Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

NGÀY XƯA GIẪY LƯỚI SÔNG TIÊN - Nguyễn Đình Hoành

Inline image

sông tiên

Trong một chuyến trở lại thăm quê nhà, có lần tôi vào đứng trên bờ sông Tiên, nhìn giòng nước trôi xuôi, cây sung cổ thụ, những bãi cát, những ghềnh đá hai bên bờ nay không còn nữa... Một cơn gió mùa hè thoáng qua, làm tôi bồi hồi nhớ lại lúc tôi còn là đứa trẻ nhỏ, thường theo cha đi coi giẫy lưới sông Tiên. Tôi xin viết lại một buổi giẫy lưới ngày ấy như một nén hương tưởng nhớ đến vong linh cha tôi, và như một trãi lòng thương về những người giẫy lưới năm cũ, giờ đã khuất.



Vào một buổi sáng sớm đầu mùa hạ, đàn ông thôn Bình An truyền miệng: "Sáng ni ông Phó Dương rủ bà con mình đi giẫy lưới sông Vực Dài, có ưng thì đi." Thế là chừng hai mươi trai trẻ trong thôn, lần lượt kéo tới sân nhà ông Phó. Họ sẳn sàng chuẩn bị cho buổi đánh bắt cá. Kẻ dùng đòn xóc gánh giàn lưới giạy, mấy người khỏe mạnh dùng đòn săn khiêng giàn lưới quét, hai người gánh hai cặp giỏ lái, một người nữa gánh cặp thúng ba đựng nồi niêu rựa mác...Họ men theo bờ ruộng Đồng Cửu tiến vô Gò Vừng, rồi thẳng xuống bờ Vực Dài sông Tiên.

Ông Phó Dương chủ lưới cũng là người coi ngó buổi giẫy lưới. Ông mặc quần đùi ở trần đi chân đất, đầu đội nón Gò Găng Bình Định, miệng ông vừa ăn trầu nhai bõm bẽm vừa lớn tiếng phân công xếp đặt việc làm cho mọi người. Một toán vào bụi tre cạnh bờ sông, chặt độ vài chục cây tre mở, cưa khúc đốn đoạn, cột ráp làm giàn giẫy.  Toán mành lưới đem giàn lưới giạy, giàn lưới quét, trải trên gành đá bằng, xem xét rà soát lại, chỗ nào lưới rách hoặc chân lưới quét mất chì, thiếu vỏ ngao, vá lại hay cột thêm ngao, chì điền vào.

Mặt trời đã mọc trên đỉnh núi Hòn Nhón. Ánh nắng ban mai trãi vàng khắp nơi nơi, khắp bờ bãi ghềnh đá... Sương sớm bắt đầu tan nhanh.  Cảnh sông nước rừng đồi dậy lên vẻ vui tươi rạng ngời.
Ông Phó hai tay chống nạnh đứng trên bờ, nhìn xuống sông, thấy từng bầy cá đua nhau nổi lên móng nước vẫy đuôi dày đặc. Ông vội vàng nói lớn:
- " Trích ra hai người, mỗi người mang một tấm lưới hai đến giăng ngang ở cổ sông và đuôi sông Vực Dài, giữ cá đừng để chúng chạy thoát ra ngoài vùng đánh bắt của mình."                                                               
Gần  nửa buổi sáng, trên bờ, giàn giẫy mới làm xong, một toán năm thợ bạn khiêng giàn lưới giạy cột vào giàn, rồi, mọi người hè nhau khiêng giàn giẫy bỏ nổi trên mặt nước, giáp từ bờ bên này sang bên kia bờ sông và sát bên trên tấm lưới đón ở đuôi sông Vực Dài.  Một toán  kéo giàn lưới quét, giăng dọc theo giàn giạy từ mặt nước giáp với lưới giạy, phủ chìm sát đáy sông.
Ông Phó một tay ôm ống nổi bơi chầm chậm trước giàn giẫy, tay kia chỉ trỏ, miệng nói oang oang:
- "Coi thử đã giăng hai tấm lưới khóe chưa, bà con?"
Một lát có người đưa hai tay vỗ đánh 'chát' miệng nói lớn:
- "Ờ hè, chưa ai giăng, ông Phó. Để tôi đem đi mần ngay bây chừ."
Ông Phó lại nhắc nhở tiếp:
- "Cột dây neo ở hai đầu giàn giẫy chưa?"
- "Tôi cột xong rồi, ông Phó." Có tiếng trả lời.
Tất cả công việc sắm sửa đã xong xuôi đâu vào đấy, ông Phó vui vẻ hô hoán xuất quân:
- "Rứa là tốt rồi, chúng ta bắt đầu mần đi bà con ơi."

Tôi ngồi trên bờ sông, nôn nóng chờ đến giờ phút nầy đây. Mặt trời đã lên cao gần hai sào cắt cau, ánh nắng đầu hè miền trung du đã chói chang. Đàn chim sáo ước chừng hàng trăm con kéo nhau về trốn nóng trong tàng lá cây sung cổ thụ ở cạnh rừng Cấm, chúng kêu đánh nghe điếc tai.



Inline image
    
Trên bờ hai người bạn giẫy khom lưng kéo hai giây neo; dưới sông, mười người sắp hàng ngang, hai chân bơi ếch, hai tay ráng đẩy giàn giẫy ngược nước tiến lên. Mọi người chờ mãi  chẳng thấy cá mắc lưới, có kẻ sốt ruột nói giọng rầu rầu:
- "Mấy bầy cá mới ở đây sao giờ trốn biệt, chẳng có mống nào nhãy giạy hay đụng lưới quét."
Nghe vậy, ông Phó vội lên tiếng:
- "Mấy người đừng nói tầm phào bậy bạ, không nên. Để tôi lên bờ đốt hương, khấn thần sông, anh em cô bác thử xem sao."
Mãi đến gần trưa, mặt trời sắp đứng bóng, cá vẫn vắng bặt. Ai nấy lại một phen chột dạ, đâm lo lắng, có người thì thầm:
- "Chắc bữa ni trất huớ, đến giờ nầy chẳng bắt được một con cá lấy thảo."
Mọi người lười biếng ì xèo đẩy giàn giẫy chậm chạp trôi lềnh bềnh hướng lên cổ sông Vực Dài.
Ông Phó Thấy cảnh tình xấu khói, bạn giẫy mất hết khí thế. Ông nổi giận, hai tay vỗ vào đùi đánh 'boét', miệng lớn tiếng:
- "Bà con làm răng thế hử, uể oải như rứa, tụi cá nằm lì, trốn biệt dưới đáy nước. Chẳng được xơ múi gì. Hè hụi lên nào."
Ông Phó năm ấy tuổi xấp xỉ bảy mươi, người thấp nhưng sức vóc ông còn khỏe lắm, tính ông nóng nảy nhưng  thẳng thắng bộc trực cọng thêm kinh nghiệm cá lưới đầy mình. Thế nên tất cả bạn giẫy lưới đều kính nể ông. Chỉ nghe ông nói mấy tiếng, hè hụi lên nào, mọi người đều biết mình phải làm gì. Tất cả như vùng lên. Mấy người vội lượm mỗi tay một hòn đá tru lăn, chạy xổng xuống nước, đập đá va vào nhau, tiếng 'bớp bớp chát chát vang lên'; kẻ vác ống nổi đánh rầm liên hồi xuống mặt nước, làm một vùng sông nổi sóng, bọt nước tung lên trắng xóa. Số người nữa, chân vừa bơi vừa giơ cao đập mạnh xuống nước và một tay họ xô đẩy giàn giậy, tay kia cầm dùi cui đập mạnh lên những cây tre giàn, tiếng kêu inh ỏi. Thêm tiếng người hò hét hè hụi vang lên dậy trời, làm cả con sông Vực Dài sôi sục hẳn lên. Tiếng ồn ào náo động vang dội từ vách núi bên nầy sang bờ đá dựng bên kia sông, âm vang cứ lặp đi lặp lại, làm cho trời đất ở đây huyên náo không ngớt, mặt nước sông nổi sóng xôn xao.  Bỗng có người la lớn:
- "Cá bắt đầu nhãy giạy đây rồi bà con ơi."
Từ dưới nước từng đợt cá nghiêng mình trắng bạc bay lên mắc vào lưới, vùng vẫy rồi rớt xuống đáy giạy, nằm lì chịu trận. Đợt nầy bắt được khoản vài chục cá niên, hơn chục cá rói, ít con cá hanh cá sốc. Ba người bạn giẫy dùng vợt xúc cá đem lên bờ trút vào giỏ lái.
Ông Phó mặt mày tươi tỉnh trở lại. Một tay ôm ống nổi bơi chầm chậm dọc theo giàn giẫy, coi ngó đốc thúc. Nhớ ra giàn lưới quét, ông liền gọi:
- "Bà con thợ lặn mô rồi, mau xuống coi lưới quét có cá mắc không?"
Năm người chỗng mông lặn chúi xuống lòng sông, chẳng bao lâu họ trồi lên, người nào miệng cũng ngậm một con cá, hai tay cầm hai con nữa, bơi thẳng vào bờ, bỏ cá vào giỏ rồi trở lại lặn xuống lần nữa, đợt nầy họ đem theo vợt, người nào cũng được hơn nửa vợt cá. Mới đợt đầu cá bắt được đã đầy lưng lưng một giỏ lái. Mọi người vui rộ hẳn lên.

Mặt trời  đứng đầu, buổi trưa, thế mà trời trở mát nhờ những luồng gió từ giãy Đá Giăng Vực Tròn thổi lên. Suốt từ sáng đến giờ ai nấy đều thấm mệt. Có ai đó lên tiếng:
- "Ông Phó ơi! mới đứng trưa còn sớm chán, để anh em lên bờ ngồi nghỉ xả hơi môt lát, uống nước hút thuốc rồi hãy xuống tiếp tục giẫy." 
- "Ừ, thì lên nghỉ khoẻ. Nhớ, hai bà con đứng khóe, rà soát lại hai tấm lưới khóe đã sát bờ chưa, không khéo cá chạy lọt trốn ra ngoài, uổng công lắm."
Trong lúc bạn giẫy ngồi nghỉ ngơi. Chú ba Bình, người chuyên cơm nước, lo nhóm bếp nấu nướng cho bữa cơm trưa, sau lần giẫy quét đợt hai.
Ông Phó đứng trên hòn ghềnh đá cao, hút thuốc, mắt chăm chăm nhìn xuống sông, thấy nhiều bầy cá ngoi đầu móng nước. Có nhiều cá to nổi lên gần mặt nước bơi lượn lờ vẫy đuôi trắng cả một vùng sông. Ông hối thúc bà con bạn giẫy:
- "Thôi, nghỉ ngơi rứa đủ rồi. Xuống tiếp tục mần kẻo hết ngày. Hôm ni cá có mòi rạng sông đó."

Mọi người mau mắn phóng liền xuống nước. Tất cả lao vào, người nào việc nấy. Họ vừa đẩy giàn giẫy vừa đập nước, miệng hè hụi la hét râng trời rạng đất. Bạn lặn lặn xuống đáy sông kiểm soát lại giàn lưới quét, trống hở chỗ nào sửa lại cho kín. Hai người trên bờ cột giây neo vào lưng, rướng người cố sức kéo. Giàn giẫy ngược nước phăng phăng tiến lên.  Bỗng nhiên, mặt nước trước giàn giẫy nổi sóng, nhìn kỹ thấy từng bầy cá nổi lên uốn mình bơi về phía cổ sông. Ông Phó Dương la lên:
- "Tụi cá gáy cá vạp, nhiều quá, chúng đang tìm đường lên vực Nà Cờ. Trích ra ba người, mau vác ống nổi lên cổ Vực Dài, sát tấm lưới đón, đuổi chúng xuống lại giàn giẫy, mau lên."
Ba người bơi đứng, giàn hàng ngang ở cổ sông, hai tay cầm ống nổi đập nước bồm bộp liên hồi, nước văng tung tóe. Bạn giẫy tất cả nổi lên hò hét hè hụi vang dậy. Họ cố sức đẩy giàn lưới lướt nhanh về phía trước.
Tiếng rạch rạch rào rào nghe rõ mồn một. Giữa sông bầy cá gáy to tướng, hơn ba chục con xẻ nước phóng mình lên rớt lọt thỏm xuống đáy giạy. Rồi một loạt, hai loạt, ba loạt...cá vạp, cá sốc, cá hanh, cá niên... bay lên vù vù mắc vào lưới rớt hết xuống giạy,nằm vùng vẫy quậy phá, cố tìm lối thoát xuống nước nhưng chẳng được. Mọi người la vang, hối nhau đem hai giỏ lái ra giữa sông, họ dùng vợt dùng tay bắt cá bỏ vào giỏ. Đợt cá nhảy giạy nầy bắt được đầy một giỏ lái. Toán thợ lặn  nôn nã miệng ngậm vợt, chổng mông phóng xuống đáy sông gở đủ loại cá mắc ở giàn lưới quét, ai nấy mang lên đầy cả vợt, đem trút vào giỏ lái, đầy hơn nữa giỏ. Sau đợt thu hoặch nầy, cá vẫn tiếp tục nhảy giạy, mắc lưới quét, nhưng lai rai, không đồng loạt như vừa rồi.

Dưới đuôi Vực Dài, chỗ mấy lùm tre la ngà ông Cận, mấy đứa con nít choi choi đang núp ở đó ló đầu ra, thập thò theo dõi bà con giẫy lưới.


Inline image

Mặt trời xế bóng. Tất cả ngưng tay lên bờ ăn cơm trưa. Một bức chiếu còn mới được trải trên dãy đá ghềnh bằng phẳng, anh Ba Bình đã dọn sẳn ba nồi canh cá gáy nấu với lá lốt thơm lừng, đặt giữa bức chiếu, cá niên, cá rói, cá hanh nướng thơm phức được sắp trên lá chuối để vòng quanh. Mọi người lấy cơm gạo mới của mình gói trong mo cau, mở ra cắt từng lát, sắp vòng ngoài cùng trên chiếu. Bữa cơm dọn xong đâu vào đấy, Ông Phó thắp nén hương, nghiêm chỉnh đứng cúng thần linh, anh em cô bác. Xong, mọi người xúm nhau ăn uống ngon lành. Tôi ngồi ăn khép nép bên cha. Mấy bà con ngồi gần tôi, cứ gắp những thứ ngon của cá như trứng cá gáy, thịt nạt cá rói cá niên, bỏ vào mo cơm cha con tôi, nài nỉ tôi ăn cho được họ mới mĩm cười hài lòng. Lại có người nhìn tôi khen: "Ngó cái miệng con nít ăn ngon lành, thấy dễ mến quá." Người ngồi xa họ lại hay nhắc cha tôi: "Thầy Cửu,gắp cá bỏ cho cháu, chứ nó ăn thật thà quá, như con gái không bằng..." Tôi ăn cơm thì ít ăn cá thì nhiều, ăn ngon miệng, no bụng lúc nào chẳng hay. Cơm cá ở sông Tiên, quê tôi ngày ấy sao mà ngon quá chừng.

Ăn uống xong xuôi, bà con bạn giẫy quây quần ngồi hút thuốc, bàn nói đủ thứ chuyện; thanh niên có chuyện của lớp trẻ, chuyện trai gái, người yêu...Người đứng tuổi nói chuyện làm ăn mùa màng, chuyện dựng vợ gã chồng cho con cái... Chuyện săn bắt heo rừng mang nai ở rừng Lách, chuyện vây cọp ở Hội Lâm... Ai nấy thi nhau chuyện trò rôm rã, đôi lúc họ lên tay xuống ngón, cười đùa nghiêng ngã. Người lớn quê tôi sao họ yêu đời vui thú quá đi; tôi nghĩ, sau này khi tôi lớn trời sẽ cho tôi giống được như họ, thì mừng biết mấy.

Trong lúc bà con giẫy lưới ăn cơm, nghỉ ngơi; ba đứa con nít choi choi ở lùm tre ông Cận, chạy ra phóng xuống nước, lặn xuống đáy sông tới giàn lưới quét, trộm cá. Mỗi đứa mỗi lần bắt được vài ba con, chúng lặn đến khúc sông khuất vắng, liệng cá lên bờ, hai đứa khác ở đó lượm cá bỏ vào giỏ vịt. Khi bạn giẫy ăn cơm xong, chúng đã ăn trộm được hai giỏ vịt, toàn là cá ngon; chúng vội vã ôm giỏ cá trốn biệt. Mấy đứa choi choi bắt hôi cá đã đành; bầy rái cá cũng đua nhau trộm cá, cá bắt được chúng tha về bỏ ở dãy Đá Giăng nơi cổ sông Vực Tròn, xúm nhau giành ăn cắn lộn kêu chí chóe.

Cơm nước đã xong, nghỉ ngơi đã khỏe, chuyện trò hầu như đã cạn. Bỗng có người lên tiếng:
-"Thôi xuống mần đi bà con, kẻo hết ngày."
Lúc nầy mặt trời chỉ còn non sào cắt cau, trời đã về chiều. Khi giàn giẫy tiến lên gần tấm lưới đón ở cổ sông, chỉ còn cách nhau chừng một vuông sân. Đây là lúc gạn ủ, cá dồn lại đục nước, Khi thì chúng nổi lên mặt nước quẫy đuôi uốn mình, khi thì lặn xuống lòng sông vội vàng hối hả bơi tìm cách thoát thân, có mấy con cá to sợ quá nhảy hoảng lên bờ nằm uốn mình lóc lách. Khi gạn ủ là lúc mọi người ai nấy bận rộn vội vã. Giàn giẫy bây giờ tiến lên thật chậm, trái lại cá nhảy giạy nhiều như bươm bướm. Dưới sông, giàn lưới quét cá mắc đầy, đếm không xuể, toán lặn bắt đuối sức. Có hai con cá chình bông lau to gần bằng hai cây cột con mắc ở tấm lưới khóe, một thợ lặn không thể bắt nổi, họ phải lên bờ đem rựa mác xuống chặt cá ra thành từng khúc, xúm nhau vác lên. Chớp nhoáng, giỏ lái cuối cùng cũng đầy ắp cá. Trong lúc giàn giẫy chậm chạp tiến lên gần sát tấm lưới chắn ở cổ sông, tôi ngồi trên bờ nhìn thấy cá đủ loại, lớn nhỏ chạy nhâm nước; tôi thích quá, liền đòi cha cho xuống nước bắt cá. Tính cha tôi chiều ý con hết mực, nên ông vội lên bờ lấy hai ống nổi cột ghép lại với nhau bỏ xuống  sông; chú Phan ẳm tôi đặt nằm sấp lên trên, chú vừa bơi vừa đẩy ống nổi giúp tôi trôi bềnh bồng quanh quanh vùng gạn ủ, một tay chú Phan cầm vợt đưa lên, bảo tôi cùng cầm, hai chú cháu vợt cá, khi nặng vợt, cha tôi đem cá lên bờ xâu lại thành dọc . Đến lúc nầy, cá vẫn tiếp tục phóng lên lưới giạy nhiều lắm hoặc bơi tới tấp mắc vào giàn lưới quét. Mọi người hăng hái gọi nhau không ngớt; kẻ thì một tay cầm vợt, một tay ôm ống nổi bơi loanh quanh vùng gạn ủ vợt cá; người thì vội vàng bắt cá ở lưới giạy lưới quét. Khi giàn lưới giẫy tiến sát tấm lưới chắn, cá đã được bắt sạch. Mặt trời lặn. Xong một buổi giẫy lưới.

Sáu cái nong lớn đặt trên vuông sân rộng của hai ngôi nhà rường to tổ bố của ông Phó Dương. Ba cây đuốc được đốt lên sáng trưng. Bốn giỏ lái đầy và năm xâu cá dài nặng triểu  đổ đầy ba nong. Sáu người thợ bạn, ba người cắt những con cá lớn ra từng miếng từng lát, ba người chia cá thành từng phần đem đặt trên ba cái nong còn lại. Mỗi người thợ bạn nhận được ba xâu cá dài, toán thợ lặn mỗi người còn có thêm một phần cá lặn nữa nên xách được bốn xâu. Riêng ông Phó Dương, theo thông lệ, nhận được sáu xâu vì ông vừa chủ lưới vừa coi ngó buổi giẫy lưới hôm đó.


Image result for lưới bắt cá

Thời gian từ ngày ấy đến nay đã hơn sáu chục năm trời ròng rã. Những buổi giẫy lưới sông Tiên năm xưa nay không còn nữa. Những buổi ấy chỉ còn là kỷ niệm trong tôi. Những buổi ấy, ở quê nhà, lớp người trẻ không ai biết đến; người đứng tuổi hầu như đã quên, ít người còn nhớ vì phải tất bật với những lo toan cuộc sống hằng ngày. Giòng sông Tiên bây giờ đã đổi khác, dọc hai bên bờ, máy móc cơ giới cày ủi xây bờ kè làm đường nhựa; vẻ thiên nhiên thơ mộng ngày trước nay đã mai một. Ông Phó Dương, cũng như cha tôi và bà con thợ bạn giẫy lưới năm cũ đã là những người quá vãng từ lâu. Trở lại quê nhà, tôi vào đứng trên bờ nhìn lại dòng sông Tiên, chẳng thấy cá móng nhâm nước như ngày xưa, chỉ thấy nước lững lờ trôi./.

Nguyễn Đình Hoành

CHS/TCV

nguồn:

Không có nhận xét nào: