Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Hà Nội & chủ trương tẩy não giới trẻ Việt ở Hoa Kỳ - Một chuyện cũ nhưng vẫn còn mới

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, cháu gái lớn tôi đang học lớp 12 trường Trung Học Irvine trên đường Walnut của thành phố. Cần nói rõ như thế để phân biệt với một High School khác nằm trong khu Woodbrige. Một buổi chiều cháu trao cho tôi đọc mấy trang cháu ghi lại nội dung bài giảng của giáo sư về lịch sử chiến tranh Việt Nam từ khởi sự cho đến khi gọi là thống nhất đất nước tháng tư năm 1975. Đọc xong tôi không khỏi bàng hoàng pha lẫn tâm trạng bất an. Một câu chuyện bóp méo trắng trợn về những sự thật quanh cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam mà với tư cách người làm truyền thông khi ấy tôi đã chứng kiến từ đầu.<!>
Ngay sau đó tôi thông báo cho một số bạn bè, trong đó có những thành viên trong hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại, như các GS Lưu Trung Khảo, Phạm Quân Hồng, TS Phạm Cao Dương, DS Trần Hiếu, NS Phạm Đình Tuân. Và sau khi trao đổi ý kiến với một số phụ huynh học sinh Việt Nam bạn cùng lớp với con gái tôi, khoảng một tuần sau mấy anh chị em được ủy thác trực tiếp gặp gỡ vị Hiệu Trưởng và ông thày phụ trách môn sử lớp 12 trường Irvine High School để nêu thẳng vấn đề. Mọi chuyện sau đó đã được giải quyết ổn thỏa. Với sự cộng tác của vị GS giảng dạy môn sử, Ban Giám Đốc nhà trường hứa sẽ duyệt xét lại toàn bộ những tài liệu lịch sử liên hệ tới chiến tranh Việt Nam hiện đang được nhà trường sử dụng lâu nay.
Vì vấn đề quá mới và cũng vì hầu hết anh em đều ở lứa tuổi 40/50, tối ngày bận rộn trong việc mưu sinh nên sau câu chuyện trên đây ít ai quan tâm tới việc tìm hiểu thêm. Phải nói đây là một thiếu sót lớn trong cuộc đấu tranh chống lại mưu toan xâm nhập cộng đồng tị nạn ở hải ngoại của nhà cầm quyển Hà Nội qua ngả văn hóa giáo dục. Rất nhiều lần nghĩ lại tôi không khỏi cảm thấy chính mình cũng có lỗi.

Một mặt trận gần như hoàn toàn bị quên lãng

Nhìn về mặt nổi, trong hơn bốn thập niên qua, sinh hoạt đấu tranh chống cộng của các cộng đồng tị nạn ở hải ngoại, cách riêng tại Hoa Kỳ và Úc châu khá rộn ràng, sinh động. Nhiều tổ chức, tập thể quy tụ các cựu công chức, quân đội được khai sinh. Cùng lúc một số đảng phái chính trị, kể cả các chính phủ lưu vong đua nhau ra đời. Chưa hết, còn có các phong trào, mặt trận chủ trương vũ trang âm thầm, toan tính đưa người về nước lập chiến khu, chủ trương dùng du kích chiến nhằm lật đổ chế độ cộng sản Hà Nội.
Các buổi hội thảo về hiện tình đất nước được tổ chức khắp nơi. Những cuộc mít tinh, xuống đường yểm trợ cao trào giới trẻ đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước được sự tham dự của nhiều bà con cũng liên tiếp diễn ra đây đó, đặc biệt tại những địa phương đông đảo người Việt tị nạn;
Trong khi ấy một mặt trận quan trọng ít ai chú ý được các cán bộ ngoại vận CSVN kiên trì theo đuổi nhằm mục tiêu đường dài là cắt lìa hai thế hệ trẻ già trong các cộng đồng tị nạn hải ngoại(1). Đó là mặt trận văn hóa, giáo dục mà chỉ bằng vào cách nhìn hời hợt bên ngoài ít ai cho là quan trọng. Một cách khá đơn sơ giản dị, phần đông các bậc phụ huynh, bao gồm cả những người hoạt động cộng đồng, hoạt động chính trị, nghĩ rằng con em mình đang theo học trong các hệ thống học đường được điều hành bởi những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới còn có điều gì phải lo? Thực tế không đúng như vậy.
Chính vì lối suy nghĩ đơn giản ấy mà từ lâu mặt trận này gần như hoàn toàn bị mọi người, mọi giới quên lãng. Và như thế là những cán bộ ngoại vận của đảng và nhà nước CSVN tha hồ múa gậy vườn hoang.

Hơn một lần, vẫn do giới phụ huynh báo động

Trong một bài viết đăng trên nhật báo Người Việt đề ngày 26-02-2017, ký giả Linh Nguyễn đã tường thuật trường hợp một phụ huynh vừa lên tiếng về chuyện liên quan tới mưu toan chia xé cộng đồng tị nạn hải ngoại của CSVN bằng tài liệu giáo khoa.
Tóm tắt câu chuyện như sau.
Ông Vũ Nguyễn, thân phụ bé Xuân Vy, một nữ sinh đang theo học lớp 6 trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia, cách Little Sàigòn khoảng hơn 10 dậm về hướng bắc. Theo lời kể của ông Vũ Nguyễn, ngày vừa qua con gái ông mang về khoe bố mẹ quyển sách mới về Việt Nam mà nhà trường giới thiệu cho học sinh đọc. Cuốn sách có tựa đề “I Am Vietnamese American”, 30 trang, tác giả Felice Blanc, do The Rosen Publishing Group’s Power Press, New York, xuất bản. Nội dung tập sách là tự truyện của một em bé Mỹ gốc Việt, tên Trần Nguyễn. Em kể lại câu chuyện em cùng với cha mẹ ông bà từ Hà Nội miền Bắc Việt Nam sang Mỹ định cư. Đọc qua có vẻ như một câu chuyện bình thường nếu người đọc không để ý tới một số chi tiết tuy nhỏ những ảnh hưởng rất lớn tới tư duy non nớt của giới trẻ Việt Nam sống xa quê hương.
Bày tỏ mối quan với tư cách một phụ huynh, ông Vũ Nguyễn cho biết:
“Dù mới chỉ đọc có 10 trang ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến tôi giật mình, phải ngồi dậy ‘scan’ ngay và gửi đến các thân hữu, vì cảm thấy hết sức bất an.”
Theo nhận định của ông, quyển sách tuy rất nhỏ, ít trang, nhiều hình cho trẻ em tiểu học xem và dễ nhớ. Thế nhưng tác dụng nguy hiểm của nó không nhỏ và rất sâu.
Bìa cuốn “I Am Vietnamese American” (Our American Family), Felice Blanc (Author), Liza Stuart (Author). Nguồn hình:Amazon.ca/Powerkids Pr (1998)
Ông chia sẻ tiếp. Cả những chi tiết nhỏ như tiêu đề dùng nền ‘font’ chữ đỏ. Số trang cũng lồng hình ngôi sao, may mà chưa phải sao vàng, cũng khiến ông không khỏi xốn xang dao động. Ông cho hay là đã trích vài dòng trong sách và gửi kèm file PDF, để các bạn hữu ông khi xem có cảm thấy sự độc hại của nó, hay chỉ vì ông quá nhạy cảm?
Đọc bài của ký giả Linh Nguyễn đến đọan ông Vũ Nguyễn cho biết về tấm hình họ Hồ và phần kể lại những hành vi gọi là “cứu quốc” của kẻ tội đồ dân tộc này, tôi tìm vào google đánh tên tập sách và lấy được tài liệu và hình họ Hồ sau đây nơi trang 9.
Trang 9 cuốn “I am Vietnamese”. Hình Vietcong Hồ Chí Minh đáp lễ quần chúng tại Tân Đề Ly (Ấn Độ, 1958). Hình Getty Images / Bettman
Tạm dịch trích đoạn trên đây theo tự truyện của bé Trần Nguyễn nơi trang 9 trong cuốn “I Am Vietnamese American”:
“Hồ Chí Minh

Cuối thế kỷ 18, người Pháp xâm chiếm Việt Nam. Vì Pháp cư xử không tốt với người Việt Nam, một nhân vật tên Hồ Chí Minh muốn mưu đồ độc lập cho dân tộc ông. Ông cam kết sẽ giải phóng người dân Việt khỏi ách thống trị của người Pháp. Và lời hứa này cuối cùng đã được thực hiện năm 1954 sau khi Pháp bị đánh bại. Lãnh thổ Việt Nam chia đôi và ông Hồ Chí Minh trở thành Chủ Tịch miền Bắc Việt Nam. Khi ông Hồ qua đời năm 1969 Việt Nam đang ở giữa một cuộc chiến tranh khác. Đây là lúc song thân tôi nghĩ tới việc di tản qua Hoa Kỳ?”
Mũi tên chỉ tấm hình ông Hồ với chú thích chuyển qua Việt ngữ: “Hồ Chí Minh đã dành gần hết đời ông để mưu cầu tự do cho Việt Nam từ tay người Pháp”(!)
Vẫn theo lời kể của thân phụ bé Xuân Vy, nơi trang 10 tác giả tự truyện ghi lại cuộc chiến giữa hai miền Nam/Bắc khởi đầu từ năm 1954, về việc Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến khiến hàng ngàn người Mỹ, Bắc Việt và Nam Việt chết, bị thương. Chiến tranh chấm dứt năm 1975 và Việt Nam độc lập năm 1976.
Trong bài, ký giả Linh Nguyễn cũng ghi lại những suy tư của phụ huynh thứ hai là ông Hiếu Nguyễn, cư dân Placentia có hai cháu học cùng trường với bé Xuân Vy.
Sau đây là những suy tư của ông Hiếu Nguyễn:
“Tôi vừa đọc xong cuốn sách. Nó nói lên một số sự kiện nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Cuốn sách được viết bằng một quan điểm thiên vị và thiếu một số sự kiện quan trọng… Hồ Chí Minh đã trở thành chủ tịch của Bắc Việt nhưng tập sách không đề cập đến tính cách diệt chủng khủng khiếp do cuộc cải cách ruộng đất của nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc gây ra, trong đó họ đã xuống tay hành quyết hơn 50,000 người dân vô tội. Đây cũng là lý do chính khiến cả triệu dân Việt miền Bắc đổ xô vào Nam tìm tự do và dân chủ vào năm 1954.”
Vẫn theo nhận định của ông Hiếu Nguyễn, phụ huynh hai em học sinh trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia, cuốn sách đề cập ngắn gọn về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng một lần nữa, nó đã không nói đến thực tế là bằng cách nào những người cộng sản thắng cuộc chiến? Hòa Đàm Paris, chính thức mang tên hiệp định chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam, là một hiệp ước hòa bình ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973. Tại thời điểm đó, Mỹ bắt đầu rút lại sự ủng hộ miền Nam Việt Nam. Trong khi ấy, Nga và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Bắc Việt, vi phạm trắng trợn hiệp ước hòa bình với mục tiêu xâm chiếm bằng được miền Nam. Cuối cùng vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản hoàn toàn chiếm miền Nam dẫn tới biết bao thảm cảnh. Hàng trăm ngàn quân dân cán chính và thường dân bị lùa vào nhà tù ngụy danh trại cải tạo, trong khi biết bao đồng bào bỏ xác trên đường vượt biên, vượt biển vì yêu chuộng tự do!
Chưa cần có tập sách trong tay, chỉ với vài chi tiết và nhận định của hai vị phụ huynh các cháu đang theo học trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia, đã đủ để nhận ra tính cách nguy hiểm và độc hại đối với giới trẻ tị nạn.
Ngoài chuyện thời sự trên đây, người ta cũng chưa quên trước ngày tưởng niệm 40 năm Quốc hận 30-4-2015, Thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí cũng tìm thấy trong số sách vở do Học Khu Westminster phát cho con gái ông có một tài liệu giáo khoa cộng sản mang tiêu đề “Let’s Speak Vietnamese”. Được biết thời gian ấy con gái ông Tạ Đức Trí đang theo học lớp song ngữ của trường trung học Warner Middle School thuộc học khu Westminster.
Sách được in tại nhà in Lê Nguyễn Press 9802 S. 45th Place, Phoenix, Arizona năm 2007. Tác giả là Lê Phạm Thúy Kim và Nguyễn Bích Thuận. Lê Phạm Mai Li (Cover Design); Lê Phạm Thúy Kim (Text Design); Illustration do Lê Phạm Thúy Kim, Nguyễn Phúc Nhật Khánh và Nguyễn Vivian, Hình ảnh do Lê Hùng. Nội dung sách chứa đựng những văn kiện được dùng trong chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay. Thí dụ, trang 13 có mẫu hướng dẫn điền đơn (Filling out forms) trong đó có mẫu đề tên chủ hộ là Phạm Thu Trinh, giáo viên và các chi tiết cá nhân, bên dưới đóng dấu Công an Quận. Con dấu mang hình quốc huy CSVN với cờ đỏ sao vàng, ký tên Trưởng Công An Quận là Trần Thế Sơn. Trang 14 có mẫu Giấy Khai Đăng Ký Kết Hôn, phía trên cùng ghi dòng chữ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.” Ngoài ra, sách còn có nhiều từ ngữ xuất hiện tại Việt Nam sau năm 1975 như “đăng ký” và danh xưng mới của thành phố Sàigòn mang tên họ Hồ.
Ngay sau khi biết được tin này, bản thân chúng tôi khi ấy đã viết một bài nhận định với tiêu đề “Tập sách ‘let’s Speak Vietnamese’ nói gì cới Cộng đồng Việt Tị nam Cộng sản?” được phổ biến trên các trang mạng xã hội, nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, tuần báo Viettide.
 
Vài dòng trước khi kết thúc bài này
 
Theo nhận định của cá nhân người viết, những ưu tư của hai ông Vũ và Hiếu Nguyễn được ký giả Linh Nguyễn của nhật báo Người Việt trích dẫn trên đây đã đủ để chúng ta thấy câu chuyện có vẻ nhỏ nhưng quả thật không nhỏ chút nào như chính quan điểm cùa hai phụ huynh học sinh ở Placentia.
Xét về một phương diện, mọi cảnh báo lúc này tuồng như đã quá trễ, nhưng trễ còn hơn không. Nếu không muốn thấy một ngày nào đó chính con em sau khi bị những tài liệu giáo khoa do Hà Nội tuồn vào hệ thống học đường hải ngoại đầu độc sẽ quay lại chống những bậc sinh thành ra chúng, hẳn chúng ta không thể đành lòng làm ngơ.
Sau đây chúng tôi xin trích lại đoạn cuối bài viết hơn một năm trước sau phát giác của ông Thị trưởng Tạ Đức Trí về con đường dài của Hà Nội nhằm tẩy não con em chúng ta như một lời kết cho bài viết này.
“Có những chỉ dấu cụ thể cho thấy việc len lách vào tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại qua cửa ngõ giáo dục không phải là việc tình cờ, giai đoạn, mà là một chính sách lâu dài được Hà Nội nghiên cứu và chủ động thực hiện lâu nay. Nghị Quyết 36 chính thức ra đời từ năm 2005. Ngày 04-8-2009 website của Bộ Ngoại Giao VNCS công bố chương trình thử nghiệm dạy Việt ngữ cho người Việt ở nước ngoài do ông Phạm Gia Khiêm với tư cách Phó Thủ Tướng ký duyệt, theo đó sẽ được thực hiện tại Lào, Campuchia, Nga, Cộng Hòa Tiệp, Mỹ và Canada.”
Bản tin của đài RFA ngày 21-8-2009 cho hay:
“Từ VN, Ts Nguyễn Ngọc Hùng, viên chức Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, giám đốc Trung Tâm Việt Ngữ Viện Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội cho biết: đây là một dự án lớn mà cả Bộ Giáo Dục, Bộ Ngoại Giao, ‘Ủy Ban Công Tác Người Việt Nam Ở Nước Ngoài’ phối hợp thực hiện.”
Trả lời câu hỏi của phái viên Thanh Trúc, ông Hùng cho biết:
“Đã in được các bộ sách giáo khoa và đã phân phát tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ… Hiện nay đã bắt đầu tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt đầu tiên…chúng tôi có các cơ sở giáo dục ở Los Angeles…”
Trong một bài viết dài công bố hôm 27-8-09, Phạm Hải Bằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hoá, Uỷ ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài cho hay thêm:
“Nhà nước Việt nam hiện đang có dự án lập trường Việt Ngữ và cử giáo viên từ trong nước ra giảng dậy tiếng Việt cho người Việt ở hải ngoại theo giáo trình được soạn riêng…”
Sau hết chúng tôi xin nhắc lại ước nguyện rất chính đáng của ông Hiếu Nguyễn, một trong hai phụ huynh học sinh trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia. Ông mong sớm được thấy một bộ sách giáo khoa song ngữ do các thức giả Việt Nam hải ngoại soạn thảo để thay thế loại sách rác rưởi được viết ra dười sự chỉ đạo của Hà Nội hiện đang lưu hành trong các thư viện và hệ thống học đường hải ngoại, cách riêng tại Mỹ.
Nam California ngày 1-3-2017
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Dương Tràng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét