Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Nửa đêm nghe nhạc… - Hà Hồng Sơn

Quán thanh xuân” - Điểm hẹn của những người yêu quá khứ
(hình minh hoạ)
Bữa kia có ngồi chuyện trò cà phê với một bạn trẻ rất dễ thương đến từ Hà Nội, chỉ mới quen sơ nhưng cũng khá là rôm rả và cởi mở. Anh bạn trẻ biết tui là dân Sài Gòn chánh hiệu nên phần lớn nội dung trò chuyện hầu như là để trả lời những thắc mắc của anh về vùng đất này. Lan man một hồi thì tới chuyện âm nhạc của miền Nam trước 1975. Anh bạn có vẻ ngạc nhiên khi thấy một thằng cha cục mịch thô thiển như tui lại “rành” về âm nhạc miền Nam đến như vậy. Anh bạn có vẻ rất thích nhạc Trịnh, nhất là dòng nhạc gọi nôm na là nhạc “phản chiến”, nhạc “da vàng” của Trịnh Công Sơn. Anh bạn này không là ngoại lệ, rất nhiều những người miền Bắc khác cũng yêu thích nhạc Trịnh.
<!>

Nhạc Trịnh đối với họ như là đại diện cho nền âm nhạc miền Nam trước 1975: Rã rượi thân phận da vàng và sự ám ảnh về chiến tranh. Bản thân tui thì không thích nhạc Trịnh.


Tùy cảm nhận của mỗi người thôi. Tui thích Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Nguyễn Trung Cang, Từ Công Phụng… với những nhạc phẩm lãng đãng chất kiêu sa của một Sài Gòn ngày nào. Tui cũng thích Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân… đơn giản và dễ hiểu, bình dân nhưng sâu sắc.

Ở nhạc Trịnh tui thấy có cái gì đó lơ lớ, nửa Phật nửa Chúa, nửa nạc nửa mỡ, ba rọi. Ca từ của nhạc Trịnh có chất Thiền nhưng giai điệu lại mang hơi hướng nhạc… nhà thờ, âm điệu than thở thân phận na ná như nhạc Gospel của dân da đen bên Mỹ…

Tui mới hỏi cắc cớ anh bạn: Ở ngoài miền Bắc trước 1975 có dòng nhạc nào là nhạc “phản chiến” không em? Anh bạn suy nghĩ một chút rồi lắc đầu: Chắc là không có đâu anh!

– Vậy ngoài miền Bắc không có cái gọi là nhạc “phản chiến” thì có nhạc gì? Cái gì đối nghịch với “phản chiến”?
– Chả nhẽ là nhạc “hiếu chiến”? Hahaha!
– Chứ còn gì nữa em!
Tui mới kể cho anh bạn nghe vài giai thoại về âm nhạc. Chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ở miền Bắc xém chút “nằm bót” vì sáng tác bài “Tiếng hát giữa rừng Bắc Pó” mang âm hưởng “hát lượn” của đồng bào vùng Tây Bắc. Ông đã bị “tố” là dùng điệu hát vốn dành cho những dịp… ma chay để ca ngợi lãnh tụ.

Tui kể thêm về bài “Đi qua vùng cỏ non” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng có một thời bị đem ra “đấu tố” chỉ vì có câu “Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng…” được cho là khuyến khích đi… vượt biên (?!).

Bạn nói: Đây là lần đầu tiên em nghe về những chuyện như vậy! Thật buồn cười. Duy ý chí đến cực đoan.

Tui mới nói thêm: Vậy là em đã hiểu tại sao lại có dòng nhạc gọi là “phản chiến” ở miền Nam trước 1975 rồi đó! Đơn giản chỉ là nhờ một môi trường tự do để sáng tác. Trịnh Công Sơn có thể viết “30 năm nội chiến từng ngày. Gia tài của mẹ: Một bọn lai căng, gia tài của mẹ: Một lũ bội tình” trong một bối cảnh chiến tranh đang hầm hập ở miền Nam, tuy nhiên bài hát này lại bị cấm ở thời nay, mặc dù vẫn mang tiếng là nhạc “phản chiến”!

Nếu muốn hiểu miền Nam ra sao thuở ấy, xin nghe lại 1 đoạn “Chiều trên phá Tam Giang” của Trần Thiện Thanh, nó như cô đặc lại không gian của đô thị Sài Gòn lúc đó:

“Giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang.
Giờ này thành phố chợt bừng lên để rồi tắt nghỉ sớm.
Ôi Sài Gòn Sài Gòn giờ giới nghiêm.
Ôi Sài Gòn mười một giờ vắng yên. Ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối…

Giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi.
Hàng cây viền vòm trời len trôi,
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối.
Căn phòng nhỏ cao ốc vô danh, lại nghĩ tới anh…

Giờ này thành phố chợt bùng lên.
Em dòng lệ bất giác chảy tuôn.
Nghĩ đến một điều em không rõ,
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ… đến một người đi giữa chiến tranh.
Lại nghĩ tới anh
Lại nghĩ tới anh
Nghĩ tới anh…”

Tui hỏi người bạn trẻ: Em biết bài quốc ca của VNCH do ai sáng tác không?
– Của ai vậy anh?
– Bài đó tên là “Tiếng gọi thanh niên” của ông Lưu Hữu Phước, cũng là tác giả của những bài như Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, Lên đàng, Tình bác sáng đời ta…

Người bạn trẻ tỏ vẻ kinh ngạc: Thế à? Mà sao VNCH lại chọn bài của một ông cộng sản “gộc” làm quốc ca?
– Bài ca đó viết theo kiểu nhạc hành khúc rất hay, ông Lưu Hữu Phước sáng tác bài này trong giai đoạn chống Pháp, dưới màu áo của Việt Minh, một tập hợp các lực lượng vũ trang kháng chiến mà Cộng sản là một thành phần trong đó.

Miền Nam trước 1975 không thiếu nhạc sĩ tài năng để viết được một bài quốc ca nhưng họ vẫn giữ bài hát đó làm quốc ca cho VNCH.

Tính dân tộc trong bài hát và cách cư xử đối với bài hát này ở thời điểm đó đã nói lên tất cả. Tuy nhiên (lại tuy nhiên), bài hát này bị cấm “ngầm” ở VN hiện nay, mặc dù là của “đại thụ” Lưu Hữu Phước, chỉ vì bài hát đó từng là quốc ca của VNCH!

Người bạn trẻ trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
– Giờ thì em mới nghiệm ra bản chất giới văn nghệ sĩ của xã hội bây giờ: Hoặc là ca ngợi chế độ, hoặc là sáng tác kiểu vô thưởng vô phạt, tào lao….

P/S: Nếu người bạn trẻ của mình đọc những dòng này thì cho mình xin nói thêm về sự “phản chiến” trong âm nhạc miền Nam trước 1975 mà bữa trước mình chưa kịp nói. Nhạc Trịnh không hề là đại diện cho nền âm nhạc của miền Nam trước 1975, dòng nhạc gọi là “phản chiến” của ông lại càng không thể.

Mình mời bạn nghe 1 bài nhạc bolero nói về cuộc chiến điêu tàn của dân tộc Việt mà mình rất thích. Một bài nhạc mà hầu hết từ lính tráng đến dân thường ở miền Nam trước 1975 đều biết, một bài hát về lính nhưng không hề có khẩu lệnh tấn công!

“Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới
Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới
Có nhau trong đời đêm trường không sợ lạc loài yêu thương…”

 Hà Hồng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét