72 năm sau khi Mỹ ném bom "nhấn chìm" 2 thành phố của Nhật Bản trong Thế chiến II, vũ khí hạt nhân đã trở thành "con dao hai lưỡi" đe dọa tới sinh mạng của hàng tỷ người.
<!>
"Nếu nhìn thấy trước được Hiroshima và Nagasaki, tôi đã xé đi công thức của mình vào năm 1905 rồi".
Albert Einstein
Một tháng trước khi Thế chiến II nổ ra, nhà vật lý Albert Einstein, một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, viết lá thư dài 2 trang gửi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin D. Roosevelt. Bức thư là "chất xúc tác" cho việc Mỹ tham gia cuộc đua hạt nhân chống lại Đức Quốc xã.
Trong lá thư ngày 2/8/1939, Einstein cảnh báo Tổng thống Roosevelt rằng phản ứng dây chuyền hạt nhân liên quan tới uranium có thể tạo ra một loại bom mạnh chưa từng có, bom nguyên tử. Ông đề nghị chính quyền Mỹ xem xét chế tạo “loại bom mới có sức công phá cực mạnh” trước khi quân phát xít Đức nghiên cứu thành công.
Năm 1942, sau nhiều bức thư khác của Einstein, chính phủ Mỹ khởi động dự án Manhattan, chương trình nghiên cứu bí mật nhằm chế tạo vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất vào thời điểm đó.
Einstein không trực tiếp góp mặt trong dự án Manhattan. Tuy nhiên, phương trình E=mc2 ra đời năm 1905 của ông đã xuất hiện trong báo cáo của nhà vật lý Henry DeWolf Smyth năm 1945, tài liệu chính thức đầu tiên về sự phát triển bom nguyên tử của Mỹ.
Phương trình E=mc2 giải thích cách năng lượng được giải phóng trong bom nguyên tử. Hệ thức nổi tiếng làm thay đổi cả thế giới, chi phối sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử và nhiều ngành khoa học khác, nhưng cũng đã gián tiếp mở đường cho sự ra đời thứ vũ khí có thể tận diệt loài người.
Sáu năm sau lá thư định mệnh của Einstein, hai quả bom "Little Boy" và "Fat Man", "những đứa con" bất hảo của dự án Manhattan, đã phá hủy hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Khoa học mang đến cho nhân loại tri thức về thế giới, nhưng chính tay con người biến tri thức thành vũ khí có thể dẫn tới sự cáo chung của cả nhân loại.
“Không một loài nào lại say sưa lao vào việc tạo ra nỗi bất hạnh cho mình, vào việc hủy diệt các sinh vật và vật thể như con người... Vì một nghìn lý do, con người đã trở thành một động vật điên rồ”, André Bourguignon, nhà nhân loại học người Pháp trong thế kỷ 20, từng phán xét.
Về phần Einstein, lá thư gửi cho Roosevelt đã khiến ông hối hận suốt phần đời sau này: “Nếu biết rằng người Đức không chế tạo thành công bom nguyên tử, tôi đã không buồn động một ngón tay".
8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945.
Thời gian ở Hiroshima ngừng trôi khi quả bom "Little Boy" nặng 5 tấn phát nổ. Sau này, tất cả đồng hồ được tìm thấy trong thành phố đều chết đúng tại 8h15.
Trong ánh sáng chói lòa tạo bởi hai màu đỏ và lam, người, vật cùng các công trình kiến trúc ở Hiroshima oằn mình lên rồi tàn lụi. Dưới sức nóng 4.000 độ C, bức xạ và sóng nén áp suất cao trong nháy mắt đã biến thành phố 400 năm tuổi thành tro bụi.
"Lửa cháy khắp nơi. Nhiều thi thể bất động. Những ai còn sống thì cố gắng lê lết. Hình ảnh người chết xung quanh tôi thật kinh sợ, da của họ cháy và bốc lên mùi thịt người nướng. Con ngươi của nhiều đứa trẻ bắn ra khỏi tròng", bà Emiko Okada, khi ấy mới 8 tuổi, kể lại.
Bà cùng chị gái mình ở cách tâm chấn hạt nhân 2,8 km và bị thương nặng. Okada may mắn sống sót nhưng chị gái đã ra đi mãi mãi.
Sunao Tsuboi, khi ấy còn là một sinh viên 20 tuổi, mang theo hồi ức kinh hoàng từ nơi mà ông gọi là "địa ngục trần gian".
"Ai ai trông cũng giống như những bóng ma, toàn thân chảy máu và cố gắng bước đi trước khi gục ngã. Một số người đã đứt lìa chân, tay. Tôi nhìn xuống và thấy một người đàn ông đang lấy tay bít lỗ thủng trên bụng, cố ngăn không cho các nội tạng rơi ra ngoài. Mùi xác thịt cháy bao trùm không khí”.
"Little Boy" đã phá hủy hai phần ba diện tích Hiroshima và trong chớp mắt giết chết 80.000 người, biến cả thành phố thành một biển chết.
Ba ngày sau, quân đội Mỹ tiếp tục thả "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki, cướp đi 40.000 nhân mạng. Hàng chục nghìn người khác cũng đã chết vì các căn bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp do phóng xạ gây ra cho đến ngày nay.
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Hai quả bom khép lại Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhưng cũng mở ra cánh cổng địa ngục cho loài người.
Thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki vẽ ra viễn cảnh về ngày tận diệt của loài người khi đại chiến thế giới lần ba xảy ra, không phải gì khác ngoài một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Khác với chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân có mức độ và phạm vi phá hủy lớn hơn nhiều. Với quy mô lớn, nó có thể dẫn đến “mùa đông hạt nhân”, giả thuyết mà các nhà khoa học đưa ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
Theo các nhà khoa học, những vụ nổ hạt nhân làm tăng một lượng lớn mây phóng xạ, ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc bề mặt Trái Đất và khiến quá trình giảm nhiệt toàn cầu diễn ra. Bầu trời sẽ bị bao trùm bởi khói, bụi và trở nên u ám. Cây cối vì vậy không thể sống được, dẫn đến lượng oxy giảm đi nhanh chóng, sự sống cũng lụi tàn.
Hơn 70 năm trôi qua, quyết định ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vẫn là câu chuyện tranh cãi, nhưng sức hủy diệt khủng khiếp của nó là không thể phủ nhận. Chiến tranh hạt nhân có thể xóa sổ tất cả các dạng sống trên Trái Đất, "tiễn" hành tinh của con người trở về thời sơ khai.
Sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, tham vọng hạt nhân của các quốc gia không hề dừng lại. Nửa cuối thế kỷ 20 chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khốc liệt và "nghẹt thở" chưa từng có trong lịch sử giữa các cường quốc.
Ngày 26/8/1949, Liên Xô thử quả bom nguyên tử đầu tiên, chấm dứt thời kỳ Mỹ độc quyền về vũ khí hạt nhân, đưa cuộc Chiến tranh Lạnh lên một nấc thang mới. Cùng với "bức màn sắt" ngăn chia thế giới thành hai nửa đối kháng Đông - Tây, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân quy mô bắt đầu.
Mỹ tiếp tục mở rộng sản xuất bom nguyên tử và từ tháng 10/1950 bắt đầu phát triển loại vũ khí dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân thay vì phân hạch hạt nhân.
Tháng 11/1952, Washington lần đầu thử nghiệm bom nhiệt hạch (còn được gọi là bom khinh khí, bom hydro hay bom H), loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất mà con người từng chế tạo.
Bom khinh khí đầu tiên có sức công phá gấp 2.500 lần quả bom nguyên tử từng phá hủy thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Chưa đầy một năm sau, Liên Xô cũng tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch với sức công phá khủng khiếp.
Thập niên 1950, 1960 được xem là giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Liên Xô và Mỹ điên cuồng lao theo vòng xoáy của cuộc đua vũ trang, thế giới chứng kiến sự gia tăng chóng mặt năng lực hạt nhân của cả hai cường quốc.
Khi đó học thuyết có ảnh hưởng nhất của Washington là "trả đũa ồ ạt", được Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles công bố đầu năm 1954. Để tránh chi phí đắt đỏ cho các lực lượng như ở thời Truman, chính quyền Eisenhower sử dụng ưu thế kho vũ khí hạt nhân to lớn. Dulles định nghĩa cách tiếp cận này là "bên miệng hố chiến tranh": đẩy Liên Xô tới miệng hố chiến tranh nhằm đạt được những nhượng bộ.
Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry từng viết trong cuốn hồi ký "Hành trình của tôi bên miệng hố chiến tranh", cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 không kéo theo cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện là điều quá đỗi may mắn.
Về sau, khi thu thập những thông tin về tên lửa Liên Xô triển khai ở Cuba thời điểm đó, Perry hoàn toàn tin rằng mỗi ngày có thể là "ngày sống cuối cùng trên Trái Đất".
Trong bối cảnh xung đột nóng có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nỗi bất an và lo sợ bắt đầu tấn công nước Mỹ. Các trường học phát thẻ gắn tên cho các học sinh để gia đình nhận diện thi thể các em trong trường hợp một cuộc tấn công xảy ra. Hầm trú ẩn liên tục được xây dựng trong khi việc diễn tập ứng phó thảm họa hạt nhân trở thành một phần của đời sống hàng ngày.
Cuộc chạy đua này chỉ tạm lắng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START-I) chính thức có hiệu lực, xuất phát từ nỗ lực kiến tạo hòa bình đến của nhiều phía cũng như những khó khăn về kinh tế để xây dựng và duy trì lưc lượng răn đe hạt nhân.
Sau Chiến tranh Lạnh hàng thập kỷ, “ván bài hạt nhân” không chỉ nằm trong tay các các nước lớn. Tính tới thời điểm hiện tại, 9 quốc gia tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Nga và Mỹ một mặt cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, mặt khác tìm mọi cách để hiện đại hóa chúng. Washington thậm chí còn công bố kế hoạch trị giá 348 tỷ USD nhằm duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2015-2024.
Con số thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết tốc độ giải trừ vũ khí hạt nhân của hai cường quốc đang chậm lại trong những năm gần đây.
Theo Ploughshares Fund, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, tính đến năm 2016, Nga sở hữu 7.000 đầu đạn hạt nhân, Mỹ còn 6.800. Số đầu đạn của hai nước chiếm 93% kho hạt nhân toàn cầu.
Sự ra đời của Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) vẫn chưa phát huy hiệu quả thực sự bởi một số quốc gia từ chối tham gia thỏa thuận hoặc thậm chí tuyên bố rút khỏi.
Ấn Độ và Pakistan đã công khai sở hữu vũ khí hạt nhân và nhiều lần tiến hành thử nghiệm trong những năm qua. New Delhi nắm trong tay hơn 100 đầu đạn hạt nhân và khoảng 500 kg plutonium, đồng thời theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa kho tên lửa hạt nhân nhằm đề phòng Trung Quốc. Bên kia biên giới, “người hàng xóm” Pakistan cũng sở hữu số lượng đầu đạn tương đương và không giấu tham vọng mở rộng kho vũ khí.
Tất nhiên, vào năm 2017, người ta chẳng thể nói chuyện vũ khí hạt nhân mà bỏ qua vấn đề Triều Tiên. Quốc gia Đông Á này rút khỏi NPT vào năm 2003, đánh dấu một giai đoạn mới của chương trình hạt nhân ồn ào vào gây tranh cãi nhất.
Tính đến tháng 7/2017, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và bắn hàng chục tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
Vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay P5 +1 xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran dù bế tắc hay đã đạt được thỏa thuận, đều khiến không ít quốc gia "đứng ngồi không yên".
Ông Andrey Ivanov, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO của Nga từng nhận định rằng “sở hữu vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo duy nhất cho tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia”.
Nếu ý tưởng của vị chuyên gia Nga được nhiều quốc gia hưởng ứng, nhân loại sẽ bị đặt vào nghịch lý đau đớn và nực cười: Thứ vũ khí được xem là "bùa hộ mệnh" của một dân tộc lại mang sức mạnh có thể hủy diệt cả Trái Đất.
Bảo vệ an ninh quốc gia được coi là nguyên nhân cơ bản khiến hàng loạt quốc gia quyết định theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trong những năm qua.
Nghịch lý của “câu lạc bộ hạt nhân” là các quốc gia thành viên tìm mọi cách cách tăng cường khả năng hạt nhân để răn đe lẫn nhau, nhưng luôn phản đối khi một quốc gia khác tuyên bố họ đang sở hữu loại vũ khí này.
Sở hữu vũ khí hạt nhân dường như là điều kiện để một số nước củng cố địa vị quốc gia và nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Triều Tiên chính là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Vốn là quốc gia nhỏ ở Đông Á với nền kinh tế kém phát triển, Triều Tiên khiến cả thế giới để mắt đến chương trình hạt nhân của mình và thậm chí dùng đó làm con bài mặc cả trên bàn đàm phán.
Đồng thời, vũ khí hạt nhân buộc các nước phải suy nghĩ và tính toán cẩn trọng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan tới xung đột quân sự, bởi chiến tranh hạt nhân không bao giờ là sự lựa chọn tối ưu.
Đó chính là nguyên nhân khiến bán đảo Triều Tiên, từ sau chiến tranh 1950-1953, từng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng nhưng chưa xảy ra xung đột quân sự. Bởi cái giá phải trả cho cuộc chiến giữa những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là vô cùng đắt đỏ.
Giáo sư Stephen Hawking từng nhận định: “Dù vụ tấn công 11/9 có nguy hiểm nhường nào, nó cũng không đe dọa sự sinh tồn của loài người như những gì vũ khí hạt nhân đã và đang làm”.
Mới đây, ngày 7/7, Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân đã được 122 quốc gia thông qua tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, không có nước nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tham gia đàm phán hoặc bỏ phiếu. Ngay cả Nhật Bản - quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, cũng không tham gia.
Hơn 2 thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhưng vẫn là thứ quyến rũ mọi quốc gia đang sở hữu nó. Và tương lai của 7,5 tỷ người vẫn nằm trên "ván cờ hạt nhân" của họ.
Năm 1947, khi cuộc đua hạt nhân bắt đầu, tạp chí The Bulletin of the Atomic Scientists đưa hình ảnh chiếc Đồng hồ Tận thế (Doomsday Clock) lên trang bìa để báo động cho con người biết họ đang cách ngày tận thế bao xa.
Từ 1947 đến 2000, kim đồng hồ dịch chuyển 15 lần về "mốc tận thế". Năm 2015, đồng hồ cho biết con người cách tận thế 3 phút. Năm 2017 chỉ còn 2,5 phút…
Những người bi quan cho rằng chiếc đồng hồ sẽ chạy theo chiều của nó với tốc độ ngày càng nhanh. Số khác hy vọng có thể tạo ra những lực cản buộc chiếc đồng hồ chạy chậm hoặc dừng lại.
Bởi chẳng ai muốn một thảm họa như Hiroshima hay Nagasaki tái diễn.
71 năm sau vụ tấn công kinh hoàng, Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Hiroshima. Tại đây, ông viết: “Chúng ta đã thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh. Giờ đây, hãy quyết tâm cùng nhau theo đuổi hòa bình và một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Loài người không sở hữu loại vũ khí có thể hủy diệt chính họ.
Đó vẫn đang là giấc mơ xa vời.
Ngụy An - Thế Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét