Đời người chẳng mấy khi như ý; lúc nghèo hèn lại mong cao sang; lúc phú quý lại mong khỏe mạnh; lúc tuổi già lại mong trường thọ… Làm người quý ở chỗ khi thất ý cũng không nhụt chí, khi đắc ý cũng không phù phiếm, tâm bình khí hòa sống an nhiên tự tại
Tầm nhìn quyết định cảnh giới, phẩm cách quyết định kết cục. Tư tưởng con người cũng như núi non, cũng có cao thấp nhấp nhô. Tầm nhìn và phẩm cách cao hay thấp sẽ quyết định mức độ nông sâu của bạn khi nhận thức sự vật.
Từng nghe qua một câu chuyện cười:
Vào thời xưa, có một người ăn xin đã tình cờ cứu mạng được Hoàng đế. Hoàng đế hỏi người ăn xin: “Ngươi cứu vua lập được công lớn, có muốn được ban thưởng cái gì không?”
Người ăn xin trả lời: “Cầu xin Hoàng thượng làm riêng cho thần hai con đường; để sau này thần đi ăn xin khỏi bị người ta xua đuổi nữa!”.
Lời cầu xin của người ăn xin đã tiết lộ tầm nhìn và phẩm cách của anh ta. Cũng bởi như vậy, cả đời anh ta cũng chỉ có thể đi ăn xin mà thôi.
Khi một người có tầm nhìn hạn hẹp thì sẽ rất dễ bị sỏi đá ven đường ngáng chân; hoặc bị lá cây che khuất tầm mắt; rồi chỉ nhìn thấy cây cối mà không thấy rừng xanh.
Một người nhìn xa trông rộng sẽ không dễ bị xao động bởi những điều tầm thường nhỏ nhặt. Cũng như câu nói “Không bị mây trôi che tầm mắt, là do thân tại nơi cao tầng”.
Điều quan trọng là phải nhìn xa, nhưng muốn nhìn xa thì trước hết bạn phải đứng ở trên cao. Leo lên núi Thái Sơn mà nhìn thiên hạ thì thấy cũng nhỏ bé. Vì vậy, địa vị có thể thấp kém nhưng tầm nhìn không được hạn hẹp; ở nơi tầm thường cũng không được đánh mất đi phẩm cách của mình.
Làm việc đến nơi đến chốn
Làm người thì vừa phải nhìn xa trông rộng mà làm việc cũng phải đến nơi đến chốn. Để nâng cao tầm nhìn thì cũng phải trải qua một quá trình tích lũy; không ai có thể một bước lên tận mây xanh được.
Cuộc sống giống như một cuộc chạy marathon, đi nhanh chưa chắc đã hay, đi ổn định mới là vững vàng. Nhân sinh tựa như một ngôi nhà, nền móng phải vững thì mới có thể xây lên cao được.
Đầu cơ trục lợi thì có thể kiếm chác được trong chốc lát nhưng khó mà giữ được lâu dài. Theo đuổi những điều viển vông, ‘nói như rồng leo, làm như mèo mửa’, sớm muộn rồi cũng sẽ thấy hậu quả.
Tả Tông Đường, một vị tướng vào triều đại nhà Thanh từng nhiều lần thi rớt, nhưng ông vẫn không ngã lòng. Ngược lại còn tạo động lực cho ông dốc lòng học tập. Ông bỏ ra nhiều năm, đọc làu kinh sách, cuối cùng cũng đỗ cử nhân và được ra làm quan. Về sau còn được thăng chức đến vị trí cao nhất.
Tả Tông Đường cũng lấy việc này để giáo dục con cái: “Đọc sách cũng phải đến nơi đến chốn, nghiêm túc, chăm chỉ. Hiểu được một chữ thì phải thực hành một chữ”.
Làm người thì phải thiết thực, “lấy cơ bản làm gốc, bỏ đi phù phiếm xa hoa”. Không cần vạn sự như ý, chỉ cần không hổ thẹn với lương tâm.
Tâm thái cần bình hòa
Cuộc sống giống như một ván cờ, chỉ khi tâm hồn rộng mở thì lúc mất quân mới không quá hối tiếc.
Tục ngữ nói: “Người làm việc lớn không câu nệ tiểu tiết”. Tâm khoan dung thì đường đi cũng rộng mở. Người có lòng bao dung thì phẩm cách cũng rộng lớn. Gặp chuyện sẽ không tính toán chi li; không quá để ý được mất trước mắt. Đời người như vậy mới không bị trói buộc, mới có thể vươn cao và bay xa hơn.
Cuộc sống giống như một con đường, rộng cũng tốt, mà hẹp cũng xong; đều là phong cảnh hữu tình. Cuộc sống giống như một chén trà, đậm cũng ngon, mà nhạt cũng thú vị; đều là hương vị cuộc sống.
Không để tâm vào những chuyện vụn vặt, tâm cũng tự thư thái, người cũng tự thanh thản. Có người cứ mãi dằn vặt những chuyện trong quá khứ rồi lại đánh mất đi tương lai. Thực ra không cần phải như vậy, hãy cứ bước đi thật xa rồi ngoảnh đầu nhìn lại, bạn sẽ thấy mọi việc đều chỉ là hoa cỏ bên đường, đều giúp cuộc sống thêm thi vị. Thản nhiên chấp nhận an bài của cuộc sống mới là một người khôn ngoan.
Khiêm Từ biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét