“Ở đâu” có ý hỏi “chỗ nào.” Vậy, chẳng hiểu ta có thể đặt lại câu hỏi mà vẫn không làm thay đổi ý nghĩa chăng? như: “Đàn bà sướng nhất ở... chỗ nào?” Tôi vẫn nhớ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, ông thầy Việt văn khi giảng về Trạng Từ trong tiếng Việt, đã nhấn mạnh rằng: “Trạng từ, đặc biệt Trạng Từ chỉ thời gian và chỉ nơi chốn, ta có thể đặt ở đầu hay ở cuối câu mà không làm mất nghĩa, chỉ khác đặt ở đầu câu nhằm nhấn mạnh hơn thôi.<!>
Thí dụ 1: Tối qua tôi đã “liều mạng sa trường” mà hôn “em bé,” hay: Tôi đã “liều mạng sa trường” mà hôn “em bé” tối qua.”
Thí dụ 2: Ở Tây phương, đàn ông thua cả chó mèo, hay: Đàn ông thua cả chó mèo ở Tây phương.
Sở dĩ tôi tán gẫu chút đỉnh ngoài đề như trên để thấy phần nào tiếng Việt của chúng ta đặc sắc vô cùng. Vả lại, cũng xin thú thật, khi đặt đầu đề cho bài này, tôi hơi... bối rối, sợ độc giả hiểu lầm, một sự ngộ nhận rất tai hại, “sai một li đi mật dậm,” từ địa lý có thể đến... sinh lý. Vị nào, không tin, cứ ngẫm nghĩ ắt thấy ngay. Đã bảo mà, tiếng Việt tuyệt vời, vẫn bằng ấy từ ngữ, chỉ thay đổi vị trí của chúng trong câu là làm khác nghĩa đi ngay.
Vâng, đề tài “Đàn bà ở đâu... sướng nhất?” nhằm giới thiệu tại quốc gia nào, đàn bà được... sướng nhất. Đây thật sự vốn là một chủ đề chẳng hiện đại gì, tuy nhiên tôi vẫn “ngu ngơ lại dại khờ” mà nêu ra, không phải vô ý, vô tình mà bởi động lực riêng tư dưới đây:
Vô tình vớ được một bản báo cáo sáng giá
Chiều qua vì sợ lâm cảnh “nhàn cư vi bất thiện,” tôi định bụng dọn dẹp lại bàn viết vốn là “thế giới riêng” của tôi nhưng vẫn bị bà xã mô tả là “còn hơn cái đống rác” thì vô tình vớ được một trang tạp chí cũ tiếng Na Uy trên đấy in hình mấy nàng “tóc vàng sợi nhỏ” tuy ở xứ băng tuyết quanh năm nhưng lại chỉ thích ăn mặc kiểu... con nhà nghèo. Ngắm hình xong, dù chưa đã mắt, tôi lẩm nhẩm đọc những hàng chữ bên dưới. Thì ra đây là một bản tường trình của diễn đàn World Economic Forum (WEF) được trình làng vào ngày 27-10-2013. Văn kiện này cho biết kết quả những cuộc kiểm tra về mức độ bình đẳng giữa hai giới nam, nữ tại 136 trong tổng cộng 193 nước trên thế giới, để từ đó xếp hạng cao thấp về sự... sung sướng của đàn bà.
Đọc thấy... hay hay, tôi bèn lợi dụng làm chất liệu cho câu chuyện lai rai tuần này để hầu chuyện quí vị độc giả vì dù sao cũng có tính chất “trước mua vui, sau làm việc nghĩa,” cách riêng cho các ông nhà mình.
Vâng, đối với quan niệm cơ bản chung của thế giới mà LHQ là đại diện, chỗ nào có sự bình đẳng - bình quyền, nơi đó người ta được sống sung sướng và có sự phát triển. Xét ra cũng đúng thôi. Thí dụ nhỏ: Một chàng tuổi trẻ vốn thuộc dòng dõi “thường thường bậc trung”, sống trong một gia đình với ông bố ngày đêm thét ra lửa thì mộng ước của cậu là mau học xong để được thoát ly, dù khi sống xa sự chăm sóc của “mẹ già như chuối ba hương,” bữa đói bữa no, vẫn “sướng mè đìu hiu” vì được tự do. Thí dụ lớn: Một dân tộc đang “Xuống Hàng Chó Ngựa” mà được thoát ách thống trị độc tài, khát máu, hẳn nhiên hạnh phúc vĩ đại rồi.
Nhằm thâu đạt được những kết quả chắc ăn, phụ nữ ở các quốc gia ấy được “đánh giá” theo bốn tiêu chuẩn: Cơ hội và việc tham dự vào kinh tế, học vấn, ảnh hưởng chính trị và y tế. Nguyên lý căn bản là một khi càng được nhiều điều kiện để dấn thân vào các sinh hoạt chung xã hội, nghĩa là càng gần hay càng ngang hàng với nam giới thì phụ nữ càng... sướng.
Thứ hạng những nơi đàn bà được kể là... sướng
Kết quả cuộc nghiên cứu được trình bầy mào đầu ở phần trên như sau: Ích Lan (Iceland) là quốc gia đã thực hiện được quyền bình đẳng cao cấp nhất, nhờ thế đàn bà ở đây được kể là sướng nhất thế giới. Phần Lan (Finland) đứng hạng nhì với huy chương bạc. Na Uy (Norway) chiếm huy chương đồng, hạng 3. Thụy Điển (Sweden) hạng tư. Mười-ba trong số 20 quốc gia được xếp hạng cao nhất nằm ở Âu Châu; tuy nhiên phụ nữ Âu Châu không được sướng giống nhau: Ở Nam và Đông Âu, những nơi trước năm 1991 đã bị các chế độ cộng sản “đì” cho vỡ mật, bể gan, đến nay các quốc gia này nói chung vẫn đứng thật xa sau khối Bắc Âu và Tây Âu; phụ nữ nói riêng chưa được hưởng là bao quyền bình đẳng, bởi thế chưa thể được sướng như chị em ở các nước Tây phương khác. Tây Ban Nha nằm ở hạng 31, Pháp 45 và Ý 71. Trong khi đó Hoa Kỳ phất cờ ở bậc thứ 23.
Về phần Á Châu, duy nhất Phi Luật Tân được quyền ca khúc khải hoàn. Năm trước, Phi chiếm cứ hạng 8, năm 2013 đã “thừa thắng xông lên” thứ 5. Phi xứng đáng được nể là bởi trước hết nhờ vào sự thành công trong lãnh vực y tế, giáo dục và việc tham gia vào hoạt động kinh tế. Phi “vượt mặt không cần bóp còi” tất cả quốc gia Á Châu khác, kể cả Nhật Bản (hạng 105) và Nam Hàn (hạng 111); ở hai nước này, quả thật “trần ai khoai củ” cho những phụ nữ muốn theo nghành thương mại. Vả lại, nhiều bà đành phải thu... đồ đạc lại mà về “tử thủ” trong nếp sống gia đình sau khi họ sinh con đẻ cái. Việt Nam lẹt đẹt hạng 87.
Nước đứng cuối bảng là Yemen thuộc châu Phi. Nhằm “thanh minh thanh nga” về nguyên nhân quê hương mình “cầm cờ đỏ” không chỉ trong 2013 mà đã nhiều năm “thâm niên công vụ” trước đây, bà Nadia Al-Sakkaf, chủ nhiệm tờ Yemen Times, đã cố gắng gỡ gạc khi trả lời cuộc phỏng vấn của đài BBC rằng: “Chúng tôi đã từng có ba phụ nữ ra tranh cử chức vị Tổng Thống vào năm 2006 rồi đấy, và hiện chúng tôi cũng có nhiều phụ nữ ngồi trên ghế lãnh đạo... Tuy nhiên, mức sản phụ tử vong ở nước chúng tôi vẫn quá cao; và trên 35 phần trăm thiếu nữ trong hạn tuổi 6 - 14 vẫn không được đi học.”
Những nơi đàn bà không được sướng
Khỏi cần nhắc lại trường hợp Yemen kể trên. Vẫn theo bản tường trình của WEF, quyền bình đẳng vẫn còn rất khuya mới hy vọng đạt được chỉ tiêu ở nhiều quốc gia. Tại các đất nước này, đàn bà nếu không bị nam giới đè thì cũng đứng “dậm chân tại chỗ” sau lưng đàn ông, bởi thế họ làm sao sướng nổi.
Mạn phép lược kể ở đây một vài trường hợp vốn cũng được nêu trong bản báo cáo của WEF: Ở Saudi-Arabia, phụ nữ không thể lái xe hơi vì dễ bể... buồng trứng. Ở Ecuador, việc phá thai bị coi là bất hợp pháp, trừ khi phụ nữ này “được” đánh giá là “idiot” (ngu) hoặc “mắc bệnh tâm thần.” Ở một số tiểu bang của Ấn Độ, luật giao thông không áp dụng cho nữ giới, bởi thế phụ nữ cưỡi xe gắn máy “được” miễn đội mũ an toàn, bởi nhà cầm quyền viện lý là để “bảo vệ mái tóc và son phấn trên mặt họ.”
Ở Marocco và Saudi-Arabia, nữ nạn nhân bị hiếp dâm có thể bị “thằng phải gió” hiếp dâm kiện ngược lại nếu phụ nữ này ra ngoài mà không có người thân thuộc đi hộ tống. Ở Yemen, đàn bà chỉ có thể bước chân ra khỏi cửa nhà khi có phép của ông chồng... và cũng tại nước này, ở tòa án phụ nữ “không được công nhận là một người trọn vẹn về pháp lý,” chỉ “một nửa thôi” và phụ nữ cũng không được làm nhân chứng trong các vụ án ngoại tình, làm mất danh giá, nói hành nói tỏi, ăn trộm và quan hệ tình dục....
Trộm nghĩ
Trước khi kết thúc, tôi mạn phép nêu ra đây một nhận xét riêng tư cỏn con; theo đó chẳng bao giờ có một cuộc kiểm tra rộng lớn riêng biệt về hoàn cảnh của nam giới để rồi có vấn nạn như đối với phụ nữ. Đặt thí dụ, nếu có cuộc nghiên cứu nào, thì chủ đề vẫn chỉ quanh đi quẩn lại ở những vấn đề quá ư quen thuộc, nào “thuốc cường dương mạnh cỡ nào mới phê?”, nào “tin vui cho quý ông: Dược thảo tăng cường khả năng sinh lý” hay cùng lắm “được” hỏi: “Làm thế nào để (ông) bạn duy trì được hạnh phúc gia đình?”
Nam giới đã bị thua thiệt là cái chắc. Vậy mà thiên hạ vẫn cứ la ầm lên rằng hiện vẫn tiếp diễn thảm trạng “trọng nam khinh nữ”, nghĩa là nam vẫn đè trên nữ, đàn ông vẫn bắt nạt đàn bà. Thiên hạ tuyệt nhiên chẳng hề quan tâm đến cảnh: “Ba trăm một mụ đàn bà; mua về anh trải chiếu hoa cho ngồi”, trong khi “ba đồng một tá đàn ông; mua về đem nhốt vào lồng cho kiến nó tha.” Cán cân bình đẳng nay ở nhiều nơi đã mất thăng bằng; phần nặng ký nghiêng hẳn về phía nữ giới, còn nam giới thì “nhẹ như lông hồng.” Phải, đối với đàn ông, “thời oanh liệt nay còn đâu”! (hm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét