Cựu Tổng thống Nga dự đoán ông Trump có thể bị ám sát Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng ông Donald Trump có thể bị ám sát (như cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy) nếu tái đắc cử vì tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine. Trong một bài viết trên kênh Telegram ngày 3.11, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết Moscow không đặt kỳ vọng cao vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11, nơi ông Trump đang đối đầu với bà Kamala Harris.Theo đài RT, ông Medvedev cho rằng với Nga, cuộc bầu cử này sẽ không làm thay đổi điều gì bởi lập trường của cả 2 ứng viên đều hoàn toàn phản ánh sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ rằng Nga phải bị đánh bại.
<!>
Cựu Tổng thống Medvedev cho rằng ông Trump, với vẻ mệt mỏi trong quá trình vận động, đã đưa ra những điều tầm thường về triển vọng hòa bình cho Ukraine và mối quan hệ được cho là tốt đẹp của ông với các lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, nếu tái đắc cử, ông Trump có thể buộc phải tuân thủ mọi nguyên tắc của hệ thống và không thể chấm dứt chiến sự.
“Không thể trong 1 ngày, 3 ngày hay là 3 tháng. Và nếu ông ấy thật sự muốn (chấm dứt xung đột Ukraine), ông ấy có thể trở thành một JFK mới”, ông Medvedev viết, nhắc đến tên viết tắt của cố Tổng thống John F. Kennedy, người đắc cử vào năm 1960 và bị ám sát vào năm 1963.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine trong thời gian ngắn nếu đắc cử dù không nêu rõ kế hoạch. Đối thủ của ông, Phó tổng thống Kamala Harris cho rằng ông Trump có thể sẽ buộc Ukraine phải đầu hàng.
Điện Kremlin đã bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố của ông Trump, nhấn mạnh rằng không có cây đũa thần nào để giúp ông làm điều đó. Về bà Harris, ông Medvedev đánh giá bà là người “thiếu kinh nghiệm và có thể bị kiểm soát”.
Bầu cử tổng thống Mỹ:Liên Hiệp Châu Âu lo Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Như phần còn lại của thế giới, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng đang hướng về Hoa Kỳ với mối lo ngại ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump tái đắc cử. Ngoại trừ Hungary, 26 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đều đánh giá thất bại của bà Kamala Harris sẽ là « một tai họa đối với an ninh và kinh tế » của toàn châu lục.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tại Bruxelles, Bỉ, ngày 25/05/2017. REUTERS/Eric Vidal
Thanh Hà
Thông tín viên Pierre Bénazet giải thích từ Bruxelles :
Donald Trump đe dọa kinh tế của Liên Âu do ông muốn tăng từ 10% đến 20% thuế đánh vào hàng của Liên Âu xuất khẩu sang Mỹ. Nhà nghiên cứu Elvire Fabry, đặc trách về địa chính trị và thương mại tại Viện Nghiên Cứu Jacques Delors, phân tích : « Tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên Âu vào Mỹ sẽ không chỉ bị giảm đi mất 1/3 từ biện pháp này. Hơn thế nữa tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Liên Âu sẽ gây trở ngại cho các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập vào thị trường Mỹ và như vậy sẽ phải tập trung để xuất khẩu nhiều hơn sang các nước láng giềng trong khối Liên Âu ».
Còn theo quan điểm của Camille Grand, giám đốc đặc trách quốc phòng tại Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Quốc Tế, Trung Quốc gây quan ngại nhiều hơn cho Hoa Kỳ chứ không phải là Châu Âu. Chính vì thế mà Washington chuyển hướng, xoay trục từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.
Nhưng châu Âu cần phải đề cao cảnh giác cho dù kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ra sao. Ông Camille Grand giải thích : « Ngay cả trong trường hợp Kamala Harris đắc cử, điều quan trọng hơn cả là Châu Âu phải tự chủ hơn về mặt an ninh. Châu Âu cần đặc biệt chú trọng đến những vấn đề lớn trong chính sách phòng thủ và bản thân châu Âu phải tích cực hơn để bước lên tuyến đầu. Điều đó có nghĩa là Liên Âu cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách quốc phòng, mỗi nước thành viên đều phải đầu tư trở lại vào phòng thủ và như vậy châu Âu sẽ có trọng lượng hơn trong NATO ».
Trong khi chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Liên Âu đang trong tình trạng gần như là tê liệt. Một đại diện ngoại giao bên cạnh NATO mô tả khối này đang giống như những con thỏ bị đèn pha xe hơi rọi vào.
Moldova: Tổng thống mãn nhiệm thân châu Âu Maia Sandu tái đắc cử
Kết quả bầu cử tổng thống 03/11/2024 tại Moldova đã chính thức thức được công bố: Với gần 55% phiếu bầu, tổng thống mãn nhiệm Maia Sandu, thuộc phe ủng hộ châu Âu, tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ trước đối thủ, ứng viên thân Nga Alexandr Stoianoglo. Kết quả được công bố trong bối cảnh Chisinau lo ngại Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử vốn được xem là mang tính quyết định về tiến trình Moldova gia nhập Liên Hiệp châu Âu (EU).
Tổng thống Moldova Maia Sandu khi biết kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống ở Chisinau, Moldova, ngày 03/11/2024. AP - Vadim Ghirda
Thùy Dương
Cũng như ở vòng một, lá phiếu của cử tri Moldova ở nước ngoài đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của vị tổng thống ủng hộ việc thúc đẩy tiến trình Moldova gia nhập Liên Âu
Từ Chisinau, đặc phái viên Julien Chavanne tường trình :
« Một lần nữa, lối thoát lại đến từ những lá phiếu của cộng đồng người Moldova hải ngoại. Tổng thống Maia Sandu, giọng nghẹn ngào, nhưng trên môi nở nụ cười, phát biểu : « Moldova đã phải đối mặt với một cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử toàn châu Âu. Nào là tiền bẩn, các vụ mua phiếu bầu bất hợp pháp, sự can dự của các thế lực bên ngoài vào quá trình bầu cử của đất nước chúng ta. Nhưng nhân dân chúng ta đã đoàn kết, tự do và sức mạnh của công dân đã chiến thắng. Hòa bình và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đã chiến thắng ».
Ở phía bên kia, ông Alexandr Stoianoglo đã nhanh chóng thừa nhận thất bại. Ông đã có một bài phát biểu dài 3 phút để kêu gọi sự hòa dịu ở một mức độ nhất định. Vị cựu công tố viên tố cáo các cơ quan truyền thông và các nước ngoài đã đổ thêm dầu vào lửa trong chiến dịch bầu cử. Ông nói : « Lá phiếu của bất kỳ người nào cũng đáng được tôn trọng và dân chủ trên hết là sự chín chắn, trưởng thành khi đối diện với kết quả. Tôi kêu gọi giới ngoại giao tại Chisinau công nhận, xử lý thông tin thận trọng nhất có thể, với sự khách quan và cân bằng tại thời điểm nhạy cảm này. Moldova cần hòa bình chứ không phải một sự căng thẳng do người khác cố tình gây ra ».
Phe ủng hộ châu Âu ở Moldova đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đất nước Moldova vẫn đang bị chia rẽ và cho thấy dễ bị tác động bởi sự can thiệp từ bên ngoài ».
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và lãnh đạo các nước như Pháp, Đức, Ukraina … đã chúc mừng bà Maia Sandu tái đắc cử tổng thống Moldova.
Lần đầu tiên hải quân Nga và Indonesia tập trận chung
Lần đầu tiên Indonesia tập trận chung trên biển với Nga. Hôm nay, 04/11/2024, hải quân hai nước bắt đầu chương trình thao dượt trong 5 ngày tại vùng biển Java, gần thành phố Surabaya.
Ảnh minh họa : Một tàu hải quân Indonesia ngày 19/09/2023. AP - Andaru Kz
Thanh Hà
Tháng 07/2024 trước khi nhậm chức, tổng thống tân cử Prabowo Subianto đã công du Matxcơva và tuyên bố Nga là « một nước bạn lớn » của Indonesia. Theo hãng tin Reuters, cuộc tập trận giữa hải quân hai nước là cuộc tập trận đầu tiên dưới chính quyền Prabowo Subianto và đây là dấu hiệu Jakarta muốn « thắt chặt thêm quan hệ với Nga trong lĩnh vực quốc phòng » nhằm khẳng định « lập trường không liên kết » trong chính sách đối ngoại truyền thống của Indonesia.
Hải quân Nga thông báo huy động 4 tàu chiến « trong một cuộc tập trận chung với mục đích giúp đôi bên hiểu biết rõ nhau hơn », nhưng không đi sâu vào chi tiết. Đại sứ Nga tại Jakarta tháng trước nói đến một « cuộc diễn tập ở quy mô lớn trên biển ».
Yohanes Sulaiman, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Jakarta, được Reuters trích dẫn, xem đây là cơ hội để Indonesiachứng tỏ vị thế độc lập trước những áp lực của phương Tây muốn Jakarta giữ khoảng cách với Matxcơva từ khi Nga xâm chiếm Ukraina. Indonesia tổ chức các cuộc tập trận thường niên với Mỹ từ 2006 và năm nay Jakarta đã huy động hơn 4.500 quân nhân trong chiến dịch mang tên Super Garuda Shield (26/08-06/09/2024). Còn đối với điện Kremlin, tập trận chung với một quốc gia Đông Nam Á là nhằm cho thấy Matxcơva không bị cô lập.
Hãng tin Pháp AFP lưu ý Nga là một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Indonesia, nhưng các hoạt động có phần bị đình trệ từ khi quốc tế trừng phạt Nga về việc thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 và nhất là sau khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina. Tân tổng thống Indonesia vẫn duy trì hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ đô la mua chiến đấu cơ của Nga được ký kết từ 2018.
Các tập đoàn công nghệ Mỹ cảnh báo dự thảo luật thắt chặt quy định dữ liệu của Việt Nam
Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do bộ Công An đề xuất. Trả lời Reuters ngày 04/11/2024, nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ cho rằng dự luật sẽ cản trở hoạt động của các trung tâm dữ liệu, mạng xã hội, đặc biệt qua hai điểm gây quan ngại : phải được cấp phép để chuyển dữ liệu ra nước ngoài và các cơ quan chức năng được quyền tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken "nói chuyện" với một robot khi thăm Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/04/2023. AP - Andrew Harnik
Thu Hằng
Ông Jason Oxman, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn, bao gồm Meta, Google và nhà điều hành trung tâm dữ liệu Equinix, cho biết dự thảo luật « sẽ gây khó khăn cho các công ty công nghệ, nền tảng truyền thông xã hội và nhà điều hành trung tâm dữ liệu trong việc tiếp cận những khách hàng tin tưởng họ hàng ngày ».
Ví dụ, định nghĩa về « dữ liệu cốt lõi » và « dữ liệu quan trọng » được ông Oxman đánh giá là « mơ hồ » và « điều đó sẽ cản trở hoạt động kinh doanh ở nước ngoài ».Ngoài ra, vẫn theo dự thảo luật, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam và các tổ chức Nhà nước, thường được định nghĩa mơ hồ trong nhiều trường hợp, như « hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công ».
Dự thảo luật đang được Quốc Hội Việt Nam thảo luận trong kỳ họp kéo dài một tháng và dự kiến sẽ được thông qua ngày 30/11 « nếu đủ điều kiện ». Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến một số trường hợp chuyển dữ liệu ra nước ngoài, nhưng hiếm khi được thực thi.
Hãng tin Anh quan ngại đến những tác động của dự luật mới, nếu được thông qua, đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tháng 8, Google cân nhắc việc thành lập một trung tâm dữ liệu lớn ở miền Nam Việt Nam trước khi dự thảo luật được trình lên Quốc Hội. Với khoảng 100 triệu dân và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của Facebook và nhiều nền tảng trực tuyến khác, Việt Nam hướng đến việc tăng đáng kể ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu với việc thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét