Cách đây khá lâu rồi tôi có viết bài "Hà Nội Còn Nhớ Hay Quên", mà tôi đã dùng bài "Nỗi Lòng Người Đi" của Nhạc sĩ Anh Bằng làm dẫn nhập cho bài. Chuyện cũ ngày xưa là vì người thầy tôi hồi tiểu học đã đưa tôi tới gần với dòng nhạc của người nhạc sĩ này trong ký ức ngày cũ, tôi còn nhớ nhiều lắm, và nhớ rất rõ. Tôi viết như sau: “"Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa
<!>
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy..."
Midi “Nỗi Lòng Người Đi"
Tôi nghe bài ca "Nỗi Lòng Người Đi" của nhạc sĩ Anh Bằng phát ra từ chiếc radio trên xe sáng nay. Bài hát trùng hợp với sự kiện tôi vừa nhận được một quyển sách do một nhà văn cao niên biếu tôi do nhà thơ Vũ Hoài Mỹ trao lại. Sách mang tựa đề "Về những kỷ niệm quê hương" của nhà văn Nguyễn Thạch Kiên. Nguyễn Thạch Kiên là một trong số các nhà cầm bút lão thành còn sót lại. Tôi thích sách này vì tác giả kể nhiều về các nhà văn, nhà thơ và Hà Nội trước 54. Trang 6 của sách có hình của tác giả khi còn trẻ, ông trông thật bảnh trai, thật khôi ngô. Xem hình tôi nhớ lại vị thầy cũ đáng kính mến, đầy thân thiện của tôi dạy lớp nhất là thầy Mai. Thầy Mai di cư từ miền Bắc vào Nam năm 54 và đi chỉ có một mình. Thầy vào Nam trong nỗi cô đơn. Nhà thầy ở gần khu vực cư xá Đô Thành Sài Gòn trên dường Phan Thanh Giản. Thầy có tài vẽ rất đẹp, thầy làm thơ và ca thật hay. Ngày đó tôi đi học phải cuốc bộ từ góc Lê Thánh Tôn và Cường Để băng qua Sở Thú (Thảo Cầm Viên), rồi qua cây cầu Bông bắc ngang sông Thị Nghè đến trường Thạnh Mỹ Tây II. Dĩ nhiên đoạn đường đi học rất đẹp vì xuyên qua những con đường trong Sở Thú, nơi có muôn hoa, bách thảo, và nhiều loài vật hiếm quý, rồi đi men trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có những hàng cây sao cao vun vút, quẹo phải sang góc cuối đường Lê Thánh Tôn với hàng me chạy dài bóng mát dẫn về nhà. Trên đoạn đường đó thầy Mai đi cùng lối về nên thường cho tôi quá giang trên chiếc gắn máy Vespa của thầy. Những ngày lễ liên hoan tại trường như dịp Tết Nguyên Đán hay ngày Quốc Hận chia đôi đất nước, 20 tháng 7, thầy mang đàn vào, thầy hát bài ca "Nỗi Lòng Người Đi". Để rồi từ đó tôi biết bài này. Thầy thường kể tôi nghe về đất Bắc từ Hà Nội thơ mộng của thầy, vịnh Hạ Long, cao nguyên Sapa, đến chùa Hương,... Trong trường có một cô giáo cùng gốc Bắc tỏ ra mến thầy và tôi là con thoi giao thư qua lại. Ngược lại, tôi được thầy tín cẩn cho làm đệ tử và cho về chung trên chiếc Vespa của kỷ niệm khó quên ngày nào.
"Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
trong bùi ngùi ước mơ nên đẹp đôi"
Nói tới Hà Nội tôi liên tưởng đến thơ thầy Mai của ngày cũ hôm nào:
"Hà Nội ơi, thơm ngọt ngào hoa sữa
Con đường xưa bao dấu vết chân quen
Hồ Gươm đây mây bay trời lộng gió
Mưa phùn rơi e ấp dáng nguồn thơ..."
hay
"Hà Nội ơi, dịu dàng như hương cốm
Nụ hoa sữa che búp bầu trời xanh
Thấy trong tôi như trời đang dừng lại
Gió nhẹ ru cho vàng mùa Thu tới..."
Còn nhớ trong tôi bài thơ ngày ấy những dòng thơ dịu dàng của thầy Mai về Hà Nội như là bước khởi đầu tình tự giữa tâm hồn tôi và Hà Nội, để cho cái hồn thơ đó đã ăn sâu vào dòng huyết quản của tôi. Rồi cho ý tưởng của tôi về Hà Nội đong đầy bao ký ức thời tiểu học khi mà có thầy Mai, có cô Loan, có người Hà Nội xa xưa mà tôi được nghe kể về Hà Nội có mưa phùn nhẹ bay, có mùi thơm hoa sữa quyện vào không gian có hương cốm ngọt ngào của đầu ngày..."
Rồi những đoạn cuối tôi nhớ về thầy Mai và nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết về Hà Nội của ông như sau:
"Nguyễn Thạch Kiên viết về Hồ Tây của Hà Nội:
"Hồ Tây lộng gió, bát ngát ở trước mặt. Có những cánh buồm trắng phía xa xa dập dờn trên làn nước mát. Vài chiếc pe-rít-xoa lao vun vút rồi vòng lại. Khu Tiểu Đồ Sơn, trong dãy nhà hóng gió, Tây đầm lớn nhỏ ngồi bên ly rượu ngồi giải khát, vẻ kiêu kỳ, thoải mái. Nhưng khu rặng ổi Quảng Bá vẫn là nơi quyến rủ chúng tôi hơn."
Hà Nội trong hoài niệm ngự trị tâm hồn thầy Mai, hay Hà Nội trong trí nhớ dai dẳng của nhà văn Nguyễn Thạch Kiên có nhiều điểm tương đồng vì họ đã ra đi, họ bỏ lại Hà Nội trong giấc ngủ cô đơn, Hà Nội trong nhung nhớ tột cùng và Hà Nội trong thao thức của thuở thiếu thời. Tôi gặp nhà văn lão thành này ông ôn lại cả một bầu trời lưu luyến, miên viễn kể lại cái ký ức của ngày xưa, những năm 30 hay 40 mà nay đã lùi vào dĩ vãng. Cái dĩ vãng có mưa phùn lấm tấm giăng phủ Hồ Gươm, những hàng liễu xanh đong đưa trong gió, bóng cây lung linh mặt hồ như bóng người thiếu nữ hôm nào của nhà văn hay của thầy tôi e ấp trong kỷ niệm dấu yêu xưa."
BS Morita, Anh Bằng, Thúy Anh, Lệ Hoa, Việt Hải
Những ngày còn bé của bậc tiểu học khi mài đũng quần ở ghế học đường thú thực tôi không nghĩ tôi có dịp gặp được Nhạc sĩ Anh Bằng, thì nói chi như ngày hôm nay tôi được dịp gặp ông bằng da bằng thịt ở ngoài đời hay gặp ông bằng chữ nghĩa gửi qua email khá thường xuyên.
Qua nhạc sĩ Lê Dinh khi ông làm chủ nhiệm tờ Nghệ Thuật bên Montreal mà tôi gửi bài đăng, tôi được giới thiệu đến Nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi rất vui khi được biết nhạc sĩ Anh Bằng rất yêu thích văn chương, ngoài phạm vi âm nhạc của ông. Khi tôi gia nhập Văn Đàn Đồng Tâm mà GS Doãn Quốc Sỹ và BS Tạ Xuân Thạc thành lập. Tôi được dịp gửi biếu một số sách đến ông. Một dịp mùa xuân năm Đinh Hợi 2007, nhà văn Quyên Di có mời một số anh chị em văn nghệ sĩ họp Tết tại Trung Tâm Văn hóa Việt tại thành phố Santa Ana, Nam California, tôi được dịp tiếp xúc và chuyện trò cùng Nhạc sĩ Anh Bằng . Hôm đó là ngày vui Tết chúng tôi nhâm nhi bánh mứt, uống trà mạn sen của anh Quyên Di mang từ nhà sang, anh Quyên Di vốn là nhà văn của tuổi thơ mà tôi rất mến mộ của thuở trung và tiểu học qua loạt sách Tuổi Hoa. Hiện nay anh là GS giảng dạy văn chương Việt Nam tại trường UCLA (University of California at Los Angeles). Anh có kiến thức uyên bác về văn chương, Quyên Di dẫn khách đi xem tranh nghệ thuật chưng bày tại đây, tôi chú ý đền những bức tranh Đông Hồ khi anh thuyết giảng trong khi Nhạc sĩ Anh Bằng tiến gần lại những bức tranh họa đồng quê miền Bắc, ông bảo với tôi rằng ông nhớ Hà Nội lắm. Tôi hiểu ý ông, vì chính tôi cũng nhớ Sài Gòn kinh khủng. Nhạc sĩ Anh Bằng sinh trưởng và lớn lên tại miền Bắc, ông sống nhiều năm tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Hà Nội vấn vương bước chân ông khi ông rới xa, để rồi hồn thơ, hồn nhạc như sức ép đổ dồn vào bài tình ca bất hủ mà tôi ưa thích.
Có những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật hay văn học thường có những bí ẩn tạo ra những nghi vấn, những hiếu kỳ để người ta đi tìm tòi về tác phẩm đó ví dụ như những dẫn dụ sau đây:
Nhà đại danh họa Leornardo Da Vinci khi vẽ bức danh họa La Joconde được chưng bày trong bảo tàng viện Louvre bên Pháp, đã ẩn chứa bóng hình một nhân vật huyền bí nào đó qua vai nàng kiều nữ Mona Lisa với nụ cười duyên dáng, nhưng đầy bí hiễm. Rồi đến Đại văn hào Boris Pasternak khi thực hiện đại tác phẩm “Doctor Zhivago", đưa đến giải Nobel văn chương hòa bình vào năm 1958 và được công ty MGM quay thành phim năm 1965, đã cố đưa hình ảnh người yêu là nàng kiều nữ tóc vàng Olga Vsevolodovna qua vai người tình Lara trong truyện. Với Nhạc sĩ Anh Bằng, trong sự tìm tòi của tôi về bài "Nỗi Lòng Người Đi" thì ai là bóng hình chiếm lấy tâm tư của người sáng tác như thế. Tôi chỉ biết đó là một tình yêu thật đẹp khi hai con tim tìm được nhịp đập đồng bộ yêu thương, một mối tình đầu thơ mộng kiểu puppy love. Rồi cuối cùng ông đã viết trong email trả lời cho tôi để kể về câu chuyện xưa như sau:
"Tôi có quen một người em gái nhỏ, nữ sinh Hà Nội. Nàng tên là Hà. Hà và tôi yêu nhau trong một tình yêu thánh thiện. Tình yêu của chúng tôi giới hạn bởi những lần nắm tay nhau đi dạo Hồ Gươm, hoặc những lần ăn chung gói lạc rang dưới gốc cây cạnh bờ hồ, và chỉ để nhìn nhau đắm đuối mến thương. Những buổi chiều se lạnh mùa đông, tôi khoác áo ấm cho Hà, rồi cái kỷ niệm mùa hè năm nào chúng tôi ngắm nhìn đôi vịt trời (le le) nô đùa bên sóng nước dưới cành liễu rủ, nàng đút lạc rang cho tôi, tôi bảo tôi yêu nàng, nàng cười bẽn lẽn. Tôi thấy nàng đẹp vô cùng.
Hồ Gươm
Tôi còn nhớ có những hôm tôi ôm đàn guitare đệm cho nàng hát. Giọng hát nữ sinh của Hà khá lôi cuốn. Hà hát rất tự nhiên trong nét duyên dáng, thỉnh thoảng xen chút nũng nịu. Tôi bị thu hút bởi tiếng hát dễ thương và ánh mắt thiên thần ấy, để rồi sau này nhớ đến Hà, bỗng dưng hồn nhạc tạo cho tôi nguồn cảm tác thành một ca khúc nói về mối tình cảm đẹp đẽ nhẹ nhàng đó, có hình ảnh ngày xưa ấy của Hà trong dòng nhạc của tôi.
Rồi khi đất nước phân đôi, mối tình thơ mộng của chúng tôi chia chung số phận nghiệt ngã của quê hương. Ngày chia ly, Hà thổn thức khóc trên vai tôi. Nàng cho biết gia đình nàng sẽ ở lại, phần tôi, nắm chặt lấy tay nàng tôi nói tôi phải theo gia đình vào Nam. Nàng khóc ngất thành tiếng, tôi vỗ về nàng, chúc nàng ở lại với nhiều may mắn, tôi vuốt tóc nàng nhìn những dòng lệ long lanh lăn trên má nàng, lòng tôi se thắt, xót xa cho mối tình nhỏ của chúng tôi sẽ phải kết thúc để tôi đi tìm một mối tình lớn, đó là ánh sáng miền Nam tự do. Trên bước đường xuôi Nam, tôi biết tiếng khóc của người yêu vẫn theo đuổi tôi. Những dòng nước biển xoáy trong sức ly tâm của chân vịt tàu tạo thành những con sóng chia ly, mắt tôi bỗng nhạt nhòa chia tay với miền Bắc yêu thương, con tàu mang tôi đi xa dần, rồi xa dần miền Bắc của tuổi thơ mộng mơ. Tàu vượt Bến Hải đưa tôi xuôi Nam trong cảm giác nhớ nhung đến Hà, và từ đó tôi thai ghén ra bài tình ca "Nỗi Lòng Người Đi", mà sau này trong dân gian có người gọi là bài "Tôi Xa Hà Nội". Nghĩ cho cùng cũng không ngoa lắm đâu, khi đứng trên tàu nhìn miền Bắc xa dần trong tầm mắt cũng có nghĩa là tôi đã xa Hà Nội, hay xa một mối tình có Hà Nội với kỷ niệm đẹp và có cô nữ sinh Hà bên bờ Hồ Gươm ngày nào".
Thưa, đó là những tâm sự chôn dấu bao năm khi người nhạc sĩ không muốn tự mình viết ra công chúng. Giờ đây tôi được phép trích đăng một phần của email của ông đề cập về nỗi lòng năm xưa của ông. Biến cố đất nước phân ly năm 1954 có rất nhiều mối tình chia ly trong lưu luyến, để rồi những luyến lưu đó được âm nhạc hay thi ca ghi nhận. Trong giới văn học có lẽ chúng ta không quên bài thơ bất hủ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận qua tác phẩm "Yêu Em, Hà-nội":
"Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá"
Tôi email đến Nhạc sĩ Anh Bằng bài thơ "Yêu Em, Hà Nội" của Hoàng Anh Tuấn, ông cho biết ông tìm được sự đồng cảm với tác giả. Thực vậy, đối với những tác giả ra đi bỏ lại Hà Nội vào những năm của thập niên 50 để vào Nam thì Hà Nội trong tâm tưởng vẫn là Hà Nội với những dấu yêu ngày cũ, chưa bị chính trị hóa từ cái ác tính của chế độ cầm giữ quyền bính và tạo ra không biết bao những giáo điều xấu xa bao trùm lên kiếp người từ khóm cây đến ngọn cỏ, để Hà Nội ở lại sau 54 vất vơ vất vưỡng trong ngục tù Cộng Sản. Do đó Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn hay Hà Nội của Anh Bằng là mối tình nhuốm nét văn chương lãng mạn, Hà Nội có em ở lại trong con tim nặng trĩu thương yêu qua những dòng thơ đầy nhung nhớ:
"Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ"
Chùa Một Cột
Hay "Nỗi Lòng Người Đi" của Anh Bằng nói lên nỗi băn khoăn khi chia ly với Hà Nội:
"Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa"
Em Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn hay em Hà Nội của Anh Bằng là tình yêu dâng ngôi vào mùa hò hẹn, mùa gặp gỡ yêu thương, bao sầu vấn vương dáng liễu xưa:
"Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được thơm em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở"
"Nỗi Lòng Người Đi" của Anh Bằng có em Hà Nội với em mười sáu xuân tròn yêu thương say đắm. Hà Nội của Anh Bằng có cô nữ sinh Hà của nét nhìn thơ ngây, của dáng e ấp như bờ liễu xanh của Hồ Gươm hẹn hò:
"Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan"
Hoàng Anh Tuấn cho thơ kết của tình yêu em Hà Nội còn vương vấn trong những vần thơ cũ:
"Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ"
Em Hà Nội của Anh Bằng là những chuỗi ngày dài xa nhau, của những buổi gặp gỡ bên Hồ Gươm là mộng chiều tưởng nhớ, là những trăn trở của con tim như ý tưởng của câu cuối dưới đây:
"Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ"
Tác giả kể chuyện Anh Bằng,
Tóm lại, tôi viết bài này trong mục đích cô đọng những ý tưởng trao đổi với Nhạc sĩ Anh Bằng về Hà Nội trong kỷ niệm xa xưa của ông, rồi tôi muốn nhắc lại bài tình ca bất hủ mà ông giáo dạy tiểu học đã giới thiệu vào tâm trí của tôi, và bài tình ca đó lại của người nhạc sĩ mà sau mấy chục năm tôi mới hân hạnh được gặp mặt và được quen biết ông. Những lời cuối cùng tôi xin cám ơn Nhạc sĩ Anh Bằng vì ông đã chia sẻ tâm sự lòng, những điều mà từ đó tôi có thể đem vào văn chương của mình.
"Anh Bằng và Hà Nội Trong Tôi" có người nhạc sĩ mang tôi gần với Hà Nội thuở đầu đời, và Nhạc sĩ Anh Bằng là nhân vật tình cảm của văn chuơng trong ý tưởng của tôi, người của âm nhạc lãng mạn, trong hồn thơ của tháng năm cũ và trong cái tâm tình đó tôi xin gửi đến ông những câu thơ của Hà Nội chia ly ngày xưa, hay cách nói khác là Nỗi Lòng Người Đi:
"Hà như Hà Nội hương xưa
Nay còn kỷ niệm dẫu chưa phai mờ
Nỗi Lòng gói kín hồn thơ
Người Đi dòng nhạc tôn thờ tình xa."
Việt Hải, Los Angeles.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét