Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Vụ án Thầy Thích Thiện Minh chết trong ngục tù cộng sản - Mạc Thị Hà Tiên

Inline image 1
Từ trái sang: HT Thích Hộ Giác – HT Thích Thiện Minh – HT Thích Trí Quang 
Phụ lục (có 3 bài)
  1. Chuyện Thầy Thích Thiện Minh (cám ơn tạp chí Quê Mẹ đã cho bài nầy đăng trong số 90 & 91 phát hành tại Paris tháng 3 & 4 năm 1988)
  2. Hòa thượng Thích Đôn hậu, Lời Tuyên Bố trước hai vị đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN (GH Minh Hạnh Tập, 14)
  3. Bùi Hồng Quang (nhóm Giao Điểm)
  1. Chuyện Thầy Thích Thiện Minh (xem tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris số 90 & 91, năm 1988)<!>
L.T.S:  Lâu nay, giới Phật tử ở trong cũng như ngoài nước chỉ biết Thượng Tọa Thích Thiện Minh chết ở trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết cũ).  Trong một bức thư gửi từ Sàigòn cho tòa soạn Quê Mẹ ngày 7.11.78, Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã viết: “…Thầy Thiện Minh đã qua đời một cách hắc ám tối tăm trong cơ cực, tin cho bà con biết. Khi thầy nằm xuống, không một thân nhân ở đó. Khi được tin thì cũng chỉ được quyền ngó mặt rồi họ giục về cho họ đi chôn.  Muốn ở lại thêm họ cũng không cho (…)”. Nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết là Thượng Tọa đã bị tra tấn cho đến chết ngay ở Sàigòn, tại Trại X4 (ở đường Nguyễn Trãi, SG) là trại thẩm vấn (hiểu là tra tấn) và tạm giam trước khi phân phối qua các nhà tù hay trại tập trung. Cộng sản đã chở xác Thượng Tọa ra Hàm Tân để đánh lạc hướng biểu tình của Phật tử ở Sàigòn đang sôi động sau nhữ ngày Thượng Tọa bị bắt.

Mới đây, ông Lê Xuân Thuấn, nguyên là một cán bộ công an làm việc tại Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Nội vụ của cộng sản VN, không chịu đựng nổi sự thống trị nghiệt ngã dã man và vô cùng sảo quyệt của cộng sản, đã vượt biên tìm tự do. Trong thời gian công tác, ông Thuấn đã chứng kiến những sự kiện liên quan đến cái chết của T. T. Thích Thiện Minh từ đầu đến cuối.  Bài viết sau đây dựa theo sát lời kể của ông Thuấn như một bằng chứng mới bổ sung vào tập hồ sơ tội ác đã dày cộm của cộng sản hơn 12 năm qua.
 
Tên công an gằn giọng: 

- Tôi hỏi lần cuối cùng:  ông có chịu ký vào biên bản nhận mình có âm mưu đứng ra tổ chức chống phá cách mạng không? Thượng Tọa Thiện Minh lắc đầu: Không. Tên công an đập bàn quát:
 - DM mày ngoan cố hả? Thượng Tọa Thiện Minh vẫn điềm đạm:
 - Tôi không ngoan cố. Tôi chỉ đòi hỏi ông nêu ra những bằng cớ chính xác chứng minh là tôi đứng ra âm mưu tổ chức chống phá cách mạng. Thế thôi.
Tên công an gừ gừ mấy tiếng trong cổ họng nhưng cuối cùng hắn vẫn nín khe. Hắn guờm gườm nhìn vị Thượng Tọa ốm yếu đang ngồi xiêu vẹo trước mặt. Đôi long mày sâu róm của hắn cau lại, đôi môi giật giật liên hồi, mắt hắn long lên như đổ lửa. Rồi hắn đúng dậy, rít lên trong kẻ răng:
 - Được, mày muốn, ông sẽ chứng minh cho mày thấy.
 Hắn quay ra ngoài, gọi lớn:
 - Đính đâu?
 Một tên công an mặt mũi non choẹt nhưng hung ác te tái chạy vào:
 - Thưa thiếu tá, có em.
 Tên thiếu tá công an nhìn Thượng Tọa Thiện Minh, hất hàm:
 - Đánh.
 Không cần lời ra lệnh thứ hai, Đính hiểu ngay. Hắn bước từng bước chậm chạp lại gần thầy Thiện Minh. Thầy cố trấn tỉnh chờ đợi. Thầy nghe tiếng chân hắn khua trên nền gạch. Thầy nhìn bàn tay hắn co lại. Và thầy thấy hình như cánh tay hắn vung lên. Thầy bật người ra sau, ngã sóng soài dưới đất. Mắt hoa lên thấy cả một trời sao lấp lánh. Hai vệt máu từ từ lăn ra hai bên khoé miệng. Thầy rán lồm cồm bò dậy. Đính lặng yên đứng ngó: hắn đang chờ lệnh tiếp. Tên thiếu tá công an hất hàm:
 - Tiếp.
Đính lại nhào tới. Thầy Thiện Minh chưa kịp đứng vững đã bị ngay một qủ đấm trời giáng vào ngực. Thầy oằn người lại, gục xuống. Nhưng không té hẳn. Bàn chân của Đính đã tung lên đá thẳng vào mặt khiến cả thân hình thầy như sắp ngã về phía trước lại bật ngược ra sau.  Đầu nện chát xuống nền nhà. Đính lại cúi xuống, nắm cổ áo vực dậy. Hắn đấm đá tới tấp vào người thầy. Mặt mũi thầy Thiện Minh loang đầy máu. Có mấy chiếc răng bị văng ra ngoài. Người mềm xèo như một cái bị rỗng mặc tình cho Đính hành hạ.
Tên thiếu tá công an đang đứng nhìn bỗng dưng lên tiếng:
 - Khoan, Đính. Dừng tay chờ tí. Rồi hắn bước lại, đưa bàn tay thô nhám cầm cằm thầy Thiện Minh hất lên. Hắn hỏi, giọng mỉa:
 - Sao, bằng cớ như vậy đã đủ chưa? Chịu ký không?
 Thầy Thiện Minh rán mở mắt nhưng cứ hấp háy hoài không mở nổi. Một quả đấm trúng vào đuôi mắt trái khiến mắt thầy sưng vù lên, húp lại. Thầy thều thào:
 - Không.
Hình như thầy muốn nói nữa, nhưng thầy nói không ra hơi. Tên thiếu tá công an chỉ nghe cái âm ú ớ như người sắp tắt thở. Hắn giận dữ đẩy chúi thầy Thiện Minh về phía trước. Đầu thầy đập vào cái góc bàn kêu chát một tiếng rồi quỵ xuống. Tên thiếu tá công an nhìn Đính ra lệnh tiếp:
- Cứ đánh đến khi nào hắn hết ngoan cố thì thôi. Nhớ đừng đánh lên mặt nhiều quá.
Đính lại nhào tới: Hai cánh tay cứng cáp của hắn lại vung lên lia lịa. Bình bịch. Chan chát.  Lâu lâu thầy Thiện Minh lại kêu “oái” lên một tiếng. Rồi lại ình ịch, chan chát. Khuôn mặt thầy dầm dề máu me. Mặt mày Đính cũng ướt đẫm mồ hôi. Bình bịch. Chan chát. Những cánh tay vung. Những dòng máu hộc. Đính như điên cuồng. Hắn đánh bất kể. Có cảm tưởng như hắn đang tập võ trước một bao cát. Hắn đánh thẳng. Hắn đánh lật ngược. Hắn chém sông tay vào cổ. Hắn thúc cùi chõ lên ngực. Hai tay ghì chặt lấy đầu thầy Thiện Minh kéo xuống rồi đưa đầu gối hất ngược lên.  Ình ịch. Chan chát. Hắn đá. Hắn đạp. Hắn quật giò lái. Bình bịch. Chan chát. Thân hình thầy Thiện Minh như mềm lả ra. Thầy không đứng nổi cho Đính đánh. Đính phải cầm cổ áo dựng dậy, còn tay kia cứ tiếp tục quai ra giáng từng cú đấm trời giáng vào người thầy Thiện Minh. Bình bịch. Chan chát. 
- Thôi. 
Tên thiếu tá ra lệnh. Đính ngừng tay. Thân thể thầy Thiện Minh rũ xuống, ngã huỵch xuống đất. Ông nằm ngay đơ không nhúc nhích. Tên thiếu tá hất hàm bảo Đính:
 - Lại rờ mũi hắn xem sao?
 Đính bước lại, đưa tay rờ rờ trên mũi thầy Thiện Minh, rồi đáp:
 - Chết cha, sao chẳng nghe thở gì hết trơn vậy thiếu tá?
 Tên thiếu tá hỏi giọng bồn chồn:
- Thiệt hả? Mày coi lại kỹ đi.
 Đính lại cúi xuống. Lát sau, hắn ngước lên, trả lời:
 - Chả chết thiệt rồi thiếu tá ạ.
 Tên thiếu tá đáp lạnh:
 - Lấy nước dội vào người hắn xem thử sao. Có khi hắn bất tỉnh không chừng.
Đính chạy ra ngoài khoảng 5 phút sau mang vào một lon nước. Hắn dội vào mặt thầy Thiện Minh. Thầy vẫn nằm ngay đơ. Tên thiếu tá công an đăm đăm ngó. Đính lâu lâu lại đưa tay rờ lên mũi rồi lên ngực thầy Thiện Minh. Cả hai không nói gì. Gian phòng chìm trong lặng ngắt.
Cuối cùng, tên thiếu tá công an ra lệnh:
 - Cho gọi y sĩ.
 Đính “dạ” một tiếng rồi phóng ra ngoài. Y sĩ đến. Nói là y sĩ nhưng hắn cũng là một tên công an. Hình như đã quá quen cái nghề nghiệp, của mình, bước vào, hắn chỉ chào tên thiếu tá rồi cúi xuống người thầy Thiện Minh đang nằn dài dưới nền nhà. Hắn lật mí mắt thầy Thiện Minh lên coi. Hắn lấy ống nghe mạch ra chậm chạp đeo vào cổ rồi rà rà vào ngực.  Mắt hắn nhắm nghiền lại lim dim nghe ngóng. Lát sau, hắn ngước lên, uể oải nói:
- Thưa thiếu tá, hắn chết thật rồi.
Tên thiếu tá cắn môi nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:
- Ừ, không sao. Cho khiêng xuốn nhà xác.
Đính lại “dạ” rồi ra dấu cho tên y sĩ phụ gíup khiên xác thầy Thiện Minh ra ngoài. Chợt, tên thiếu tá lên tiếng:
- À, mà thôi. Đừng khiêng xuống nhà xác. Cứ để ở phòng số 5 chờ xem.
Nói xong, tên thiếu tá vội vã bước lại bàn, cầm ống điện thoại lên quay số. Hắn căng thẳng chờ. Chuông reng. Có tiếng người bên kia đầu giây. Tên thiếu tá nói, giọng khẩn trương:
- Thưa, báo cáo đồng chí, tên Thiện Minh đã chết rồi ạ.
- Tại sao hắn chết?
 - Hắn lì lợm không chịu cung khai, anh em tra tấn, không ngờ hắn yếu quá nên chết luôn.
 - Lâu chưa?
 - Thưa, mới đây. Chừng 10 phút.
 - Thôi được. Không sao. Hiện giờ xác hắn để đâu?
 - Dạ, tại trại X4 ạ.
 - Có ai biết nhiều không?
 - Thưa, chưa ai biết, ngoài vài anh em trong Ban Chấp pháp.
 - Tốt. Thế này nhé, đồng chí rán giữ đừng cho ai biết nhiều, nhất là bọn phạm nhân khác.  Trại X4 là trại tạm giam nên có người chết trong đó cũng khó nói.  Tốt nhất, bây giờ, đồng chí cho xe công an chở xác thằng thầy tu đó qua bên Chí Hòa đi, rồi liệu sau.
 - Thưa, vâng ạ.
 - Nhớ khẩn trương lên nhé.
 - Thưa, vâng ạ.
 - Và nhớ giữ bí mật nhé. Đừng, tuyệt đối đừng công bố tin Thiện Minh chết ra ngoài. Đợi lệnh tôi.
 - Thưa, vâng ạ.
 Đợi Lê Thanh Vân gác máy bên đầu giây bên kia, tên thiếu tá mới quay lại bảo Đính:
- Mày gọi thằng Thụ lấy xe sẵn rồi khiêng xác thằng thầy tu này xuống chở qua bên Chí Hòa.
Đính chạy đi.  Hắn chạy cũng nhanh như những cú đấm hắn giáng phũ phàng lên người thầy Thiện Minh lúc nãy.
Chưa đầy 15 phút sau, chiếc xe công an chở xác thầy Thiện Minh đã lăn bánh.  Cho hú còi inh ỏi chiếc xe phóng đi với tốc độ của những vụ săn cướp.  Trại X4 nằm ở số 258 đường Nguyễn Trãi quận 1 nên tên thiếu tá công an hút vừa hết điếu thuốc lá Capstan, chiếc xe đã tới cổng trại Chí Hòa.  Cánh cổng sắt chậm chạp mở ra.  Chiếc xe lướt vào sâu trong sân.  Một tên công an già, khoảng trên 50 tuổi từ văn phòng đi ra, chào tên thiếu tá:
 - Chào đồng chí ạ.
Tên thiếu tá lễ phép:
- Vâng, xin chào đồng chí trung tá. Chúng tôi cho mang xác của Thiện Minh đến.
Tên trung tá nói khẽ:
- Đồng chí Lê Thanh Vân mới điện thoại bảo thôi không để xác hắn ở đây nữa, mà chở thẳng ra Hàm Tân.
- Hàm Tân à? Tại sao vậy?
- Tại vì ở đây, ngay trung tâm thành phố rất bất tiện. Thứ nhất lỡ các tổ chức quốc tế đang có mặt tại Saigon giở chứng hoạnh học đòi coi mặt mũi hắn thì khổ cho mình. Thứ hai, từ mấy tháng nay bọn Phật tử ở thành phố đã xôn xao về vụ bắt hắn. Nhiều nhóm biểu tình đây đó đã nổi lên. Nếu biết hắn chết, bọn mê tín dị đoan đó kéo nhau tới đòi xác thì rất bất lợi và nguy hiểm cho ta.
Tên thiếu tá gật gù:
- Đúng, nhưng …
- Nhưng sao?
- Nhưng, chở ra Hàm Tân rồi sao?
- Chả sao cả. Ra đó đồng chí Giám đốc Sở công an thành phố sẽ cử phái đoàn ra lập biên bản khám nghiệm giả. Rồi báo cho thân nhân biết, khi thân nhân đến thì lấy lý do đã quá ngày, mình cho chôn cất rồi. Hàm Tân xa xôi quá cho nên không gây sôi động trong dư luận quần chúng đâu.
Tên thiếu tá lại gật gù:
- Hay đó. Anh Vân có dặn cụ thể là ai sẽ mang xác tên thầy tu này ra Hàm Tân không, thưa đồng chí?
- Ảnh nói, tốt hơn hết là chính đồng chí hướng dẫn vụ chở xác này cho đảm bảo. Ảnh đã điện thoại báo cho trại Hàm Tân biết rồi.
- Tôi phải đi ngay?
- Vâng, nếu được.
- Thôi, chào đồng chí.
- À, đồng chí đi vui vẻ nhé.
Tên thiếu tá lại lên xe bảo tài xế chạy thẳng ra Hàng Xanh. Chiếc xe dừng lại dưới chân cầu Văn Thánh để đổ thêm xăng rồi bon bon chạy theo xa lộ Biên Hòa về hướng Hàm Tân, một huyện nhỏ thuộc tỉnh Thuận Hải,  nơi từ sau 75, đầy nhóc các trại tù.
Trước sân chùa Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp, Hòa Thượng Thích Trí Thủ cầm tờ giấy báo tử mà cứ ngơ ngẩn như xuất thần.  Ông đọc đi đọc lại tờ giấy mỏng dính, vàng khè ấy không biết bao nhiêu lần.  Vẫn có chừng ấy chữ.  Nội dung thật vô cùng đơn giản: Ông Đỗ Xuân Hàng, tên đạo là Thích Thiện Minh, sinh năm 1921 tại Quảng Trị, chết tại trại giam Hàm Tân thuộc huyện Hàm Tân tỉnh Thuận Hải vào ngày 18.10.1978. Lý do: bệnh.

 Ông đọc lại lần nữa. Rồi lại lần nữa. Vẫn bao nhiêu chữ. Giản dị biết mấy mà cũng thưong tâm biết mấy.  Lòng vị thiền sư già bỗng dưng nhói lên, nghẹn ngào. Nước mắt ông rưng rưng chảy ra long lanh trên đôi khoé mắt nhăn nheo. Đã xong, một kiếp người. Ông thở dài, bâng khuâng nhớ lại hình ảnh của vị Thượng Tọa Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, trí  tuệ minh mẫn, ăn nói hùng hồn và quyến rủ lạ thường, đạo đức ngời lên như một tấm gương sáng trong Giáo hội.  Rồi cũng qua đi, qua đi hết. Ông tưởng tượng thân xác thầy Thiện Minh giờ này có lẽ đã lạnh, lạnh lắm ở một nơi nào đó có cái tên dễ khiến người ta hãi hung là Hàm Tân kia. Hòa Thượng Thích Trí Thủ ngồi bất động thật lâu. Hai mắt ông nhắm nghiền lại mà nước mắt cứ ứa ra hoài.

Ngày hôm sau, Hòa Thượng Thích Trí Thủ đích thân dẫn mấy vị thị giả ra Hàm Tân viếng thầy Thiện Minh lần cuối. Đường khúc khuỷu mù bụi. Cái nắng của một miền biển gay gắt chói chang không tưởng. Hòa Thượng lịm người trong cơn choáng váng mỏi mệt và trong nhịp lắc bềnh bồng của chiếc xe qua những khúc đường đất mấp mô gập ghềnh.
 
Tên trung tá trưởng phòng công an quận Hàm Tân ra tận cổng đón Hòa Thượng với vẻ xăng xái, lễ độ đến bất ngờ:

- Xin kính chào Hòa Thượng. Chắc Hòa Thượng đi xe xa như thế mệt lắm?
- Xin cám ông. Không sao ạ.
- Xin mời Hòa Thượng và các vị vào uống đỡ miếng trà.
Hòa Thượng Trí Thủ từ chối:
- Cám ơn ông.  Xin khất dịp khác.
Xin ông cho phép chúng tôi được viếng Thượng Tọa Thiện Minh ngay được không ạ?
- Tên trung tá công an cười cười ra bộ dễ dãi:
- Thưa, được chứ ạ. Chúng tôi cũng biết là các vị nóng lòng lắm. Xin mời vào trong này ạ.
- Xác Thượng Tọa Thiện Minh đặt trong một căn phòng nhỏ. Ông nằm bẹp dí trên giường, người mỏng như một xác lá, một chiếc khăn trắng phủ choàng lên bên trên. Khuôn mặt ông xanh thật xanh nổi lên vài vết bầm tím nho nhỏ. Một vết đứt ngắn nằm ngay trên cánh môi dưới của ông nhưng đã được rửa sạch máu nên rất khó thấy.

Mọi người đứng lặng. Lòng ai cũng cồn lên nhức nhối. Thượng Tọa Thiện Minh mới bị bắt ngày 13.4.78, tức mới hơn 6 tháng thế mà ông thay đổi nhiều quá. Người gầy quắt lại.  Miệng ông há hốc ra và nhô cao.

Hòa Thượng Trí Thủ nghiêng mình hỏi tên trung tá công an đang đứng bên cạnh:
- Ông cho phép tôi được vuốt mắt người quá cố?
Tên trung tá lắc đầu:
- Thưa không được ạ. Mong Hòa Thượng thông cảm. Vị Thượng Tọa đây từ trần đã hơn hai ngày, đến gần, sợ không được bảo đảm cho sức khỏe của các vị đâu ạ.
Năn nỉ mấy, tên trung tá công an cũng khăng khăng nhất định không cho ai được đến gần tử thi. Mọi người không biết cách nào khác hơn là đứng lâm râm tụng niệm. Một lát sau, tên trung tá mời tất cả ra ngoài, vào phòng khách của phòng công an được trang trí khá sặc sỡ.
Đợi mọi người ngồi hết xuống ghế, tên trung tá mới lên tiếng:
- Thưa các vị, trước hết, tôi thành thật xin chia buồn với các vị về cái chết của ông Đỗ Xuân Hàng. Vì có những hành động khả nghi thiếu chân thành và thiếu thân thiện với cách mạng nên ông Đỗ Xuân Hàng được tạm giữ để điều tra trong mấy tháng nay. Chẳng may vì già yếu, ông lâm bệnh bất ngờ. Chúng tôi đã tận tình cho chạy chữa nhưng cuối cùng không thể cứu chữa được. Thật đáng tiếc. Đây là điều hoàn toàn ngoài ý muốn của chúng tôi.
Tên trung tá công an cúi xuống lật lật xấp hồ sơ dày cộm trước mặt. Hắn rút ra một xấp giấy rồi nói:
-  Đây là hồ sơ bệnh lý của ông Đỗ Xuân Hàng. Ông ngả bệnh vào ngày 29.9.1978. Y sĩ trong trại tận tâm khám và chữa cho ông nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ ngày 5.10, trại và phòng công an chúng tôi cho mời các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm từ bệnh viện Thuận Hải về để chữa trị. Mặc dù các bác sĩ và chúng tôi hết sức cố gắng song cuối cùng, đến ngày 18.10 vừa rồi, ông Đỗ Xuân Hàng đã từ trần.
Tên trung tá công an thở dài thườn thượt. Hắn im lặng một lát làm ra bộ ngậm ngùi rồi trầm ngâm nói tiếp:
- Sau khi ông Đỗ Xuân Hàng mất, chúng tôi có mời một phái đoàn y khoa kám nghiệm tử thi để biết chính xác căn bệnh hiểm nghèo mà ông Hàng bị. Các bác sĩ đã đi đến kết luận là ông Hàng b đau thận cấp tính.
Tên trung tá công an  rướn người ra phía trước đưa cho Hoà Thượng Thích Trí Thủ xấp hồ sơ bệnh lý, biên bản khám nghiệm tử thi và mấy tấm phim chụp sọ não của Thượng Tọa Thiện Minh. Hoà Thượng Trí Thủ thờ ơ cầm xấp hồ sơ trên tay. Ông liếc xuống đoạn cuối tờ biên bản khám nghiệm tử thi thấy ngoằn ngoèo mấy chữ ký:
Ông Đỗ Văn Thuận, bác sĩ bệnh viện Thuận Hải.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trung tá tiến sĩ pháp y thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Nội Vụ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, thượng úy.
Ông Ngô Quang Dẫn, trung sĩ, Tự nhiên mắt Hoà Thượng chợt cay sè. Nước mắt chảy ra, rơi nhòe trang giấy vàng khốc trên tay. Ông rưng rưng:
- Thưa ông, chúng tôi có thể xin phép được mang thi hài ông Hàng về nhà mai táng được chăng?
Tên trung tá công an lắc đầu:
- Rất tiếc, theo quy chế về vấn đề giam giữ, tử thi tù nhân sẽ được chôn cất tại chỗ.
- Vậy thì, thưa ông, việc mai táng ông Hàng sẽ được tổ chức vào lúc nào và ở đâu?
- Có lẽ ngay chiều nay.
- Chúng tôi rất mong được tham dự buổi mai táng chiều nay, chắc ông chấp thuận.
Tên trung tá công an cắn môi ngần ngừ một chút rồi đáp, giọng cứng rắn:
- Thưa, mong ông thông cảm. Không phải chúng tôi khắt khe nhưng có điều là nội quy không cho phép ạ.
Hoà Thượng Trí Thủ mềm giọng năn nỉ:
- Chúng tôi thiết tưởng điều đó không có gì trái với nội quy. Chúng tôi chỉ xin đứng làm người tham dự cuộc mai táng để tiễn đưa người quá cố lần cuối. Chúng tôi không rõ khi còn sống Thượng Tọa Thiện Minh có phạm lỗi gì với nhà nước chăng, nhưng, ngay cả khi ông có lỗi thì bây giờ Thượng Tọa cũng đã qua đời rồi, xin ông nghĩ lại giùm cho.
Tên trung tá công an vẫn khăng khăng:
- Chúng tôi hiểu và chúng tôi rất thông cảm. Nhưng cũng xin ông nhớ cho là, dù đã chết thì ông Đỗ Xuân Hàng vẫn là một tù nhân. Chưa có lệnh nào xóa án cho ông ấy cả.
Hòa Thượng Trí Thủ hơi giận:
- Thưa ông, cũng chưa có tòa án nào kết tội ông Đỗ Xuân Hàng cả.
Tên trung tá công an bướng:
- Nhưng ông ấy vẫn bị liệt vào hạng bị tình nghi về chính trị.
Hòa Thượng Trí Thủ gắt:
- Vậy, thưa ông, tình nghi và tù nhân giống nhau?
Tên trung tá công an đứng dậy:
- Vâng, thưa ông, giống nhau.
Hắn xếp lại chồng hồ sơ trên bàn rồi châm một điếu thuốc Samit nói:
- Thưa các vị, tất cả những gì cần trình bày, tôi đã trình bày xong. Bây giờ, xin lỗi là tôi phải đi họp. Xin chào các vị.
Nói xong hắn te te đi ra. Hòa Thượng Trí Thủ vẫn ngồi chết cứng trên ghế. Bên tai ông vẫn còn văng vẳng giọng nói đanh ác của tên trung tá công an hồi nãy: “dù đã chết thì ông Hàng vẫn là một tù nhân”.

  • 2. Hòa thượng Thích Đôn hậu, Lời Tuyên Bố
Trước hai vị đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN (GH Minh Hạnh Tập, 14)

Linh Mụ, ngày 08 tháng 12 năm 1978 

Thưa quý vị,

Chắc quý vị đã biết một cách rõ ràng là Phật giáo chúng tôi luôn luôn gắn liền với dân tộc. Phật Giáo với dân tộc gắn liền với nhau như môi với răng. Mà Phật Giáo và dân tộc vì gắn liền với nhau cho nên khi ra Bắc, tôi được các vị cho biết, những thời qua, các vị cách mạng tiền bối, kể cả Hồ Chủ tịch, mà hiện tại các vị như là Thủ tướng Phạm văn Đồng .v.v... thì đã ở chùa, để mà tiếp tục làm cách mạng, thì trong khi đó nếu Phật Giáo không phải là yêu nước thì trong khi mà các Ngài ở chùa đó, nếu các nhà sư mà xấu, thì chắc là các Ngài cũng không còn đến ngày nay để lãnh đạo. Và từ đó về sau, trải qua những cuộc kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, các vị cũng biết rằng nhà chùa, nhất là nhà chùa là những nơi giúp đỡ, chở che cho cán bộ, bộ đội như thế nào! Và ngay cả Tết Mậu Thân, dù cán bộ, bộ đội về nhiều như thế, về thành phố Huế nhiều như thế, thì về ở đâu, không phải là ở nhà đạo khác mà chỉ là ở nhà Phật tử, mà nếu như Phật tử mà họ xấu, họ không có tinh thần yêu nước, thì khó mà thực hiện được cuộc cách mạng vùng lên trong Tết Mậu Thân.
Nói như vậy để thấy rằng Phật Giáo luôn luôn gắn liền với cách mạng. Vì gắn liền với cách mạng cho nên khi nghe đến giải phóng chỗ nào thì người Phật Giáo hoan nghênh lắm. Mà nhất là khi nghe giải phóng đến Sài gòn, thì phấn khởi vô cùng, hoan nghênh hết sức. Từ đó thì cán bộ, bộ đội về khắp tất cả, từ nông thôn cho đến thành thị, mà ở đâu có bóng của các vị, của anh em cán bộ, bộ đội, thì đồng bào, mà trong đó đa số là Phật tử, thấy các anh thì họ hết sức là hoan nghênh, vui vẻ ra đón chào. Người thì bắt tay, người thì vuốt vai, người thì cầm áo, người thì ngó mà rất hoan nghênh, cứ ngó mãi mãi, cứ cười mãi. Họ thấy các anh em, họ nhìn các anh em như là anh em, con cháu chú bác gì của họ đi xa, đi làm nhiệm vụ thành công mà về. Từ đó có cái gì họ cũng đem ra mời ăn, thành ra đoàn kết, mà còn là thương yêu nữa. Chẳng những thương yêu mà còn là kính nể nữa, kính trọng nữa. Bởi vì họ thấy anh em là những người có công với cách mạng, có công trong cuộc kháng chiến, là những người nếm mật nằm gai đem lại độc lập, hòa bình cho quê hương.
Nhưng mà thưa quý vị!
Cái tình đoàn kết đó, thương yêu đó, kính trọng đó chỉ có được mười ngày thôi. Sau mười ngày đó, thì đoàn kết xưa nay nó rã bành tô hết, và cái lòng thương yêu đó, sau đó họ ghét cay ghét đắng. Tình kính trọng đó, lòng kính trọng đó trở lại họ khinh đáo để!
Tại sao vậy ? Rất dễ hiểu thôi.
Là anh em cán bộ, bộ đội, như tôi nói khi nãy, là về khắp, về từ hang cùng cho tới thành thị, nông thôn. Đi bất cứ đâu, về đạo khác thì chúng tôi không biết, chơ về Đạo Phật, các nhà chùa mà nhứt là những chỗ có người tu học ở đông, thì anh em nói như thế nầy: “ Trước kia tu là phải rồi, nhưng mà bây giờ hòa bình độc lập rồi tu mà làm gì nữa, thì các vị nên về đi, mà lo sống, lo từng người sống thì hơn. Chùa là gì? Chùa là xương máu của đồng bào, mà rồi đây trước sau người ta cũng lấy thôi. Bởi vì của đồng bào, thì bây giờ lấy để làm việc lợi ích cho đồng bào, người ta cũng sẽ lấy làm  công việc, khi đó các ngươi cũng sẽ về. Vậy thì trước sau chi cũng về, bây giờ về trước cho rồi còn hơn. Thêm nữa, các người theo Đạo Phật thì thử hỏi gần ba ngàn năm ni, Đạo Phật ra đời gần ba ngàn năm ni, họ đã đem lại cái gì lợi ích cho nhân dân chưa?  Mà đó, cách mạng ta làm thành tựu như vậy đó, mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Như vậy tôn thờ cách mạng hơn tôn thờ Phật.
Sự phát biểu của anh em, bắt đầu từ đó thì tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng các anh em nó còn một nửa, còn phần nửa rồi sẽ hết, mà nó còn thâm nữa. Tiếp theo sự vận động của anh em, lại còn khủng bố các nhà chùa, nhục mạ những nơi Niệm Phật đường, không cho họ đến làm lễ và nói những lời thật khiếm nhã.
Tiếp theo thì các anh em phá hủy tượng Phật lộ thiên. Đó, như tôi đã nói khi nãy, tiếp theo sự phá hủy tượng Phật lộ thiên, còn bắt bớ, giam cầm nhiều người.
Sau đây còn bắt các vị tu sĩ Đại diện các Tỉnh. Thí dụ: như đưa tới cho các vị đó biên bản bảo ký vô. Rồi trong biên bản đại ý nói thế này. “cái giảng đường của chùa, chúng tôi bằng lòng cho Ủy ban mượn sử dụng”. Biểu vị Đại diện đó ký vô. Vị Đại diện nói thế nầy: Chúng tôi không thể ký được, bởi vì chúng tôi có nhiệm vụ giữ gìn mà không có nhiệm vụ giao cho ai hết. Bởi vì đây là tài sản của Viện Hóa Đạo. Nếu có sự ủy thác, giấy tờ gì của Viện Hóa Đạo chúng tôi sẵn sàng giao. Đây chưa có mà chúng tôi giao chúng tôi có lỗi. 
  
Họ nói rất có lý, nhưng rồi các ông đó bị bắt, không lấy cái lý do đó, chỉ lấy lý do mấy ông sư đó là phản động, mấy ông sư đó là theo CIA, theo Mỹ, theo ngụy.v.v.. Nói như vậy mà bắt. Rồi lần lượt bắt cho đến các vị lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo nữa, rồi bắt Thiện Minh nữa, rồi để Thiện Minh chết nữa. 

Thưa quý vị, 

Quý vị biết tôi là người trong Viện Hóa Đạo, tôi không thể ngồi trên cơ quan của Nhà Nước mà nhìn Phật Giáo chúng tôi bị đàn áp tơi bời như vậy được. Thêm nữa theo nguyên tắc, hạ cấp phục tùng thượng cấp, tôi là ngồi trên thượng cấp, trong khi các địa phương làm như vậy đó, là hạ cấp. Thì dầu trực tiếp hay gián tiếp ít hay nhiều tôi đã ra lịnh cho địa phương bắt thầy tu giam cầm.v.v.. thì đó là điều rất đau đớn, tôi không làm được, tôi không chịu được. 
Bây giờ chúng tôi mời các vị đóng địa vị tôi, các vị làm sao? Các vị phải làm như tôi là cùng. 

(Đến đây ông Bùi San mới lên tiếng, đương nhiên là nãy giờ chăm nghe ghê lắm. Bây giờ ông mới lên tiếng. Ông nói: “Thưa cụ, kể ra cụ đã có tham gia cách mạng tám năm trường, bây giờ tuổi già sức yếu, cụ nghỉ cũng phải, nhưng mà nghỉ cách nào kia, chớ nghỉ như cụ thì chưa đúng lúc và chưa đúng cách. Mong cụ nghĩ lại.) 
  
Tôi xin trả lời: 
“ Sự từ chức của tôi vừa đúng lúc mà vừa đúng cách. Đúng lúc là khi ông Hoàng Phương Thảo, ông lên vận động tôi ra ứng cử, thì sau khi từ chối không được, buộc tôi phải ra. Như vậy tôi phải ra, nhưng mà tôi phải có lời yêu cầu: là tôi có hai nhiệm vụ phải làm tròn, Phật Giáo và dân tộc, thì tôi ra ứng cử, nếu rủi mà đắc cử, (tôi xin nhấn mạnh) nếu rủi mà đắc cử, thì sau đó không làm được gì trong hai nhiệm vụ nói trên, thì tôi sẽ lui khi đó. 
  
Thế mà thật, sau khi đắc cử, dù là đắc cử cách gì, sau đó tôi thường nhận được bao nhiêu lá thơ, bao nhiêu lá đơn, nội dung những lá đơn họ đưa nói thế nầy: “ Kính thưa Hòa thượng Đôn Hậu, Đại biểu Quốc hội, tôi Nguyễn văn H, một cử tri ở phường đó, hôm nay tôi bị điều oan ức như bị cướp nhà, như bị choán đất. v..v..trước sự oan ức đó làm cho tôi hết sức khổ đau. Vậy tôi xin yêu cầu Đại biểu Quốc hội can thiệp cho người dân được nhờ”. 
  
Tôi liền phê bên lề như thế này: “Tôi đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh cho cưú xét, giúp đỡ cho đương sự được thỏa mãn theo yêu cầu và cho tôi biết kết quả”. Thì tôi chỉ làm chừng nấy thôi. Nhưng mà cái đơn nớ đưa đi, chẳng khác nào viên cát bỏ thêm vào trong bãi sa mạc, nghĩa là nó chỉ đi mà không lại. Bên kia thì người dân cứ tới hỏi, cứ tới thúc. Rồi người dân khác cũng vậy, thì như vậy chứng tỏ tôi không làm tròn nhiệm vụ đối với người dân. 
  
Còn đối với Phật Giáo, thì tôi lại càng không làm tròn nữa. Trước cái sự bắt bớ, giam cầm cho đến bắt các vị lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo, cho đến bắt Thiện Minh, rồi để Thiện Minh chết nữa. Trong khi đó tôi là Đại biểu Quốc hội, tôi chẳng làm gì được cả, chẳng can thiệp gì được cả. Tôi đau khổ hết sức và thêm nữa theo nguyên tắc hạ cấp phục tùng thượng cấp thì các địa phương làm như vậy là hạ cấp. Tôi ngồi trên thượng cấp, dù trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều tôi đã ra lịnh cho địa phương bắt bớ, giam cầm để cho người lãnh đạo Phật Giáo phải bị chết. Tôi hết sức là đau khổ. Bây giờ tôi mời các vị đóng  địa vị tôi thì các vị phải làm sao, cũng phải lui như tôi. Vì thế cho nên tôi lui, tôi giải nhiệm. Đó là đúng lúc, bởi vì cả hai nhiệm vụ không làm tròn. Một nhiệm vụ không làm tròn lui là được rồi, huống chi đây cả hai đều không làm tròn, Tôi lui là phải rồi. Đó là đúng lúc. 
  
Đúng cách, là Quốc hội, đương nhiên năm mươi triệu người dân, cử lên năm trăm Đại biểu. Năm trăm Đại biểu đó về Hà Nội, bầu lên một Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay cho năm trăm Đại biểu, cũng như năm trăm Đại biểu thay cho năm mươi triệu người dân, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, mà tôi từ chức với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là phải cách. Chớ bây giờ bảo nói với người dân sao? Nói với người dân một à! Nói với từng người dân một không bằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội . 
  
(Nói đến dây, Ông Bùi San nói tiếp: “Thưa cụ chánh phủ ta, gặp lúc nó cũng căng thẳng quá, biên giới Campuchia-Việt Nam như vậy (khi đó dân Pôn-Pốt đang còn rắc rối) biên giới Trung Quốc-Việt Nam như vậy,  các nước xấu nó chưởi ta như vậy, cộng thêm cái đơn từ chức của cụ có lý do nữa, mà cụ có nói dù là cụ lui nhưng mà với nhiệm vụ công dân cụ cứ đóng góp, thì muốn đóng góp nhiệm vụ công dân, không lúc nào hơn lúc nầy, xin mời cụ ngồi lại là phải”). 
  
Tôi cúi xuống, suy nghĩ một lúc. Ngẩng đầu lên tôi nói: “Tôi rất cảm động trước cái lời thành thật của cụ”. Tôi ngừng một lúc nữa, tôi nói: “Thôi bây giờ thế nầy, tôi nghĩ như thế nầy” (và trong khi đó tôi chỉ nói như vậy, chứ chưa tỏ cái ý kiến gì, thì thấy hai ông sắc mặt nó vui lên. Đổi lại thế ngồi, lắng nghe). 
  
Tôi nói: “Thưa các vị, theo các vị biết đó, Phật Giáo chúng tôi sống dưới bao nhiêu chế độ, bị đàn áp một cách thiệt khe khắt. Người Phật tử luôn luôn trông mong có một chế độ nào cởi mở hơn, biết điều hơn. Để đem lại cho họ, để trả lại cho họ những quyền lợi nào, một phần quyền lợi nào đã bị mất. Thế nhưng mà từ khi giải phóng hoàn toàn đến nay, Phật Giáo chúng tôi chẳng những không được trả lại một quyền lợi nào bị mất, mà còn bị mất thêm ba mươi lần nữa. Như thế là ở trên tang tóc khổ đau của Phật Giáo đồ đã chịu bao nhiêu năm. Sau khi giải phóng Phật Giáo đồ chúng tôi bị bao nhiêu khổ đau tang tóc, thì bây giờ để vơi bớt đi phần nào đau khổ của Phật Giáo đồ chúng tôi, mà tôi có thể ngồi lại địa vị Quốc hội được thì trước hết tôi xin có Ba lời yêu cầu, Ba lời yêu cầu này mà được Chánh phủ chấp nhận và thể hiện lúc nào thì tôi ở lại lúc ấy, mà không thì thôi. 
  
Điều thứ nhứt: 
Là chánh phủ trả tự do cho tất cả các vị tu sĩ bị bắt bớ giam cầm đã lâu mà không bị can án. (Ông Bùi San ngó tôi, ông thuật lại “mà không can án”). 
  
Tôi nói: “Đúng. Chúng tôi không phàn nàn cái chuyện bắt bớ, thấy có tội thì cứ bắt. Nhưng mà nó có hai cách, bắt bớ rồi thì phải điều tra, điều tra mà thấy họ có tội đưa ra tòa mà xét xử, mà thấy họ không có tội cứ đưa trả tự do cho người ta về. Cái gì lại cũng không đưa ra tòa, mà cũng không xét xử, để giam mãi như vậy. Cho nên tôi đòi hỏi điều thứ nhứt: Trả tự do ngay cho các vị tu sĩ bị bắt bớ, giam cầm đã lâu mà không bị can án”            
  
Điều thứ hai: 
Hãy đưa cái chết của Thượng tọa Thiện Minh ra ánh sáng, nghĩa là phải đưa cái người giết Thiện Minh ra ánh sáng. Không nói lôi thôi gì hết. Có người giết ! 
  
Điều thứ ba: 
Là chánh phủ hãy cho chấm dứt tình trạng khủng bố Phật Giáo đồ ở các địa phương. 

Bây giờ để nói rõ thêm ở điều thứ hai. 

Tại sao tôi dám nói Thiện Minh chết có người giết. Tôi dám nói có cơ sở. Nhưng trước hết tôi xin hỏi: “Thiện Minh có tội chi mà bắt, mà bị bắt? ” 

Cái câu hỏi đó, cơ quan ở Sài Gòn đã trả lời: Thiện Minh có ba tội: 

Tội thứ nhứt là còn quyến luyến chế độ cũ. 
Thứ hai là tội vượt biên 
Thứ ba là đời tư không tốt. 

Tôi xin lần lượt hỏi từng điểm một, hỏi cơ quan từng điểm một. 

Cơ quan nói: ”Thiện Minh còn quyến luyến chế độ cũ”. Vậy thì tôi xin hỏi: ”Cơ quan nói Thiện Minh còn quyến luyến chế độ cũ đó là cơ quan nghe hay là cơ quan thấy. Mà cơ quan nghe thấy ấy vào trong thời gian nào, vào trong địa điểm nào? Và thời gian, địa điểm mà các vị nghe thấy đó, có ai làm chứng không? Mà người làm chứng đó có công tâm không?trung lập không? đạo đức không, vô tư không? Mà Thiện Minh đã thừa nhận chưa cái đã. Đó, có đủ tất cả điều kiện như vậy, rồi nắm những điều kiện đã hội đủ đó, đưa lên mà nói: Đây nì, đây nì! Rõ ràng Thiện Minh còn quyến luyến chế độ cũ, bằng cớ đây. Mà đây không phải như vậy. Cơ quan cứ nói Thiện Minh còn quyến luyến chế độ cũ, khi hỏi thế nào xin cho những cái ví dụ, thì các ông lúng túng. Cái lúng túng của các ông chứng tỏ các ông vu khống”. 

Thứ hai: Các ông bắt Thiện Minh vì tội vượt biên, vượt biên như thế nào? Có phải vượt biên từ Sài Gòn qua Gia Định rồi vượt biên từ Gia Định về Lái Thiêu không? Tôi hỏi như vậy có tánh cách khôi hài, nhưng mà không phải, nó thế nầy: sau khi Thiện Minh ở nơi cư xá Quảng Đức, bị thâu thẻ cư trú, rồi Thiện Minh về Già Lam ở, rồi tới hỏi giấy tờ không có, rồi bắt. Ở chỗ khác, hỏi giấy tờ không có cũng bị bắt. Bây giờ chỉ có cái tìm chỗ đất nào đó để ở, để sanh sống, cho nên về Lái Thiêu. Cái ngày đó Thiện Minh đi từ Sài Gòn qua Gia Định về Lái Thiêu, đều ngồi trên ô tô, đi trên quốc lộ, như vậy mà gọi là vượt biên thì ở Sài Gòn vượt biên cách đó mỗi ngày có triệu người tại sao không bắt?

Cơ quan nói: ”Không, Thiện Minh vượt biên có tài liệu nguy hiểm lắm, cha đâu có phải nói chơi!” 

Vâng, cơ quan nói Thiện Minh vượt biên có tài liệu nguy hiểm. Nhưng tôi xin hỏi: ”Đã có tài liệu nguy hiểm tại sao từ khi Thiện Minh bị bắt, cho đến  khi chết, ngót thời gian sáu tháng, trong thời gian sáu tháng đó tại sao cơ quan không công bố tài liệu nguy hiểm đó ra cho thiên hạ đều biết, để đến bây giờ các ông mới đưa ra các bản đánh máy gọi là tài liệu này, tài liệu khác. Các ông đưa chừng ấy, chứ đưa một trăm bản cũng được, một ngàn bản cũng được, có ai đối chất nữa mà sợ”. Đó là thứ hai các ông vu khống! 

Thứ ba: Các ông bắt tội Thiện Minh có đời tư không tốt. Thì Thiện Minh có đời tư không tốt, chớ đâu phải có đời công không tốt. Nhưng mà có đời tư không tốt của người ta, trong nhà người ta, mặc kệ người ta. Chuyện gì chánh phủ mà bắt? Giả sử như có đời tư  không tốt các ông căn cứ vào đâu để mà nói Thiện Minh có đời tư không tốt. Chắc chắn các ông căn cứ vào tờ báo Sóng Thần chớ gì! Mà tờ báo Sóng Thần ai chủ trương? Chu Tử. Theo các ông nói: Chu Tử là CIA. Mà CIA là thế nào? Là người ghét Thiện Minh đáo để. Cho nên đã bỏ tù mười lăm năm, đã ám sát bằng lựu đạn. Thế mà bây giờ nói Thiện Minh cứ căn cứ vào tờ báo Sóng Thần để mà lên tội, lên án. Đó là thứ ba các ông vu khống! 

Đến đây, tôi kết luận được rồi đấy. Bởi vì lối lý luận của chúng tôi bao giờ cũng kết luận sau khi suy luận. Suy luận rồi đấy, bây giờ tôi xin kết luận: là Thiện Minh không có tội chi hết. Nghĩa là người bị bắt không có tội thì người đứng ra bắt có tội. Đã là như vậy, tại sao chánh phủ làm cái việc lạ lùng hết sức, đi bắt tội cái người không có tội chi hết là Thiện Minh, mà dung tha cho người có tội là cơ quan! Thế rồi để cho người ta chết. Tôi thì tôi không biết rõ Luật Quốc tế lắm, nhưng mà tôi đoán chắc rằng Luật Quốc tế không cho phép để cho người bị bắt chết trong trại giam. Mà đây Thiện Minh đã chết trong trại giam. 

Vậy tôi xin hỏi: Thiện Minh chết bằng cách gì? Cơ quan trả lời: Chết vì xuất huyết não. 
Tôi hỏi: Bằng cớ đâu? 

Các ông nói; Ô, có cả Hội đồng Bác sĩ khám nghiệm, chớ đâu phải nói chơi! 
Vâng, theo các ông nói có Hội đồng Bác sĩ khám nghiệm. Cũng như trước kia Ngô Đình Diệm làm như vậy, cũng nói có Hội đồng Bác sĩ khám nghiệm thì chuyện đó chúng tôi quen thuộc lắm rồi. 

Có khó gì, đến nơi điện thoại, giở điện thoại lên:” Alô...Alô...cho gặp Bác sĩ này, Bác sĩ khác. Mời đến gấp, mời đến gấp”. Khi mấy ông Bác sĩ đến thì các ông đưa ra cái bản đánh máy biểu ký vào. Đó tức là khám nghiệm. Thì tôi tưởng cái lối khám nghiệm đó không có giá trị gì hết. Mà tôi tưởng khám nghiệm có ý nghĩa thế này, phải có 4 thành phần như thế này:

Thứ nhứt là cơ quan. 
Thứ hai là Hội đồng Bác sĩ 
Thứ ba là Viện Kiểm sát nhân dân. 
Thứ tư là Tòa án nhân dân. 

Như vậy mới có nghĩa, nhưng mà chưa đủ. Phải có thành phần thứ ba, là thân nhân của đương sự, là bà con của Thiện Minh nữa, mà đặc biệt là Viện Hóa Đạo nữa. Như vậy mới có nghĩa. 

Đây cơ quan trọng yếu là thân nhơn của đương sự, là Viện Hóa Đạo đã không có, đến cơ quan thứ yếu là Tòa án với Viện Kiểm sát cũng không có mà chỉ có cơ quan công an với Bác sĩ, thì như vậy cơ quan khám lại cơ quan thôi. 

Đến đây tôi có thể kết luận: 
“Thiện Minh chết không phải vì xuất huyết não, mà vì BÀN TAY TỘI ÁC CHÍNH TRONG CƠ QUAN TẠO RA!” 

Trong cơ quan đã tạo ra vụ Cần Thơ rồi, đã tạo ra vụ Quách thị Trang rồi. Bây giờ tạo ra vụ Thiện Minh nữa. Rồi tạo ra vụ khác nữa. Bao nhiêu, tạo bao nhiêu cái vụ như vậy rồi trút vào trong chính phủ. 

Là một công dân tôi không thể để cho cơ quan làm những cái việc bất chính như vậy, để cho chánh phủ phải bị tổn thương. Và muốn cho việc làm của mình khỏi mang tiếng là mờ ám, các ông đã tin cho Viện Hóa Đạo biết. Nghĩa là để cho Viện Hóa Đạo về đó coi Thiện Minh chết rõ ràng đó. Nhưng mà các ông còn làm như vậy chừng nào, thì vấn đề càng mờ đi chừng nấy. Là bởi vì, được tin rồi, được tin liền, thì Viện Hóa Đạo về liền, về liền thì thấy các ông đã bỏ trong hòm mà liệm rồi, chỉ chừa cái mặt. 

Rồi Viện Hóa Đạo xin về, xin đem về chôn cất, các ông không cho. 

Tại sao vậy ??? 

Đến đây thì thấy rõ ràng quá. Là tại sao Thiện Minh chết ba ngày các ông mà tin. Mà tại sao tin rồi Viện Hóa Đạo về liền, mà các ông vừa tin đồng thời bỏ vô hòm mà liệm?! Chỉ chừa cái mặt! 

Đây thấy rõ ràng quá! Rõ ràng như 2 với 2 là 4. Là trong người Thiện Minh đầy cả thương tích. Muốn che đậy thương tích đó, muốn che đậy, lấp liếm cái việc làm của mình bằng cách là thương lượng, bàn bạc thế này thế khác. 

Sau nghĩ rằng không tin thì không ổn, cho nên các ông phải tin. Tin rồi muốn che đậy, thì bằng cách là bỏ trong hòm mà liệm đi. Rồi đến khi xin đem về chôn cất không cho. Bởi vì sợ người ta thấy những cái vết thương mà các ông đã đánh đập.
 
Thì đến đây tôi kết luận thêm nữa: “Thiện Minh chết không phải là vì xuất huyết não, mà là vì BÀN TAY TỘI ÁC CHÍNH TRONG CƠ QUAN TẠO RA”! 

Là một công dân tôi đòi hỏi chánh phủ phải mở cuộc điều tra và tôi tin chắc chắn chánh phủ luôn luôn là sáng suốt, công minh. Mà đã mở cuộc điều tra, tất nhiên là thấy rõ ai làm. Không điều tra thì thôi, mà khi đã thấy rõ ai là thủ phạm thì đương nhiên chánh phủ phải đưa người ấy ra Tòa mà xét xử. Giết người thì phạm cái tội gì theo Hiến pháp, thì cứ đưa ra Tòa mà xét xử. 

Và tôi tin các ông biết là lời nói của tôi, lời nói của ông thầy tu già đây nì, là lời nói chắc chắn lắm đây nì. Đã biết thủ phạm rồi các ông cứ đưa ra Tòa mà xét xử theo luật. Đến khi mà định án rồi, thì chúng tôi lấy tư cách Thư ký Viện Tăng Thống kết hợp với các vị Hội đồng trong Viện Hóa Đạo đứng lên xin Chánh phủ khoan hồng cho anh ta, không sợ gì hết. 

Chúng tôi không đòi hỏi bồi thường đâu. Chúng tôi chỉ cần ánh sáng mà thôi. Cần nêu ánh sáng lên để cho muôn đời với tương lai biết mà thôi. 

Và cuối cùng tôi đề nghị với quý vị, chúng ta nên hy sinh con tốt quèn đi, con tốt đen nớ đi, nếu mà bênh vực chở che cho con tốt quèn đó, rồi vì con tốt đó mà làm hư hết cả tướng sĩ tượng xe pháo ngựa, xong hết cả bàn cờ. 

Đến đây, tôi nói quá nhiều rồi, tôi xin hết lời. Và trước khi dứt lời, tôi xin nhắc lại 3 điều yêu cầu: 

- Yêu cầu Chánh phủ trả tự do cho tất cả quý vị tu sĩ đã bị bắt, bị giam cầm đã lâu mà không can án. 
- Đưa cái chết, nghĩa là đưa cái người giết Thiện Minh ra ánh sáng. 
- Chấm dứt tình trạng khủng bố Phật Giáo đồ ở các địa phương. 

Được chánh phủ chấp nhận và thể hiện lúc nào tôi sẽ ngồi lại địa vị Đại biểu Quốc hội khi nấy. 

Xin chúc các vị được an lành. 
(Thế rồi các ông về. Từ đây tôi không biết hai ông về rồi có thái độ như thế nào?) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét