Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Sears: một biểu tượng nữa của nước Mỹ sụp đổ - Lê Mạnh Hùng


Có lẽ Tổng thống Donald Trump là người nói ra câu đúng nhất về Sears khi ông bình luận với các phóng viên hôm thứ hai về cái tin buồn rằng công ty Sears Roebuck đã nộp đơn phá sản với tòa án: “Đối với một người của thế hệ tôi, Sears, Roebuck là một cái gì rất lớn” Ông tổng thống Mỹ năm nay 72 tuổi và đó chính là vấn đề lớn nhất mà công ty trên 100 tuổi này phải đối phó: hầu hết những người Mỹ thuộc các thế hệ sau ông Trump không có mấy ai nhớ rằng có lúc Sears là cái tên quen thuộc nhất trong các gia đình Hoa Kỳ.<!>
Không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi bài viết về cái chết của Sears đều mở đầu không phải vào giai đoạn gần đây khi Sears họp với Kmart cách đây 13 năm mà trở về sâu hơn trong quá khứ. Các sử gia nhắc lại những ngày đầu của công ty như là một Amazon của thế kỷ thứ 19, khai thác những kỹ thuật mới nhất của thời đại (xe lửa, bán theo catalogue, hệ thống bưu điện) để mang hầu như tất cả mọi thứ, từ vũ khí cho đến nhà tiền chế đến cho một giai cấp tiêu thụ càng ngày càng giầu có hơn tại Mỹ.

Và Sears tiếp tục chuyển đối theo thời gian cho thích ứng với những thay đổi trong xã hội và cuộc sống Mỹ khiến cho công ty trở thành công ty bán lẻ lớn nhất nước Mỹ vào thập niên 1960. Công ty thích ứng với thời đại xe hơi bằng cách mở những cửa hàng làm trọng tâm cho các shopping mall vốn mọc lên như nấm sau Thế chiến thứ hai khi dân Mỹ từ thôn quê và các thành thị đổ ra sống tại các khu ngoại ô và nước Mỹ trở nên một quốc gia mà mỗi người hầu như ai cũng có một chiếc xe hơi. Và đến khi thế hệ baby boomers bắt đầu đi từ việc mua nhà sang để dành tiền cho khi về già, công ty đa dạng hóa các họat động của mình bằng việc mua lại những cơ sở tài chánh như Dean Witter hoặc Discover.

Giống như trong một bi kịch Hy Lạp, nemesis bao giờ cũng đi theo hubris, Sears bắt đầu suy thoái sau khi xây xong tòa nhà tự hào là cao nhất thế giới vào năm 1973. Trước hết Walmart từ trụ sở công ty đặt tại thành phố bé nhỏ Bentonville cạnh tranh đánh bại Sears qua việc phá giá mà Sears không thể cạnh tranh được. Sau đó Jeff Bezos biến công ty Amazon của ông thành một cửa hàng bán tất cả mọi thứ giống như Sears đã làm trong thế kỷ thứ 19.

Thế nhưng thay vì tìm cách vực lại qua việc tìm một cách gì độc đáo cho mình, Sears đã bỏ nhiều thập niên bán dần tài sản và “cải tổ cơ cấu” những tài sản còn lại. Bây giờ thì công ty vốn là biểu tuợng của xã hội tiêu thụ Mỹ thế kỷ 20 đã khánh tận và đang có nguy cơ bị giải tán đúng vào lúc mà niềm tin của giới tiêu thụ Mỹ lên đến một đỉnh cao mới.

Khi ông Eddie Lampert, môt nhà tỷ phú quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge fund) nắm lấy quyền quản lý Sears vào năm 2005 thì công ty đã đang chết dần từ nhiều năm trước. Lúc đó uy tín ông Lampert đang lên cao sau khi đã lật ngược lại được tình hình tại một công ty bán lẻ phá sản khác Kmart. Tạp chí Business Week lúc đó viết nhà đầu tư xuất phát từ lò Goldman Sachs có thể trở thành một Warren Buffett thứ hai. Thế nhưng ông có vẻ không để ý đến một câu châm ngôn đầy ý nghĩa của nhà hiền triết Omaha:

“Khi một nhà quản lý có danh tiếng là tài ba đụng vào một doanh nghiệp có tiếng là kinh tế xấu; thông thuờng tiếng xấu của doanh nghiệp chiến thắng”.

Lampert hứa với các cổ đông của Sears là ông sẽ biến Sears thành môt công ty vĩ đại mà sự vĩ đại sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ. Những phân tích của ông về những vấn đề của Sears có vẻ hợp lý, thế nhưng những bài thuốc chữa của ông hầu như đều thiếu hai yếu tố quan trọng: một sự nhậy bén đối với các món hàng mà người tiêu thụ ưa thích và một khả năng thuyết phục người ta rằng Sears đại biểu cho một cái gì. Ông Lampert đã lần lượt thuê đến bốn vị tổng quản trị cho đến sau cùng phải nhảy ra tự làm nhưng cũng không ngăn chặn được sự suy thóai với các khách hàng càng ngày càng ngần ngại bước vào những cửa hàng càng ngày càng buồn bã và xác xơ của ông.

Một điều chúng ta không thể quy trách nhiệm cho ông Lampert. Ông không thể nào tiên đóan truớc rằng vụ suy thoái kinh tế tệ hại nhất từ nhiều chục năm lại nổ ra chỉ vài năm sau khi ông mua Sears cũng như là lãi suất cực thấp mà ngân hàng trung ương áp dụng để cứu nền kinh tế không cho sụp đổ đã buộc ông phải bỏ thêm hàng tỷ đô la vào quỹ hưu bổng của công ty. Và như những nhà đầu tư vào các công ty nay đã phá sản như Toy R Us, Brookstone hay Mattress Firm có thể làm chứng, ông không phải là người độc nhất trong việc không ngờ rằng người ta có thể thay đổi cung cách tiêu thụ một cách mau chóng đến như vậy.

Ông Lampert là một nhà quản trị có tài và quyết tâm muốn cứu Sears của ông có vẻ là thật sự. Nhưng cũng chính vì vậy ông đã làm cho nguời ta thấy rằng ta không thể cứ tái sửa đổi cơ cấu mà có thể mang một công ty bán lẻ trở lại tình trạng tốt đẹp và rằng ngay cả một công ty có một quá khứ huy hòang cả trăm năm cũng phải có một cái gì để bảo đảm cho mình có tuơng lai.

Sears đã từng cho người tiêu thụ Mỹ những gì họ không thể mua được từ các nơi khác. Nó là một cái gì lớn cho rất nhiều người Mỹ, nhưng nay người ta không còn cần đến nó nữa. Thế hệ mới bây giờ có WalMart và Amazon.

Lê Mạnh Hùng Oct 2018 

Không có nhận xét nào: