Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

TÔI ĐI "Ủ TỜ " - Nguyễn Văn Linh


Theo thông cáo của chính quyền mới "giải phóng" thì tất cả các Sĩ quan, viên chức của chính phủ VNCH ở Saigon phải đến trình diện tại nhiều địa điểm khác nhau để đi "Học Tập Cải Tạo".Tôi phải trình diện trong 3 ngày 13-14-15 tháng 6 1975. Thông cáo cũng nói rõ là chỉ cần đem tiền để đóng tiền ăn và mang đồ dùng đủ xài trong vòng 1 tháng. Mới nghe qua thông cáo thì ai cũng mừng thầm, thôi thì đi "học tập" có 1 tháng chẳng bao lâu. Đến trưa ngày 15/6/75 tôi cùng bạn H.H. Quang (K2), bạn M.V. Thọ (K1) kêu xe xích lô máy chở đến trình diện tại một tòa nhà đối diện Bộ TTM, cạnh quán Bánh Bao Ông Cả Cần. Vào làm thủ tục "nhập học" và đóng tiền ăn 1 tháng rồi được hướng dẫn lên lầu ở trong 1 phòng nhỏ, tới khuya được xe đưa đến "Trường Cải Tạo" ở Làng Cô Nhi Long Thành, trên đường ra VũngTàu nhưng chưa tới Bà Rịa. 
<!>
Làng Cô Nhi LT trước đây là nơi nuôi dưỡng hơn 2000 trẻ em mồ côi. Khu làng rất rộng có 13 dãy nhà vách gạch mái tôn và một ngôi nhà biệt lập xây theo kiểu hình bát quái ở phía bên trái khi vao cổng. Cuối năm 1973 khi được tin báo của BCH/CSQG/Khu 3, là VC đã lợi dụng Làng Cô Nhi LT để làm cơ sở kinh tài và chứa chấp thanh niên trốn quân dịch nhiều năm. Họ đã tổ chức gác cửa và lập các chòi canh xung quanh làng không cho bất cứ ai được vào làng.Vì thế BTL/CSQG/Khối Điều Hành đã xin phép Bộ Nội Vụ đưa 3 Đại Đội CSDC của BD222 lên bao vây LCN để giải tỏa. Khi thấy CSDC đến bao quanh họ cho đốt tất cả các chòi canh ở xung quanh làng, đồng thời đánh kẻng, đánh chuông, đánh trống la inh ỏi như bị cướp đến làm hại trẻ em mồ côi.
Thế là Trung Đội võ thuật của CSDC liền yểm trợ cho Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc BCH/CSQG/Biên Hòa tiến vào làng để kiểm soát và thanh lọc. Một cán bộ VC tên Tư Sự và đồng bọn bị bắt đem nhốt ở khám Chí Hòa. Số thanh niên trốn quân dịch được đưa đi làm nhiệm vụ của họ.Số trẻ em mồ côi được Bộ Nội Vụ chuyển đi nơi khác để tiếp tục nuôi dưỡng. Đêm đó tôi cùng Đại Tá Quý, Trưởng Khối của tôi cũng có mặt ở BCH/CSQG/ Khu 3 từ 10 giờ đêm tới 3 giờ sáng để theo dõi diễn tiến cuộc HQ giải tỏa nầy và về trình Tư Lệnh kết quả nội vụ vào lúc 8 giờ sáng hôm sau đó. Làng Cô Nhi LT được bỏ trống từ dạo đó. Đến tháng 6 năm 1975 mới có hơn 3000 anh chị em Sĩ quan CSQG, Viên chức hành chánh ở các Phủ, Bộ, Dân Biểu, Nghị sĩ... được đưa vào đây "Học Tập Cải Tạo" và lấy tên là "Trường Cải Tạo Số 15NV".

Khi vào làng CNLT tháng đầu chỉ đi dạo chơi,trò chuyện cùng bạn bè, lớp thì đánh cờ tướng, đánh banh v.v..Mỗi người được phát 1 chiếc chiếu để nằm trên nền gạch, việc ăn uống được nhà thầu ChợLớn lo vì mọi người đã đóng tiền ăn. Ai có tiền thì mua thêm kẹo bánh, nước tương, xì dầu, đậu phọng... kể cả thuốc lá cũng có bán ở Câu lạc bộ do Tư Sự ở Khám Chí Hòa ra tiếp tục kinh doanh. Một hôm tôi và K2 Nguyễn văn Tư (CHT/CSQG/ Phước Long) đi lang thang trong vòng thành của làng CN có gặp K2 Trần Ngọc Ánh và K3 Lê Bửu Hừng đang lom khom rào kẽm gai quanh chỗ chúng tôi đang ở. Ánh và Hừng bị VC bắt ở Phước Long và đang là tù binh của VC lúc đó. Hết 1 tháng rồi mà chả có học tập gì cả. Có anh nói mình đi ngày nào thì về ngày đó khi đúng 1 tháng. Có người nói mình đi ban đêm thì về ban đêm. Rồi qua tới ngày 15/7 một anh nói đêm nay mà mình không về thì "mút chỉ cà tha" rồi. Sáng hôm sau khi gặp cán bộ anh em chạy lại hỏi thì cán bộ nói: "Các anh chưa học tập gì cả mà sao về được!" Có người hỏi vậy còn tiền ăn có đâu mà đóng tháng tới. Cán bộ trả lời: "Thì nhà nước nuôi các anh lo gì."
Lúc đó mới "tá hỏa" và biết mình nghe mà không hiểu ý thông cáo của chính quyền "giải phóng".Sau 3 tuần nữa mới được luân phiên lên Hội Trường để học tập. Bài học ít lắm chỉ có 7 bài thôi do cán bộ từ ngoài Bắc vào thuyết giảng. Sau mỗi bài học phải về viết bảng khai báo lý lịch 3 đời, đã giết bao nhiêu cán bộ Cách mạng, đã làm gì có lợi cho Mỹ-Ngụy và làm gì có hại cho CM trước đây. Cứ khai hoài không biết bao nhiêu lần mà cứ bảo các anh chưa thành thật khai báo làm sao tiến bộ để được nhà nước khoan hồng cho về đoàn tựu với gia đình. Sau khi học hết 7 bài rồi thì bắt đầu đi lao động. Đến cuối năm, Tết VN sắp đến thì được trại cho phép viết thơ về gia đình để cho thân nhân đến thăm gặp lần đầu tiên sau gần 1 năm biệt tích.Qua Tết anh em chúng tôi lần lượt được chuyển ra Bắc. Trước khi ra Bắc phải xuống trai giam ở Thủ Đức. Lúc di chuyển xuống trại giam TĐ vào nửa đêm, tôi ngồi chen chúc với nhiều người, khi xe chưa chạy thì thấy có 2 anh công an cầm súng dài đứng dưới phía sau xe, 1 anh công an khác đi vào trong xe đem theo 1 xâu còng số 8 đến còng tay 2 người từng cặp một ngồi sát bên nhau.1 anh "học viên" la inh ỏi lên: Ối, Ối... ai còng tay tôi, ai còng tay tôi và khóc thê thảm, vì anh ngồi khuất sau các bạn khác đang đứng mà không thấy mặt anh công an đang bấm còng. Đến TĐ mới biết mình bị "Ủ TỜ" vì có phòng giam kiên cố, cửa có song sắt và mỗi chiều phải tập hợp để công an điểm số vào buồng giam khóa cửa lại hẳn hòi không giống như ở làng Cô Nhi LT.

Sau 1 tháng ở trại giam TĐ, một đêm nọ chúng tôi lại được còng tay đưa xuống bến Tân Cảng Saigon để lên tàu Hồng Hà ra khơi. Tàu Hồng Hà là một loại tàu chở hàng có 3 hầm, mỗi hầm chứa được 800 người ngồi chen chúc nhau dưới đáy sàn tàu. Các tù nhân được mở còng ra rồi đi xuống hầm tàu bằng 1 cái thang xong họ rút thang lên. Bọn tù chúng tôi như ếch ngồi dưới đáy giếng, nhìn lên chỉ thấy toàn là mây trời vì tàu không có mui. Ngày đầu tàu chạy không thấy gì, đến ngày thứ hai mọi người đều bị say sóng ngã gục lên gục xuống, có người bị ói mữa nhứt là mấy người lớn tuổi trông thấy tội nghiệp quá, vì lúc đó mình còn trẻ khô, chỉ có 33 tuổi tây. Sau 3 ngày đêm tàu đến đậu ở bến cảng Hải Phòng lúc 3 giờ sáng. Đến 7 giờ sáng thì được bắc thang lên bờ ngồi chồm hổm trên bãi cát để nghe đọc nội qui di chuyển và có đông công an mặc đồ màu rêu xanh đứng quanh đợi sẵn. Khi lên xe tù nhân chúng tôi lại "được" còng tay từng cặp như trước để chuyển đi. Qua Bắc Hải Phòng và chạy thẳng đến một trại tù ở giữa rừng núi Quãng Ninh. Trại tù nầy có lâu đời, có vách tường mái ngói, song sắt rất kiên cố. Trại nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, chung quanh bao bọc bởi bờ tường cao. Ngoài xa hơn là những ngọn núi đồi với nhiều cây xanh rậm rạp.
6 tháng đầu ở Quãng Ninh được học tập và khai báo giống như ở làng Cô Nhi Long Thành. 1 tháng được ra ngoài để lao động gọi là "Lao Động Bồi Dưỡng". Khi học tập xong thì một số người được chuyển sang các trại khác. Số người còn lại thì ra lao động hàng ngày, hàng tháng, hàng năm để tiến bộ được cả hai mặt: học tập và lao động. Lúc đó văn võ kiêm toàn thì mới "ra trường" được. Tôi ở trong Đội được phân công đan các sọt đựng rác bằng tre nứa do tù hình sự lấy trong rừng đem về tận sân buồng giam để làm. Có ngày cả đội đi gánh phân bò ở các chuồng bò trong rừng đem về cho các đội khác trồng rau. Khi đi qua các con suối có nước lên đến đầu gối đôi khi làm "Thợ gánh phân" phải té lên té xuống khi phân thấm nước làm nặng thêm. Còn việc chuyển phân của tù nhân từ các buồng giam thì được tù hình sự phụ trách, chúng tôi chỉ luân phiên mỗi ngày 2 người chun dưới hầm cầu ở sau buồng giam, nín thở rồi bưng 2 sọt đựng phân có lót rơm ra cửa cho tù hình sự dùng xe "cải tiến" đẩy phân ra rẩy tưới rau cải mỗi ngày. Mỗi buổi chiều được tù hình sự mang cơm đến trước sân, anh em xúm lại chia phần. Ai ăn thì cứ ăn, tôi thì thường mang cơm vào buồng giam đợi đến khi cán bộ đến điểm số để vào buồng khóa lại thì mới lấy cơm ra ăn ngồi ngay chỗ nằm có cửa sổ nhìn qua song sắt. Ngoài kia núi rừng, mặt trời vừa lặn, cảnh vật điều hiu. Xa xa có tiếng chim rừng luôn kêu "Hồ Hởi,Hồ Hởi" nghe mà trong lòng buồn muốn chết, có hồ hởi khỉ khô gì đâu mà chim nó cứ kêu hồ hởi mãi. Lúc nầy là không còn hy vọng ngày về. Miền Nam, nhà cửa, vợ con, cha mẹ... đều xa lắc xa lơ. Mình đang ở miền Bắc, một tỉnh sát liền biên giới Trung Cộng, núi rừng lạ quắc lạ quơ đâu phải quê mình. Mỗi chiều đi lao động về, cởi áo quần lao động ra tắm giặt thì vài con "vắt" đeo trên chân, trên ngực, cắn no tròn làm nhiều người nhẩy dựng, la hét vì trước nay chưa từng gặp con vắt. Vắt là loại giống như con "đĩa" ở miền Nam sống ở dưới nước của các ao hồ hay đồng ruộng. Còn con vắt ở miền Bắc thì sống trên bờ, ở các bụi cỏ thấp, khi gặp người hay trâu bò đi ngang qua là nó nhảy vào cắn hút máu để sống. Nó cắn không thấy đau nên mình không phát hiện ngay khi nó bám vào da thịt của mình. "Ủ TỜ" ở Bắc tù nhân phải đi lao động luôn, người tù ăn uống thiếu thốn, máu cũng không có dư, mà con vắt nó lại đói và cần máu để sống, người tù miền Nam đành phải chịu vậy thôi, vì một khi mình đói lại có loài vật đói hơn mình, cần được giúp đỡ trong cơn hoạn nạn.

Lúc ở buồng giam số 6, một ngày chiều chúa nhựt cả Đội được nghỉ. Anh Đội Trưởng họ Lâm bên CSQG phe ta, kêu tôi và 2 bạn khác nữa đi ra ngoài để đan mấy cái sọt đựng phân cho trại theo lệnh của cán bộ. Tôi giả vờ không nghe vì trong buồng giam đang ồn ào. Ngày hôm sau anh hợp đội để kiểm điểm buổi tối sau khi vào buồng giam. Anh nói có người còn "cứng đầu" hôm qua cán bộ kêu đi đan sọt đựng rác mà không đi. Nếu anh có đọc được bài viết nầy, nay tôi xin lỗi "trễ" với anh, vì
lúc đó tôi mê coi đánh cờ tướng mà không nghe lệnh của anh. Vả lại anh kêu tôi đi làm vào chiều Chúa Nhựt, tù được nghỉ, mà anh hay trại không có trả tiền OVERTIME!!!
Khi ở Quãng Ninh tôi cũng có nghe nhiều tin đồn: nào là ra Bắc "ủ tờ" thì không có ngày về, mà phải định cư luôn dọc theo 2 bên bờ sông Hồng. Nhà nước sẽ xây cất những dãy nhà gần nhau trên đồng bằng coi như những xóm làng dành riêng cho tù ở miền Nam ra ở. Vợ con của tù lần lượt ra ở đó luôn, không cho trở về sống ở miền Nam, vì sợ cho họ trở lại đất cũ nhà xưa dễ dàng phản loạn nhà nước khó kiểm soát được. Lúc đó thất vọng quá, may gặp anh bạn N.H.Ph. gốc quân đội biệt phái CSQG, anh thường cho tôi biết những tin tức Quốc Tế và VN, hoặc có những tin tức liên quan đến số phận của tù miền Nam. Có những cuộc họp sơ khởi giữa Mỹ và VN để đưa tù cải tạo ra đi, Mỹ sẽ bồi hoàn tiền cho VN. Nghe tin hấp dẫn quá nên tôi cũng một phần an tâm hơn. Rồi tiếp theo sau đó anh cho tôi biết là mình chắc phải dời đi nơi khác vì Trung Quốc và VN sắp đánh nhau ở dọc biên giới. Anh em chúng tôi chuẩn bị tinh thần chờ xem.
Một đêm nọ nhiều xe đến trại và công an đến mở cửa buồng giam bảo chúng tôi sẵn sàng ra xe để chuyển trại. Đoàn xe di chuyển về phía Nam ngang qua Phủ Lý Nam Định xe chạy luôn đến sông Hồng đậu lại để chờ qua bắc sông Hồng.Người dân miền Bắc đến đứng bên đường gần đoàn xe để xem. Có người nói "giặc Tàu bị bắt" ở biên giới, nhiều người không nói gì mà chỉ đứng xem. Chúng tôi được công an đứng phía sau xe canh giữ, hai người bị còng tay từng cặp không cho nói chuyện. Quá khát nước, một anh bạn nhờ công an vào nhà dân để xin 1 lon nước nhưng công an nó không chịu. Thế là đành nhịn khát cho đến 10 giờ đêm hôm đó khi về tới trại tù Thanh Hóa. Đoàn xe di chuyển vào tận núi Lam Sơn nơi anh hùng Lê Lợi trú đóng quân ngày xửa ngày xưa. Chúng tôi được đưa vào Trại Cải Tạo số 5/Phân trại B. Phân trại B nầy có các buồng giam đều là mái tranh, vách đất. Đêm hôm đó mấy con rận rệp sống dưới sàn gỗ mụt nát, có nhiều lổ nhỏ, bò lên ăn tiệc no nê, vì trại chưa kịp dọn dẹp và phát chiếu cho tù nhân trải ngủ. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đồng bằng trồng lúa, khí hậu nóng, các buồng giam có giếng nước đào ở ngoài và dùng gào có dây thẩy xuống kéo nước lên tắm rửa mà nhiều người xài tạo vũng lầy quanh miệng giếng dơ dáy thêm. Ăn uống thì độn bo bo còn nguyên võ nên ăn vào nó ra cũng còn nguyên hình hạt bo bo không tiêu thụ được, sức khỏe anh em tù nhân xuống cấp thê thảm. Đồng loạt cả trại tù nhân miền Nam đều tuyệt thực. Khi tù hình sự khiêng cơm tới cửa buồng giam không ai ra nhận. Khi cán bộ đến kêu ra tập họp đi lao động thì mọi người cùng nằm dài tại chỗ không đi đâu hết. Những tấm giấy trắng được viết và đeo trước ngực của một vài anh có nội dung như sau: "Chúng tôi không ăn thức ăn của gia súc" lên ngồi trên Hội Trường giống như thầy tu ngồi trước bàn thờ Phật. Vì sợ tù nổi loạn trại đem cả tiểu đoàn lính vc đến canh phòng vòng đai của trại. Xung quanh trại không có bờ tường mà được trồng tre gai để làm hàng rào. Thấy không thuyết phục được tù đã tuyệt thực 3 ngày qua nên họ ra lệnh cho tất cả anh em chúng tôi phải di chuyển qua phân trại C ở cách đó chừng 4km. Chúng tôi phải gồng gánh đồ đạc đi bộ dưới sự kiểm tra dọc theo 2 bên đường của Tiểu đoàn lính VC đến tăng cường 2 hôm trước. Phân trại C có 3 dãy nhà xây tường gạch mái ngói dành cho chúng tôi đến ở, còn các dãy nhà tranh khác dành cho tù hình sự. Đến trại C rồi thì công an đến buồng giam kêu 3 anh: Chí (Quốc Gia Hành Chánh), Tiệp (CSQG), Lạc (Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo) lên văn phòng để thẩm vấn, hỏi han về nguyên nhân tuyệt thực từ bên phân trại B, nhưng đến tối cũng không thấy 3 anh trở về buồng giam, anh em lo sợ là 3 anh đã bị thủ tiêu ở ngoài núi gần trại nên đồng loạt kêu la ở khắp cả buồng giam: Yêu cầu trả lại Chí, Tiệp, Lạc và tiếp tục tuyệt thực nữa. 

Đêm ngày cứ la đòi trả 3 anh lại và vỗ tay hát bài ca "Cờ Bay, Cờ Bay" giống như QL/VNCH sau khi chiếm lại Cổ Thành Quãng Trị năm xưa. Tất cả các buồng giam bị khóa cửa, công an cầm súng dài đi tuần tra bên ngoài. Lúc 7 giờ tối khi anh em đang ca hát vỗ tay với lời kêu lớn xin trả lại 3 anh Chí, Tiệp, Lạc thì anh N.H.Ph. vào mùng vẩy tay kêu tôi vào nằm cạnh anh, rồi anh áp sát cái Radio nhỏ vào tai tôi để cho nghe tin tức từ đài BBC. Khi đó tôi mới biết chính cái Radio nầy mà anh mới có được những tin tức quan trọng để cho tôi biết từ ngày còn ở trại tù Quãng Ninh.
Sau 4 ngày tuyệt thực ở phân trại C bị đói meo, ai có gì thì ăn nấy để sống, trại nó không mang cơm tới nữa. Vì có sự trợ giúp của một số ít cây "ăng ten người" nên buổi sáng sau đó, trại đem nhiều công an tới từng buồng giam để bắt còng tay dẫn đi thêm hơn 50 anh em nữa, đưa về phân trại B nơi đó đã có 3 anh Chí, Tiệp, Lạc bị cùm từ 4 ngày trước. Sau đó họ bắt chúng tôi phải ký tên vào một cái đơn do trại làm sẵn: Đơn Xin Ăn Cơm. Tất cả mọi người đều phải ký tên mới có cơm mà ăn, không thì cho nhịn đói tàn đời luôn. Một vài anh bị khủng hoảng tinh thần, có khi chạy la hét giống như người điên hay bị ma nhập. Nhiều tin tức dồn dập trong buồng giam, nào là Tàu Cộng đánh VN, Việt Nam đánh Tàu Cộng ở biên giới gây nhiều chết chóc đau thương. Cái Radio của anh Ph. là nguồn sống tinh thần của một số anh em chúng tôi lúc đó. Một hôm tôi bị cảm không đi lao động, nằm ở từng trên của buồng giam có một mình. Anh trưởng "Ban Thi Đua" mà tôi thường nói với các bạn thân là "Ban Thua Đi" đến và nhảy lên nằm kế bên tôi để hỏi thăm bịnh tình của tôi và nói chuyện ngoài đời. Tôi mới hỏi về gia đình vợ con anh hiện nay ở đâu? Anh nói tụi nó đang ở bên Pháp. Tôi nói nếu sau nầy mà mình bị "trục xuất" ra nước ngoài thì anh "Trúng Tủ" là cái chắc. Khi nghe tôi nói, anh Trưởng "Ban Thua Đi" liền ngồi dậy, bước xuống đất bỏ đi. Mấy ngày hôm sau khi lên Hội Trường để kiểm điểm 1 anh phe ta về 1 hành động gì đó tôi quên mất. Anh bị kiểm điểm ra đứng trước cả số đông bạn tù ngồi ở dưới thì anh trưởng "Ban Thua Đi" lên đọc bảng "Cáo Trạng". Trong bảng cáo trạng, ngoài việc phê bình kiểm điểm anh bạn đang đứng ở trên, anhTrưởng BanThua Đi còn nói thêm là trong trại nầy "còn có người có tư tưởng Vọng Ngoại", tức là anh nói tôi chớ không ai khác. Tôi nghĩ anh Trưởng Ban Thua Đi nói quá xá đúng nhưng không dám vỗ tay, vì lúc đó cả trại đều có tư tưởng Vọng Ngoại, nhưng không dám nói ra kể cả chính anh, vì vợ con anh sẵn sàng chờ đợi anh ở bên Pháp. Riêng anh bị kiểm điểm thì đứng đầu ngã qua ngã lại, mặt mếu máo, đái ướt cả quần, nước tiểu chảy xuống đất trước mặt mọi người, làm như anh bị điên lên. 

Một hôm khác công an đến kiểm tra công tư trang của tù trong buồng giam của chúng tôi, để chuyển một số anh đi buồng khác và một vài anh khác đến buồng giam của chúng tôi. Khi dọn đồ đạc đồ dùng cá nhân ra sân cho công an xét thì anh Ph. (Người có cái Radio) là người đầu tiên được gọi bước lên hàng hiên của buồng để kiểm soát. Họ bắt anh Ph. đứng chống 2 tay vào vách tường, đưa từng chân một lên để họ kiểm tra dưới dép, lục lạo trong túi áo. Anh Ph. đã bỏ cái Radio trong túi áo lạnh Field Jacket CSDC đem treo áo ngoài dây kẽm dùng để phơi quần áo cho tù cạnh đó. Khám xét anh Ph. xong họ không thấy gì cả họ kêu anh Ph. dọn đồ đạc vào buồng giam. Các anh em tù còn lại không phải lên hàng hiên như anh Ph. mà được xét đồ tại chỗ ngồi ở ngoài sân. Lợi dụng lúc mọi người lo sắp xếp đồ đạc của mình và công an đang lo làm nhiệm vụ của họ thì anh họ Tạ (Nha An Ninh Cảnh Lực/BTL/CSQG) đến cầm cái áo có cái Radio của anh PH. đang treo ở dây phơi quần áo đem treo vào cửa sổ có song sắt. Anh Ph. ở trong buồng giam kéo cái áo của anh vào buồng. Thế là cái Radio của anh Ph. đã theo chủ vào buồng giam mà công an không hay biết gì cả.Tôi nhìn thấy diễn tiến nội vụ mà hồi hộp lo sợ. Nếu công an nó bắt gặp thì "Nhà Đá" không tha cho anh Ph. và những bạn có liên quan bảo vệ cái Radio cũng bị "Nhà Đá" mời vô luôn. Thật quá may mắn cho phe ta lúc nầy. Lúc trước khi xài hết pin thì anh Ph. phải nhờ mấy cục pin của anh Sơn (Khối Nhân Viên/BTL/CSQG). Anh Sơn bị điếc tai nên đi ở tù có mang theo máy trợ thính, mà trại lại thu giữ máy trợ thính của anh Sơn vì sợ anh Sơn dùng máy trợ thính để nghe tin tức báo cáo cho CIA. Khi xài hết pin
của anh Sơn, anh Ph.phải dùng cái bánh bột luộc dẹp phát cho tù ăn sáng đi lao động để đổi lấy 1 cục pin của mấy anh tù gốc Miên để nghe tiếp tin tức.Đến khi không còn tìm đâu ra pin nữa thì anh Ph. đem cái Radio ra chôn dưới chân núi Lam Sơn chỗ anh đang vác đá bên cạnh lò gạch. Núi Lam Sơn là nơi được anh hùng Lê Lợi rút quân về đây trú đóng khi quân Tàu quá mạnh. Sau nầy vì mấy cây "Ăng ten người" và "Ban Thua Đi" của trại bám sát quá nên chiếcRadio nó biết chui xuống đất ở chân núi Lam Sơn để lánh nạn. Chiếc Radio nó biết theo gương người Anh Hùng của dân tộc ViệtNam.
Ngoài 3 anh Chí, Tiệp, Lạc, một số hơn 50 anh em bị bắt lần thứ nhì để chuyển qua phân trại B sau nầy cũng được chuyển về phân trại C trở lại để tiếp tục lao động "cải tạo". Theo lời kể lại của anh Tiệp thì chỉ còn anh và anh Lạc, trại nói 2 anh còn yếu sức chưa có thể đi lao động được nên ở lại buồng giam nghỉ ngơi và trại sẽ chích thuốc bổ bồi dưỡng, khi cơ thể khỏe lại sẽ ra lao động sau. Mỗi anh xuống trạm xá chích thuốc một ngày nghỉ 1 ngày. Trạm xá cũng luân phiên người trực.

Một ngày do anh Bác Sĩ cùng đi tù chung xuống làm việc, ngày sau do 1 anh tù hình sự làm, có lẻ đây là nghề y tá chuyên môn của anh khi ở ngoài đời thường. Anh Lạc đến chích thuốc nhằm ngày anh Bác Sĩ phe ta phụ trách, còn anh Tiệp được anh tù hình sự chích.Anh tù hình sự nầy trước đây bị kỷ luật cùm chung với anh Tiệp trong nhà đá nên hai anh rất thân thiện và thông cảm nhau, vì 2 người cùng cảnh ngộ gông cùm. Anh tù hình sự mới nói nhỏ với anh Tiệp là tôi khuyên anh đừng nên chích thuốc nầy, vì trong 10 mũi thuốc bổ nầy có 1 mũi thuốc độc ở trong, anh nên ký tên vào sổ mỗi khi đến trạm xá, coi như đã chích thuốc, anh tù hình sự đem thuốc đi chôn giấu dưới đất để trại không biết. Anh Lạc sau khi được anh Bác Sĩ phe ta chích hết 10 mũi thuốc thì sức khỏe lần lần đi xuống rồi chết luôn ở phân trại B. Còn anh Tiệp thì không hề hấn gì vì đâu có chích mũi thuốc nào đâu mà chết. Thế là anh tù hình sự đã giúp đỡ và cứu mạng anh. Thật quá may mắn !!!
Đến đầu năm 1982, một số anh em cùng trại được chuyển qua Nam Hà và các trại khác cũng ở trên miền Bắc. Một số đông anh em được chuyển về miền Nam. Phân trại C chỉ còn lại chừng 100 đến 120 người trong đó có tôi. Thấy không được chuyển về Nam, tôi nghĩ chắc "tiêu tùng" rồi. Đêm đêm tôi bị mất ngủ,lo suy nghĩ không biết cuộc đời "Ủ TỜ" của mình rồi sẽ ra sao? Nhớ lại tin đồn lúc trước là mình sẽ ở lại luôn trên 2 bờ sông Hồng-Hà thì không lẽ như vậy, hay là mình được đi thẳng qua Mỹ bằng phi cơ ở một phi trường trên đất Bắc không cần vào Nam? Nếu ở luôn trên đất Bắc thì chỉ biết mỗi ngày phải vác cuốc ra đồng, lang thang hát bài "Bác cùng chúng cháu...trồng rau..." và cũng không thể sống thọ đến ngày hôm nay đã hơn 47 tuổi tây đọc ngược lại. Nếu may mắn còn sống sót thì chắc chắn cũng quên hết giọng nói chính gốc của dân NamKỳ của mình, mà sẽ đổi giọng nói như thế nầy: "Ối Giời Ơi, Thế Lầy Nà Thế Lào?" Khi nhớ lại thông cáo lúc trước của chính quyền "Giải Phóng" kêu gọi đi "Học Tập Cải Tạo" trong vòng 1 tháng mà nay biết bao nhiêu tháng rồi mà vẫn còn ở đây?

Sau thời gian ra Bắc "Cải Tạo" tôi mới biết và hiểu rõ thế nào là "Cải Tạo" và hai chữ "Cải Tạo" hay "Ủ TỜ" hoặc "Ở TÙ" không có gì khác nhau. Tôi cũng biết thêm về các trại tù của nhà nước XHCN/VN luôn luôn có kế hoạch giữ vững được kinh tế của trại, vì họ biết dùng sức lao động của tù nhân, họ biết tận dụng "phân" của tù nhân đem pha trộn với nước để tưới rau cải cho xanh tốt rồi thu hoạch rau cải đó đem về cho tù ăn, vừa tiết kiệm được tiền mà kế hoạch canh tác luôn luôn bền vững không sợ thất mùa! Khi ra Bắc "ủ tờ" đã có 1 số tù nhân phe ta bị tử vong vì bệnh hoạn, già yếu, sức khỏe không cho phép tiếp tục lao động khổ sai với thời gian vô hạn định. Những người đã vĩnh viễn ra đi trong trại tù mà tôi còn nhớ một ít người như: Anh Quách Trung Chánh (Học Viện CSQG), bạn Vũ văn Nghi K3 (Phụng Hoàng BTL/CSQG), bác Bùi Hiền Tôn (Nha CSQG Đô Thành) là cha của K2 Bùi Hiền Danh, anh Lương văn Bê (Khối HQ/BTL/CSQG), anh Long (KHQ), anh Lạc (Phủ Đặc Ủy TU7TB), anh Uông Kim Cho (Kampuchia)... 

Phân trại C của trại Cải Tạo số 5 Thanh Hóa luôn tiết kiệm được "Hòm" để chôn tù nhân khi họ qua đời. Cả phân trại C chỉ có 1 cái "Hòm" không đáy. Mỗi khi có tù nhân chết thì họ để 1 miếng ván lót dưới đáy hòm vào, rồi bỏ xác chết vào hòm, khiêng ra tới huyệt đào sẵn, đặt hòm trên huyệt rồi rút tấm ván lót dưới đáy hòm ra để thân xác chết rơi xuống huyệt, lấp đất lại chôn, còn cái hòm thì khiêng về trại để đó, chờ khi nào có tù nhân chết nữa thì cứ vậy mà làm. Chỉ có 1 cái hòm mà chôn không biết bao nhiêu tù nhân chết trong trại. Mồ mã thì được chôn trên 1 ngọn đồi thấp có tên là "Đồi Xã". Mồ mã không có mộ bia mà được đánh số thứ tự trong 1 sơ đồ do trại thiết lập. Khi thân nhân đến viếng mộ thì cán bộ trại cầm theo cái sơ đồ ra đồi Xã đi lòng vòng để đếm số thứ tự ghi trong sơ đồ rồi chỉ cho thân nhân: mộ nầy.Cán bộ đi về trại,thân nhân ở đó mặc sức mà đốt nhang, khấn vái, khóc than, thật quá thê thảm !!! Trong thời gian ở Phân trại C, tôi nằm trong Đội làm đất, đóng gạch gần đó nên thường xuyên theo dõi và thấy tù hình sự khiêng hòm ra đồi Xã rồi lại khiêng hòm về trại. Thân nhân khi vào trại thăm nuôi tù nhân thì được cán bộ nữ dẫn ra thăm mộ ở đồi Xã vì tù nhân đã qua đời mà thân nhân không hay biết gì. Một hôm đang sắp gạch đã được nung chín mà cứ theo dõi đám ma của tù hình sự, một cục gạch từ trên cao rớt xuống làm mất nguyên móng chân cái, không đi được phải nghỉ 5 ngày và đi cà nhắc. Nay đã có móng chân mới thay thế mà dày cộm xem không giống ai. Đó là thành tích của lao động là vinh quang, lang thang thì không có gì hết !!!

Chính sách "Cải Tạo" hay "ủ tờ" cũng đã làm cho biết bao gia đình tan nát, phân ly: con mất cha, vợ mất chồng và chồng mất vợ. Chúng ta cũng thật là nể trọng, khen ngợi và ca tụng các bà vợ đã thay chồng nuôi dạy con cái và thăm nuôi chồng đang trong cảnh tù tội khổ đau. Có nhiều bà vợ đã lặn lội thân cò đi thăm chồng đang bị giam cầm ở tận miền Bắc trong rừng núi xa xôi. Đây là một tấm gương thật tốt đẹp cho người đàn bà Việt Nam trong cuộc đổi đời đầy gian truân khổ ải.
Ngược lại, sự thủy chung của một số ít vợ chồng không còn được trọn vẹn như chuyện "Đồi Thông Hai Mộ" ở Đà Lạt năm xưa. Chuyện kể lại sự thủy chung giữa một anh Sinh Viên Võ Bị Đà Lạt khi ra trường phải đi chinh chiến ở miền xa. Người tình sau nhiều năm chờ đợi không thấy tin tức gì, nàng tưởng rằng người yêu đã tử trận ngoài chiến tuyến nên đành quyên sinh để giữ trọn lời thề. Thân xác nàng được chôn cất bên bờ hồ Than Thở, chỗ mà hai người thường hẹn hò gặp nhau, có thông reo bóng mát, mỗi cuối tuần khi anh SVVB ra phép. Lâu ngày khi được về phép anh sĩ quan Võ Bị Đà Lạt vội vã trở lại Đà Lạt để thăm người yêu thì chỉ còn thấy mộ nàng. Anh Sĩ Quan Võ Bị chỉ còn biết thắp hương khấn vái và xin lỗi nàng, vì mình quá bận rộn việc nước non và xin hẹn gặp lại nhau nơi miền Vĩnh Cửu. Sau nầy khi trở lại chiến trường không may anh bị tử thương ngoài mặt trận.Thân xác của anh cũng được thân nhân mang đến chôn cất bên cạnh mộ người yêu. Thế là hai người vẫn giữ được thủy chung cho đến cuối cuộc đời và ở nơi miền vĩnh cửu nữa. 

Còn chuyện anh em sĩ quan, viên chức của chính phủ VNCH bị đày đi "Ủ Tờ" thì 1 số ít bà vợ ở nhà cũng mỏi mòn trông đợi mà ngày về của chồng xa lắc xa lơ nên đành cất bước sang ngang vì một lý do nào đó. Một số ít bà được ra nước ngoài rồi cũng chuyển qua "Thuyền khác" vì thuyền cũ còn mắc kẹt trong tù Cộng sản. Khi chồng được ra tù CS anh vội vàng đi sang tìm vợ con thì vợ anh không cho anh vào sống chung vì bà đã có chồng khác. 1 vài trường hợp khi mới qua Mỹ tôi cũng có gặp đó là khi vượt biên, 1 ông có vợ còn kẹt ở VN gặp 1 bà có chồng còn kẹt trong lao tù CS. Họ gặp nhau trên đảo tị nạn, nên mới làm 1 cái "Hợp Đồng" để sống chung và có chỗ nương tựa nhau ở nơi xứ lạ quê người. Đến khi nào vợ hoặc chồng đôi bên ở VN qua thì hợp đồng đó hết hạn và họ sẽ trở về sống với vợ hay chồng của mình. Có trường hợp chồng hay vợ qua tới thì 1 trong 2 người không chịu hủy bỏ hợp đồng, vì thấy người vợ hay chồng mới sang đã "Lỗi Thời" không còn "thích ứng" để sống chung với họ được. Thế là người "Bạn Đời" trước đây chỉ là bạn "Tạm Thời" thôi. Anh hay chị phải đi chỗ khác chơi! Tệ hại hơn nữa, có 1 bà không cho chồng của mình vô nhà ở khi anh ra trại tù Cộng sản, vì trong nhà cũ của anh đã có 1 anh cán bộ VC vào thế chỗ. Trước khi đi "ủ tờ" anh đã có 2 đứa con. Nay bà vợ cũng tạo được 2 con cho anh chồng cán bộ thế chỗ của anh khi anh đi tù CS. Thế là anh phải xách gói ra ngoài trại cưa để sống qua ngày. Sau đó anh và 2 con của anh được đi Mỹ theo diện HO.Bà vợ ở lại với chồng cán bộ và 2 con mới của bà. Mấy năm sau đó bà ta cũng muốn đi Mỹ nên 2 con của anh phải bảo lãnh cho mẹ nó sang. Mấy ngày đầu đến sum họp cùng chồng cũ và 2 con, anh bỏ ra ngoài phòng khách ngủ, nhường cho bà vợ vào ngủ phòng của anh. Sau nhiều ngày lạnh lẽo, nhứt là mùa đông, bà vợ ra nắm tay ông chồng cũ dẫn vào phòng để "Nối lại tình xưa". Anh chồng cũ cũng lịch sự bèn "Tuân Lệnh" của bà. Qua được Mỹ rồi mỗi năm bà lại về VN để thăm anh chồng cán bộ và 2 con sau của bà cho được "công bình". Thật quá hay, vì bà biết cách đối xử rất tốt với chồng con, chồng nào cũng là chồng, con nào cũng là con của mình! Tiếp tục bà lo bảo lãnh 2 con sau của bà được qua Mỹ sum họp mẹ con. Rồi bà sẽ bảo lãnh ông chồng cán bộ qua thế chỗ anh chồng cũ. Anh chồng cán bộ khi qua Mỹ sẽ không bị trả thù, không bị đuổi ra sống ở trại cưa như ở VN, vì anh chồng cũ đã qua đời rồi. Nếu anh chồng cũ còn sống thì khi ra sân đá banh để tranh tài thì bà vợ sẽ đứng giữa tay mặt cặp cổ ông chồng cũ, tay trái cặp cổ anh chồng cán bộ, còn 2 con của ai thì sắp hàng sau lưng của cha nó.Lúc cuộc đấu bắt đầu thì 2 ông chồng sẽ giữ 2 "Gôn", bà làm trọng tài, mỗi đội banh có 2 cầu thủ sẽ quyết liệt tranh tài. Đội nào thắng bà sẽ cho phần thưởng, đội nào thua cũng không bị phạt, vì các cầu thủ đều là con của bà và 2 thủ môn cũng là chồng của bà,ai nở lòng nào mà phạt cho đành! Các bạn thấy không, bà rất tình cảm và biết cách đối xử rất tốt đẹp với đại gia đình của bà.Kế hoạch sau cùng là bà sẽ chọn mua 3 phần mộ ở nghĩa trang nào có đồi thông như ở Đà Lạt. Xác của ông chồng cũ sẽ được lấy cốt đem về chôn ở nghĩa địa mới. Bà dặn dò các con của bà khi nào bà qua đời và anh chồng cán bộ cũng chết thì chôn bà ở giữa, ông chồng cũ đã lấy cốt chôn bên tay mặt của bà, còn ông chồng cán bộ thì chôn bên trái mộ bà. Lúc đó ta sẽ có chuyện "Đồi Thông Ba Mộ". Câu chuyện quá hay và quá đặc biệt. Khi sách in ra để bán tôi nghĩ chắc nhà xuất bản không in kịp để bán cho khách Việt Nam mua đọc. Đây là một chuyện tình đầy thủy chung, hiếm có và rất đáng khen cho 1 người đàn bà VN đã biết lựa chọn cách sống "thích hợp" với xã hội mới và biết cách cư xử tử tế với đại gia đình của bà khi vận nước mới đổi thay !!!

Nay 41 năm đã trôi qua, khi nhớ lại chuyện cũ thì thật quá đau buồn. Phần đông anh em chúng ta may mắn hơn một số ít anh em gặp phải cảnh tệ bạc trong cuộc đời. Chúng ta không bị chết trong tù sau một thời gian khổ sai vô tận. Khi ra tù chúng ta được sum họp cùng gia đình, cha mẹ, vợ con. Hiện nay chúng ta đang yên tâm vui sống nơi xứ người, không còn lo việc chuyển trại, không lo sợ bị còng tay, không lo bắt đi gánh phân, không lo ăn độn bo bo còn nguyên võ, không còn nghe nói dóc nói gạt hay cảnh đời bon chen vì lợi ích cá nhân của một người mà nỡ lòng nào gây thiệt hại cho nhiều người khác cũng là bạn bè đồng cảnh ngộ tù tội như mình. Tôi nghĩ mỗi người chúng ta có số mạng khác nhau và chuyện vợ chồng cũng là duyên nợ. Mình rơi vào vị thế nào rồi thì khó mà cưỡng bức lại được số trời đã định. Thôi chúng ta hãy cùng nhau yên phận và vui sống với tuổi già như hiện tại là hạnh phúc lắm rồi./.

NGUYỄN VĂN LINH
Trung Đội 24/ĐĐ102
K2/HV/CSQG.

Không có nhận xét nào: