Có bà sơ Phạm Thị Nhâm, mà tôi thường hỏi mượn cua mỗi lần trốn học đi chơi, sau trở thành hiệu trưởng trường Nữ Thánh Tâm Nha Trang, và đã nhận ra tôi ngay khi vừa thấy tôi lò dò đến trường xin dạy. Có Đặng Tiến, da vàng xanh như người bị sốt rét kinh niên, tóc bờm xờm không chải, trước 1975 ở phòng tùy viên Tòa đại sứ VNCH tại Thụy Sĩ, đào ngũ qua Pháp sống cho đến bây giờ, chuyên viết báo nịnh hót Cộng sản và phê bình gia văn chương tầm cỡ. Có Đại úy Ngô Văn Minh, sau lên chức Đại tá Tham mưu trưỏng Quân Đoàn III, Biên Hòa. Có Wang Seng, cô bạn Tàu, Bùi Thế Cần, Lương Thị Nga, Thái Thị Nhân, Lê Thị Bích, Thái Tuyết Lê, Lê Thị Ngọc Loan, và Irène Công Huyền Tôn Nữ Phụng Tiên –đồng hương Nha Trang và đồng môn trong lớp Latin của ông Le Menn và Michel Piclin– tất cả đang ở Pháp. Có Nguyễn Nương Minh Châu, sau thành vợ Bác sĩ Đinh Hà, cả hai là cựu JECU (viết tắt của Jeunes Etudiants Catholiques Universitaires, Thanh Sinh Công Đại Học), đang sống rất thầm lặng tại một nơi nào trên đất Mỹ. Học trên chúng tôi là Nguyễn Ngọc Diễm, Phạm Dương Hiển, Lưu Nguyên Đạt, Nghiêm Hồng (con giáo sư Nghiêm Toản), và Nghiêm Ngọc Thúy (con ông Nghiêm Xuân Thiện, sau này làm hôtesse cho Air France).
Đầu niên học, từ lầu ba, tôi và Bùi Thế Cần (học giỏi có thể nhất lớp, con của dân biểu Bùi Tuân, Huế) hay xuống lầu một, vào giảng đường Dự Bị, để tìm người quen giữa đám nai vàng ngơ ngác, hay đúng hơn tuyển mộ tân binh cho JECU.
Lúc ấy, Cần là trưởng JECU Liên Trường, Nguyễn Ánh Tuyết (con trai), thư ký, còn tôi, trưởng Nhóm Văn Khoa Pháp. Một hôm, tôi thấy đứng trước cửa giảng đường một sĩ quan mang ba hoa mai bạc, đầu đội béret đỏ, tay cầm một xấp cua. Ông dáng cao gầy, vẻ tươi cười. Gặp ông, tôi khẽ gật đầu chào, và ông lịch sự chào lại. Có người cho biết, đó là Đại tá Cao Văn Viên. Mấy năm sau, ông lên tướng, trở thành xếp quá lớn của tôi, và lấy bằng Cử Nhân Pháp. Có kẻ xấu mồm nói, ông nhờ người đi học và đi thi thay cho ông. Tôi không tin. Vì ở Văn khoa Pháp, thầy cô không phát cua, phải vào lớp ghi chép hoặc mượn ai, và kỷ luật thi cử lúc bấy giờ khá gắt gao, ít sinh viên, lại phải thi oral, thầy trò biết mặt nhau hết, rất khó gian lận.
Vào trong giảng đường, Cần và tôi ngồi lẫn lộn với đám tân sinh viên, nghe cha Pineau (thay cha Cras) giảng về Socrate và Hégel hay thầy Kiết dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt mà phát mệt trở lại. Một hôm, chúng tôi thấy Yvonne Lan Hương, cô bạn trong JECU, học dưới một lớp, đang ngồi trò chuyện với một cô. Bèn sà đến. Yvonne giới thiệu, đây Thủy, Ngô Đình Lệ Thủy. Lần đầu gặp cô, chúng tôi không nói gì hơn ngoài vài câu xã giao thông lệ.
Về sau, khi Lệ Thủy gia nhập JECU Văn khoa Pháp, tôi tiếp xúc với cô thường hơn, nhưng cũng chỉ để thông báo ngày giờ và chương trình họp của Hội. Cô có dáng thanh thanh, vẻ thùy mị, thông minh, ít nói, ít cười, đôi mắt linh hoạt, mặt trái soan, cằm hơi nhọn, tóc dày, cài bandeau trắng hoặc đỏ. Chúng tôi nói tiếng Pháp với nhau, cho nên bây giờ tôi không biết cô nói tiếng Việt ra sao, giọng miền nào. Đó là một điều mà sau gần nửa thế kỷ, già đi, nghĩ lại, tôi thấy “dị hợm”, mắc cỡ, mặc dù do thói quen, giống như các em Việt Nam hiện tại ở Mỹ nói chuyện bằng Anh ngữ, chứ chẳng vì “snobisme”, thời thượng, lòe thiên hạ. Lệ Thủy thường mặc váy đỏ, áo sơ mi trắng đi học, đôi khi cả đồng phục Thanh Nữ Cộng Hòa. Nói chung, cô đẹp, nhưng không lồ lộ, sexy như Irène, không tươi lộng lẫy như Lương Thị Nga. Một sắc đẹp trang nhã, đài các, kín đáo. Tôi để ý, cô ở đâu là luôn luôn có một, hai anh chàng gorilles (hộ vệ), giả dạng sinh viên, ngồi phía dưới, cách cô một dãy bàn, nhìn chòng chọc vào mọi người.
JECU Văn Khoa Pháp lâu lâu ra một tờ Bản Tin (Bulletin), bằng tiếng Pháp, do Bùi Thế Cần, Ánh Tuyết, Minh Châu và tôi viết gần hết, vì không ai gửi bài. Trong đó, thỉnh thoảng có đăng một vài bài thơ tình lẩm cẩm của tôi, không đối tượng, chỉ là gửi gió cho mây ngàn bay, mà bây giờ tôi còn nhớ lõm bõm vài câu:
Je veux tremper mes lèvres
Dans l eau pure de ton coeur
Et émerger frissonnant
D une aube de lumière...
(Tôi muốn nhúng đôi môi
Vào nước tinh tuyền tim em
Và bừng lên run rẩy
Dưới ánh sáng bình minh…)
hay những câu dịch thơ của John Keats, hoặc Tennyson, đại khái:
Ce n est pas toi que je regrette
C est le rêve par toi brisé
(Không phải em mà tôi tiếc nuối
Mà giấc mơ vì em vỡ tan)
Lệ Thủy đọc xong, mày hơi nhíu, bảo tôi, nghiêm trang như một cô giáo la rầy học trò: "Je n savais pas que tu es si romantique. Les poèmes d’amour, ça c’est vraiment beau, mais ils désespèrent aussi" (tôi không biết anh lãng mạn dữ thế. Những bài thơ tình hay thật, nhưng cũng làm người ta tuyệt vọng). Tôi khoát tay, ấp úng chối tội như ăn vụng bị bắt quả tang: "Un peu, oui, j’ ne les ai faits que pour mamuser. Rien de sérieux!" (Chút chút, đúng, tôi chỉ làm để chơi vui thôi mà. Không có gì quan trọng!).
Lệ Thủy không bao giờ đến CLB Phục Hưng để họp, ngoại trừ một lần, tôi nhớ, tham dự thánh lễ đầu tháng cho toàn JECU do cha Pineau cử hành, rồi về ngay sau lễ. Chúng tôi chỉ gặp nhau tại giảng đường Propédeutique, trong giờ nghỉ giải lao, năm sáu đứa ngồi cuối phòng, có khi tại bàn của Lệ Thủy, thảo luận, hay trao đổi vài thông tin cần thiết. Hai anh chàng gorilles, chắc đã được báo trước, đứng xa xa hút thuốc, để chúng tôi yên.
Một ngày thứ bảy, JECU Liên Hội tổ chức đi thăm trại cùi và nhà thương điên Chợ Quán, sau đợt công tác thăm viếng dân lao động nghèo tại Xóm Chùa cách đó mấy tháng. Mỗi người góp mười đồng, làm chi phí lặt vặt, và ăn trưa. Số tiền không nhỏ, hơn ba tô phở vào thời ấy, đối với ngân quỹ khiêm tốn của sinh viên còn lãnh lương cha mẹ. Lệ Thủy đưa cho tôi một trăm đồng, trước mặt Cần, nói là tiền của “maman cho Hội”, nhưng “tiếc là bận việc bên Thanh Nữ Cộng Hòa, không đi với tụi toa được.” Tôi nhận tiền, cám ơn, rồi nói nhỏ vào tai Cần: “Như thế cũng hay. Có Thủy tham gia, hai gorilles phải theo, phiền phức, mà trông ngứa mắt lắm!”
Hôm ấy, tất cả chúng tôi, khoảng bốn chục người, chia nhau lên hai xe buýt, tuyến đường Chợ Bến Thành-Trần Hưng Đạo. Hoặc tự túc, có xe hơi riêng, như hai chị em Anh Thư và Hạp Thư, hay “đại ca” Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ. Tổ y tế gồm các sinh viên Y khoa, trang bị ống nghe và túi cứu thương, do Đinh Hà hướng dẫn, làm công tác khám bệnh, phát thuốc. Tổ ăn uống do Rosa, sau thành vợ của Nguyễn Ánh Tuyết, và người chị là Rosette, điều động. Tổ văn nghệ gồm một cây guitare và một số ca sĩ mầm non, do các cô bên Dược, tôi nhớ có Yvette Trương Tấn Trung, Tôn Nữ Tâm Thường, và Nguyễn Cẩm Nhung (con của Luật sư Nguyễn Văn Huyền) phụ trách. Bùi Thế Cần làm tổng tư lệnh, Ánh Tuyết phụ tá hành quân.
Đầu tiên chúng tôi thăm nhà thương điên. Toàn đàn ông. Vài ông, tóc dài rũ rượi, biểu diễn nhiều màn rất… điên, như xé áo xé quần, rú lên những tràng cười kinh dị, khiến các cô sợ quá, mặt mày tái mét. Nhưng đa số hiền lành đứng nhìn chúng tôi đi qua, vẻ thẫn thờ, ngây dại. Tôi cười, chào, hỏi thăm, họ vẫn vô cảm. Rồi cả toán chuyển sang thăm trại cùi. Thói quen nghề nghiệp, Đinh Hà phát sẵn mấy chai alcool, để tùy nghi. Bệnh nhân rất đông, sống theo khu, gồm cả con nít, trông rất tội nghiệp. Tôi không lạ với cảnh này, vì gần xóm tôi ở Nha Trang, khu Lạc Thiện, cũng có một trại cùi do các tu sĩ dòng Franciscains sáng lập và đảm nhiệm, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ là một khán giả bàng quan, đi ngang tò mò đứng nhìn vào qua những vòng rào kẽm gai dày. Bây giờ, lần đầu tiên có dịp thấy tận mắt những thân hình gầy còm, lở lói, những bàn tay, bàn chân co quắp, hoặc mất ngón, những cặp mắt mờ đục, mù lòa. Và lòng dâng tràn một niềm cảm thương vô hạn. Tổ y tế bắt đầu khám, phát thuốc cho những bệnh nhân cùi bị cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, do trưởng trại giới thiệu, yêu cầu. Các cô tập họp những cháu bé lại, phát kẹo, tập chúng hát theo nhịp đàn guitare của Ánh Tuyết, vỗ tay, rồi cười lớn tiếng với nhau. Vài cháu chưa bị nhiễm bệnh, mặt mày trông rất sáng sủa, thông minh, phải theo sống chung với cha mẹ.
Tháng Sáu 1963, mãn trường. Bùi Thế Cần, Nguyễn Nương Minh Châu đậu Cử Nhân liền một khi. Tôi rớt oral chứng chỉ Văn chương Quốc âm –bắt buộc cho sinh viên Văn khoa Pháp, Anh– vì trong buổi thi vấn đáp với giáo sư Vương Hồng Sển tôi không nhớ Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị ông nào theo Tây, ông nào chống Tây, và đem thơ ông này cắm vào cằm ông kia. Với giáo sư Bửu Cầm, kết quả còn tệ hơn, tôi không biết chiết tự bốn câu thơ chữ Nôm của thi sĩ Tuy Lý Vương, đứng chịu chết như Từ Hải, nhìn thầy cười cầu tài. Phải thi lại hai môn vấn đáp này. Còn những nàng tiên nga “trong đám xuân xanh ấy”, mà tôi đã kể tên ở trên, chưa có ai “theo chồng bỏ cuộc chơi”, như trong thơ Hàn Mặc Tử, nhưng đã lần lượt lên đường du học Pháp một cách lặng lẽ từ năm thứ hai, thứ ba. Cần ra Huế, tôi về quê Nha Trang, dạy tại Collège français môn Việt văn, cũng nhờ cái chứng chỉ Văn chương Quốc âm khó ác ôn ấy.
Không bao giờ tôi gặp lại Lệ Thủy, đã biến mất, từ ngày cô tặng JECU chúng tôi một trăm đồng. Tôi biết cô cũng đã đậu Propédeutique, qua bản niêm yết dán trước của trường, với tên chính thức, đầy đủ: Anne-Véronique Ngô Đình Lệ Thủy, sinh năm 1945. Chiến sự mỗi ngày leo thang. Khủng hoảng chính trị gia tăng. Sinh viên và Phật tử xuống đường hàng ngày. Cảnh sát dàn chào với dùi cui, lựu đạn cay. Những tờ báo chui chửi thậm tệ chế độ. Làm tôi rất quan tâm vì, qua Lệ Thủy, cảm tình của tôi với cụ Diệm rất sâu nặng, không như một vài bạn JECU lớn tuổi hơn, chẳng hạn Nguyễn Hữu An. Tôi lờ mờ hiểu rằng thế nào bàn tay lông lá của người Mỹ cũng đã nhúng vào nội bộ Việt Nam. Nhưng tôi tin tưởng và cầu mong cụ Diệm sẽ vượt qua hết như lần đảo chánh hụt 1960.
Thời gian sau đó, nhiều biến cố xảy ra, dồn dập. Lựu đạn nổ tại đài phát thanh Huế. Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu. Nữ sinh viên Quách Thị Trang biểu tình bị cảnh sát bắn chết tại chợ Bùng Binh Sài Gòn. Rồi đảo chánh. Ngày 2/11/1963, nghe tin hai anh em cụ Diệm bị giết, ba tôi chảy nước mắt và trong giờ kinh tối ba bắt cả nhà đọc thêm kinh cầu hồn cho hai cụ. Còn tôi tự nhiên thấy buồn vô hạn, suốt mấy bữa, mặc dù chưa hề lãnh được một tí ơn mưa móc nào từ chế độ. Lúc ấy Lệ Thủy đang ở ngoại quốc với mẹ trong chuyến công du giải độc.
Liền sau đảo chánh, các phản tướng chia nhau tiền thưởng của CIA, nhảy đầm thả giàn, phá bỏ các ấp chiến lược. Báo chí, sách vở (của anh chàng Hoàng Trọng Miên nào đó chẳng hạn), hùa theo các ký giả Mỹ, mở chiến dịch bôi nhọ gia đình họ Ngô, và bà Nhu, Lệ Thủy cũng bị dính miểng. Nào là bà Nhu có một chiếc ghế khích dục, trong dinh Độc lập, nhưng sự thật đó chỉ là chiếc ghế làm răng thường thấy trong phòng nha sĩ. Nào là ông Nhu bất lực. Nào là bà Nhu tư tình với cụ Diệm, với ông tướng này, ông tướng nọ. Nào là Lệ Thủy có nhiều bồ, kể cả một anh người Nhật, Lệ Thủy thất tình, học Văn Khoa, chỉ ghi danh, không đến lớp mà cũng có bằng, v.v…
Tôi đọc và thấy buồn nôn. Vô lý quá, vậy mà dân chúng ít học hoặc quá khích vẫn tin, thế mới kỳ lạ. Thì cũng giống như dân quê miền Bắc mười mấy năm sau, đã ném đá vào sĩ quan cải tạo chúng tôi một cách thật tình, nguyền rủa chúng tôi là “quân mọi rợ giết người, ăn thịt con nít, hiếp dâm phụ nữ.” Công việc và đời quân ngũ làm tôi quên Ngô Đình Lệ Thủy. Kỷ niệm với JECU những ngày có cô cũng dần phai theo thời gian.
2. Cho đến đầu 1967. Bốn năm sau. Tôi được tăng phái cho Tiểu đoàn 4/44 Bộ Binh trong chiến dịch Bình Định Nông Thôn tại quận Thiện Giáo (Ma Lâm cũ), nổi tiếng nguy hiểm, thuộc tỉnh Phan Thiết. Ngày đi hành quân tìm địch, qua các thôn xóm, đêm đóng quân ven rừng, mắc võng giữa hai thân cây nằm nghe tiếng đại bác ầm ì xa xa, nhìn hỏa châu từng hồi loé sáng trên ngọn Tà Dôm, mà thương cho kiếp lính tráng nay đây mai đó, trực diện cái chết cận kề. Một buổi trưa, tôi đang nói chuyện với ông Đại úy Tiểu đoàn Trưởng, một viên đạn rít ngang nón sắt, cách đầu tôi một đường tơ, xuyên ngay cổ binh nhất H., mang máy truyền tin PRC 25 đứng gần đó, làm anh gục chết tại chỗ. Tên du kích bắn sẻ vụt bỏ chạy, bị lính Tiểu đoàn rượt theo và lãnh trọn một tràng carbine, phơi thây. Một người lính, bà con của H., giận dữ chửi thề và muốn xẻo tai tên này để trả thù, tôi phải khuyên ngăn mãi, mới thôi. Cảnh tượng quá thảm cho bên này, bên kia.
Tôi nghĩ thêm, những người lính chiến miền Nam, hơn ai hết, là những người thực sự yêu chuộng hòa bình, và vì yêu chuộng hoà bình họ phải hy sinh mạng sống đánh đuổi giặc xâm lược từ Miền Bắc. Nếu phải chống đối chiến tranh thì họ mới là những người có quyền lên tiếng trước tiên, chứ không phải những anh làm thơ, làm nhạc ấm ớ ở hậu phương, sợ chết, trốn quân dịch, núp bóng các ông sĩ quan văn phòng cao cấp mê văn nghệ, để mà gào thét ngưng chém giết, nối vòng tay lớn, tay nhỏ. Rồi tại sao lại phản chiến một chiều? Tại sao không ra Bắc kêu gọi HCM, Võ Nguyên Giáp ngưng gây hấn và tấn công miền Nam? Tại sao chỉ to mồm lên án miền Nam là nơi đã cho họ cơm ăn, áo mặc, tự do sáng tác, tự do phản bội? Bao nhiêu câu hỏi cứ lẫn quẫn trong tôi, cho mãi đến hôm nay, khi những dòng nhạc dòng thơ góp phần làm mất nước ấy vẫn còn được yêu chuộng, mê man, và các tác giả được thổi bằng ống đu đủ lên tận mây xanh.
Nói tiếp về Ngô Đình Lệ Thủy. Một ngày cuối tuần và cuối tháng 4, 1967, tôi cùng với vài sĩ quan bạn được phép lên Phan Thiết, cách Thiện Giáo khoảng mười lăm cây số, để nghỉ xả hơi qua đêm, và nhậu bia với gà luộc. Tại quán bánh căng “còn ướt sền sệt”, chúng tôi gọi mỗi người hai tô, mỗi tô hai mươi lăm cái, đổ đầy nước mắm, ăn cho bõ những bữa cơm sấy, đồ hộp ngán đến tận óc. Tôi mua một tờ nhật báo, và giật mình đọc tin Lệ Thủy đã chết trong một tai nạn xe hơi tại Pháp, chính xác tại Longjumeau, vùng Essonne, ngoại ô Paris. Chết tại chỗ. Lúc ấy cô vừa hai mươi hai tuổi. Bài báo kể, ban đêm, cô lái xe nhỏ và bị một camion ngược chiều húc thẳng, đầu xe của cô nát bấy. Sau này, đọc trên tờ Time, số Friday April 21, 1967, thấy cũng đăng đúng tin ấy.
Mặc dầu tình cảm của tôi đối với cô, và ngược lại, chưa bao giờ thắm thiết, gắn bó, đong đầy, đủ để những giọt lệ trào dâng chan chứa, như trong mắt nàng kỹ nữ Tầm Dương làm đẫm vạt áo xanh của người Giang Châu Tư Mã thuở trước, tôi vẫn thấy bàng hoàng, xao xuyến. Tôi bỏ dở bữa nhậu đã từ lâu chờ đợi, ngồi thừ người, nghĩ đến những kỷ niệm thời sinh viên, JECU, những buổi họp, những bài thơ tình lẩm cẩm và lời phê bình nặng ký của cô, một trăm đồng “maman cho”. Đêm về, qua cửa sổ khách sạn, tôi nhìn trời xanh thẳm không gợn mây và nửa mảnh trăng mới mọc vàng úa trên núi Tà Dôm mà nhớ câu thơ của Mạc Đĩnh Chi khóc nàng công chúa Tàu:
Y! Vân tán, tuyết tiêu
Hoa tàn, nguyệt khuyết
(Ôi! Mây tản, tuyết tan
Hoa tàn, trăng khuyết).
3. Hai tháng sau, tôi được lệnh thuyên chuyển đi Qui Nhơn. Tôi đáp chuyến bay Air VN đến Sài Gòn trước, dự trù ở chơi vài hôm, rồi về Nha Trang nghỉ phép một tuần, trước khi ra Qui Nhơn đáo nhậm đơn vị mới. Hành trang là túi ba lô và cây carbine đeo vai, cây Colt bên hông, và bộ quân phục mặc trên người. Trong chuyến bay có một số sĩ quan trẻ từ các đơn vị tác chiến về, cũng trang bị tận răng như tôi, báo hại các cô tiếp viên phải gom hết súng lại, đem cất đi một nơi phía sau phi cơ. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, đang đứng chờ taxi, tôi bất ngờ thấy Thái Tuyết Lê cũng từ chuyến Air France xuống. Tôi hỏi dồn:
- Tuyết Lê phải không? Toa về từ Pháp? Không ai đón sao?
- Không, moa không báo trước ngày giờ, muốn dành ngạc nhiên cho gia đình.
Tuyết Lê, người Huế, cựu JECU mặc dầu ngoài Công giáo, là em bà chủ tiệm kem Phi Điệp, chợ Bến Thành-Trần Hưng Đạo, du học Pháp từ năm thứ ba Văn Khoa. Tay bắt mặt mừng, tôi mời Tuyết Lê đi chung chuyến taxi vào thành phố. Trong xe, Tuyết Lê nhìn tôi đăm đăm, tấm tắc khen, “toa trông đen, nhưng có vẻ nam nhi, hùng dũng, khác với hồi còn là thư sinh.” “Dĩ nhiên, tôi vênh mặt đáp, bắt chước nghệ sĩ Hùng Cường, lính mà em!” một cách vô duyên. Cả hai cùng cười vui.
Câu chuyện xoay quanh bạn cũ bên đó, bên này, và tôi được biết Irène Phụng Tiên học ở Grenoble, quê hương của Stendhal, tác giả mà tôi yêu mến từ thời còn học tại Jean-Jacques Rousseau. Rồi cái chết của Ngô Đình Lệ Thủy. Đổi sang tiếng Pháp, để tài xế taxi không nghe hiểu, Tuyết Lê kể:
- Tại Paris, tụi moa có đi viếng xác Lệ Thủy và dự lễ cầu hồn và đưa nó ra nghĩa trang. Đầu Lệ Thủy bị kính trước cắt gần lìa cổ. Khi liệm, được khâu lại và quàng bằng chiếc khăn lụa màu thiên thanh, trông mặt nó đẹp quá, thanh thản như một thiên thần. Bà Nhu từ Rome bay sang, ôm xác con mà khóc ngất, khiến tụi moa cũng khóc theo. Chiếc xe bị nạn là chiếc Peugeot còn mới do Tổng giám mục Ngô Đình Thục mua cho Lệ Thủy. Tài xế xe camion không việc gì cả, bị thẩm vấn qua loa, rồi cho về.
Tôi hỏi:
- Lệ Thủy học trường nào ở Paris?
- Trường Luật.
- Tụi toa có gặp Thủy lần nào trước đó?
- Thỉnh thoảng. Thủy vẫn gentille (dễ thương) như trước kia.
Tôi bỗng thở dài:
- Tội nghiệp nó quá! Đúng là hồng nhan bạc phận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét