Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Chuyến Bay Rùng Rợn - ĐINH HÙNG CƯỜNG/NGỌC TRÂM


Chúng tôi đã hoàn tất 5 ngày thăm bạn ở Canada, bốn ngày trời trong, êm mát. Đột nhiên đến ngày hôm nay, trời bỗng nổi giông gió và mưa to dữ dội, chúng tôi vẫn phải vội vã thu xếp hành lý đi ra phi trường. Trong chuyến đi Canada này Trâm đi thăm Hằng một người bạn trẻ trong 5 thế hệ của hai gia đình đã chơi với nhau trong tình bạn, thân thiết hơn người nhà: Bà của Trâm chơi với bà của Hằng, cô Khoát mẹ Hằng là bạn thân của mẹ Trâm, rồi Trâm với chị Hà và Hằng là bạn với nhau. Con của Trâm: Cún, Phị, Tínị, Minh-Châu lại chơi với con của Hằng là Bờm, Bo, Tí, Bé. Rồi 7 cháu của Trâm: Mercy, Mai-Ly, Derek Thiện, Quỳnh-Lưu, Vincent-Lục, Elliot và Philliplại chơi với 6 cháu của Hằng: Bảo Anh, Nam-Huy, Minh Lưu, Minh Tâm, Thiền Quang và ThanhGiang. 
<!>
Chao ôi, khởi thủy chỉ có hai bà cụ chơi với nhau tạo tình thân, mà hai gia đình dắt dây cho nhau, mỗi bên lên cả một chùm. Thảo nào, quả đất sao không có nạn nhân mãn! Dân số bỗng chốc, từ 5 tỷ con người, lên thành 8 tỷ, thế giới cứ thi nhau mà đẻ.

Trở lại chuyến về của chúng tôi, dù là thời tiết xấu, mưa tuôn xối xả không ngừng trút nước xuống mặt đường, có nhiều chỗ bắt đầu lụt lội. Thế nhưng, đường xá cũng chật ních xe cộ, có thể người dân Canada rục rịch đi chơi cuối tuần. Cháu Tí, con áp út của Hằng đã bỏ sở, chở chúng tôi ra sân bay, các con của Hằng thật ngoan, quan tâm tới chúng tôi như những người thân thiết trong gia đình.

Trong phi trường cũng như ngoài xa lộ, người ta ở đâu cũng đông nghẹt. Xe cộ kẹt cứng, hành khách thì chộn rộn đi tới, đi lui tìm kiếm chuyến bay. Qua trận đại dịch Covid, thế giới như hồi sinh, cho dù lạm phát, cho dù đắt đỏ, cho dù xăng tăng giá tiền, dân chúng cũng cóc cần, chơi để bù lại những ngày bị giam hãm vì bệnh dịch. Vì thời tiết quá xấu, họ thay chuyến bay, đổi “Gates” lung tung, thiên hạ cứ xách va li chạy nhông nhông tìm điểm khởi hành cho chuyến bay của mình. Vất vả và trễ nải cả giờ chúng tôi mới được lên tàu, khổ nỗi là chúng tôi mua vé của Air Canada,
nhưng rồi không đủ khách, họ bán cái chúng tôi qua United Airlines. Đường bay này cũng không khá hơn, cả hai hãng tàu bay mà nhồi khách cũng chỉ đầy cái tàu bay con có khoảng trăm kháchcho cả bận đi lẫn bận về. 

Nào đã hết đâu! Vì là hành khách đi ké, nên United Airlines đưa chúng tôi xuống hàng ghế gần chót mà cũng không được ngồi chung với nhau. Sau khi đợi trễ “boarding,” chúng tôi lên tàu bay đợi nữa vì thời tiết quá xấu, đài kiểm soát không cho bất cứ tàu nào cất cánh. Trâm ngồi cách tôi một hàng ghế, Tôi ngồi cạnh một linh mục công giáo. Cái tàu bay tí hon mỗi hàng chỉ có hai ghế nên tôi ngồi thoải mái nói chuyện với cha,
- Xe đâu cha về Baltimore? Người đợi xe buýt hay nhà dòng cho xe đón?
- Không, có ai đón đâu! Tôi gửi xe ở đây lúc đi, khi về thì lấy. Cha nói.
Tôi tài loi nói với cha, như thế là cha gửi xe ở parking thì mất $14.00 một ngày rồi.
- Tôi ở trong nhà thờ thì làm gì có tiền nhiều mà gửi $14.00. Tôi gửi ở một cái hotel gần đây họ lấy có $8.00.
- Thế thì ai chở cha về hotel mà lấy xe? Tôi hỏi. Ông cha nói không sao cả, có ”free shuttles” mà.

Chúng tôi nói chuyện lan man, ông cha giảng giải cho tôi đạo Chúa, tôi cũng kể cho cha những người Việt Nam ở Mỹ rất ngoan đạo, đi nhà thờ mỗi tuần, buổi tối họ hay đến những nhà người bạn có người đau ốm cầu nguyện, dần dà tôi kể cho ông cha người Mỹ về ông cha Lễ của tôi. Tôi nói:
- “Father Lễ” là người tù bị cộng sản đày đọa nhiều nhất, chúng đánh đập và cùm chân ông, ông khổ đến nỗi phải uống chính nước tiểu của mình tiểu ra mà sống còn, một chuyện kinh hoàng nữa là sau 13 năm tù đầy dài đằng đẵng, cộng sản đã trả tự do cho tất cả những linh mục người công giáo, chỉ trừ Cha Lễ là chúng giữ lại. Buồn cho cuộc đời, trong khi các cha khác lo thủ tục giấy tờ để ra trại thi cha Lễ lui về phòng ngồi khóc như cha mình chết, ông thẫn thờ, buồn rầu bỏ cả ăn.

Cha Lễ cứ buồn khổ vật vã cho đến nửa đêm, không cơm nước, Rồi bỗng dưng như có một điều gì đột biến làm cho con người cha Lễ tỉnh táo hẳn ra, cha Lễ hiểu ra rằng sự trừng phạt của người cộng sản đối với cha là do ý thiên chúa, Chúa muốn cha ở lại trong trại tù này là vì còn có quá nhiều người đau khổ, cha phải ở lại dẫn dắt họ. Từ nhiên cha Lễ vui hẳn lên, bao nhiêu buồn phiền tan biến. Cha vui vẻ tiếp tục sống trong tù để xoa dịu những khổ đau của những anh em tù nhân.

Người Pilot làm “announce” cho hành khách chuẩn bị, phi cơ bắt đầu chuyển bánh ra phi đạo. Tôi chỉ còn đủ thì giờ nói với ông cha Baltimore rằng tất cả những tàn ác của cộng sản đối với cha Lễ và tù nhân được cha Lễ viết thành sách. Hiện có bán trên Amazon.com tên sách là “I Must Live,” cha nhớ mua đọc.

Trời vẫn mưa to gió lớn, chiếc phản lực tí hon bắt đầu lăn bánh trên phi đạo làm tung tóe những vũng nước, rồi nó hú lên, động cơ tăng hết tốc độ, nó nặng nề cất cánh bay vọt vô đám mây mù trắng đục, chiếc phi cơ cất đầu thật cao mong vượt qua đám mưa dày đặc, không biết nó ở cao độ nào, nhưng nó vẫn bị bao vây vần vũ bởi gió và mưa. Chiếc tàu đập dình trong mây mù như con thuyền mong manh trên sóng nhồi của biển cả. Điều khổ đau cho tôi là mua vé qua Air Canada, nhưng rồi đường bay vắng quá họ chuyển chúng tôi qua United Airlines, vì là đi ké nên United Airlines đã sắp chúng tôi ngồi gần chót đã thể lại không được ngồi gần nhau, do đấy từ phía đuôi mà tôi nhìn thấy con tàu vật vã với mưa với gió nhiều hơn. Qua cái cửa sổ của tàu bay, tôi thấy một bên cánh chênh vênh, sức máy như đè nó xuống cho cân bằng cái tàu, nhưng gió mạnh quá muốn bung cái cánh cho tàu lật úp, cứ thế mà nó làm cho con tàu lắc lư mà bà con lên ruột, gió thổi dập dình làm con tàu chao đảo, nhiều lúc tôi như bị đầy khỏi ghế ngồi, bắn ra ngoài muốn đứt cả dây an toàn, ông cha phải nắm lấy tay tôi mà ghì lại. Hàng trên Trâm cũng không khá hơn, vì ngồi sát cửa sổ nên con tàu đã ép em như dính vô thành tàu, một mình ôm chặt hai thành ghế mà chịu trận, 

Tôi nghĩ là Trâm sợ, cho dù trước đây đi làm cho Air VN Trâm cũng có cả 5 ngàn
giờ bay, nhưng văn ôn võ luyện, bỏ nghề lâu quá, con người trở về cái bản ngã là sợ hãi. Thương Trâm tôi nghĩ, giá tôi ngồi cạnh, cầm chặt tay vợ, thì cũng giúp yên ổn phần nào. Trong lúc sống dở chết dở, tôi cũng không khỏi phì cười vì có hai cha con ông Mỹ, cố đi vệ sinh mà không được, quay trở lại cũng không xong, hai cha con bò càng trên sàn tàu, nắm từng cái chân ghế mà lết về chỗ ngồi. Thật khôi hài khi ông bố bặm môi bò tới, thì ông con nắm cái chân bố mà bò theo. Ông bố thương con, liều chết, nhưng không giúp được, chắc chắn là ông con đã “quấn ra đài” rồi!

Bên ngoài giông tố vẫn tràn lan, con tàu vẫn lăn lên, lộn xuống trong mưa gió với bầu trời xám xịt, điều tôi vững tâm, tin mình sống sót, là tiếng máy phản lực của cái tàu bay con này còn mạnh lắm, nó gầm rú chống trả thiên tai quái ác, cho dù nhiều lúc nó rơi vào vùng không khí loãng, tụ xuống cái bịch như bị rớt hẳn làm chúng tôi toé khói, hốt hoảng và lên ruột. Ông cha đã gập cuốn sách, miệng lâm râm đọc kinh, tôi nghĩ cha công giáo này tốt lắm, ông đang xin Chúa cho bình an cả tàu, thay vì chỉ xin cho có một mình cha.

Tôi vẫn dán tai vào tiếng nổ ầm ỹ của động cơ, và chăm chú nhìn vào một khoảng không xám đục phía trước, bỗng nhiên như tôi thấy được ánh sáng cuối đường hầm, rõ ràng một vài tia sáng yếu ớt đã lọt qua bóng mây, và không lâu sau đó con tàu đã thênh thang đi vào một bầu trời sáng sủa, có trời xanh, mây trắng và nắng hồng rực rỡ. Tiếng máy bay như dịu hẳn đi, mọi người thở phào nhẹ nhõm, thì cũng đúng lúc người phi trưởng lên máy, nói lời xin lỗi vì thời tiết quá tệ.

Tôi tìm được gì trong chuyến đi này? Một tình người cao quý mà hai gia đình không họ hàng thân thích, chỉ là tình bạn mà chơi với nhau bền vững tới 5 đời, một tình bạn cao quý của Trâm với chị Kim Anh và chị Phúc suốt 7 năm dài tại trường trung học Trưng Vương, lại nữa chị Thủy 4 là bạn đi bay với Trâm nhiều năm. Ở hãng Air VN vì có quá nhiều tên trùng nhau, nên ai vô làm trước thì họ đánh số trước, vì có quá nhiều Thủy nên người ta đặt tên theo thứ tự, như chị Thủy 4 là chị đã vô sau ba người tên Thủy, người sau chị sẽ là Thủy 5. Riêng Trâm thì hơi đặc biệt, vì không có ai đi làm sau mà tên Trâm, nên không có Trâm 1, Trâm 2, mà chỉ có đơn độclà Trâm mà thôi.

Chị Thủy 4thương Trâm đặc biệt, một người con gái cao sang xinh đẹp, dân “Marie Curie” thuở nào, đã lội bộ từng buổi sáng, suốt năm ngày ròng rã, dạy Trâm “Dịch Cân Kinh” hãy tưởng tượng một ( Hình phải:Thủy 4 và Trâm) người đàn bà đã về già, mà vẫn còn sắc sảo, chị Thủy 4 đã kém mắt, cầm cái gậy, khua trên đường, đi từng bước đến thăm và dạy bạn. Chị Thủy 4 tuy gần như khiếm thị, nhưng chị là trưởng một môn phái “Dịch Cân Kinh/Thái Cực Quyền” của Montreal, ông thầy người Tàu đã quá vãng để lại môn đệ và lớp học cho chị tiếp tục huấn luyện các môn sinh. 

Theo chị Thủy 4 thì "Dịch Cân Kinh" là phương cách xê dịch cân bằng, có 44 thế, chị cố nhồi nhét cho Trâm được thế nào hay thế ấy. Cho hay ở đời, có đi mới biết, một khi mình thương bạn bao nhiêu, thì bạn thương mình nhiều hơn bấy nhiêu. Sau chót thì cũng vậy, có đi chơi ngoài nước Mỹ, mới biết ơn nước Mỹ đã cho chúng ta đời sống huy hoàng, những người tỵ nạn được hưởng quyền công dân Mỹ, tôi quên sao được, khi mà chúng tôi bị rắc rối phương tiện xe cộ bên Anh, khi đang cố trở về Pháp, người quan thuế Anh Quốc nhìn vợ tôi với con mắt vô cùng kỳ thị, khi ông ta tra khảo giấy tờ, vợ tôi rút cái thông hành USA đưa ra, bản chất người Anh là phớt tỉnh ăng lê, nhưng cái lối phớt tỉnh sau khi coi thông hành USA hoàn toàn khác hẳn cái phớt tỉnh kỳ thị lúc ban đầu. Ông ta không nói chi cả, chỉ rút con mộc ra, lạnh lùng đóng cái kịch lên “passport” rồi cho đi. 

Như vậy cho tôi thấy rằng là người Á Châu, nhưng đi du lịch với thông hành Mỹ là không bị coi thường. Còn ở đây, khi vào nước Canada, vì là người Mỹ, chúng tôi được đối đãi đặc biệt, có lối đi riêng, và thủ tục thật là nhanh chóng, chỉ vèo một cái là đi ra (Hình trái: Tại văn phòng Quan thuế Mỹ, Canada). Rồi trở về lại Mỹ, chúng tôi cũng được đối đãi tương tự, và sau khi làm thủ tục ở Canada, chúng tôi về Mỹ như là đi trong nội địa, không phải qua quan thuế, hay khám xét gì cả. Chúng tôi hãnh diện là người Mỹ và nguyện sẽ làm tốt cho nước Mỹ. “Proud to be Americans!”

Kỷ niệm một chuyến đi kinh hoàng.

August, 13, 2024.
Đinh Hùng Cường, Ngọc Trâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét