Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ
Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 9 ngày ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP). Cụ thể, lực lượng không quân của Bộ Tư lệnh Quân đội miền Nam Trung Quốc cho biết trong một thông báo hôm thứ Sáu (24/7) rằng “các cuộc tập trận bắn đạn thật” sẽ được tiến hành ở phía tây bán đảo Lôi Châu. Bán đảo Lôi Châu nằm ở cực nam tỉnh Quảng Đông, phía tây hướng ra vịnh Bắc bộ và phía đông hướng ra Biển Đông. Cuộc tập trận sẽ được phân thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ hôm nay đến Thứ Hai (27/7), giai đoạn hai từ Thứ Ba (28/7) đến Chủ Nhật (2/8), theo thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải.
<!>Úc chỉ trích ‘hành vi cưỡng chế’ của Trung Quốc
Úc đã chỉ trích các “hành vi cưỡng chế” của Bắc Kinh ở Biển Đông và “luật an ninh quốc gia” áp đặt lên Hồng Kông trước thềm các cuộc đàm phán an ninh ở Mỹ vào tuần tới, theo tờ News.com.au.
Trên tờ The Weekend Australian, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold đã khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ về vấn đề Trung Quốc
Hai vị bộ trưởng nhận định đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm các thách thức chiến lược khó khăn nhất từng được chứng kiến trong nhiều thế hệ.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, biến động kinh tế và một chính quyền độc tài đang trỗi dậy muốn thâu thập quyền lực và sức ảnh hưởng với cái giá phải trả là các quyền tự do và chủ quyền của chúng tôi”, hai vị bộ trưởng viết.
Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh Úc chính thức bác bỏ tất cả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc nhắc Đức không “theo chân” Mỹ
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu Đức không chọn phe trong căng thẳng Mỹ-Trung, chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Berlin “vì không đứng lên đòi tự do cho Hồng Kông”, theo SCMP.
Thông điệp của ông Vương diễn ra một ngày sau khi ông Pompeo có bài phát biểu lên án Trung Quốc trên nhiều phương diện, đồng thời kêu gọi các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc ngừng trò “ăn miếng trả miếng”
Nhà Trắng hôm thứ Sáu kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi “trả đũa ăn miếng trả miếng” khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để đáp trả vụ Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Bắc Kinh ở Houston, theo Reuters.
“Hành vi đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ. Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chấm dứt những hành động xấu thay vì tìm cách trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng”, John Ullyot, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.
Người đàn ông Singapore nhận tội làm gián điệp cho Trung Quốc tại Mỹ
Hôm thứ Sáu tại một tòa án liên bang Mỹ, một người đàn ông Singapore tên Jun Wei Yeo, còn gọi là Dickson Yeo, đã nhận tội làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc trong giai đoạn 2015-19, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, theo BBC News.
Trong lời thú tội của mình, anh này thừa nhận đã tiếp cận những nhân viên Mỹ có khả năng tiếp cận thông tin mật của quân đội và chính phủ, và dùng tiền để moi được những thông tin này.
Yeo thường khai thác điểm yếu của những người này như không hài lòng với công việc hoặc khó khăn tài chính. Yeo sẽ bảo nạn nhân rằng các báo cáo sẽ được gửi cho khách hàng ở châu Á nhưng thực tế là cho chính quyền Trung Quốc.
Yeo đã bị bắt khi bay sang Mỹ hồi năm 2019.
Ấn Độ ký thỏa thuận quốc phòng với Israel trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc
Ấn Độ và Israel đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự thông qua mua bán thiết bị quốc phòng trọng yếu. Thông báo này của phía Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh xảy ra cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, theo EurAsian Times.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tổ chức một cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel là ông Benjamin Gantz, trong đó trọng tâm là việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương.
Bộ trưởng Singh đã cập nhật cho Bộ trưởng Gantz về tình hình dọc theo Đường kiểm soát thực tế đang trong tình trạng xung đột ở Ladakh tại khu vực biên giới Ấn-Trung.
Đỉnh lũ số 3 hình thành, đập Tam Hiệp càng nguy hiểm hơn
Áp lực nước đầu vào lớn khiến Tam Hiệp không còn cách nào ngoài việc xả lũ, trong khi lũ số 2 còn chưa qua đối với hạ du.
Hiện tại, trong khi đỉnh lũ số 2 trên sông Dương Tử trong năm nay đang tiến vào tỉnh Hồ Bắc, đỉnh lũ số 3 lại sắp hình thành ở thượng nguồn sông, khiến cho việc kiểm soát lũ đập Tam Hiệp trở nên nguy hiểm hơn cả. Hồ chứa Tam Hiệp có thể tiến thêm một bước gia tăng áp lực xả lũ.
Theo các phương tiện truyền thông Đại lục, Cục Thủy văn của Ủy ban sông Dương Tử dự đoán xảy ra mưa lớn từ Tây sang Đông trong lưu vực sông Dương Tử từ ngày 24 đến 28/7, mưa chủ yếu tập trung ở nhánh sông Gia Lăng, Mân Giang, trung và hạ lưu Ô Giang, thượng lưu Hán Giang, phía tây hồ Động Đình. Thượng lưu và phần giữa sống Dương Tử, lượng mưa bề mặt là 70-120 mm.
Cơ quan Phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh Hồ Bắc cùng Cục Kiểm soát lũ Hồ Bắc đã kết các thông tin về tình hình hiện tại và đánh giá rằng, gần đây đang phát sinh mưa lớn ở thượng du Dương Tử. Thêm vào đó, trận lũ lụt số 3 của sông Dương Tử đang hình thành.
Để đối phó với lũ lụt từ thượng nguồn, đập Tam Hiệp có thể chỉ có cách tiếp tục làm trống hồ chứa. Vào lúc 9h ngày 24, dòng chảy của Hồ chứa Tam Hiệp là 45.800 mét khối mỗi giây, tăng 2.500 mét khối mỗi giây so với thời điểm 20 giờ ngày 23/7. Trong khi đó mực nước của hồ chứa Tam Hiệp là 159,02 mét, thấp hơn một mét so với ngày hôm trước. Nghĩa là đã có quá trình xả nước mạnh ở Tam Hiệp.
Khi hồ chứa Tam Hiệp tăng thêm lưu lượng, mực nước trong phạm vi Trạm Giám Lợi có thể vượt quá mức phòng chống lũ lụt tối đa, và đê Kinh Giang sẽ giữ mực nước cao trong một thời gian dài.
Theo báo cáo chính thức từ tài khoản Weibo của Nhật báo Hồ Bắc, hiện tại, đê Kinh Giang sau một thời gian dài giữ mực nước cao, đang có nguy cơ gặp nguy hiểm.
Tỉnh Hồ Bắc nằm ở hạ lưu đập Tam Hiệp. Mặc dù mực nước của các sông và hồ nhỏ trong tỉnh đang rút dần, năm hồ lớn và các sông nhỏ sẽ vẫn phải đối diện với nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố: “Bỏ gia đình nhỏ, bảo vệ cộng đồng” để bảo vệ sự an toàn của đập Tam Hiệp và các thành phố lớn ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử. Nên ở các tỉnh Giang Tây và An Huy, đê và đập đã được gỡ bớt hoặc cho nổ để xả lũ. Hàng trăm ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập lụt, và một số lượng lớn nạn nhân phải di dời cùng gia đình của mình.
An Huy là nơi bị ngập lụt nghiêm trọng do xả lũ để vào các vùng trữ nước để cứu thành thị. Chủ đề “Trung Miếu tự ở Sào Hồ, An Huy bị ngập lụt” đăng trên Sina Weibo ngày 23/7 trong phần giới thiệu vẫn nói tình cảnh khá nên thơ, “quan sát như một chiếc thuyền nổi trên mặt hồ”, bị người dân phản đối. Ngay sau đó, chủ đề này biến mất khỏi danh sách tìm kiếm nóng.
Trung Quốc lo ngại hứng chịu thêm thảm họa do mưa lớn
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm 24/7 công bố trong ba ngày kế tiếp sẽ có mưa lớn ảnh hưởng tới nhiều vùng miền Trung Quốc, từ tây nam Tứ Xuyên và tây bắc Cam Túc cho đến trung và hạ lưu lưu vực sông Dương Tử. Đi kèm mưa lớn là mưa rào đợt ngắn, gió mạnh và dông bão sấm sét.
Trước đó, ngày 23/7, CMA cho biết nhiều nơi thuộc bờ biển phía đông, bao gồm khu vực Vịnh Bột Hải, Sơn Đông và tỉnh Giang Tô cũng phải đối mặt với cuồng phong. Các thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu ở bờ biển phía đông là những nơi mới nhất chứng kiến lượng mưa hàng ngày kỷ lục hôm 22/7. Giới chức các tỉnh Giang Tây và An Huy ở hai bên bờ sông Dương Tử đã phát cảnh báo đỏ vào sáng ngày 23/7.
Bộ Tài nguyên Nước cho biết 93 con sông vẫn trên mức cảnh báo và hồ chứa Tam Hiệp, hồ chứa lớn nhất Trung Quốc, sẽ cần được giám sát chặt chẽ khi nước lũ dâng cao. Các khu vực trên khắp Trung Quốc đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp do sạt lở đất, vỡ bờ sông và lũ lụt ở vùng núi.
CMA hôm 24/7 cho biết, ngoài mưa nặng hạt và mưa bão lớn đổ dồn về các khu vực thuộc các tỉnh thành Cam Túc, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, An Huy, Chiết Giang, nắng nóng trên 35℃ tác động tới phía Nam của khu vực sông Dương Tử, phía đông bắc Trung Quốc, Trùng Khánh, đông nam Nội Mông Cổ và miền nam Trung Quốc. Sóng nhiệt 37~39℃ hun đốt nhiều khu vực thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Quảng Đông và Hồ Nam.
Truyền thông Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, 45 triệu người đã bị ảnh hưởng kể từ khi mùa lũ bắt đầu vào tháng 6, thiệt hại kinh tế trực tiếp do đợt lũ lụt năm nay lên tới hàng chục tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, lượng mưa lớn nhất trong nhiều thập niên cho thấy Trung Quốc phụ thuộc quá mức vào các công trình kỹ thuật khổng lồ như đập Tam Hiệp.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ
Mỹ đột kích lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Theo hãng tin Houston Chronicle, một nhóm quan chức của Mỹ đã vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston khoảng 16h40 ngày 24/7 theo giờ địa phương, chưa đầy 1 tiếng sau khi qua hạn chót buộc đóng cửa cơ sở ngoại giao này.
Một xe ô tô nhỏ được cho là chở quan chức ngoại giao của Mỹ cùng với một số người khác dừng bên ngoài lãnh sự quán. Ban đầu, họ tìm cách vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc qua 3 lối vào khác nhau nhưng không thành và buộc phải phá khóa cửa sau. Khoảng một giờ sau đó, các xe và lính cứu hỏa cũng có mặt bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc.
Hãng tin Houston Chronicle cho biết, trong ngày 24/7, các nhân viên ngoại giao của lãnh sự quán Trung Quốc đã chuyển đồ ra khỏi cơ sở ngoại giao này. Ngay trước thời hạn đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, cảnh sát địa phương cũng đã lập các rào chắn xung quanh tòa nhà, phong tỏa các con đường gần đó.
Trước đó, vào hôm 21/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, buộc các nhân viên ngoại giao tại đây phải rời đi trong vòng 72h. Washington nói rằng, quyết định này là nhằm “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin bảo mật của người Mỹ”.
Mỹ bắt nhà khoa học trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Juan Tang
Reuters dẫn tin từ một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Juan Tang, nhà khoa học Trung Quốc gian lận thị thực trốn trong lãnh sự quán San Francisco, đã bị bắt vào tối 23/7.
Theo hồ sơ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trình lên tòa án tại San Francisco trong tuần này, Juan Tang, người làm việc ở Đại học California, đã khai gian trong đơn xin thị thực Mỹ rằng cô chưa từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh chụp Juan trong bộ quân phục Trung Quốc và phát hiện ra cô từng làm nghiên cứu tại Đại học Quân y Không quân Trung Quốc.
FBI đã thẩm vấn Juan vào ngày 20/6, sau đó cô đến lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. FBI nghi cơ quan ngoại giao này đã chứa chấp cô. Juan bị truy tố tội gian lận thị thực vào ngày 26/6.
Một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ nói với các phóng viên rằng Juan đã bị bắt giam vào tối 23/7. Juan không có quyền miễn trừ ngoại giao vì cô không được tuyên bố là quan chức ngoại giao.
“Cô ấy sẽ hầu tòa lần đầu vào ngày hôm nay”, vị quan chức nói hôm 24/7, đồng thời cáo buộc rằng Juan là một phần trong mạng lưới cố ý che giấu quan hệ với quân đội Trung Quốc khi xin thị thực Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.
Hôm 23/7, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, ngoài Juan, họ đã truy tố 3 nhà khoa học Trung Quốc khác vì che giấu quan hệ với quân đội để xin thị thực tới Mỹ dễ dàng hơn. Trong khi đó, FBI cũng đã thẩm vấn những người sở hữu thị thực Mỹ, bị nghi che giấu quan hệ với quân đội Trung Quốc, tại 25 thành phố. Một quan chức của Bộ Tư pháp cho rằng việc khai gian thị thực nằm trong kế hoạch của chính quyền Trung Quốc nhằm lợi dụng xã hội mở cửa và khai thác các tổ chức học thuật của Mỹ.
Theo chân Mỹ, Úc chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đôn
Úc vừa bác hết mọi yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông trong một công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc hôm 23/7.
Tuyên bố của Úc lên Liên Hợp Quốc có ghi:
“Chính phủ Úc bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1984”.
Bản tuyên bố cũng viết:
“Úc từ chối yêu sách của Trung Quốc đối với “các quyền lịch sử” hoặc “các quyền và lợi ích hàng hải” được thiết lập đơn phương trong “các hoạt động lịch sử thời gian dài [của Trung Quốc]” ở Biển Đông.
Tuyên bố của Úc đã đề cập đến những phản đối và khiếu nại của Philippines, Việt Nam và Malaysia trước các hành vi hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông, đồng thời “từ chối” tính hợp pháp của “các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất” để xây dựng các đảo nhân tạo.
Bản tuyên bố cũng khẳng định Úc không chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi các tàu chiến của Úc chạm trán hải quân Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng này khi tham gia tập trận cùng Nhật và Mỹ ở Biển Philippines.
Bản tuyên bố lưu ý rằng “Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông kết luận những tuyên bố này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS năm 1984, và chính vì vậy không hợp lệ”.
“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc các ‘nhóm đảo’ ở Biển Đông, bao gồm các quần đảo ‘Tứ Sa’ hoặc ‘thềm lục địa’ hoặc các quần đảo xa bờ”, bản tuyên bố có viết.
“Úc từ chối mọi yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở thẳng như vậy.
“Úc cũng từ chối các yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực hàng hải được tạo ra bởi các thực thể ngầm dưới nước hoặc độ cao thủy triều thấp không tương thích với UNCLOS. Các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất hoặc các dạng thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi phân loại thực thể theo UNCLOS … chính phủ Úc không chấp nhận việc các thực thể được cải tạo có thể được hưởng quy chế của một đảo tự nhiên”.
Tuyên bố này của Úc nối tiếp một động thái tương tự của Mỹ hồi đầu tháng, khi chỉ trích Bắc Kinh tiến hành một “chiến dịch bắt nạt … hoàn toàn bất hợp pháp” nhằm kiểm soát Biển Đông.
Hãng tin The Guardian cho hay, sự thay đổi quan điểm của Úc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold chuẩn bị có chuyến thăm Washington vào tuần tới để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper trong khuôn khổ cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2020.
Trái với cách hành xử trước đây trong đó Úc và Mỹ chỉ bày tỏ quan ngại trước các tranh chấp chủ quyền giữa các bên tại Biển Đông và thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, việc ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc cho thấy hai cường quốc thật sự đứng về phía các nước như Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Động thái của hai đồng minh Mỹ-Úc cũng là phản ứng trước chiến dịch thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực Biển Đông giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược quan trọng, theo Bloomberg.
Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc đã leo thang từ hồi đầu năm nay khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra công tác xử lý dịch Covid-19 của Bắc Kinh vào thời điểm ban đầu.
Kể từ đó, Trung Quốc đã cảnh báo công dân nước này cùng các sinh viên quốc tế không đến Úc vì lý do phân biệt chủng tộc do đại dịch. Trung Quốc cũng ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và áp thuế bổ sung với lúa mạch Úc.
FBI truy lùng “gián điệp quân sự” của Trung Quốc khắp nước Mỹ
Reuters đưa tin, thông qua hàng loạt cuộc thẩm vấn gần đây ở 25 thành phố của Mỹ, FBI cho biết họ đã phát hiện nhiều công dân Trung Quốc làm nghiên cứu khoa học ở Mỹ để “che giấu mối liên hệ thực sự” của họ với quân đội Trung Quốc nhằm “lợi dụng nước Mỹ và người dân Mỹ”.
Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, 4 người trong số đó đã bị truy tố vì gian lận thị thực, trong đó 3 người đã bị bắt, 1 người được cho là đang “cố thủ” hơn 1 tháng qua trong lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco.
Tháng trước, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng, khoảng một nửa trong số gần 5.000 cuộc điều tra phản gián mà FBI đang tiến hành có liên quan đến Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đây là chiến dịch truy quét hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ lớn chưa từng có kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
EU nhất trí trừng phạt luật an ninh Hồng Kông
Reuters dẫn một dự thảo của EU cho biết, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện sự “lo ngại sâu sắc” với luật an ninh Hồng Kông của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hồng Kông.
Dự thảo cho biết, liên minh sẽ “xem xét kỹ lưỡng hơn và hạn chế xuất khẩu các thiết bị cùng công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng tại Hồng Kông”, đặc biệt nếu có cơ sở nghi ngờ chúng được sử dụng “trái mong muốn” trong hoạt động “trấn áp, ngăn chặn liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Đề xuất này dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/7.
Trước đó, vào ngày 30/6, Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hồng Kông, trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hồng Kông vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương ở Trung Quốc đại lục.
Trên 40 nước tố cáo Triều Tiên vi phạm chế tài Liên hiệp quốc
Theo Reuters, hơn 40 nước vào ngày 24/7 đã khiếu nại Triều Tiên vi phạm mức trần của Liên hiệp quốc về nhập cảng dầu tinh chế.
Trước đó, vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm 15 thành viên đã áp mức trần tối đa hàng năm cho Triều Tiên là 500.000 thùng nhằm cắt nguồn nguyên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạo của nước này.
Trong khiếu nại lên ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 43 nước, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, nói họ ước tính trong 5 tháng đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu thùng dầu tinh chế qua 56 chuyến tàu chở dầu bất hợp pháp.
Các nước yêu cầu ủy ban chế tài của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có quyết định chính thức rằng Triều Tiên đã vượt quá mức giới hạn và “thông báo cho các nước thành viên phải ngưng ngay việc bán, cung cấp, hay chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên trong những tháng còn lại trong năm nay”.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét