Tổng thống Zelensky báo động : « Mỹ ngừng viện trợ, Ukraina sẽ thua »Chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga đã kéo dài 1.000 ngày. Phát biểu hôm qua 19/11/2024 tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận nguy cơ Ukraina thất thủ nếu Hoa Kỳ ngừng viện trợ quân sự. Trong lúc mà « Vladimir Putin tập trung vào mục tiêu giành chiến thắng ở Ukraina, chính quyền Washington sẽ không tự ngừng lại cuộc chiến này ».Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 17/10/2024. REUTERS - Yves Herman Thanh Hà - Trả lời kênh truyền hình Mỹ Fox News tổng thống Zelensky nói thẳng : « Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina sẽ thua ».
Tuyên bố được đưa ra vào lúc chính quyền Donald Trump sắp tới chủ trương « nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Ukraina » và một số người thân cận với ông Trump hôm qua đã chỉ trích tổng thống Biden đẩy nước Mỹ đến gần một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba khi cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công vào lãnh thổ của Nga. Cùng ngày, một quan chức cao cấp ở Washington thông báo sẽ cung vấp mìn chống cá nhân cho Ukraina để đẩy lùi quân Nga. Một lần nữa Nga lên án Hoa Kỳ « muốn kéo dài chiến tranh ».
Vào lúc Mỹ đang nắm giữ một phần tương lai của Ukraina, câu hỏi đặt ra là từ khi tổng thống Vladimir Putin điều quân xâm chiếm Ukraina ngày 24/02/2022 thì trong 1.000 ngày vừa qua, người dân Ukraina đã sống như thế nào ?
Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze từ Kiev tường thuật :
« Đối với người dân Ukraina, 1.000 ngày từ khi đất nước họ bị Nga xâm chiếm ở quy mô lớn, chiến tranh hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần đi ra đường ở thủ đô Kiev cũng đủ cảm nhận thấy là không có gì bình thường cả.
Ngay ở trung tâm thủ đô, đường phố tối om vì thường xuyên bị mất điện. Nhiều người phải dùng điện thoại cầm tay để soi đường để không bị ngã.
Trong hoàn cảnh đó, hàng triệu người Ukraina dù sống cách xa chiến tuyến, nhưng hậu quả chiến tranh đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của họ như chủ một hiệu sách bà Maria Bindiuk thổ lộ : Nhiều người bạn thân của tôi cố gắng không nghĩ đến chiến tranh, họ ở yên trong nhà, giết thời gian với các trò chơi điện tử, hay vùi đầu vào công việc từ 7 giờ sáng đén 9 giờ tối để quên đi thực tế ».
Đó là thực tế hàng ngày, họ bị đe dọa bởi các cuộc oanh kích bằng bom lượn, drone hay tên lửa. Tại Kiev, từ tháng 9 đến nay, còi báo động, tiếng nổ, vang lên hàng đêm. Vào dịp mang tính biểu tượng 1.000 ngày chiến tranh, dân Ukraina muốn nhắc lại rằng đối với họ, chiến tranh đã khai mào từ năm 2014 tức là đã kéo dài từ 3.926 ngày qua, đó là từ khi Nga bắt đầu xâm lược bán đảo Crimée và kể từ đó cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraina càng lúc càng tệ hại hơn ».
Matxcơva đe dọa đáp trả vụ Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga
Vài ngày sau khi được bật đèn xanh, Ukraina hôm qua, 19/11/2024, đã bắn tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ, sang lãnh thổ Nga. Chính quyền Matxcơva cho biết đã bị tấn công bởi 6 tên lửa của ATACMS của Mỹ và đe dọa sẽ có cách đáp trả Ukraina một cách « phù hợp ». Theo Nga, cuộc chiến đang « chuyển sang giai đoạn mới », vào lúc tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân.
Hình ảnh trích từ video do kênh Telegram liên kết với quân đội Ukraina đăng tải ngày 19/11/2024 cho thấy tên lửa ATACMS được bắn từ một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraina. AP
Chi Phương
Theo quân đội Nga, vào lúc 3 giờ 25 phút, « kẻ thù đã tấn công vào vùng Briansk, cách biên giới với Ukraina không xa, bằng tên lửa chiến thuật ATACMS, 5 tên lửa đã bị phá hủy, và một tên lửa khác đã bị phòng không Nga làm hư hại ». Chính quyền Nga không nêu rõ có thiệt hại về nhân mạng hay không.
Mặc dù Hoa Kỳ hay Ukraina vẫn chưa chính thức thừa nhận về vụ tấn công này, nhưng một quan chức Ukraina, xin ẩn danh, đã xác nhận về vụ tấn công này với AFP. Lãnh đạo Volodymyr Zelensky cũng đã từng cho biết, Ukraina có các tên lửa này và « sẽ sử dụng chúng. »
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm thông tin :
« Cần phải nhớ rằng là Nga đã rất chú ý theo dõi các cuộc tranh luận ở Ukraina và tại các nước đồng minh phương tây của Kiev.
Một trong những luận điểm được nhắc lại từ lâu bởi những người thúc đẩy cho phép Kiev dùng vũ khí này tấn công Matxcơva là việc ‘Nga đe dọa, nhưng không có lằn ranh đỏ’. Đó cũng là chủ đề được tranh luận tối qua trên truyền hình Nga.
Nghị sĩ Cộng Sản, chủ tịch một ủy ban quốc Hội về các vấn đề của Cộng đồng các nước độc lập (CEI) tức là tổ chức của các nước từng thuộc Liên Xô và vẫn thân Nga, ông Leonid Kalachnikov cho biết : « Đối với tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, có lẽ sẽ dễ dàng để đồng ý, cho phép Ukraina (sử dụng vũ khí tầm xa tấn công), nhưng đột nhiên ông ta im lặng và không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Có vẻ như Washington muốn xem phản ứng của Nga sẽ ra sao. Học thuyết hạt nhân của Nga không phải là tin đồn nhảm. Bởi vì nếu đúng vậy, thì ngày mai, sẽ không phải chỉ là tên lửa có tầm bắn 300 km vào lãnh thổ Nga, mà là 500, 1000, 2000 km. Chúng tôi đã nhìn thấy tất cả những điều đó, như việc cung cấp cho Ukraina các xe tăng, máy bay và các loại tên lửa khác. »
Mối đe dọa lửa hạt nhân vẫn còn đó, và hôm nay, một số chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc chuyển giao quyền lực ở Washington có thể thúc đẩy căng thẳng leo thang. Matxcơva có thể tính toán và đổ trách nhiệm cho chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden. Như vậy, Nga sẽ không làm mất đi cơ hội đàm phán với chính quyền Donald Trump.
Một số chuyên gia khác thì lại nhấn mạnh rằng mỗi lần phe diều hâu Nga muốn thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì đều vấp phải một thực tế. Đó là các nước thân cận với Nga, cũng như là các nước từ chối lên án cuộc chiến này, đều không muốn nhìn thấy viễn cảnh « lửa hạt nhân ». Đó là những nước thuộc BRICS, hay Trung Quốc, hiện là đồng minh quan trọng của Kremlin.
Tình hình trở nên căng thẳng vào lúc tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong học thuyết, mà nhiều nước phương tây đồng loạt lên án. Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh.
Tại Kiev, sứ quán Hoa Kỳ hôm nay, trong một thông cáo đã cảnh báo một cuộc không kích lớn của Nga, nhắm vào thủ đô Ukraina và “như một biện pháp phòng ngừa, sứ quán Hoa Kỳ sẽ đóng cửa và các nhân viên đại sứ quán được yêu cầu đến nơi trú ẩn».
Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
Trước viễn cảnh Donald Trump quay lại Nhà Trắng, các nước châu Âu đang nỗ lực tăng cường lĩnh vực quốc phòng. Ngày 19/11/2024, bốn nước lớn nhất Liên Hiệp Châu Âu và Anh đã họp tại Vacxava, Ba Lan, và tuyên bố ủng hộ phát hành trái phiếu quốc phòng châu Âu.
Từ trái sang phải : Các ngoại trưởng, Pháp Jean-Noël Barrot, Ý Antonio Tajani, Ba Lan Radoslaw Sikorski và Đức Annalena Baerbock tại Vacxava, Ba Lan, ngày 19/11/2024. REUTERS - Kacper Pempel
Thu Hằng
Sau cuộc họp với bốn đồng nhiệm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định ý tưởng « phát hành trái phiếu quốc phòng » là « điều gì đó nghiêm túc ». Còn theo ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, « chiến lược được soạn thảo » là nhằm « hỗ trợ quốc phòng của châu Âu ». Trước đó, vào tháng 06, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Liên Hiệp Châu Âu cần đầu tư 500 tỉ euro trong thập niên tới để tăng cường quốc phòng.
Thông tín viên RFI Adrien Sarlat tại Vacxava cho biết thêm thông tin :
« Bối cảnh đặc biệt thì phải có một cuộc họp đặc biệt. Cuộc họp cấp cao sáng 19/11 là sự kiện chưa từng có, được Vacxava coi là phản ứng trước việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Vào lúc tổng thống đắc cử Mỹ thông báo ý định giảm viện trợ cho NATO, cuộc gặp lần này có mục đích chuẩn bị cho các cường quốc thành viên NATO một thế cân bằng mới.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu : « Chúng tôi nhất trí về việc châu Âu phải gánh trọng trách lớn hơn cho chính an ninh của mình và điều này được thực hiện thông qua việc phân bổ trách nhiệm tài chính giữa các nước thành viên NATO. Nhưng việc tăng cường chi tiêu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu phải đi đôi với việc Mỹ duy trì cam kết đối với an ninh của chúng ta ».
Ba Lan là quốc gia đứng đầu châu Âu về đầu tư quân sự, dành 2,4% GDP cho quốc phòng, trong khi NATO khuyến nghị tối thiểu là 2%.
Ngoại trưởng Sikorski cho biết : « Tôi nhận thấy rằng các quốc gia lớn ở châu Âu ngày càng sẵn sàng đảm nhận một phần gánh nặng hỗ trợ quân sự trong trường hợp Mỹ hạn chế các cam kết hơn ».
Theo các ngoại trưởng, một cam kết tài chính sẽ giúp tránh được nguy cơ Putin hóa châu Âu và bảo vệ sự toàn vẹn của các quốc gia thành viên ».
Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
Thượng đỉnh G20 đã khép lại hôm qua, 19/11/2024 tại Rio de Janeiro, Brazil. Các nước thành viên đã thông qua một tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu, trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, từ chiến tranh Ukraina cho đến xung đột ở Trung Đông.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 19/11/2024. © Eraldo Peres / AP
Chi Phương
Trong bài phát biểu kết thúc thượng đỉnh, được NHK trích dẫn, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định : “ Chúng tôi đã nỗ lực, mặc dù chúng tôi nhận thức được là chỉ mới chạm đến bề mặt của những thách thức to lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Chúng ta hãy tiếp tục xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững.”
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino cho biết thêm thông tin :
“Tổng thống Brazil Lula Da Silva đã thành công trong việc đóng vai trò là cầu nối giữa phương Tây và các nước phía nam. Brazil mong muốn đưa những chủ đề về xã hội thành ưu tiên tại thượng đỉnh lần này. Việc ký kết một liên minh toàn cầu chống nạn đói là một thắng lợi.
Bất chấp sự khác biệt của những nước trong nhóm chiếm khoảng 85 % GDP toàn cầu, Brazil đã thành công đạt được đồng thuận về một tuyên bố chung. Đặc biệt là văn bản này đề cập đến nhu cầu đánh thuế các nhà tỷ phú hoặc triển khai các biện pháp tham vọng hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Mặc dù quan hệ giữa ông Lula và tổng thống Achetina Javier Milei nguội lạnh, nhưng văn bản cuối cùng đã được tất cả các thành viên của G20 ký.
Bên lề thượng định của G20, xã hội dân sự đã phản kháng ở Rio de Janeiro, kêu gọi các nước ủng hộ Palestine trong cuộc xung đột ở Trung Cận Đông, và có những cam kết cụ thể hơn trong việc bảo vệ rừng Amazon.
Thượng đỉnh quốc tế này được xem là màn khởi động đối với Brazil, cho những sự kiện sắp tới. Quốc gia này sẽ tổ chức Hội nghị Khí hậu quốc tế COP-30 ở Belém, vùng Amazon vào năm 2025. 10 năm sau khi Thỏa thuận Khí hậu Paris được thông qua, các kỳ vọng được nâng cao, cũng như là những thách thức đối với vấn đề khí hậu trước việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng có nguy cơ cản trở các cuộc đàm phán về khí hậu. »
Trong lĩnh vực thương mại, theo NHK, tuyên bố chung của thượng đỉnh năm nay, không nêu rõ ràng là "ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ" như năm ngoái, mà thay vào đó, nhấn mạnh nhu cầu cần bảo đảm một hệ thống trao đổi thương mại đa phương, công bằng và cởi mở.
Tuyên bố chung của G20 cũng thừa nhận các mối đe dọa liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thông tin, kêu gọi quản lý công nghệ này và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp đảm bảo tính minh bạch, hay sự giám sát của con người và bảo vệ bản quyền, … Một số tổ chức như Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã hoan nghênh quyết định này.
Theo AFP, hôm nay, một ngày sau khi thượng đỉnh khép lại, tổng thống Brazil Lula đã tiếp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên muốn tăng cường quan hệ vốn đã bền chặt giữa hai nước lớn mới nổi, lần lượt là quốc gia đông dân thứ hai và thứ bảy của thế giới.
Nếu như Brazil muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc về kinh tế, thì chủ tịch Tập Cận Bình, trước sự trở lại của Donald Trump vào Nhà Trắng, được cho là muốn khẳng định vị trí của Bắc Kinh, lấp khoảng trống mà chính quyền của tân tổng thống có thể để lại trong các tổ chức, định chế quốc tế..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét