Nỗi niềm.Từ nỗi đau khổ tới niềm hy vọng. Vừa khi tâm ta biết ta đang đau khổ, thì niềm hy vọng vượt qua khổ đau đã phát sinh, như một tia chớp soi cho ta thấy đang ở trong đường hầm. Nhìn trên vách sân khấu hội trường Việt Báo chiều nay 27 tháng 5 năm 2018 , những vị khách mời yêu thích sách sẽ thấy “banner” chữ trắng trên nền xanh lá cây “ Book Signing : Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo”.
<!>
Hành trình của niềm hy vọng trong Crystal H. Vo, tên Việt Nam của cô là Võ Như Ý đã khởi phát ngay từ những năm tháng đầu đời khi những bất hạnh trùm phủ lên cuộc đời cô. Bạo lực của ngôn ngữ, của hành động, của lịch sử như những tảng đá lớn đè trên những mầm cỏ non. Cỏ vẫn mềm mại, nhẫn nại, âm thầm mọc lên.
Cuốn sách Như Ý ra mắt và ký tặng hôm nay chỉ dày 85 trang, một cuốn sách mỏng, khiêm tốn so với những cuốn mà các tác giả khác thường dày trên hai trăm trang. Nhưng người điểm sách, Cao Minh Hưng đã nhận xét “Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là quyển sách tuy mỏng, nhưng nó đã gói ghém phần lớn những gì mà tác giả muốn trải lòng mình qua quyển sách này” …“Quyển sách như một dòng chảy của lịch sử Việt Nam phản chiếu qua cuộc đời của tác giả”.
Cuộc đời của tác giả, nếu không được viết ra như tiếng nói của im lặng (the voice of the silence) thì cũng như hàng triệu người Việt nhỏ bé vô danh cứ lầm lũi chịu đựng hoặc chấp nhận bao nỗi thống khổ không ai biết tới. Lịch sử dân tộc không chỉ dành riêng cho những lãnh tụ vĩ đại, hay cho riêng một đoàn nhóm, đảng phái nào mà là của mọi người, của mỗi cá nhân trong đó có nhân vật nhỏ bé Như Ý.
Những biến cố lịch sử to lớn đã tác động lên tâm thức của cô bé Như Ý ngay từ lúc chào đời năm 1970 tại vùng đất miền Trung, thành phố Đà Nẵng, thời gian mà súng đạn từ hai phía ngày đêm đe dọa sinh mạng con người.Tháng 4-1975, cảnh hỗn loạn diễn ra khi Cộng quân chiếm thành phố. Cô bé 5 tuổi và đứa em trai 4 tuổi như hai cọng rác, theo dòng nước lũ cuốn trôi cùng với dòng người bị đẩy lên chiếc trực thăng di tản vào Sài Gòn. Nỗi sợ hãi vì bơ vơ không người thân đã tạo nên trong cô một nỗi lo âu thường xuyên “I was in a permanent state of anxiety and, felt scared of many things, especially the dark where ghostlike images I had created tried to hurt me” ( Sách đã dẫn –trang 2 ).Giống như một chồi cây non bị giông tố quật tơi tả, trong tâm thức non nớt của cô phát sinh một thứ bệnh tưởng, bệnh tự tưởng tượng ra những bóng ma theo đuổi sẵn sàng ám hại mình.
May mắn được đoàn tụ gia đình ở Sài Gòn nhưng cô phải sống một đời sống cơ cực tại một vùng đất hoang.Người cha thân yêu nhất tưởng có thể là ngọn hải đăng dẫn đường cho đứa con gái mới lớn, ngược lại ông quá hà khắc và nhiều lần đối xử bạo động với cô. “He threw a glass bottle of ink straight at me that landed on my chest and broke into pieces. The blue ink and red blood was all over my chest. I was terrified and cried hysterically” ( sđd—trang 11 ). Vết sẹo trên ngực cô vẫn là một dấu ấn suốt đời làm cô sầu muộn. Nhưng điều tệ hại hơn vết thương thể xác lại là một mệnh lệnh đơn giản nhưng sắc hơn mã tấu: Shut up! Cô bé đau quá nhưng bố cấm khóc, cấm làm ồn. “His actions not only successfully robbed my voice but shut me out of his world and left me in a dark room in total isolation” ( sđd—trang 12 ) Những lời lẽ xua đuổi, sự cô lập và cấm đoán nặng nề, mắng cô là đô vô dụng khiến phát sinh trong cô mặc cảm tự ti với người đời. Bây giờ nghĩ về điều này, cô phê phán lối giáo dục của cha cô nói riêng và tập quán người Việt Nam nói chung: “This was the meanest thing that any parent could ever said to a child” (sđd—trang 12). Ông còn bạo hành với cả mẹ cô khiến tâm hồn cô càng ngày càng lâm vào cảnh bế tắc đến độ có lần tính nhảy xuống giếng trước nhà kết liễu cuộc đời ( sđd trang 13 ). Tuy nhiên, theo cô, điều đáng quý còn sót lại trong con người ông đó là tính lương thiện.
Khi còn bé, cô chưa hiểu sâu xa những lý do nào khiến ông bạo hành với người thân trong gia đình mà không cư xử như thế với người ngoài. Sự bất lực, bất mãn, nhẫn nhục trước quyền lực xã hội chính trị bên ngoài khiến ông trút những cơn giận đè nén từ lâu vào vợ con là những đối tượng không bao giờ dám phản kháng.Tục ngữ Việt Nam có câu “No mất ngon, giận mất khôn”. Khi cơn giận như giòng thác lũ ập đến, tâm người ta bị một mảng tối che mờ, không biết rằng cơn giận của mình đã tác hại đến người khác thế nào.
Phân tích tâm lý của những đứa trẻ, tâm hồn bị tổn thương nặng từ tấm bé ( traumatized), khi lớn lên, đứa trẻ sẽ bạo hành một cách vô thức để trả thù và hướng về đối tượng là con cái của mình như ngày xưa đứa trẻ đã gánh chịu. “Vicious cycle” . Nếu hiểu được như thế, Như Ý sẽ thông cảm với những hành động trước đây của cha mình hơn và sẽ thức tỉnh cũng như rút ra những kinh nghiệm trong sự đối xử với con cái sau này.
Năm 1985, cô bé 15 tuổi lại rời xa người thân, vượt biển.Tất cả những nỗi gian truân của thuyền nhân như phải đối diện với cái chết, hải tặc, đói, khát... cô đều trải qua. Cô may mắn đến được bến bờ bình yên .Nhưng nỗi nhớ gia đình, quê hương là tâm cảnh cay đắng trong cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, là nỗi cô độc, cô đơn của kẻ tha phương.
***
Mình là người “mở hàng” quyển sách “Finding My Voice :A Journey of Hope” của Như Ý với hy vọng “ra ngõ” bán sách “gặp giai” sẽ hên, Như Ý sẽ bán được nhiều sách hôm nay.Quyển sách cũng đang được bán trên mạng Amazon.com.
Cầm quyển sách trên tay, mình tìm một góc khuất, mê mải đọc những giòng tiếng Anh trau chuốt, sáng sủa của Như Ý, chợt nghe giọng ca ấm áp thiết tha của ca sĩ Hạnh Cư, trong bài Đêm Đông”, nhạc khúc mở đầu chương trình.
……………….
Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha hương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông xa nhà…..
Thời tiết Little SaiGon thật lý tưởng.Gần qua hạ đỏ rồi mà trời vẫn còn lành lạnh tưởng như mùa đông còn đang ở quanh đây. Mình tạm gấp sách, đảo mắt nhìn một vòng hội trường. Phe ta đây rồi. Bà con đang tụ quanh Như Ý ở bàn ký sách lưu niệm. Iris Đinh trong chiếc áo dài “phăng” xanh lá mạ, ngắn đến đầu gối, mang đầy nét “hương đồng cỏ nội” miền Bắc xa xưa. Thụy Nhã xinh xắn, nhỏ nhắn và trang nhã trong chiếc áo dài màu hồng nhạt làm mình nhớ một lời ca trong bài “Như Cánh Vạc Bay” “..Vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạc về chốn xa xăm”( Trịnh công Sơn). Annie Kim là phu nhân nên mình phải ...khen rồi. Hình như màu hồng cánh sen, các bà các cô ai mặc màu này đều có vẻ như trẻ ra? Anh Bồ Tùng Ma trong bộ đồng phục màu xanh đậm hải quân. Anh đội cái mũ bê-rê và thú nhận trước mọi người mình già rồi, đội nón chỉ để che cái đầu hói chứ còn oai phong lẫm liệt gì nữa? Anh Nguyễn Hữu Thời trong bộ “suit” xám, nghiêm túc, bệ vệ, trên ngực đính một huy hiệu nhỏ cờ vàng ba sọc đỏ. Anh chị Trần Đức Hân ngồi hàng ghế thứ hai, lúc nào cũng chân tình trong những buổi ra mắt sách của bằng hữu .Ngoài ra còn có Cao Minh Hưng “chủ xị” phụ trách văn nghệ kiêm MC.
Việt Bút loáng thoáng chỉ có bấy nhiêu so với lực lượng hùng hậu của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ gồm hơn hai mươi nữ ca sĩ thướt tha trong áo dài xanh hoa đỏ và đoàn thiếu nhi CLBTNS hơn mười cháu góp mặt với màn múa Kẹo Hồng do nhạc sĩ Cao Minh Hưng phổ nhạc từ bài thơ của Iris Đinh. Lời ca, ý nhạc, điệu múa, phong cách trình diễn, trang phục đem lại không khí tươi trẻ, hồn nhiên, tươi mát cho hội trường.
Tưởng tượng một cô bé tuổi trăng tròn tan học trường làng, trên đường về nhà xuyên qua những bờ kinh, ghé quán bà Ba mua kẹo hồng, chia một nửa cho bạn tình. Hai đứa tung tăng men theo bờ đê dọc theo con sông bao quanh lũy tre làng.
…………
Ôi viên kẹo hồng thơm thơm
Sông quê chào mừng múa hát
Chia nhau kẹo hồng đón thu
Đường về xưa sao quá ngắn
Chưa tan kẹo mềm mới chia
Tình ơi không xa cách nhé
Mong rằng kẹo ngọt chớ tan....
Chương trình văn nghệ hôm nay có điểm đặc biệt. Xen kẽ những tiết mục nhạc Việt là những bài hát bằng tiếng Mỹ do các em trong CLBTNS đơn ca như mở đầu là cháu Hilary với bài “Do You ?”, thơ Như Ý, Cao Minh Hưng phổ nhạc.
Ở đây tình yêu đối lứa đã vượt qua tuổi học trò. Nàng đi tìm định nghĩa cho tình yêu bằng những câu hỏi cho người tình : “Do you love me, darling “, “Do you want me, Darling?”, “Do you need me, Darling?”. Có phải tình yêu giống như ngàn sao và bầu trời là một ? Như ánh nắng chan hòa trái đất? Như chim xanh lẫn trong trời mây ? Có phải hai đứa yêu nhau như trẻ con thèm kẹo, như bé thơ đòi mẹ , như hoa tươi cần ánh nắng, như cá cần nước, như mọi loài sinh vật cần không khí ?
Like the stars are one with the sky at night
Like the sun shining on Earth
Like the lovebirds that are one with the sky
……..
Like babies want their mommies
……..
Like flowers need sunshine
Like fishes need water
Like everyone need air
Cánh đồng xanh, giòng sông êm đềm, bầu trời trong vắt của tuổi thơ, của tình yêu đôi lứa bỗng vẩn đục vì bom đạn hận thù. Bỏ lại, ra đi, sợ hãi, lén lút . Giọng ca Tuyết Hạnh u buồn, nghẹn ngào trong bài “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” của nhạc sĩ Châu đình An.
Đêm nay anh gánh dầu ra biển ….anh đi
Anh chôn, anh chôn mối tình chúng mình
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Anh phải bỏ đi thắp lại ngọn đuốc hy vọng..
Và hàng triệu những thuyền nhân Việt Nam đã ra đi:
Bao trang sử bi hùng
Của người Việt ly hương
Được viết lên bằng máu
Hòa nước mắt niềm đau
Bao người đã ra đi
Vượt đại dương giông tố
Liều chết đi tìm sống
Vì hai chữ tự do....
Nhạc phẩm “Thuyền Nhân Việt Nam” của nhạc sĩ Cao Minh Hưng được toàn ban CLBTNS hợp ca vẽ lên cả một thảm kịch bi tráng của dân tộc. Máu, nước mắt, nước biển Đông hòa trộn thành giòng sông tâm thức vẫn chảy ngầm trong những thuyền nhân sống sót. Họ không chết đuối trong giòng sông mà đã vươn lên từ những vực sâu tuyệt vọng như nhạc sĩ Châu Đình An viết “Anh phải bỏ đi thắp lại ngọn đuốc hy vọng..”; như Võ Như Ý viết “My brother and I arrived at Los Angeles Airport on a beautiful afternoon with our hearts full of hope for the better days in the great country, the United States of America” (sđd—trang 39). Chính tại nơi đây cô đã rũ bỏ được những ám ảnh đen tối hãi hùng của một thời khổ ải “I did not want to repeat the history of my father’s behavior”.. “I cried many nights when I felt out of control. I was on my knees, praying sincerely for this madness to stop before it became a vicious cycle”….
…. “It took me several years before I learned how to control my temper and violent behavior”
..(sđd—trang 58 ). ..”I am thankful that I was able to stop this vicious cycle from repeating itself” (sđd—trang 72 ).
Hai bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” và “Thuyền Nhân Việt Nam” đã làm nhiều khán giả chiều hôm ấy đưa khăn lau mắt ; họ là những chứng nhân, là nạn nhân của thảm kịch lịch sử này.
Để thay đổi không khí, một trong những MC kiêm ca sĩ , Hồng Vân, người dẫn chương trình một cách uyển chuyển với giọng nói lưu loát cống hiến một bài nhạc ngoại quốc thời thập niên 60 “Five Hundred Miles” kể chuyện người khách lãng du xa nhà mà có lẽ thế hệ nào cũng thích.
Bản nhạc vui giống như một nốt nhạc lên cao tiếp theo là một nốt nhạc trầm với phần đọc thơ Như Ý. Không khí như trầm lắng vì lời thơ là nỗi lòng của cô. Bài thơ “Goodbye, Mom and Dad” ( sđd—trang 27) chị Phương Hoa dịch sang tiếng Việt nói về tâm trạng cô bé 15 tuổi giã từ cha mẹ, giã từ quê hương đi theo sóng biển về một chân trời vô định, một nơi đất lành chim đậu hay là thủy cung sâu thẳm. Who knows ?
Good-bye, Mom and Dad
Here I go to an unknown land...
(Giã từ cha mẹ con đi
Đến nơi vô định xiết bao nghẹn ngào...)
…………
I left my poor sandals
And left my whole world as well...
(Hài hoa bỏ lại sau lưng
Bỏ lại cùng với quê hương cội nguồn...)
Một điểm đặc biệt nữa là chương trình ra mắt sách của Như Ý lần này có sự hỗ trợ của gia đình bên chồng cô, anh Dennis và bà con của anh lo phần thức ăn nhẹ, cô Dianne Alfaro là chị dâu của Như Ý đọc bài thơ bằng tiếng Anh, ca sĩ Phi Loan ngâm bằng tiếng Việt với tiếng sáo đệm của nghệ sĩ Ngọc Nôi. Nghệ sĩ Ngoc Nôi tuy tuổi đời đã cao nhưng tiếng sáo của ông còn đầy phong độ ,vững vàng làm mình nhớ lại những nghệ sĩ thổi sáo trước 75 ở miền Nam nổi tiếng như Nguyễn Đình Nghĩa, Tô Kiều Ngân.
Nghe tiếng sáo khi trầm khi bỗng của anh Ngọc Nôi, mình cảm nhận một điều, hóa ra không phải mình đã bỏ lại hết quê hương. Quê hương Việt Nam đang ở đây với tất cả di sản quí báu đầy tính nhân bản của miền Nam Việt Nam, với những bằng hữu, anh, chị, em , con cháu cùng nói tiếng Việt, hát nhạc Việt, đọc và ngâm thơ Việt, ôn lại những trang bi, hùng trong lịch sử Việt.
Tiếp nối chương trình phần đọc thơ bằng tiếng Anh của cô Dorian Garcia là một bài thơ khác của Như Ý “Why I Write” “ Vì Sao Tôi Muốn Viết”, Iris Đinh dịch sang tiếng Việt.
Từng trải qua một quãng đời bị buộc phải câm nín, chịu nhận sự yên lặng kéo dài, che giấu những suy nghĩ và tình cảm trong tâm thức để rồi sau này trở thành một quán tính, thái độ “shut up”, tưởng như không bao giờ trong đời cô được nói lên tiếng nói riêng của cô. Mười bốn năm sau khi tới Mỹ, năm 1999, một cơ duyên tình cờ đưa cô vào trang mạng VIETMEDIA.COM, một diễn đàn bằng tiếng Việt ở đó cô có thể đọc và viết tự do. “For the first time in my life , I could feel the human connection, warm and gentle. I needed it. From that weekend until now, I have been passionate about writing. It is therapeutic for me and has helped me heal the deep wound I had inside. It helped me open up and release the intense feelings that had built up within me for so long” ( sđd—trang 56).
Năng lượng cảm xúc từ những tổn thương thời thơ ấu đã chất chứa trong tâm khảm cô bị ẩn ức trong gần 30 năm bây giờ nương theo ngôn ngữ có dịp tuôn ra như một đường giải thoát, một “therapeutic” giúp chữa lành tâm bệnh u uất. Cô ví cái “self” đích thực của cô như một tù nhân biệt giam phòng kín mà diễn đàn này như một cánh cửa mở ra cho tia sáng mặt trời ùa vào.
“It was the door that opened up to bring in light from the outside world for a confined prisoner who had not seen a single ray from the sun for many years” (trang 56).
“ Without the freedom to express my deepest sorrow, I would probably have ended up in a mental institution or in prison for killing someone out of rage ( sđd—trang 60).
Như Ý tự nhìn sâu vào nội tâm mình để giải nghĩa việc viết văn của mình trong bài thơ “ Why I Write ( sđd—trang 61 )
Deep down in the very core of my being
There is an endless river of words
Emotionally charged words
That need to be brought forth and expressed
( Sâu thẳm trong tâm tôi
Cảm xúc dâng bời bời
Muôn lời cuồn cuộn chảy
Muốn tuôn tràn ra khơi…)
Deep down in the very core of my being
There is an endless river of words
Emotionally charged words
That I have longed to write
To liberate my soul
( Sâu thẳm trong tâm tư
Muôn lời cuồn cuộn chảy
Dâng cảm xúc ngời ngời
Muốn tuôn tràn trên giấy
Cho hồn mình thênh thang.)
Cô thấy mình tự giải phóng chính mình và đồng thời cảm thấy nhu cầu giúp người khác vượt qua những khó khăn trong đời sống của họ. Từ năm 2001, cô làm việc cho Los Angeles County giải quyết những vấn đề xã hội. Cô đã gặp nhiều trường hợp khiến cô rớt nước mắt. Tình thương tha nhân càng giúp cô mở rộng lòng nhân ái ( sđd –trang 73 ). Bài thơ “ Play for Me The Music Of Love” ( sđd trang 3) diễn tả hạnh phúc nội tâm mà cô đạt được sau bao thăng trầm và đau khổ :
Play for me, the music of love
Chase away all the dark clouds
Clear the sky with beautiful rainbows
Let the sun’s radiance shine
(Hãy tấu lên cho tôi khúc nhạc tình muôn thuở
Cho lòng tôi rộng mở
Trong như trời không mây
Ánh cầu vồng rực rỡ
Địa cầu dang vòng tay
Đón mặt trời hớn hở)
Play for me again, the music of love
Bring great melodies and rythms to life
Fill this world with joy and happiness
Let us all sing along in harmony
(Hãy tấu lại cho tôi khúc nhạc của tình yêu
Thổi vào đời nhịp điệu
Hạnh phúc cùng niềm vui
Bài đồng ca kỳ diệu)
MC Cao Minh Hưng mời Phong Đào lên sân khấu đọc bài thơ bằng tiếng Việt sau khi cô Melody Sandoval đã đọc nguyên tác tiếng Anh. Mình cảm ơn tác giả Như Ý đã chấp nhận bản dịch của mình phần nào tương đồng với nguyên bản vì thực sự mình không tự tin nếu dịch sát nghĩa từng chữ từng câu mà chỉ dám nương theo ý thơ mà chuyển qua tiếng Việt.
Mình đang say sưa đọc hết hai đoạn đầu , đến đoạn thứ ba bỗng liếc mắt ra cửa hội trường thấy ông bạn già nổi tiếng thế giới tên Alzheimer đứng lấp ló nháy mắt một cái và một
mỹ nhân hàng hiệu tên “ Gap” giơ tay vẫy chào, thế là dòng liên tưởng chữ nghĩa trong đầu mình đứt đoạn, không nhớ được câu thơ đầu của đoạn thứ ba nữa. “Hãy tấu lại lần nữa miên khúc của yêu đương”. Câu thơ này diễn tả tình yêu đẹp và lãng mạn như một khúc nhạc triền miên .Thế mà giống như dòng xe trên freeway bất ngờ bị dừng lại vì một xe cảnh sát chặn ngang, hay như một dòng nhạc bất ngờ dừng lại vì một dấu lặng. Đang trong cơn bối rối may sao có tiếng nhắc tuồng của tác giả từ cuối hội trường vang lên. Trí nhớ phục hồi, mình tiếp tục đọc được hết bài thơ . Cám ơn Như Ý. Liếc ra cửa hội trường, không thấy ông già Alzheimer và cô “Gap” đâu nữa. Ở lứa tuổi gần lên hàng …tám như mình đây, thỉnh thoảng hai người bạn này cũng giở trò trêu ghẹo quái ác như thế đấy. An ủi thay, khán thính giả thông cảm cho nên vừa đọc dứt bài thì một tràng pháo tay vang lên chúc mừng mình vượt qua “lỗ hổng ký ức” (memory gap). Sau đó ra hành lang gặp ông bầu Cao Minh Hưng, tự tuyên bố hủy hợp đồng trình diễn hai năm đã ký tuần trước, nhưng ông bầu khích lệ nói : “ Có khi nhờ vậy mà khán thính giả trong buổi lễ ra mắt sách hôm nay sẽ nhớ mãi hình ảnh anh Phong Đào bị ông Tổ thơ tổ trác, phóng một dao làm dứt dòng freeway. Phóng Dao chưa đến nỗi “lú”, chỉ mới ... hơi “lẫn” thôi.”
Phần Điểm Sách được bốn diễn giả, chị Dominique Gonzalez, anh Cao Minh Hưng, chị Delia Delgrado và chị Iris Đinh trình bày. Cả bốn diễn giả đều có chung nhận xét về tính chân thực trong lời văn của tác giả Crystal H. Vo. Cô đã trải lòng mình một cách chân thành khi kể về hơn bốn mươi năm đời mình. Bốn mươi năm với bao trải nghiệm đau thương nhưng tác giả đã vượt qua bằng nghị lực mạnh mẽ để đạt đến thành công như hôm nay. Nếu không có nghị lực tiềm tàng trong tâm thức, cô không thể chống chọi được những ma lực hay những chướng duyên đến từ bên trong thúc đẩy cô tự hủy diệt mình hay phạm tội ác đưa cô đến nhà tù hay dưỡng trí viện.
Mặc dù cái xấu, cái ác đến từ bên ngoài, nhưng vấn đề là đối trị, hóa giải chúng thế nào ?
Như Ý đã tìm ra được phương cách hữu hiệu là nhìn thẳng vào những ý nghĩ tiêu cực và thay thế chúng bằng những ý nghĩ tích cực. “Throughout my life, I have made many mistakes. If I had known better, I would not have made so many mistakes, but I am not bitter about them anymore…..I want to use words to defuse injustice and hatred in the world. I want to use words to apologize and forgive. I want to use words to comfort and encourage. I want to build a better community and a peaceful world……..Whenever I have dark or negative thoughts, I instantly replace them with positive ones” ( sđd—trang 84-85).
Nhờ vậy, tâm cô luôn luôn tỉnh thức ( constant awareness, constant mindfulness) giống như người lính gác đứng từ chòi canh trên cao, luôn luôn quét đôi mắt tỉnh táo để dò tìm kẻ địch có thể ngụy trang tấn công cô trong đêm tối. Những ma lực ấy luôn luôn lấy bóng tối làm đồng lõa để ám ảnh, đe dọa trong khi tâm tỉnh thức là ngọn đèn pha chiếu sáng xóa tan bóng đêm.
Năm 2008, Như Ý gia nhập nhóm Việt Bút từ mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo. Cô có cơ hội đọc nhiều truyện thực của các bạn trong nhóm. Cô nhận thấy sân chơi chữ nghĩa này đã phơi bày biết bao cảnh đời bất hạnh có khi còn bi đát hơn cô. “Reading their stories, I can relate to them, thus I don’t feel alone in this world anymore” ( sđd—trang 74). Hoặc như hôm nay, Iris Đinh nói “To me, as another survivor…another member of…suffering club. ( Phong Đào xin mạn phép thêm một ý , đó là “Câu Lạc Bộ của Những Người Chiến Thắng Đau Khổ” ) . Những người sống còn và chiến thắng các nỗi đau khổ ấy bây giờ họ may mắn đã có được một đời sống bình an trong đó có Như Ý. “I can honestly say that I now live each day with peace and tranquility”. (sđd—trang 85).
Từ xa , mình thấy các cháu trong CLBTNS chuẩn bị các tiết mục mới. Các anh chị nhạc sĩ, ca sĩ của CLBTNS hầu như vẫn chưa thấy mệt mặc dù chương trình văn nghệ đã sang phần thứ hai. Phải có lời khen ngợi và cảm ơn ban nhạc như anh Trần Hào Hiệp guitarist kiêm ca sĩ chính có giọng hát chuyên nghiệp, anh keyboard Trần Anh Tuấn ….Các anh đến sớm từ 1 giờ trưa để chuẩn bị nhạc cụ và cũng là những người ra về cuối cùng.
Sau phần giới thiệu sách là phần văn nghệ dành cho các cháu lớn lên và sinh sống ở Mỹ. Các cháu thuộc thế hệ trẻ sinh ở Mỹ tuy được hấp thụ nền văn hóa Mỹ nhưng nhờ giáo dục của gia đình và nhà trường là các trung tâm dạy Việt ngữ trong cộng đồng người Việt nuôi dưỡng hồn dân tộc trong đáy sâu tâm thức.
Trên sân khấu, mình ngắm và nghe hai cháu Thuận Thiên và Thục Nghi trình diễn bài “Tôi là Người Việt Nam” bằng tiếng Mỹ thật truyền cảm. Đây là bài hát của nhạc sĩ Ánh Minh và Dương khắc Linh nói về niềm tự hào được làm người Việt Nam và mơ ước khám phá những vẻ đẹp của quê hương đất nước của người trẻ lớn lên và sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” (Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy) vì “Tôi Là Người Việt Nam”.
Không khí văn nghệ được thay đổi bằng giai điệu Bolero truyền cảm với bài hát “Chiếc Áo Bà Ba” do ca sĩ Kiều Thơ trình bày được phụ diễn bởi một đoàn vũ công yểu điệu. “Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm” mang hình ảnh quê hương của miền sông nước Hậu giang . Cô lái đò trong chiếc áo bà ba truyền thống của người phụ nữ miền Nam, “nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ”, “thấp thoáng con thuyền bé nhỏ lướt mong manh” cất câu hò kêu gọi khách sang sông, là hình ảnh thật đẹp , khó quên trong lòng người lữ khách.
Ca sĩ Trần Hào Hiệp, một giọng hát chuyên nghiệp, vững vàng và truyền cảm của ban nhạc xuất hiện trên sân khấu với một bản nhạc ngoại quốc quen thuộc “Speak Softly Love”. Từng lời ca, và giai điệu trữ tình “Speak softly love and hold me warm against your heart” làm mình hồi tưởng lại những màn đấu súng nổ tung màn bạc trong cuốn phim nổi tiếng “Bố Già” (The Godfather).
Nhìn xung quanh, mình thấy các cô vũ công của CLBTNS đã thay những chiếc áo màu sắc rực rỡ, vai khoác một chiếc gùi như những cô gái vùng cao. Thì ra các cô đang đóng vai những cô gái sơn cước Mường Vang và chuẩn bị màn múa bản nhạc“Trăng Sơn Cước” nhắc lại mối tình nên thơ xa xưa giữa người lữ khách giang hồ với cô gái miền sơn cước.Lời hát hay, nhạc sôi động, vũ công múa đều, trang phục đẹp mắt làm cho màn vũ thêm phần hấp dẫn.
Đây là giây phút nhân vật chính xuất hiện trên sân khấu sau khi cô đã ngồi ở bàn tiếp tân ký sách mỏi tay. Sau phần giới thiệu của Cô MC Dorian Garcia, chiếc áo xanh da trời Như Ý bước lên sân khấu cám ơn tất cả các bằng hữu, các bậc trưởng thượng đã đến tham dự và giúp đỡ tổ chức thành công buổi ra mắt sách. Cô đặc biệt gởi lời tri ân đến anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca và tòa soạn Việt Báo như cô viết trong sách : “I am very grateful to Viet Bao Newspapers for creating a bridge for us all through yearly writing contest since 2000. I hope they will remain prosper in business many years to come ( sdd –trang 74).
Cô nói động lực chính thúc đẩy cô viết sách này là muốn giúp cho những người không may rơi vào bệnh trầm cảm biết cách phòng ngừa và chữa trị theo kinh nghiệm bản thân cô. Cô tâm sự từ bé cô hay buồn, dễ buồn mà không hiểu tại sao ? Đây có phải là bệnh hay do trời sanh như thế. Nếu chỉ suy nghĩ mà không làm gì thì quá thụ động. Nếu là bệnh thì phải tìm cách chữa trị bệnh bằng nhiều hướng như tham gia công việc xã hội, sinh hoạt cộng đồng, làm thơ, viết nhật ký, viết báo, làm những công việc về tinh thần sẽ giúp cho nỗi buồn qua đi.Nếu tự cô lập, xa lánh xã hội, sống khép kín thì căn bệnh càng ngày càng nặng thêm đến lúc có thể phải vào dưỡng trí viện thì đã muộn. Cô cũng lưu ý các bậc phụ huynh cần theo dõi con em nếu có những triệu chứng để kịp thời chữa trị.
Nói đến các cháu là nói đến tuổi thơ, MC Hồng Vân giới thiệu mười em trong nhóm Tài Năng Trẻ của CLBTNS lên sân khấu trình diễn màn nhạc cảnh Quê Hương Tuổi Thơ Tôi cùng với tiếng hát của chị Lisa Trần.
Tôi yêu quê tôi xanh xanh lũy tre
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi
Đường làng quanh co sông Thu êm đềm
Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng...
Ngày ấy đâu rồi…ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ...
Biết đâu tìm lại. Biết đâu mà tìm...
Có những quê hương tuổi thơ đẹp như tác giả Từ Huy miêu tả để tác giả còn muốn nhớ về, nhưng có những tuổi thơ nhiều khổ ải phiền muộn như Như Ý đã trải qua chắc cô chẳng muốn tìm lại trong khi cô đang có một hiện tại hạnh phúc và an bình. Hoặc như thằng bé côi cút, lang thang, đói rách, sống lây lất đầu đường xó chợ được nhạc sĩ kiêm ca sĩ Cao Minh Hưng trình bày trong nhạc phẩm “Nó” của cố nhạc sĩ Anh Bằng đã làm xúc động lòng người.
…………
Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ...
Từ giai điệu buồn của bài hát “ Nó”, MC Cao Minh Hưng chuyển sang một bài hát vui và sinh động của một mùa hè sắp đến. Chỉ còn ba tuần nữa mùa xuân ra đi nhường chỗ cho hạ trắng, mùa của học trò nghỉ hè về quê, của những hoạt động vui chơi ngoài trời, của những chuyến đi xa. Tiếng hát của ban tam ca Thùy Châu, Cẩm Nhung và Mai Chi trong bài “Vào Hạ” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã làm cho không khí văn nghệ vui tươi và rộn ràng hẳn lên:
……………
Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời
Đời bọt bèo phù du kiếp người
Dù qua bao đắng cay vẫn cười
Vì đã còn mùa hạ tươi vui...
Chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục mặc dù trời đã về chiều, một số các anh chị đã về sớm sau nhiều tiếng đồng hồ tham gia ủng hộ buổi RMS của Như Ý. Bài hát “ Biết Bao Giờ Trở Lại” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể lại có những người vượt biển tìm tự do nghĩ rằng không bao giờ họ còn trở lại quê hương sinh sống như xưa. Cảnh đã đổi, người đã thay.Như Ý rời Việt Nam năm 1985, mười hai năm sau 1997 cô trở về như một người khách lạ. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhớ Sài Gòn chỉ còn biết cất cao tiếng tự hỏi Biết Bao Giờ Trở Lại ? Ca sĩ Hoa Phượng hát thay ông
Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Sài Gòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi...
Ca sĩ Huỳnh Anh tiếp nối chương trình văn nghệ vào những giây phút cuối với bài Mẹ Của Tôi. Đề tài viết về Mẹ không bao giờ cạn. Hát về Mẹ vẫn là những bài hát hay và tình cảm. Dù con ở phương trời xa xôi, dù con đã thành công nơi xứ người nhưng nỗi nhớ mẹ, lòng biết ơn Mẹ vẫn canh cánh trong lòng con. Giọng Huỳnh Anh trầm ấm hát về Mẹ dễ gây xúc động lòng người.
Kiên nhẫn chờ suốt mấy tiếng, ca sĩ Phạm Hoàng vẫn tỉnh táo lên sân khấu bao chót với bài Gặp Nhau Làm Ngơ thật vui tươi:
……
Khi đêm sang đom đóm đong đưa
Giờ nàng đã ngủ chưa
Đi lang thang khuya lắc khuya lơ
Đèn nhà ai tắt sớm....
“ Ô Mê Ly” là bài hát cuối cùng chấm dứt chương trình văn nghệ của các anh chị em CLBTNS và cũng chấm dứt buổi ra mắt sách “ A Journey of Hope” của tác giả Võ Như Ý. Tất cả các anh chị em còn ở lại đến giờ phút chót đều được anh Cao Minh Hưng mời lên sân khấu hát và chụp hình lưu niệm.
Viết đến đây mình không quên cám ơn các anh Lân, anh Đinh Đắc, anh Hải, chị Lê Thúy Vinh chụp cho nhóm Việt Bút, CLBTNS và thân hữu nhiều tấm hình đẹp.
Tục ngữ Việt Nam có câu “ Có thực mới vực được đạo”. Phải có ăn trước rồi mới có sức làm việc. Buổi ra mắt sách của Như Ý ngược lại. Hơn ba tiếng đồng hồ ăn, nói, ca , hát, múa, nhảy...các anh chị và các em, các cháu trong nhóm CLBTNS đã đóng góp hết mình các tiết mục văn nghệ cho buổi Ra Mắt Sách của Như Ý được thành công.Mình không quên nhắc tới một người làm việc thầm lặng. Đó là anh Dennis, ông xã của Như Ý. Khi mình đến tòa soạn vào lúc 12:30 trưa để mở khóa cửa hội trường, chỉ có hai vợ chồng xăn tay áo vào kho lấy bàn ghế sắp xếp thành hàng lối.Một mình Dennis lo treo banner.Dennis rất dễ mến, hòa nhập dễ dàng vào sinh hoạt văn hóa của người Việt.
Sau khi “vực được đạo”, giờ là lúc “xực phàn”. Như Ý và gia đình đã mời nhóm CLBTNS và thân hữu đến nhà hàng Kim Sư ăn tối.
Mình và Annie đến nơi lúc 6 giờ rưỡi đã thấy gia đình Như Ý ngồi một bàn, “phe ta” CLBTNS ngồi đầy hai bàn rồi. Ai cũng đói bụng vì đã đến giờ cơm chiều. Thực đơn là cơm phần gồm nhiều món hấp dẫn nào là canh chua, gà xào , nghêu xào quế, tôm chiên dòn, cá chiên, thịt bò lúc lắc... ăn với cơm trắng.
Một buổi ra mắt sách thành công. Một buổi chiều vui. Một bữa cơm tối ngon miệng. Và trên hết, nỗi niềm của tác giả Như Ý đã trở thành niềm vui với cô khi quyển sách đã có những người bạn chia sẻ và hy vọng sẽ có thêm những quyển sách mới của Như Ý viết bằng tiếng Anh cho giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ có cơ hội đọc.
Cuối cùng, cám ơn các anh chị em nghệ sĩ và các cháu Tài Năng Trẻ trong CLBTNS đã cho nhóm Việt Bút và khán thính giả được thưởng thức một chương trình văn nghệ phong phú, đậm đà tình quê hương.
Đào Ngọc Phong
Westminster CA ngày 29 tháng 5 năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét