Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Tuần Này: Những Người Lính Mũ Xanh San Jose, Họp Mặt Mừng Sinh Nhật Binh Chủng TQLC, 70 Năm! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải




Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Quân Đội.
Chủ Nhật Tuần Này: Mũ Xanh San Jose, Họp Mặt Mừng Sinh Nhật Binh Chủng 70 Năm! Lời Mời Tham Dự Tiệc Mừng Sinh Nhật: Vào Ngày Chủ Nhật, 29 Tháng 9 Năm 2024, (Tuần Này) Lúc 5 Giờ Chiều, Tại Nhà Hàng Dynasty, 1001, Story Rd, Ca 94122.
<!>














Nhớ ngày Chiến thắng Quảng Trị và Mừng sinh nhật thứ 70 (1954=2024) ngày thành lập binh chủng-Gia đình Mũ Xanh San Jose họp mặt tổ chức, để ghi nhớ chiến công lịch sử và tưởng nhớ bao chiến sĩ đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến..













Vài Nét Về Binh Chủng và Người Lính Mũ Xanh!
Đơn vị Tổng trừ bị Thủy quân lục chiến hình thành do nhu cầu cấp thiết của đất nước khi mức độ bành trướng chiến tranh xâm lược của tập đoàn Cộng Sản miền Bắc. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến, vị trí và vai trò của sư đoàn TQLC đã gắn bó với tất cả các chiến trường lớn từ U Minh, Đổ Xá, Hạ lào, Quảng Trị, Cam bốt, Mậu Thân. Bao chiến tích đã đem lại vinh quang cho màu cờ sắc áo-bên cạnh đó, cũng đã có bao chiến sĩ hy sinh đền nợ nước và hằng ngàn thương binh còn đớn đau thể xác lẫn tinh thần bên quê Mẹ Việt Nam.
Tinh Thần Mũ Xanh Bất Diệt!

Vẫn như cuộc chiến chưa tàn khi mãi mãi màu áo sóng biển vẫn còn một tinh thần chống cọng, một tình chiến hữu khắng khít-không quên đồng đội.
Trận Quảng Trị hay mùa hè đỏ lửa 1972 đã làm hao tổn nhiều xương máu nhất trong quân sử QLVNCH và binh chủng TQLC. Không bao giờ chúng ta quên được hàng ngàn chiến hữu đã hy sinh và bị thương trong trận nầy.



TQLC “Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm!”
Những gì chúng ta có được, hưởng được ngày nay phần lớn là do những hy sinh của những người anh hùng vô danh đó. Chúng ta có bổn phận phải tiếp tục chiến đấu và làm tất cả những gì để cho thế hệ con em biết về chiến công oanh liệt của TQLC tại Quảng Trị ngày 16 tháng 9 năm 1972--một ngày phải được ghi vào quân sử của QLVNCH.
Chúng ta phải ghi ơn mấy ngàn chiến sĩ đồng đội đã hy sinh mạng sống, hàng ngàn thương binh trong số có nhiều người đã trở thành tàn phế không được chữa trị và đang sống lây lất tại quê nhà......


Trong Tinh Thần Này, Kính Mời Tham Dự Tiệc Mừng Sinh Nhật:
Vào Ngày Chủ Nhật 29 tháng 9 năm 2024, (tuần này) Lúc 5 Giờ Chiều, Tại Nhà Hàng Dynasty, 1001, Story Rd, Ca 94122. Nhớ ngày Chiến thắng Quảng Trị và Mừng sinh nhật thứ 70 (1954-2024) ngày thành lập binh chủng TQLC.


Xin Liên Lạc: (408) 565-5773 (408) 646-0003 (408) 858-4122


Khôn nhà, dại chợ! Tô Lâm đem tặng Cuba 10,000 tấn gạo, trong lúc kêu gọi dân góp tiền cứu trợ miền Bắc! Chưa hết, còn tặng thêm 500 máy vi tính!


(Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Chủ tịch Tô Lâm tại Havana, Cuba hôm 26/9/2024)
-Tại buổi hội đàm cấp cao vào chiều 26/9 tại Havana, Cuba, ông Tô Lâm thông báo với Chủ tịch nước, Bí thư thứ nhất Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez về việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng nhân dân Cuba 10.000 tấn gạo.
Ngoài ra, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tặng Trung ương Đảng Cộng sản Cuba 500 máy tính,...

Theo Đài tiếng nói Việt Nam VOV, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định lập trường không đổi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam là "đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba, yêu cầu dỡ bỏ các lệnh bao vây, cấm vận đối với Cuba, đưa Cuba ra khỏi Danh sách đơn phương các nước bảo trợ khủng bố.”
Ông Tô Lâm thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cuba sau chuyến làm việc tại New York, Mỹ để dự hộị nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong một bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng kêu gọi việc dỡ bỏ cấm vận mà Mỹ đang áp dụng đối với Cuba, dù ông Tô Lâm không nêu đích danh tên nước Mỹ.

Ông Tô Lâm cũng có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi lên đường sang Cuba, và khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Washington.
Trong cuộc gặp mới đây tại Cuba, lãnh đạo hai nước đồng ý tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các ban, cơ quan tham mưu của hai Đảng trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng.
Hai nhà lãnh đạo ủng hộ các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp nghiên cứu mô hình hợp tác sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ Cuba gia tăng sản lượng và năng lực sản xuất tại chỗ, phát triển ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Cả hai đồng ý tiếp tục tích cực hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế.


Quân Đội và Thành Phố Hà Nội Hủy Một Số Hoạt Động Kỷ Niệm, Chia Sẻ Với Mất Mát Do Bão Yagi Kêu Gọi Quyên Góp Cứu Trợ!


(Hình AFP: Quân đội tìm kiếm, cứu nạn ở Làng Nủ, Lào Cai, ngày 12/9/2024, sau bão Yagi.)
-Quân đội Nhân dân Việt Nam và chính quyền thủ đô Hà Nội ra tuyên bố riêng rẽ mới đây nói họ hủy một số hoạt động kỷ niệm để chia sẻ với những mất mát, thiệt hại của người dân và đất nước do bão Yagi gây ra hồi đầu tháng này.
Nhiều báo Việt Nam trích dẫn một thông báo của Bộ Quốc phòng đưa tin hôm 21/9/2024 rằng bộ quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ Tổng Tham mưu của quân đội yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng các hoạt động huấn luyện diễu binh, diễu hành từ ngày 21/9, tin cho hay.
Quyết định của quân đội gắn với việc ban lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo cả nước "chia sẻ những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh…" sau bão Yagi, còn gọi là bão số 3 ở Việt Nam.

Như Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã đưa tin, cơn bão này đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam hôm 7/9, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cơ sở hạ tầng…, làm chết 299 người và 34 người mất tích. Nhà chức trách trong nước đưa ra ước tính rằng tổng thiệt hại kinh tế lên đến 61.000 tỉ đồng và GDP cả nước năm 2024 có thể bị giảm 0,15% so với kịch bản đề ra trước đây là từ 6,8-7%.
Tiếp sau động thái của quân đội liên quan đến hậu quả của bão Yagi, hôm 24/9, Thành ủy Hà Nội ra quyết định dừng bắn pháo hoa ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để tập trung khắc phục hậu quả của bão, nhiều báo Việt Nam đưa tin.
Nữ Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài được báo chí trích dẫn lời phát biểu trong một cuộc họp của Thường vụ Thành ủy chiều 24/9 rằng việc điều chỉnh này thể hiện trách nhiệm của thủ đô Hà Nội và tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".
Quyết định của Hà Nội được Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đánh giá cao, các báo trong nước tường thuật. Bà Mai nhận xét rằng việc Hà Nội đồng hành, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai là "hành động kịp thời và cần thiết".


Tin Quốc Tế Đó Đây

Hoa Kỳ và Đồng Minh Kêu Gọi Ngừng Bắn Giữa Do Thái và Hezbollah


(Hình AFP: Các binh sĩ Lebanon và nhân viên cấp cứu ở bên dưới một chung cư bị quân đội Do Thái tấn công tại khu Ghobeiri, ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon, ngày 24/9/2024.)
-Trong một thông cáo chung, hôm 25/9/2024, Mỹ, Pháp và nhiều nước đồng minh đã kêu gọi Lebanon và Do Thái ngừng bắn trong 21 ngày tại vùng biên giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai bên, đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức là rất khó.
Bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ cùng các nước đồng minh và các nước Ả Rập đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, kéo dài 21 ngày, "để tạo ra cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao". Tuy nhiên, phía Do Thái có vẻ không chấp nhận đề nghị đó. Đại sứ Do Thái tại Liên Hiệp Quốc Danny Danon tuyên bố: "Không thể có hòa bình trong khu vực này khi nào chưa loại bỏ được mối đe dọa từ Hezbollhah và Hamas".

Sáng 26/9, theo thông tấn xã AFP, Bộ trưởng Tài chánh Do Thái Bezalel Smotrich, thuộc phe cực hữu trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Netanyahu, cũng đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn với Hezbollah. Trên mạng xã hội X, ông Smotrich khẳng định "chiến dịch quân sự ở miền Bắc Do Thái chỉ có thể kết thúc bằng một cách duy nhất: Tiêu diệt Hezbollah".
Lãnh đạo phe đối lập ở Do Thái thì lại cho rằng nước này nên chấp nhận đề nghị ngừng bắn, nhưng chỉ ngừng bắn trong 7 ngày, để tránh khả năng Hezbollah tận dụng thời gian bố trí lại lực lượng.
Từ đêm 25 đến sáng 26/9, quân đội Do Thái đã tấn công vào gần 80 mục tiêu tại vùng thung lũng Bekaa và miền Nam Lebanon, trong đó có một số cơ sở được cho là nơi cất giữ vũ khí. Theo trang National News Agency, vụ tấn công của Do Thái đã khiến ít nhất 23 công nhân người Syria bỏ mạng tại miền Nam Lebanon. Về phần mình, phe Hezbollah hôm 26/9 vừa thông báo đã bắn rocket vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng ở Haifa, miền Bắc Do Thái.
Kể từ thứ Hai, các cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái tại Lebanon đã khiến hơn 600 người bỏ mạng. Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc oanh kích đã buộc 90.000 người rời khỏi miền Nam Lebanon để đi lánh nạn ở Beirut hoặc Syria.


Trước Nguy Cơ Do Thái Tấn Công Trên Bộ Vào Lebanon, Nhiều Nước Kêu Gọi Di tản Công Dân


(Hình AFP: Một người lính Do Thái tại dải Gaza ngày 15/07/2024.)
-Hôm 25/9/2024, quân đội Do Thái ngụ ý là họ đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công trên bộ vào lãnh thổ Lebanon. Trước nguy cơ này, nhiều nước kêu gọi công dân rời khỏi Lebanon, chuẩn bị kế hoạch di tản.
Theo hãng tin AFP, hôm 25/9, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Herzi Halevi cho biết các cuộc không kích của Do Thái trong tuần này được thực hiện để "chuẩn bị cơ sở cho khả năng xâm nhập vào Lebanon và tiếp tục làm suy yếu Hezbollah". Ông kêu gọi binh lính "chuẩn bị tinh thần".
Nhà nước Do Thái hôm 25/9 cũng thông báo khai triển hai Lữ đoàn dự bị để thực hiện các nhiệm vụ ở phía Bắc. Thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Jerusalem (thủ đô mới của Do Thái) tường trình:
"Thông điệp đã rõ ràng. Do Thái huy động hai lữ đoàn bộ binh dự bị. Quyết định được truyền thông loan tải rộng rãi là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Lebanon. Các binh lính này sẽ được khai triển dọc theo biên giới phía Bắc của Do Thái, giáp với nam Lebanon. Theo một thông cáo của quân đội, quyết định này được thông qua là để tiếp tục các nỗ lực chống Hezbollah, tạo ra các điều kiện cần thiết để những người dân ở miền Bắc đã di tản vì các cuộc giao tranh có thể trở lại nhà của họ. Quyết định được đưa ra sau một ngày oanh kích khốc liệt của không quân Do Thái vào miền Nam Lebanon, và sâu hơn trong lãnh thổ nước này.

Hôm qua, số phi đạn được phóng từ Lebanon cũng cao kỷ lục, nhắm vào vùng Galilée, và lần đầu tiên nhắm vào khu vực Tel Aviv. Hezbollah xác nhận đã phóng phi đạn-đạn đạo vào trụ sở của Mossad, cơ quan tình báo Do Thái, nhưng đã bị quân đội Do Thái bắn chặn.
Thủ tướng Do Thái sẽ bay đến New York và sẽ phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, trong lúc các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Lebanon và Gaza vẫn tiếp diễn".
Mặc dù Ngũ Giác Đài hôm qua tuyên bố cuộc xâm nhập bằng bộ binh của Do Thái sẽ không diễn ra ngay lập tức, nhưng theo CNN, Mỹ đã điều động lực lượng đến đảo Chypre để chuẩn bị di tản công dân Mỹ khỏi Lebanon. Úc Ðại Lợi cũng đã thúc giục khoảng 15.000 công dân đang sống tại Lebanon rời đi, và cảnh báo về nguy cơ phi trường Beirut có thể đóng cửa, gây khó khăn cho việc di tản số lượng lớn nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.


Xung Đột Cận Đông và Sự Bất Lực của Liên Hiệp Quốc

-Nguy cơ xung đột leo thang tại Lebanon đặt Liên Hiệp Quốc trong tình trạng căng thẳng là một hồ sơ trang nhất của Le Monde. Cuộc phản công của Do Thái chống lại phe Hezbollah gây chia rẽ Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, đang trong họp thường niên.
Le Figaro dành nhiều bài viết cho chủ đề này. Bài về Do Thái đe dọa tấn công trên bộ vào Lebanon nhấn mạnh đến việc hiện tại hai bên đều không chịu nhân nhượng. Lần đầu tiên một rốc-két của Hezbollah nhắm vào Tel-Aviv, "như để chứng tỏ" các cuộc tấn công dữ dội của nhà nước Do Thái không làm suy suyển tiềm lực của lực lượng này. Theo Hezbollah, mục tiêu của cuộc tấn công là trụ sở của Mossad, cơ quan tình báo hải ngoại của Do Thái. Đây là lần đầu tiên Hezbollah bắn sâu như vậy vào lãnh thổ Do Thái.

Bài "Liên Hiệp Quốc đối diện với sự bất lực của chính mình" của Le Figaro nhấn mạnh đến các cuộc chiến tranh tại Ukraine và Gaza đang "trở thành tác nhân thúc đẩy thái độ phản kháng gia tăng của các nước phương Nam chống lại trật tự quốc tế do phương Tây thống trị". Hiếm có Đại Hội đồng nào của Liên Hiệp Quốc như lần này cho thấy "sự chia rẽ và bất lực sâu sắc" của định chế quốc tế, không còn khả năng đối phó với các thách thức thế giới.
Theo Le Figaro, bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden "đã ghi nhận sự tan rã trật tự quốc tế, ra đời sau Ðệ nhị Thế chiến" cùng lúc với việc thừa nhận vị thế suy yếu của nước Mỹ, với tư cách lãnh đạo trật tự thế giới". Theo Tổng thống Hoa Kỳ, "đa số các nước phương Nam không ủng hộ quan điểm của Mỹ về Trung Đông và không ủng hộ Do Thái…. Và Trung Quốc cùng Nga đang rình rập trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu".


Lebanon: Bất Chấp Áp Lực Quốc Tế, Do Thái Bác Bỏ Đề Nghị Ngừng Bắn Với Hezbollah


(Ảnh REUTERS - Nir Elias, tư liệu: Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp báo về xung đột ở Gaza, Tel Aviv, thủ đô cũ của Do Thái, ngày 13/7/2024.)
-Trước bài phát biểu của Thủ tướng Benyamin Netanyahu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/9/2024, Do Thái tiếp tục các cuộc oanh kích nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Lebanon, phớt lờ mọi kêu gọi ngừng bắn của các đồng minh cũng như nhiều quốc gia Ả Rập.
Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) cùng các đồng minh khác cũng như nhiều nước trong khu vực đã đưa ra lời kêu gọi chung ủng hộ ngừng chiến tại Lebanon trong 21 ngày, sau các cuộc oanh kích dồn dập của Do Thái nhằm vào lực lượng Hezbollah từ đầu tuần này.
Theo Liên Hiệp Quốc, các đợt tấn công Do Thái từ hôm thứ Hai đã làm hơn 700 người thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường, hơn 90.000 người phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn. Hôm 26/9, Do Thái tuyên bố tấn công Hezbollah cho đến khi chiến thắng, bác bỏ kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế và đe dọa sẵn sàng mở cuộc tấn công trên bộ vào Lebanon. Tại Liên Hiệp Quốc, các nỗ lực ngoại giao tiếp tục nhằm gia tăng áp lực với Do Thái. Thông tín viên Julien Chavanne của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại New York tường trình:

Dường như chỉ duy nhất có Lebanon muốn thảo luận đình chiến. Abdullah Bou Habib, lãnh đạo ngoại giao Lebanon nói:
"Lebanon nhận thấy sáng kiến của Pháp và Mỹ, cùng với sự ủng hộ của các nước bạn bè khác, như là cơ hội để lấy lại sức và mở ra khả năng giải quyết khủng hoảng mà Do Thái nên nắm bắt. Ngoại giao phải đạt kết quả. Chúng ta không có sự lựa chọn khác".
Khi mà Benyamin Netanyahu chưa công khai bác bỏ, thì vẫn còn có khả năng chấp nhận lời kêu gọi. Về phía Pháp, hy vọng Do Thái chấp nhận ngừng chiến 3 tuần giống như một hình thức mù quáng hay chối bỏ thực tế.
Bởi vì trong 24 giờ qua, phía Do Thái nhắc lại liên tục rằng các đợt tấn công nhằm vào Hezbollah sẽ tiếp tục. Trong khi mà tại Hoa Thịnh Ðốn và Paris, các nhà ngoại giao hoài công khẳng định rằng Do Thái đã đồng ý với kế hoạch ngừng bắn cửa hộ. Theo báo chí Do Thái, Thủ tướng Benyamin Netanyahu đã rõ ràng thay đổi ý kiến vì một bộ phận trong chính phủ chống đối.
Từ Gia Nã Ðại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng mọi cách. Ông tuyên bố: "Từ chối ngừng bắn là một lỗi lầm". Áp lực ngoại giao ở mức tối đa nhưng vẫn không đủ để tránh xa nguy cơ một cuộc chiến tranh giữa Do Thái và Lebanon.


Tổng Thống Ukraine Đến Tòa Bạch Ốc Trình Bày "Kế Hoạch Chiến Thắng" Với Chính Quyền Biden


(Hình AFP - Timothy A. Clary: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 25/9/2024.)
-Sau phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm nay 26/9/2024, Tổng thống Ukraine đến Tòa Bạch Ốc để trình bày với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden "kế hoạch chiến thắng". Volodymyr Zelensky sẽ gặp riêng ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân chủ Kamala Harris trong bối cảnh viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine là một chủ đề gây tranh cãi trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2024. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump không dự trù gặp lãnh đạo Ukraine.
Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
"Thông thường các vấn đề đối ngoại không phải là một ưu tiên trong các chương trình vận động tranh cử ở Mỹ. Hơn nữa, kinh tế và chính sách nhập cư là hai trong số các hồ sơ mà cử tri quan tâm nhất.

Thế nhưng, Ukraine cũng được quan tâm, bởi Hoa Kỳ tài trợ rất nhiều để giúp quốc gia này chống Nga. Ukraine thu hút sự chú ý cũng là do các ứng cử viên đã đề cập đến chủ đề này trong cuộc tranh luận tay đôi. Đối với ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, Mỹ nên tiếp tục yểm trợ Ukraine. Bà chỉ trích đối thủ Donald Trump từ chối chấp nhận điều đó. Trái lại, ứng cử viên Cộng Hòa từng khẳng định ông có thể giải quyết vấn đề Ukraine trong 24 giờ đồng hồ, đồng thời chỉ trích Volodymyr Zelensky không chịu đàm phán với Vladimir Putin. Donald Trump thậm chí còn tuyên bố để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với các nước thành viên NATO không chịu đầu tư vào quốc phòng để tự vệ.
Đáp lại lập luận này của ông Trump, bà Harris thách thức đối thủ hãy giải thích lập trường của ông với 800.000 công dân Mỹ gốc Ba Lan đang sống ở tiểu bang Pennsylvania. Tại tiểu bang mà cả hai ứng cử viên đều đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng, đại diện của cộng đồng người Ba Lan đã chính thức thông báo ủng hộ đảng Dân chủ. Các cuộc thăm dò ở cấp địa phương cũng đang chứng mình điều đó. Nhưng ở cấp quốc gia thì về các hồ sơ quốc tế, đa số người Mỹ có vẻ vẫn tin tưởng vào cựu Tổng thống Trump hơn".

Theo lịch làm việc của Tổng thống Ukraine hôm nay tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, ngoài hai buổi làm việc với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Zelensky sẽ thảo luận với nhiều lãnh đạo cao cấp ở Quốc hội lưỡng viện, nhưng dường như sẽ không gặp Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.
Hôm 25/9, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 375 triệu Mỹ kim, bao gồm nhiều loại vũ khí tối tân như hệ thống pháo phản lực HIMARS, các loại phi đạn Javelin và phi đạn chống tăng.
Hôm 25/9, phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga có kế hoạch tấn công các nhà máy điện nguyên tử trên lãnh thổ Ukraine để gây nên một "thảm họa nguyên tử". Vào lúc cộng đồng quốc tế bị xung đột ở Trung Cận Đông chi phối, ông Zelensky tiếp tục vận động quốc tế yểm trợ Ukraine đang bị Nga xâm lược. Ông cho biết trong 2 năm rưỡi chiến tranh, "80% hệ thống điện lực của Ukraine bị Nga phá hủy" và "quân Nga nhắm vào các nhà máy nhiệt và thủy điện của Ukraine hàng ngày". Liên quan đến các cơ sở nguyên tử của Ukraine, ông Zelensky tuyên bố "chỉ cần một biến cố nghiêm trọng" là cũng đủ để dẫn đến một "thảm họa nguyên tử", "Mạc Tư Khoa cần hiểu rằng cộng đồng quốc tế quyết tâm" để kịch bản đó "không bao giờ xảy ra".


Thuyết Phục Mỹ Về "Kế Hoạch Giành Thắng Lợi", Nhiệm Vụ Khó Hoàn Thành của Tổng Thống Ukraine


(Hình AP - Christoph Soeder: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky họp báo tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 20/9/2024.)
-Ukraine là một đề tài gây bất đồng sâu rộng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Dân chủ Kamala Harris và Cộng hòa Donald Trump. Sự mệt mỏi của một phần công luận Hoa Kỳ khiến Hoa Thịnh Ðốn là chặng quan trọng nhất trong chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Làm thế nào để Kyiv thuyết phục được đồng minh quân sự quan trọng nhất của mình về một kế hoạch giúp Ukraine "giành thắng lợi" sau hơn 2 năm rưỡi bị Nga xâm lược?

Trong ngày 26/9/2024, Tổng thống Zelensky chỉ có vài giờ để thuyết phục Tổng thống Joe Biden và Quốc hội lưỡng viện Mỹ hậu thuẫn kế hoạch giúp Ukraine giành chiến thắng, chấm dứt cuộc xâm lược của Nga. Kế hoạch mà Volodymyr Zelensky mang đến Hoa Thịnh Ðốn gồm 3 điểm chính: Kyiv muốn được Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự để có thể đàm phán với Nga trong thế mạnh, muốn được cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới bảo đảm sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong giai doạn tái thiết đất nước một khi im tiếng súng. Để không bị láng giềng quá lớn đe dọa trong tương lai, Ukraine cần có tiếng nói của Hoa Thịnh Ðốn để "chính thức mời" Ukraine gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trên cả ba mục tiêu này, Tổng thống Zelensky ít có khả năng được toại nguyện. Từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang Ukraine, Hoa Kỳ đã cấp trên dưới 175 tỉ Mỹ kim cho Kyiv dưới hình thức viện trợ quân sự và kinh tế. Ukraine là một trong những đề tài gây chia rẽ sâu rộng cử tri Mỹ, chưa đầy 50 ngày trước khi bầu chọn người thay thế ông Joe Biden. Ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris, đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ, tất nhiên ủng hộ quan điểm là Mỹ có trách nhiệm "kề vai sát cánh" với một quốc gia có chủ quyền bị xâm lược, và giúp Ukraine cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Nhưng lập trường này khó thuyết phục ngay cả hàng ngũ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ.

Đối với đối thủ Cộng hòa Donald Trump, Ukraine là một cái "thùng không đáy", chi bao nhiêu tiền cũng không đủ. Cựu Tổng thống Trump không ngớt lời chỉ trích chính quyền Biden lấy tiền của dân Mỹ đi giúp Ukraine, một quốc gia "xa xôi", còn Volodymyr Zelensky trong mắt ông Trump thì không hơn không kém là một "nhà đại diện thương mại khá tài giỏi, cứ mỗi lần sang Mỹ là lại thu được 60 tỉ Mỹ kim", tiền của dân Mỹ. Cũng Trump từng tuyên bố chỉ cần 24 giờ ở Tòa Bạch Ốc là giải quyết xong hồ sơ Ukraine. Ông trách Tổng thống Zelensky đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán với Putin để vãn hồi hòa bình.
Trước ngày Zelensky đến Mỹ, có tin là ông sẽ gặp riêng cả hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng được biết là ông Trump dường như đã hủy kế hoạch tiếp Tổng thống Ukraine. Điều nguy hiểm hơn nữa đối với Kyiv, đối với "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine, theo giới quan sát là lập trường của ông Trump có sức thuyết phục cao đối với cử tri Mỹ và bản thân cựu Tổng thống Hoa Kỳ cũng là một "con buôn" có đầu óc thực dụng, ông cũng biết kiếm phiếu của cử tri Hoa Kỳ bằng cách khai thác tâm lý mệt mỏi của dân Mỹ phải cưu mang Ukraine.

Từ khi Ukraine bị Nga xâm lược, chưa bao giờ quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Zelensky với chủ nhân Tòa Bạch Ốc lại căng thẳng như hiện nay: Vài tháng trước khi hết nhiệm kỳ, ông Biden đương nhiên không muốn mang tiếng bỏ rơi Ukraine như đã từng bỏ rơi A Phú Hãn, nhưng Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng muốn tránh đẩy Hoa Thịnh Ðốn vào thế đối đầu trực tiếp với Mạc Tư Khoa. Vì vậy, trước mắt Joe Biden dứt khoát từ chối cho phép Kyiv sử dụng vũ khí "tầm xa" do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga, dù chỉ là những mục tiêu quân sự. Hơn nữa, vào lúc mà Hoa Kỳ và Ngũ Giác Đài còn cân nhắc được thua, Tổng thống Nga hôm 25/9/2024 đã "đánh phủ đầu" bằng đòn hù dọa. Tổng thống Vladimir Putin "trịnh trọng" thông báo trên truyền hình là ông đang "xem xét lại chiến lược nguyên tử". Theo học thuyết nguyên tử mới, Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để tự vệ kể cả trong trường hợp "một cường quốc nguyên tử yểm trợ một quốc gia không có vũ khí nguyên tử" đe dọa đến an ninh của nước Nga. Đây không hơn không kém là một lời nhắn nhủ mà Vladimir Putin trực tiếp gửi đến Joe Biden trước khi Tổng thống Mỹ tiếp đồng cấp Ukraine.

Cuối cùng, có một thực tế mà Tổng thống Volodymyr Zelensky không thể chối cãi, đó là bất luận chính quyền Mỹ sau bầu cử tháng 11/2024 thuộc về ai, thì đảng Dân chủ cũng như Cộng hòa đều không muốn gây thêm thù oán với Liên bang Nga. Các đời chủ nhân Tòa Bạch Ốc đều có đầu óc thực dụng và lịch sử đã cho thấy Hoa Thịnh Ðốn có thể dễ phủi tay ngay cả với các đồng minh một khi đấy không phải là lợi ích của Hoa Kỳ.
Điểm tương đồng duy nhất Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể dễ nhận thấy trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này đó là cả ông và Tòa Bạch Ốc đều muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine. Nhưng chấm dứt cuộc xung đột đó như thế nào và hệ quả ra sao, chắc chắn đấy không phải là những ưu tiên của Hoa Thịnh Ðốn ở thời điểm này.

Nhu Cầu Về Tủ Lạnh, Máy Điều Hòa Không Khí Làm Trầm Trọng Thêm Biến Đổi Khí Hậu


(Ảnh REUTERS - Ilze Filks, minh họa: Biểu tình chống biến đổi khí hậu ở Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, ngày 19/4/2024.)
-Nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, tủ lạnh và các hệ thống làm lạnh khác đang tăng rất mạnh có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng khẩn cấp về khí hậu, do thiếu các giải pháp bền vững. Đây là cảnh báo của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Tập đoàn Tài chánh Quốc tế (IFC), cơ quan chuyên trách khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo được công bố hôm qua, 25/9/2024, bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Theo báo cáo của UNEP và IFC, tính đến năm 2050, lĩnh vực này, chủ yếu liên quan đến máy điều hòa không khí, tủ lạnh, dây chuyền giữ lạnh và xe chở hàng đông lạnh, sẽ tăng gấp 7 lần ở Phi Châu và gấp 4 lần ở Á Châu.
Trong thông cáo, Tổng Giám đốc IFC Makhtar Diop lưu ý: "Những quốc gia này đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt độ tăng cao gây những tác động chết người và đang có nhu cầu khẩn cấp về giải pháp làm mát".
Nhiệt độ tại các nước đang phát triển, thường nằm ở những khu vực thời tiết nóng nực, ngày càng tăng. Bên cạnh đó, dân số và quá trình đô thị hóa cũng gia tăng mạnh. Sự phát triển kinh tế càng khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát gia tăng. Báo cáo lưu ý lượng khí thải từ hệ thống làm mát tại những nước này chiếm đến 2/3 tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2050 sẽ tăng lên thành 80%.

Trên phạm vi toàn cầu, điều đáng nói là nhiệt độ tăng cao gây tử vong và các hệ lụy về kinh tế, trong khi việc thiếu hệ thống giữ lạnh làm hỏng vac-xin, làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và góp phần gây tổn thất sau thu hoạch, một tai họa về an ninh lương thực.
Báo cáo cho biết, lĩnh vực làm mát, vốn sử dụng nhiều năng lượng, tiêu thụ tới 20% lượng điện toàn cầu và đến năm 2050, nhu cầu này sẽ tăng gấp 3 lần.
Theo thông tấn xã AFP, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc, khẳng định làm mát là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, bà lưu ý phải tránh tạo ra "một vòng luẩn quẩn" khi giải pháp làm mát lại khiến hành tinh ngày càng nóng hơn.
Hai cơ quan UNEP và IFC tập hợp 130 đối tác thành một liên minh mang tên "Cool Coalition" nhằm thúc đẩy phát triển các giải pháp bền vững và có hiệu quả cao về năng lượng, giảm lượng khí thải. UNEP và IFC cũng kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư vào thị trường này tại các nước đang phát triển, được ước tính từ 300 tỉ Mỹ kim hiện nay sẽ tăng lên thành 600 tỉ Mỹ kim vào năm 2050. UNEP và IFC cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển các giải pháp gọi là "thụ động", chẳng hạn sử dụng vật liệu phản xạ ngược để làm mát và trồng cây để tạo bóng râm.


Pháp: Nợ Công Tiếp Tục Tăng, Dấu Hiệu Xấu Trước Ngày Thông Qua Ngân Sách


(Hình AFP / Ian Langsdon: Bộ trưởng Kinh tế Pháp Antoine Armand tới điện Matignon họp chính phủ, Paris, Pháp, ngày 23/9/2024.)
-Vài ngày trước khi chính phủ mới trình dự án ngân sách 2025, thông tin về nợ công của nước Pháp gây nhiều lo ngại. Đến cuối quý 2 năm 2024, tổng nợ công của Pháp lên tới hơn 3.200 tỉ Euro. Tin xấu này được Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) thông báo hôm 27/9/2024, trong khi cơn bão có vẻ lắng xuống trên mặt trận lạm phát, hiện đang ở mức thấp nhất từ đầu năm trở lại đây.
Nợ công của Pháp trong quý hai đã tăng 68,9 tỉ Euro. Tổng nợ công của Pháp lên tới 3.228,4 tỉ Euro, tương đương 112% tổng thu nhập quốc gia GDP. Tỷ lệ này của quý 1 là 110,5%.

Trong vòng một năm, nợ công của Pháp tăng thêm 175,2 tỉ Euro. Trước khủng hoảng đại dịch, nợ công được duy trì ở mức dưới 100% GDP, nhưng vẫn luôn vượt xa mức tối đa 60% GDP theo quy định về ngân sách của Liên Hiệp Âu Châu đối với các nước thành viên.
Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro, cũng vượt mức nợ công theo quy định một chút. Hiện trong Liên Hiệp Âu Châu, chỉ có Hy Lạp và Ý Ðại Lợi có tỷ lệ nợ công cao hơn Pháp.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách của Pháp có thể cũng vượt quá con số 6% GDP trong năm 2024, trong khi quy định của Liên Hiệp Âu Châu là không vượt quá 3%.
Năm 2023, mức thâm hụt ngân sách 5,5% GDP đã buộc nước Pháp phải vay nhiều hơn trên thị trường tài chánh với lãi suất cao để bù vào tình trạng chi nhiều hơn thu của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương và của Quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo một đánh giá ngân sách của chính phủ trước, số tiền trả lãi vay của nước Pháp sẽ phải tăng từ 46 tỉ Euro năm 2022 lên đến 72 tỉ vào năm 2027.
Chính phủ mới của Thủ tướng Michel Barnier, ra đời trong khủng hoảng chính trị trầm trọng của nước Pháp, đang bị đặt trước thách thức rất lớn là làm thế nào để lập được dự chi ngân sách 2025 trình Quốc hội vào đầu tháng 10 tới. Cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế nhắm vào các công ty lớn và người giàu, những giải pháp không chắc gì thuyết phục được Hạ viện trong bối cảnh chính phủ không có đa số, các đảng luôn luôn đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm.


Lần Đầu Tiên Nhật Bản Điều Chiến Hạm Đi Qua Eo Biển Đài Loan



(Ảnh AFP, tư liệu: Khu trục hạm Sazanami của Nhật Bản tại cảng Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 24/6/2008.)
-Hôm 26/9/2024, truyền thông Nhật Bản loan báo 1 khu trục hạm của nước này lần đầu tiên đã đi qua eo biển Đài Loan, một tuần sau khi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và 2 khu trục hạm mang phi đạn điều hướng của Trung Quốc đến gần 2 đảo của Nhật Bản.
Theo trang mạng NHK của Nhật Bản, khu trục hạm Sazanami đã đi qua eo biển này theo hướng từ Bắc xuống Nam để tham gia một cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của một khu trục hạm Nhật Bản đến eo biển Đài Loan dường như cũng nhằm nhấn mạnh đến tự do hàng hải.

Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã từ chối bình luận về thông tin này trong buổi họp báo thường lệ, với lý do đây là thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự của Nhật. Trong khi đó, nhật báo Yomiuri Shimbun, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh của chính phủ, khẳng định chính Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã ra lệnh cho chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan, bởi ông lo ngại nếu Tokyo không có hành động đáp trả vụ các chiến hạm Trung Quốc hôm 18/9 lần đầu tiên đi vào vùng biển giữa các đảo Yonaguni và Iriomote, vùng biển tiếp giáp với lãnh hải Nhật Bản và nằm gần Đài Loan, thì sẽ càng thúc đẩy Bắc Kinh làm điều tương tự. Tokyo xem việc Trung Quốc điều chiến hạm đến gần các đảo của Nhật là hành vi khiêu thích về chủ quyền lãnh thổ "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Về phía Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, hôm nay khẳng định Bắc Kinh"rất cảnh giác trước các ý đồ chính trị của Nhật Bản và đã bày tỏ sự phản đối cứng rắn với Tokyo". Xin nhắc lại, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc và cần được thu hồi, kể cả bằng vũ lực. Vì thế, Trung Quốc vẫn phản đối việc các nước cho tàu đi qua eo biển Đài Loan mà không có sự cho phép của Bắc Kinh.
Theo thông tấn xã AFP, hôm 26/9, hai tàu quân sự của New Zeland và Úc Ðại Lợi cũng đi qua eo biển Đài Loan để khẳng định "quyền tự do hàng hải". Đối với New Zeland, đây là lần đầu tiên từ 7 năm qua chính quyền Wellington cho tàu quân sự đến vùng eo biển Đài Loan.


Giới Lãnh Đạo Trung Quốc Nhìn Nhận Kinh Tế Gặp Khó Khăn


(Hình AP - Andy Wong - minh họa: Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ngày 3/3/2023.)
-Trung Quốc "cần đánh giá tình hình kinh tế hiện tại một cách toàn diện, khách quan và bình tĩnh, cần đối diện với những khó khăn và củng cố niềm tin". Trên đây là kết luận giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra tại phiên họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP trích dẫn Tân Hoa xã cho biết hôm 26/9/2024, trong phiên họp của Bộ Chính trị, các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định "những nền tảng kinh tế của đất nước không thay đổi", Trung Quốc vẫn là "một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng". Nhưng họ nhìn nhận "đã nảy sinh những tình huống mới và những vấn đề mới" đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bài tường trình của Tân Hoa Xã không nói rõ về những "vấn đề mới" đang thách thức cường quốc kinh tế số 2 thế giới.

Dù vậy kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo chế độ Bắc Kinh kêu gọi "nâng cao hiệu quả của các chính sách kinh tế, tiếp tục hạ lãi suất để đáp ứng những mối lo ngại của người dân về tình hình kinh tế và về thị trường bất động sản".
Thông tấn xã AFP lưu ý những kết luận nói trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng. Giới quan sát và đầu tư đánh giá nếu không được nhà nước hỗ trợ, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay khó mà đạt được mục tiêu 5%.
Khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc kéo dài, các chỉ số tin tưởng của các hộ gia đình và doanh nghiệp sụt giảm, tiêu thụ nội địa bị đóng băng. Cùng lúc đó, căng thẳng về địa chính trị giữa Bắc Kinh với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đe dọa ngành xuất cảng của Trung Quốc. Trung tuần tháng 10/2024 Bắc Kinh sẽ công bố kết quả tăng trưởng của quý 3/2024.


Hải Cảnh Trung Quốc Nói Tàu Phi Luật Tân Đã Tiếp Tế Cho Bãi Cỏ Mây


(Hình REUTERS: Lá cờ Phi Luật Tân trên tàu BRP Sierra Madre, một chiến hạm cũ mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân sự Phi Luật Tân trên Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp. Hải cảnh Trung Quốc hôm 27/9/2024 cho biết Phi Luật Tân đã cử một tàu dân sự vận chuyển nhu yếu phẩm đến tàu này.)
-Hôm thứ Sáu (27/9/2024), Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc cho biết Phi Luật Tân đã cử một tàu dân sự để vận chuyển nhu yếu phẩm hàng ngày đến một chiến hạm tại Bãi Cỏ Mây mà Bắc Kinh nói đã "mắc cạn" bất hợp pháp trên tuyến đường thủy đang tranh chấp ở Biển Đông.
Truyền thông nhà nước dẫn lời lực lượng Hải cảnh nói chuyến đi hôm thứ Năm phù hợp với thỏa thuận tạm thời giữa hai nước, ám chỉ đến thỏa thuận tạm thời đạt được vào tháng 7 sau khi cả hai liên tục xảy ra xung đột gần bãi cạn.
Tuy nhiên, Phi Luật Tân cho biết thỏa thuận đạt được sau nhiều lần đụng độ tại bãi cạn trong vài tháng qua có thể bị xem xét lại, sau một vụ bùng phát khác gần đây ở Biển Đông.

Tại Manila, lực lượng vũ trang Phi Luật Tân (AFP) cho biết nhiệm vụ tiếp tế cho tàu Hải quân Sierra Madre đã được lực lượng tuần duyên của nước này hỗ trợ.
Các nguồn cung cấp và nhu yếu phẩm cần thiết đã được chuyển đến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển quân đội, tuyên bố cho biết thêm, cam kết sẽ kiên trì với các nhiệm vụ của mình ở Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông), cung cấp hỗ trợ và chăm sóc đầy đủ cho quân đội đồn trú tại đó.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các yêu sách hàng hải chồng lấn của Brunei, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Việt Nam, khiến các nước láng giềng tức giận.


Miến Điện: Tập Đoàn Quân Sự Kêu Gọi Các Nhóm Vũ Trang Ngừng Chiến Để Đối Thoại


(Hình AP: Miến Điện: Lính của lực lượng thiểu số Karen thu thập vũ khí và đạn dược sau khi kiểm soát đồn ở Myawaddy. Ảnh ngày 11/3/2024.)
-Theo AFP ngày 26/9/2024, sau 3 năm lao vào cuộc chiến đầy chết chóc với các nhóm sắc tộc thiểu số ở miền bắc, chính quyền quân sự Miến Điện đã bất ngờ kêu gọi các nhóm vũ trang nổi dậy chấm dứt chiến sự và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong thông cáo hôm 26/9, chính quyền quân sự tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi các nhóm vũ trang, các nhóm nổi dậy khủng bố và các nhóm khủng bố PDF – Lực lượng Phòng vệ của Dân tộc - đang chiến đầu chống lại quốc gia, hãy từ bỏ cuộc chiến khủng bố và liên lạc với chúng tội để giải quyết các vấn đề chính trị".

Đề nghị đối thoại bất ngờ này được đưa ra sau khi quân đội chính phủ Miến Điện phải hứng chịu một loạt các thất bại quân sự lớn trước các nhóm sắc tộc nổi dậy cũ và cả những lực lượng đòi dân chủ mới hình thành sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai 2021.
Cuộc xung đột kéo dài đã làm chính quyền quân sự suy yếu nhiều về mặt quân sự cũng như về kinh tế. Cơn bão Yagi và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất, khiến chính quyền Miến Điện hồi giữa tháng này phải kêu gọi viện trợ quốc tế.

Từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Ky tháng 2/2021, chính quyền quân sự liên tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, từ nhân đạo đến an ninh, chính trị. Các phong trào phản kháng trong nước nổi lên liên kết với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số đã có từ hàng thập kỷ nay, mở rộng các cuộc tấn công chống lại chính quyền, đặc biệt ở các vùng biên giới phía bắc trong thời gian gần đây.
Miến Điện rơi vào tình trạng nội chiến thực sự. Gần 6.000 thường dân bị chết, hàng chục ngàn người bị bắt trong các cuộc đàn áp phong trào phản kháng. Theo Liên Hiệp Quốc, những tháng qua, hơn ba triệu người ở Miến Điện đã phải bỏ nhà cửa chạy khỏi các cuộc xung đột vũ trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét