Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Tưởng nhớ King Bee* Nguyễn Văn Nghĩa - KQ. Ðỗ văn Hiếu


Cố Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1940 trong một gia đình giàu có, theo đạo Công Giáo ở Sàigòn. Gia nhập Không Quân khóa 58A Trần Duy Kỹ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp anh cùng với người bạn đồng khóa, Trần Văn Luân, được gởi sang Stead AFB, Nevada, Hoa Kỳ để xuyên huấn trên trực thăng H19, do hảng Sikorsky chế tạo. Khi trở về anh phục vụ ở Phi Ðoàn 1, trực thăng đồn trú trong Tân Sơn Nhứt cho đến cuối năm 61 khi Phi Ðoàn 213 tân lập thì thuyên chuyển đến căn cứ 4 trợ lực Không Quân Ðà Nẵng.
<!>
Tôi gặp anh Nghĩa lần đầu vào tháng 8 năm 1963, khi ấy anh là Thiếu úy Sĩ Quan Huấn Luyện của Phi Ðoàn 213. Vào thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa việc lên lon lá và chức vụ khó khăn trần ai lắm chớ chẳng phải chơi đâu.
Trách nhiệm của Phi Ðoàn vào thời khoảng nầy có vẻ nặng nề vì ngoài việc hành quân ra Phi Ðoàn còn gánh thêm phần kỷ thuật và tiếp liệu nữa. Thế nhưng cấp bậc của các Sĩ Quan trong ban Tham mưu của Phi Ðoàn chỉ từ Thiếu úy đến Ðại úy là cao lắm rồi. Chỉ Huy Trưởng Phi Ðoàn 213 trước ngày 1/11/63 là Ðại úy Nguyễn Hữu Hậu, Ðại úy Ngô Khắc Thuật, Sĩ Quan Kỷ Thuật và Tiếp Liệu. Thiếu úy Nguyễn Văn Trang, Trưởng phòng Hành Quân. Thiếu úy Hồ Bảo Ðịnh, Sĩ Quan An Phi và Sĩ Quan Huấn Luyện là anh Nghĩa như đã nêu ở phần trên. Mặc dù có chức vụ trong Phi Ðoàn nhưng tôi vẫn thường nghe các đàn anh gọi anh là Nghĩa “con”. Hỏi ra mới biết tên tục nầy do các bạn đồng khóa đặt cho anh (có lẻ vì nét mặt trẻ, đẹp trai) để phân biệt với anh Chế Văn Nghĩa (Nghĩa chàm, Phi Ðoàn 514 sau nầy).
Trong 2 năm ở Phi Ðoàn 213 tôi bay huấn luyện với anh Nghĩa nhiều lần và sau nầy ra Hoa tiêu chánh rồi Trưởng phi cơ bay hành quân chung với anh cũng lắm bận. Tôi nhận thấy anh bay rất giỏi, tay lái nhẹ nhàng chính xác và đặc biệt là lúc nào cũng bình tỉnh như những khi bay vào mây mù giông bão hay đáp vào những bải đáp hiểm nguy để tản thương hay "bốc" quân bạn. Theo tôi có lẻ anh Nghĩa là một người thầm lặng nhất của Phi đoàn 213 dạo ấy. Tôi chẳng bao giờ thấy anh tham dự một cuộc tranh luận hoặc bàn cải hay to tiếng với ai cả. Hai người trong Phi đoàn mà anh có nhiều cảm tình nhất là anh Nguyễn Văn Trang và anh Nguyễn Phi Hùng thế mà lâu lâu tôi mới thấy anh trò chuyện thân mật vui vẻ với các anh nầy.
Khoảng 63-65 việc hành quân của Phi đoàn chẳng có gì là nhiều và hàng ngày những người không đi bay có thói quen tụ họp ở phòng hành quân (cũng là phòng họp và phòng nghỉ của nhân viên phi hành!) chơi cờ tướng, domino, đọc sách báo hay ngồi tán chuyện gẩu cho qua thời giờ, những lúc ấy tôi lại thấy anh Nghĩa hai tay chấp sau lưng, miệng phì phèo điếu Lucky Strike, đi tới đi lui hay đứng tựa cửa sổ nhìn mông lung ra ngoài trời, nét mặt đăm chiêu như đang suy nghĩ một điều gì!

Còn nhớ có một dạo tôi với anh và anh Hảo "mù" Quân Báo ở trong một căn phòng nhỏ trước mặt câu lạc bộ Trần Văn Thọ và tôi thường thấy anh Nghĩa ngồi chơi bài Solitaire hàng giờ mà không biết chán! Hai thú vui mà anh đam mê nhất là mạt chược và nhảy đầm. Dạo chưa biết chơi mạt chược tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy anh, Trần Văn Luân và Vũ Hùng Lượng, Vũ Bắc Hà của Phi đoàn 110 đêm nào cũng ngồi gỏ lốp cốp ở câu lạc bộ!

Mùa hè năm 1965 tôi tình nguyện gia nhập biệt đội H34 biệt phái dài hạn cho Lực Lượng Ðặc Biệt Delta ở Nha Trang, do Thiếu tá Phạm Duy Tất chỉ huy (Thiếu tá Tất trước ngày 30/4/1975 được thăng cấp Chuẩn Tướng và chỉ huy cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II). Từ đó tôi ít có dịp gặp anh Nghĩa cho mãi đến năm 66 khi chúng tôi cùng thuyên chuyển đến Phi đoàn 219 tân lập thuộc Không đoàn 41 Ðà Nẳng và anh được bổ nhiệm vào chức trưởng phòng hành quân của Phi đoàn nầy. Hàng ngày ngoài việc điều động hành quân anh còn phụ giúp bay huấn luyện cho các nhân viên phi hành mới thuyên chuyển đến Phi đoàn.
Phi đoàn 219 có lẻ là nơi tụ họp nhiều đấng anh hào có máu me cờ bạc nhất. Hình như ở phòng nghỉ của Phi đoàn lúc nào cũng có sòng bài cào hay xập xám đang hồi gay cấn và thỉnh thoảng anh Nghĩa cũng có mặt xây sòng, mua vui đen đỏ với anh em. Về sau nầy Phi đoàn nhận thêm một trailer có máy điều hòa để làm phòng nghỉ cho nhân viên phi hành thì hai anh Nghĩa và Luân là những ông thầy truyền nghề mạt chược cho thế hệ đàn em và căn phòng nầy biến thành phòng mạt chược thường trực lúc nào cũng đầy ắp khói thuốc!
Khoảng tháng 6 năm 69 anh Trần văn Luân đi học tham mưu ở Hoa Kỳ, anh Nghĩa được đôn lên giữ chức vụ Phi đoàn phó. Ðến tháng 9 cùng năm anh được chỉ định làm Sĩ Quan Liên Lạc ở Fort Wolters, Texas. Cuối năm 69 Tống Phước Hảo và tôi nối gót anh sang làm Sĩ Quan Liên Lạc ở Fort Hunter, Savannah, Georgia. Tháng 4 năm 1970 ba Sĩ Quan Liên Lạc tại Fort Wolters là các anh Hồ Bảo Ðịnh, Nguyễn Văn Ức và Nguyễn Văn Nghĩa nhận được nghị định thăng cấp Thiếu tá và vì anh Ðịnh cũng vừa mãn nhiệm kỳ nên Trung tá Trần Minh Thiện, Trưởng phòng Sĩ Quan Liên Lạc tại Lackland AFB đưa Nguyễn Văn Ức sang thay thế tôi trong chức vụ trưởng ban liên lạc ở Fort Hunter và tôi sang Fort Wolters làm việc dưới quyền của anh Nghĩa.
Tôi ở chung với anh trong căn nhà thuê 2 phòng ngay trong căn cứ chỉ cách nơi làm việc độ 5 phút đi bộ. Tôi thấy anh chẳng có gì thay đổi, vẫn ít nói, trầm mặc và những lúc rảnh rổi ở nhà anh vẩn thường ngồi chơi bài Solitaire hàng giờ! Trở về Việt Nam sau nhiệm kỳ Sĩ Quan Liên Lạc anh được bổ nhiệm vào chức vụ Phi đoàn trưởng Phi đoàn 219 thay thế Trung tá Ðặng Văn Phước. Ðầu năm 71 Tống Phước Hảo và tôi về trình diện anh, và Hảo chọn ở lại làm Phi đoàn phó cho anh Nghĩa, và tôi thuyên chuyển lên Không Ðoàn 51 tân lập làm việc với Trung tá Phước. Tháng 9 năm 71 tôi được đề cử đi học Chinook ở Fort Rucker, Alabama và khi trở về thành lập Phi đoàn 241 tại căn cứ 60 chiến thuật KQ/Phù Cát.

Từ đó tôi không có dịp gặp lại anh Nghĩa và những anh em ở Phi đoàn 219 một thời đã cùng tôi xuôi ngược suốt dọc từ Khe Sanh, Lao Bảo qua A Shau, A Lưới đến Khâm Ðức và vùng Dakto, Dak Pek. Ðược biết cuối năm 71 trong kế hoạch Việt Nam hóa các phi cơ H34 già nua, cũ kỷ của Phi đoàn 219 được thay thế bằng loại UH1 hiện đại hơn và các phi hành đoàn được đưa đến Vũng Tàu để xuyên huấn và thực tập tác xạ trên trực thăng vỏ trang. Ðến năm 72 Phi đoàn dời về Nha Trang vì địa bàn hoạt động của Phi đoàn lúc nầy chỉ bao gồm các vùng Kontum, Ban Mê Thuột, Quản Lợi và Long Thành. Năm 1973 trong một phi vụ thăm viếng biệt đội ở Ban Mê Thuột anh ghé lại Ðà Lạt vào sáng hôm sau để thăm Phạm Công Khanh, một nhân viên phi hành của phi đoàn, đang nằm dưởng thương tại đây và phi cơ đã bị mất cắp.
Anh Nghĩa mất chức Phi đoàn trưởng và bị đưa vào quân lao Nha Trang chờ ngày ra tòa án quân sự. Theo lời anh Nguyễn Văn Trang, một người bạn rất thân của anh Nghĩa từ những ngày ở Phi đoàn 1 trực thăng, kể lại những lần vào thăm anh Nghĩa "...thỉnh thoảng tôi đến thăm anh và mang quà tiếp tế cho anh, anh ra gặp tôi vẫn bận chiếc áo bay, hút thuốc lá Mỹ, người vẫn phây phây. Anh bảo tôi đến thăm là đủ rồi không cần quà vì anh đã có đủ. Tôi ngạc nhiên hỏi thêm thì anh bảo: "Hiện anh có rất nhiều đàn em phục vụ". Tên du đảng số một Nha Trang đã kết nghĩa huynh đệ với anh. Hằng ngày chúng nó hầu hạ cung phụng đủ thứ..." (Mạc Vân - Những mẩu chuyện bên lề của người Không Quân già).
Cuối tháng 3/75 Phi đoàn tôi di tản về Sàigòn, nhân viên phi hành và vài ba chiếc Chinook còn khả dụng được gởi đến tăng cường cho Phi đoàn 237, Sư Ðoàn 3 KQ. Riêng phần tôi ngày ngày vào trình diện phòng đặc trách trực thăng và tôi cứ lang thang hết phòng sở nầy đến phòng sở khác với một tâm trạng hoang mang, đợi chờ những bất hạnh sắp sửa xảy ra! Vào một buổi trưa gần cuối tháng tư 75 trên đường từ căn cứ Tân Sơn Nhứt trở về nhà tôi chợt thấy anh Nghĩa mặc quân phục kaki, lái chiếc xe jeep màu trắng bên kia đường vào căn cứ. Tôi vẩy tay chào anh, cùng lúc ấy anh cũng nhận ra tôi và đưa tay ngoắc tôi trở lại.

Vào thời khoảng đó trên con đường Cách Mạng trước cổng Phi Long lúc nào cũng đầy ấp xe cộ, hổn độn và thật tình lúc đó tôi chỉ mong sớm về nhà để trấn an gia đình trong những ngày đầy sôi động nầy, nên tôi đã không quay trở lại. Ðây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75 anh bị đưa đi học cải tạo và đã chết ở trong tù! Bây giờ mỗi lần nhớ đến tôi lại thấy ân hận, cứ mãi trách mình sao quá vô tình với anh!
Bài viết nầy xin được xem như một lời tạ lỗi, một tưởng niệm gởi đến anh Nghĩa một người đàn anh của tôi trong quân chủng Không Quân. Anh là một người giàu tình cảm, luôn luôn đối xử hòa nhã với mọi người, một phi công ưu tú của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hiến trọn quảng đời tuổi trẻ của mình để bảo vệ Tổ Quốc, Không Gian. Tiếc thay khi lìa đời đã không có được một lá Quốc Kỳ để ấp ủ xác thân! Anh Nghĩa! Gia đình anh, bạn bè anh, và chúng tôi những người đã từng chia xẻ với anh những hiểm nguy, gian khổ cùng vinh quang của những ngày ở Phi đoàn 219 sẽ luôn tưởng nhớ đến anh. Cầu mong linh hồn Jean Nguyễn Văn Nghĩa luôn được an bình nơi cỏi phúc.

KQ. Ðỗ văn Hiếu

Chú-thích:
*Danh hiệu hành quân của Phi Ðoàn 219 là King Bee, huy hiệu của Phi Ðoàn là một con thú đầu rồng, mình ngựa (Long Mã) đang bay trên mây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét