Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/08/2024 - Mỹ Loan



Pháp: Tổng thống Macron tham vấn các chính đảng về việc bổ nhiệm tân thủ tướngTổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 23/08/2024, bắt đầu tiếp đại diện các chính đảng tại điện Elysée, Paris, để tham vấn, nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị. Sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn ngày 07/07, cho đến nay, nước Pháp vẫn chưa có thủ tướng mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại buổi lễ kỷ niệm 80 năm giải phóng làng Bormes-les-Mimosas, miền đông nam Pháp, 17/08/2024. AP - Manon Cruz Thanh Phương
<!>
Viện lý do Thế Vận Hội Paris 2024, tổng thống Pháp đã tạm hoãn việc bổ nhiệm thủ tướng mới, để các chính đảng và các khối nghị sĩ ở Hạ Viện thảo luận với nhau nhằm thiết lập một “đa số rộng rãi nhất và ổn định nhất”. Thủ tướng Gabriel Attal và toàn bộ nội các của ông đã từ chức từ ngày 16/07 và chính phủ từ nhiệm cho tới nay vẫn xử lý thường vụ, một thời gian kỷ lục ở Pháp kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Được tổng thống Macron tiếp đầu tiên hôm nay là các lãnh đạo thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới ( bao gồm đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, đảng Xanh, đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội). Bà Lucie Castets, người được Mặt trận Bình dân Mới đề cử làm thủ tướng, cũng có mặt trong phái đoàn này. Từ đây đến thứ Hai tuần tới, ông Macron lần lượt tiếp lãnh đạo liên minh cách trung của tổng thống, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Hôm qua, điện Elysée (phủ tổng thống) xác nhận là sau các cuộc tham vấn này, tổng thống sẽ bổ nhiệm một tân thủ tướng.

Sau cuộc tiếp xúc hôm nay với tổng thống Macron, bà Lucie Castets tuyên bố sẳn sàng "xây dựng các liên minh" để lập chính phủ nếu bà được bổ nhiệm làm tân thủ tướng. Bà nhìn nhận ông Macron "hiểu rất rõ" mong muốn thay đổi chính sách, được thể hiện qua cuộc bầu cử, nhưng có vẻ như tổng thống Pháp vẫn có ý định lập một chính phủ của riêng ông. Theo các lãnh đạo liên minh cánh tả, tổng thống Macron đã hứa sẽ nhanh chóng bổ nhiệm tân thủ tướng. Riêng lãnh đạo đảng Xanh đòi tổng thống phải có câu trả lời thứ ba tuần tới, tức là ngay sau khi kết thúc các cuộc tham vấn.

Trong những ngày qua, liên minh cánh tả đã gia tăng áp lực với tổng thống Pháp, hối thúc ông bổ nhiệm ứng viên của phe này làm thủ tướng, với lý do Mặt trận Bình dân Mới đã về đầu trong cuộc bầu cử ngày 07/07. Tuy nhiên, đối với ông Macron, cho dù về đầu, Mặt trận Bình dân Mới vẫn không có một đa số ở Hạ Viện để có thể lập chính phủ. Dầu sao thì đảng cực hữu và đảng cánh hữu đều không chấp nhận một chính phủ cánh tả mà trong đó có những bộ trưởng thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất.

Theo hãng tin AFP, để loại trừ được liên minh cánh tả, phe của tổng thống Macron kể từ sau bầu cử đã cố liên kết với cánh hữu, nhờ vậy mà đã giữ được chiếc ghế chủ tịch Hạ Viện. Để có đủ đa số và dựa trên đó để chọn một tân thủ tướng, ngoài cánh hữu, phe của ông Macron nay đang tìm cách thu hút luôn cả một bộ phận của cánh trung tả.

Hiện nay, ngoài ứng viên Castets do liên minh cánh tả đề xuất làm thủ tướng, tên của nhiều nhân vật khác cũng đã được nhắc đến, trong số này có cựu thủ tướng Bernard Cazeneuve, trước đây thuộc đảng Xã Hội, hay cựu bộ trưởng cánh hữu Xavier Bertrand, hiện là chủ tịch vùng Hauts-de-France.

Chiến tranh Ukraina : Kiev dùng bom bay Mỹ tấn công căn cứ quân sự Nga tại Kursk
Ukraina đẩy mạnh các cuộc tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga. Kiev xác nhận, ngày 22/08/2023 không quân Ukraina đã tấn công một căn cứ quân sự Nga trong vùng Kursk bằng bom bay của Mỹ GBU-39.


Ảnh vệ tinh do công ty Mỹ Planet Labs PBC công bố cho thấy khói lửa bốc lên từ một kho dầu gần Proletarsk, Nga bị drone của Ukraina tấn công, ngày 21/08/2024. AP - Planet Labs PBC
Anh Vũ
Trên Telegram, tư lệnh không quân Ukraina Mykpla Olechtchouk cho biết, vụ tấn công đã nhắm trúng một sở chỉ huy drone và một đơn vị chiến tranh điện tử của Nga, phá hủy nhiều vũ khí khí tài và khoảng bốn chục quân Nga đã thương vong. Kèm theo thông tin trên là một đoạn video ghi lại cuộc tấn công, theo chỉ huy Ukraina, diễn ra vào lúc 16 giờ chiều ngày hôm qua. Đây là lần đầu tiên Kiev thừa nhận công khai sử dụng vũ khí hạng nặng của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Matxcơva sáng hôm qua xác nhận đã chặn được nhiều đợt tấn công bằng drone và tên lửa của Ukraina trong vùng phía tây, chủ yếu trong vùng Volgograd. Tại đó một cơ sở của bộ Quốc Phòng đã bị cháy.

Cũng trong ngày 22/08, theo chính quyền địa phương, một xà lan chuyên chở nhiên liệu đã bị đánh chìm trong cảng Kavkaz của Nga, đối diện với bán đảo Crimée sau khi bị Ukraina oanh kích. Đây là cảng nằm trong eo biển Kertch giữa phần lục địa của Nga và bán đảo Crimée của Ukraina đã bị Matxcơva sáp nhập từ năm 2014.

Cây cầu được Nga xây dựng nối hai vùng lãnh thổ, tuyến đường tiếp viện hậu cần quan trọng cho quân đội Nga này cũng đã nhiều lần là mục tiêu tấn công của Ukraina.

Theo một quan chức của Crimée, vụ tấn công diễn ra vào khoảng 16 giờ 30 giờ địa phương.

Đáp trả các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraina tăng cường nhắm vào các cơ sở đầu khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga, có nơi cách biên giới hàng trăm km.

Chủ nhật vừa rồi, Kiev đã oanh kích vào một kho nhiên liệu tại thành phố Proletarsk, trong vùng Rostov, gây ra một vụ cháy cực lớn kéo dài nhiều ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua, trong một cuộc họp chính phủ và lãnh đạo các vùng biên giới đã tố cáo Ukraina đang tìm cách tấn công chiếm nhà máy điện hạt nhân trong vùng Kursk. Ông nói thêm là đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ công du Ukraina

Thủ tướng Narendra Modi hôm nay, 23/08/2024 đã từ Ba Lan đến thủ đô Kiev, chuyến viếng thăm Ukraina đầu tiên của một lãnh đạo chính phủ Ấn Độ, nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao tìm ra một “giải pháp hòa bình” cho cuộc chiến do Nga phát động cách đây hai năm rưỡi.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy tại Kiev, Ukraina, ngày 23/08/2024. AP - Efrem Lukatsky
Thanh Phương
Ông Modi đến thủ đô Ukraina bằng chuyến xe lửa đêm từ Ba Lan. Đây là lộ trình duy nhất hiện nay của các phái đoàn chính thức đến thăm Ukraina, do các máy bay dân sự của nước này không còn hoạt động kể từ khi nổ ra chiến tranh.

Tại Kiev, thủ tướng Ấn Độ đã hội đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm nay. Theo bản thông cáo do văn phòng thủ tướng Ấn Độ công bố hôm thứ Tư, ông Modi sẽ thảo luận với tổng thống Zelensky về “triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột”, cũng như về việc “phát triển sâu rộng hơn quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và Ukraina”.

Hôm qua, tại Ba Lan, mà ông cũng đang viếng thăm chính thức, thủ tướng Modi đã tuyên bố “không một cuộc xung đột nào có thể được giải quyết trên một chiến trường”. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, thủ tướng Ấn Độ cho biết ông “ủng hộ đối thoại và ngoại giao để tái lập hòa bình và ổn định ngay khi có thể được”. Để đạt được mục tiêu đó, New Delhi “sẵn sàng đóng góp hết sức mình cùng với các quốc gia thân hữu”.

Ấn Độ vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với Matxcơva và cho tới nay vẫn không lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào tháng 02/2022. New Delhi cũng không bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Matxcơva về cuộc chiến tranh này.

Liên Hiệp Châu Âu đã đạt 90% dự trữ khí đốt cho mùa đông

Châu Âu đã « sẵn sàng cho mùa đông tới ». Theo AFP ngày 22/08/2023, Ủy Ban Châu Âu thông báo, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã dự trữ được 90% lượng khí đốt cho mùa đông, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ấn định vào ngày 01/11, mặc dù trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao những tuần gần đây do các căng thẳng địa chính trị.


Tạm tiếp nhận khí đốt tại Obergailbach, miền đông nước Pháp, ngày 13/10/2022 AP - Jean-Francois Badias
Anh Vũ
Theo dữ liệu của hiệp hội các nhà quản lý khí đốt châu Âu Gas Infrastructure Europe (GIE) công bố hôm thứ Ba (20/08), kho của châu Âu hiện đã trữ được 92 tỷ mét khối khí đốt. Các kho của Pháp dự trữ hơn 86% yêu cầu.

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina năm 2022 đã khiến Liên Âu bị cắt một nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu từ Nga. 27 nước trong Liên Âu từ tháng 06/2022 đã thông qua quy định pháp lý theo đó, các thành viên buộc phải đạt được tỷ lệ 90% khí đốt tích trữ vào ngày 01/11 hàng năm, nhằm bảo đảm tự chủ về năng lượng và giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga.

Trong mục tiêu đó, từ năm 2022, các nước Liên Âu đã tìm các nguồn cung ứng khí đốt mới như gia tăng nhập khẩu khí hóa lỏng, được vận chuyển bằng tàu biển. Nguồn này chủ yếu từ Mỹ, và một số quốc gia vùng Vịnh. Châu Âu cũng dựa vào nguồn cung cấp qua đường ống dẫn khí từ Na Uy đang được phát triển mạnh. Bên cạnh đó, Nga vẫn tiếp tục bán khí đốt cho châu Âu qua tuyến đường ống dẫn qua Ukraina.

Ủy Ban Châu Âu lưu ý, việc tích trữ khí đốt là vấn đề chủ chốt trong an ninh năng lượng của châu Âu, giúp các nước bảo đảm được 1/3 nhu cầu sử dụng gaz trong mùa đông. Ủy viên châu Âu về năng lượng, bà Kadri Simson khẳng định việc sớm hoàn thành mục tiêu khí đốt « chứng tỏ Liên Âu đã sẵn sàng cho mùa đông tới ».

Mặt khác, bà Simson nhấn mạnh, tình hình « khó khăn hơn nhiều ở Ukraina, nơi ngành năng lượng phải hứng chịu những cuộc tấn công nặng nề và liên tục từ Nga. Châu Âu phải tiếp tục hỗ trợ Ukraina và trợ giúp cần thiết cho hệ thống năng lượng của nước này, để người dân Ukraina cũng có thể vượt qua mùa đông khó khăn phía trước một cách an toàn ».

Liên Hiệp Quốc cảnh báo ‘‘nguy cơ tái diễn’’ nạn thảm sát người Rohingya tại Miến Điện như năm 2017

Tình hình an ninh tại bang Rakhine miền tây Miến Điện đang ngày càng tồi tệ. Theo AFP, Liên Hiệp Quốc hôm nay, 23/08/2023, ra một thông báo cảnh báo ‘‘nguy cơ tái diễn’’ một cuộc thảm sát lớn nhắm vào cộng đồng sắc tộc Rohingya thiểu số theo đạo Hồi, như bảy năm về trước.


Những người tị nạn Rohingya đứng trên chiếc thuyền bị lật, chờ lực lượng cứu hộ giải cứu tại ngoài khơi biển Tây Aceh, Indonesia, ngày 21/03/2024. AP - Reza Saifullah
Trọng Thành
Theo cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Volker Turk, trong bốn tháng gần đây, đã có hàng chục nghìn người, đa số là dân Rohingya, phải rời bỏ bản quán, do chiến sự giữa lực lượng nổi dậy Arakan (AA) và lực lượng của tập đoàn quân sự cầm quyền. ‘‘Hàng trăm thường dân thiệt mạng khi tìm cách chạy trốn các giao tranh’’.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tố cáo tình trạng người tị nạn đã ‘‘không có bất cứ nơi nào để ẩn náu’’. Trong lúc các cửa khẩu biên giới với Bangladesh bị đóng, dân tị nạn bị kẹt giữa một bên là quân đội và bên kia là phe nổi dậy. Theo Liên Hiệp Quốc, hôm 05/08/2024, dọc theo sông Naf, biên giới với Bangladesh, drone vũ trang đã giết hại hàng chục người. Hiện tại, không rõ các drone nói trên là vũ khí của bên nào.

Năm 2017, cũng vào dịp này, các chiến dịch của quân đội Miến Điện đã buộc hơn 700.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh. Ít nhất 25.000 người bị giết hại trong những tháng đầu cuộc đàn áp, hơn trăm ngàn người bị thương, 18.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp... Hiện tại, theo một số ước tính, còn khoảng 600.000 người Rohingya sống tại Miến Điện, trước khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang giữa quân nổi dậy Arakan và tập đoàn quân sự.

Úc chi hơn 100 triệu đô la để hãm đà tẩy trắng với ‘‘rạn san hô lớn nhất thế giới’’

Rạn san hô – Great Barrier - dài hơn 2.300 km tại khu vực bờ biển bang Queensland, đông bắc nước Úc, được coi là kỳ quan của thế giới. Do biến đổi khí hậu và môi trường ô nhiễm, rạn san hô lớn nhất thế giới này có nguy cơ tàn lụi. Hôm nay, 23/08/2024, chính phủ Úc thông báo một kế hoạch 130 triệu đô la để cải thiện chất lượng nước xung quanh rạn san hô này. Giới chuyên gia đánh giá biện pháp này hoàn toàn chưa đủ để cứu nguy Great Barrier.


Một người thợ lặn tạiRạn san hô Great Barrier ở Úc, ngày 22/09/2024. © AFP / William West
Trọng Thành
Theo bộ trưởng Môi Trường Úc, Tanya Plibersek, khoản tiền này sẽ được dùng để giảm bớt mức độ trầm tích của thuốc trừ sâu và các loạt chất độc hại khác. Các chất trầm tích trong nước là một trong các nguyên nhân chủ yếu đe dọa sự sống còn của rạn san hô. Bộ trưởng Môi Trường Úc giải thích : chất lượng nước kém do các chất trầm tích cản trở sự sinh trưởng của san hô, tiêu diệt các loài thực vật biển – cần thiết cho sự sống của san hô, và cản trở ánh sáng mặt trời, giúp cho san hô phát triển.

Rạn san hô Great Barrier được coi là một ‘‘cấu trúc sống lớn nhất thế giới’’, nơi có hơn 600 loài san hô và hơn 1.600 loài cá sinh sống. Trong gần 10 năm gần đây, rạn san hô lớn nhất thế giới liên tục bị tẩy trắng trên quy mô lớn, đặc biệt vào những năm 2016, 2017, 2020, 2022 và 2024. Theo một báo cáo của chính phủ Úc, giai đoạn tẩy trắng trong năm nay ở mức độ rất nghiêm trọng, liên quan đến 81% rạn san hô.

Cuối tháng 06/2024 vừa qua, UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc một lần nữa kêu gọi chính phủ Úc có các biện pháp ‘‘khẩn cấp’’ để bảo vệ rạn san hô, mà UNESCO dự kiến xếp vào di sản nhân loại có nguy cơ ‘‘tiêu vong’’. Trả lời AFP, nhà sinh thái học Lissa Schindler, thuộc Tổ chức Bảo tồn Biển Úc, hoan nghênh kế hoạch nói trên, nhưng khẳng định ‘‘cần có thêm các biện pháp hỗ trợ khác’’.

Theo chuyên gia này, biến đổi khí hậu với việc Trái đất bị hâm nóng vẫn là nguyên nhân số một đe dọa sự tồn vong của san hô. Úc – vốn là một trong các nước xuất khẩu năng lượng hóa thạch hàng đầu thế giới – cho đến rất gần đây mới công bố các mục tiêu cắt giảm năng lượng hóa thạch, để hướng đến trung hòa về khí thải gây hiệu nhà kính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét