Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Đào Tử - Truyện Nhật Bản - Phan Hạnh phóng tác

Momotaro sculpture in front of Okayama Station Editorial Stock Image  Ảnh tượng điêu khắc Momotaro 

Xứ Nam Việt ngày xưa có một đôi vợ chồng già sống ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Họ phải làm việc chăm chỉ suốt ngày để đổi lấy miếng ăn. Ông thì đi cắt cỏ đem bán; bà thì chăm lo công việc nhà và một mảnh ruộng nhỏ.<!->
Một ngày nọ như thường lệ, sáng sớm ông rời nhà để lên đồi cắt cỏ thì bà cũng lấy rỗ quần áo dơ mang ra bờ sông để giặt. Trời sắp vào hè, cảnh vật nhuộm một màu xanh tươi đẹp đẽ. Cỏ non hai bên bờ sông nhìn như nhung ngọc lục bảo, và những cây liễu rũ dọc mé nước đang phe phẩy những tua mềm.
Làn gió nhẹ mơn man thổi làm mặt nước sông đang phẳng lặng bỗng gợn sóng lăn tăn. Hơi gió mát lướt qua chạm vào má của cặp vợ chồng già mà chẳng hiểu vì sao, họ đều cảm thấy rất hạnh phúc vào buổi sáng hôm đó.
Bà tới ngay cái chỗ đã quen thuộc bên bờ sông và đặt chiếc giỏ xuống, xong chuẩn bị giặt quần áo. Bà lấy từng món y phục nhúng xuống nước rồi chà xát nó trên mặt một phiến đá. Luồng nước trong veo, bà có thể thấy cả những con cá nhỏ tung tăng bơi qua lại và những viên sỏi tròn trịa nhiều màu dưới đáy nước.
Bỗng bà trông thấy một trái đào to từ từ trôi trên dòng nước. Suốt sáu mươi năm của cuộc đời, bà chưa bao giờ thấy một trái đào nào lớn như thế này. Bà nghĩ: "Chắc nó phải ngon lắm. Mình phải tìm cách vớt nó đem về cho chồng mình mới được."
Bà giơ cánh tay ra cố với lấy nó nhưng không tới. Bà định tìm một khúc cành cây để khều nó, nhưng gần đó chẳng có khúc cây nào. Bà nghĩ nếu bà lo đi tìm cành cây dài để khều thì trái đào chắc chắn sẽ trôi mất rồi.
Suy nghĩ xem cần nên làm gì, bà bỗng nhớ lại mấy câu vè xưa. Thế là bà bắt đầu vừa vỗ hai bàn tay vào nhau vừa hát:
Nước xa thì đắng
Nước gần thì ngọt
Qua khỏi nước xa
Sẽ ra nước ngọt.
Thật lạ thay, vừa khi bà cất tiếng đọc bốn câu vè đó thì trái đào cũng bắt đầu trôi tới gần bờ hơn rồi nó dừng lại ngay trước mặt bà và bà đã đưa tay bốc nó lên dễ dàng. Bà quá đỗi vui mừng sung sướng đến nỗi không thể nấn ná ở lại giặt cho hết mớ áo quần. Bà vội vã gom hết mớ quần áo vừa giặt sạch lẫn mớ chưa giặt bỏ trở lại trong giỏ tre, cẩn thận đặt trái đào vào đó rồi bưng về nhà.
Bà nôn nóng chờ đợi ông về. Thời gian dường như đi chậm lại trước nỗi háo hức của bà. Bà vừa làm những công việc lặt vặt vừa ngóng nhìn trước ngõ. Cuối cùng, khi mặt trời vừa sắp lặn, ông lão về đến nhà với một bó cỏ tranh khổng lồ trên vai. Bó cỏ quá lớn tưởng chừng che khuất hết người ông chỉ còn chừa ra hai ống chân khẳng khiu. Trông từ xa, đó chẳng khác nào một đống cỏ biết đi. Khi ông tới gần hơn, bà thấy điệu bộ của ông có vẻ rất mệt mỏi. Ông dùng lưỡi hái có cán dài thay cho cây gậy chống và dựa vào nó khi ông bước.
Bà chạy ra trước sân đón ông và nói lớn:
- Ông ơi ông! Cả ngày hôm nay tôi ngóng trông ông về quá trời!
Ông hạ người hất bó cỏ xuống sân rồi hỏi:
- Ở nhà xảy ra chuyện gì mà bà có vẻ hứng chí nôn nóng vậy bà?
Bà liền đáp:
- À… ờ… Không có chuyện gì cả, chỉ là tôi có một món quà đặc biệt cho ông thôi.
- Vậy thì tốt. Tự dưng bữa nay bà làm cho tôi cũng hồi hộp đây.
Nói rồi ông tới bên bồn nước rửa mặt và tay chân, xong bước lên hàng hiên. Bà thì chạy vào nhà mang ra trái đào. Bà có cảm giác nó nặng hơn trước đây. Bà chìa nó trước mặt ông nói:
- Ông coi nè! Hồi nào tới giờ trong đời ông có thấy trái đào nào bự như trái đào nầy chưa?
Ông lão ngắm nghía trái đào và kinh ngạc nói:
- Trái đào nầy đúng là bự chưa từng thấy! Bà mua nó hồi nào vậy?
- Tôi đâu có mua. Hồi sáng lúc tôi giặt đồ ngoài sông, tôi thấy nó trôi dưới nước nên tôi vớt nó.
- Đúng là mình hên gặp của trời cho. Đâu mình cắt nó ra ăn đi bà. Tôi đang đói bụng thèm quá.
Nói xong ông đi lấy một tấm thớt và một con dao. Ông đặt trái đào lên thớt và tính chẻ đôi nó. Nhưng kỳ diệu làm sao, con dao của ông chưa đụng tới trái đào thì tự nó đã tách ra làm đôi rồi. Đồng thời một giọng nói rõ ràng vang lên:
- Khoan đã ông!
Và bất ngờ một hình hài xinh đẹp hiện ra, lớn dần lớn dần thành đứa bé bụ bẫm độ hai tuổi.
Cả hai vợ chồng già đều giựt mình sững sốt điếng người không tin ở mắt mình. Đứa bé nói:
- Xin ông bà đừng sợ. Con không phải là thần tiên ma quỷ gì đâu. Con xin thưa thiệt. Vốn là ngọc hoàng thượng đế thương xót cho tình cảnh của ông bà suốt đời làm lụng vất vả mà không con không cái nên ngọc hoàng gởi con xuống đây để giúp đỡ ông bà trong lúc tuổi già.
Nghe xong, vợ chồng già vui sướng vô cùng. Họ đã từng buồn cho số phận hiếm muộn và than khóc ngày đêm. Họ đã từng cầu xin đấng linh thiêng ban cho họ một mụn con để giúp họ trong tuổi già cô đơn, và bây giờ lời cầu nguyện của họ đã được đền đáp. Họ sung sướng mừng vui quá đỗi tới mức luống cuống tay chân.
Ông bồng đứa bé lên ôm nó trong vòng tay của mình rồi trao nó cho bà cũng đang sốt ruột muốn nâng niu đứa bé xinh đẹp từ trên trời rơi xuống kia. Ông đặt cho đứa bé cái tên là Đào Tử, bởi vì nó đã ra sinh ra từ một trái đào.
Thời gian nhanh chóng trôi qua, Đào Tử giờ đây đã mười lăm tuổi, cao lớn khoẻ mạnh hơn bất kỳ thiếu niên nào khác cùng tuổi. Chàng có một khuôn mặt thanh tú, một trái tim quả cảm và suy nghĩ trưởng thành trước tuổi. Đôi vợ chồng già rất sung sướng mãn nguyện khi họ nhìn chàng vì chàng đúng là hình ảnh họ nghĩ về một mẫu người anh hùng.
Thế rồi một ngày kia, Đào Tử đến trước mặt cha nuôi của mình và trịnh trọng thưa:
- Thưa cha, do duyên may kỳ lạ đưa đẩy mà con đã trở thành con trai của cha. Ơn cha cao hơn đồi núi mà cha hàng ngày lên đó cắt cỏ. Ơn mẹ sâu hơn con sông nơi mẹ giặt quần áo. Con không biết làm sao đền ơn cho đủ.
Người cha đáp:
- Sao con phải cám ơn. Đó là bổn phận tự nhiên cha mẹ phải nuôi nấng con cái. Khi con lớn lên sẽ đến lượt con chăm sóc lại cha mẹ già, vì vậy tất cả đều công bằng, giữa chúng ta không ai hơn ai thiệt cả. Thật vậy, con cảm ơn cha mẹ như thế này làm cha ngạc nhiên cảm động lắm.
Đào Tử thưa:
- Xin cha bình tĩnh để nghe con bày tỏ điều này. Trước khi con có thể đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, con có một thỉnh cầu mà con mong rằng cha mẹ hãy chấp thuận cho con.
- Con muốn gì cha mẹ cũng chìu theo ý con vì con là một người con khác hẳn một người con bình thường.
- Vậy thì xin cha mẹ cho con được phép ra đi.
- Con nói gì? Con muốn bỏ cha mẹ già trong căn nhà tồi tàn này để ra đi sao?
- Thưa cha, nhưng mà con sẽ quay về nếu cha cho con đi bây giờ.
- Con đi đâu?
- Cha lấy làm thắc mắc tại sao con lại muốn bỏ đi chứ gì? Tại vì con chưa nói với cha lý do của con đó thôi. Nó là như vầy. Xa lắm từ đây đến phía đông bắc của vùng Xuân Lộc này có một hòn đảo. Hòn đảo này là thành trì của một bọn cướp khựa. Con thường nghe nói chúng xâm nhập vào đất nước quê hương này, giết và cướp của nhân dân, mang đi tất cả những gì chúng muốn. Không những chúng rất độc ác mà còn không khuất phục nhà vua và bất chấp pháp luật. Ghê tởm hơn nữa, chúng còn ăn thịt người. Chúng giết và ăn thịt một số dân nghèo chẳng may rơi vào tay chúng. Bọn quỷ này thật đáng ghét. Con phải đi diệt trừ chúng để lấy lại tất cả những gì chúng đã cướp của quê hương ta. Chính vì lý do đó mà con muốn đi xa trong một thời gian.
Người cha già vô cùng ngạc nhiên và cảm phục trước sự tỏ bày khí khái của một cậu bé mười lăm ngập lòng yêu nước. Ông nghĩ rằng tốt nhất ông nên để cho cậu bé đi. Cậu ấy cho thấy ý chí mạnh mẽ và can đảm. Ông biết đứa con nuôi của ông không phải là một người con bình thường vì nó là một món quà từ thiên đường gởi xuống cho vợ chồng ông. Để con trẻ một mình ra đi vào chốn hiểm nguy, ông không lo. Ông tin chắc rằng ma quỷ sẽ không thể nào làm hại con ông. Ông nói:
- Đào Tử con à. Tất cả những gì con vừa nói cha nghe thật là thú vị như truyện cổ tích. Cha không cản trở khi con đã quyết tâm. Con hãy yên lòng ra đi. Cha mẹ ở nhà có thể tự lo được. Cha mẹ chúc con sớm tìm ra đảo của bọn quỷ để diệt trừ bọn chúng và mang lại yên bình cho đất nước.
- Con cảm ơn cha mẹ. Sáng sớm mai con sẽ cất bước lên đường. Con sẽ sớm trở về ngay sau khi con làm tròn sứ mạng.
Đào Tử sửa soạn hành trang. Ông bà lão thì vào bếp bắt tay ngay vào việc làm bánh dẻo cho đứa con mang theo trên cuộc hành trình.
Sáng sớm hôm sau là buổi chia tay. Đôi vợ chồng già dằn nỗi buồn lưu luyến gượng cười tiễn con. Hai đôi mắt già nua chớp nhanh ngăn giọt lệ và giọng nói của họ run rẩy xúc động:
- Con hãy cẩn thận và đi đường bình an. Cha mẹ hy vọng con chiến thắng trở về.
Đào Tử cũng rất lấy làm tiếc phải rời xa cha mẹ, nhưng chàng đành tạm gác tình nhà để lo nợ nước. Chàng tin chắc rồi mình sẽ vinh quang trở về để phụng dưỡng cha mẹ cho tới cuối đời.
- Dạ thưa cha mẹ con đi đây. Cha mẹ ở lại bình an.
Cúi đầu tạ từ xong, Đào Tử quảy túi hành trang bước nhanh ra khỏi nhà. Trong im lặng chàng còn quay lại nhìn bóng hình cha mẹ ẩn hiện chập chờn trong ánh bình minh.
Lòng tràn đầy nhiệt huyết, Đào Tử nhanh chân bước không ngừng nghỉ trên con đường phiêu lưu xa vời vợi trước mặt cho đến khi mặt trời đứng bóng. Chàng bắt đầu cảm thấy đói nên dừng lại ngồi bệt xuống dưới bóng một tàng cây, mở túi xách lấy ra một chiếc bánh dẻo và bắt đầu ăn. Vừa lúc ấy, một con chó to lớn như một con ngựa con từ đám cỏ cao xuất hiện ngay trước mặt Đào Tử. Nó gầm gừ bạnh mõm nhe răng nói một cách gay gắt:
- Nhà ngươi là một người thô lỗ dám băng qua vùng lãnh địa của ta mà không xin phép trước. Nếu nhà ngươi để lại cho ta tất cả bánh trong túi của nhà ngươi thì ta sẽ để yên cho nhà ngươi đi; nếu không ta sẽ cắn nhà ngươi cho chết!
Thấy một con chó mà dám giở giọng côn đồ ăn nói láo lếu, Đào Tử cười khinh bỉ đáp:
- Ngươi vừa nói gì vậy hả chó kia? Ngươi có biết ta là ai không? Ta là Phù Đổng tái sinh tên là Đào Tử đang trên đường ra Hoàng Sa chinh phục bầy giặc khựa chỉ chuyên cướp hiếp dân lành. Nếu ngươi định chặn đường ta thì ta sẽ chẽ đôi ngươi từ đầu xuống đuôi nghe chưa!
Nghe tới cái tên Phù Đổng, con chó thay đổi ngay giọng điệu. Đuôi nó tức thì cụp xuống giữa hai chân sau. Nó khúm núm cúi đầu sát đất run giọng thưa thốt:
- Có phải tôi vừa nghe tên Phù Đổng Đào Tử? Ngài thực sự là Đào Tử? Tôi thường nghe nói về sức mạnh vạn năng của ngài. Thật tôi mới chính là đứa thô lỗ không nhận ra ngài nên tôi mới cư xử ngu ngốc vô phép. Xin ngài vui lòng tha thứ sự hồ đồ của tôi. Nếu thực sự ngài đang trên đường ra Hoàng Sa tái chiếm lãnh thổ quê cha thì ngài cho tôi theo với.
Đào Tử nói:
- Được rồi. Ta nghĩ rằng ta có thể kết nạp ngươi cùng đi với ta tiêu diệt đám khựa.
Con chó mừng rỡ nói:
- Xin đội ơn ngài. Mà ngài ơi. Ngài ăn bánh gì sao thơm quá; ngài có thể cho tôi xin ăn thử một miếng được không?
- Bánh này là bánh tét đặc biệt của cha mẹ nuôi ta nấu nổi tiếng ngon nhất ở nước Nam Việt. Ta cho ngươi một nửa đây.
- Dạ.
- Ngươi tên là gì?
- Tôi không có tên.
- Ai cũng phải có tên, ít nhất là một tên.
- Dạ tùy ngài đặt cho tôi tên gì cũng được.
- Từ nay ta gọi ngươi là Dõng.
- Tên Dõng nghe hay quá. Dõng này xin đa tạ. Bánh tét ngon lắm thưa ngài.
- Ngươi no rồi vậy thì chúng ta lên đường.
Thế là Đào Tử vừa chiêu nạp được một chiến sĩ đi đường cho có bạn. Trong một thời gian dài họ đi qua nhiều núi đồi và thung lũng. Khi họ đi ngang qua một cánh rừng nọ, bỗng một con vật từ trên cây phóng xuống trước mặt họ. Con vật cất tiếng:
- Kính chào Phù Đổng Đào Tử! Thật hân hạnh được chào đón ngài đi qua quê tôi trong cánh rừng hẻo lánh này.
Đào Tử ngạc nhiên hỏi:
- Sao ngươi lại biết ta?
Con vật đáp:
- Tôi là vượn tôn có khả năng nghe biết chuyện mật. Tôi biết ngài đang có sứ mạng ra đảo Hoàng Sa diệt giặc nên tôi đường đột ra mắt ngài để xin theo góp chút công mọn.
- Được lắm. Ta nghĩ ngươi sẽ giúp ta được rất nhiều.
Nghe Đào Tử nói vậy, Dõng hơi phiền lòng ghen tị. Nó nói:
- Thưa Phù Đổng. Ngài đã có tôi là một con chó to khỏe theo trợ giúp ngài cũng đủ. Ngài cần gì phải nhận thêm con khỉ này nữa.
Loài chó và loài khỉ vốn thường chẳng bao giờ ưa nhau. Giờ đây một con chó ghen tị và một con khỉ muốn theo phò tá một vị anh hùng bắt đầu cãi nhau lời qua tiếng lại làm vang động cả cánh rừng.
Đào Tử thấy vậy hét lớn:
- Im ngay!
Thật quả Đào Tử có uy thế của người chỉ huy. Tiếng hô của chàng khiến cho hai con vật khiếp sợ đứng im. Đào Tử nghiêm khắc nói:
- Ta nói cho các ngươi biết. Sứ mạng đi diệt giặc là trọng đại cần có sự hoà thuận chung lòng đoàn kết hợp tác. Kẻ nào chịu đi theo ta thì phải tuyệt đối nghe lịnh ta và tôn trọng kỷ luật; bằng không thì hãy đi đi cho khuất mắt ta!
Quay sang con khỉ, Đào Tử hỏi:
- Ngươi tên là gì? Làm gì?
Con khỉ đáp:
- Thưa ngài tôi là một con vượn vô danh sống một mình trong cánh rừng này từ nhiều năm qua. Nhờ một khả năng đặc biệt, tôi nghe nói về chuyến thám hiểm của ngài ra đảo đánh giặc khựa và tôi xin theo giúp ngài mong ngài chấp nhận.
Đào Tử lại hỏi:
- Chuyến đi này vô cùng nguy hiểm. Ngươi có thực sự muốn theo ta ra đảo chiến đấu với giặc khựa hay không?
Con vượn đáp:
- Thưa vâng.
- Ta thành thật khen ngợi lòng dũng cảm của ngươi. Đây là phân nửa cái bánh tét ta tặng cho ngươi như là phần thưởng kết nạp. Ta đặt tên cho ngươi là Trượng.
Quay sang Dõng, Đào Tử căn dặn:
- Này Dõng. Kể từ nay trở đi, Trượng là chiến sĩ đồng đội của chúng ta. Tất cả phải đồng lòng sát cánh hỗ trợ lẫn nhau nghe chưa.
Con chó ngoan ngoãn đáp:
- Tuân lịnh!
Dõng sợ oai của Đào Tử nên vâng lịnh làm thinh không cãi lộn với Trượng nữa nhưng trong lòng còn hậm hực ghen tị. Biết vậy, Đào Tử ngăn chúng riêng ra, bảo Trượng đi trước mở đường và Dõng đi sau bọc hậu.
Qua ngày hôm sau, họ đến một cánh đồng rộng. Nơi đây, một con chim đang bay từ trời cao sà xuống mặt đất ngay trước đoàn lữ hành. Đó là một con chim trĩ đẹp mà Đào Tử chưa bao giờ nhìn thấy. Thân nó có năm sắc lông rực rỡ và đầu nó có mồng đỏ tươi trông rất oai vệ.
Con chó hung hăng định xông lại cắn chim trĩ nhưng con chim đã nhanh nhẹn xòe móng vuốt phóng mình lên quấu đuôi con chó.
Đào Tử nhìn thấy thì biết ngay đây là một con chim khôn khéo có mưu lược chiến đấu và ước ao có nó theo giúp mình. Đào Tử can ngăn và nói với trĩ:
- Này chim! Chắc là do duyên may đưa đẩy nên ngươi mới đến đây với bọn ta. Ngươi có định cùng bọn ta đi đánh đuổi giặc cướp ngoài đảo Hoàng Sa hay không?
Trĩ đáp:
- Thưa ngài đó chính là ý định của tôi đến đây. Tôi không muốn gây gỗ hơn thua với con chó này hoặc con khỉ kia. Tôi chỉ muốn theo ngài đi diệt giặc.
Đào Tử nghe vậy nên rất thuận lòng liền bảo Dõng và Trượng hãy thân thiện chào mừng bạn đồng hành mới.
Con chó ghen tị còn cố nói:
Ngài cho con chim này theo nhưng xin ngài hãy bảo nó đừng có bay trên đầu tôi, tôi ngại lắm.
Đào Tử nghe con chó nói vậy cũng phải buồn cười. Chàng đáp:
- Ngươi yên chí. Chim trĩ hãy nhớ bay vòng xung quanh bọn ta chứ không được bay ngay trên đầu nghe chưa.
Chim trĩ vâng lịnh. Là một vị thủ lãnh chỉ huy, Đào Tử ban huấn từ cho thuộc hạ:
- Bây giờ chúng ta đã là một đoàn thể nên cần phải có quy luật mà mọi người phải tuyệt đối tuân hành. Đó là tình đoàn kết đồng lòng và kỷ luật mới mong chiến thắng kẻ thù. Ta nhắc lại cho các ngươi lần cuối là phải hoà thuận và không được cãi cọ. Ai vi phạm sẽ bị sa thải tức khắc nghe rõ chưa?
Tất cả ba con chó, vượn khỉ đồng đáp lớn:
- Nghe rõ!
- Đây ta thưởng cho chim trĩ nửa đòn bánh tét. Từ nay ngươi có tên là Mành, hãy nhớ lấy. Ta rất hãnh diện có được ba chiến sĩ Dõng Trượng Mành.
Ảnh hưởng Đào Tử thật tuyệt vời. Ba con thú đã trở nên những người bạn tốt và tuyệt đối tuân lịnh vị chỉ huy. Bấy giờ tất cả đều lấy làm phấn khởi nhìn nhau thân thiện. Nhóm bốn chiến binh lên đường.
Cuối cùng họ đã ra tới bờ biển Đông Bắc. Trước mặt họ không còn đất liền núi đồi cây cối nữa mà chỉ là trời nước mênh mông với tiếng sóng vỗ rạt rào. Đào Tử từng xuống trần đôi phen nên biển cả bao la đối với chàng chẳng lạ. Ba con vật thì cùng trố mắt chăm chú nhìn ra khơi và ngẩn ngơ tự hỏi đảo Hoàng Sa thành trì của giặc đâu chẳng thấy. Và nếu có đảo xa tít ngoài đó thì lấy gì làm phương tiện để đi. Chim trĩ Mành dù đôi cánh dẻo dai đến đâu chắc cũng không bay nổi khoảng cách xa tít khỏi tầm mắt. Chó Dõng và vượn Trượng không quen lội đường trường, gặp biển động và nước lạnh cũng đành le lưỡi sợ hãi. Con nào cũng muốn hỏi Đào Tử phải ra đảo bằng cách nào đây nhưng đều không dám mở lời; tất cả đều hy vọng có đứa khác hỏi trước và mong Đào Tử giải thích để khỏi hoang mang lo sợ.
Đào Tử thừa biết ba kẻ thuộc hạ đang nghĩ gì. Chàng sớm nhận thấy rằng họ đã nản lòng khi nhìn thấy biển. Nhân lúc cõi lòng đang tràn ngập cảm giác sảng khoái và niềm hứng khởi sắp sửa được xông trận diệt thù, Đào Tử cởi mở hơn với thuộc cấp. Chàng muốn thử lòng họ nên nhẹ giọng nói:
- Tại sao các bạn ngần ngại? Các bạn sợ biển cả có sóng to gió lớn phải không? Tôi biết các bạn là những chiến sĩ can trường coi thường mạng sống đem thân cứu nước. Giặc dữ các bạn không sợ, chẳng lẽ các bạn sợ ướt bộ lông hay sao? Được rồi! Nếu các bạn không đi thì tôi đi một mình vậy. Các bạn hãy về đi!
Nghe Đào Tử nói vậy, ba con vật cảm phục ý chí cương quyết của Đào Tử và phấn chấn tinh thần. Con nào cũng không muốn cho người khác nghĩ là mình hèn nhát nên cùng bám tay áo Đào Tử cầu xin chàng đừng đuổi chúng đi.
Chó nói, "Dõng này xin thẩm quyền đừng bỏ em!"
Vượn nói, "Trượng này đã tới đây rồi chẳng lẽ lại lủi thủi quay về cánh rừng hẻo lánh thì nhục quá thẩm quyền ơi!"
Trĩ nói, "Hai anh Dõng Trượng không biết bay mà còn không sợ trong khi Mành này chưa mất một mảy lông thì chẳng lẽ sợ hay sao?"
Rồi cả ba con lao nhao hỏi đảo đâu không thấy, ghe thuyền đâu cũng không thấy, binh khí đâu cũng chẳng thấy, xin thẩm quyền cho biết kế hoạch hành quân.
Đào Tử cười thầm trong bụng trước những hoang mang lo nghĩ của ba thuộc cấp. Chàng nói:
- Ta chỉ muốn thử lòng trung thành và can đảm của các bạn thôi. Thật ra ta đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng mọi việc cả rồi. Các bạn hãy theo ta.
Đào Tử đến một hốc đá, xong bảo thuộc hạ cùng phụ với mình moi cát. Chỉ một lúc sau, ba con vật reo lên mừng rỡ khi thấy chiếc thuyền với đầy đủ binh khí và lương thực hiện ra. Mọi người cùng đẩy chiếc thuyền xuống nước rồi lên thuyền. Đào Tử giải thích tình hình địch, trình bày kế hoạch hành quân và chỉ định công tác cho từng thành viên, xong tất cả cùng hô to "Chiến thắng!" Một bữa ăn diễn ra trên thuyền trong bầu không khí thân mật vui vẻ. Xong xuôi mọi người nghỉ ngơi lấy sức để chuẩn bị xông pha trận mạc.
Mờ sáng hôm sau, điều kiện thời tiết thuận lợi, con thuyền ra khơi băng băng rẽ sóng. Lần đầu tiên đi biển, ba con vật đã khắc phục được nỗi sợ, giờ đây chỉ còn sự hăm hở nao nức trong lòng và cảm thấy chuyến hải hành ra đảo Trường Sa đầy thích thú. Đào Tử cất tiếng hát một bản hùng ca có những câu
Dòng nước vẫn sáng dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng.. để cho nòi giống soi chung…
Dõng, Trượng, Mành thích thú lắng nghe và thuộc lòng khá nhanh; khi Đào Tử hát những lần sau thì đã trở thành hợp ca bốn giọng vang vang rộn ràng trên biển cả và chuyến hải hành ra đảo cũng ngắn lại. Nhờ gió thổi thuận chiều và sóng nhỏ, khi mặt trời hừng sáng trên biển hôm sau, mọi người đã thấy dãy đảo hiện ra. 
Đào Tử nhìn định hướng và nhận ra ngay vị trí thành trì của giặc cướp vì trên đỉnh của bờ dốc nhìn ra biển là một kiến trúc lớn có cờ đỏ trên nóc. Đã nhìn thấy mục tiêu, Đào Tử suy nghĩ nên bắt đầu cuộc tấn công như thế nào. Ba chiến sĩ đang nhìn chàng chờ lệnh. Chàng nói:
- Mành này! Sự tham gia của bạn trong cuộc hành quân này thật là một lợi thế lớn cho chúng ta. Bạn thấy lá cờ đỏ trên nóc đài trên đảo đó không? Đó là thành trì đầu não của bọn giặc khựa cướp nước. Bạn hãy bay tới đó dọ thám tình hình xong trở về báo cáo cho tôi biết.
Chim trĩ Mành hô "vâng lịnh" rồi vỗ cánh vùn vụt bay đi. Nó lấy làm sung sướng và hãnh diện là người đầu tiên được cấp chỉ huy giao cho sứ mạng. Chỉ một lúc sau, Mành đã đậu trên mái của tòa nhà chính cao nhất. Hứng chí muốn lập công đầu, nó kêu lớn tiếng:
- Hỡi bọn thảo khấu tàu khựa hãy nghe đây! Vị tướng Phù Đổng Đào Tử thiên sứ của thiên đình và là vị cứu tinh của nước Nam đã đến đây rồi. Phụ lực với chủ soái ta còn có chúng ta là siêu chó siêu vượn và siêu trĩ. Muốn bảo toàn mạng sống, chúng bây hãy ném tất cả vũ khí xuống biển và kéo cờ trắng đầu hàng ngay!
Bọn tàu khựa nhìn lên nóc nhà thấy một con chim gì bự cồ như con gà lôi; chúng cười ha hả nói:
- Hahaha… Con gà rừng kia! Bộ mi muốn bị nướng trui hay sao mà từ đất liền ra đây nói khùng nói điên vậy? Chờ đó đi để rồi ăn phi tiễn của ta!
Nghe những lời ngạo mạn của bọn cướp tàu khựa, Mành rất tức giận. Nhìn xuống, Mành thấy chúng mang phi tiễn và cả súng thần công ra cùng chĩa nòng súng thẳng lên về hướng mình. Mành cười thầm trong bụng nghĩ "Ừ! Bắn đi con! Ông bay tránh né một cái thì đạn làm sập nhà ai cho biết! Đồ ngu!" Thế là trĩ Mành cứ ung dung đậu ở đó chờ.
Giặc khựa kịp suy nghĩ lại, biết bắn chim bằng súng thần công là ngu, cho nên chúng chỉ bắn bằng phi tiễn, đứa nào cũng đang thèm ăn thịt rừng.
Mành tránh né dễ dàng, xong còn vụt bay xuống mổ lên cái đầu hói của tên khựa chỉ huy khiến cho hắn đau la chói lói. Hăng say chiến đấu, trĩ Mành nhào lên lộn xuống liên tục tấn công những tên giặc khác.
Chờ đợi khá lâu mà trĩ Mành vẫn chưa quay về, Đào Tử vừa chèo đưa con thuyền vào bờ vừa sốt ruột. Đến gần hơn, chàng thấy hệ thống phòng thủ của giặc khựa rất kiên cố với tường cao như vách núi. Chàng chèo vòng quanh đảo để tìm lối vào thành. Bỗng chàng trông thấy hai cô gái đang vừa giặt quần áo vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt với giọng u sầu buồn bã. Thì ra hai cô bị bọn giặc khựa bắt cóc mang ra đây để làm nô lệ cho chúng. Mừng quá, Đào Tử lại gần họ nói:
- Hai cô đừng sợ. Chúng tôi là người Việt ra đây để diệt giặc khựa và giải thoát cho các cô.
Hai cô gái vui mừng rơi nước mắt nhưng cũng có vẻ e dè sợ sệt. Đào Tử nói:
- Rất may là chúng tôi gặp được hai cô ở đây vì chúng tôi  đang tìm lối để vào thành.
Thế là hai thiếu nữ dẫn đường cho ba thầy trò Đào Tử vào thành bằng một lối cửa nhỏ.
Trĩ Mành rất khôn ngoan lanh lợi, dù bận chiến đấu nhưng vẫn đưa mắt xem đồng đội ở đâu. Khi thấy Đào Tử cùng Dõng và Trượng theo hai cô gái đã vào được thành, nó bay trở lại nhập đoàn. Bọn giặc cũng báo động và cùng chạy theo hướng trĩ Mành. Chúng khá hoang mang vì không ngờ đánh nhau với một con chim trĩ đã chật vật rồi, bây giờ chúng thấy thêm một thiếu niên uy dũng, một con chó to lớn dữ dằn và một con phó bản của Tề Thiên Đại Thánh nữa. Vốn đã hun đúc tinh thần chiến đấu và chờ đợi đến giây phút này, Đào Tử và các chiến sĩ Nam Việt xông tới diệt thù. Bọn khựa tưởng đâu được chén một bữa thịt rừng, không ngờ bốn dũng sĩ quái dị quá mạnh mẽ. Thấy đồng bọn xông lên kháng cự đều bị chém, bị mổ, bị cắn, bị xé xác một cách ghê rợn, nhiều tên giặc khựa đã bỏ chạy hết. Một tên giặc cấp chỉ huy đã đưa hai tay lên xin hàng.
Đào Tử bắt hắn viết lời cam kết đầu hàng, hoàn trả hết các tài sản chúng đã ăn cướp của nước Nam. Hai cô gái Việt được giải thoát cúi đầu tạ ơn Đào Tử.
Đào Tử lấy một lá cờ vàng Đại Việt đưa cho vượn Trượng và bảo Trượng treo thay cờ giặc. Trượng tuân lệnh leo thoăn thoắt lên cột cờ cao nhanh nhẹn thay cờ. Trượng hãnh diện tự hào khi nhìn thấy cờ vàng bay phất phới trên đảo Hoàng Sa.
Bây giờ đã trở thành một hàng binh, tên giặc khựa giao nạp một chiếc thuyền lớn đủ chở tất cả mọi người cùng về đất liền.
Đào Tử được đón chào như một vị anh hùng. Chàng từ chối hết mọi sự ban thưởng và ân huệ của triều đình rồi cùng ba con vật trung thành trở về quê cũ, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ già nơi miền quê Xuân Lộc. Khi cha mẹ đã qui tiên, Đào Tử cùng ba con vật trung thành bỏ vào rừng và biến mất. Người đời sau men theo dấu vết đi vào khu rừng đó thì chỉ thấy một cây đào cổ thụ bên dòng suối.
Phan Hạnh.
(Phóng tác theo truyện truyền kỳ Nhật Bản Momotaro của tác giả Yei Khotdora Ozaki)

PH-HCA

Không có nhận xét nào: