Người mẹ bế Ngọc Nga đến phòng trọ bà Năm một ngày trời mưa. "Bà nuôi nó đi, tôi bao tiền sữa cho", cô gái đưa ra đứa trẻ đang ẵm ngửa. Lúc ấy con bé mới hai tháng tuổi. Hôm ấy bà Năm không đi làm mướn được vì mưa, đang ngồi trong phòng trọ bốn mét vuông ở Bình Hưng Hòa. Bà nhớ mẹ con bé nhìn được gái lắm, tóc phi dê, nhuộm vàng, mặc đồ "như Sạc-lô", bó sát, hở. Nhìn đứa trẻ quấn trong tấm chăn cũ, bỗng bà thấy mến nó, "giống như mình với nó có liên kết từ đời nào". Bà gật đầu dù lòng rất phân vân. Nó ốm o, mình thì không biết ngày nào đủ hay thiếu ăn, sao nuôi nó. Có người tới đưa tiền sữa được ba tháng rồi biệt tích. Mấy tháng sau, một người ghé nhà, đưa điện thoại bảo bà nghe. "Giờ tôi không có tiền. Bà không nuôi nó thì cho ai cho, hay tôi cho người tới bắt vào viện mồ côi". Nghe tới viện mồ côi, tay bà Năm run run: "Mày không được bắt nó. Mày bỏ thì tao nuôi. Khi nào mày có khả năng về Việt Nam thì tới nói chuyện với tao". Bên kia cúp máy.
Bà Năm ra hàng đồ điện hỏi bán cái tủ lạnh. Họ trả 700 ngàn đồng, đủ mua sữa cho con bé một tuần. Bán thêm cái tivi được 400 ngàn, hết đồ để bán, bà đi mượn nợ để mua sữa. Mượn nóng một triệu đồng, cứ một ngày chưa trả tiền gốc thì phải ghé sạp tạp hóa bà Hai ở chợ đóng 40 ngàn đồng lời.
Bà ẵm bộ con bé đi bán từng bịch bánh bông lan. Mười ngàn một bịch. Bánh ế, bà tranh thủ vừa bán bánh vừa làm mướn cho người ta. Ai kêu gì cũng làm. "Bà Năm mua giùm tôi cây chổi"; "bà Năm đem đồ cho ông Tư ở hẻm này"; "bà Năm rửa giùm tôi chỗ chén dĩa"; "tôi ẵm con nhỏ, bà đem đồ về nấu ăn cho sắp nhỏ nhà tôi rồi quay qua đây đón bé"... Người trả công 10 ngàn, 30 ngàn, hoặc trả bằng miếng cá, miếng thịt, ít thức ăn. Ở chợ Bình Long này, không ai lạ gì bà già nuôi con nhỏ mồ côi.
Tiền làm thuê và bán bánh, mỗi ngày được 70, 80 ngàn, bà Năm trả tiền lời khoản nợ 40 ngàn, còn lại đem về đóng tiền nhà. Hai bà cháu ở căn phòng bé xíu, "dột quá trời dột", thuê với giá một triệu đồng mỗi tháng.
Những câu bé Ngọc Nga biết nói đầu tiên trong đời là: "Cô ơi, cô mua bám đi". "Chú ơi, mua vé giúp con đi". "Bao nhiêu?", họ hỏi. Nó nói: "một tiền", giơ một ngón tay trỏ. "Một tiền" là tờ 10 ngàn đồng, ai đưa tờ 5 ngàn hay 50 ngàn nó cũng lắc đầu. Bà dạy nó từ lúc biết đi, chỉ lấy đúng giá tiền mặt hàng. Ai cho gì đàng hoàng bà mới nhận. Chứ mà bố thí là bà nói: "Thôi khỏi, cảm ơn. Nhưng bà cháu tôi không ăn mày".
Mỗi ngày 5 đến 10 cây số, hai bà cháu đi khắp khu Bình Tân. Khi thì bà bế nó, nó bế con búp bê rách. Khi bà mỏi, nó lẫm chẫm bên cạnh.
Cô chủ nhà trẻ gần chợ thấy ngày nào hai bà cháu cũng đi qua mời vé số, hỏi sao bà không cho nó đi học. Bà bảo không có tiền. Cô hỏi bé có giấy tờ không. "Người ta chỉ bồng có mình nó đến", bà kể. "Giờ bà phải đi làm giấy khai sinh cho bé thì nó mới đi học được", cô chỉ bà tới ủy ban phường.
Ở phường, họ bảo bà không phải mẹ nó, không có bằng chứng gì sao chứng giấy. Bà lại quay về. Cô chủ nhà trẻ nói: "Giờ bà đi bán số nắng mưa, cho nó đi theo nó bệnh, thôi thì cứ sáng bà mang cháu vô đây tôi giữ giùm, bán hết số bà quay lại rước bé về".
Con bé được đến trường, vui lắm. Cô chủ bảo, bà cố đi làm giấy khai sinh đi. Bà lại đến phường, không biết trình bày sao. Ngọc Nga đứng khoanh tay trước cửa phòng làm việc: "Bác ơi bác, con muốn đi học chứ con không có nghỉ học đâu". Rồi nó khóc. Cán bộ ở phường không biết tính sao. Họ bảo bà về, trong vòng một tháng làm cái giấy tường trình mang tới đây.
Bà đi nhờ người ta viết giấy: "Tôi tên Nguyễn Thị Hồng đặt tên cho cháu là Nguyễn Thị Ngọc Nga...". Bà muốn tên nó đẹp thì đời nó sẽ sung sướng.
Có lẽ nhờ cái tên "sung sướng", đến 6 tuổi, Ngọc Nga được nhận vào Trường tình thương Thiên Ân - ngôi trường cưu mang những đứa trẻ khó khăn từ khắp vùng ven phía tây thành phố.
Ở đây, Ngọc Nga không phải trường hợp đặc biệt. Có khoảng một phần ba trong số 240 em học sinh của trường Thiên Ân là mồ côi như vậy. Em có cha hoặc có mẹ, em sống với bà, em được cô, bác nuôi, hay sống trong mái ấm. Học sinh nhỏ nhất là 7 tuổi, học sinh lớn nhất 17 tuổi nhưng mới học lớp năm.
Thương có đôi mắt rất buồn. Mẹ đi Trung Quốc từ khi nó nhỏ xíu, bố đi tù không biết bao giờ mới ra. Bà nó phải gánh ba đứa trẻ. Nhưng bà đi nhặt rác, làm mướn, tiện đâu ngủ đó nên không kham nổi bầy cháu. Thương may mắn được cô Thảo cho ở lại trường.
Em trai nó, khoảng 12 tuổi, đi bụi lang thang ở đâu giờ không rõ. Bà nó cũng ẵm đứa nhỏ nhất đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, lâu lâu mới ghé qua trường thăm Thương một lúc rồi lại đi. Con bé hay khóc, hỏi cô Thảo: "Con không hiểu tại sao nhìn con cũng giống các bạn mà con lại không có cha mẹ hả cô?"
Định có khuôn mặt rất thanh tú. Em 10 tuổi, bị HIV bẩm sinh từ bố mẹ. Mẹ em đang bị bệnh giai đoạn cuối, ở nhờ nhà ai đâu đó bên quận 8, cũng không đến thăm em. Bố em không biết đi đâu. Bà nội rất già, bị tai biến và rất nghèo đang cố gắng nuôi em. Cậu bé rất ngoan, luôn nghe lời các cô dặn, giữ gìn vệ sinh, không đánh nhau, không để chân tay bị sứt, chảy máu kẻo lây qua các bạn. Có mặt trên đời hơn 10 năm, Định chưa có giấy khai sinh.
Huynh Anh và Huynh Em đều đang mù dần một bên mắt. Em sống với bố làm thợ hồ. Mẹ bỏ đi từ lâu. Người ta cho bố em ngủ nhờ chỗ nào, bố đem hai em theo đó. Mắt hai em đã bóc cườm, vẫn đang mờ dần, nhưng không có tiền để chữa. Hai anh em Minh và Thông đang học lớp hai, bố bỏ đi, ở với mẹ làm nghề ve chai trong túp lều gần nghĩa trang.
Ngôi trường nhỏ bắt đầu có tiếng trẻ 20 năm trước bởi cố mục sư Đoàn Vĩnh Phúc. Cha từng là một trẻ mồ côi và đã thành lập hàng chục lớp học tình thương, cô nhi viện từ năm 1967 tại miền Trung và miền Nam.
Suốt nhiều năm, các thầy cô, tình nguyện viên đã huy động đủ mọi nguồn trợ giúp để giữ chân trẻ với con chữ. Xin tài trợ các bữa trưa, xin quần áo, sách vở, thực phẩm, vận động và thậm chí "đấu tranh" với phụ huynh muốn bắt con đi làm, họ chỉ mong các em có thể biết đọc, viết, "tốt nghiệp" ra trường khi hết lớp năm.
Các thầy cô luôn tìm cách giúp các em vào được cấp hai, lớp bổ túc của nhà nước hay học tiếp các trường nghề sau lớp bảy, với hy vọng cuộc đời đứa trẻ sẽ tươi sáng hơn cha mẹ chúng.
Thiên Ân có lẽ là ngôi trường duy nhất ở TP HCM mà học sinh ngủ trưa ngay trên sân trường. Không có không gian, các em gái được ưu tiên ngủ trên hội trường tầng thượng, nơi rất nóng bởi mái tôn và chỉ có mấy cái quạt điện đi mượn. Các em trai nằm luôn dưới sân trường.
Trường đang cần chiếc điện thoại bàn để gọi cho phụ huynh, mấy bộ máy tính cũ cho các em làm quen với công nghệ, mấy cái quạt điện để chuẩn bị đón mùa nóng nhất, sách và quần áo cho cả thầy lẫn trò.
Cô Thảo phụ trách Trường thì lo nhất là không đủ tiền duy trì bữa cơm trưa. Bữa cơm hiện tại do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tài trợ, chương trình sẽ kết thúc vào tháng sau. Có cơm, thầy cô giữ các em ở trường được cả ngày. Không có cơm, các em chỉ học buổi sáng. Việc chỉ đến trường nửa ngày khó giữ chân học sinh ở lại với sách vở. Nhiều em bán vé số, lượm ve chai, đến một xưởng sản xuất hay sà vào một sạp hàng ngay khi bước chân ra khỏi cổng trường sau 11 giờ trưa.
Khu vực Bình Tân trước đây là nơi tập trung những lao động nhập cư từ khắp ba miền. Thậm chí có cả những gia đình đang làm ăn lưu lạc ở Campuchia cũng đem con về. Ước mơ của các em vì thế cũng khác bạn cùng trang lứa. Em thì "lớn lên con đi bán vé số", em nói sẽ làm bảo vệ như bố, em "dự định" làm thợ hồ, em nói "con làm ve chai", đi bán rong hay làm công nhân; không có mấy em ước mơ làm kỹ sư hay bác sĩ.
Khoảng một phần ba phụ huynh không biết chữ, thiếu hộ khẩu, giấy tờ tùy thân. Nhiều em không có giấy khai sinh, khi nhập học, các thầy cô mới tìm cách giúp. Năm ngoái, một học sinh được tuyên dương ở lễ tổng kết năm học lại nhất quyết không nhận phần thưởng. Em khóc.: "Đây không phải phần thưởng của con. Con mượn giấy khai sinh của bạn để đi học".
Các cô giáo ở đây cũng nửa ngày đi dạy, nửa ngày đi làm thêm, chạy chợ, dạy thêm, nhưng hầu hết đều gắn bó lâu năm. "Mỗi bé một hoàn cảnh nên chúng em mới có việc để làm", cô Linh nói.
à Năm quê ở Củ Chi. Chồng bà Năm mất vì bị vỡ ruột thừa khi bà mới 38 tuổi. Bà chạy chợ nuôi bốn đứa con lớn lên. Nhưng vì đứa nào cũng chật vật, bà tự đi ở đợ, làm mướn nuôi thân, rồi trôi dạt đến Bình Tân.
Khổ mấy bà không sợ, nhưng bà sợ Ngọc Nga khổ. Sáng bà dậy lúc năm giờ, nấu nồi nước sôi. Năm rưỡi bà gọi cháu dậy, pha nước ấm tắm, thay đồ cho nó. Sáu giờ, con bé trèo lên chiếc xe đạp cọc cạch người ta cho, bà dong xe gần hai km đưa nó tới trường. Sức bà yếu, không chở nó được. Ngày nào bà cũng ngồi ở cổng trường canh, chừng nào thầy cô gọi hết học sinh vào lớp, trường đóng cửa mới yên tâm đi bán vé số.
Tới 8 giờ rưỡi, bà quay lại trường, ngó qua khe cổng vào sân xem cháu chơi. Ngọc Nga hay xin chú bảo vệ, "Chú cho con ra ngoài con hôn nội một miếng rồi con vô". Buổi trưa, bà cũng đi quanh cổng trường, đứng ngó vào xem con bé ăn cơm. Ba rưỡi chiều, bà dong xe đón Ngọc Nga về nhà, đun nước nóng tắm cho cháu rồi hai bà cháu đi lấy vé số bán ca chiều.
Có lần nó bị chân tay miệng phải đi bác sĩ 10 ngày. Không bế nó đi giữa trời được, bà gửi sữa nhờ người ta cho ăn, tiền công 20 ngàn một ngày. Đi rời rã không bán được vé, bà khóc. Trước giờ chồng mất, bà nuôi được bốn đứa con, giờ chỉ cầu xin ông trời cho bà sống để nuôi nó tới 18 tuổi rồi sao cũng được. May sao, có người nói với bác sĩ, "bà Năm nuôi đứa nhỏ mồ côi, nghèo lắm". Bác sĩ không lấy tiền, bảo "bà cứ đưa cháu đến, khi nào hết bệnh thì thôi". Bà lại khóc.
Đến bây giờ, 6 tuổi. Ngọc Nga vẫn chỉ chịu nhận "một tiền" là đưa một tờ vé số. Nó nhớ lời bà dạy, chỉ lấy tiền của mình. Mỗi ngày hai bà cháu bán được khoảng 100 tờ vé số, kiếm được khoảng 120 ngàn để mua thức ăn và dành ra trả tiền nhà.
Bà Năm 60 tuổi, nhưng cả hai hàm chỉ còn 5 cái răng. Răng bà rụng do thiếu chất. Bà cũng không cần răng làm chi. Có những lúc trong túi chỉ còn 8 ngàn đồng, bà bảo "cô bán cho tôi nửa ký lô gạo". Bà nhịn cho nó ăn. Thường mỗi bữa bà chiên hai cái trứng. Ngọc Nga được cái nết ăn, nhìn nó ăn gì cũng ngon. "Nội ăn đi nội", nó bảo. "Nội không có răng, con ăn đi", bà và cơm với bắp cải luộc chấm nước tương. Trong nhà bà lúc nào cũng có hai thứ, trứng vịt và nước tương. Trứng vịt thì con bé ăn, nước tương bà ăn.
Cái Tết của bà cháu Ngọc Nga chỉ có một ngày. Bà nghỉ bán ngày 30 để dọn nhà, thắp nhang. Phòng trọ không có điện thoại, cũng không tivi, hai bà cháu ôm nhau ngủ từ 8 giờ tối Giao thừa để trưa mồng Một đi bán mở hàng năm mới. Tết này bà sẽ mua cho con bé bộ áo đầm hơn 100 ngàn. Quần áo của nó người ta cho cũng đủ mặc. Nhưng nghèo thì nghèo, phải cho nó ăn bận đàng hoàng.
Ngày đầu năm, hai bà cháu thường bán được 200 vé, sẽ đủ tiền mua áo đầm. Nếu còn dư, bà sẽ mua thêm đôi giày có hình công chúa Elsa mặc váy xanh và thay cho Ngọc Nga con búp bê vải đã rách.
Bài: Hồng Phúc
Ảnh: Thanh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét