Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

HẬU BẦU CỬ HOA KỲ - Thế sự Luận Đàm - Nhất Hùng

Mặc dù cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã trôi qua một tuần nhưng vẫn còn để lại nhiều dư chấn. Bên thắng cuộc tiến hành chọn người để thành lập nội các, dân lại theo dõi xem những khuôn mặt nào được chọn vì lập trường quan điểm của họ cho thấy những gì sẽ xảy ra trong bốn năm tới. Bên thua cuộc nêu ra những lý do thất bại, có tranh cãi, có đổ thừa, những người quan tâm chính trị cũng phải theo dõi để biết chuyện gì thật sự xảy ra ở hậu trường của Đảng Dân Chủ.
<!>
Ông Donald Trump, không những giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống mà còn giành chiến thắng ở tất cả các bang “chiến trường” quan trọng, ngay cả những thành phố vốn là thành trì của phe Dân Chủ như New York và Chicago. Việc ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc lần này đã vẽ lại bức tranh chính trị Hoa Kỳ.
Nhiệm kỳ này, tổng thống tân cử Donald Trump sẽ nắm trọn quyền lực, từ quyền Hành Pháp, đến quyền Lập Pháp ở Quốc Hội nhờ đa số ở Thượng Viện, đa số ở Hạ Viện và cả Tư Pháp với một Tối Cao Pháp Viện trong đó có 6 vị thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ và 3 trong số này do ông Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Hoa Kỳ sắp có một Tổng Thống mới. Chúng ta dự đoán xem thế giới và Hoa Kỳ sẽ thế nào dưới thời Donald Trump 2.

Với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Hôm 08/11, NATO xác nhận Bắc Triều Tiên đã triển khai lính đến vùng Kursk của Nga. Dư luận nói nhiều về mối quan hệ có vẻ thân thiện giữa cá nhân ông Trump và Putin nhưng chúng tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ khó có thể liên kết với Putin, một người chủ trương đối đầu với phương tây, muốn lập ra một trật tự thế giới khác và một liên minh với các nước đối thủ của Mỹ như Iran, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc để đối đầu với Mỹ nói riêng và Phương Tây nói chung. Vì vậy viễn cảnh Putin xích lại gần Trump khó khả thi. Nếu thân thiện với Mỹ, ông Putin đã xé rào và sẽ đánh mất hình ảnh "vị lãnh đạo chống phương tây". Hiển nhiên Trump-Putin cũng có nhiều bất đồng liên quan đến hồ sơ Ukraina. Ông Putin muốn giành chiến thắng cục bộ, trong khi ông Trump thì khó có thể chấp nhận một giải pháp mà trong đó, Hoa Kỳ đánh mất lợi ích của mình hoặc đánh mất niềm tin của các nước có cùng giá trị dân chủ tự do với nước Mỹ trên trường quốc tế, niềm tin của các nước đồng minh, niềm tin vào các cam kết của chính phủ Hoa Kỳ.

Với Châu Âu:
Bên lo lắng nhất hiện nay có lẽ là Liên Hiệp Châu Âu (LHCA), khối 27 nước này đang tìm cách thích ứng với những bối cảnh địa chính trị mới khi ông Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Trump là người chủ trương giảm thiểu các cam kết của Hoa Kỳ với NATO với LHCA. Dư luận các nước Châu Âu đều đưa ra những nhận định không mấy khả quan về mối quan hệ quốc phòng, thuế quan với Hoa Kỳ trong tương lai. Chưa kể đến sự phân cực nội bộ của chính họ sau bầu cử Mỹ.  Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước đồng minh NATO không chi đủ 2% GDP cho quốc phòng như họ đã cam kết, theo Trump điều này không công bằng và đã buộc Mỹ phải chịu phần lớn chi phí. Và trong các chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đe dọa trong trường hợp Nga xâm lược, Mỹ sẽ không bảo hộ cho các nước không đóng góp đủ theo những gì họ đã cam kết. Những lời đe doạ này cùng sự tiến hành xâm lược Ukraine của Nga đã buộc các nước còn lại trong NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, phải chịu trách nhiệm cho an ninh của mình, phải tiếp tục tái vũ trang và tự chủ trong các vấn đề an ninh và quốc phòng. Ưu tiên hàng đầu là phải tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của chính mình thay vì trông cậy vào sự bảo kê của Hoa Kỳ. Không chỉ có quốc phòng, kinh tế cũng là một vấn đề đáng lo ngại khác mà LHCA phải đối mặt. Nếu Trump thực hiện những chính sách thuế mới trong giao dịch. LHCA bị ảnh hưởng và Trung Cộng cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hàng hóa Trung Cộng sẽ bị tồn đọng, trong trường hợp đó, các doanh nghiệp Châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng đến từ hàng giá rẻ của Trung Cộng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng có thể giảm, kéo theo việc xuất khẩu của Liên Hiệp Châu Âu sang Trung Cộng cũng sẽ sụt giảm. Rồi các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, vốn đã phân cực nay lại càng phân hóa càng chia rẽ sâu sắc thêm. Chưa kể đến việc Trump cũng có thể lợi dụng sự phân hóa này để khoét sâu thêm sự chia rẽ vốn có của Liên Hiệp Châu Âu. Đừng quên LHCA cũng là đối tác cạnh tranh của Hoa Kỳ.

Với Nga:
Trump quay trở lại Nhà Trắng, thoạt nhìn, là một tin tốt cho Putin vì tân tổng thống thứ 47 đã nói sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine và sẽ chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine “trong vòng 24 giờ”. Nhưng việc chấm dứt này sẽ khiến người dân Ukraine phải nhượng một phần lãnh thổ của mình cho Nga. Không lấy gì đoan chắc rằng Nga sẽ dừng lại mà không tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các nước Liên Xô cũ như Gruzia hay Moldova và nhượng bộ này có thể là động lực cho Nga tính đến việc xâm lược một nước trong vùng Baltic. Cũng chưa chắc việc Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ là tin tốt cho Putin vì trong đề xuất ngừng bắn, các điều khoản không chỉ làm cho các nhà lãnh đạo Ukraine đau đầu mà cả Putin cũng bị đẩy vào thế rất khó khăn. Putin không thật sự muốn có một giải pháp hòa bình hay công bằng. Putin chưa chắc hứng khởi với một giải pháp hòa bình, vì ông ta cho rằng thời gian đang đứng về phía ông ta và ông đang khai thác những lợi thế đang có trên chiến trường để thực hiện những tham vọng của mình.

Với Trung Cộng
Bắc Kinh có lo lắng vì ông Trump không ít lần đe doạ sẽ áp thuế hải quan 60% đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Ngân hàng UBS ước tính một biện pháp như vậy có thể làm giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. So với năm 2018, Bắc Kinh tin rằng mình đã có kinh nghiệm và được trang bị tốt hơn để đối phó với chiến tranh thương mại với Mỹ, tuy nhiên Trung Cộng sẽ bị hao tổn nhiều hơn nếu cuộc chiến này xảy ra lần nữa vì tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ cao gần gấp 3 lần so với những gì mà Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Cộng sẽ tùy thuộc rất nhiều vào thành phần nội các mới của Trump. Sẽ là một mối lo nếu trong nội các mới có nhiều cái tên chủ trương cứng rắn với Trung Cộng.

Với Biển Đông
Donald Trump sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn một Trung Cộng hung hăng đang tích cực tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ hiện có ở Biển Đông, tìm cách răn đe Trung Cộng như chính sách đã có dưới chính quyền Trump đầu tiên và chính quyền Biden hiện nay.

Với Trung Đông
Ông Trump sẽ tìm cách quay lại chính sách từng khiến chính quyền của ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, gia tăng các lệnh trừng phạt với Iran, ban hành nhiều chính sách ủng hộ mạnh mẽ Israel như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ thứ nhất. Nhiều người cho rằng chính sách này sẽ tạo ra một Trung Đông bất ổn nhưng thực tế đã chứng minh, với chính sách hòa hoãn, mua chuộc Iran, Houthy… của tổng thống Biden lại tạo ra bất ổn nhiều hơn. Ông Trump sẽ phải chọn lựa, tiếp tục quy trình ngoại giao do chính quyền ông Biden đang nỗ lực để nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza qua việc Hamas thả tự do con tin hoặc ủng hộ mạnh mẽ Israel tiếp tục dùng sức mạnh quân sự để đạt các mục tiêu do Israel đề ra..

Với Đài Loan
Ông Trump nói vào tháng 10 rằng, nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ không cần phải sử dụng vũ lực để ngăn chặn Trung Quốc phong tỏa Đài Loan vì ông Tập biết ông Trump “điên rồ” và sẽ áp đặt thuế quan gây tê liệt tuyến nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Trung Quốc làm vậy.

Với nước Mỹ
Donald Trump có đa số ở lưỡng viện Quốc Hội. Khi trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 01/2025, ngay trong ngày đầu tiên, Donald Trump sẽ hủy bỏ hàng loạt sắc lệnh dưới thời Tổng Thống Biden và ký hàng loạt sắc lệnh mới. Điều này đương nhiên gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới người dân Mỹ. Một số ưu tiên lập pháp hàng đầu của Cộng hòa dưới thời chính quyền Trump mới.
- Trục xuất người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ quy mô lớn - Sa thải Công tố viên đặc biệt - Ân xá cho những đối tượng trong sự việc xảy ra ở đồi Capitol ngày 6/1/2021 - Chấm dứt chính sách khí hậu và năng lượng của Biden - Tiếp tục khoan dầu - Cấp thẻ xanh cho sinh viên nước ngoài có thành tích tốt - Mở rộng việc cắt giảm thuế của Trump - Tài trợ cho các chương trình an ninh biên giới và bức tường - Huỷ một số phần trong Đạo luật Giảm Lạm Phát mang dấu ấn của Tổng thống Biden - Hủy các quy định của Thỏa thuận Xanh Mới, đưa nước Mỹ trở lại vị thế thống trị năng lượng - Ủng hộ biện pháp lựa chọn trường học, thực hành cho phép học sinh và gia đình sử dụng ngân quỹ công cho các chương trình thay thế hoặc trường tư thục - Không ký luật cấm phá thai toàn quốc - Cải cách lớn về kinh tế - Nới lỏng các quy định trong lĩnh vực Ngân Hàng.

Chúng tôi nghĩ “American First” hay “ Make America Great Again” bao hàm cả ý nghĩa, một nước Mỹ giàu mạnh, một siêu cường vượt trội trên thế giới. Muốn thế, ngoài việc bảo vệ những giá trị Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, nước Mỹ cũng không cần thiết phải duy trì vai trò “sen đầm - cảnh sát” quốc tế. Giữ Mỹ là một siêu cường vượt trội trên thế giới sẽ bảo đảm một Mỹ quốc thịnh vượng nhưng muốn là một siêu cường thì không thể buông bỏ những “Địa Chính Trị” cốt lõi như Trung Đông-Châu Âu-Biển Đông và các thế lực đen tối đang hình thành những Trục Ma Quỷ hòng soán ngôi Mỹ. Dự đoán chính sách của Hoa Kỳ dựa trên vài lời phát ngôn trong giai đoạn tranh cử (có tính chính trị) của Tổng Thống tân cử Hoa Kỳ là không đủ. Hoa Kỳ còn một “khối óc” lớn cân bằng mọi quyết định liên quan tới “vị trí siêu cường không đối thủ của Mỹ”, đó là Quốc Hội Hoa Kỳ.

Cầu Thượng Đế Phò Trợ Nước Mỹ Mãi Mãi Vĩ Đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét