Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

THÁNG 8, 1945: HAI QUẢ BOM NGUYÊN TỬ NỔ TRÊN ĐẤT NHẬT - Chu Tất Tiến.


Ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử đầu tiên nổ trên đất Nhật, tàn phá hai tỉnh Hisroshima và Nagasaki. Theo ước lượng dân số, có khoảng 240,000 người Nhật đã chết ngay tại chỗ, đa số là dân thường. Nhận thức được tình hình là không thể không đầu hàng, và không muốn dân Nhật chết đau đớn thêm nữa, Hoàng Đế Nhật Bản, Thiên Hoàng Hirohito (1) tuyên bố đầu hàng vào 6 ngày sau, tức là ngày 15 tháng 8 năm 1945, rồi ký hiệp ước đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 cùng năm, chấm dứt Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai.
<!>
Trở lại nguồn gốc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ Hai. Cuộc chiến kéo dài từ 1939 đến 1945, đã giết hại từ 50 triệu đến 60 triệu người, nếu cộng cả những người thương tật thì lên đến 70 triệu người. Khởi đầu cuộc chiến là Đức Quốc, với tham vọng bá chủ Âu Châu đã bất thần tung quân xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939. Ngay lập tức, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, rồi lần lượt các quốc gia Châu Âu khác cũng đứng về phe Đồng Minh, nhất là khi Đức đem quân chiếm dần mấy nước nhỏ ở Âu Châu. Sau đó Đức thành lập phe Trục (Axis), liên minh với Ý và Nhật Bản tấn công toàn diện thế giới, trừ Liên Sô vì Liên Sô đã ký hiệp ước với Đức là không tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, hiệp ước Liên Sô – Đức chỉ có giá trị một thời gian ngắn, Đức phản thùng, đem quân tính nuốt chửng Liên Sô, khiến Liên Sô phải bắt tay với phe Đồng Minh để bảo vệ đất nước mình.

Trong gần hai năm đầu, Mỹ giữ vai trò trung dung, không muốn chiến tranh, nhưng bất thần, vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật tấn công Trân châu Cảng (Pearl Harbor) bằng 353 phóng pháo cơ, phi cơ oanh kích, và máy bay thả “torpedo” bay đến từ 6 hàng không mẫu hạm. Phi cơ Nhật tấn công làm 2 đợt chéo góc nhau, gây thiệt hại to lớn cho hạm đội Mỹ: tất cả 8 chiến hạm lớn của Mỹ đậu ở đây đều bị hư hại nặng, 4 chiếc bị chìm trong lửa. Trong số các tầu chiến bị hư hại, có 3 chiếc tuần dương hạm, ba chiếc khu trục hạm, 1 chiếc huấn luyện phòng không và môt chiếc chuyên thả mìn. Hơn 180 máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bị phá hủy. 2393 chiến sĩ bị giết chết và 1178 bị thương nặng. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ tổn thất 29 máy bay, ba chiếc tiềm thủy đĩnh nhỏ bị chìm và 129 quân Nhật bị bắt.

Nhận được tin Trân Châu Cảng bị tấn công, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt triệu tập khẩn cấp Quốc Hội để đề nghị tuyên chiến. Hai ngày sau, ngày 9 tháng 12 năm 1941, Tổng Thống Roosevelt tuyên chiến với Nhật. Cũng hai ngày sau, Đức tuyên chiến với Mỹ. Đáp trả, Mỹ tuyên chiến với toàn thể phe Trục. Toàn thể đất nước Hoa Kỳ tập trung sức mạnh, phát triển máy bay, tầu chiến, xe tăng, và các phương tiện chiến tranh, lao vào cuộc chiến ở xa ngàn dặm. Ngày D day, ngày 6 tháng 6 năm 1944, với sự hiệp đồng của phe Đồng Minh, quân Mỹ đổ bộ Normandy với hơn 13,000 binh sĩ nhẩy dù, và gần 4000 lính bộ binh cùng với quân Đồng Minh là khoảng 24,000, lập đầu cầu cho các đội quân sau tiến vào. Từ đó, cuộc chiến đã gần như ngã ngũ. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức (và Ý) đầu hàng trước nhưng Nhật vẫn còn chiến đấu, bất chấp số thương vong khủng khiếp. Quân Đồng Minh đã dội bom tàn phá 64 tỉnh thành của Nhật nhưng quân Nhật vẫn chiến đấu sinh tử. Tháng 4 năm 1945, Mỹ tung quân vào Okinawa, ở đây có tổng cộng vừa lính chính quy Nhật vừa dân quân là khoảng 117,000, chiến đấu trong tuyệt vọng trong gần 2 tháng. Tổng kết sơ khởi có 94 ngàn quân, dân Nhật bị chết ở đây, còn 7401 lính Nhật đầu hàng khi hết đạn.

Nhận xét về tinh thần chiến đấu của quân Nhật, một tổ chức có tên là Joint War Plans Committee đã dự tính là nếu quân Đồng Minh đổ quân tấn công vào nước Nhật, thì số người chết có thể từ 1 triệu 700,000 người, trong khi đó, quân và dân Nhật sẽ chết từ 5 đến10 triệu người. Ngoài ra một yếu tố rất quan trọng làm cho Mỹ lo âu là việc Nga có thể chế bom nguyên tử trước. Do đó, sau khi tham khảo với các cố vấn, Tổng Thống Roosevelt ra lệnh cho US Army Corps of Engineers chế tạo Uranium và Plutonium. Kế hoạch bí mật này được đặt tên là Manhattan Project, dưới quyền điều khiển của Thiếu Tướng Leslie R. Groves, và được phân nhỏ ra thành nhiều cơ xưởng khác nhau, mỗi cơ xưởng thực hiện môt phần vụ, để cho gián điệp không thể nào biết được chuyện gì sẽ xẩy ra. Sau cùng thì quả bom nguyên tử đầu tiên đã được hình thành, dưới tên ngụy trang là “The Little Boy”.

Với một sự thận trọng, không muốn giết quá nhiều người Nhật nên trước khi thả quả “Little Boy” xuống Hiroshima, hàng trăm ngày truyền đơn đã được thả xuống đất Nhật, yêu cầu mọi người tránh xa các cơ sở quân sự, cầu đường quan trọng, nhưng không biết vì lý do, số truyền đơn này lại không bay đến Hiroshima nên dân chúng vẫn thản nhiên sinh hoạt gần các cơ xưởng quân đội.

Chiếc máy bay B-29 Enola Gay mang “The Little Boy” được lái bởi Đại Tá Paul W. Tibbets Jr. và Đại Úy Robert A. Lewis. Trước khi thả quả bom kinh khủng này xuống đất, một số máy bay chiến đấu đã dọn đường để lên tiếng báo động cho dân Hiroshima. Sau đó, quả bom có sức mạnh khoảng 15 kilotons của TNT đã nổ trên bầu trời Hiroshima tạo ra một khoảng trống không khí có đường khí nhiều cây số. Tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đều bốc hơi. Cả thành phố hầu như biến mất. Hàng chục ngàn dân Nhật ở cách đó cả chục cây số bị phóng xạ bay tới cũng ngắc ngoải. Những người sống sót mang phóng xạ tiềm ẩn trong người rồi cũng từ từ đi vào cõi chết với những căn bệnh lạ.

Nhật Hoàng kinh hoảng. Toàn thể chính phủ Nhật náo loạn, cả nước Nhật khóc lóc vang trời, nhưng Nhât Hoàng vẫn chưa chịu đầu hàng. Mỹ quyết định thả thêm quả bom thứ Hai, “The Fat Man” xuống Nagazaki tạo nên địa chấn tâm lý và chấn thương thể xác trên toàn đất Nhật. Không thể chờ thêm quả thứ Ba, Nhật Hoàng vội vã gọi đại diện Mỹ đến thương lượng đầu hàng.

Mỹ chấp nhận việc đầu hàng của Nhật Hoàng môt cách cung kính và hứa sẽ đền bù mọi tổn thất do hai quả bom nguyên tử này gây ra bằng cách giúp Nhật tẩy rửa ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử, giúp xây dựng lại đất nước Nhật, yểm trợ Y Tế, Kinh Tế và Tài Chánh Nhật. Các nước Đồng Minh cũng tiếp tay giúp Nhật phục hồi lại sau chiến tranh, gửi chuyên viên, cố vấn đến giúp đỡ nước này về mọi mặt.

Tinh thần Samurai của dân Nhật cũng giúp phục hồi đất nước rất nhanh. Đến nay, Nhật lại trở thành môt trong những cường quốc kinh tế trên thế giới.

Chu Tất Tiến
6 tháng 8 năm 2024.

(1) Hoàng Đế Nhật Bản Michinomiya Hirohito, (dịch theo phát âm là Minh Trị Thiên Hoàng, dịch theo ý nghĩa là Chiêu Hòa), là Thiên Hoàng từ 1926 đến 1989. Sau chiến tranh, Ngài ra lệnh làm Hiến Pháp mới, trong đó ngôi vị Thiên Hoàng chỉ là một hình thức tôn kính, không còn thần thánh hóa nữa. Thủ Tướng Nhật Bản mới chính là người điều hành đất nước.

Tham chiếu:

-https://en.wikipedia.org/wiki/American_airborne_landings_in_Normandy

-https://en.wikipedia.org/wiki/Little_Boy

-https://vi.wikipedia.org/wiki/Hirohito

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét