảng một hai phút, nhưng với tôi nó dài hàng thế kỷ, vì bất cứ lúc nào, hắn cũng có thể xuất hiện ngay cạnh tôi.
Nhưng cả tuần lễ, hắn không gặp tôi như đã hẹn, mà cũng không “bắt chuyện” như mọi khi. Chị em chúng tôi, tuy chẳng ai nói với ai, nhưng đều như mong đợi. Chỉ một tiếng động nhẹ ở tường bên kia, chúng tôi đều hướng mắt về phía đó, chờ đợi, mong tin. Thật lâu, chẳng có gì ngoài tiếng dép lẹp kẹp của bà Cụ bên đó và tiếng Cụ húng hắng ho.
Ba chị em chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác… bị cho leo cây và … phải chờ đợi lâu như thế này, nhưng lại không thể nói ra hay trách móc bất kỳ ai. Chúng tôi uể oải thấy rõ, mỗi buổi sáng xách giỏ đi chợ, cứ ngẩn ngơ không biết mua gì, chúng tôi đùn đẩy cho nhau đi chợ, chọn ở nhà lau nhà, dọn dẹp, giặt giũ, nhưng ước mong sâu kín là được chờ tiếng nói quen thuộc của “bên kia”. Chờ mãi, chị Hiển quyết định phá bầu không khí thinh lặng:
-Hình như anh chàng bên kia đi đâu, không có ở nhà.
Chị Ngàn và tôi lập tức hưởng ứng:
-Ừ, hình như hắn đi vắng!
-Chưa nhập học, có thể hắn đi nghỉ hè đâu đó. Tôi băn khoăn.
-Nhưng suốt mấy năm ở đây, không thấy hắn có bạn, hay đi đâu cả, chỉ có hai bà cháu.
Tôi hỏi:
-Vậy ba mẹ của hắn không ở đây hả?
-Không, hình như bà Cụ nói với Mợ (ở nhà, chúng tôi thường gọi Bố Mẹ bằng Cậu Mợ) là ba mẹ hắn ở Blao, ba hắn đi lính ở đó.
-Có thể hắn về thăm gia đình, vì tuần sau nhập học rồi.
-Có thể lắm!
Thế là tôi biết thêm một chút về hắn và tự yên tâm với giải pháp là hắn đi thăm gia đình ở Blao.
Những ngày tiếp theo dài lê thê, mỗi ngày sau bữa cơm tối, dọn dẹp rửa bát lau nhà xong xuôi, chúng tôi rút vào phòng… bàn về hắn. Hai chị không biết hắn tên gì, chỉ biết hắn học cùng năm, thỉnh thoảng khơi khơi góp chuyện, rồi lại khơi khơi “tắt ngúm” một thời gian, nhưng vẫn ở nhà, chỉ có lần này là … mất tích! Tôi có thấp thoáng có thấy hắn một lần, hắn cao gầy, ngăm ngăm, tóc húi cao, dáng vẻ cũng giống các bạn trai trong lớp tôi ở trường Phan chu Trinh. Mỗi ngày tôi nghĩ về hắn nhiều hơn, đã có lúc tôi ước ao … thà gặp hắn … rồi ra sao thì ra, còn hơn để hắn tự động “tắt điện” kiểu này.
Trưa thứ bảy, đúng hai tuần lễ hắn biệt dạng, chị Hoa sang chơi, chị cũng thuộc hàng… ăn to nói lớn, vừa đập cổng,vừa gọi:
-Mở cổng đi, Hoa đây!
Chúng tôi lật đật chạy ra, chưa kịp mở cổng, chị đã đập cửa loạn xạ và gọi tiếp:
-Con Hương có nhà không? mở cổng cho chị.
Tôi hấp tấp mở then cài cổng, chị Hoa ập vào, toét miệng:
-Mày không đi chơi đâu à, đi thăm Saigòn với tao, tao chở đi.
Tôi vừa ra dấu cho chị nói nhỏ, vừa đưa tay chỉ qua nhà bên cạnh, chị trợn mắt nhìn tôi:
-Hả, cái gì, nói nhỏ ấy hả? Sợ cái thằng bên đấy nó nghe hả? Chị Ngàn nói nó biệt tích giang hồ rồi mà.
Tôi lôi chị Hoa vào nhà, cài cổng và nói vào tai chị ấy:
-Nhưng nhỡ nó về rồi thì sao? Hôm nọ nó hỏi tên em, em không nói, bây giờ chị bô bô, nó biết.
Chị Hoa cười toét, và tiếp tục nói to:
-Giời ơi, tên với tuổi, người ta muốn biết thì cứ cho người ta biết, có gì đâu mà giấu với giếm! Đấy, tao nói đấy, cái đứa mới từ Đà Nẵng vào tên là Hương, nó là em chúng tôi, ai có muốn hỏi gì thì hỏi tôi đây này!
Chị Hiển và Ngàn kéo Hoa vào phòng và lạy như tế sao:
-Hoa ơi, bé bé cái mồm dùm, Cậu mà biết thì chúng tớ chết, may là hôm nay “nó” không có ở nhà, chứ không thì tụi này chắc đi đầu xuống đất!
Chị Hoa vớt vát: “Sợ quái gì.”, sau đó chị rủ chúng tôi đi phố, ghé hẻm Eden ăn bún ốc. Từ ngày vào Saigòn đến nay, tôi được các chị cho đi ăn đủ món lạ mà Đà Nẵng không có, như lòng heo xâu ghim, nước mía Pasteur, bò bía… kế đó là bát phố. Hình ảnh áo dài trắng quần trắng của Đà Nẵng đã nhanh chóng đi vào quá khứ. Tôi hòa nhập vào nhịp sống của Saigòn. Nữ sinh Saigòn mặc áo dài trắng hay áo dài màu, nhưng luôn luôn với chiếc quần đen, đã khiến người thiếu nữ như nền nã hơn, kín đáo hơn, đằm thắm hơn, phong thái cũng tự tin hơn. Bốn chị em với hai chiếc xe Honda Dame ra khỏi ngõ, phom phom trực chỉ về phía cầu Trương Minh Giảng, qua thư viện Đắc Lộ, chúng tôi đi vào vùng “thượng lưu” của khu Tú Xương, Trần quý Cáp. Hàng cây hai bên đường hình như là me, lá nhỏ, xanh non, ngọn của chúng đan vào nhau, khiến đoạn đường này lúc nào cũng mát rượi.
Phố Saigòn chiều thứ bảy đông nghẹt, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Tự Do dập dìu người là người. Chúng tôi gửi xe bên Rex, nhìn qua bên kia đường, quán bún ốc cạnh Passage Eden đông nghẹt. Chúng tôi nắm tay nhau chạy băng qua đường, chen vào quán, kiếm những chiếc ghế đẩu thấp, nhưng không còn chiếc ghế trống nào. Đành phải đứng chờ, mùi bún ốc thơm phức với gừng, mắm tôm, kinh giới, khiến chúng tôi thèm quá, nên khi có ghế ngồi, mỗi đưá kêu hai tô cho tiện.
No bụng bắt đầu dạo phố, trời Saigòn lúc nào cũng đẹp, ngay cả những ngày mưa, mây xám kéo về, giăng một màn nước mỏng, rồi vội vã kéo đi khiến làn nước hụt hẫng rơi tơi tả. Trời lại sáng. Cuối thu của Saigòn không mát lạnh như Đà Nẵng. Saigòn không cần áo len như Đà Nẵng. Cả bọn băng qua đường Nguyễn Huệ, lẫn vào đám đông lượn lờ cho đến tối.
Tối ấy, chị Hoa xin Bác Thinh cho ngủ lại. Chúng tôi rút vào phòng, chưa kịp ngồi, đã nghe tiếng “bên kia”: “Người từ Đà Nẵng tên Hương phải không… cảm ơn chị … gì đó..”
Chúng tôi há hốc mồm nhìn nhau, chết rồi, hắn về rồi, hắn ở nhà cả ngày hôm nay. Tôi nghiến răng cấu chị Hoa thật đau, chị ấy la oai oái:
-Ơ hay, tại sao lại cấu tao, nó muốn biết tên mày, mày không nói, thì tao nói. Này, bên đấy ơi, nó cấu chị đau quá đây này! Bắt đền đấy!
Hai chị Hiển và Ngàn bịt miệng chị Hoa không kịp, bèn ngồi trên giường vừa tức, vừa nén cười, còn tôi thì chỉ muốn độn thổ! Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài, tức ơi là tức. Tôi vùng vằng leo lên ngồi ở góc giường. Chị Hoa tiu nghỉu, nói nhỏ:
-Thôi tao về.
Chị Ngàn giữ lại:
-Hoa ở lại đi, không sao đâu.
Từ đó, đến khuya, “bên kia” im bặt. Các chị nói chuyện rôm rả, đôi lúc chị Ngàn cố nói to để bên kia bắt chuyện, nhưng tuyệt nhiên không một lời đáp. Tôi vẫn còn tức, nên nằm chèo kheo quay mặt vào tường, ôm gối, cố dỗ giấc ngủ.
Thời gian trôi lúc nhanh lúc chậm, chúng tôi ghi danh học chứng chỉ SPCN bên đại học Khoa học và đã nhập học được vài tháng. Môi trường học và các môn học đều mới, chúng tôi thường phải đi thật sớm để dành chỗ ở giảng đường. Thức khuya dậy sớm, dùi mài kinh sử, giờ học thất thường không đều đặn như ở Trung học; ăn uống cũng lúc có lúc không, nên cả bọn gầy như cò ma. Bận rộn chuyện học, chúng tôi và hắn cũng ít chuyện vặt. Thỉnh thoảng hắn đàn hát một mình, bên này lắng nghe, và cũng chỉ nói: “Hát bài này buồn quá!”. “Chiến chinh mà, vui sao được?”. Sau đó, tất cả lại nín thinh!
Một hôm, tôi vừa dắt xe ra cổng, hắn đã đứng sẵn ở đầu ngõ, tôi không thể trở vào, đành lên xe nổ máy, nhìn thẳng và lái ra đến đầu ngõ. Hắn gọi:
-Hương, Trung muốn nói chuyện, mình đi La Pagode nghe!
Không hiểu sao lúc ấy, tôi dừng xe lại, không nhìn hắn, nhưng gật đầu và còn nói:
-Tui không biết chỗ nớ!
Ngần ngừ một lúc hắn đề nghị:
-Hương cất xe vô nhà đi, Trung chở.
Tôi lại gật đầu, líu ríu dắt xe vào nhà, và nói với Bác gái: “Cháu đi xe lam cho tiện!”
Tôi đi bộ ra ngõ, bất chợt thấy ánh mắt hắn đăm đăm nhìn tôi, tôi bỗng cuống quýt, bước hụt, sắp vấp ngã. Đến bên hắn, tôi nghe tiếng nói nhỏ:
-Hương lên xe đi, nhớ ôm chặt kẻo té!
Tôi vừa vén tà áo dài ngồi lên yên sau, chiếc Lambretta chồm lên và vút đi, tôi hoảng hốt nắm chặt bìa ghế. Lúc đó, tôi mới thấy mình liều, sợ lỡ gặp bà con hay các chị, tôi dúi sát mặt vào lưng hắn, nghe rõ nhịp tim đập và ngửi được mùi mồ hôi vừa như lạ vừa như quen.
Quán La Pagode buổi sáng vắng vẻ, chỉ có vài ba người, họ có vẻ như chăm chú nhìn người đi đường hơn là thưởng thức café. Lần đầu tiên tôi vào quán này, cảm thấy nhột nhạt vì những con mắt chung quanh. Hắn nắm tay tôi đến một bàn khuất phiá trong và gọi hai ly mocha nóng. Hắn xoay xoay ly café, ngẩng nhìn tôi:
-Hương dễ thương ghê.
-Rứa hả?
-Rứa là sao?
-Là …rứa đó!
-Chữ “rứa hả”, thay cho chữ gì?
-Chữ “vậy hả”
-Vậy Hương có biết Hương dễ thương không?
-Không.
-Vậy bây giờ biết chưa?
-Chưa!
-Sao vậy? Trung mới nói đó.
-Vì tui không tin người lạ.
-Trung là người quen mà?
-Mấy người là hàng xóm của Bác tui, tui biết chớ không quen, nên chi vẫn là người lạ!
-Hương nói chuyện cũng ngộ nữa.
- Rứa hả?
-Chữ “rứa hả” cũng dễ thương nữa.
-Nhiều chiện!
Trung nhìn tôi đăm đăm và cười thích thú.
Trong khi đó, tôi cũng cố dò xem hắn ta ra sao? Hừm! Hắn cũng …đơn giản, không có vẻ se sua, làm dáng, hắn có giọng nói người miền Nam, ấm áp và đôi mắt thật sáng.
-Hương uống đi
-Tui không quen uống thứ ni.
-Là sao?
-Là rứa đó, tui không thích mocha
-Hương thích gì?
-Nước lạnh
-Saigòn chứ đâu phải Đà Nẵng.
-Đà Nẵng cũng có các thứ in chang ở đây, nhưng tui không thích vậy thôi.
-Chà, cũng khó dữ
Tôi nhìn hắn:
-Tui muốn đi về.
-Khoan, Trung muốn nói chuyện với Hương một chút.
-Thì nói … qua tường được rồi!
-Trời ơi, đó là bức tường Bá Linh, đâu phải nói gì cũng được.
Tôi thấy mắc cười, nên nói:
-Răng lại là bức tường Bá Linh?
-Răng là sao?
-Là tại sao lại kêu là tường Bá Linh?
-Thì bức tường giữa hai nhà, bên này muốn qua bên kia nhưng không được, vì bên kia né hoài, bên này phải tìm cách vượt ra ngoài ngõ đặng gặp bên kia!
Tự nhiên tôi và hắn cùng cười thoải mái. Hắn hỏi:
-Ủa, sao Hương giọng Bắc mà lại có mấy cái chữ Rứa, Răng là sao vậy?
-Tại tui ở Đà Nẵng từ hồi nhỏ nên thấm tiếng Quảng địa phương.
-Nhưng nghe dễ thương ghê!
-Nhiều chiện!
Trung nhìn tôi một hồi rồi nói:
-Hương, Trung không vào đại học, Trung đi lính!
….
-Trung chỉ muốn nói với Hương
-Tui với anh chưa quen biết chi hết, mắc chi anh nói với tui.
-Đầu cần quen, miễn sao mình cảm thấy bình an khi nghĩ về nhau là được.
-Không quen không biết làm răng mà nghĩ?
-Thì qua bức tường Bá Linh, tụi mình đã quen và bây giờ ngồi đây là đã biết!
Tôi giật mình vì cái lém lỉnh đột ngột của hắn, tôi xoay chiều câu chuyện:
-Răng… không tiếp tục học thử xem, phải cố gắng chứ!
-Tại sao phải vào đại học chứ? Trung không muốn trốn lính kiểu đó.
-Trốn lính? Tại răng lại nghĩ như rứa?
- Đúng vậy, những năm qua, bọn này phải học chết bỏ, để được đậu, để khỏi đi lính. Trung thấy vô nghĩa quá, làm như đi lính là tệ lắm vậy?
Trung nhìn sâu vào mắt tôi nói tiếp:
-Trung không chán học đâu, nhưng Trung muốn mọi người đừng nói “phải đi lính” nữa, mà hãy xem đi lính cũng là một trong những lựa chọn, như chọn ngành học ở đại học vậy, thậm chí phải hãnh diện nếu đi lính, vì đó là trách nhiệm của thanh niên thời chiến.
….
-Hương nói gì đi, Hương có tin Trung không?
Tôi gật đầu và chùi nước mắt thật nhanh. Những gì Trung nói, thật mới mẻ, thật đẹp, và thật lý tưởng đối với tôi, khiến tôi xúc động. Tôi nghĩ rằng, qua bức tường “Bá Linh”, nghe Trung nghêu ngao hát về thân phận tuổi trẻ thời chiến, về những người lính, tôi đã hiểu được phần nào tâm tình của Trung. Bây giờ qua cách nói chuyện tự nhiên và ánh mắt trìu mến đặc biệt, dù chỉ mới thực sự quen nhau có hơn vài tiếng đồng hồ, tôi cảm thấy như thân thiết với Trung từ lâu.
Trung nắm nhẹ tay tôi:
-Hương nói gì đi
-Tại sao lại chọn tui để nói chuyện này?
-Tại nghe Hương nói cười riết ở bên nhà, Trung thèm được sống trong những âm thanh đó.
-Tui sắp vào nội trú rồi.
-Không ở với bác nữa hả?
-Vì bên nội trú có chỗ rồi!
-Thanh Quan hả?
-Regina Pacis
-Ở với các Soeurs thì Trung yên tâm hơn. Bao giờ Hương đi?
-Tuần sau
-Trung chở đi nhe
-Không, bác và hai chị biết thì tui chết.
-Vậy thôi.
Hôm đó tôi về nhà hơi trễ, viện cớ đường kẹt xe và xe lam đông khách quá. Đêm đó, Trung không bắt chuyện, cũng không đàn hát cho đến khuya mới nói nhỏ bên tường: “Ngủ ngon!” Cả ba chị em đang học bài, giật mình lắng nghe tiếp, nhưng không gian rơi vào yên lặng như cũ.
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Noel, tôi dọn vào Regina Pacis. Từ Đà Nẵng vào Saigòn, tôi chỉ có hai cái valises, thế mà vài tháng sau, không hiểu đồ đạc ở đâu mà lắm thế. Hai valises đầy ắp quần áo sách vở, thêm ba bốn thùng sách khác và hai túi vải đeo oằn cả vai. Tôi chuyển hành lý lên Taxi và đi cùng với hai chị đến Regina Pacis. Chúng tôi vào phòng khách chờ Soeur trông coi khu nội trú ra nhận “gà”.
Khoảng 10 phút sau, một Soeur người hơi thấp, khoảng 50 tuổi, nét mặt thật hiền, bước vào phòng khách dáo dác nhìn, và tiến về phiá chúng tôi. Soeur tự giới thiệu Soeur tên là Aimé, coi khu nội trú của sinh viên. Chúng tôi cùng đứng lên cúi đầu chào. Soeur Aimé nhìn tôi và chiếu xéo qua đống hành lý lỉnh kỉnh của tôi, rồi cười nửa miệng và nhắn nhủ: “Con phải học cho thuộc nội quy của khu nội trú, không được ra ngoài sau 7 giờ tối, không được ăn uống trong phòng ngủ, không được làm ồn sau 9 giờ tối, không được tắm sau 9 giờ tối, chỉ được tiếp khách người nhà vào cuối tuần, vân vân và vân vân. Trời ơi, Soeur khủng bố tinh thần quá, tôi nhìn hai chị, hai chị nhìn tôi, chúng tôi vụt cúi mặt xuống, cắn răng dấu những tiếng cười nghịch ngợm.
Gia nhập gia đình nội trú chưa được bao lâu, tôi đã được Soeur Aimé chiếu cố vì nhiều “tội danh” liên quan đến câu nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, trong đó có tội cầm đầu nhóm bạn dòm lén ổ khoá xem Soeur có gì khác mình!
Trước Giáng Sinh, phố xá đông đúc, mọi người bận rộn mua sắm, thì giảng đường ngày càng vắng vẻ, vì một số sinh viên về quê sớm để mừng Giáng Sinh và ăn Tết với gia đình. Tôi cũng nhớ nhà và đã mua vé máy bay về Đà Nẵng.
Từ ngày dọn vào nội trú, tôi gặp Trung thường xuyên hơn, Trung đã ghi danh ở Luật, nhưng vẫn nhấp nhổm muốn ghi tên đi Thủ Đức. Đây là đề tài gây phiền toái. Gặp nhau, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chuyện học, chuyện bạn, chuyện đời sống, nhưng khi đến vấn đề ghi tên vào trường Thủ Đức, tôi im lặng, trong khi Trung muốn tôi có ý kiến. Làm sao tôi có ý kiến được, khi tôi chỉ mới có cảm tình với Trung, và bị giằng co trước trách nhiệm thiêng liêng với những rủi ro ở chiến trường. Vì thế, gặp nhau thì vui, nhưng lúc chia tay thì buồn.
Tôi về thăm nhà lần đầu tiên, gặp lại các em, tôi mới thấy mình… từng trải. Hình như chỉ ở Đà Nẵng, người ta mới có được nét đẹp thuần thục và thơ ngây. Các em rủ tôi leo lên cây trứng cá trước nhà, quả chín đỏ ối mời mọc, nhưng tôi từ chối. Tôi không còn bầu bạn với các em, tôi đã lớn, tôi đã biết buồn vì ai đó hễ thi rớt thì đi lính, biết đến chiến trường, biết nhớ và hiểu những ánh mắt buỗn thẫm mỗi khi chia tay. Chỉ có hai tuần ở nhà, mà tôi bồn chồn đi ra đi vào, chỉ muốn trở lại Saigòn. Mẹ tôi đoán có lẽ tôi lo cho kỳ thi tới, nên an ủi: “Con đừng lo quá thế, không đậu năm nay thì sang năm, có phải như con trai đâu mà sợ phải đi lính”. Tôi không lo cho tôi, tôi lo cho người khác, chiến trường hồi xưa xa tít, bây giờ đang ở rất gần, cạnh tôi và người ta.
Qua Tết, tôi trở vào Saigòn. Từ phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đón Taxi về Regina Pacis. Đến cổng, tôi đã thấyTrung đứng chờ bên vệ đường. Tim tôi đập thình thịch, Trung ôm tôi, hôn vào trán tôi thật lâu. Tôi vào cất valise lên phòng và xin phép Soeur Aimé đi ra ngoài ăn tối với “ông anh bà con”!
Chúng tôi ăn cơm canh giò với rau thì là ở đường Gia long và đi ciné. Phim Love story mới phát hành đã được trình chiếu tại Saigòn. Phim đẹp nhưng buồn ơi là buồn. Hình ảnh cuối của phim với cảnh đôi tình nhân nằm bên nhau trên giường bệnh, chàng trai ôm người tình, để cô ấy chết trong vòng tay che chở ấm áp của mình, đã khiến tôi sướt mướt, nức nở. Dư âm của bản nhạc nền “Where do I begin” với tiếng hát ấm của Andy Williams đã theo tôi suốt trên đường về nhà. Trung kéo tay tôi vòng qua eo mình, và nắm chặt tay tôi, xe chạy chầm chậm như muốn con đường về nhà dài ra. Đến cổng khu nội trú, Trung tắt máy xe, chúng tôi còn tay trong tay thêm một lúc nữa, Trung hỏi:
-Phim hay không?
-Hay ghê, họ yêu nhau thắm thiết quá!
Trung nhìn vào mắt tôi:
-Mình yêu nhau nhiều hơn thế nữa…
Mắt tôi lại sũng ướt,Trung ôm và hôn tôi thật lâu trên trán, rồi nói:
-Em vào đi và nhớ ngủ sớm.
Năm ấy, khoá đầu của SPCN, tôi bị rớt môn địa chất. Vài tháng sau, thi lại, đủ điểm đậu. Nhưng tôi bị hụt kỳ thi tuyển vào Y khoa Saigòn, nên ở lại học tà tà chứng chỉ về Sinh lý thực vật, chờ năm sau thi lại. Chị Hiển cũng bị rớt khoá đầu như tôi, sau đó thi vào Sư Phạm. Chị Ngàn đậu đợt đầu SPCN, và đậu kỳ thi tuyển vào Y Khoa.
Cuộc đời chúng tôi từ từ được định rõ. Vì không còn học chung trường, nên tôi cũng ít gặp hai chị, thỉnh thoảng cuối tuần tôi về thăm hai Bác và ăn cơm, chúng tôi mới có lại những giây phút cười đùa vui tươi như trước. Hai chị cũng nhắc đến tên “bên kia” không biết hắn ta học cái gì, đậu rớt ra sao? Tôi chỉ ậm ừ cho qua câu chuyện.
Trung rớt Luật, và đã vào quân trường Thủ Đức. Chúng tôi không còn gặp nhau nhiều như trước nữa. Tôi lo học để thi vào Y khoa năm tới. Lần về phép đầu tiên, Trung ghé thăm tôi, Trung đen và chững chạc hơn nhiều. Cuối tuần đó thật thần tiên và nhàn hạ. Thứ bảy chúng tôi đi dạo phố, đi ăn, đi uống café. Chủ nhật, Trung đến ngồi với tôi tại phòng khách của Regina Pacis từ sớm. Trung kể chuyện tuần lễ đầu tiên ở quân trường:những kỷ luật đối với tân binh, ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, bãi tập, tuần lễ Huấn nhục… và những nôn nao khi được về phép.
Tôi kể chuyện học, chuyện gia đình ngoài Đà Nẵng, chuyện nội trú. Đến khoảng 3 giờ chiều, những chiếc xe GMC đón các sinh viên sĩ quan Thủ Đức về lại quân trường, đậu trên đường Tú Xương, ngay trước cổng Regina Pacis. Trung ngồi với tôi đến phút cuối cùng, khi mọi người đã lên xe. Trung ôm tôi và hôn lên trán tôi.
Những lần về phép sau, chúng tôi cũng chia nhau những hạnh phúc in như vậy. Khi chia tay, Trung hôn lên trán tôi, mỗi lần mỗi lâu hơn, tôi quen dần và không nghĩ đến những cảnh hôn môi lãng mạn trong phim ảnh.
Dường như chúng tôi yêu nhau, nhưng chưa nói gì với nhau, chỉ có một lần Trung hỏi tôi là có tin Trung không. Chỉ có Trung đoan chắc là Trung yêu tôi và nói là mình yêu nhau nhiều hơn thế nữa... Tôi tự hỏi tin và yêu khác nhau thế nào? Điều Trung đoan chắc đó, đã có trong tôi chưa? Tôi không giải thích được, chỉ biết rằng, tôi thật bình yên và an toàn những lúc ở bên Trung.
Lại đến mùa thi, tôi phải vất vả lắm mới xong được cái chứng chỉ Sinh lý Thực vật, tôi ghi tên thi tuyển vào Y khoa, nhưng rớt. Hôm đi coi bảng, không có tên mình, tôi đã bật khóc, vì nghĩ đến ước mong của Bố tôi. Tôi đánh điện tín về nhà, báo tin không đậu vào Y khoa. Bố tôi đã vào Saigòn an ủi tôi, khuyên tôi không nên thất vọng, nếu tôi vẫn còn muốn học Y, thì vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu tôi muốn học ngay năm nay, thì có trường Y Khoa Minh Đức, tuy là trường tư, nhưng cũng dạy đúng tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nhìn Bố nghẹn ngào: “Dạ, con sẽ ghi danh vào Minh Đức.” Tôi ghi danh học Y khoa Minh Đức, và học tiếp ở Khoa học cho xong văn bằng cử nhân.
Một buổi sáng từ giảng đường đại học Khoa Học nhìn ra, tôi bất ngờ thấy Trung đi tới đi lui dáo dác nhìn vào giảng đường kiếm tìm. Tôi đi ra, chạy về phía Trung hấp tấp hỏi:
-Trung đi đâu vậy? Sao lại được về phép hôm nay?
Trung nói:
-Anh tìm Hương, lần này là lần phép cuối, bọn anh ra trường chọn đơn vị và đi luôn.
Tôi bỏ hết các giờ học còn lại để đi chơi với Trung. Chúng tôi đi ra đường Pasteur ăn đu đủ bò khô, uống nước mía, đi tới Crystal Palace ăn bò bía, vào nhà sách Khai Trí, mỗi đứa mỗi vùng chọn sách đọc đã đời, sau đó dắt nhau vào ciné.
Hôm ấy chúng tôi xem Summer of 42, nói về tình yêu của một thiếu niên với người thiếu phụ trẻ có chồng mất tích trong thế chiến thứ 2. Tôi không thích nội dung phim, nhưng bản nhạc nền chính của phim thì tuyệt diệu.
Ra khỏi rạp, trời mới chiều, chúng tôi ghé quán kem dừa ở hồ con Rùa gần trường Luật, vừa ăn kem vừa bàn về chuyện phim. Trung hỏi tôi:
-Em thích Summer of 42 không?
Tôi nhún vai, Trung nhìn tôi và nói:
-Hai vợ chồng trẻ yêu nhau trước khi người chồng vào chiến trận. Cậu thiếu niên yêu người thiếu phụ, tình yêu đầu đời của cậu ta… tất cả họ đều yêu thiết tha và… mình thì yêu nhau nhiều hơn thế nữa, phải không?
Tôi rùng mình nhìn Trung, tôi thấy mình nằm gọn trong đôi mắt thăm thẳm, Trung đã ủ tôi trong anh, như anh đã từng có tôi từ bao nhiêu kiếp. Lần thăm này, lúc chia tay, Trung ôm tôi, anh hôn trán tôi, hôn môi tôi lần đầu tiên, chúng tôi đã hôn nhau đắm đuối. Trung hẹn khi ra đơn vị, sẽ về thăm tôi. Tôi không biết Trung ra đơn vị nào, phục vụ ở đâu. Tôi chờ đợi, chờ đợi mãi không thấy Trung về thăm, cho đến một ngày tôi ghé thăm Bác tôi, mới hay là cháu bà cụ bên cạnh nhà đã hy sinh. Tôi chạy sang hỏi bà, bà nói không biết gì ngoài tin Trung đã tử trận. Tôi chào bà, bước vội ra cửa, chợt nghe tiếng bà yếu ớt hỏi với theo: “Cháu, cháu có phải là bạn thằng Trung không, cháu ơi?” Tôi chết đứng, quay lại nhìn bà, mắt đỏ hoe. Bà chống gậy đi đến bên tôi, mái tóc bạc gục vào ngực tôi. Chúng tôi nức nở nhớ Trung. Tôi khóc Trung muộn màng và hiểu được thế nào là …mình yêu nhau nhiều hơn thế nữa!.
(PDH 10/11)
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021
Mình yêu nhau nhiều hơn thế nữa… Phạm Diễm Hương
Năm 1970, sau khi đậu Tú Tài phần 2, tôi theo Bố vào Saigòn để thu xếp nơi ăn chốn ở cho hành trình đại học của tôi. Theo dự định, ban đầu tôi sẽ ở tạm nhà Bác Thinh, sau đó, sẽ vào nội trú ở Regina Pacis khi có chỗ. BácThinh là anh ruột của Bố tôi, nhà bác Thinh ở trong một ngõ, trên đường Trương Minh Giảng, trước mặt rạp hát Minh Châu, gần trường Lê Bảo Tịnh. Dãy nhà trong ngõ chia tường với nhau, nhà nào cũng như cái ống, bịt một đầu, còn đầu kia có một cửa sổ, và một cửa ra vào. Phía trước nhà nào cũng có một tường gạch cao quá đầu người, che một khoảnh sân hẹp.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét