Hôm thứ Sáu 23/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quốc gia này áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 400 pháp nhân và cá nhân vì họ tiếp tay cho nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine, bao gồm cả những công ty Trung Quốc mà các quan chức Mỹ tin rằng đang giúp Moscow lách lệnh trừng phạt của phương Tây và tăng cường sức mạnh của quân đội.
<!>
Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tóm tắt về các lệnh trừng phạt đối với 190 mục tiêu, các lệnh này bao gồm các biện pháp nhằm vào các hãng ở Trung Quốc tham gia vận chuyển máy công cụ và đồ vi điện tử đến Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay họ cũng đang nhắm mục tiêu vào các mạng lưới xuyên quốc gia tham gia mua đạn dược và các vật tư khác cho Nga.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng bổ sung 123 pháp nhân vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, có tên tiếng Anh là Entity List. Danh sách này buộc các nhà cung cấp phải xin giấy phép trước khi vận chuyển hàng đến các công ty bị đưa vào tầm ngắm. Những pháp nhân bị bổ sung hôm 23/8 bao gồm 63 ở Nga và 42 ở Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ nói rằng họ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số công ty công nghệ tài chính, chứng khoán, cho vay bất động sản và các công ty tài chính khác của Nga, nhưng chưa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ các giao dịch góp phần tiếp sức cho nỗ lực chiến tranh của Nga.
Bộ Tài chính đã cảnh báo với các ngân hàng kể từ tháng 12/2023 rằng nếu vẫn cứ tiếp tục giao dịch trong nền kinh tế thời chiến của Nga có thể làm cho họ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính dựa trên đồng đô la.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm cả các động thái nhằm kìm hãm ngành năng lượng của Nga và đánh vào các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và các nền kinh tế Trung Á mà Mỹ tin rằng đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao nói.
Các mục tiêu bao gồm bộ phận xuất nhập khẩu của Tập đoàn máy công cụ Đại Liên ở Trung Quốc, mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng hãng này đã cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng dân sự-quân sự trị giá 4 triệu đô la cho các công ty Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào hơn 20 công ty có trụ sở tại Hong Kong và Trung Quốc mà họ nói là đã cung cấp hàng hóa cho cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng bao gồm các hành động nhằm vào các công ty cung cấp linh kiện được lắp trong loại máy bay không người lái Orlan mà Nga đang sử dụng ở Ukraine.
Washington cũng muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây khó cho các dự án năng lượng trong tương lai ở Nga và việc vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này. Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, họ nhắm mục tiêu vào dự án Arctic LNG 2 trị giá 21 tỷ đô la của Nga và các công ty khác tham gia vào các dự án năng lượng trong tương lai ở Nga. Dự án Arctic LNG 2 đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo đó đã hạn chế việc Nga được sử dụng tàu chở dầu có thể đi qua băng.
Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các công ty tham gia vận chuyển LNG, như White Fox Ship Management có trụ sở tại UAE, mà Mỹ nói rằng gần đây đã mua 4 con tàu để vận chuyển LNG.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét