Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Thảm kịch thành kiến chủng tộc - Trần Thị Ngự

Tại sao người Mỹ da đen đang từ bỏ Đảng Dân chủ? - Trí Thức VN

Trong những ngày cuối Tháng Năm và đầu Tháng Sáu 2020, biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố trong nước Mỹ, cả trước Nhà Trắng, và nhiều thành phố ở các nước khác để phản đối cảnh sát làm chết thường dân không mang vũ khí trong khi đang bị cảnh sát bắt giữ. Video phổ biến trên truyền thông cho thấy hình ảnh nạn nhân, George Floyd, đang bị cảnh sát dẫn đi, hai tay đã bị còng; tiếp đó là hình ảnh một cảnh sát viên đè hai đầu gối lên cổ nạn nhân đang nằm xấp trên mặt đất cùng tiếng kêu của nạn nhân “Tôi không thở được,” và hình ảnh cuối cùng là nạn nhân nằm ngửa bất động trên mặt đất trước khi được đưa đi cấp cứu. George Flyod được tuyên bố tẳt thở khoảng một giờ sau đó. [1]<!>
Đây không phải là lần đầu thường dân bị nhân viên công lực sát hại. Theo thống kê từ FBI, trong năm 2018 nhân viên công lực hạ sát 410 người một cách chính đáng (justifiable homicides by law enforcement). [2] Tuy nhiên các con số trong thống kê của FBI đưa ra được cho là còn thiếu sót. Trước hết, con số do FBI đưa ra thấp hơn gần một nửa so với các con số từ National Violent Death Reporting System (trực thuộc CDC, Centers for Disease Control and Prevention). [3]

Thống kê của FBI không phân biệt trường hợp nạn nhân có vũ khí, được coi là nguy hiểm hơn cho cảnh sát, hay không có vũ khí. Thống kê độc lập của The Washington Post cho thấy số nạn nhân không mang vũ khí bị cảnh sát giết giao động từ 47 người (2018) đến 94 người (2015). [4] Trong số này, nạn nhân người da đen chiếm khoảng 1/3.

Thống kê của FBI cũng không cho biết chủng tộc của nạn nhân cũng như của cảnh sát viên liên quan đến việc sát hại. Theo thống kê độc lập từ The Washington Post, kể từ 2015 (năm The Post bắt đầu thu thập số liệu) mẫi năm có khoảng 1000 thường dân bị cảnh sát sát hại, và người da đen có tỷ số bị sát hại cao hơn gấp hai lần người da trắng (tỷ số người da đen bị sát hại bởi cảnh sát là 30 người/1 triệu dân, trong khi tỷ số của người da trắng là 12 người/1 triệu dân).[5]

Ngoài ra, thống kê từ FBI cũng không cho biết số trường hợp thường dân bị nhân viên công lực sát hại một cách không chính đáng (unjustifiable). Vì các cơ quan cảnh sát tự đánh giá trường hợp nào là chính đáng, cho nên có thể không phải những con số mà FBI cho là chính đáng đều thật sự chính đáng.

Tự Vệ Chính Đáng, Bạo Lực Hợp Lý và Thành Kiến Chủng Tộc

Với nhiệm vụ giữ gìn trật tự và chống tội phạm, nhân viên công lực thường có các va chạm với công chúng, trong đó có những người tình nghi phạm pháp. Để tránh trường hợp cảnh sát lạm dụng quyền lực gây ra những vi phạm dân quyền và nhân quyền, pháp luật đã đưa ra những qui định về hành vi của cảnh sát trong lúc thi hành công vụ.

Án lệ (jurisprudence) nổi tiếng Tennessee v. Garner (1985) qui định việc sát hại thường dân chỉ được coi là hợp lý (reasonable) trong trường hợp tự vệ (self-defence).[6] Trong vụ này, cảnh sát ở Memphis, Tennessee, được thông báo có tình nghi ăn trộm (break-in). Khi đến hiện trường vào buổi tối, cảnh sát nhìn thấy có người chạy ra sân sau một căn nhà. Khi cảnh sát thấy nghi can chạy đến chỗ hàng rào bao quanh căn nhà, cảnh sát xưng danh và yêu cầu đứng lại, nhưng nghi can bắt đầu leo qua hàng rào. Sợ nghi can bỏ trốn, cảnh sát liền nổ súng. Kết quả là một thiếu niên da đen bị bắn chết, trong người có 10 đô la và một cái ví được cho là do ăn trộm. Trước vụ này, rất nhiều tiểu bang áp dụng học thuyết “kẻ phạm tội chạy trốn” (fleeing felons doctrine) cho phép cảnh sát dùng võ lực có thể gây chết người (deadly force) khi đuổi bắt các nghi can nếu những người này cố tình chạy trốn. Học thuyết “kẻ phạm tội chạy trốn” xuất phát từ Common Law ở nước Anh trước thế kỷ 18, vốn qui định trên 300 tội bị trừng phạt bằng cách treo cổ, kể cả tội móc túi. Như thế, kẻ phạm tội dù có bị cảnh sát bắt sống thì sau đó cũng bị treo cố. Trong vụ Tennessee v. Garner, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) phán rằng “học thuyết kẻ phạm tội chạy trốn” vi phạm Điều 4 Hiến Pháp (search and seizure), và cảnh sát chỉ được dùng võ lực có thể gây chết người (deadly force) để ngăn ngừa chạy trốn khi có lý do chính đáng (probable cause) để cho rằng nghi can là mối đe dọa cho sinh mạng của cảnh sát hay cho người khác. Ít năm sau, án lệ Graham v. Connor (1989) xác nhận thêm rằng nhận định về mối nguy hiểm của nhân viên công lực phải hợp lý (reasonable) và sự hợp lý này phải được xem xét theo quan điểm của nhân viên công lực tại hiện trường. [7]

Hai an lệ Tennessee v. Garner và Graham v. Connor tạo ra một sự mâu thuấn nội tại giữa một phía là nhận định cá nhân và chủ quan của nhân viên công lực về mối đe doạ hay nguy hiểm và phía kia là sự hợp lý khách quan trong quyết định xử dụng sức mạnh có thể gây chết người của cảnh sát. Bởi vì nhận định về mối nguy hiếm mang tính chủ quan, không loại trừ nó bị ảnh hưởng bởi thành kiến chủng tộc.

Thành kiến (prejudice) là thái độ, suy nghĩ, hay niềm tin vô căn cứ về một nhóm người. Đặc điểm của thành kiến là cá nhân bị/được xét đoán theo cả nhóm mà họ là thành viên. Thành kiến có tính tiêu cực, và những đặc điểm gán cho một nhóm nào đó thường là thấp kém hay không được xã hội mong muốn. Thành kiến của cá nhân cũng có tính cứng nhắc, khó thay đổi một khi nó đã ăn sâu vào tâm tưởng của người mang thành kiến, ngay cả khi có những bằng chứng trái ngược lại. [8] Thành kiến giúp tạo ra các khuôn mẫu (stereotypes) để xét đoán cá nhân, thường có tính phóng đại, căn cứ vào tổng thể nhóm, chứ không dựa vào sự hiểu biết trực tiếp đối tượng. Cũng như thành kiến, các khuôn mẫu dùng để xét đoán cá nhân thường khó thay đổi một khi đã ăn sâu vào trí não.

Hệ luỵ của chế độ nô lệ và sau đó là phân chia chủng tộc (racial segregation) đã tạo ra nhiều thành kiến (prejudice) và những khuôn mẫu (stereotypes) về người da đen ở Mỹ. Trong thời kỳ nô lệ, khuôn mẫu về người da đen là ngu độn, thấp kém (inferior) và lười nhác được dùng để biện minh cho chế độ nô lệ. [9] Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, một trong những khuôn mẫu về người da đen là dơ bẩn và dễ truyền bệnh được dùng để lý giải cho chính sách phân biệt chủng tộc (segregation). Các văn bản pháp lý về phân biệt chủng tộc ngăn cấm người da đen không được dùng chung nhà vệ sinh, vòi nước uống và hồ bơi với người da trắng với giả định rằng người da trắng sẽ bị ô nhiễm bởi sự chung đụng. [10]

Liên quan đến bài viết này là thành kiến và khuôn mẫu của người da đen là nguy hiểm, hung bạo và hay phạm tội (Blacks as criminals). Thành kiến này được ghi nhận là rất phổ biến đến nỗi cụm từ “kẻ săn tội ác” (criminal predator) được dùng một ẩn dụ (emphenism) để chỉ thanh niên da đen. [11] Các nghiên cứu cho thấy khi người da đen và người da trắng cùng làm một hành vi như nhau, hình ảnh người da đen bị cho là có tính cách đe doạ hơn. [12] Tương tự, người trắng thường cảm thấy sợ bị làm hại bởi người lạ da đen hơn là bởi người lạ da trắng. [13]

Thành kiến và khuôn mấu về người da đen phạm tội ảnh hưởng đến thái độ và hành động của cá nhân, và nhất là nhân viên công lực. Jerome Skolnick, một học giả lão thành từng làm nhiều nghiên cứu về hành vi của cảnh sát ở Hoa Kỳ, cho rằng việc tạo ra các khuôn mẫu (stereotyping) là một thành tố (built in) trong công việc của cảnh sát. Cảnh sát vốn được huấn luyện để nghi ngờ và tìm kiếm tội phạm. Bởi vì công việc đòi hỏi người cảnh sát luôn quan tâm đến khả năng bạo lực, cảnh sát xây dựng hình ảnh “hung thủ tượng trưng” (symbolic assailant) và phát triển một loại nhận thức nhanh gọn (perceptual shorthand) để có thể nhận ra một cách nhanh chóng từng loại nghi can bằng cách xử dụng các tín hiệu thị giác (visual cues) như trang phục, cử chỉ, bối cảnh, giới tính, tuổi tác, hay chủng tộc.[14] Bởi vì người người da đen bị bắt giữ vì lý do phạm tội với tỷ lệ cao, và bởi vì màu da, giới tính, và tuổi tác là các tín hiệu dễ nhận thấy, cảnh sát có khuynh hướng xử dụng khuôn mẫu (stereotype) kẻ phạm tội là đàn ông da đen trẻ tuổi (young black males).

Thành kiến, một khi đã ăn sâu vào tâm não của cá nhân, trở nên tiềm ẩn (implicit) và trú ngụ trong vô thức khiến cá nhân có thể không nhận ra mình có thiên kiến. [15] Nghiên cứu về tâm lý học cho rằng thiên kiến chủng tộc (racial prejudice) phần lớn là sản phẩm của vô thức (unconscious). Sự thể hiện phân biệt chủng tộc không chỉ ở những hành động có chủ ý của những kẻ cuồng tín về chủng tộc, mà cả từ hành động của những cá nhân có ý tốt, những người không ý thức về cách chủng tộc ảnh hưởng đến các quyết định hàng ngày của họ. [16]

Những kiểm tra về thiên kiến tiềm ẩn (implicit bias) bằng Implicit Association Test (IAT) cho thấy không những công chúng liên hệ người da đen và Latinos với tội phạm, mà thành kiến này còn thấy nơi nhân viên công lực. Nghiên cứu thí nghiệm về thiên kiến tiềm ẩn cho thấy những người tham gia nghiên cứu (sinh viên cũng như cảnh sát) gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phân biệt vũ khí với các vật vô hại khi đối phó với mục tiêu da đen so với khi đối phó với mục tiêu da trắng. Ngoài ra, các người tham dự nghiên cứu bắn vào mục tiêu da đen nhiều hơn mục tiêu da trắng, và đưa ra phản ứng bằng vũ khí dễ dàng hơn với các mục tiêu da đen so với các mục tiêu da trắng. [17] Nghiên cứu cũng cho thấy không phải chỉ người da trắng mà cả người da đen và những người công khai chống thành kiến hay kỳ thị chủng tộc cũng có thiên kiến tiềm ẩn. [18] Ngoài cảnh sát, thiên kiến tiềm ẩn được coi như lan khắp mọi ngõ ngách trong hệ thống hình sự tư pháp ở Mỹ. [19]

Do tình trạng phổ biến của thiên kiến tiểm ẩn về người da đen phạm tội, người ta có thể thật sự cảm thấy sợ hãi trước những hành vi của người da đen mà nếu khi không có thành kiến thì chỉ thấy bình thường. Thí dụ, khi người da trắng đi với hai tay để trong túi quần, người này được cho là bị lạnh. Khi người da đen đi với hai tay để trong túi quần, người ta nghĩ rắng sắp có chuyện gì xảy ra. [20] Nói một cách khác, khi hành vi của người da đen có thể được hiểu bằng nhiều cách khác nhau, như đưa tay vào trong túi quần, hay cúi xuống để mở cốp trong xe hơi, thì nhiều người, kể cả cảnh sát, trước tiên nghĩ hành vi đó là nguy hiểm. [21]

Do đó, cảm nhận chủ quan về tình hình nguy hiểm, nhiều phần do ảnh hưởng của thiên kiến về người da đen phạm tội, có thể làm cho hành vi xử dụng vũ lực gây chết người – deadly force – của nhân viên công lực được coi là hợp lý – reasonable- theo tiẻu chuẩn của hai án lệ Tennessee v. Garner và Graham v. Connor.

Yếu Tố Đóng Góp vào Thành Kiến và Khuôn Mẫu Người Da Đen Phạm Tội

Nhiều yếu tố đóng góp vào khuôn mẫu người da đen phạm tội, gồm các số thống kê về tội phạm, các chính sách xã hội và hình sự tư pháp (social and criminal justice policies), việc chính trị hoá tội phạm (politicizing crimes), cách truyền thông đưa tin về tội phạm, cũng như thành kiến chủng tộc của những viên chức hình sự tư pháp. Dưới đây là các yếu tố nổi bật.

Thống Kê Về Tội Phạm (Uniform Crime Reports, UCR). Các số thống kê về tội phạm của các cơ quan thuộc Bộ Tư Pháp đã đóng góp vào việc tạo nên khuôn mẫu người da đen phạm tội. Các số thống kê của FBI về số người bị bắt giữ do nghi ngờ phạm tội (Uniform Crime Reports, UCR) cho thấy người da đen bị bắt giữ với tỷ lệ cao hơn tỷ lệ của họ trong dân số. Người da đen chiếm khỏang 14% dân số, nhưng chiếm 28% những người bị bắt giữ. Tỷ lệ bị bắt giữ vì tội bạo lực còn cao hơn, trên 50%. [22] Tuy nhiên, tên gọi báo cáo, Uniform Crime Report, của FBI gây hiều lầm (misleading) vì thống kê của FBI chỉ là bắt giữ, chưa phải tội phạm. Nghiên cứu cho thấy 80% các trường hợp bắt giữ liên quan đến tội nghiêm trọng (felony) bị truy tố (prosecuted), và tỷ lệ các vụ truy tố đưa đến kết án (convicted) là từ 40% (ăn trộm) đển 88% (án mạng). [23]

Ngoài ra, các con số từ FBI cũng không nói đến các yếu tố đằng sau quyết định bắt giữ của cảnh sát, như sự gia tăng tuần tiểu của cảnh sát ở những khu vực nghèo khổ nơi đa số người da màu cư ngụ, thái độ của nghi can (do cảm nhận bị áp bức trong nhiều thế hệ, nhiều người da đen có thái độ không khuất phục), hay thiên kiến của cảnh sát.

Cách Truyền Thông Đưa Tin Về Tội Phạm. Các số thống kê về bắt giữ đăng tải trên truyền thông mà không có các giải thích vể khung cảnh liên quan, cũng như cách truyền thông đưa tin về tình hình an ninh xã hội, làm gia tăng thiên kiến về người da đen phạm tội. Truyền thông có khuynh hướng đăng tải các tin tức về tội phạm bạo lực (violent crime). Bắt giữ về tội bạo lực chỉ chiếm 15% các vụ bắt giữ nhưng chiếm 75% các tường thuật về tội phạm. [24] Ngoài ra, truyền thông hay đưa tin khi nghi can là người da đen và nạn nhân là người da trắng hơn là khi nghi can là người da trắng và nạn nhân là người da đen. [25] Truyền thông cũng hay đưa hình ảnh nghi can da đen ăn mặc bê bối và thường bị cảnh sát kềm giữ hay bị còng tay [26]. Trong những trường hợp không phải tường thuật tội phạm, thanh niên da đen thường bị miêu tả trong một số vai trò giới hạn, thường là những kẻ không theo qui tắc xã hội, những kẻ nguy hiểm, hay bị rối loạn chức năng [27]. Cách đưa tin của truyền thông không những làm gia tăng cảm nhận về tính nghiêm trọng của tình hình an ninh mà còn làm sai lệch cảm nhận của công chúng về ai thường phạm tội, thúc đẩy các phản ứng mang thiên kiến.

Các Chính Sách Về Hình Sự Tư Pháp. Một số chính sách về hình sự tư pháp (criminal justice policies) có tác dụng củng cố những thành kiến và khuôn mẫu sẵn có. Nổi bật nhất là chính sách chống ma túy trong thập niên 1980s với việc gia tăng hình phạt, đặc biệt cho những trường hợp liên quan đến crack cocaine. Luật Anti-Drug Abuse Act of 1986 qui định bắt buộc tối thiểu (mandatory minimum) là 5 năm tù giam đối với trường hợp tàng trữ 5 grams crack cocaine hay 500 grams powder cocaine.[28] Sự khác biệt gấp 100 lần giữa hai loại ma túy, vốn được các chuyên gia cho là không có khác biệt đáng kể về tác dụng của chúng với não bộ (brain chemistry) mang tính kỳ thị rõ rệt bởi vì người da đen được cho là thường dùng crack cocaine do giá rẻ, trong khi những người dùng powder cocaine thường là người da trắng hay người có học vấn và thuộc thành phần kinh tế cao hơn. [29]

Trong thời gian có “chiến tranh chống ma túy,” những vụ bắt giữ vì ma tuý gia tăng đáng kể, và người da đen chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Người da đen chiếm 15% những người dùng ma túy, nhưng chiếm 37% những người bị bắt giữ vì ma túy, 60% những người bị kết án vì ma túy, và 74% những người bị phạt tù vì ma túy.[30]

Sự khác biệt về hình phạt vì ma tuý cũng ảnh hưởng tới thời gian ngồi tù của người da đen. Vì sự gia tăng hình phạt và khác biệt quá lớn về hình phạt cho hai loại ma túy, thời gian ngồi tù vì ma túy của người da đen tăng 77% trong khoảng 10 năm, từ 1994 đến 2003, trong khi thời gian ngồi tù vì ma túy của người da trắng chỉ tăng 28% trong cùng thời gian. [31] Ảnh hưởng tiêu cực của án tù khiến những người từng ngồi tù do can án dễ dàng trở lại con đường phạm pháp, nhất là với các hình phạt vô hình được giải thích dưới đây.

Hình Phạt Vô Hình (Invisible Punishment). Vì tội phạm là hiện tượng của tuổi trẻ, đa số những người bị tù do phạm tội là người trong độ tuổi 20 tới dưới 40. Thời gian trong tù đã làm họ mất hết những cái mốc quan trọng của một đời người, như học vấn, nghề nghiệp, và xây dựng gia đình. Nhưng sau khi thi hành xong bản án và ra khỏi nhà tù, những qui định hành chánh dành cho người có án tiếp tục đặt ra các giới hạn và ngăn cản con đường họ muốn trở thành người công dân hữu ích cho xã hội.

Hình phạt vô hình, còn được gọi là “những hậu quả liên đới ” (collateral consequences) đã có từ thời Trung Cổ qui định những kẻ phạm tội coi như không còn hiện diện trong xã hổi (public outlaws, social outcasts), vợ coi như goá bụa, con coi như mồ côi cha, bị mất hết tài sản và không được giữ các chức vụ công quyền.

Những qui định hành chánh đối với người có án được gọi chung là Hình Phạt Vô Hình (invisible punishment) bởi vì chúng không được công bố khi tuyên án, khiến những người là đối tượng của chúng không hề hay biết cho đến khi họ tìm cách xử dụng những dịch vụ hành chánh mà họ bị ngăn cấm vì có án do phạm tội. Toà án không công bố vì các qui định về hành chánh không phải là hình phạt theo luật. Luật sư biện hộ thường không nắm vững vì những qui định này nằm rải rác trong các văn bản hành chánh, chứ không tập trung vào một chỗ như trong các bộ luật.

Trong thế kỷ 20, hình phạt vô hình bị chỉ trích là trái với nhân quyền và việc xử dụng giảm đi rất nhiều tại hầu hết các tiểu bang ở Mỹ. Tuy nhiên, với chiến tranh chống ma tuý (war on drugs) và chiến tranh chống tội phạm (war on crimes) hình phạt vô hình được gia tăng xử dụng ở hầu hết các tiểu bang với nhiều hình thức giới hạn mới gần như bao phủ mọi khía cạnh cuộc sống của con người, đặc biệt cho những người từng có án liên quan đến ma tuý, dù chỉ là án tiểu hình (misdemeanor). Những giới hạn hành chánh dành cho những người bị kết án có thể chia ra 4 loại:

· Giới hạn quyền công dân: không được đi bầu, không được ứng cử, không được làm bồi thẩm.

· Giới hạn các dịch vụ và trợ giúp xã hội: không được nhận trợ cấp sinh viên (grants), không được nhận học bổng, không được vay tiền đi học; không được nhận trợ cấp xã hội, không được nhận trợ cấp nhà ở.

· Giới hạn về nghề nghiệp và việc làm: Không được giữ một số chức vụ trong chính phủ, không được xin giấy phép (license) cho một số ngành nghề (thay đổi tùy theo tiểu bang), không được làm một số việc trong phi trường, không được tham gia một số nghề buôn bán.

· Các giới hạn khác: phải đăng ký là người có án (cho tội phạm tình dục), mất quyền làm cha mẹ (cho tội bạo lực và buôn lậu ma túy), giới hạn về di chuyển (muốn đi ra khỏi địa phương qua đêm phải xin phép), mất bằng lái xe (cho người có án buôn lậu ma túy).

Đối với những người có án tù lâu năm, khi trở về xã hội, vốn thay đổi rất nhanh trong thời đại tin học, với hai bàn tay trắng và vô số hình phạt vô hình bủa vây quanh cuộc sống, việc cố gắng trở thành người công dân hữu ích là điều vô cùng khó khăn. Do đó, việc quay trở lại con đường tội phạm thường khó tránh khỏi.

Nhìn vào bề ngoài, hình phạt vô hình không phân biệt màu da, nhưng vì người da đen bị vướng vào pháp luật với tỷ lệ cao hơn người da trắng nên cộng đồng da đen chịu nhiều ảnh hường nặng nề của hình phạt vô hình hơn. Bằng cách đẩy những người từng vướng vào vòng pháp luật tiếp tục phạm pháp đề sống còn, hình phạt vô hình củng cố khuôn mẫu người da đen phạm tội. [32]

Ảnh Hưởng Của Thành Kiến Chủng Tộc Đến Tác Nghiệp Của Cảnh Sát

Như đã trình bày ở trên, công việc của cảnh sát đòi hỏi việc xây dựng một vài khuôn mẫu (stereotyping) về người phạm tội căn cứ vào hình thức bên ngoài, như tuổi tác, giới tính, màu da, trang phục, và địa điểm. Các cảnh sát viên cũng thường phải quyết định cũng như hành động rất nhanh. Tuy nhiên khuôn mẫu người da đen phạm tội, vốn được tạo ra bởi thành kiến chủng tộc, đã đóng góp vào nhiều sai lầm gây chết người của cảnh sát. Nỗi sợ hãi người da đen nguy hiểm đã khiến cảnh sát “nhìn thấy súng” trong tay những công dân da đen không hề có vũ khí. Dưới đây là một số thí dụ.

1. Thấy Thanh Kẹo Tưởng Súng: Vào cuối năm 1997, thiếu nên da đen Andre Burgess đang trên đường đi đến nhà bạn ở Queens, NY, tay cầm môt thanh kẹo “Three Musketeers.” Burgess đi ngang qua một xe tuần tiểu của cảnh sát lúc đó đang rình một trường hợp buôn lậu ma túy. Sau khi đi qua xe cảnh sát, Burguess bóc kẹo ra ăn. Cảnh sát viên William Cannon đang ngồi trong xe tuần tiểu nhìn thấy ánh sáng bạc trong tay Burgess tưởng đó là khẩu súng, liền bước ra khỏi xe, chĩa súng vào Burgess và la lên. Burgess quay lại để xem ai kêu. Liền lúc đó, cảnh sát viên Cannon nổ súng vào chân Burgess khiến thiếu niên này ngã xuống đường, máu chảy lênh láng. Cảnh sát viên Cannon liền mau chóng còng tay Burgess, bỏ mặc người này nằm đó cho máu chảy, rồi đi nói chuyện với đồng nghiệp. Đại bồi thẩm đoàn (grand jury) đã từ chối kết tội (indicted) cảnh sát viên Cannon vì họ cho rằng cảnh sát viên Cannon khi đó đã tin tưởng một cách hợp lý rằng thiếu niên Burgess là mối nguy hiểm cận kề (imminent danger) cho viên cảnh sát này và các người khác.[33]

2. Thấy Chùm Chìa Khoá Cũng Tưởng Súng: Cũng khoảng cuối năm 1997, cảnh sát viên Michael Davitt và 3 đồng nghiệp cảnh sát ở Brooklyn, NY, đang đáp ứng một báo cáo về xung đột gia đình. Trong lúc cảnh sát tiến gần đến khu nhà tập thể, thì William Withfield, một thanh niên da đen 22 tuổi rời khỏi căn hộ của hôn thê. Vì không có cell phone, Withfield định xử dụng điện thọai công cộng để gọi về cho mẹ. Khi bước tới góc đường có trạm điện thoại công cộng, Withfield gặp phải hai nhân viên cảnh sát. Biết mình đang có lệnh truy nã vì không xuất hiện tại toà khi bị buộc mấy tội tiểu hình về ma túy, Withfield liền bỏ chạy. Các viên cảnh sát liền đuổi theo, rút súng ra và hô “Đứng lại.” Withfield chạy vào một tiêm tạp hoá và trốn đàng sau một kệ hàng. Cảnh sát đuổi theo bén gót và ra lệnh cho Withfield bước ra. Khi Withfield bước ra, hai tay đưa lên đầu hàng, cảnh sát viên Davitt bắn ngay vào ngực Withfield và giết chết người thanh niên này. Cảnh sát viên Davitt khai rằng ông ta nhìn thấy một ánh sáng bạc trong tay Withfield và nghĩ đó là khẩu súng. Một cuộc tìm kiếm rất kỹ lưỡng không tìm thấy khẩu súng nào. Cái duy nhất được tìm thấy quanh chỗ tai nạn xảy ra là chùm chìa khóa mà người thanh niên da đen có thể móc vào ngón tay khi dơ tay lên đầu hàng cảnh sát. Dù vậy, đại bồi thẩm đoàn (grand jury) từ chối kết tội (indicted) cảnh sát viên Davitt vì cho rằng cảnh sát viên Davitt đã tin tưởng một cách hợp lý rằng ông ta và các đồng nghiệp cảnh sát lúc đó ở trong tình trạng nguy hiểm cận kề (imminent danger). [34]

3. Thấy Đôi Kính Mát Cũng Tưởng Súng. Vào tối ngày 1 Tháng Bảy, 1999, hai cảnh sát viên Thomas Murphy và Anthony Mata được tin báo nên đã theo dõi người đàn ông tên Odest Mitchell (da đen) vì người này được cho là đã thực hiện hàng loạt các vụ ăn cướp ở nhiều khách sạn và cây xăng. Hai viên cảnh sát đã lái xe theo Mitchell đến một trạm xăng nơi Mitchell dừng lại để mua xăng. Cảnh sát ra lệnh cho Mitchell đầu hàng nhưng Mitchell bỏ chạy ra phía xa lộ (free way). Cảnh sát đuổi theo thì bất ngờ Mitchell ngừng lại và quay về phía cảnh sát. Hai cảnh sát viên liền bắn 12 phát súng, 6 phát trúng vào Mitchell và giết chết người này. Hai cảnh sát viên khai rằng họ bắn Mitchell vì họ thấy một vật bằng kim loại trong tay người này và nghĩ đó là một khẩu súng. Một người lái xe đi ngang qua chỗ tai nạn xảy ra nhận làm nhân chứng cũng khai rằng ông ta trông thấy Michell cầm một vật bằng kim loại. Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, văn phòng công tố kết luận rằng vật trong tay Mitchell là một đôi kính mát. Tuy vậy, công tố đã từ chối truy tố hai viên cảnh sát.[35]

4. Phụ Nữ Da Đen Cũng Nguy Hiểm: Thấy Cell Phone Tưởng Súng. Vào một ngày đầu Tháng Sáu, 1999, LaTanynia Haggerty, một chuyên viên điện toán (da đen) 26 tuổi, ngồi trong một chiếc xe do người bạn trai (da đen) Raymond Smith lái. Cảnh sát thấy chiếc xe choán một khúc đường và yêu cầu Smith rời xe đi chỗ khác. Smith lùi xe suýt đụng vào cảnh sát rồi phóng chạy. Cảnh sát đuổi theo và bắn vào xe. Cuối cùng cảnh sát chận được Smith và ra lệnh cho Smith và Haggerty bước ra khỏi xe. Smith bước ra khỏi xe và bỏ chạy, trong khi Haggerty vẫn còn ngồi trong xe, đang dùng cell phone nói chuyện với mẹ của Smith. Cảnh sát viên (da đen) Serena Daniels lúc đó đang đứng bên hông xe gần phía đuôi, tay cầm khẩu súng chĩa vào Haggerty. Bất thình lình, cảnh sát viên Daniels nổ súng vào Haggerty. Khi các đồng nghiệp cảnh sát mở cửa xe phía Haggerty ngồi, người này ngã ngục xuống lề đường, mặt úp xấp. Cảnh sát viên Daniels quỳ xuống cạnh Haggerty và nói: “Tôi xin lỗi. Tôi không có ý bắn cô. Tôi tưởng cô cầm súng.” Cảnh sát viên Daniels khai với các nhà điều tra rằng cô nổ súng vì cô nhìn thấy một vật màu bạc và bóng trong tay Haggerty và tưởng đó là khẩu súng. [36] Tháng Ba, 2000 cảnh sát viên Serena Daniels bi đuổi việc sau khi một ủy ban cảnh sát dân sự (Civilian Police Board) kết luận việc nổ súng của Serena Daniels không thể biện minh được. [37]

5. Phản Ứng Của Cảnh Sát Khi Nhìn Thấy Súng Thật Trong Tay Người Không Khớp Với Hình Mẫu Kẻ Phạm Pháp

Tìm hiểu xem cảnh sát Hoa Kỳ phản ứng ra sao khi thấy súng trong tay người da trắng giúp hiểu rõ hơn về thành kiến và khuôn mẫu người da đen phạm tội trong xã hội Hoa Kỳ nói chung và cảnh sát Hoa Kỳ nói riêng. Vào ngày 1 Tháng Bảy, 1999, cùng thời điểm với các thí dụ trên đây, một người phụ nữ lớn tuổi da trắng, Janet Lucero, có tranh chấp về dành đường trên xa lộ với một phụ nữ khác, Roberta Nielson. Nielson bị Lucero cắt đầu xe và Nielson đi theo Lucero cho đến khi cả hai xe cùng đậu trong bãi đậu xe của một tiệm ăn nhanh. Nielson bước ra khỏi xe, tiến tới xe của Lucero đòi bà này giải thích tại sao lại cắt đẩu xe khiến suýt xảy ra tai nạn. Hai người đàn bà cãi cọ một lúc thì Lucero rút khẩu súng lục và chĩa vào Nielson. Nielson gọi cảnh sát. [38]

Khi cảnh sát tới nơi, Lucero không tuân lệnh cảnh sát và từ chối đầu hàng. Lucero thản nhiên lái xe đi khiến cảnh sát phải đuổi theo với tốc độ chậm (slow chase). Trong lúc đuỗi theo, cảnh sát cho xe đi trước xe của Lucero để rải gai nhọn với ý định làm thủng bánh xe của Lucero để bà ta phải dừng lại, nhưng Lucero đều tránh được và còn suýt tông vào xe cảnh sát rải gai nhọn. Sau khoãng 1 giờ rưỡi thì cuộc rượt đuổi chấm dứt khi cảnh sát chận được Lucero trên xa lộ 78 ở San Marcos, CA. Một xe chống bom tự động được điều đến cạnh xe của Lucero, xác nhận trong xe của Lucero có vũ khí. Đàng xa phía sau xe của cảnh sát, các nhân viên cảnh sát, không có súng trên tay, đang cố gắng thuyết phục Lucero đầu hàng. Nhưng Lucero từ chối bước ra khỏi xe. Có một lúc Lucero đưa khẩu súng của bà ta lên, nhưng ngón tay không để vào cò súng, cho cảnh sát thấy là bà ta có vũ khí. Sau đó Lucero nhiều lần đưa khẩu súng vể phía cảnh sát rất nhanh rồi lại để xuống đùi. Cuối cùng thì Lucero bước ra khỏi xe bước về phía cảnh sát, ban đầu với một bàn tay để trong túi trước quần soọc, rồi sau đó là hai tay dơ lên trên đầu. Lucero bị bắt giữ, và cuộc đối đầu đã làm tắc nghẽn giao thông trên xa lộ 78 và các xa lộ nối kệt gần 6 tiếng. [39]

Lucero bị truy tố về tội lái xe bất cẩn (reckless driving), chống bắt giữ (resisting arrests), trốn tránh cảnh sát (evading police), tấn công cảnh sát (assaulting a peace officer), và vung vũ khí (brandishing a firearm). [40] Tháng Ba, 2000, bồi thẩm đoàn quyết định không kết án (convicted) Lucero đối với hầu hết các cáo buộc về hình sự, nhưng kết án Lucero (convicted) về việc từ chối đầu hàng cảnh sát và chạy trốn cảnh sát trong một cuộc rượt đuổi. Bồi thẩm đoàn tỏ ra thông cảm vởi Lucero khi cho rằng bà ta thuộc thành phần “bà ngoại” (the grandmother type). [41]

Kết Luận

Sau cái chết của George Floyd và song song với các cuộc biểu tình ở khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để chống hiện tượng kỳ thị chủng tộc trong hệ thống (systemic racism) là những yêu cầu cải tổ cảnh sát Hoa Kỳ. Thật sự, tổ chức cảnh sát Hoa Kỳ còn nhiều tồn tại cần giải quyết, như tiêu chuẩn toàn quốc cho việc huấn luyện cảnh sát (national standards for training), quan hệ của cảnh sát với công chúng và các cộng đồng thiểu số, nhận thức của cảnh sát viên về vai trò của cảnh sát trong xã hội, và các tập quán trong nội bộ cảnh sát (police culture). Tuy nhiên, việc cải tổ ngành cảnh sát sẽ không giải quyết được vấn đề thành kiến chủng tộc vốn là một vấn đề xã hội rộng hơn phạm vi của ngành cảnh sát nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tác nghiệp của cảnh sát Hoa Kỳ. Sự khác biệt trong cách cảnh sát Hoa Kỳ đối phó với trường hợp Lucero rất khác với bốn trường hợp nêu ở trên không phải đơn thuần là do khác biệt về màu da mà là vì Lucero không khớp với hình mẫu người phạm tội (nam giới, trẻ tuổi, da màu).

Các khuôn mẫu stereotypes được dựng lên bởi thành kiến (prejudice/bias) vốn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cái nguy hiểm của thành kiến là một khi chúng đã ăn sâu vào tiềm thức, chúng trở thành “sự thật” đối người mang thành kiến, kể cả một số người thuộc nhóm đối tượng của thành kiến (như người da đen). Khuôn mẫu người da đen phạm tội không những gây ra nhiều cái chết oan uổng mà còn vùi dập cuộc sống của phần lớn người da đen nghèo khổ. Những chính sách xã hội áp dụng cho những người từng vướng vào pháp luật đã không cho cộng đồng người da đen cơ hội để tiến lên như những nhóm chủng tộc và sắc tộc khác ở Hoa Kỳ.

Dù thành kiến được hình thành lâu đời và đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số công chúng, chúng vẫn có thể được gột rửa. Giáo dục để thay đổi nhận thức của quần chúng về quan hệ chủng tộc là điều cốt yếu và cần làm liên tục để có kết quả lâu dài. Bởi vì thành kiến được hình thành do thiếu hiểu biết trực tiếp, phá bỏ ngăn cách thực tế về cư trú (de-facto residential segregation), tạo cơ hội cho người dân thuộc nhiều chủng sắc tộc hiểu biết nhau nhiều hơn sẽ làm giảm được thành kiến. Gia tăng cơ hội học vấn, đặc biệt là gia tăng phẩm chất giáo dục cơ bản ở các khu vực lợi tức kém nơi đa số người da màu sinh sống, và tạo cơ hội kinh tế cho các thành phần yếu kém trong xã hội sẽ làm giảm bớt tội phạm, và lần hồi sẽ xóa bỏ hình mẫu người da đen hay phạm tội. Đồng thời, truyền thông cần thay đổi cách đưa tin về người da màu, cũng như các chính sách xã hội cần giúp những người từng vướng vào luật pháp có cơ hội trở thành người lương thiện. Những cách nếu được thực hiện trong một thời gian dài để có thể từ từ xoá bỏ thành kiến người da đen phạm tội.

Chú Thích:

1. Three Videos Piece Together the Final Moments of George Floyd's Life. URL: https://www.cnn.com/2020/06/01/us/george-floyd-three-videos-minneapolis/index.html


3. Catherine Barber et al. 2016. Homicides by Police: Comparing Counts from the National Violent Death Reporting System, Vital Statistics, and Supplementary Homicide Reports. American Journal of Public Health, 106: 922-927. URL: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4985110/

4. Todd Beer. 2020. Police Killing of Blacks: Do Black Lives Matter? URL: https://thesocietypages.org/toolbox/police-killing-of-blacks/


6. R. V. del Carmen and J. T. Walker. 2000. Briefs of Leading Cases in Law Enforcement.4th Edition. Cincinatti: Anderson.

7. R. V. del Carmen and J. T. Walker. 2000. Briefs of Leading Cases in Law Enforcement – 4th Edition. Cincinatti: Anderson

8. Schaefer, R. (2001). Race and Ethnicity in the United States. Prentice Hall.

9. Stereotypes of African Americans. Wikipedia. URL: https://en.wikipedia.org/wiki/Stereotypes_of_African_Americans. . . . . .
 . . .
 . . . . . . . . . . . . . . . .

Không có nhận xét nào: