Hôm nay tôi lại được hân hạnh giới thiệu Tâp truyện Dòng Suối của tác giả Thanh Thương Hoàng vừa xuất bản gần đây. Tập truyện gồm mười hai câu chuyện, một kịch bản phim, và phần phỏng vấn văn học. Mở đầu là câu chuyện Dòng Suối mà tác giả dùng làm nhan đề cho tập sách.
<!->
Cali Today News - Nhà văn - nhà báo Thanh Thương Hoàng mỗi lần xuất bản sách ông đều gởi tặng tôi, từ Tiến Sĩ Lê Mai, 1999; đến Người Mỹ Cô Đơn, 2000; rồi Những Nỗi Đau đời,2001; và tiếp theo là A Lonely American, 2004; Ông Tướng Tỵ Nạn, 2005; Tập truyện Dòng Suối, 2009; và gần đây nhất là Tập truyện “Cõi Đời Cõi người”, vào mùa Hè 2011.Trước 75 tôi chưa quen biết ông, mặc dù ông đã nổi tiếng trên mặt trận văn hóa. Ngày ông qua Mỹ định cư với danh nghĩa tị nạn chính trị sau ngót 10 năm tù cải tạo với tội danh: “Văn nghệ sĩ báo chí phản động”, Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại và Tuần báo Tiếng Vang Sacramento hân hạnh được đón tiếp ông tại phi trường Sacramento, California đêm 18 tháng 5 năm 1999. Một buổi tiếp tân chào mừng Nhà báo Thanh Thương Hoàng đã đến bến bờ tự do tại Nhà hàng Hương Quê, Sacramento, chiều ngày 23 tháng 5 năm 1999 với sự hiện diện đông đủ các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đến từ San Jose, Milpitas, Oakland, và Sacramento. Cá nhân tôi hân hạnh được đại diện Ban Tổ Chức đọc diễn từ chào mừng quan khách và phát biểu cảm tưởng về Nhà báo Thanh Thương Hoàng. Thế là chúng tôi có cái duyên được làm quen với nhau từ năm 1999 đến nay.
Hôm nay tôi lại được hân hạnh giới thiệu Tâp truyện Dòng Suối của tác giả Thanh Thương Hoàng vừa xuất bản gần đây. Tập truyện gồm mười hai câu chuyện, một kịch bản phim, và phần phỏng vấn văn học. Mở đầu là câu chuyện Dòng Suối mà tác giả dùng làm nhan đề cho tập sách. Câu chuyện kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai đối tượng thù nghịch: Cộng sản và Quốc Gia. Cuộc đối thoại diễn ra trên một dòng suối làm bối cảnh. Dòng suối mà trước kia trong cuộc chiến tranh lâu dài nhân dân miền Nam chống cộng sản xâm lăng, bộ đội cộng sản đã đổ bao xương máu nơi đây vì bom đạn. Người chiến sĩ quốc gia dưới danh nghĩa chống cộng bảo vệ miền Nam tự do cũng đã hy sinh biết bao mạng người cho cuộc chiến! Cuộc đối thoại giữa nhà báo già và ông Tướng cộng sản đi đến kết luận là nhân dân cả hai miền Nam-Bắc đã hy sinh một cách oan uổng cho bọn người lãnh đạo tham quyền cố vị thụ hưởng giàu sang phú quý trên xác chết của đồng loại.
Sau 1975, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, giai cấp ăn mày phát triển mau lẹ bên cạnh giới ăn chơi con ông cháu cha phè phởn tiêu tiền như nước! Câu chuyện Vũng Lầy nói lên cái đắng cay chua chát của những người từng chiến đấu dưới cờ dù bên này hay bên kia, kẻ thua trận cũng như kẻ thắng trận. Những thương phế binh tàn tật, mất tay, cụt giò lê lết đầu đường xó chợ kiếm miếng cơm thừa canh cặn, xin chút tiền lẻ bố thí của khách qua đường. Nhục nhã hơn nữa là còn bị các quan lớn chửi rủa cho rằng những tên ăn mày này đã bôi bác, bêu riếu chế độ, làm xấu đi cái thiên đường của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trên thế gian này người hiền cũng có, kẻ ác cũng nhiều. Sách vở xưa nay kể nhiều chuyện về những trung thần và nịnh thần, kẻ sĩ và người hèn. Thời đại ngày nay kẻ hèn thì nhiều mà kẻ sĩ thì đếm trên đầu ngón tay. Qua câu chuyện Kẻ Sĩ , tác giả muốn nói lên cái sĩ khí của kẻ dũng không run sợ trước bạo quyền, dù phải hy sinh tính mạng. Đồng thời nói lên cái hèn của đám bám vào bả lợi danh để vinh thân phì da bất kể sự đói khổ của đồng bào mình. Nhưng tiếc thay kẻ sĩ ngày nay được mấy người để có thể lật đổ được chế độ độc tài áp bức nhân dân!
Tham nhũng là một đề tài bất tận trên thế giới ngày nay. Những nước nghèo tham nhũng càng nặng. Chế độâ độc tài đảng trị bóc lột nhân dân làm giàu càng tồi tệ hơn. Dưới chế độ VNCH ngày xưa, cũng có tệ nạn tham nhũng, nhưng có giới hạn vì còn sợ cấp trên và báo chí phanh phui tố khổ. Câu chuyện “Chân Dung Một Đại Tá Tỉnh Trưởng” tiêu biểu cho một chức quyền có trách nhiệm trực tiếp với dân, với nước. Tác giả mô tả ông Đại Tá là một người có nhiếu tài: ăn nói khéo, ngoại giao giỏi, ông qua mặt hết các đoàn thanh tra tham nhũng. Ngoài ra ông có tài điều khiển ba quân, đánh giặc giỏi. Bên cạnh một ông Đại Tá tham nhũng ăn chơi khét tiếng, vẫn còn có một ông Tổng Giám Đốc ho ra bạc khạc ra tiền, thế mà ông vẫn giữ được tiếng thanh liêm trong sạch, không hề xơ múi một đồng hối lộ. Thế mới biết bản chất con người khó thay đổi, dù ở vào hoàn cảnh nào cũng vậy. Người cháu tôi kể lại chuyện sau ngày 30 tháng tư 1975, cháu đến thăm nhà ông ngoại thấy nhánh cây táo tàu sai trái vắt ngang tường qua phía nhà ông, mới hái một ít cho ông ăn, nhưng ông bảo đừng hái, cây người ta trồng bên nhà họ, không phải cây của mình; người cháu thưa với ông ngoại rằng chủ nhà họ chạy giặc hết rồi, không còn ai nữa. Thế nhưng, ông ngoại nhất định không cho hái, cứ bảo là không phải của mình thì đừng ăn!
Chỉ có dưới chế độï xã hội chủ nghĩa của Cộng sản mới có cảnh đi lấy chồng nước ngoài một cách tủi nhục ề chề không bút mực nào tả hết. Nó đánh động lương tâm con người buộc các nhà từ thiện phải lên tiếng để giải thoát những cô gái bất hạnh, xấu số. Trông cái cảnh những cô gái Việt Nam trần truồng như nhộng sắp hàng để cho những tên ngoại quốc giàu tiền lắm của chọn như chọn một món hàng để về làm vợ mà đau lòng, nhức nhối, xót thương cho kiếp người mà giá trị nhân bản bị coi thường, cầm bằng như một con vật hay món đồ chơi trẻ em! Đọc “Những Trang Nhật Ký Buồn” mới thấy hết nỗi đau đớn tận cùng của thân phận người con gái Việt nghèo khó muốn bán thân mình để giúp đở mẹ già, nhưng cũng không được toại nguyện. Cuối cùng cô muốn chết mà cũng không được chết, cô vẫn phải tiếp tục sống để đau cái nỗi đau cùng cực đó cho hết một kiếp người trong động mãi dâm!
Câu chuyện “Hai Buổi Tối Ngày Mồng Một Tết” có vẻ như hư cấu, nhưng không phải không có thể xãy ra trên xứ Mỹ văn minh này. Có những người chồng sợ vợ, (hay thương vợ) mà đành bỏ mẹ, chịu chữ bất hiếu. Bất hiếu là một tội lớn đối với tôn giáo. Phật giáo hay Thiên chúa giáo đều dạy phải hiếu thảo với cha mẹ mới trở thành một con chiên ngoan đạo hay phật tử thuần thành. Thế nhưng, vẫn có những người con đành lòng đối xữ với cha mẹ một cách tàn nhẫn, có khi chữi mắng hay đánh đập cha mẹ mình không thương xót. Người ta nói ở hiền gặp lành. Quả thật bà mẹ trong câu chuyện đã được quý nhân giúp đỡ làm nên sự nghiệp. Người con gặp lại bà mẹ, mẹ không nhìn; không biết lòng anh ta có xấu hổ và ân hận không?
Tuổi hoa niên để lại trong tiềm thức mỗi người nhiều kỷ niệm khó quên. Khi tuổi đã về chiều, con người thường có xu hướng muốn tìm và sống lại thuở vàng son đã qua, như mối tình đầu chẳng hạn, nó thơ mộng và đẹp đẽ biết bao. Nhưng oái ăm thay, khi gặp lại người yêu dấu xưa thì ta lại vỡ mộng. Bởi lẽ người xưa đâu còn giống như xưa nữa! Ôi, thà đừng gặp còn hơn để còn giữ mãi hình ảnh trẻ đẹp của người tình năm cũ. Đó là câu chuyện tình buồn trong “Gặp Lại Người Xưa”.
Trên đời này có hai hạng người biểu trưng cho thiện và ác. Chuyện “Hai Người Đàn Bà” cho thấy hai cảnh ngộ giống nhau nhưng kết cuộc lại khác nhau. Người đàn bà thứ nhất theo chủ nghĩa hiện sinh, chỉ biết chạy theo vật chất đồng tiền mà quên hết tình nghĩa. Người đàn bà thư hai thì khác. Hành động của bà tiêu biểu cho một lối sống đầy tình cảm, biết tôn trọng giá trị tinh thần, biết dùng tình cảm để cảm hóa tha nhân. Giữa chốn ta bà vàng thau lẫn lộn, may thay vẫn có những con người biết lấy yêu thương làm đẹp cho đời.
Trước khi rời Saigon để đi định cư tại Hoa Kỳ, gia đình chúng tôi định bán ngôi nhà đang ở để lấy ít tiền trang trải nợ nần. Chúng tôi đến Sở Nhà đất để xin làm thủ tục bán nhà. Người nữ thư ký bảo rằng tôi cấp Tá không có quyền bán nhà. Tôi hỏi lại tại sao nhà thuộc quyền sở hữu của tôi mà tôi lại không có quyền bán nó. Cô thư ký bèn phán rằng nhà đó đâu phải nhà của ông, đó là nhà của nhân dân do ông bóc lột, lấy tiền của nhân dân mà làm ra, chứ đâu phải tiền của ông! Cán bộ Cộng sản học cái sách nói lấy được, tôi đành chào thua! Cũng giống như trong câu chuyện “Trái Tim Thời Đại” tác giả học tập cải tạo về được Trung Tâm Văn Bút và bạn bè ở nước ngoài gởi tiền về giúp thì bị Sở Công An Thành Phố gọi lên “làm việc”, hạch sách này nọ, rồi hỏi về số tiền mà bọn phản động quốc tế gởi về cho ông; có phải ông đã gởi tin tức, bài viết chống đối chế độ không? Ở đời có ai cho không, ông phải làm gì họ mới cho ông chứ? Cộng sản là thế, họ đâu có lòng từ tâm, giúp người không kể vụ lợi. Trước lý luận như vậy, tác giả đành chịu thua, phải trình diện làm kiểm điểm cả tháng trời…! Câu chuyện còn kể lại một ông nhà báo lãnh tiền trợ cấp SSI vô tình giúp bạn nhà báo ở Việt Nam mà bị trừ tiền trợ cấp hàng tháng. Tác giả kết luận trên cõi đời ô trọc nầy, vẫn có những trái tim vĩ đại đầy tình người, tình đồng loại, không nên nghi ngờ gán ghép điều xấu cho ai mặc dù tổ chức từ thiện của họ có khi gieo nghi ngờ cho khách bàng quan.
Ngoài những truyện ngắn được đề cập đến ở trên, tác giả còn viết một kịch bản phim mang tựa đề “ Nỗi Đau Còn Đó” gồm 12 nhân vật, 30 hoạt cảnh với nhiều tình tiết éo le, hấp dẫn. Còn vài truyện hấp dẫn khác mà người viết xin dành cho độc giả. Cuối cùng là phần phỏng vấn do báo Việt Tribune, San Jose, California. Đọc phần này chúng ta sẽ hiểu rõ tiểu sử, thành tích văn học nghệ thuật, và nhân cách của ông trải qua hai thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, thời gian tù cải tạo và sống dười chế độ Cộng sản cùng thời gian định cư tại Hoa Kỳ.
Nói chung, tác giả Thanh Thương Hoàng đã cho độc giả thấy rõ những hệ lụy của sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam qua tập truyện Dòng Suối. Sự thống nhất đất nước đã không mang lại hạnh phúc đích thực cho người dân Việt Nam vốn dĩ đã quá đau khổ vì bom đạn máu lửa mà còn kéo dài nỗi đau đớn tủi nhục dưới chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa. Hãy đọc DÒNG SUỐI để cảm thông với tác giả, để chia sẻ nỗi khốn khổ triền miên của đồng bào ta đang sống dưới ách thống trị độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam. Dòng suối vẫn tiếp tục chảy. Đó là suối máu và nước mắt của dân tộc Việt bất hạnh!
NHƯ HOA LÊ QUANG SINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét