Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

TIẾNG CHUÔNG GIÁO ĐƯỜNG - Truyện của Phương Lan

Câu chuyện bắt đầu vào một đêm trước đêm giáng sinh, ngoài trời rất lạnh, đây là thời tiết lý tưởng để những dân ăn chơi tìm đến các vũ trường để giải trí.  Đêm nay là một đêm đặc biệt, vì vũ trường mới được tăng cường thêm cô ca sĩ nổi tiếng Diễm Tuyết về hợp tác, thiên hạ xem quảng cáo nên kéo tới rất đông. Vũ trường “ Đêm Paris ” là một hộp đêm nổi tiếng vì tổ chức đại qui mô, vừa là vũ trường, vừa là phòng trà có ca sĩ, lại phục vụ cả ăn uống.  Những ngày đông khách như hôm nay, bọn vũ nữ cũng như bọn hầu bàn chúng tôi đều rất bận rộn.  Một người đàn ông đến muộn, đang loanh quanh tìm chỗ ngồi, tôi hướng dẫn ông ta tới một nơi góc khuất, và nói với vẻ áy náy:
-        Xin ông cảm phiền, chỉ còn cái bàn này còn trống.
-        Không sao cả.  Ông ta mỉm cười dễ dãi, tôi lại thích những chỗ tối như thế này.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, việc làm vui lòng khách là bổn phận của những người hầu bàn, tôi hỏi theo thói quen nghề nghiệp:
<!>
-        Thưa ông dùng rượu gì ạ?
-        Tôi không quen uống rượu, cô cho tôi ly cà phê đen và một món ăn nhẹ.
Tôi ngạc nhiên, đến vũ trường mà không uống rượu kể cũng hơi lạ.  Tôi nhìn ông chăm chú, đây là một người đàn ông tuổi trung niên, mặt mũi trông hiền lành, thật thà, không có vẻ là dân ăn chơi.  Ông ta đi có một mình, vẻ ngờ nghệch, lúng túng, chắc là lần đầu đến vũ trường. 
Tôi dọ ý khách:
-        Ông có muốn tôi giúp ông tìm một người ngồi bàn không ạ?  Tôi sẽ giới thiệu cho ông một cô vũ nữ mới vô nghề nhưng rất đẹp…
-        Không cần đâu, cô cứ để mặc tôi!
Ông khoát tay, tỏ ý không muốn nói thêm. Tôi lui vào trong, đem theo tờ giấy ghi món ăn ông gọi, đưa cho nhà bếp.  Sau đó, tôi phải chạy tới chạy lui phục dịch các bàn khác.  Một lúc sau, khi tôi đem thức ăn đến, ông vẫn ngồi trầm ngâm, không quay lại nhìn tôi, ông chỉ gật đầu, nói một câu ngắn gọn:
-        Cám ơn!
Ông nói với tôi mà mắt thì nhìn lên sân khấu.  Cái dáng cô đơn của ông gợi tính tò mò của tôi, làm cái nghề hầu bàn, hàng đêm tôi phải tiếp xúc với biết bao nhiêu người, thế mà không hiểu sao tôi chỉ chú ý tới mình ông. Tôi để ý trong suốt thời gian ở trong vũ trường, không thấy ông ra sàn nhảy, và cũng chẳng trò chuyện với ai cả.  Ông ngồi im lặng, nhấm nháp ly cà phê một cách chậm rãi, nhưng thức ăn thì còn nguyên, hình như ông ta chưa hề động đũa.  Khi ra về, ông để lại trên bàn cho tôi một món tiền thưởng khá hậu hĩnh.  Từ đó đêm nào ông cũng tới, cũng ngồi vào cái bàn nơi góc khuất trong khu tôi phục vụ, riết rồi thành một cái lệ, những hôm ông không tới, tôi thấy như thiếu vắng một cái gì. Nhìn cái bàn trống ông vẫn thường ngồi, tôi thấy lòng trống trải, nao nao, mặc dù những khi có mặt, chẳng bao giờ ông thèm trò chuyện với tôi, nói dăm ba câu vô thưởng, vô phạt như những khách hàng khác, và cũng như lần đầu, chẳng bao giờ tôi thấy ông ra sàn nhảy hoặc gọi vũ nữ ngồi bàn.
Một hôm ông đến, mang theo một bó hoa rất đẹp, ông cho tôi một trăm đồng và nhờ tôi đưa bó hoa cho cô ca sĩ Diễm Tuyết.  A! bây giờ thì tôi hiểu rồi, ông tới đây vì mê cô ca sĩ Diễm Tuyết.  Lòng tôi chùng lại, rồi chợt buồn vu vơ và lo ngại dùm ông, Diễm Tuyết trẻ đẹp lắm, nhưng già dặn kinh nghiệm, và rất kênh kiệu vì có nhiều người theo đuổi, người nào cũng giàu có, danh vọng.  Còn ông? tôi tò mò nhìn tấm danh thiếp cài trên bó hoa “ Nguyễn Triệu, giáo sư, kế toán viên ngân hàng ”  Thì ra ông là giáo sư, đồng thời cũng làm cho ngân hàng, thời buổi khó khăn này, người ta vẫn làm hai nơi là chuyện thường.  Nhưng ông nhà giáo hiền lành này làm sao địch lại được với các ông bộ trưởng, những ông bác sĩ, những ông sĩ quan cấp tướng, cấp tá vẫn bu quanh cô?  Tự nhiên tôi thấy lo ngại dùm cho ông, những người này đầy quyền uy, thế lực và rất dữ dằn, còn cô Diễm Tuyết thì chỉ biết có tiền.  Ông vẫn tiếp tục tặng hoa, tôi nhẩm tính ra có đến hơn sáu mươi bó, nghĩa là ông theo đuổi cô ta đã hơn hai tháng.  Một lần, ông kêu tôi tới hỏi:
-        Cô vẫn đưa hoa cho cô Diễm Tuyết đều đấy chứ?
-        Vâng ạ!
-        Thế cô ta có nói gì không? có hỏi han cô về tôi không?
-        Thưa ông, tôi không nghe cô ấy nói chi hết.
Ông mỉm cười chua chát:
-        Im lặng cũng là một cách trả lời.
Tôi muốn an ủi ông, nhưng không tìm được câu nào.  Ông thở dài, buồn bã:
-        Diễm Tuyết không chấp nhận tình tôi, chắc cổ chê tôi nghèo và không có danh vọng.  Thiệt là buồn quá…
Tôi cũng thở dài, thương cho ông và thương cả thân mình.  Với Diễm Tuyết, ông thất bại là chuyện dĩ nhiên, vì làm sao ông địch lại được với một đám đông những người giàu có, thế lực đang bu quanh cô?  Còn tôi…  Chúa ơi! sao ông không đến với tôi nhỉ? có lẽ dưới mắt ông, tôi chỉ là một người hèn hạ, không đáng để ông chú ý.
Tôi buồn rầu, đêm nằm thường nghĩ ngợi vẩn vơ, ở đời sao có nhiều chuyện bất công như thế? kẻ ăn không hết, người lần không ra, Diễm Tuyết có dư thừa tình yêu, gạt ra không hết, còn tôi mong hoài một tấm chân tình mà không có.  Hơn ba mươi tuổi, tôi vẫn sống hẩm hiu, cô đơn với bà mẹ già.  Cuộc sống tối tăm, chỉ cho tôi cơ hội được tiếp xúc với những người thô lỗ, cục mịch, họ tán tỉnh tôi bằng những câu tục tĩu, rẻ tiền rồi bỏ đi. Tôi cố gắng không để cho vật chất quyến rũ, sa chân vào con đường hư hỏng như phần đông các cô gái nghèo, nhưng có nhan sắc khác. Thật là may mắn lắm, tôi mới được nhận vào làm hầu bàn ở trong một vũ trường lớn như thế này, ngoài tiền lương, còn có tiền thưởng, đủ cho hai mẹ con sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng trong sạch.  Tại đây, tôi có cơ hội tiếp xúc với đủ mọi hạng người, đa số là những dân ăn chơi, họ đến vũ trường để mua vui.  Chẳng bao giờ có ai thèm để ý đến những người hầu bàn mà họ quen coi như những tên đầy tớ để sai bảo, vì bổn phận chúng tôi là phải phục dịch cho họ.  Chắc ông cũng thế, chưa bao giờ ông nói với tôi một lời tình cảm nào, ngoài những câu sai bảo, thậm chí ông còn không thèm ngó tôi nữa.  Thế mà một hôm ông đã làm cho tôi ngạc nhiên lẫn cảm động, khi ông đưa cho tôi một bó hoa rất đẹp.  Tôi chờ để nghe ông sai tôi đem hoa đến cho cô Diễm Tuyết, nhưng ông lắc đầu, ngần ngừ một lúc, ông nói:
-        Không, cô cầm đi! bó hoa này là của cô đó.
Tôi cảm động gần muốn phát khóc, mặc dù ngay sau đó ông lẳng lặng bỏ đi, không cần nghe lời cám ơn của tôi.  Tôi cầm bó hoa mà tay run run, còn tim thì đập loạn xạ trong lồng ngực.  Tôi đứng im vài giây, chờ cho qua cơn xúc động rồi mới trân trọng đem bó hoa cất vào ngăn tủ đựng những vật dụng cá nhân của mình.  Chị Hiền, một người bạn cũng làm hầu bàn, nhìn tôi như có ý hỏi, tôi gật đầu, hãnh diện:
-        Của một ông khách rất lịch sự và đẹp trai tặng tôi đấy.
Hiền gật đầu, mỉm cười như có ý chia sẻ..  Vừa lúc đó, ông quản lý đi ngang, nhìn tôi với cặp mắt khó chịu:
-        Khách tới đông, họ đang chờ để xếp bàn, sao cô còn đứng đây?
Tôi dạ và chạy vội đi.  Ông quản lý nổi tiếng khó tánh, hay bắt khoan, bắt nhặt những nhân viên dưới quyền, nhưng với tôi, ông luôn luôn tỏ ra dễ dãi, trừ lần này.  Ông có toàn quyền muớn người, tăng luơng, hay sa thải nhân viên, nên ai cũng sợ, cả tôi cũng vậy.  Nhưng bây giờ lòng tôi đang sung sướng, nên không để ý đến ánh mắt khác lạ của ông, ánh mắt đầy bực bội và ghen tức.  Bẵng đi cả tuần sau, ông khách quen mới trở lại, tôi rụt dè đến bàn để chào ông:
-        Cám ơn ông hôm nọ đã tặng hoa cho tôi.
Ông có vẻ ngạc nhiên:
-        Tôi tặng hoa cho cô à? hồi nào vậy?
Ông làm tôi chưng hửng và bối rối.  Nhưng không sao cả, con người bận rộn như ông, làm sao có thể nhớ hết mọi thứ?  Tôi nhắc:
-        Hôm thứ bẩy tuần trước, ông quên rồi ư?
Ông cau mày cố nhớ lại, rồi thở ra một hơi dài:
-        Thật ra thì tôi đâu có ý tặng hoa cho cô.  Tôi mua hoa cho Diễm Tuyết, nhưng hôm đó cô ta đi vắng, tôi không biết phải làm gì với bó hoa đó, nên bảo cô đem đi đâu thì đem cho khuất mắt.
-        Tôi đã đem về nhà, và tôi đã sung sướng trong suốt tuần qua… Xin cám ơn ông.
Tôi nói với giọng thản nhiên, nhưng vẻ mặt của tôi biểu hiện một cái gì đó rất đau đớn.
Ông nhìn tôi với một vẻ áy náy:
-        Cô không phải là người tôi yêu đâu! xin lỗi vì đã làm cho cô hiểu lầm...
-        Không sao cả, tôi không hiểu lầm mà chỉ tưởng tượng thôi, tưởng tượng cũng làm cho tôi sung sướng lắm.
Ông ngồi im, một lúc sau mới ngập ngừng hỏi:
-        Bây giờ cô vẫn tiếp tục giúp tôi chứ?
-        Lúc nào tôi cũng sẵn sàng.  Thưa ông! lại đưa hoa nữa à?
-        Không, lần này thì một lời nhắn.  Cô nhắn với Diễm Tuyết lát nữa khi hát xong, tôi sẽ đợi Diễm Tuyết ở bên ngoài.
-        Vâng, tôi sẽ chuyển lời dùm ông.
Tôi đã làm đúng như lời ông dặn. Nhưng không phải Diễm Tuyết chờ ông nơi cửa, mà là hai tên du đảng, chúng đấm vào mặt ông năm, sáu cái rồi bỏ đi, sau khi đe doạ:
-        Đây mới chỉ là cảnh cáo.  Từ nay không được chộn rộn với Diễm Tuyết nữa, nghe chưa? nếu không, mày sẽ hối không kịp đó!
Ông té xuống, mặt đầy máu.  Việc xảy ra chỉ trong chớp nhoáng, không ai kịp can thiệp.  Thiên hạ đứng xem vòng trong, vòng ngoài, nhưng chỉ mình tôi chạy tới đỡ ông dậy.  Bằng cả hai tay, tôi cuống quít lau máu trên mặt ông.  Thấy tôi run lẩy bẩy, ông cố gượng một nụ cười méo mó:
-        Tôi không sao đâu, cô đừng lo.
-        Ông cần đi nhà thương không?
-        Tôi chỉ bị chảy máu mũi thôi mà, nhưng bây giờ máu đã cầm rồi.  Nhưng… áo cô đã dơ hết rồi kìa!
-        Có xá gì cái chuyện vặt ấy.
Tôi nói và dìu ông đứng lên, mặt ông xưng húp trông dễ sợ.  Tôi không yên lòng để ông ra về một mình, tôi dặn ông đứng đợi, rồi ra đầu phố gọi một cái taxi, tôi đưa ông về.  Trong suốt quãng đường, không ai nói với ai lời nào, chỉ nghe tiếng ông thở dài.  Đến nơi, ông không mời tôi vào nhà, cả hai đứng bôn chôn trên lề đường, ông nhìn tôi bằng cặp mắt dịu dàng:
-        Cô tử tế quá, cám ơn cô.
Nói xong, ông nắm lấy tay tôi xiết nhẹ.  Tôi rùng mình, sự đụng chạm làm tim tôi đập nhanh và mặt tôi nóng bừng, chắc ông cũng cảm thấy khác lạ, nên vội vàng buông tay ra.  Đêm hôm đó, tôi thức suốt đêm để cầu nguyện cho ông, tôi đặt bàn tay tôi lên trái tim, bàn tay đã được ông nắm…
Hôm sau, tôi bị ông quản lý gọi lên văn phòng để xài xể:
-        Cô bỏ đi trong giờ làm việc là vi phạm nội quy, cô sẽ bị sa thải.
-        Tôi chỉ giúp đỡ cho một người khách hàng bị đả thương, đó là một việc làm nhân đạo.  Tôi cố bào chữa, ông ta là khách quen của vũ trường…
-        Đó là nhiệm vụ của người bảo vệ, không phải của cô.  Vả lại việc xảy ra ở bên ngoài vũ trường, chúng ta không có trách nhiệm gì cả, trừ khi cô có tình ý riêng.
Tôi đỏ mặt, chống chế:
-        Ông ta chưa bao giờ coi tôi như một người bạn gái cả, người ông ta theo đuổi là cô Diễm Tuyết.
-        Cô khỏi phải bào chữa.  Nếu không muốn mất việc, chỉ có một cách…
-        Là cách gì vậy, thưa ông?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, ông nở một nụ cười khó hiểu và lảng qua chuyện khác:
-        Cô Miên vào làm việc ở đây đã được bao lâu rồi nhỉ?
-        Gần hai năm, thưa ông!
-        Cô biết là tôi vẫn đặc biệt dễ dãi với cô, cho cô hưởng mức lương của một người làm việc lâu năm.  Cô hiểu cảm tình của tôi chứ?
-        Vâng!  Nhưng tôi không biết ông làm vậy là có ý gì? xin ông cứ nói thẳng ra.
-        Thôi thì nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt, tôi thấy cô là một cô gái nết na ngoan hiền, tôi đem lòng thương cô và muốn cưới cô làm vợ…
-        Làm vợ ông? Tôi xửng xốt kêu lên, ông đáng tuổi cha tôi mà?
-        Thì đã sao? tôi goá vợ, các con tôi đã lớn và có gia đình riêng cả, không có trở ngại, phiền phức gì hết.  Làm vợ tôi, bảo đảm cô sẽ có một đời sông ấm no, sung sướng.  Tôi sẽ cấp dưỡng cả cho mẹ cô…
-        Có phải đó là một điều kiện để khỏi bị sa thải?
-        Cô hiểu thế nào tùy ý.
Tôi đáp không do dự:
-        Tôi chẳng thà bị mất việc.
Và tôi mất việc thật, và cũng mất luôn tin tức về người đàn ông đã chiếm trái tim tôi, ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi.  Một hôm Hiền ghé chơi và cho tôi biết:
-        Ông Triệu đến vũ trường tìm chị để cám ơn.  Tôi nói chị không còn làm ở đó nữa, và tôi đã kể cho ông ta nghe hết sự thực vì sao chị bị mất việc.  Tôi cũng cho ông Triệu địa chỉ của chị nữa.
Tôi cám ơn Hiền và thấp thỏm chờ đợi mãi, nhưng vẫn không thấy ông liên lạc.  
Ít lâu sau, tôi lại nghe tin đồn dạo này ông hay cặp kè với cô Diễm Tuyết.  Bằng cách nào ông chinh phục được trái tim của cô ca sĩ nổi danh này thì không ai được biết, người ta chỉ thấy ông và Diễm Tuyết sống với nhau như đôi tình nhân trong một biệt thự sang trọng, họ ăn chơi, tiêu xài phung phí như những tay triệu phú.  Nghe qua, tôi hơi thất vọng, hình ảnh một người đàn ông trí thức, hiền lành, thật thà, hơi nghèo một tị - trong tôi - không còn nữa, ông bây giờ trở thành một tay chơi lọc lõi, nhiều thủ đoạn. Vì lẽ gì ông trở thành giàu có một cách nhanh chóng như thế? là một câu hỏi khó trả lời, làm tôi cứ thắc mắc mãi, và đâm ra lo lắng.
Quả vậy, sáu tháng sau, tôi nhận được một lá thơ của ông, một lá thơ buồn, rất buồn…  Ông tâm sự ông đã làm một việc không nên làm, ông đã đánh đổi cả cuộc đời của ông, cả tương lai của ông để chiếm được tình yêu của Diễm Tuyết.  Ông tưởng như thế là mãn nguyện, vì ông đã thắng được bao nhiêu đối thủ.  Nhưng ông đã lầm, Diễm Tuyết không hề yêu ông, nàng chỉ biết có tiền, và bây giờ ông hết tiền rồi, thì nàng bỏ ông để chạy theo người khác.  Ông nói ông hối hận và xin lỗi tôi, ông hiểu tình yêu của tôi đối với ông, và ông rất cảm động.  Ông thú thật từ trong đáy tim ông, người con gái đức hạnh, dịu hiền ông yêu chính là tôi, Diễm Tuyết chỉ là một đam mê nhất thời.  Nhưng bây giờ thì đã muộn, ông không còn xứng với tình yêu của tôi nữa. Ông bảo tôi hãy quên ông đi, đừng chờ đợi để phí tuổi xuân, ông sắp phải đi xa một thời gian không biết bao lâu, khi về, có lẽ cả hai đều đã già, ông sẽ ghé thăm tôi, và muốn được nhìn thấy tôi hạnh phúc…
Đọc thơ ông, tôi khóc ướt áo, nắm chặt lá thơ trong tay, người tôi như muốn xụm xuống, ông nói đi xa, mà không cho biết là sẽ đi đâu?  Lá thơ không đề địa chỉ người gởi, tôi không biết làm cách nào hồi âm cho ông.  Linh tính cho tôi biết ông đang gặp chuyện không may, tôi quýnh lên mà không biết phải làm gì để cứu ông.  Cả ngày tôi bứt rứt, đầu óc để tận đâu đâu, làm việc gì cũng lụp chụp, đánh đổ, đánh vỡ, vì thế tôi lại bị chủ cho nghỉ việc.  Bây giờ ngoài nỗi lo nghĩ về ông, tôi còn phải lo sinh kế để kiếm sống.  Ngày nào tôi cũng mua một tờ báo để dò mục tìm việc, thế rồi một hôm tình cờ đọc báo, tôi thấy tên ông trong bản tin hàng ngày: ông bị bắt về tội biển thủ công quỹ, ra toà ông nhận tội, và bị kết án ba năm tù.
Tôi đi thăm ông tại khám đường.  Trông ông tiều tuỵ không thể tả, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ của ông, trước đây đen mướt, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, đã điểm loáng thoáng nhiều sợi bạc.  Hai cố nhân nhìn nhau nghẹn ngào, môi tôi run run, còn ông thì chỉ lặng thinh, nhưng đôi mắt sâu thăm thẳm của ông đã nói rất nhiều, nó biểu lộ một vẻ vừa vui mừng vừa tủi nhục, xót xa không bút nào tả xiết.  Tôi phá tan sự im lặng trước, cố nén xúc động, tôi cất giọng gần như thì thầm:
-        Ông tệ quá, sao bỏ đi mà không cho tôi biết tin?  Tôi đã tìm ông khắp nơi, đêm nào tôi cũng cầu nguyện, mong gặp lại ông…
-        Và cô đã toại nguyện?  Ông cúi đầu buồn bã, nhưng trớ trêu quá, cô gặp tôi trong hoàn cảnh này ư?
-        Hoàn cảnh nào cũng được, miễn là ông còn sống.  Chúa đã nghe lời cầu xin của tôi, dẫn đường cho đôi ta gặp lại… Mặc dù chỗ này chẳng phải là nơi hẹn hò lý tưởng, nhưng cuộc hội ngộ hôm nay đâu phải là lần cuối cùng?
-        Nghĩa là sẽ còn có những lần sau?  Chúa ơi! tôi thật không dám hy vọng, và cũng không tin ở tai mình. Nhưng… gặp nhau để mà làm gì? tôi đâu còn xứng với cô nữa?
-        Tôi muốn gặp để nghe chính miệng ông xác nhận lại những lời ông đã viết cho tôi trong thơ.
-        Phải, đó là những lời chân thật nhất, xuất phát tự tim tôi, người tôi yêu dạo đó, bây giờ và mãi mãi… chính là cô.
-        Chúa ơi, Chúa ơi! Tôi kêu lên luôn miệng, vậy ra đây là sự thật? Ông làm tôi cảm động quá, đã bao lâu nay, tôi vẫn cầu nguyện mong có ngày ông hiểu được tình tôi.  Vậy mà… vậy mà… sao ông lại có thể khuyên tôi đi tìm hạnh phúc với người khác?  Ông có biết những lời đó làm tôi đau lòng lắm không?
-        Đừng nói nữa Miên ơi!  Ông rên rỉ, đừng khơi lại cái dĩ vãng mà tôi rất muốn quên đi.  Tôi đã thả mồi bắt bóng, để đi đến hậu quả ngày nay, khi hiểu được tình yêu của Miên thì mọi việc đều lỡ làng cả rồi.
-        Không ông ạ, mọi việc chỉ mới bắt đầu thôi, và tôi cũng đâu có khơi lại dĩ vãng?  Tôi chỉ muốn nói đến tương lai, ông có mơ ước gì không?
-        Trước kia thì có, tôi mơ có một gia đình ấm cúng, có người vợ hiền cùng tôi chia xẻ cuộc đời.  Tôi có bằng cử nhân toán và muốn trở lại nghề dạy học, hai vợ chồng sẽ sống một cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc…
-        Giấc mơ của ông đẹp quá!
Ông thở dài buồn bã:
-        Nhưng bây giờ thì tan tành cả rồi, mọi việc đều đã muộn.
-        Không muộn đâu, ba năm rồi sẽ qua nhanh lắm.  Khi mãn án, ông mới vừa tròn bốn mươi, đâu đã gọi là già?
-        Miên đợi tôi chứ?
Tôi gật đầu, mắt ướt lệ:
-        Còn phải hỏi, ông đã chiếm trọn trái tim Miên rồi, không có trái tim, Miên sống sao được?
Ông cảm động quá, đưa cả hai tay có còng sắt lên, nắm lấy tay tôi:
-        Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, tôi hứa sẽ đền bù cho Miên.
-        Em tin ông.
Tôi sung sướng để yên tay tôi trong tay ông, cả hai cùng nhìn qua cửa sổ về hướng giáo đường phía xa xa, cây thánh giá màu trắng nổi bật trên nền trời xanh lơ, ước mong tương lai cũng xanh như bầu trời.
Như thế đó, vào mùa Giáng sinh ba năm sau, hôn lễ của chúng tôi cử hành trong một nhà thờ nhỏ, trong tiếng chuông đổ liên hồi, mừng Chúa cứu thế ra đời.  Đây là một mùa Giáng sinh không thể nào quên, chúng tôi bây giờ là một cặp vợ chồng nghèo nhưng hạnh phúc nhất.

PHƯƠNG - LAN
( trích trong tác phẩm Lấy chồng xa )

Không có nhận xét nào: