Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

TIẾNG SAXO TRONG CÔNG VIÊN MƯA - Phạm Nga


1. - Trời đã sẩm tối, buồn và ướt át, cơn mưa muộn có vẻ còn kéo dài. Trong công viên Gia Định vắng lặng, chẳng còn ai trên những lối đi bộ và băng đá. Chán nản, tôi và lác đác vài người nữa đứng trú mưa trong căn nhà mát gần cổng, ai nấy im lìm... Chợt văng vẳng tiếng kèn saxo đâu đó, hình như từ một căn nhà mát khác ở gần đó vọng lại. Cũng lúc này, cơn mưa đã dịu hơn, tiếng xe cộ ngoài đường vọng vào chừng như cũng nhỏ hơn, tôi nhận ra đó là giai điệu của ca khúc ‘Mưa chiều kỷ niệm’ – bản nhạc tình khá nổi tiếng vào thời 70. 
<!>
Bài hát xưa được ưa chuộng bởi điệu Slow rock mượt mà, sang trọng, lời nhạc giản dị với ý tứ thật gần gũi đời thường khi gợi nhắc những kỷ niệm buồn trong các chuyện tình yêu không may mà bất cứ ai trong đời này cũng có thể vương vấn.
Tôi nhắm mắt, thầm nương theo tiếng saxo lẩm nhẩm vài lời nhạc cũ, rơi rớt lại từ một quãng quá khứ mịt mù thời trẻ trai đầy “máu văn nghệ”, thích đàn, thích hát của mình. “Nhớ chiều nào anh đến thăm em / Mưa âm thầm, phố đã lên đèn / Trong cô đơn, hình bóng một người / Tìm ai trên lối cũ, tình yêu nào thấy đâu...”


Đúng ra, nhiều buổi chiều trước đây, trong những lúc đang tập trung đi bộ cho đúng bài bản, như: bước nhanh, bước đều, luôn giữ chân và cổ thẳng, gót chân chạm đất trước, kết hợp hít thở...v...v..., và khi tôi có nghe tiếng saxo văng vẳng từ đâu đó, dường như từ một khu vực vắng người giữa công viên.

Vốn thích âm nhạc nên tôi cũng có phân tâm, quay đầu kiếm tìm. Thấp thoáng sau những thân cây, tán lá dừa kiểng, một tay trung niên đứng thổi kèn một mình ở một lối đi hẹp, chỗ vắng người qua lại. Tay này thường chơi các điệu chậm, vừa như slow, boston..., những bản nhạc Việt nổi tiếng thời xưa, như Hạ trắng, Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Ngậm ngùi, Đưa em tìm động hoa vàng, Những ngày xưa thân ái, Anh đưa em sang sông, Mưa chiều kỷ niệm... Vài lúc anh ta đổi qua nhạc ngoại quốc, chơi các bài cũng rất xưa như La paloma, Besame mucho, Perfedia, It’s now or never... với nhịp điệu có nhanh hơn chút ít nhưng vẫn ung dung, thong thả là điệu Slow Bolero, thay vì Chachacha, Beguin Rock..., các điệu nhanh mạnh, ồn ào mà các ban nhạc dance thường chơi khi trình diễn những bài này theo đúng tour nhạc phục vụ khách nhảy.

2. -Sau buổi chiều được nghe ‘Mưa chiều kỷ niệm’ ở công viên, tôi nghĩ mình phải làm quen người chơi saxo mới được.

Anh tên là Vinh, dân Sài Gòn cũ, gầy gò nhưng gương mặt có vẻ còn khá trẻ so cái tuổi 50. Vinh đã học và chơi saxophone cùng clarinette từ thời thanh niên với một nỗi đam mê bền bĩ mà tự học là chính. Chơi nhạc nghiệp dư như một nhã thú riêng chứ không mơ làm nghề nhạc công, nhạc sĩ nhưng Vinh cũng từng góp mặt trong một số buổi diễn hòa tấu của một, hai ban kèn Tây.

Gần đây, Vinh đến Câu lạc bộ Saxo Sài Gòn, có sinh hoạt off line định kỳ, qua đó tập tành, rèn luyện với một số nhạc sĩ đàn anh. Đang lúc rỗi rảnh sau khi tạm nghỉ việc bên ngành xây dựng, câu lạc bộ saxo lại sắp có một vài buổi biểu diễn làm từ thiện, nên chiều chiều, Vinh mang kèn ra công viên tập một mình, nếu mưa thì chạy vào nhà mát, tập mê mãi cho đến tối mịt mới thôi.

Vinh tâm sự: “Hồi còn đi học, con nhà nghèo như tôi mà mê nhạc, được theo đuổi sở thích văn nghệ của mình là do bố mẹ rất thương, các cụ phải vất vả tự lo việc buôn bán nhỏ kiếm sống cho gia đình và con cái ăn học, chẳng buộc tôi phải phụ giúp gì. Thấy tôi cứ đám đuối mấy cây saxo, clarinette, hể rảnh tí là chạy đến cái giá nhạc, thổi mê mệt, các cụ chỉ nhắc ăn uống và học cho đàng hoàng thôi. Sau 30-4, vào trường ĐH tổng hợp rồi, tôi vẫn được bố mẹ nhắc chừng như thời trung học. Rồi đi làm, lập gia đình, cuộc sống của tôi khó khăn y như bất cứ anh công nhân viên nào, nghĩa là cũng tiếp tục nghèo, thiếu, như thời được bố mẹ nuôi”.

Vậy mà, theo Vinh kể, những khó khăn, thiếu thốn với đồng lương công nhân viên eo hẹp vẫn không thể nhấn chìm lòng đam mê âm nhạc của anh. Anh phải cật lực lo sinh kế cho gia đình, hằng ngày lo đi làm, đưa rước con đi học, nhưng vẫn dành thì giờ vào chiều tối để cầm lấy cây kèn thân yêu.

Cây saxo cũ trên tay Vinh chỉ là kèn Trung Quốc nhưng đã buộc anh phải cắc ca cắt củm, dành dụm khá lâu mới có đủ số tiền 5 triệu đồng mua nó. Ước mơ không biết bao giờ mới thực hiện được của Vinh là một cây saxo của Mỹ, tiếng trong, đẹp hơn hẳn kèn Trung Quốc, nhưng kèn Mỹ giá ‘bèo’ cũng phải 11 - 12 triệu đồng.

Vinh mong mỏi là tới đây, khi có việc làm trở lại, cũng ngành xây dựng hay ngành khác cũng được, lương ít cũng được, anh chỉ mong công việc hằng ngày không quá bó buộc về thời gian, để còn có giờ rảnh tập kèn và tham gia đi diễn phục vụ từ thiện thường xuyên hơn thì càng hay. Anh nói thật vui: “Các em mồ côi trong các Nhà Mở thích nghe chúng tôi thổi kèn lắm. Có đứa còn hồn nhiên đem luôn theo cây kèn nhựa đồ chơi, bắt chước thổi tẹc tẹc nữa chứ!”

Từ trước lúc chúng tôi chuyện trò, đã có một cô gái trẻ ngồi im lặng mở xem mấy tập nhạc ở chiếc băng đá mà Vinh để hộp đựng kèn. Tôi hỏi nhỏ: “Ai vậy, bạn của Vinh? Hay người ái mộ đấy?”. Anh chàng cười thật thà: “Tôi lập gia đình rồi và chỉ mê kèn thôi mà. Không hiểu sao, hồi tôi đến công viên tập được vài lần thì cô ấy đến nói cho cô ngồi nghe tôi thổi mấy bản nhạc Việt cũ mà cô rất thích. Hình như cô là sinh viên trường nào đó, thỉnh thoảng vô công viên học bài. Chỉ có thế thôi anh ạ.”

3. - Như cô sinh viên kia đến nghe nhạc cũ qua tiếng saxo trong công viên, tôi cũng hướng về loại nhạc xưa đó vì dòng nhạc này đã hay, đẹp mà còn mang nặng giá trị thời gian. Nhưng mặt khác, tôi đã yêu mến và tràn đầy cảm xúc từ chính hình ảnh người chơi saxo cùng câu chuyện cuộc đời chơi nhạc đầy gian khó của anh – tất cả đối với tôi đều mang nặng giá trị kỷ niệm.

Ngay thời học đệ nhị cấp trường Petrus Ký, tôi đã mê nghe nhạc và chơi nhạc, hay thố lộ với bạn bè cái mơ ước được vinh dự đứng trong một ban nhạc trẻ nào đó. Ở cái thời mà nhạc trẻ hay kích động nhạc rộ lên trong các trường học, truyền hình, bar Mỹ..., vài nhóm học sinh đệ nhị cấp trong trường có lập ban nhạc, dịp Tết và bãi trường là được phép đem nhạc cụ vô chơi tại lớp um sùm, tôi may mắn có Long hay Long Jacky, một tên bạn cùng lớp Nhị C chơi trống ban Les Cavaliers, có góp mặt ở đại hội nhạc trẻ tại trường Tabert. Vậy là tôi "theo" ban nhac, theo nghĩa làm các việc rất lu bu. Như lo bưng nước nôi khi ban nhạc tập dợt tại nhà Long. Như phụ khiêng, dọn nhạc cụ đến các party, bal, bum mà ban nhạc hợp tác với đám học sinh trường Tây tổ chức. Và sướng nhất như khi thỉnh thoảng được đứng chơi thay cho tên bạn chơi accompagné chốc lát để hắn nghỉ xả hơi hay đi toilette...

Lên đại học, cần đi làm thêm chút đỉnh bên ngoài để kiếm tiền phụ vào chi phí ăn học, tình cờ tôi được tham gia vào một ban nhạc của đám bạn sinh viên toàn nghèo, nhạc cụ và giàn âm thanh toàn đồ bị gọi là ‘đồ xì-cút’, đi thuê của tiệm Mỹ Tín, thời đó nằm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Thật thà mà nói, trình độ chơi nhạc khi đó của chúng tôi chỉ vừa phải, tự học mò là chính, chẳng có tên nào được học qua trường Quốc gia Âm nhạc hay các lớp nhạc nổi tiếng cả. Tức khi tự đánh giá, tụi tôi thừa nhận việc chỉ được trình diễn với đồ nghề hạng cũ mèm, toàn đồ nội - giá thuê mới rẻ, cũng là xứng hợp với tài nghề của tụi tôi. Và cũng tương xứng, giá thù lao người ta trả cho cứ rẻ mạt, dù được kêu chơi cho những đám cưới, sinh nhật sang trọng, hay cho party, bal de famille uống nước lã của mấy cô cậu còn đi học, ham nhảy nhót đã nhịn tiêu vặt, hùn tổ chức...

Tôi nhớ là hầu hết các nhạc công chúng tôi đều lấy phần chia từ đêm trình diễn đầu tiên đi may gấp ít ra là một bộ sơ mi, quần tây mới. Nhất định một khi đã đứng trên sân khấu, xuất hiện trước công chúng thì bộ cánh phải đẹp mắt, màu mè như ‘dân chơi’, chứ đâu phải bộ cánh ảm đạm là chiếc sơ mi trắng ố, quần kaki bạc màu mà tui tôi đã miễn cưỡng – vì không có bộ nào khác – mặc trong buổi trình diễn ra nghề. Và dù ở gác trọ, ngày ngày vẫn tiếp tục mì gói, ‘thổi saxo’ tức gặm bánh mì y như trước đi làm, lần hồi tụi tôi cũng ráng sắm giày mới, dây nịt mới hay mua thêm sơ mi ‘chim cò’ nữa để có mà thay đổi khi đi diễn. Gặp phải những chủ gia hà tiện, chỉ cho ban nhạc uống nước cầm hơi mà không có tí đồ ăn nhẹ nào khi tạm nghỉ giữa buổi, tụi tôi cũng chỉ thầm lăng ra nhà sau (cho thiên hạ khỏi nhìn thấy mà khinh rẻ), kín đáo kiếm chỗ tối tối, cùng ngồi gặm bánh mì, nhai gói xôi, cái bánh chưng...

Có những đêm, bụng đói meo sau buổi diễn, ban nhạc cũng phải rầu rĩ chờ đến tạnh mưa hẳn mới dọn về, vì sợ ướt, hư đồ nghề đi thuê, không trả được cho ông Mỹ Tín.

Nhưng cũng có vài kỷ niệm vui vui trong nghề đánh nhạc thuê. Như con gái – muôn đời đều xinh đẹp, đài các hết cỡ khi đi tiệc tùng, dạ vũ - vài cô đến sát sân khấu, tỏ ý thích thú và tròn cặp môi son kiềm diễm xuýt xoa khen ngợi, còn tặng hoa hay mời nước ban nhạc nữa khi chúng tôi chơi rất hay mấy bài ruột, tập kỹ với các fantaisie thật sôi nổi.

Vốn lãnh phần guitare accompagné kiêm luôn ca sĩ chính của ban nhạc, có lần tôi đã sướng rên, hỉnh mũi nhìn các đồng nghiệp, khi một cô khách trẻ, rất xinh đẹp, lên sát sân khấu, quắt nhẹ ‘ca sĩ chính’, thỏ thẻ rằng khi đến điệu Slow của tour nhạc tới, nhờ hát lại bản Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng, Phạm Đình Chương phổ nhạc) – một trong những bài ruột của tôi. Thật ra, được dịp vênh mặt đến ‘thấy ghét’ như vậy thì công tâm mà nói, tôi phải chia phần vinh dự cho anh bạn chơi solo, lý do là tên này đã ra công hướng dẫn ban nhạc tập bài này theo sát cách phối hay cực kỳ của ban nhạc Jo Marcel thời đó, chưa nói tới công lao của Lê Hữu Hà, khi đó chưa là nhạc sĩ đứng trong ban Mây Trắng chơi phòng trà nhưng cũng là bạn thân của tôi ở trường Văn Khoa, đã chỉ cho ban nhạc tụi tôi dùng lại nhuần nhuyễn cách hòa giọng (chorus tiếng Anh, nhưng tụi tôi chỉ nói gọn là ‘cơ’ theo âm của từ tiếng Pháp choeur) cùng những game chuyển thật phong phú trong bản nhạc Jo hát trong băng magné.

Được chơi trong ban nhạc còn là cơ hội quý giá để tên sinh viên ngờ nghệch như tôi tiếp cận phần nào với Sài Gòn ăn chơi về đêm thời đó, từ hình ảnh diêm dúa của giới giàu sang họp mặt ăn tiệc cưới, tiệc sinh nhật, chơi dạ vũ trong những dinh thự tráng lệ, cho đến khung cảnh tăm tối, nơi giới bình dân, nghèo khổ cúi mặt kiếm ăn ngoài đường khi đêm xuống.

Như vào tháng 12 năm nào, tụi tôi chơi nhạc suốt từ đêm 24 Noel cho đến đêm 31 giao thừa tết Tây. Có đêm chúng tôi chơi nhạc không lấy thù lao là ở party của bạn bè thân thiết và có tên dắt theo bạn gái đến dự cho vui. Thường là các party chơi suốt sáng, có khi đến 3 – 4 giờ mới ‘tẹc’, ngoài đường trời đã mờ sáng. Trước khi chia tay về ngủ, lấy lại sức chuẩn bị cho sô diễn đêm kế, chúng tôi kéo nhau đi ăn ở một địa điểm quen thuộc trong chợ Đa Kao. Gần dãy thớt thịt trong chợ có một sạp với bàn, ghế thấp chủm và cũ nát, nhưng bán cà phê và đồ ăn vừa ngon vừa rất rẻ. Hình như khách đến đây toàn dân kiếm sống ban đêm, như các ca ve, nhạc công, nhân viên phòng trà; bạn hàng dọn chợ sớm; các anh bốc vác, công nhân hốt rác và cả dân lượm bao nylon, ăn xin, ngủ thớt chợ nữa.

Mệt mỏi nhìn xung quanh, tôi nhận ra những gương mặt hốc hác, ốm o vì thiếu ngủ. Một cô ngồi gần tôi, có vẻ là ca ve, phấn son trên mặt thì lợt lạt thảm não, thoang thoảng mùi nước hoa rẻ tiền…

Những đêm ban nhạc thất nghiệp, không ai kêu đánh, tôi và tay guitare solo đi chơi cho đỡ buồn và nếu có thể thì học nhái bạn bè chơi nhạc Mỹ. Bọn tôi mò lên đường Nguyễn Văn Thoại, một khu vực có rất nhiều quán bar dành cho lính Mỹ ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, thời đó còn là vùng ven của đô thành. Ở bar Crazy Horse, bar Tài, bar Tuấn là các nơi có ban nhạc bọn tôi quen và vài khi lên chơi thế cho tụi nó đi vệ sinh, nội thất rất thiếu ánh sáng kể cả trên sân khấu, chỉ trang trí vài đèn lumineux xanh, đỏ, tím... và dày đặc khói thuốc lá, vài khi thoang thoảng mùi cần sa khét đậm.

Tự nghĩ mình tìm đến các dòng nhạc rock nặng như chấn vô tim, nhạc rythm&blue rền rĩ, nhạc psychelic gây ảo giác.., được trình diễn chuyên biệt ở các bar này, hẳn là do máu mê nhạc dẫn đường, nhưng đến nơi rồi tôi mới hiểu máu mê nhạc có thể kích động người nghe ‘nóng’ đến cỡ nào.
Chưa bước vào trong bar, anh lính Mỹ nào cũng đã khoái chí nhún nhẩy, lắc lư toàn thân, cái đầu thì cà gật cà gật như đánh nhịp. Đắm mình vào không gian tối ảo trong bar, họ nghe nhạc, vui chơi, cười đùa hồn nhiên như trẻ thơ, ồn ào gọi gói thuốc lá mới và liên tiếp những ly whisky ‘khô’ hay pha soda cho mình cùng SaigonTea - tức những cốc Coca nhỏ xíu, có giá trị như tích-kê tính thù lao cho vũ nữ ở dancing - cho các cô gái Việt sẵn sàng xà vào lòng họ.

Lúc này, đêm chỉ mới bắt đầu, các cô kiếm sống ở những bar này đều tỏ ra rất vui vẻ, cười cợt chìu chuộng khách với ý đồ đươc khách gọi cho thật nhiều SaigonTea.

Nhưng chẳng bao lâu, khi phải luôn ‘trình diễn’ nụ cười giả tạo để câu khách, kiếm tiền bo như thế, các cô cũng lợt lạt phấn son, không giấu nổi vẻ phờ phạc, mệt mỏi tích lũy từ lâu ngày, không khác gì cô ca ve tôi tình cờ gặp trong chợ Đa Kao, lúc đêm đã tàn…

4. - Tôi vừa đắm mình trong những kỷ niệm buồn, vui lẫn lộn của một thời làm nhạc công guitare nửa chuyên nghiệp, nửa nghiệp dư, tương tự như Vinh, anh nhạc công đắm mê chiếc saxo mà câu chuyện đời anh đã gợi cho tâm tưởng tôi lãng đãng phục hiện quá khứ nảy giờ.

Cái duyên kết bạn văn nghệ của chúng tôi thật giản dị: tình cờ tôi được nghe tiếng saxo của Vinh trong công viên một chiều mưa.

Rồi trong cảnh trú mưa tù túng, chán chường và trống rỗng khi ấy, tôi đã cảm thấy lòng mình trở nên êm ả, dễ chịu nên không khỏi thầm cám ơn tiếng saxo cùng người chơi nhạc khí này.

Cũng cái gảm giác êm ả và đỡ chán chường, quên mệt mỏi ấy đã từng có vào thời sinh viên xa xưa, đó là những gã tóc xanh bọn tôi vào những buổi chiều trời mưa dầm, hết tiền đi ngồi cà phê, đành nằm chèo queo một mình trên gác trọ, cái cassette đã hư, chợt nghe văng vẳng từ nhà bên âm thanh những ca khúc mình ưa thích, những bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên...

Phạm Nga

(Trích cuốn tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ VÀ NHẠC, Pham Nga 2019)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét