“$500 triệu không đủ mua quan tài!”
Trong lúc giới quan chức cùng một số tờ báo nhà nước hể hả ngợi ca lẫn nhau về “thái độ dũng cảm” của chính phủ, hàng loạt cuộc biểu tình tiếp nối của ngư dân và giáo dân miền Trung vào tháng 7, 2016 đã chính thức xác nhận điều mà đảng âm thầm lo sợ: Cuộc phản kháng “cá chết Formosa” đã chính thức bước vào một giai đoạn mới.
Chỉ ít ngày sau khi nguyên nhân cá chết được chính phủ công bố, vào sáng ngày 7 tháng 7, 2016, hơn 3 ngàn người dân thuộc Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bất ngờ xuống đường biểu tình chống Formosa, đồng thời đòi hỏi bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà phải từ chức. Họ vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu bảo vệ môi trường và chống lại hành vi bao che cho Formosa đầu độc biển.
Cũng vào ngày 7 tháng 7, 2016, ngư dân Cảnh Dương thuộc tỉnh Quảng Bình đã họp với lãnh đạo xã và đưa ra yêu sách đòi hỏi nhà cầm quyền phải giải quyết tình trạng sức khỏe bị nhiễm độc của người dân, xác định rõ ràng thời điểm ngư dân có thể ra biển đánh cá và yêu cầu chấm dứt hoạt động của Formosa.
Đặc biệt trong những ý kiến gửi đến nhà nước, đồng bào ngư dân đã tuyên bố không lấy tiền hỗ trợ của Formosa vì đó là hành động tiếp tay cho thủ phạm thải chất độc vào môi trường.
Không chỉ ngư dân, giáo dân cũng xuống đường biểu tình. Trên hết, nhiều ngàn ngư dân – giáo dân đã làm thành một khối đông khổng lồ để nhắc lại bài học lịch sử khi một xác tín Công giáo bị chính quyền nhốt vào rọ cua như thế nào.
Ngay khi chính quyền quen thói phô bày lực lượng chuyên chính bằng xe thiết giáp quân sự ngay trước nhà thờ, có những phụ nữ giáo dân đã gầm lên với cha xứ: “Chỉ cần cha gật đầu là chúng con mang rơm đốt ngay cái xe ấy.” Dù rằng linh mục quản nhiệm chẳng hề muốn nổ ra bạo lực và đổ máu, song thái độ phản kháng của những giáo dân ấy đã cho phác họa bức tranh sôi sục với chế độ trong lòng người dân đã đỏ quạch ra sao.
Bây giờ thì trái ngược với thái độ ban ơn mưa móc của giới quan chức chính phủ, con số $500 triệu mà Formosa “thỏa thuận ngầm” với chính phủ để bồi thường cho Việt Nam đã không thể khiến nguôi ngoai làm sóng phẫn nộ của ngư dân.
Đường cùng tuyệt diệt
Sau cá chết là người chết. Bóng đen tử thần đang lảng vảng nơi vùng biển sẫm màu mà có lúc Thứ trưởng tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân đã bạo miệng cho đó là “thủy triều đỏ.” Cái chết lại đang lừng lững xô tới hệt những con sóng thần bứt lên từ cơn động kinh khởi phát từ đáy sâu chế độ.
Ngư dân – giáo dân đã sắp đến đường cùng tuyệt diệt!
“Đất sản xuất không còn, cả đời chỉ biết bám biển, nay chuyển nghề gì?” – Nông nghiệp Việt Nam, một tờ báo nhà nước nhưng thường có những bài viết chia sẻ thực tại đời sống bức bách khốn quẫn của nông dân, đã đặt tựa đề thê thiết như thế.
Bài toán đặt ra là ở những địa phương không còn một thước đất trống; độ tuổi lao động đều ngoài 35, 40; vốn thuần ngư hai ba chục năm nay, không có tay nghề gì… thì chuyển đổi nghề cho ngư dân thế nào?
Ba tháng qua, tôm cá cạn kiệt, ngư dân đánh bắt về không tiêu thụ được kéo theo hệ lụy “đói” ở khắp các địa phương bị ảnh hưởng.
Một minh họa điển hình là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Toàn xã Cẩm Nhượng có trên 2,700 hộ dân với 9,664 nhân khẩu; trong đó số khẩu đi biển chiếm tới hơn 4,000 người. Hầu hết tàu thuyền có quy mô nhỏ, đánh bắt vùng lộng. Đại bộ phận người dân Cẩm Nhượng chỉ biết dựa vào biển để sinh sống, bây giờ kêu họ chuyển đổi nghề nghiệp là một điều quá khó.
Nếu nói về độ tuổi lao động, số ngư dân đi biển chủ yếu đều trên 35-40, độ tuổi này nên muốn đi xuất khẩu lao động cũng không đất nước nào nhận nữa. Quỹ đất Cẩm Nhượng đến thời điểm này không còn thước nào để phát triển trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ diện tích 278.3 ha đều đã sử dụng gần hết, diện tích nào còn dư ra cũng thuộc vùng nghĩa địa, rừng ngập mặn hay đồng muối đã có chủ.
Chưa kể, diện hỗ trợ và định mức hỗ trợ quá hẹp và thấp nên ngư dân không mặn mà. “Bây giờ mức hỗ trợ lãi suất không quá 50 triệu đồng thì làm được cái gì, mà kể cả hỗ trợ luôn số tiền 50 triệu đồng cũng không có đất để chăn nuôi; ra chợ các ki ốt cũng đâu vào đấy cả rồi. Đời sống bà con đang rất khó khăn, nhu cầu tiêu dùng không có thì mở cửa hàng dịch vụ rồi bán cho ai?” – cả đến một cán bộ xã cũng phải mở mắt.
Một ngư dân cám cảnh: “Các ngành nghề khác như thợ xây, thợ mộc, hàn xì… nếu hộ dân nào có thể làm được họ đã phát triển cả. Bây giờ thợ có tay nghề còn thất nghiệp huống hồ là mấy ông chuyên đánh cá dưới biển giờ lên làm thợ, ai dám tin tưởng mà thuê chứ.”
Ngư dân Nguyễn Viết Đinh ở thôn Phúc Hải bảo: “Chúng tôi quen ‘ăn sóng nói gió’ từ nhỏ. Bây giờ bảo chúng tôi bỏ biển lên bờ thì làm gì được. Đi xuất khẩu lao động đã quá tuổi, làm dịch vụ không bán được hàng mà chăn nuôi lại không có đất. Giờ làm cái chuồng gà cũng cần 10-20m2 đất nhưng ở Cẩm Nhượng nhà sát nhà, tường sát tường rồi, mỗi cái đường đi cũng không thể mở rộng được nữa thì chuyển đổi kiểu gì được đây…”
Thế còn chính quyền đã “luôn quan tâm và bảo đảm đời sống ngư dân” thì sao?
Phản kháng giai đoạn 2!
Một nhà hoạt động xã hội là Hoàng Bình từ Nghệ An suốt mấy tháng qua tích cực tham gia các chuyến từ thiện về tận những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất để tìm hiểu hoàn cảnh và hỗ trợ bà con ngư dân mô tả:
“Từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh dọc theo đường quốc lộ khu Vũng Áng, công an cài rất đông. Họ lên các tòa nhà cao ở đây, cắm chốt 24/24. Không một ai có thể đứng ra kêu gọi dân nộp đơn thưa kiện hay yêu cầu Formosa minh bạch. Họ trấn áp ngay từ đầu, chụp mũ tội gây rối, kích động dân chúng. Bình là người nắm rất rõ tình hình ở đây. Mình ở vùng này suốt từ 3 tháng nay, đi hỗ trợ người dân thực phẩm và tìm hiểu nguyện vọng của họ. Dân rất bi đát, không còn đường sống. Như vừa rồi ở Đông Yên có người đánh bắt 30 tấn cá mu về không bán được con nào, đổ ra đường hết. Ở Kỳ Hà, dân 3 tháng nay không làm được hạt muối nào. Có nhiều người đói quá vẫn làm. Cha xứ khuyên rằng làm vậy mất đạo đức vì muối có độc, bán cho bà con ăn là không nên. Người ta hỏi lại ‘Nhà con không còn gì để ăn, ai cho con đây? Một tháng được mười mấy kg gạo, làm sao sống?’ Họ buộc phải làm. Khoản tiền hỗ trợ không thấm vào đâu cả.
Chuyển đổi nghề nghiệp thế nào, trợ giúp lâu dài. Vừa rồi họ thu mua lưới giá khá cao, bằng lưới mới. Họ cho vay vốn và cho xuất khẩu lao động. Con em những vùng thiệt hại nặng được đi học nghề miễn phí. Đặc biệt vùng Kỳ Hà, họ nói sẽ xóa học phí cho học sinh vào năm tới, không biết có thực hiện hay không, mới thấy cam kết vậy thôi.
Về việc hướng bà con xuất khẩu lao động, dân địa phương phản đối, không hài lòng vì quê hương, nghề nghiệp bao đời ông cha để lại gắn với biển, với cá. Bây giờ biết đến bao giờ mới có thể đánh bắt trở lại. Đánh bắt xa khơi thì gặp Trung Quốc, gần bờ thì cá chẳng còn. Mất hoàn toàn. Hôm qua, rong rêu chết tràn vào bờ. Dân rất hoang mang. Dân ở đây họ khiếp, sợ không dám ăn cá.”
Một bức tường khổng lồ đang chặn đứng mọi tính toán và mưu tính quá muộn màng của giới quan chức Việt Nam. Trong khi đang cố gắng lấp liếm trách nhiệm hình sự của những quan chức Việt dính líu đến Formasa và cố lấp liếm việc kiện Formosa, chính quyền đang phải đối mặt với con sóng phẫn nộ không dứt của nhiều ngàn ngư dân.
Sau con sóng biểu tình nổ ra trong tháng Năm, sắp tới sẽ là giai đoạn 2 của phong trào phản kháng lớn của ngư dân – giáo dân 4 tỉnh miền Trung. Sẽ không ai biết trước chuyện gì sẽ nổ ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét