Ở chùa đôi khi cũng có người đi tu vì hoàn cảnh cưỡng ép. Có kẻ đi tu vì nhà quá nghèo không đủ cơm gạo ăn; có kẻ đi tu vì mồ côi cha mẹ; có kẻ đi tu vì bị gia đình bạc đãi; có kẻ đi tu vì thất tình; có kẻ đi tu để trốn quân dịch; có kẻ đi tu vì chán ngán cõi đời phiền lụy, muốn tìm chỗ yên tĩnh để trốn chạy cuộc đời. Những nguyên cớ đi tu như vậy đều bị coi là không chân chính. Tuy vậy, cửa chùa luôn luôn mở rộng để đón nhận tất cả những con người đau khổ, dù họ đến với mục đích chân chính hay không chân chính. Trăm sông dù trong dù đục cũng không làm hao mòn gì cái lượng bao la của biển được.
Chú Hòa là một trong những kẻ đi tu vì hoàn cảnh. Hoàn cảnh của chú bi thảm lắm, cho nên khi mẹ chú đem gửi chú ở chùa, thầy trụ trì nhận lời ngay; mà chú cũng vậy, cảm thấy thích ở chùa hơn là theo mẹ đi lang thang, sống nhờ bà con hết nhà này sang nhà khác. Chú nhớ rằng nhà chú trước kia cũng to lớn rộng rãi lắm. Có sân có vườn, có nhiều cây ăn trái, có chú Hải làm vườn, có chị Tám giúp việc, bác Cần tài xế v.v... Dinh cơ đồ sộ của ba chú là một trong những ngôi nhà danh tiếng của vùng. Không biết ba chú có làm việc gì cho chính quyền không. Chú chỉ nhớ là mỗi sáng bác Cần lái chiếc xe hơi màu đen đưa ba chú đi làm ở đâu đó, chiều mới về đến nhà. Thỉnh thoảng có vài ông lính, hay mấy ông cảnh sát đến nhà nói chuyện gì với ba chú mà trông họ có vẻ trọng vọng ba chú dữ lắm.
Đùng một cái, đêm đó chú bừng thức dậy, nghe nhiều tiếng súng nổ quanh nhà. Một hồi lâu có nhiều người vào nhà chú la hét om sòm và cuối cùng, họ bắt trói ba chú lại, dẫn đi đâu không biết. Mẹ chú lăn lộn khóc dưới đất. Chú chỉ biết ngồi ôm mẹ mà khóc theo thôi. "Mẹ ơi, đừng khóc nữa mẹ." Cho đến sáng mà mẹ chú vẫn cứ ngồi thẫn thờ dưới đất nhìn chăm chăm ra đầu ngõ. Chị Tám giúp việc cho nhà chú nói rằng đêm qua người ta lấy thóc gạo, thức ăn, đồ dùng trong kho, đem đi đâu hết rồi. Lính ở đâu kéo tới nhà chú đông lắm. Rồi họ nói là sẽ đi kiếm ba chú về. Nhưng mẹ chú, và chú nữa, chờ hoài chờ hoài mà chẳng thấy ba về bao giờ. Bỗng nhiên một đêm nọ, chú bừng thức dậy thấy mẹ cõng mình chạy. Nhà cửa trong xóm sao mà cháy dữ dội. Đạn bom ở đâu mà nổ long trời. Nhiều người cũng kéo nhau chạy như mẹ con chú vậy. Và từ đó, mẹ không cõng chú về nhà nữa. Mẹ cũng có vẻ như không còn chờ đợi ba về. Mẹ nói ba đi luôn rồi. Chú không biết đi luôn là đi đâu.
Mẹ con chú lên xe xuống xe, đi đâu xa lắm. Chú đói khát cứ khóc hoài và mẹ đành đi xin cơm cho chú ăn suốt dọc đường. Mẹ đưa chú đến thành phố mà mẹ nói là có nhà bà ngoại ở đó. Nhưng bà ngoại chú dọn đi đâu rồi, mẹ không tìm được địa chỉ. Mẹ đành đi lang thang và cuối cùng mẹ đem chú gửi vào chùa.
Ngày vào chùa, chú vui vì có được mấy chú tiểu ngang lứa khác làm bạn nên quên rằng mẹ đã bỏ đi từ sáng. Đến chiều tối, sau khi ăn chú mới sực nhớ đến mẹ rồi chú ngồi khóc hu hu. Thầy trụ trì đang tụng kinh nên không ai dỗ dành chú cả. Mấy chú tiểu khác cứ ngồi trố mắt ra mà ngó chú thôi. Chú khóc nghe thảm thiết lắm. Và đây là lần đầu tiên chú khóc mà không có sự vỗ về an ủi của mẹ. Chú cảm thấy hình bóng mẹ lúc này thật cần thiết, cần thiết hơn tất cả những gì hiện có chung quanh chú. Chú thấy không cần thiết phải ở chùa như thế này. Chú muốn mẹ quay trở lại, mang chú đi, dù là đi lang thang bất định, đói khát. Càng nghĩ đến mẹ chú càng khóc rống lên. Khóc thật lâu, thật mệt rồi, chú mới chịu im và ngồi ì ra đó mà thút thít. Một chú tiểu đến cầm tay chú, nói hoài một câu dỗ dành, chẳng thêm chẳng bớt một chữ: "Nín đi, đừng khóc nữa." Dù vậy, chú cũng thấy đỡ tủi đôi chút, còn hơn là chẳng ai an ủi lời nào. Đến khi thầy tụng kinh xuống, chú bỗng dưng lại khóc to lên như trước. Thầy vào phòng giải y hậu xong là quay trở ra ngay, hỏi liền:
"Sao? Sao mà khóc trời sầu đất thảm vậy, hở con?"
Chú không nói gì, thấy có thầy lưu tâm là chú khóc nhiều hơn, nước mắt nước mũi tuôn ra không kềm lại được. Thầy xoa xoa đầu chú, dỗ dành:
"Nín đi con, mai mốt mẹ con sẽ trở lại mà."
Đó là câu an ủi mà chú đang chờ đợi. Chú nín khe, quẹt mũi một cái rồi hỏi thầy:
"Mẹ con nói như vậy hở?"
"Ừ, sẽ trở lại. Con đừng có khóc mấy chú cười cho. Mấy chú đó cũng như con, đâu có ba má bên cạnh mà có khóc tiếng nào đâu. Đi tu thì phải hùng dũng lên, nhất là mình con trai nữa, chẳng nên khóc như mấy đứa con gái, nghe chưa?"
Thầy nói chưa hết câu là chú giật mình nhìn lại mấy chú tiểu kia. Chuyện đơn giản vậy mà chú không để ý, bây giờ mới thấy quê quê. Không nên khóc như vậy, chẳng anh hùng chút nào. Chú không thể chịu thua mấy chú tiểu kia được. Chú lấy vạt áo lau nước mắt, nín luôn. Từ đó, chú học theo các chú tiểu khác: dõng mãnh, cứng rắn, dẹp bỏ những đòi hỏi thường tình của một đứa con nít, không khóc, không thắc mắc chừng nào mẹ đến, chỉ lo học kinh, tụng kinh, quét sân, quét chánh điện v.v... làm tất cả những công việc mà những chú tiểu khác làm. Tuy vậy, trong thâm tâm, chú vẫn mong mẹ đến, không phải là để mang chú đi nữa, nhưng để chú bớt nhớ mẹ mà thôi.
Chú Hòa là một đứa trẻ thông minh và có thể nói là "có căn tu." Vài người Phật tử thường lui tới chùa đã nói như vậy. Sự tiến bộ rất nhanh của chú trong việc học kinh và giáo lý khiến thầy hài lòng và có khi tấm tắc khen với vài đạo hữu khác. Chú đến sau mà thuộc kinh, giỏi giáo lý hơn những chú tiểu đến trước. Do đó, chỉ trong vòng một tháng là chú đã được thầy xuống tóc cho, chừa lại một cái chỏm ở trước. Cho đến lúc chú xuống tóc để trở thành một chú tiểu, mẹ chú vẫn không thấy trở lại. Dù sao, chú cũng dần dần quen thuộc với cảnh chùa rồi. Nơi đây, chốn tu hành thanh đạm, chú cũng tìm thấy những thú vui thích hợp cùng các chú tiểu ngang lứa. Chú không thấy khổ; chỉ thỉnh thoảng thấy nhớ mẹ và trông mẹ đến thăm mình—không phải để cứu mình ra khỏi cái chốn thiền môn ảm đạm buồn tẻ mà chú cảm thấy ngay lúc mới bước vào, mà để ôm mẹ, khoe với mẹ rằng mình đã cạo tóc và trở thành một chú tiểu ngoan.
Quả vậy, chú là một chú tiểu ngoan, dễ thương, học giỏi, được thầy lưu tâm và hài lòng lắm. Đặc biệt nhất là chú có thể nhớ rất kỹ những lời thầy giảng dạy cho các Phật tử vào các buổi thuyết pháp vào mồng một và ngày rằm mỗi tháng. Ký ức của chú rất tốt. Có thể nói là đầu óc chú như một cuốn băng thâu lại rất chính xác những âm thanh nào mà chú để ý. Cho nên, sau khi thầy giảng xong, chú có thể nói lại y trang những lời của thầy. Một vài Phật tử biết vậy nên lâu lâu lại nhờ chú "tụng" cho nghe lời giảng của thầy thay vì họ phải đến nhờ thầy giảng lại. Có một hôm, đi ngang phòng của các chú tiểu, thầy nghe chú nói lại những lời của mình giảng, thầy kinh ngạc và rất vui.
Thầy dạy gì chú cũng siêng năng thực hành, chỗ nào không hiểu chú liền thỉnh ý thầy, xin thầy giải thích. Chú đã thông minh, hiếu học lại ngoan ngoãn như vậy bảo sao thầy không thương không quí. Ngay cả các chú tiểu trong chùa, dù sức học thua kém chú thấy rõ nhưng cũng không đem lòng ganh ghét đố kỵ là vì chú không kiêu hãnh tự cao tự đại. Chú luôn vui vẻ và hết lòng giải thích cho bạn những gì mình hiểu.
Có lần thầy đi vắng ba ngày để đi họp đại hội Phật giáo tại Sài Gòn. Các Phật tử đến chùa tụng kinh thấy vắng bóng thầy bèn mời chú Hòa lên thuyết pháp. Họ nài nỉ quá nên cuối cùng chú cũng đứng ra giảng pháp ngay tại chánh điện chùa. Chú giảng y như thầy đã giảng, một đề tài mà không ai có thể ngờ được rằng một chú bé 10 tuổi như chú có thể nhớ chứ chưa nói là hiểu để mà "thuật" lại cho mọi người nghe. Xong buổi giảng, Phật tử vỗ tay hoan nghênh quá sức. Có người còn chụp hình, thâu băng để đem khoe lại với thầy nữa. Lúc về, thầy nghe kể lại, nửa vui nửa lo, bèn gọi riêng chú vào phòng. Đó là lần đầu tiên hai thầy trò tâm sự với nhau thân mật. Thầy xoa đầu chú hỏi:
"Lâu nay con có nhớ mẹ không?"
Chú buồn buồn đáp:
"Dạ... có."
"Có lẽ mẹ con đi tìm bà ngoại con chưa ra. Và mẹ con đang đi kiếm việc làm, dành dụm để nuôi con. Con đừng oán trách mẹ con nhé. Mẹ nào cũng thương con hết. Nhất là mẹ con, chỉ có mình con thì bà thương con vô cùng. Thầy nghĩ có lẽ bà đang bận làm việc ở đâu đó chưa có thể xin nghỉ để đến thăm con."
Chú Hòa rơm rớm nước mắt:
"Con nhớ mẹ, nhưng con học kinh, tụng kinh để khỏi nhớ. Con cũng thường cầu nguyện cho mẹ bình an để mẹ mau đến thăm con."
"Mẹ con sẽ đến mà. Con rán học, rán tu đi. Mẹ con biết con tu học giỏi thì bà cũng vui mừng. À, thầy hỏi thiệt con điều này nghe..."
Chú Hòa ngước mắt lên nhìn thầy, chờ đợi:
"Dạ, thỉnh thầy..."
Thầy im một lúc, rồi mới hỏi:
"Nếu mẹ con trở lại đem con về nhà ngoại thì con tính sao?"
Chú lúng túng. Mấy tháng nay, vui theo chúng bạn, nương thầy học đạo, sớm tối kinh kệ, tương chao rau dưa; thầy trò, chúng bạn, vui vầy với nhau dưới mái chùa ấm cúng, chú quên khuấy đi rằng có thể có một ngày nào đó mẹ trở lại và đòi đem chú trở về với đời, tiếp tục sống cuộc sống cũ: không có tiếng chuông chùa, không có tiếng kinh kệ và những buổi ngồi thiền, niệm Phật, những buổi sáng thầy trò ra vườn nhổ cỏ, tưới cây... Sống ở chùa mới mấy tháng thôi, chú đã cảm thấy là chú không thể chọn một cuộc sống nào khác hơn, dù là cuộc sống êm đềm dưới sự chăm sóc của mẹ hiền yêu dấu. Chú thương mẹ chú lắm và chú biết mẹ rất khổ sở từ khi ba chú bị dẫn đi mất biệt. Mẹ rất cần có chú cũng như chú rất cần mẹ. Nhưng, cuộc sống ở chùa, sao mà hiền hòa dễ thương quá. Nó có một cái gì đó êm nhẹ, lặng lẽ, níu kéo chú, khiến chú không sao tưởng được rằng mình có thể bỏ chùa ra đi được nữa. Chú nói với thầy với giọng băn khoăn, không dứt khoát:
"Con chưa biết con phải làm sao... Con thương mẹ con lắm..." nói đến đó thì nước mắt chú chảy dài trên hai gò má bầu bĩnh. Phải một lúc lâu chú mới nói tiếp:
"Nhưng con cũng thích ở chùa nữa. Con không muốn xa chùa, con không muốn xa thầy..."
Thầy cảm động, vỗ vai chú:
"Cái khó khăn đầu tiên của người xuất gia là rũ bỏ được tình cảm sâu đậm của gia đình. Mà rồi về sau này, suốt cuộc đời của người xuất gia cũng chỉ là một cuộc chiến đấu để thắng được những tình cảm ràng buộc của thế gian. Con khó xử là phải. Thầy thấy cửa chùa rất thích hợp với con. Nhưng nếu mẹ con cần con, con nên trở về với mẹ để vui lòng bà. Khi nào mẹ con muốn con xuất gia thì con đến tìm thầy cũng không muộn đâu."
"Phải chi mẹ con ở gần chùa... Con cứ ở chùa, lúc nào nhớ mẹ thì chạy về nhà thăm."
Thầy cười:
"Tu như vậy đâu có được. Phải dứt khoát con à. Xuất gia là chọn lựa một đời sống mới vô cùng hệ trọng cho cả đời mình. Với đời sống mới cao đep đó, người xuất gia cắt đứt mọi tình cảm thân thuộc để dấn mình vào mục đích tối hậu. Không thể có được cả hai thứ, vừa nhà vừa chùa, chạy tới chạy lui thì chẳng khác gì chim-chuột. Con có biết chim-chuột là ý nói gì không?"
"Bạch thầy, không."
"Ở trong chùa, chữ chim-chuột dùng để chỉ cho những người tu không ra tu, đời không ra đời, thứ chi cũng thích, cũng không từ bỏ; gặp khi bất lợi thì bên nào cũng chối chạy, gặp lúc tốt đẹp thì bên nào cũng muốn dự phần. Giống như con dơi, khi người ta muốn bắt những loài biết bay như chim thì nó nói nó thuộc loài chuột chứ không phải loài chim, dù nó biết bay. Nhưng khi người ta bắt chuột thì nó chối, nói rằng nó không phải giống chuột mà thuộc loài chim biết bay!"
"Dạ, con hiểu rồi."
"Cho nên, thầy muốn con suy nghĩ trước, chọn lựa trước để khi mẹ con trở lại, con sẽ biết điều gì nên làm."
Chú cúi đầu, chắp tay cám ơn thầy rồi lui ra. Chú bước đến cửa thì thầy gọi lại.
"Dạ, thưa thầy gọi con?"
Thầy vừa nói vừa cười:
"Con thực sự muốn xuất gia luôn hả?"
"Dạ, con muốn xuất gia."
"Mẹ con chỉ gửi gắm con nơi đây cho chùa chăm sóc dùm chứ không phải cho con xuất gia."
"Nhưng con thích... con cũng đã xuống tóc rồi."
"Còn làm tiểu thì xuống tóc hay để tóc lại cũng chẳng khó khăn gì."
"Mẹ thấy con xuống tóc rồi chắc mẹ cũng không bảo con về đâu."
"Thầy hy vọng như vậy. Tuy nhiên, chỗ quan trọng là chính con có muốn xuất gia hay không."
"Bạch thầy, con muốn."
"Xuất gia khổ cực lắm, gian nan lắm. Làm chú tiểu như con bây giờ chưa thấy được những nghịch cảnh to lớn mà các thầy gặp phải đâu. Xuất gia không dễ dàng như làm chú tiểu quét lá đa, học kinh Phật là đủ. Đến khi con trưởng thành, trăm ngàn thứ chướng ngại kéo đến, quấy phá, không để cho con yên. Chỉ những kẻ quyết tâm, ý chí dõng mãnh, nguyện lực thâm sâu mới có thể vượt qua được."
"Con sẽ vượt qua."
"Giỏi lắm, có chí lớn! Hãy nhớ lời con nói với thầy hôm nay nhé. Thầy mong con sau này sẽ làm rạng rỡ cho đạo. Con muốn làm gì mai sau? Làm Phật? Làm Tổ?"
Chú chỉ cười rồi nói:
"Làm Pháp sư."
Thầy cười to:
"Pháp sư?! Tốt. Mấy hôm thầy đi vắng con đã giảng pháp cho Phật tử rồi kia mà! Được lắm, con có thể thành Pháp sư lắm, nhưng phải chịu khó nghiên cứu học hỏi nhiều nghe. Đọc nhiều chưa hẳn đã giảng thuyết hay. Phải có thực hành, và phải có năng khiếu giảng nữa."
"Con sẽ cố gắng." ....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét