Các nhân viên cảnh sát Slovakia đã cung khai với tư cách là những nhân chứng. Cho tới nay bà Bộ trưởng Nội vụ Saková đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin, để phục vụ cuộc điều tra về vụ việc này, nghĩa là họ được phép cung khai tất cả cho cơ quan điều tra. 44 nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák hồi 26/07/2017.
Lời khai trên của các nhân viên cảnh sát là một bước ngoặt trong cuộc điều tra của Slovakia. Ông Michal Šúrek, người phát ngôn của Công tố viện tại thủ đô Bratislava xác nhận với tờ báo Denník N rằng thủ tục truy tố hình sự được bắt đầu tiến hành.
Các nhà điều tra Slovakia đã nghe hầu như tất cả lời khai của những nhân viên bảo vệ có mặt trong ở khách sạn Bork và tại sân bay trong thời điểm đó (26/07/2017).
Hai cảnh sát này xác nhận đúng những chi tiết trong bài tường thuật của nhật báo Dennik N của Slovakia và nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) được phát hành vào đầu tháng 8 vừa qua dựa trên cơ sở lời khai của các cảnh sát, những người muốn giấu tên trên tờ báo. Họ kể rõ trong bài báo: “Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn (có lẽ bị cho uống thuốc có chất ma túy) và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi”.
Một số nhân viên cảnh sát nói cho tờ Dennik N biết rằng toàn bộ hành động đã được thực hiện với sự đồng ý của ông Robert Kaliňák, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm đó. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được cuộc điều tra xác nhận.
Ban đầu nhà chức trách Slovakia đã không tiến hành một biện pháp nào về vụ việc này, và cuộc điều tra chỉ bắt đầu vào đầu tháng Tám vừa qua sau khi 2 tờ báo Dennik N của Slovakia và nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) công bố lời khai của một số cảnh sát hộ tống đoàn xe chở phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu. Ông Kaliňák, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm đó, nói rằng ông không biết gì về âm mưu dùng chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Ông Kaliňák tuyên bố rằng có lẽ người Việt Nam đã lạm dụng “lòng hiếu khách của chúng tôi“.
Gần đây các nhà điều tra cũng lấy lời khai của một nhân viên kiểm soát hộ chiếu tại sân bay mà chính nhân viên này đã đích thân kiểm soát các hộ chiếu Việt Nam. Ông nói rằng tất cả 12 hộ chiếu là từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không ai trong số họ đã được cấp bởi Cộng hòa Slovakia. Không phải ai cũng có hộ chiếu ngoại giao.
Một tháng sau khi vụ việc xảy ra, khi phía Đức lần đầu tiên nhờ hỗ trợ pháp lý trong cuộc điều tra của Đức, thì Slovakia chính thức biết rằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia có thể được sử dụng trong vụ bắt cóc. Ông Kaliňák nói chúng tôi đã làm việc với họ.
Hồi cuối tháng 7 năm nay, nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) đưa tin, theo một “báo cáo kết quả đầu tiên” của những nhà điều tra Đức, mà tờ FAZ có trong tay, “hầu như không còn hoài nghi gì nữa, ông Trịnh Xuân Thanh đã ngồi trong chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, ông Trịnh đã bị vận chuyển trên tuyến đường Berlin – Brno (ở CH Séc) – Bratislava (thủ đô Slovakia) – Moscow (Nga) và sau đó tiếp tục đưa về Việt Nam“.
Slovakia yêu cầu Việt Nam giải trình: Nếu Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú thì hành trình từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét