Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 28/6 - Lê Minh Nguyên

Tổng thống Trump sẽ dự Ngày Quốc Khánh Pháp ở Paris
Tổng thống Donald Trump sẽ dự các lễ lạc ăn mừng Ngày Quốc Khánh Pháp, tức Ngày Bastille 14/7, ở Paris, theo thông báo của Toà Bạch Ốc.
<!>
Ông Trump nhận lời mời của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư, nói rằng ông “nóng lòng muốn tái khẳng định các quan hệ hữu nghị vững chắc giữa Hoa Kỳ với nước Pháp.”
Hai nhà lãnh đạo điện đàm hôm qua, 27/6, và ông Macron ngỏ lời mời ông Trump trong cuộc tiếp xúc đó.

Theo Toà Bạch Ốc, trong cuộc điện đàm, “2 nhà lãnh đạo còn thảo luận về tình hình ở Trung Đông, và duyệt lại nghị trình của hội nghị thượng đỉnh G20” ở Hamburg.
Lần mới nhất hai vị Tổng thống gặp nhau là tháng Năm, khi cả hai tới Bruxelles để dự một hội nghị thượng đỉnh NATO. - VOA

2.
Mỹ: ông Lưu Hiểu Ba nên được ra nước ngoài trị bệnh

Hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã bị tấn công trong tuần này khi mà trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đang tiếp tục gây tiếng vang. Một ngày sau khi có tin cho biết khôi nguyên giải Nobel Hoà bình được tạm tha vì lý do sức khỏe sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Ông Terry Branstad, tân Đại sứ Hoa Kỳ hôm thứ Tư 28/6 cho biết ông Lưu, 61 tuổi, nên được phép điều trị bệnh bên ngoài Trung Quốc nếu có thể.
Hoa Kỳ cho biết ông Lưu nên được phép tự do đi lại được chăm sóc y tế do ông chọn. Tuy nhiên, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư nói rằng ông Lưu Hiểu Ba chưa được tự do và phải chịu sự giám sát của trại giam, trong đó có việc chấp thuận cho các chuyên gia bên ngoài được mời tham gia chữa trị cho ông Lưu. Tờ báo này nói để cho ông Lưu ra nước người, "có thể khuyến khích dư luận nổi lên công kích Trung Quốc."

Ông Brad Adams Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với phóng viên Victor Beattie của VOA rằng các nhân tố bên ngoài, như việc Hoa Kỳ bất đồng với Trung Quốc về thương mại và Bắc Triều Tiên, có thể đã có một số tác động, nhưng hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc vẫn là lý do chính.

Về tình trạng của người bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, ông Brad Adams nói ông Lưu chỉ tham gia vào các hoạt động ôn hòa và lẽ ra không bị giam cầm. Ông Adams lên án Trung Quốc từ chối cho ông Lưu tiếp cận sự chăm sóc y tế theo tiêu chuẩn quốc tế mà mà giới tinh hoa Trung Quốc được tiếp cận là “không thể tha thứ.” - VOA
|
|

3.
Hoa Kỳ chỉ trích Myanmar bắt nhà báo

Việc bắt giữ ba nhà báo đến dự một buổi lễ do Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA) tổ chức ở miền bắc Myanma trong tuần này là một phần của nỗ lực cố ý ngăn chặn thông tin về cuộc xung đột. Một phát ngôn viên của nhóm TNLA cho biết như vậy và cáo buộc rằng hàng chục trường hợp bắt giữ thường dân tương tự như vậy đã xảy ra trong năm nay.

Thiếu tá Tar Parn La của lực lượng TNLA nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng quân đội Myanmar muốn "cắt đứt liên hệ” giữa nhóm của ông với công chúng.
Ông nói: "Đó là lý do tại sao họ đang cố gắng ngăn chặn truyền thông. Điều này có nghĩa là bạn không được phép liên lạc với lực lượng nổi dậy và không được phơi bày sự thật của chiến tranh cho nhân dân."

TNLA, một trong nhiều nhóm vũ trang người sắc tộc thiểu số ở Myanmar đụng độ triền miên với quân đội chính phủ.
Chính phủ nói rằng các nhà báo đã vi phạm pháp luật. Ông Zaw Htay, một phát ngôn viên của chính phủ, nói với các hãng tin rằng ba nhà báo sẽ bị truy tố theo Luật Hội họp Bất hợp pháp, một đạo luật có từ thời thuộc địa năm 1908, đã được sử dụng như một công cụ để đàn áp ở biên giới Myanmar.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng "các nhà báo cần phải được phép thực hiện công việc của họ, vì tự do báo chí là điều cần thiết cho sự thành công của Myanmar". Các nhóm bảo vệ nhân quyền kêu gọi Myanmar phóng thích các nhà báo này ngay lập tức. - VOA
|
4.
Không kích ở Đông Syria, 15 người chết --- Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria

Một cuộc không kích vào một ngôi làng do nhóm Nhà Nước Hồi giáo– IS chiếm giữ ở miền đông Syria hôm thứ Tư 28/6 đã giết ít nhất 15 người, ước tính số người chết có thể lên đến 35, theo các tổ chức theo dõi tình hình trong khu vực.
Các tổ chức theo dõi nói rằng bom chùm đã được thả từ những phản lực cơ không xác định nguồn gốc, dọc theo thung lũng sông Euphrates, làng Doblan, một khu vực nơi mà cả máy bay Mỹ, Syria và Nga hoạt động.

Đài quan sát Nhân quyền Syria -có trụ sở ở Anh, hôm 27/6 ra thông báo nói rằng một cuộc không kích do liên minh thực hiện, vào một nhà tù của Nhà Nước Hồi giáo ở thị trấn al-Mayadeen, giết chết 57 người.

Hoa Kỳ cho biết sẽ xem xét cáo buộc này, nhưng một phát ngôn viên của quân đội nói với VOA rằng "hoạt động quân sự này đã được hoạch định kỹ lưỡng và thực hiện tỉ mỉ để giảm nguy cơ gây thiệt hại không cố ý, và nguy cơ đối với những người không phải là phiến quân."

Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway nói: "Mục tiêu của liên minh là không gây thương vong cho thường dân. Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe trong tiến trình nhắm đúng mục tiêu và cố gắng tối đa để bảo vệ thường dân.”

Thị trấn Al-Mayadeen nằm cách làng Doblan khoảng 20 km.

Trong bối cảnh Raqqa, cứ địa của IS, đang bị dồn vào đường cùng, tin cho biết nhóm Nhà Nước Hồi giáo đã sơ tán hầu hết các cấp chỉ huy của chúng tới thị trấn al-Mayadeen. - VOA

***
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư 28/6 nói các lực lượng của họ đã phá hủy các mục tiêu của người Kurd ở Syria trong đêm, để trả đũa các đợt pháo kích chống các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria.

Một thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vụ đụng độ xảy ra ở khu vực Afrin.
Nhóm “Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd”, còn gọi là YPG, là một thành phần chủ yếu của Các Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn, trong cuộc chiến đang tiếp diễn nhằm đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Raqqa, được coi như thủ đô của nhóm khủng bố này.

Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ chống đối chiến binh người Kurd, và coi họ như một lực lượng có liên kết với đảng Công nhân Kurdistan, tức PKK, là nhóm đã phát động một phong trào nổi dậy ở đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980 cho mãi đến bây giờ.
Sự hậu thuẫn mà Hoa Kỳ dành cho Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd-YPG gồm cả chuyển giao các vũ khí, mà Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại có thể rơi vào tay của PKK.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã trấn an họ rằng Hoa Kỳ sẽ thu hồi những vũ khí này một khi đã chiếm được thành phố Raqqa, tuy nhiên ông Mattis hôm thứ Ba ra dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ YPG.
Ông Mattis nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ làm những gì có thể." Nhưng ông nói vũ khí cung cấp cho YPG sẽ phụ thuộc vào nhiệm vụ kế tiếp là gì.

Ông Mattis nói: "Khi họ không cần một số vũ khí nào đó, chúng tôi sẽ thay thế bằng những thứ mà họ cần.”

Hôm Thứ Năm 29/6, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bỉ. - VOA

5.
Ông Trump ngày càng bất bình với Trung Quốc về Bắc Triều Tiên --- Đô đốc Mỹ: "Người thật không nên tin vào các đảo giả của TQ" --- TQ hạ thủy loại khu trục hạm mới hiện đại --- Mỹ xếp TQ vào danh sách các nước buôn người trầm trọng

Tổng thống Donald Trump ngày càng bất bình với Trung Quốc về thái độ thụ động đối với Bắc Triều Tiên và vấn đề mậu dịch song phương. Ông Trump hiện đang xem xét đưa ra những hành động thương mại chống lại Bắc Kinh, theo nguồn tin từ 3 giới chức cao cấp trong chính quyền nói với Reuters.
Các giới chức cho hay ông Trump mất kiên nhẫn với Trung Quốc và đang xem xét một loạt các giải pháp, trong đó có thuế quan thép nhập khẩu, điều mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói là đang cân nhắc.

Hiện chưa được rõ Ông Trump có hành động gì chống lại Trung Quốc hay không. Vào tháng 4 năm nay, ông không thực hiện lời đe dọa rút khỏi NAFTA như đã hứa sau khi cho biết lãnh đạo Canada và Mexico yêu cầu ông ngưng ký sắc lệnh để thảo luận thêm.

Các giới chức nói chưa có đồng thuận về cách thức đối với Trung Quốc và họ cũng không cho biết có những giải pháp khác hay không. Một giới chức cao cấp cho hay trong tuần này vẫn chưa có quyết định.

Thép của Trung Quốc đã là mục tiêu của hàng chục lệnh chống phá giá và chống trợ cấp tại Mỹ. Hậu quả là thép Trung Quốc chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trên thị trường Mỹ.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Trump “cảm thấy đã cho Trung Quốc cơ hội để tạo sự khác biệt” nhưng ông không thấy kết quả, giới chức này nói.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy để Trung Quốc tạo thêm áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Bắc Triều Tiên giúp kìm chế chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này. Bắc Kinh đã lặp lại nhiều lần là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên rất hạn chế và cho biết đang làm đủ mọi cách có thể.

“Họ chỉ làm một ít, không nhiều,” giới chức này nói. “Và nếu ông Trump không được những gì ông cần thì ông cần phải tiến tới lịch trình rộng lớn hơn trong lĩnh vực mậu dịch và Bắc Triều Tiên.”
Ông Trump tỏ ý thất vọng với những nỗ lực của Trung Quốc trong một tin nhắn đăng trên Twitter vào tuần trước. - VOA

***
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, tố cáo Bắc Kinh là đang nâng cao khả năng chiến đấu và lợi thế về vị trí với mục đích khẳng định chủ quyền trên thực tế của mình tại các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trong biển Đông.

“Người thật không nên tin vào các đảo giả”, Đô đốc Harris nói trong bài phát biểu tại Trung tâm Chính sách Chiến lược Úc ở thành phố Brisbane hôm 28/6.
Hãng tin APP còn trích lời Đô đốc Mỹ nói rằng: “Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.”

Biển Đông là tuyến giao thương nơi lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 tỷ USD qua lại mỗi năm.

Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Đô đốc Harris tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không cho phép “những lãnh hải chung của thế giới bị đóng lại một cách đơn phương”, và Mỹ quyết liệt chống đối việc sử dụng vũ lực và đe nẹt để đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền.

Đô đốc Harris nói không nên để những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong một số lĩnh vực ảnh hưởng tới việc đạt tiến bộ trong các lĩnh vực khác.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hợp tác khi nào có thể, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng trực diện đối đầu khi cần”.

Đô đốc Harris ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giúp giải quyết mối đe dọa hạt nhân do Bắc Triều Tiên đặt ra.
Hãng tin Reuters hôm 28/6 tường thuật rằng Tổng thống Donald Trump mới đây đã lên Twitter bày tỏ thái độ mất kiên nhẫn và bất bình với Trung Quốc vì đã không quyết liệt hơn và tăng sức ép với Bắc Triều Tiên. - VOA

***
Quân đội Trung Quốc hôm nay 28/06/2017 có thêm một khu trục hạm mới tự sản xuất thuộc loại hiện đại nhất, trong nỗ lực cạnh tranh với hải quân các cường quốc khác tại châu Á.

Chiếc khu trục 10.000 tấn này được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Giang Nam (Jiangnan) ở Thượng Hải. Theo Tân Hoa Xã, đây là khu trục hạm thế hệ mới đầu tiên của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống phòng không, các loại vũ khí chống hỏa tiễn, chống hạm và chống tàu ngầm. 
Global Times cho biết thêm, đây là tàu khu trục đầu tiên thuộc Type 055, cấp tiếp theo của khu trục hạm tên lửa dẫn đường Type 052D vốn nhỏ hơn nhiều. Báo chí Trung Quốc đăng các hình ảnh chiếc tàu mới được phủ những dải băng sặc sỡ bên cạnh lá cờ khổng lồ và các thủy thủ xếp hàng ngay ngắn. Tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), chủ nhiệm Tổng Cục Phát Triển Khí Tài chủ trì lễ hạ thủy. Khu trục hạm này sẽ được thử nghiệm trước khi cho chính thức hoạt động.

Hãng tin AP dẫn thông cáo của hải quân Trung Quốc nói rằng : « Việc hạ thủy chiếc tàu này mang ý nghĩa là sự phát triển tàu khu trục của Trung Quốc đã đạt đến một giai đoạn mới ». Theo AP, loại khu trục hạm này tương đương với cấp Arleigh Burke (DDGs) của Mỹ.

Reuters nhận định, Trung Quốc sản xuất các chiến hạm với tốc độ nhanh chóng trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân – quân chủng đang đóng vai trò ngày càng lớn trong quân đội nước này. Báo chí Nhà nước cho biết hải quân đã đặt đóng 18 tàu chiến, gồm khu trục hạm, chiến hạm và tàu tên lửa dẫn đường trong năm 2016. Hồi tháng Tư, Bắc Kinh đã cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên tự đóng, dự kiến đến năm 2020 sẽ đi vào hoạt động.

Theo Trung tâm phân tích hải quân ở Washington DC, hải quân Trung Quốc với tham vọng bành trướng dự kiến sở hữu 265-273 tàu chiến, tàu ngầm và tàu hậu cần vào năm 2020 ; rút ngắn nhanh chóng khoảng cách với 275 chiến hạm Mỹ có thể triển khai tại Thái Bình Dương. 
Bắc Kinh biện minh cần có hải quân mạnh để bảo vệ 14.500 km bờ biển và các tuyến đường hàng hải quan trọng. Tuy nhiên Reuters nhắc lại rằng Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, còn AP cho rằng Bắc Kinh đang ra sức cạnh tranh với hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ tại vùng biển châu Á. - RFI

***
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa cho Trung Quốc vào danh sách đen các nước dung dưỡng cho nạn buôn người, đồng hạng với Syria và Bắc Triều Tiên. Trong báo cáo công bố hôm qua 27/06/2017, Trung Quốc bị xếp vào hạng ba tức hạng nghiêm trọng nhất.
Được biết có 23 quốc gia bị xếp vào hạng này, trong bản báo cáo đầu tiên về nạn buôn người dưới thời chính quyền Donald Trump. Ba nước châu Phi là Cộng hòa Dân chủ Congo, Congo-Brazzaville và Mali bị cho vào danh sách vì bắt trẻ vị thành niên đi lính, còn Miến Điện tuy có tình trạng tương tự nhưng được đưa lên hạng nhì vì đã có nỗ lực khắc phục.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết :

"Gần nửa triệu công dân Bắc Triều Tiên bị đưa đi làm việc tại các nước có quan hệ với Bình Nhưỡng », theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc đồng lõa với chế độ của Kim Jong Un.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố : « Trung Quốc bị đánh sụt hạng vì không có những biện pháp nghiêm túc để đối phó với nạn buôn người, kể cả việc cưỡng bức lao động những người Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Trung Quốc. Người tiêu thụ Mỹ cũng phải biết mình có vô tình đồng lõa với nạn buôn người hay không ».

Ông Tillerson khẳng định rằng thông qua lao động cưỡng bức, Bắc Triều Tiên đã trực tiếp nhận được hàng trăm triệu đô la một năm thông qua các ngân hàng nhà nước.
Washington loan báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, vì vẫn tiếp tục các vụ thử nghiệm hạt nhân. Và trong một tin Twitter, tổng thống Donald Trump viết rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc tác động lên chế độ Bắc Triều Tiên.

Như vậy biểu lộ giận dữ đầu tiên của Mỹ là việc cho Trung Quốc vào danh sách đen các quốc gia dung dưỡng cho nạn buôn người. Việc này không chính thức ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp Mỹ-Trung, nhưng người tiêu dùng Mỹ coi như đã được lịch sự yêu cầu tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc. - RFI

6.
Hình ảnh nước Mỹ xấu đi trong mắt thế giới dưới chính quyền TT Trump

Hình ảnh nước Mỹ trong mắt thế giới đã xấu đi rõ rệt dưới chính quyền Tổng thống Trump, theo một cuộc khảo sát thực hiện tại 37 quốc gia.
Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, cho thấy cái nhìn thiện cảm về Hoa Kỳ trong phần còn lại của thế giới đã tuột dốc, từ 64% xuống còn 49%. Riêng tại Mexico, nước láng giềng phía Nam nước Mỹ, chỉ có 30% người đươọc khảo sát nói họ có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ.
Hình ảnh nước Mỹ đã xấu đi trên khắp thế giới từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Một đa số áp đảo người dân ở các nước khác không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Trump, theo kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Pew.

5 tháng sau khi ông Trump lên nhậm chức, cuộc nghiên cứu trải rộng trên 37 quốc gia cho thấy tỷ lệ tán thành Hoa Kỳ trong phần còn lại của thế giới sụt giảm xuống còn 49%, so với 64% vào lúc cuối nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì của người tiền nhiệm, tức là sau 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Barack Obama.
Tỷ lệ đối tượng có quan điểm tiêu cực về nước Mỹ cao hơn nhiều tại các nước đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, kể cả hai nước láng giềng là Mexico và Canada, và các đối tác ở Âu Châu, như Đức và Tây Ban Nha.

Ông Trump lên cầm quyền hồi tháng Giêng năm nay, cam kết sẽ đặt “Nước Mỹ Trên Hết.” Từ đó, ông đã xúc tiến kế hoạch thăm dò để xây một bức tường dọc theo biên giới giáp với Mexico, loan báo rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, đồng thời tố cáo nhiều nước kể cả Canada, Đức và Trung Quốc, về những đường lối làm ăn không công bằng đối với Hoa Kỳ.
Tỷ lệ đối tượng không tin tưởng vào khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề quốc tế vô cùng cao. Tại Canada, tỷ lệ này là 75%, ngang với nước Anh, Đức: 87%, Pháp: 86%. Tây Ban Nha: 92%. Tại Châu Á, tỷ lệ người không tin tưởng ở khả năng lãnh đạo của Tổng thống Trump là 78%, Nhật Bản: 72%, Úc: 70%, Indonesia: 57%.

Đi ngược với xu hướng hầu như toàn cầu này, các đối tượng Việt Nam và Philippines có cái nhìn tích cực hơn về đương kim Tổng thống Mỹ. Tỷ lệ không tin tưởng vào ông Trump tại Việt Nam chỉ ở mức 29%, trong khi tỷ lệ tán thành ông Trump đạt 58%.

Tại Philippines, tỷ lệ tán thành ông Trump lên tới 69%, tỷ lệ không tin tưởng chỉ ở mức 23%.
Vẫn dựa trên cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Tổng thống Mỹ Donald Trump hình như chiếm được cảm tình nhiều hơn tại các nước nằm dưới quyền cai trị của các chế độ độc tài, đặc biệt ở Châu Phi.

Phúc trình của Trung tâm Pew nói hiện tượng tỷ lệ đối tượng có cái nhìn thiện cảm với nước Mỹ tuột dốc từ khi ông Trump lên nắm quyền rất phổ biến, từ Châu Mỹ La tinh, Bắc Mỹ, Âu Châu, Á Châu và Châu Phi.
Cuộc khảo sát được thực hiện dựa trên câu trả lời của hơn 40,000 người trong thời gian từ ngày 16/2 tới ngày 8/5 năm nay.
Trên toàn cầu, 75% đối tượng được khảo sát mô tả ông Trump là “kiêu ngạo”, 65% cho rằng ông Trump là “bất khoan dung”, và 62% cho rằng ông “nguy hiểm”. Nhưng đa số 55% cũng mô tả ông là một “lãnh đạo mạnh mẽ.” - VOA

7.
Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ xâm phạm biên giới

Trung Quốc mới đây lên tiếng cáo buộc Ấn Độ là đưa quân xâm phạm biên giới, giữa vùng Sikkim và Tây Tạng, cảnh cáo rằng điều này có thể “đe dọa hòa bình” nơi biên giới.
Bản tin của BBC News cho hay Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, loan tin lính Ấn Độ vượt biên giới, cản trở việc xây con đường dẫn vào khu vực mà Bắc Kinh nói là của mình.

Tình trạng căng thẳng ở biên giới mấy tuần gần đây đã khiến Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa, không cho các phái đoàn hành hương vào nơi này, theo BBC News.
Khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ từng xảy ra cuộc đụng độ lớn vào năm 1967.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng lính biên phòng Ấn Độ “cản trở hoạt động thường nhật” của quân đội Trung Quốc và đòi hỏi phía Ấn Độ phải ngay lập tức rút đi, cũng theo BBC News.
Nguồn tin từ giới truyền thông Ấn Độ nói rằng trong tuần qua, lính Trung Quốc đột nhập vào vùng Sikkim và phá hủy hai công sự Ấn Độ. - nguoiviet

8.
Nước biển dâng cao: Băng đảo Greenland chịu trách nhiệm tới 25%

Trái đất bị hâm nóng khiến nước biển dâng là điều ngày càng được công nhận. Tuy nhiên, những nguồn nước nào chịu trách nhiệm chính? Một nghiên cứu mới đây khẳng định băng đảo Groenland, chịu trách nhiệm tới 25% tổng mức nước dâng. Số liệu mới này khiến các nhà khoa học lo ngại nước biển sẽ dâng nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. Thêm hàng trăm triệu cư dân ven biển sẽ phải đối mặt với các thảm họa nhãn tiền.
Theo AFP hôm qua, 26/06/2017, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climat Change khẳng định băng hà tại Groenland hay Greenland ở Bắc Cực, thuộc lãnh thổ Đan Mạch, là một “thủ phạm” chính. Nghiên cứu trên Nature Climat Change chỉ ra là mức nước biển dâng năm 2014 nhanh gấp rưỡi so với năm 1993 (3,3 mm/năm so với 2,2 mm/năm), trong khi đó phần nước do băng Groenland “đóng góp” là 25%, tức gấp năm lần so với cách đây 20 năm.

Theo giáo sư vật lý đại dương Peter Wadhams, đại học Oxford, các kết luận nói trên là “quan trọng”, bởi cho đến nay các nghiên cứu của Giec (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu), mức tăng của nước biển từ đây đến cuối thế kỷ chỉ là từ 60cm đến 90cm. Các tính toán của Giec dựa trên ước tính nước biển tăng đều đặn, trong khi đó theo nghiên cứu nói trên, tốc độ nước biển dâng đang trên đà tăng vọt hiện nay, do tốc độ tăng đột biến của Groenland và Nam Cực.

Vẫn theo chuyên gia đại học Oxford, chỉ riêng Groenland nếu tan hết, cũng đã đủ khiến bề mặt đại dương cao thêm 7 mét.

Kết luận về vai trò đặc biệt lớn của băng đảo Groenland trong việc nước biển dâng khiến giới khoa học phải thực sự xem xét lại nhiều giả thuyết tương đối “lạc quan” lâu nay.

Nghiên cứu vừa được công bố mang lại một điểm quan trọng thứ hai. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phối hợp hai phương pháp vốn vẫn được áp dụng riêng rẽ. Phương pháp thứ nhất là phối hợp ba yếu tố, độ giãn nở của đại dương, biến đổi của nước dự trữ trên đất liền và băng tan. Phương pháp thứ hai là dựa trên đo lường từ vệ tinh, cụ thể là khoảng cách giữa vệ tinh và mặt biển.
Trước nghiên cứu này, các đo lường từ vệ tinh rất ít chỉ ra được sự biến đổi của mực nước biển. Nghiên cứu trên Nature Climat Change cho phép chỉnh lại các thông số vệ tinh, được thu thập từ một thập niên nay. - RFI

9.
Tấn công tin học đòi tiền chuộc, hiểm họa mới của thế giới

Trong vòng khoảng hơn một tháng, một đợt tấn công tin học đòi tiền chuộc theo kiểu ransomware lại xảy ra hôm qua, 27/06/2017, nhắm vào nhiều công ty và cơ quan ở Hoa Kỳ và châu Âu, sau khi đã đánh vào Ukraina và Nga.
Một đại diện của công ty an toàn mạng Kaspersky của Nga hôm qua đã báo động là ransomware mang tên Petrwrap hiện đang lan ra toàn thế giới, tác động đến nhiều quốc gia. Theo vị này, Ukraina là quốc gia bị nặng nhất, tiếp đến là Nga, Ba Lan và Ý.

Tại Ukraina, đợt tấn công tin học lần này đã làm rối loạn hoạt động của các ngân hàng, hệ thống metro và sân bay quốc tế. Nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl ( ngừng hoạt động từ năm 2000 sau thảm họa hạt nhân năm 1986) của Ukraina phải chuyển sang đo bằng tay mức độ phóng xạ tại đây. Trang web của chính phủ Kiev thì bị đánh sập hoàn toàn. Lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc gia Ukraina Oleksandre Tourtchinov tố cáo thủ phạm là các tin tặc ở Nga. Nhưng chính nước Nga cũng bị tấn công trực tiếp, virus xâm nhập hệ thống tin học nhiều ngân hàng và đã buộc tập đoàn dầu khí Rosneft phải chuyển sang sử dụng máy chủ phụ để có thể tiếp tục sản xuất.

Cũng ở khu vực châu Âu, sau đó virus Petrwrap đã đánh sập trang web của công ty vận tải hàng hải Đan Mạch Maersk, làm cắt điện ở hai hãng sản xuất bánh biscuit Lu của Pháp và Oreo của Mỹ, đồng thời khiến công nhân Đức của hãng mỹ phẩm Nivea phải ngưng làm việc. Tại Mỹ, nạn nhân đầu tiên được biết đến của Pertwrap là hãng dược phẩm Merck. Tại châu Á, hoạt động ở cảng Bombay của Ấn Độ cũng bị xáo trộn.
Theo hãng Microsoft thì đợt tấn công tin học lần này sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để phát tán virus Petrwrap. Theo nhiều công ty đã bị tấn công, virus Petrwrap làm hiện lên màn ảnh lời yêu cầu đóng tiền chuộc 300 đôla, trả bằng tiền ảo bitcoin, rồi mới cấp mật mã cho “khổ chủ” để mở khóa máy tính.

Các chuyên gia an ninh mạng nghĩ rằng Petrwrap là một phiên bản “cải tiến” từ virus Petya, đã từng được sử dụng trong đợt tấn công tin học năm ngoái. Công ty Kapersky thì không cho rằng virus mới là một phiên bản của Petya, nhưng xác nhận đây là một loại virus mà họ chưa từng thấy.
Điều đáng nói là chỉ cách đây khoảng hơn một tháng, một ransomware khác mang tên WannCry đã tấn công hàng trăm ngàn máy tính trên thế giới, đặc biệt đã làm tê liệt các cơ quan y tế của Anh Quốc và các nhà máy sản xuất xe hơi của tập đoàn Pháp Renault.

Vào lúc đó, công ty sản xuất phần mềm chống virus Symantec của Mỹ đã tố cáo thủ phạm chính là nhóm tin tặc Lazarus, bị nghi là có liên hệ phần nào với Bắc Triều Tiên.
Chưa biết chắc chắn các thủ phạm là ai và từ nước nào, nhưng rõ ràng là các đợt tấn công tin học theo kiểu ransomware đang xảy ra ngày càng dồn dập và nhiều công ty, cơ quan trên thế giới đã không kịp trở tay, cho thấy là rất khó mà ngăn chận được những đợt tấn công này. - RFI
|
|

10.
Venezuela: Trực thăng cảnh sát ném lựu đạn xuống Tòa Án Tối Cao

Trong bối cảnh Venezuela lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế nghiêm trọng, từ gần ba tháng nay, liên tiếp có các cuộc biểu tình chống ông Maduro, đòi bầu cử tổng thống trước thời hạn, cuối ngày hôm qua, 27/06/2017, một chiếc trực thăng của cảnh sát đã ném xuống Tòa Án Tối Cao nước này nhiều quả lựu đạn. Chính quyền Caracas đã xác nhận vụ tấn công.

Tổng thống Nicolas Maduros đã lên án vụ ném lựu đạn từ trực thăng xuống trụ sở cơ quan tư pháp cao nhất đất nước là hành động khủng bố. Vụ tấn công không gây thương vong, nhưng đã khiến tình hình ở đất nước Trung Mỹ này thêm căng thẳng.

Thông tín viên RFI, Julien Gonzales tại Caracas, cho biết thêm chi tiết: 

"Một vụ tấn công khủng bố », tổng thống Nicolas Manduro đã đánh giá hành động ném lựu đạn từ trực thăng của cảnh sát khoa học hình sự xuống cơ quan tư pháp tối cao của Venezuela hôm qua như vậy.

Sau khi cho biết thêm là chiếc trực thăng còn bay lượn trên trụ sở bộ Nội Vụ, tổng thống Venezuela đã chỉ trích đối lập đồng thời ông kêu gọi đối lập « phải lên án hành động trên ».
Ngay lập tức, chánh án Tòa Án Tối Cao đã đồng thanh với tổng thống. Cơ quan này quả quyết rằng « kiểu hành động như vậy sẽ không làm chùn bước các thẩm phán mà ngược lại chỉ làm cho họ quyết tâm hơn trong các quyết định theo đúng Hiến Pháp ».

Tòa Án Tối Cao là một trong những mục tiêu chỉ trích chính của phe đối lập. Từ khi phe đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 12/2005, Tòa đã bác bỏ tất cả các quyết định của các nghị sĩ đối lập, coi đó là « không có giá trị ».
Từ hôm qua, nhiều bức ảnh đã được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc trực thăng bay trên bầu trời thủ đô Caracas với băng khẩu hiệu ghi « 350 tự do », liên hệ tới điều khoản Hiến Pháp kêu gọi « không thừa nhận mọi chế độ đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ ».
Hiện tại, lực lượng đặc biệt đang truy tìm chiếc trực thăng và tác giả của hành động mà chính quyền đã xác định là thanh tra của cảnh sát khoa học hình sự. - RFI

Tin Hoa Kỳ
11.
Giá nhà ở Mỹ có phần tăng chậm lại trong Tháng Tư

Giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng trong Tháng Tư, dù rằng mức độ gia tăng này có phần chậm lại so với hai tháng trước đó.
Chỉ số giá nhà của Standad & Poor’s căn cứ theo dữ kiện thu thập từ 20 thành phố của Corelogic Case-Shiller cho thấy giá nhà tăng 5.7% trong Tháng Tư, sau khi đã tăng 5.9% trong Tháng Hai và Tháng Ba. Các con số này được coi là cao nhất trong gần ba năm qua.

Giá nhà hiện đang tăng ở mức nhanh hơn gấp đôi mức tăng trung bình của tiền lương, một yếu tố trên đường dài có thể làm giảm số nhà bán vì người mua không đủ khả năng chi trả.
Việc người mua phải giành nhau do số nhà đưa ra thị trường chỉ có giới hạn cũng khiến đẩy giá lên cao hơn. Một yếu tố khác là mức lãi xuất tiền vay mua nhà còn thấp khiến nhiều người muốn đi mua vào lúc này.

Các thành phố Seattle, Portland và Dallas có mức gia tăng cao nhất trong Tháng Tư. Giá nhà tăng 12.9% ở Seattle, 9.3% ở Portland và 8.4% ở Dallas.
“Do số cầu vượt quá số cung và nguồn tài trợ cũng đang dồi dào, không có gì khiến giá nhà không lên cao hơn nữa,” theo lời David Blitzer, thuộc S&P Dow Jones.

Số nhà đưa ra thị trường trên toàn quốc giảm 8.4% trong năm qua, chỉ lên tới 1.96 triệu căn, theo Hiệp Hội Môi Giới Nhà (NAR). Con số này chỉ đủ bán trong bốn tháng với mức độ hiện nay. Trung bình, thị trường thường có đủ số nhà bán trong sáu tháng.
Một số chủ nhà có thể ngần ngại không muốn bán vì giá nhà tăng quá nhanh. Một số khác cũng có thể từng mượn nợ với lãi xuất thấp nên không muốn bán nhà rồi lại vay tiền với lãi xuất cao hơn để mua nhà khác.

Ngoài ra cũng có nhiều căn nhà chuyển thành nhà cho thuê sau vụ “xì bong bóng” địa ốc vừa qua và vẫn tiếp tục cho thuê chứ không bán.

Giá nhà trung bình ở Mỹ lúc này là $345,800, gần 17% cao hơn khoảng một năm trước đây. - nguoiviet

Tin Việt Nam
12.
Đan viện Thiên An bị tấn công, dọa 'đánh chết' đan sĩ

Sáng ngày 28/6, Đan viện Thiên An, Huế, bị một nhóm khoảng 150 người tự xưng là “nhân dân đi thực thi công lý” cùng với một số lãnh đạo chính quyền mặc thường phục tấn công, đập phá nát thánh giá và hành hung, gây thương tích cho rất nhiều đan sĩ.
Kể lại sự việc với VOA vào tối cùng ngày, Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường cho biết:

“Vào lúc khoảng 7:45, chính quyền họ đi vào trong khu vực của Đan viện Thiên An, kéo theo rất đông, các thầy áng chừng khoảng trên dưới 150 người, trong đó có rất nhiều hội đoàn mà chính các thầy đã nhìn tận mặt được. Họ không mặc quân phục, không vào làm việc với nhà dòng, mà cứ dẫn người vào để phá cây Thánh Giá”.
Các đan sĩ cho biết cây thánh giá trên Đồi Khổ Nạn trong khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện, hai năm trước đã bị đánh cắp và đập phá, đã được các đan sĩ tìm thấy gần một con suối gần đó và dựng lại để khách hàng hương đến viếng.

Đan sĩ Cường cho biết nhóm người tấn công tỏ ra rất hung hãn dưới sự chỉ đạo của các giới chức chính quyền mặc thường phục, trong đó có trưởng, phó công an xã Hương Thủy, các ban ngành, các quan chức phụ trách về vấn đề đất đai…
“Họ điều khiển một khối lượng các côn đồ tay mang hung khí, rồi có cả hội phụ nữ nữa. Một mặt các thanh niên xô lên đạp đổ thánh giá. Các thầy thì cứ lặng lẽ lên để ôm thánh giá thôi chứ không làm gì cả. Trong lúc lên như vậy thì họ đánh, đạp, xô đẩy… Cảnh tượng rất hỗn loạn và các thầy bị đánh đập rất nhiều”.

“Có khoảng 40 đan sĩ hiện diện lúc đó. Nhưng số lượng họ đông hơn và họ lại được phép đánh mình. Họ dùng cả gậy gộc, tuýp nước, lưỡi cưa nhỏ để cưa vào tay các thầy nếu các thầy ôm cây thánh giá”.
“Các đan sĩ cảm nhận được là hôm nay các anh công an, bên chính quyền Cộng sản, họ bộc lộ hết tất cả những gì tồi tệ nhất mà họ có thể làm được là họ làm với các đan sĩ. Chính lãnh đạo của nhóm đó tuyên bố to trước mặt mọi người rằng ‘Bắt đầu từ bây giờ, một đan sĩ nào ra khỏi tu viện Thiên An là đánh cho chết”.

Các đan sĩ cho biết vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, công an đã tụ tập xung quanh khu vực đan viện và ngăn cản, không cho bất cứ du khách hay bất cứ ai đi vào khu vực của đan viện.
Đan sĩ Peter Monica Nguyễn Văn Chinh kể với VOA:

“Cùng một nhóm người đó chiều nay họ lại về uy hiếp Đan viện Thiên An để cho một xe múc mở thông một con đường [trong phần đất của đan viện], và bây giờ họ đã làm xong nửa con đường rồi. Họ phá trụi cây. Cây thông, cây tràm, cây keo của các thầy họ phá bỏ hết. Họ mở hẳn một con đường để khống chế Đan viện Thiên An”.
“Bên này thì xe múc đào, còn phía bên kia đường thì họ cho xe vận tải cỡ lớn múc đất đổ ngay bờ ngăn nước của đan viện. Trên đó là hồ nước cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của đan viện”.

Đan viện Thiên An, được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”, tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu mà đan viện đã có từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền “tiếp quản” từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư. - VOA

13.
‘Lo ngại đổ bùn thải gần Hòn Cau gây hại thủy sản, rạn san hô’

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho một công ty điện lực đổ gần 1 triệu mét khối bùn, cát gần một khu bảo tồn biển thuộc tỉnh Bình Thuận, theo báo chí Việt Nam hôm 28/6. Chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh nói có những lo ngại rằng việc đổ bùn gây hại đến thủy sản và rạn san hô. 
Tin cho hay giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” gần 920.000 m3 các chất được nạo vét từ vũng quay tàu và bến chuyên dùng phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Giấy phép nêu ra tỉ lệ thành phần được nạo vét gồm 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Hiệu lực của giấy phép kéo dài từ 23/6 cho đến hết tháng 10 năm nay.
Theo báo chí trong nước, giấy phép quy định nơi đổ số vật liệu nạo vét là vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tổng diện tích khu vực này là 30 hectare mặt nước biển, trong đó nơi sâu nhất là hơn 36 mét.

Các báo không cho biết tọa độ cụ thể của vùng biển. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty điện lực Vĩnh Tân 1 đã đề xuất nơi đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet), khá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Giấy phép yêu cầu rằng những vật liệu đem đổ xuống biển phải đảm bảo không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn liên quan.

Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu nhiều cơ quan khác nhau giám sát và quan trắc để đảm bảo an toàn về môi trường khi thực hiện việc đổ.
Mặc dù vậy, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), nói vẫn có những lo ngại về tác động của việc này. Hồi tháng trước, bà và một số chuyên gia khác đã đến Bình Thuận, gặp gỡ dân địa phương để tìm hiểu. Bà nêu ra đánh giá với VOA:

“Với một quyết định như vậy, về phía công chúng, có sự quan tâm muốn biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở là những giải pháp để kiểm soát tác động đã được minh chứng hay chưa. Và nếu có tác động xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Còn về phía những người dân ở đấy người ta cũng có nói về câu chuyện là nguồn lợi thủy sản ở đây người ta rất băn khoăn. Bùn thải đấy liệu có độc tố gì, và có ảnh hưởng gì không, thì họ chưa có câu trả lời. Có một vấn đề nữa là rạn san hô ở bên dưới là mối băn khoăn nhất của bên bảo tồn. Họ lo là bùn thải đổ xuống sẽ có tác động đến rạn san hô”.
Hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói nếu cho phép công ty nhiệt điện đổ chất thải từ nạo vét luồng lạch xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Sở đã đề nghị không thực hiện đổ xuống biển mà tìm phương án khác.

Cũng vào thời gian đó, một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau - được thành lập từ năm 2008 - có thể bị xoá sổ.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau - có diện tích 12.500 ha - là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô. - VOA

14.
Human Rights Watch đòi trả tự do cho blogger Mẹ Nấm

Trong một thông cáo đề ngày 27/06/2017, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ( HRW ) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với cô.
Thông cáo của HRW nhắc lại rằng blogger Mẹ Nấm đã bị bắt vào tháng 10/2016 và sẽ bị đem ra xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ngày mai, 29/06 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, chiếu theo điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

HRW cho biết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chuyên viết về các vấn đề chính trị xã hội, trong đó có trưng thu đất đai, công an bạo hành, và tự do ngôn luận. Cô cũng đã lên tiếng ủng hộ những người bất đồng chính kiến khác và công khai vận động đòi trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị. Cũng theo HRW, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn tham gia nhiều cuộc biểu tình vận động cho nhân quyền và môi trường. Cô liên tục bị công an sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn và bị quản thúc tại gia nhiều lần nhằm ngăn cản cô tham dự các sự kiện quan trọng.
Trong bản thông cáo hôm qua, phó giám đốc ban châu Á của HRW, Phil Robertson tuyên bố: “Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử chỉ vì cô hành xử quyền tự do ngôn luận để kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm là một điều thật quá đáng”. Ông còn chỉ trích “thái độ của Hà Nội dứt khoát không sửa xóa bỏ những điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền, vẫn được dùng để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Việt Nam.”

Thông cáo của HRW nhắc lại rằng cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được tổ chức này trao giải Hellman Hammettnăm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Tổ chức Bảo Vệ Quyền Dân Sự trao cho cô Giải Thưởng Của Năm. Ngoài ra, vào tháng 03/2017, cô được nhận giải Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm của Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ.
Ngoài blogger Mẹ Nấm, HRW cũng đang vận động Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người đang bị giam giữ chỉ vì các hành vi và tiếng nói ôn hòa, trong đó có hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga, cả hai đều bị truy tố theo điều 88 bộ Luật Hình Sự. - RFI

15.
Đề cử người ngoài Đảng làm lãnh đạo tới cấp vụ?

Người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể thi tuyển lãnh đạo, nhưng phải do cơ quan đề cử.
Dường như đây là điểm mới trong Đề án Thí điểm đổi mới cho thi tuyển để chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại Việt Nam.
Nhưng Đề án này cũng nêu rõ một số ràng buộc.

Bổ nhiệm lần đầu

Ví dụ, đề án thi tuyển này chỉ áp dụng đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu. 
Những người không phải đảng viên cộng sản hoặc không được đảng quy hoạch có thể được thi, nhưng phải có đề cử của cơ quan. Họ không được phép tự ứng cử để ra thi tuyển.
Với những người được đề cử, họ chỉ được thi vào vị trí cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Ví dụ, nếu là trưởng phòng thì chỉ được dự tuyển chức danh Phó vụ trưởng và tương đương.

Nếu là người chưa giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ứng viên phải công tác trong ngành tối thiểu ba năm, và chỉ được dự tuyển vào chức danh phó trưởng phòng.

Theo Bộ Nội Vụ Việt Nam, khi thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, sẽ có 2 người trở lên cho mỗi chức danh.
Nội dung thi tuyển gồm 2 phần: Thi viết và trình bày đề án.

Trong phần trình bày miệng, người thi sẽ có 45 phút thuyết trình và tối đa 90 phút trả lời câu hỏi. 
14 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 22 địa phương đã đăng ký thí điểm đề án.
Trong số này còn có một số cơ quan như Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải.

Hồi đầu năm 2017, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình đất nước và lo lắng về con số đông đảo đảng viên cộng sản không đi cùng chất lượng.
"Hiện nay số đảng viên của ta có lẽ đông đứng thứ hai trong các Đảng Cộng sản, chỉ sau Trung Quốc."
"Nếu số đông đảng viên là những người đúng tiêu chuẩn như Điều lệ Đảng đề ra, những công dân tốt, gương mẫu, những cán bộ có trách nhiệm, làm việc vì đất nước, vì nhân dân, v.v… thì chắc chắn tình hình của đất nước tốt hơn nhiều so với hiện nay," bà viết trên báo Nhân Dân. - BBC

16.
Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh

Linh mục Giáo xứ Thái Hà, người bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia" nói với BBC rằng "chính quyền nên hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân." 
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.

Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý - hòa bình hôm 25/6 tại Nhà thờ Thái Hà, bài giảng của linh mục Nam Phong có nội dung: "Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh; Cầu nguyện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người sẽ ra tòa hôm 29/6) được bình an, can đảm tuyên xưng đức tin và được xét xử đúng pháp luật."

Trả lời BBC hôm 28/6, ông cho hay: "Sự việc xảy ra vào chiều 27/6, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Úc tham dự một khóa học của nhà dòng thì công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngăn lại."
"Biên bản của họ ghi lý do "bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".

"Tôi có nói lại với họ rằng việc ngăn tôi xuất cảnh là trái pháp luật và tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cũng như không được tôn trọng." 

"Bản thân tôi chưa từng bị chế tài hay bị lập biên bản về việc vi phạm pháp luật." 

"Phía an ninh sân bay cũng chỉ nói loanh quanh rằng có chuyện gì đó khiến Công an Hà Nội không cho tôi xuất cảnh và họ chỉ làm theo yêu cầu từ đơn vị khác chứ không có trách nhiệm giải thích cho tôi biết lý do." 

"Tôi đang cân nhắc chuyện khiếu kiện vì bị dừng xuất cảnh." 

Đề cập về những bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phong nói: "Tôi rao giảng đúng với trách nhiệm của linh mục trước những vấn đề xã hội."

'Đấu tố'

"Lẽ ra với những trường hợp bị dừng xuất cảnh, cơ quan chức năng cần báo trước cho đương sự để họ khỏi lỡ dở công việc." 

"Tôi đã phải sắp xếp công việc mục vụ cả năm cho chuyến đi này nhưng rồi không đi được." 

Linh mục cũng cho hay ông là người thứ hai ở giáo xứ Thái Hà bị dừng xuất cảnh.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông đề nghị cấp hộ chiếu từ năm 1998 nhưng bị phòng Xuất nhập cảnh Công an Hà Nội từ chối vì "lý lịch không tốt."

"Mãi đến cuối năm 2014 tôi mới được cấp hộ chiếu và hôm qua là lần xuất cảnh đầu tiên của tôi nhưng không thành." 
Ông cũng cáo buộc với BBC rằng thời gian qua, ông bị chính quyền Hà Nội dùng lực lượng cựu chiến binh để "đấu tố". 

"Một nhà nước pháp quyền thì phải hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân, cũng như sử dụng những người thiếu hiểu biết pháp luật để tấn công nhắm vào các linh mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội, môi trường như Formosa," linh mục Phong nói.

Trên mạng xã hội, một số trang ghi "Nhân dân cả nước hết sức phẫn nộ với nội dung Nguyễn Ngọc Nam Phong rao giảng trong ngày 30/4/2017. Đề nghị chính quyền Hà Nội xử lý tên phản động này, giữa thủ đô mà để những phần tử này làm loạn thế này sao?".
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.

Năm 2011, báo chí trong nước đồng loạt công kích Giáo xứ Thái Hà 'bạo động và gây rối trong quá trình đòi đất'.
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Khoảng 30 linh mục và giáo dân bị chính quyền Hà Nội bắt và đưa đi sau buổi nộp đơn khiếu nại và tuần hành tháng 12/2011. Chính quyền đã thả họ sau khi kết tội 'Gây rối trật tự công cộng' và đe dọa sẽ trừng trị nếu tái diễn. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét