Donald Trump ký quyết định áp thuế nhập khẩu nhắm vào thép và nhôm ngày 08/03/2018.REUTERS/Leah Millis TPX IMAGES OF THE DAY
Người Việt có câu : Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đâm sau lưng « ông bạn » Tập Cận Bình khi cuối cùng chỉ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ? Chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định tạm ngừng áp dụng mức thuế mới với sáu nước và đồng minh (Liên Hiệp Châu Âu, Canada, Mêhicô, Úc, Achentina, Brazil và Hàn Quốc).
<!>
Quyết định tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump, nguyên là doanh nhân 71 tuổi, kể từ khi vào Nhà Trắng không ngừng ca ngợi « mối quan hệ tuyệt vời » với nhiều nhà lãnh đạo thế giới : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tổng thống Nga Putin hay tổng thống Achentina Mauricio Macri. Nhưng « mối quan hệ tốt đẹp nhất », có vẻ được ông Trump tâm huyết nhất, vẫn là với chủ tịch Tập Cận Bình, người trở thành nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông (1949-1976).
« Tình bạn » và « tình đoàn kết » giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vẫn còn lưu trong hình ảnh chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 04/2017 của chủ tịch Trung Quốc : cô cháu ngoại Abella hát tiếng Trung tặng chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ; cả hai nguyên thủ thưởng thức chiếc bánh sôcôla « tuyệt vời nhất » tại tư dinh Mar-a-Lago (Florida)…
Tổng thống Trump chấp nhận cư xử bình đẳng với Trung Quốc và chủ tịch Tập cũng tỏ ý cùng chí hướng với chủ nhân Nhà Trắng khi hai quốc gia có chung lợi ích. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên thủ Trung Quốc không chú trọng đến « việc chăm chút cho quan hệ cá nhân » với tổng thống Mỹ mà chỉ tỏ vẻ như vậy nếu điều đó mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Vì « Ông Tập không để tình cảm chi phối », theo phân tích của Ryan Hass, cựu cố vấn về châu Á của Barack Obama.
Đúng là « mối quan hệ tốt đẹp » giữa hai nhà lãnh đạo đã mang lại một số kết quả, như tiến triển trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thương mại song phương dường như đang trở thành vật cản chính.
Tổng thống Trump luôn lên án Trung Quốc là nguyên nhân của mọi khó khăn trên lĩnh vực kinh tế Mỹ, trong đó nhiều cáo buộc là có căn cứ. Khi công bố « giác thư » bao gồm những biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ngày 22/03, tổng thống Mỹ không ngại « vừa đấm vừa xoa »« ông bạn » Tập Cận Bình : ông lên án đích danh « sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc », nhưng vẫn tuyên bố « vô cùng tôn trọng chủ tịch Tập ».
Chuyên gia Hass cho rằng việc công bố « giác thư » dường như mới mang tính chất cảnh cáo tại thời điểm này hơn là những biện pháp tức thì, vì văn bản này, sau khi được tổng thống ký, sẽ cho phép bộ Thương Mại tiến hành tham vấn về các sản phẩm sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, sự phản công của chủ tịch Trung Quốc sẽ nhắm vào tâm điểm cử tri ủng hộ tổng thống Trump.
Trường hợp này đã xảy ra khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 01/2018. Chính quyền Bắc Kinh đã cho mở điều tra chống bán phá giá hạt bo bo Mỹ, một loại nông phẩm được trồng ở miền trung nước Mỹ, nơi cử tri đã ồ ạt bỏ phiếu cho tỉ phú Trump.
Nếu căn cứ vào một số trường hợp trước đây, ông Trump thường « giơ cao đánh khẽ ». Ví dụ gần đây nhất là tuyên bố tăng thuế vào ngày 08/03 đối với mặt hàng thép và nhôm, cuối cùng mức thuế mới lại được tạm hoãn áp dụng đối với nhiều nước, trong đó có Mêhicô, Canada, Úc, Brazil, Liên Hiệp Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand.
Các biện pháp trừng phạt mà Washington công bố ngày 22/03 nhắm vào hàng nhập khẩu vẫn chưa có gì cụ thể. « Khoản tiền 60 tỉ đô la » không được nêu rõ là tổng giá trị hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế, hay tổng số tiền thuế thu từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Thêm vào đó, bộ Thương Mại Mỹ có 15 ngày để lập danh sách chính xác các sản phẩm và các loại thuế áp dụng.
Liệu tổng thống Mỹ sẽ « giơ cao đánh khẽ » với hàng Trung Quốc ? Và mối quan hệ Trump-Tập sẽ ra sao sau quyết định đơn phương của chủ nhân Nhà Trắng ? Thời gian tới sẽ trả lời hai câu hỏi này.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh: "Bắc Kinh không khoanh tay đứng nhìn"Reuters
Ngày 23/03/2018, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa tăng thuế đối với khoảng 100 mặt hàng của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc với tổng trị giá có thể lên đến 60 tỉ đô la. Mục tiêu chính là chấm dứt tình trạng « cạnh tranh thiếu lành mạnh » và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
« Không chút chần chừ, bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa Washington về thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu Mỹ với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đô la, đánh vào các mặt hàng thịt lợn, thép, hoa quả, rượu vang…
Đậu nành của các nhà nông Mỹ, trong đó 1/3 sản lượng được xuất sang Trung Quốc, cũng có thể biến thành vũ khí trả đũa, như lời cảnh báo của ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cây bút xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo.
Ông nói : Trước hết, đậu nành Brazil có thể thay thế đậu nành Mỹ. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng lạc để sản xuất dầu ăn. Thứ hai, một cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm tăng giá cả ở Trung Quốc và kể cả ở Hoa Kỳ. Người Mỹ khó lòng mà thay thế được sản phẩm của chúng ta. Nếu Hoa Kỳ muốn rạch một nhát sâu vào da thịt chúng ta, thì chúng ta sẽ nhổ răng của họ.
Không có chuyện để Hoa Kỳ lấn lướt. Như dự kiến, tối thứ Năm (22/03), bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phát biểu : Chúng tôi kịch liệt phản đốihành động đơn phương và chính sách bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn, chúng tôi sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình.
Sáng nay (23/03), Hoàn Cầu Thời Báo còn viết : Người dân Trung Quốc ủng hộ những luận điểm trên, đồng thời cảnh báo Washington rằng người Trung Quốc có sức chịu đựng bền bỉ mà Hoa Kỳ không thể sánh được ».
Thị trường chứng khoán châu Á chao đảo trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.Nicolas ASFOURI / AFP
Các thị trường châu Á ngày 23/03/2018 đã sụt giá nặng nề, đi theo bước chân của Wall Street ngày hôm trước. Vào trưa nay, các thị trường chứng khoán châu Âu chính của châu Âu cũng bị hạ giá theo xu hướng chung.
Nguyên do là mối lo ngại đang tăng cao của giới đầu tư trước nguy cơ chiến tranh thương mại nổ ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ý định áp thuế lên tới 60 tỷ đô la với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Tokyo bị sụt nặng nề nhất, mất đến 4,51% vào lúc đóng cửa. Cùng số phận với Nhật Bản, thị trường Thẩm Quyến giảm 4,49%, Thượng Hải mất 3,39%, Hồng Kông 3,12%.
Tại những khác, Hàn Quốc mất 3,18%, Úc rơi 1,99%, Đài Loan khi chưa đóng cửa đã bị giảm 2%
Châu Á đồng loạt sụt giảm sau khi New York trải qua một ngày đen tối với cả ba chỉ số đều lao đao : Dow Jones giảm 2,93%, S&P 500 mất 2,52%, trong lúc Nasdaq lùi 2,43%,.
Toàn cảnh chung trên đây đã tác động đến châu Âu. Vào khoảng 12 giờ giờ quốc tế hôm nay, chỉ số CAC40 của thị trường Paris mất đi 1,56%, trong lúc tại Frankfurt, chỉ số Dax mất đi 1,73%.
Theo ghi nhận của giới phân tích, nỗi lo ngại của các nhà đầu tư sẽ tác hại mạnh nhất đến các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, vì lẽ các công ty tại các thị trường này chiếm một phần quan trọng trong dây chuyền sản xuất toàn cầu của hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Tầu khu trục USS Mustin (DDG 89) tập trận cùng với hải quân Nhật Bản trên Biển Đông, ngày 21/04/2015.Reuters
Vào đúng lúc quan hệ Washington-Bắc Kinh có dấu hiệu tăng nhiệt trong địa hạt thương mại, Hải Quân Mỹ ngày 23/03/2018 đã cho một chiến hạm tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, một số quan chức Mỹ xác nhận đó là một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải. Còn theo một quan chức Mỹ xin giấu tên, khu trục hạm USS Mustin đã tiến vào tuần tra trong vùng biển sát đá Vành Khăn (Mischief Reef) và thực hiện những thao tác tập dượt.
Đá Vành Khăn là một thực thể trên Biển Đông, đối tượng tranh chấp của cả Việt Nam, Philippines, Trung Quốc…, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Bắc Kinh đã cho xây dựng trên đó một phi đạo dài, cùng với nhiều cơ sở bị cho là mang tính chất quân sự.
Kể từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoa Kỳ đã thường xuyên cho tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, cho tàu tuần tra sát các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng để thách thức các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh.
Theo Reuters, cuộc tuần tra hôm nay của chiếc USS Mustin là phản ứng mới nhất của Washington để chống lại những gì bị coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do đi lại tại Biển Đông.
Động thái này lại được thực hiện chỉ một hôm sau khi tổng thống Mỹ ký văn kiện áp thuế trên 60 tỉ đô la hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cả bộ Ngoại Giao lẫn Quốc Phòng Trung Quốc đều không trả lời câu hỏi của Reuters, nhưng sau những chuyến tuần tra trước đây của Hải Quân Mỹ, Bắc Kinh thường phản ứng giận dữ, gọi việc làm của Mỹ là hành vi khiêu khích, và dọa đáp trả.
Từ ngày tổng thống Mỹ nhậm chức đến nay, Hải quân Mỹ đã 4 cho tàu tiến vào tuần tra gần các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, cả ở Hoàng Sa, lẫn Trường Sa.
Một dàn khoan dầu của Petro vietnam.(DR)
Hãng tin Anh Reuters ngày 22/03/2018 trích dẫn thông tin từ BBC cho biết tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol đình chỉ dự án khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, sau khi bị Trung Quốc gây sức ép.
Còn theo một nguồn tin xin ẩn danh từ giới công nghiệp năng lượng với Reuters lẽ ra giàn khoan Ensco 8504 đã phải rời cảng Singapore ngày 21/03 để đi đến địa điểm khoan ngoài khơi Việt Nam, và bắt đầu việc khoan hút dầu.
Với quyết định tạm dừng của Việt Nam, tập đoàn Tây Ban Nha Repsol cùng với các đối tác được giao quyền khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ (tên tiếng Anh là Red Emperor) có khả năng bị mất đến 200 triệu đô la đầu tư. Giới lãnh đạo Repsol và PetroVietnam cũng như bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa phản ứng trước yêu cầu bình luận của Reuters.
Đây là lần thứ hai trong vòng vỏn vẹn 8 tháng, Hà Nội đã bị Bắc Kinh đe dọa và phải đình chỉ các dự án khai thác quan trọng trong vùng biển gần Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Lần mới đây là vào giữa năm ngoái 2017, Việt Nam đã phải đề nghị tàu thăm dò của hãng Repsol rời khỏi khu vực 136/03 ngoài khơi miền Nam Trung Bộ Việt Nam và đình chỉ việc thăm dò, sau khi bị Trung Quốc đe dọa là sẽ đánh vào các cơ sở của Việt Nam tại Trường Sa nếu Hà Nội không cho ngừng các hoạt động thăm dò.
Mỏ Cá Rồng Đỏ, là một phần của lô (Block) 07/03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn, cách thành phố biển Vũng Tàu, phía đông nam của Việt Nam khoảng 440 km (273 dặm). Đây là khu vực nằm gần đường "lưỡi bò" mà Trung Quốc đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, và bị Bắc Kinh cho là ăn vào vùng mỏ thuộc quyền của Trung Quốc.
Vào cuối năm 2017, báo chí Việt Nam đã liên tiếp trích dẫn các giới chức lãnh đạo dầu khí Việt Nam ca ngợi tiềm năng của mỏ khí Cá Rồng Đỏ, có thể sản xuất 25.000-30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày.
Theo báo cáo kinh doanh năm 2017 của Repsol, tập đoàn này đã chi khoảng 33 triệu euro (41 triệu đô la) để thăm dò ở Việt Nam trong năm, và mỏ Cá Rồng Đỏ được coi là một trong những dự án giúp Repsol tăng trưởng trong tương lai.
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở Biển Đông
Trong một động thái thị uy, báo chính thức của Quân Đội Trung Quốc ngày 23/03/2018 cho biết là Hải Quân nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông, trong khuôn khổ các « hoạt động tập trận thường niên ».
Trong một tin ngắn trên tài khoản WeChat, tờ Giải Phóng Quân Báo xác nhận là các cuộc tập trận sắp mở ra, nhưng không cho biết là ở đâu, bao giờ và lực lượng nào sẽ tham gia.
Hải Quân và Không Quân Trung Quốc thường xuyên tập trận ở Biển Đông, nơi mà họ đã bồi đắp nhiều hòn đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các cơ sở quân sự.
Bắc Kinh thường bác bỏ những lời chỉ trích các hoạt động của họ ở Biển Đông, tuyên bố rằng đó là lãnh thổ của Trung Quốc nên họ muốn làm gì thì làm.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 22/03 đã tuyên bố bác bỏ lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà Trung Quốc lại đơn phương ban hành, cho rằng quyết định đó vi phạm luật pháp quốc tế.
Tòa án Seoul phát lệnh bắt giam cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, ngày 23/03/2018.Jung Yeon-je/Pool via Reuters
Sau Park Geun Hye, đến lượt một cựu tổng thống khác của Hàn Quốc vào tù. Sáng sớm ngày 23/03/2018, ông Lee Myung Bak đã bị bắt giam sau khi một tòa án ở Seoul, ngày hôm qua, phát lệnh bắt giữ về tội trốn thuế và tham nhũng. Năm nay 76 tuổi, ông Lee Myung Bak đã làm tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
« Ông Lee Myung Bak bị tòa án Seoul phát lệnh bắt giữ. Cựu nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc bị cáo buộc đã nhận hơn 8 triệu euro tiền hối lộ, từ nhiều công ty cũng như từ các cơ quan tình báo của ông trước đây. Ông Lee Myung Bak còn bị nghi là chủ nhân thật sự của một công ty mang tên DAS, đã được ông sử dụng để nhận nhiều khoản hối lộ. Tòa án Seoul cho biết phải phát lệnh bắt giữ vì có nguy cơ là cựu tổng thống Hàn Quốc tìm cách phá hủy các bằng chứng.
Được tạp chí Newsweek mệnh danh là « Nicolas Sarkozy của châu Á » khi ông đắc cử tổng thống cách đây 10 năm, Lee Myung Bak nay bị cáo buộc cả chục tội danh khác nhau và có thể lãnh án tù lên tới 45 năm. Ông là cựu tổng thống thứ tư của Hàn Quốc phải vào tù vì tội tham nhũng.
Cựu lãnh đạo Hàn Quốc cho tới nay vẫn bác bỏ phần lớn các cáo buộc và khẳng định ông là nạn nhân của một vụ « trả thù chính trị ». Từ khi lên cầm quyền vào năm 2017, tổng thống có xu hướng cấp tiến Moon Jae In tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng rất quyết liệt, nhằm xóa bỏ một tệ nạn đã ăn sâu đến tận thượng tầng Nhà nước. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét